Dinh Gia Long - nơi tạm dùng làm Phủ Tổng Thống thay cho Dinh Độc Lập đang đại tu nhân cuộc oanh tạc của hai phi công Quốc Dân Đảng phản loạn năm ngoái - êm dịu và mát mẻ với các đại sảnh sàn lót đá hoa cương, trần cao vời vợi, trái hẳn với cái nóng hầm hập ban trưa giữa trung tâm Sài Gòn rộn rịp khi Guy Sherman bước qua ngả cổng chính ở mặt tiền, đi vào dinh. Hắn nhấc chiếc kính mát sậm màu xuống trong vài giây, đủ thời gian cho việc kiểm soát thẻ ra vào. Vừa nhận lại thẻ từ tay người lính mắt xếch thuộc đơn vị Lực lượng Đặc biệt Việt Nam do Hoa Kỳ huấn luyện, nay được tăng phái bảo vệ Phủ Tổng Thống, Guy lập tức đeo lại kính và nhanh nhẹn rảo bước tới cầu thang rộng, bằng đá cẩm thạch, dẫn thẳng lên tầng hai.
Guy biết phòng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được đặt trên tầng ba, đi lên thêm một đoạn cầu thang nữa. Phòng đó bày biện đơn giản đúng theo truyền thống khắc khổ của giới quan lại An Nam, với bàn giấy, chiếc giường cứng bằng gỗ cẩm lai, mấy kệ sách và tủ hồ sơ. Nó được dùng làm phòng ngủ, phòng ăn lẫn phòng làm việc cho con người tịch mịch ấy, kẻ suốt chín năm nay làm nguyên thủ nước Việt Nam Cộng Hoà, với đức tin vào ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng là kẻ có lời đồn rằng đã khấn hứa sống độc thân trọn đời tại một tu viện Đa Minh nào đó ở châu Âu.
Trong căn phòng nhỏ ấy, Tổng Thống Diệm tiếp xúc với mọi khách người Việt và chỉ một ít người nước ngoài có chọn lựa cùng những kẻ ông muốn gặp riêng, thí dụ viên chức CIA Mỹ cỡ Guy Sherman. Còn khách nước ngoài được ông tiếp kiến chính thức tại đại khách sảnh đồ sộ ở tầng trệt, nơi trước đây thống đốc Pháp ở Nam kỳ từng chủ tọa các buổi tiếp tân.
Nhưng vào một dịp như hôm nay, Guy Sherman, không đi vượt quá tầng hai, nơi đặt văn phòng của Cố vấn Tối cao Ngô Đình Nhu. Ông là bào đệ của Tổng Thống và đăëc biêät là một kẻ đa mưu, tổ chức giỏi, sính lý thuyết, thường tâm đắc câu "Kẻ thù của chúng tôi không chỉ Cộng Sản mà còn những người ngoại quốc xưng là bằng hữu". Tới bên ngoài cửa văn phòng ấy, Guy đứng chịu trận cho một thiếu tá LLĐB mặc đồng phục trắng khám xét tỉ mỉ khắp người. Khi viên thiếu tá mặt nguội ngắt thấy người khách Mỹ chẳng lận trong mình một thứ vũ khí nào, y mới bằng lòng đưa Guy vào một phòng thênh thang, rộng gấp mấy lần căn phòng của Tổng Thống.
Phòng được trang trí bằng các đầu cọp, trâu và nai nhồi bông hoặc mạt cưa mà Guy phỏng đoán chúng bị hạ chung quanh đồi núi Đà Lạt, vùng đất săn bắn Ngô Đình Nhu ưa thích. Trên tường treo đường bệ một bức tranh chân dung sơn dầu lớn bằng người thật, vẽ một phu nhân Việt Nam chất ngất những đường nét kiêu hãnh và mặc áo dài bó sát da thịt.
Guy có cảm tưởng dường như họa sĩ phóng đại những đặc điểm cốt lõi của đối tượng, tạo cho vóc dáng nhỏ nhắn của giai nhân ấy một bộ ngực hấp dẫn đầy ăm ắp và rất khêu gợi nhục cảm; đồng thời còn tô vẽ thêm để mỹ nhân ấy có cặp mắt long lanh kiêu kỳ theo kiểu nhân vật phản diện trong kinh kịch Bắc Kinh. Bức tranh nhìn xuống còn bản thân người chồng an tọa sau chiếc bàn giấy khổng lồ bằng sơn mài màu đen, mặc quần đen vừa vặn thân mình cùng áo sơ mi lụa ngắn tay màu vàng nhạt, đang cắm cúi đọc hồ sơ trong khi miệng ngậm điếu thuốc lá tỏa khói.
Rồi làm như vô tình ngẩng đầu và bất chợt thấy Guy, Ngô Đình Nhu từ từ đặt điếu thuốc xuống mép chiếc gạt tàn thủy tinh, đứng dậy chìa tay. Bộ mặt da khô ấy nứt ra thành một nụ cười:
- A, Monsieur Sherman đây rồi. Rất hân hạnh được gặp ông. Thì ra gia đình ông không xa lạ gì với đất nước của chúng tôi.
Trong khi bắt tay, Guy ngó xuống thấy một tập hồ sơ bìa màu vàng đậm có in tiêu đề: Sở "Nghiên Cứu Chính Trị & Xã Hội". Và Guy quá rõ đó là lối nói trại danh xưng của cơ quan mật vụ Nam Việt Nam mà ai cũng biết do Ngô Đình Nhu cầm đầu. Nhìn gần hơn, Guy có thể đọc ra tên của hắn ở góc phải, được đánh bằng máy chữ sát ngay dưới con dấu phân loại "Tối Mật". Bên cạnh đặt cuốn sách của Joseph Sherman trong đó có phần nghiên cứu lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Bắc Kinh thời phong kiến. Ngô Đình Nhu vừa đi quành bàn giấy, hướng dẫn Guy tới bộ xa-lông, vừa nói:
- Tôi vừa đọc thấy vào giữa thập niên hai mươi, vị thượng nghị sĩ thân phụ anh có mang gia đình sang đây săn bắn tại vùng đồi núi tôi thường đi săn - và người anh cả của anh chẳng may tử nạn tại đó; thật bất hạnh. Người anh thứ hai của anh, mà tôi tin rằng từng có lý do để trở lại đây nhiều lần, cũng là tác giả một cuốn sách rất công phu và có thiện cảm đối với lịch sử của xứ sở chúng tôi.
Ngô Đình Nhu nói tiếng Pháp cực chuẩn nhưng với giọng nghèn nghẹt, chậm rãi và khó chịu. Guy mỉm cười đón nhận lối vào chuyện cố làm ra vẻ thân thiện ấy. Vừa đặt người xuống ghế bành, Ngô Đình Nhu châm một điếu thuốc khác:
- Anh xuất thân từ một gia đình chính khách và học giả, cái đó thuận lợi cho chúng ta trò chuyện. Monsieur Sherman ạ, có phải đó là lý do khiến CIA chọn anh để điều tra cách thức chúng tôi đang dự tính đối phó với những xúc phạm trắng trợn của Phật giáo?
Câu hỏi đột ngột đó dồn Guy vào thế thủ. Trong khi tìm câu trả lời, Guy nhìn kỹ hơn nét mặt của Ngô Đình Nhu. Là người Việt Nam duy nhất, cho tới nay, tốt nghiệp thủ thư từ một học viện cổ thuộc lại khó theo học nhất của Pháp, sau đó về làm việc tại Thư viện Quốc gia Hà Nội cho tới ngày nổ ra cuộc chiến tranh Việt-Pháp, người em của Tổng Thống Diệm từng có thời tuấn tú đẹp trai, thần tượng của nhiều tiểu thư Hà Thành. Nhưng hiện nay, với số tuổi năm mươi hai, da mặt ông tái xám, khô và nhăn trông như hậu quả của thói quen hút á phiện. Nụ cười của ông lạnh lẽo. Mắt ông long lanh vẻ lấp lánh khác thường. Và Guy kết luận rằng lời đồn đãi ông ta dùng thuốc phiện có lẽ không ngoa chút nào.
Guy cũng nói bằng tiếng Pháp, cẩn thận chọn từng lời:
- Thưa ông cố vấn, quan tâm hàng đầu của thân phụ tôi là sự đóng góp của người dân Virginia trong mọi lãnh vực sinh hoạt của Hoa Kỳ. Anh Joseph của tôi giới hạn những nghiên cứu có tính hàn lâm của anh ấy vào chuyên đề Việt Nam thời quá khứ. Cũng như mọi viên chức khác phục vụ trong ngành ngoại giao tại đây, tôi chỉ quan tâm tới hiện tại của quí quốc. Chúng tôi chỉ cố gắng cung cấp cho những người hoạch định chính sách ở bên nhà những thông tin đáng tin cậy.
Cầm tách trà bốc khói vừa được người phục vụ mang ra, Ngô Đình Nhu ra hiệu mời Guy tách còn lại trong khay. Rồi ông đưa lên miệng nhắp trước một hớp:
- Monsieur Sherman ạ, thảo luận về các nhiệm vụ của CIA không phải là việc của anh hay của tôi. Tôi vui vì anh tới đây hôm nay. Một cuộc gặp gỡ không chính thức thuộc loại này với một người như anh cho phép tôi có thể thoải mái thổ lộ những ý nghĩ riêng tư của mình. Với ông đại sứ của anh thì có quá nhiều ràng buộc vào nghi thức. Mời anh dùng trà. Ta vào đề ngay.
Vị cố vấn tối cao của Ngô Tổng Thống hút chưa hết điếu thuốc này đã nối thêm điếu khác:
- Tôi chỉ có thể trình bày nguyên tắc các dự tính của chúng tôi đối với Phật giáo. Hẳn anh biết rất rõ, suốt chín năm qua, Phật giáo phát triển không thua thời Pháp thuộc, với việc thành lập thêm gần hai chục Hội Phật giáo. Họ hiện có bốn nguyệt san không bị chính phủ kiểm duyệt. Con số các giáo phái và hiệp hội Phật giáo hiện sinh hoạt có giấp phép là 35. Trên hai ngàn rưỡi ngôi chùa được xây dựng thêm. Chính phủ cấp hàng chục triệu để xây cất hoặc trùng tu chùa, trong đó có chùa Xá Lợi. Chính người em của tôi tại Huế cũng giúp trùng tu chùa Từ Đàm. Chúng tôi dự tính sẽ đẩy mạnh hơn những hỗ trợ đó, nhưng từ xưa tới nay, các ngôi chùa tại Việt Nam sinh hoạt vừa đa dạng vừa đặc trưng theo từng tông phái. Và không phải tông phái nào cũng chấp nhận nằm trong một tổ chức Phật giáo thống nhất chặt chẽ về giáo pháp, phẩm trật và tài sản như giáo hội Công Giáo.
Ngô Đình Nhu phà khói thuốc lên trần nhà:
- Việc tự thiêu hôm qua thật đáng tiếc. Nhất là nó xảy ra khi chính quyền đang chính thức thương thuyết với Ủy ban Liên Phái của Phật giáo, một tổ chức qui tụ mười một Giáo phái và Hiệp hội hoạt động tích cực nhất. Có điều chết cho một nguyên cớ chưa hẳn biến được nguyên cớ ấy thành chính đáng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thương lượng và tìm cách nắm thế chủ động. Nguyên tắc của anh em chúng tôi từ năm 1955 tới nay vẫn là không nhượng bộ các tôn giáo để họ có cơ hội biến thành một thực thể chính trị có tổ chức và đầy tham vọng.
Ngừng một chút, vị cố vấn của Tổng Thống Diệm đưa tay lên bóp trán như cực chẳng đã phải nói ra ý nghĩ của mình:
- Phật giáo, cũng như mọi tôn giáo, sở trường của họ là tôn giáo, tu học, hoằng pháp, văn hóa giáo dục và từ thiện xã hội. Bằng những sinh hoạt vô vị lợi ấy họ giúp các tín đồ hành đạo giữa đời và góp phần củng cố xã hội dân sự. Trong khi đó, hoạt động chính trị đòi hỏi những định chuẩn nghiệt ngã về trình độ, tổ chức, chuẩn bị, mưu chước và lãnh đạo. Anh thừa biết bất cứ tín đồ nào cũng có triển vọng làm một chính khách chuyên nghiệp và lão luyện nhưng kẻ là tu sĩ dẫu có muốn làm thủ lãnh chính trị cũng chỉ là một thứ tay mơ; y như nữ tu dạy mẫu giáo mà cứ đòi làm giám đốc một vũ trường. Tôn giáo, kể cả cái giáo hội được kể là có kinh nghiệm chính trị nhất như Công Giáo La mã, nếu với sự lãnh đạo của giới tu sĩ thuần thành mà trực tiếp lao vào đấu trường chính trị đầy phản trắc, không sớm thì muộn cũng sẽ phân hóa, hư hoại và tự sát.
Nói tới đây, Nhu nhìn thẳng vào mặt Guy, làm như kềm lại tiếng thở dài:
- Cũng thật đáng tiếc là cách đây một giờ, tôi vừa nhận được báo cáo rằng các chỉ huy trưởng quân sự của quí vị đã hạ lệnh cho tất cả cố vấn Mỹ rút ra khỏi các đơn vị được chính phủ phái đi kiểm soát Phật giáo.
Guy trả lời ngay:
- Chắc ông cố vấn thừa biết rằng sự hiện diện của các cố vấn Mỹ tại đây là chỉ để hỗ trợ các đơn vị QĐVNCH trong công cuộc chiến đấu chống Cộng Sản.
Bằng bàn tay cử động lừ đừ uể oải, Ngô Đình Nhu dụi điếu thuốc vào gạt tàn, rồi lập tức rút một điếu khác từ chiếc hộp đồi mồi đặt giữa bàn. Châm xong điếu thuốc mới, trên mặt ông thêm lần nữa xuất hiện nụ cười không vui:
- Ai có thể đoan chắc rằng không có bàn tay của Cộng Sản đằng sau những hoạt động mệnh danh là đấu tranh cho tôn giáo của các nhà sư?
- Trong tình hình này, thưa ông cố vấn, hình như chưa ai có thể trả lời dứt khoát cho câu hỏi đó. Nhưng nếu ông cố vấn có bằng chứng đáng tin cậy nào để hỗ trợ cho luận điểm ngược lại, tôi sẽ sung sướng chuyển ngay nó cho Toà đại sứ Hoa Kỳ. Trong khi chờ đợi, chúng tôi buộc lòng phải cho rằng hai vấn đề ấy chẳng chút nào liên quan nhau. Tôi tin rằng ông đại sứ của chúng tôi đã thông báo cho bào huynh của ông cố vấn rằng Washington đang quan ngại cuộc khủng hoảng Phật giáo có thể gây bất ổn cho xứ sở của quí vị tới một mức độ rộng lớn khiến các nỗ lực quân sự bị xói mòn tới tận nền tảng. Và cuối con đường đó, các quân nhân Mỹ ở đây có thể bị lâm nguy.
Im lặng đứng lên, Ngô Đình Nhu đi mấy bước tới bức vách đối diện, rồi đột ngột quay lại:
- Tôi khá mệt mỏi vì thường nghe luận điểm lấy sinh mạng của các quân nhân Mỹ làm thước đo mức độ bất ổn của Việt Nam Cộng Hoà. Có quá nhiều người Mỹ quên rằng đây là cuộc chiến tranh của chúng tôi và máu người Việt cũng đỏ không thua máu của người Mỹ. Chúng tôi nhận được nhiều báo cáo từ các địa phương và các đơn vị gởi về kèm theo những lời than phiền người Mỹ. Khi người Mỹ mới tới, người Việt rất kính nể họ vì họ làm việc chăm chỉ, có kỷ luật và không bẳn gắt, không lên giọng với chúng tôi. Tuy nhiên tác phong ấy đang sa sút theo với thời gian và nhân số. Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ cũng chẳng nể nang chủ quyền của chúng tôi khi họ tự do tung hoành trên cao nguyên. Chúng tôi biết ơn sự hỗ trợ của các bằng hữu trong thế giới tự do, nhưng có phải đã tới lúc người Việt Nam nên chủ động giải quyết cuộc chiến tranh của mình.
Guy giật mình. Hán hít vào một hơi thật sâu và thấp giọng hỏi:
- Thưa, ông cố vấn nói như thế có ý gì ạ? Theo như tôi biết, thật khó mà nói rằng có thể tách cuộc chiến tranh tại đây khỏi khung cảnh cuộc xâm lấn của chủ nghĩa Cộng Sản trên toàn thế giới.
Ngô Đình Nhu dừng bước ngay trước mặt Guy:
- Vấn đề là ở chỗ đó, thưa anh. Đôi khi tôi nghĩ có lẽ tốt hơn cho người Việt chúng tôi nếu cuộc chiến tranh này không bị đánh giá như thế. Với tôi, đây chủ yếu là cuộc chiến tranh của Hà Nội nhằm xâm chiếm Sài Gòn để thu tóm hai miền dưới sự thống trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Như thế, kẻ nào có đủ thẩm quyền để quyết định rằng cuộc chiến này phải là một bộ phận trong toàn bộ cuộc chiến tranh lạnh trên toàn thế giới, cả cứu cánh lẫn thời gian. Rồi một ngày chắc chắn phải tới, Hoa Kỳ của anh cùng Trung Cộng nọ và Nga Sô kia dàn xếp được quyền lợi với nhau thì lúc đó, ai đảm bảo rằng các vấn đề của chúng tôi được giải quyết thỏa đáng. Người Mỹ vẫn thường nói tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc. Vậy tại sao chúng tôi không thử đi trước một bước để tự giải quyết vấn đề của mình.
Ngồi xuống ghế và uống cạn tách trà, Nhu nói tiếp:
- Hồ Chí Minh với anh tôi không phải chưa từng đối mặt nhau và không tôn trọng nhau. Những thành quả của Ấp Chiến Lược đang dồn MTGPMN vào thế bị động. Từ ba năm nay, Việt Cộng không mở được một trận đánh qui mô lớn nào. Vụ Ấp Bắc chỉ là một biệt lệ. Để xây dựng miền nam, chúng tôi có chủ nghĩa Cần Lao Nhân vị, một lý thuyết đủ sức tranh luận với chủ trương toàn trị của Cộng Sản và tự do phóng túng của tư bản. Để nắm vững quân công cán chính, chúng tôi có đảng Cần Lao. Hàng ngũ hóa quần chúng thì có các Liên đoàn, Tập đoàn, Phong trào Thanh niên, Phụ nữ,v.v. Nga sô và Trung Cộng sắp sửa xung đột nhau, như thế, Hà Nội không có khả năng theo đuổi lâu thêm nữa cuộc chiến tranh này. Đã tới lúc Hà Nội có thể thấy cách tốt để hai bên thoát ra khỏi vòng quay của Chiến Tranh Lạnh là chúng tôi nên ngồi lại với nhau, tìm một cách thức giải quyết giữa những người Việt Nam với nhau. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây có đăng lại trên tờ New Times của Nga, Hồ Chí Minh nói rằng ông ấy vẫn mở rộng cửa cho một giải pháp chung giữa hai miền trên căn bản hiệp định Genève 1954.
Guy choáng váng, hỏi gặng:
- Có phải đó là ý nghĩa chậu đào phương bắc được chưng bày tại Phủ Tổng Thống đầu năm nay không ạ?
- Đó là những cành đào của ông Hồ gởi vào tặng cho anh tôi. Cám ơn anh đã để ý; nó chứng tỏ việc chúng tôi biết không thể qua được mắt CIA là đúng. Và quí vị cũng thừa biết rằng đó cũng là nỗ lực trung gian của Hung và Ba Lan trong Ủy hội Kiểm soát Đình chiến.
Trong một chốc, người Việt Nam chăm chú nhìn người Mỹ rồi trên mặt hằn rõ nét một nụ cười giả tạo:
- Monsieur Sherman, anh biết không, tôi đang nghiêm túc tự hỏi không biết tôi có bị buộc phải thuyết phục ông anh của tôi rằng đã tới lúc chúng tôi không nên xem viện trợ quân sự của Mỹ như một nguồn tài nguyên duy nhất cho toàn bộ. Nói riêng giữa ông và tôi biết thôi, tôi có thể kể với ông rằng lúc này người Pháp đang đề nghị tạo cơ hội cho chúng tôi móc nối với Hà Nội dễ dàng hơn - hiển nhiên đó chỉ là vì quyền lợi kinh tế vị kỷ của họ tại xứ sở chúng tôi thôi! Nhưng cũng như Washington vẫn nói chuyện với Mạc tư khoa, tôi chợt nghĩ tại sao Sài Gòn lại không nói chuyện với Hà Nội nhỉ? Và có thể tới lúc này Hà Nội cũng tự hỏi tại sao không đặt quan hệ giữa người Việt hai miền bằng một đường lối không chiến tranh, như hiện trạng của Triều Tiên và Đức ngày nay? Chúng ta không nên quên, phải không, rằng đang hiện hữu nhiều sự lựa chọn bên cạnh các giải pháp của Hoa Kỳ.
Guy lại chầm chậm hít vào một hơi thật dài. Sự hăm dọa trong lời bình luận úp mở và ranh mảnh này thật không thể nào lầm lẫn. Nếu dự tính điều đình với Hà Nội ấy được tuyên bố công khai cho chính quyền Hoa Kỳ như Ngô Đình Nhu rõ ràng đang thử nghiệm, hẳn nó có tác dụng như một quả bom ngoại giao và sẽ làm Hoa Kỳ vô cùng bối rối. Guy trả lời với vẻ mặt không lộ chút cảm xúc:
- Thưa ông cố vấn, chúng tôi vẫn nói chuyện với Mạc tư khoa vì chúng tôi không lâm chiến với họ. Binh sĩ của chúng tôi có mặt tại đây vì Sài Gòn lâm chiến với Hà Nội. Thật cũng đáng cho ta suy ngẫm về sự khác biệt đó trước khi quí vị lập quyết định. Thêm nữa, cũng nên suy ngẫm liệu sự thay đổi giọng điệu hiện nay của Hồ Chí Minh có phải chỉ nhắm mục đích duy nhất là gieo mâu thuẫn và khoét sâu mối xung khắc nếu có giữa Sài Gòn và Washington?
Đang mỉm cười Ngô Đình Nhu bỗng nghiêm sắc mặt, điềm tĩnh nhìn chằm chặp người Mỹ:
- Đương nhiên chúng tôi phải nghiên cứu mọi khả năng, nhưng không phải nhờ sự soi sáng của kẻ khác người Việt mới có thể hiểu rõ nhau. Cái cực kỳ khó khăn là Việt Nam Cộng Hoà phải chiến đấu quyết liệt và phải mở rộng cửa cho các giải pháp khả thi. Hiện nay, chúng tôi ghi nhận được rằng đang có một khuynh hướng khá mạnh tại Ngũ Giác Đài muốn có một căn cứ quân sự của quí quốc tại Việt Nam, Cam Ranh chẳng hạn. Về mặt pháp lý, không ai có thểå bảo hành động ấy không vi phạm Hiệp định Genève, một văn bản còn hiệu lực vì Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến dù sao cũng vẫn hoạt động. Và trong tương lai, việc giải quyết chiến tranh Việt Nam không thể không cứu xét tới các nguyên tắc được đề ra trong văn bản Hiệp định ấy và mức độ thực thi chúng của các bên liên hệ. Giai đoạn này, nói thật với anh, điều làm ông anh của tôi suy ngẫm hơn bao giờ hết là, nếu không tìm một giải pháp nào đó để bảo vệ chủ quyền và nếu cứ tiếp tục chấp nhận sự can thiệp gần như độc quyền và ngày càng lấn sâu của một số người Mỹ, thì vô hình chung chúng tôi đang tự hủy diệt khả năng giải quyết cuộc chiến này trong danh dự, như thế, cũng có nghĩa chúng tôi đang tạo thế thượng phong chính trị cho một đối phương cứ lải nhải chiêu bài "giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước."
Ngô Đình Nhu đứng lên, đi mấy bước ngước mắt nhìn bức ảnh đi săn của mình treo trên vách, rồi đột ngột quay lui, nói rất chậm:
- Có thể đã tới lúc chúng tôi muốn người Mỹ hãy chỉ là một trong các bằng hữu hỗ trợ những gì chúng tôi cần tới, còn việc chiến đấu thì cứ để chúng tôi chủ động. Có thể chúng tôi sẽ đề nghị giảm xuống một nửa trong số mười sáu ngàn quân Mỹ hiện nay. Chúng tôi tin chắc rằng những thành quả hiện nay biện minh cho triển vọng thành công của phương án ấy.
Dứt câu ấy, Ngô Đình Nhu rít một hơi thuốc và nhìn lên trần nhà. Chờ Nhu nhả xong khói thuốc, Guy Sherman nói thật chậm và thật nhỏ:
- Chúng tôi mong ước sớm nhận được các văn bản chính thức về lập trường và ý định liên quan tới những vấn đề ông cố vấn vừa trình bày. Trong khi chờ đợi...
Ngay lúc ấy, bỗng có tiếng chân phụ nữ bước rất lẹ ở phía bên kia cánh cửa sau lưng Ngô Đình Nhu. Tiếng gót chân kêu lạch cạch giận dữ trên sàn nhà cẩm thạch, càng lúc càng lớn hơn nhanh hơn, rồi thình lình cửa bị kéo bật tung và một hình dáng nhỏ nhắn lướt vào phòng. Ngước mắt, Guy nhận thấy vị phu nhân trong bức chân dung trên vách đã xuất hiện giữa đời một cách cực kỳ gay cấn.
Mặc áo dài tươi sáng bằng lụa màu vàng nhạt điểm lấm tấm những lá dương xỉ màu lục tươi tắn, người Madame Ngô Đình Nhu toả sức sống sôi động lạ thường. Chiếc áo dán sát những đường cong gợi cảm trên thân thể bà như một làn da thứ hai. Mặt bà được điểm trang tinh tế để làm nổi bật đôi mắt sẫm màu và sắc sảo cùng hai gò má nhô cao của người nữ Á Đông. Trong khi đăm đăm nhìn bà, Guy thấy mình đang thay đổi nhận xét vừa rồi về bức chân dung kia của nhà họa sĩ. Rằng ông ta không chút nào biếm họa hoặc phóng đại đối tượng của mình mà là đã chuyên chở bằng nét vẽ và màu sắc một cách trung thực, giống y như tạc.
Vừa đặt chân vào phòng, Madame Nhu tuôn ra một tràng những lời lẽ dữ dội bằng tiếng Pháp với giọng the thé. Khi đến bên chồng, bà điên tiết ve vẩy cho chồng thấy một xấp báo nước ngoài và Mỹ. Bà liệng xấp báo thật mạnh lên mặt bàn xô-pha:
- Ông nhìn những cái này! Các thợ chụp ảnh Mỹ chắc chắn đút lót ông sư đó để ông ta tự nướng thịt mình cho họ chụp hình. Đây nhất định là một âm mưu do bọn Cộng Sản giật dây.
Trong khi Ngô Đình Nhu đọc lướt mấy tờ báo, vị đệ nhất phu nhân của chế độ đứng sau lưng chồng điên tiết ngó gườm gườm Guy. Lúc ấy hắn mới để ý thấy chiếc áo bà đang mặc khác với áo dài truyền thống ở điểm duy nhất: thay vì cổ áo cứng, cao và trang nghiêm che kín phần dưới cằm, chiếc áo Madame Nhu mặc được vẽ kiểu với đường viền nơi cổ khoét vừa đủ để nâng chiều cao của cơ thể bà lên và lôi cuốn thêm sự chú ý vào bộ ngực đầy đặn của bà. Và kiểu cách ấy cho thấy bà hoàn toàn biết rõ tác động ngoại hình khêu gợi của mình.
Madame Nhu nói, cũng với giọng đanh đá và giận dữ như lúc bà mới bước vào, lần này bằng tiếng Anh:
- Monsieur Sherman này, hoặc biết đâu chính CIA đang âm mưu kích động đảo chánh qua bè lũ Phật giáo đó?
Guy bứt rứt trở mình trong lòng ghế. Hắn từng nghe nhiều lời kể gián tiếp về các cơn thịnh nộ của bà Nhu và về sinh hoạt tình dục cực cao của bà. Và hắn có khuynh hướng gạt bỏ những lời đồn đãi đó, xem chúng là những phóng đại quá xa sự thật. Nhưng lúc này, lần đầu tiên nhìn thấy bà Nhu bằng xương bằng thịt với lối biểu lộ sôi nổi và đầy cảm tính của bà, hắn có ấn tượng rằng có lẽ bà sống còn vượt quá lời đồn đãi. Trong khi chờ câu trả lời của Guy, bà tiếp tục nhìn hắn chằm chặp, mặt ngước lên như thách thức. Nhưng trước khi Guy có thể thốt ra một câu trả lời rành mạch, Ngô Đình Nhu đã rời mắt khỏi mấy tờ báo, thở ra thành tiếng. Rồi ông ngẩng đầu và thêm lần nữa mỉm cười với hắn:
- Tôi hy vọng CIA không dính líu tới chuyện này. Chúng tôi biết quí vị đang cần anh em chúng tôi để xử lý hiệu quả cuộc Chiến Tranh Lạnh tại Đông Nam Á. Nếu quí vị thất bại tại cái xứ sở quí vị đã viện trợ từ năm 1954 tới nay, thì tại những nơi khác trên thế giới, sự ủng hộ của Hoa Kỳ chẳng còn có giá trị gì. Và vì thế, phải chăng sẽ không có một cuộc khủng hoảng tín nhiệm khắp thế giới giữa các đồng minh của quí vị? Dân chúng Mỹ thích làm người chiến thắng. Quí vị là một dân tộc giản dị. Trên tất cả mọi sự, quí vị ngưỡng mộ cuộc sống vật chất nhởn nhơ và sự chiến thắng - dù thắng trong các trò chơi hoặc trong chiến trận. Tôi thấy người Pháp tinh tế hơn. Họ mẫn tiệp hơn nhiều. Và nói thật với anh, đó là lý do khiến tôi chuộng lối sống Pháp hơn lối sống Mỹ.
Guy trầm tĩnh trả lời:
- Chắc chắn người Mỹ đơn giản ở điểm duy nhất, rằng chúng tôi biết rõ cái mà chúng tôi bênh vực. Chúng tôi không dễ dàng thay đổi lập trường. Tại đây, chúng tôi ủng hộ bất cứ cái gì giúp ích cho nỗ lực chiến tranh, và chúng tôi chống lại bất cứ cái gì gây trở ngại cho nỗ lực ấy. Chúng tôi không bỏ công sức ra để rồi thấy cuộc chiến tranh này thua vào tay Cộng Sản. Bằng hành động làm cho Phật giáo xa lánh mình, phải chăng quí vị đang khiến toàn thể xứ sở quay ra chống lại quí vị? Nếu làm theo lời ông đại sứ của chúng tôi đề nghị với bào huynh của ông rằng cứ thừa nhận sự kiện chất nổ bộc phát tại Huế là không do lệnh phát xuất từ Sài Gòn - và cấp cho các nạn nhân một khoản tiền bồi thường nào đó thì có phải dễ dàng hơn không?
Bỉu môi mĩa mai, Madame Nhu cướp lời:
- Đúng là hiệp sĩ dở hơi! Làm như thể người Mỹ lúc nào cũng ưu đãi kẻ yếu - kể cả khi không biết chắc chắn kẻ yếu đó là cái thứ nào! Tại sao chúng tôi phải bồi thường khi thủ phạm không phải là chúng tôi. Anh thừa biết vụ đài phát thanh Huế chỉ là một cái cớ. Làm sao chính quyền địa phương dám cho phát thanh một bài thuyết pháp gồm toàn những lời chỉ trích kịch liệt chính quyền trung ương? Chuyện bình đẳng tôn giáo cũng chỉ là một cái cớ. Có phải hiện nay, hầu hết bộ trưởng, tỉnh trưởng và tướng lãnh đều không là người Công Giáo? Muốn thay đổi cái Đạo dụ về hội đoàn có từ thời Bảo Đại đó thì phải chờ thời gian cho quốc hội sửa lại luật. Vậy đó. Nếu chúng tôi nhượng bộ Phật giáo một cách vô nguyên tắc thì các đòi hỏi của bọn họ sẽ vô tận. Họ cứ việc tự thiêu, còn chúng tôi, chúng tôi không có ý định tự sát!
Bà Nhu vừa nói vừa đứng chống nạnh, trụ hai chân với thái độ đanh đá và tư thế thách thức. Dù mang giày gót cao một tấc bằng da màu ngọc bích sản xuất ở Paris, bà vẫn không cao quá một thước sáu. Bà tuôn tiếp từng tràng với vẻ hung tợn của một con mèo cái đang lên cơn điên, xen lẫn tiếng Anh với tiếng Pháp:
- Nếu anh muốn đến đây để tìm hiểu thái độ của chúng tôi ra sao đối với bè lũ Phật giáo thì thưa anh, chúng tôi nói thẳng thế này, nếu có thêm một lão thầy chùa nào muốn tự đốt mình cho tới chết, tôi sẵn sàng cúng dường xăng và diêm quẹt!
Hai mắt của người đàn bà Việt Nam loé lên. Bà lúc lắc đầu khinh mạn, lặp lại cái ý tưởng thách thức có lẽ bà cảm thấy rất đắc chí:
- Nếu bọn chúng thèm muốn nướng thịt thêm ông sư nào nữa, cá nhân tôi sẽ vỗ cả hai tay!
Guy né hai con mắt của bà Nhu. Hắn quay sang người đàn ông ngồi trước mặt mình và ướm lời:
- Quí vị sẽ hoàn toàn đánh mất thiện cảm của các quốc gia dân chủ trên thế giới nếu quí vị nghiền nát đối thủ của mình bằng võ lực. Tại Hoa Kỳ, có một số người thắc mắc tại sao chính phủ Việt Nam hiện nay không mở rộng và chấp nhận đối lập. Ông cố vấn có từng nghĩ tới điều đó không ạ?
Ngô Đình Nhu trả lời với giọng khàn khàn:
- Monsieur Sherman, xin anh chuyển cho quí vị ấy câu trả lời sau đây của tôi. Muốn có dân chủ thì phải có hòa bình, nâng cao trình độ người dân để họ ý thức quyền lợi và trách nhiệm của mình trước pháp luật và chính quyền các cấp phải hành xử theo pháp quyền. Chúng tôi đang đào tạo những viên chức có năng lực và có tinh thần trách nhiệm. Cái gọi là các đảng phái hoặc tổ chức chính trị của chúng tôi hiện nay chỉ gồm vài nhóm nhỏ trí thức xa-lông, hoặc tàn dư các đảng phái cũ sinh hoạt theo lối hội kín, thích cát cứ, thích khuynh đảo, nhiều khi thích chơi trò khủng bố. Trên nguyên tắc, chúng tôi rất thông cảm và tương nhượng họ vì đó là hậu quả của thời phải đấu tranh bí mật và gian khổ với Pháp. Nhưng họ cần thời gian để chuyển mình từ những cá nhân nói suông, những ban chấp hành lạc lỏng và những bè nhóm đầy tính cách bộ lạc thành các tổ chức tôn trọng pháp luật và chuyên nghiệp.
Nhìn xuống mũi giày của mình, rồi nhìn trở lại Guy, Nhu nói với giọng như tiếc rẻ nhưng không kém khẳng định:
- Chúng tôi phải lựa chọn cái nào là ưu tiên, giữa cái gọi là tự do dân chủ lý tưởng theo kiểu của quí vị hoặc an ninh trật tự hợp với hoàn cảnh chiến tranh và một xứ sở vừa thoát cảnh 80 năm nô lệ, còn mang trong mình đủ loại thương tật và xung khắc. Nghĩa là chọn lựa giữa hổn loạn và ổn định. Nếu xứ sở không ổn định, chúng tôi không thể thắng lợi cả trên hai lãnh vực hỗ tương là tiêu diệt Cộng Sản và phát triển quốc gia. Monsieur ạ, lúc này, thú thật với anh, có Cộng Sản làm đối lập là quá đủ. Khi nào chúng tôi giải quyết xong cuộc chiến tranh này và xây dựng được hạ tầng cơ sở kinh tế, đó sẽ là lúc cân nhắc xem mình có thể cùng chơi trò tự do dân chủ với các nhóm đối lập hợp pháp hay không.
Dừng lại để châm một điếu thuốc nữa, Nhu rít mạnh, phà khói. Qua làn khói, Nhu nhìn thẳng vào mặt Guy:
- Hơn nữa, thật chẳng hay ho gì khi chính phủ hợp hiến của một chế độ dân chủ pháp trị trong một quốc gia có chủ quyền lại bị buộc phải chấp nhận cái thứ đối lập hễ tranh cử mà thua thì chỉ chực đảo chánh. Theo cái kiểu "được làm vua, thua làm giặc", hoặc tệ hơn nữa, đối với những tướng lãnh, những chính khách thiếu sĩ diện dân tộc, chưa thoát khỏi cái não trạng phiên thuộc cả ngàn năm là "được thì làm vua, thua thì cầu viện ngoại bang"!
Sherman nói điềm tĩnh:
- Tôi xin phép được nói là, dù sao đi nữa hẳn sẽ không thực tế khi trên đường phấn đấu cho một mục tiêu cao cả mà chúng ta tự tay mình làm hư hoại tận nền tảng những giá trị làm thành mục tiêu đó. Tôi không biết các mật báo viên của ông cố vấn tường trình như thế nào nhưng việc hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu không chỉ làm kinh hoàng dân chúng Mỹ; nó còn tác động sâu xa lên những người Việt bình thường. Ít nhất tại Sài Gòn cũng có một cậu bé giúp việc nói với người chủ Mỹ của cậu ta rằng sự tự thiêu ấy chứng tỏ chính quyền của Tổng Thống Diệm là xấu.
Qua làn khói thuốc, Ngô Đình Nhu trầm ngâm quan sát người Mỹ và nói:
- Tốt hơn là anh chớ nghe lời nói vớ vẩn của mấy cậu bé giúp việc lặt vặt trong nhà, nhưng tôi thật sự không nghĩ rằng mình cần phải nói với anh lời khuyên ấy. Anh đã khôn ngoan tới thẳng văn phòng của tôi để tìm hiểu cho sáng tỏ và anh đã không đi lên tầng thứ ba.
Ông nhướng cặp mắt một cách đầy ý nghĩa lên hướng trần nhà, nơi đặt phòng của Tổng Thống phía trên họ:
- Ít ra CIA cũng hiểu lúc này quyền lực thật sự đang nằm ở chỗ nào. Anh biết không, chẳng may ông anh của tôi lại bị hành hạ vì căn bệnh của quí vị - khao khát được hoà giải và nhượng bộ vô nguyên tắc. Anh ấy thèm muốn - như người Pháp thích nói - có "một vòng tròn với đủ các góc". Anh ấy muốn mọi người bắt tay nhau, không đổ máu. Anh ấy tin rằng mọi sự đều được an bài và che chở theo một đường thẳng với cuộc sáng thế của Đấng Tối cao! Còn nữa, anh ấy không muốn thế giới bên ngoài có những ý nghĩ không tốt về gia đình chúng tôi.
Trong khi Ngô Đình Nhu nói về thánh ý và thị phi, Madame Nhu vẫn nhìn người Mỹ chằm chặp với hai con mắt rực lửa, nhưng đôi vành tai xinh xắn của bà như rung theo từng lời lẽ của chồng. Bà đệm vào:
- ... Còn đối với vợ chồng tôi, cái thế giới đó có nghĩ ra sao về chúng tôi thì mặc họ!
Trong một chốc, khắp phòng yên lặng. Rồi Ngô Đình Nhu nôn nóng xoay đi xoay lại trên ghế ngồi:
- Như thế, Monsieur Sherman, tôi nghĩ anh đã biết ít nhiều về lập trường hiện nay của chúng tôi, phải không? Nhưng tôi không chắc chắn về thái độ của CIA. Có phải CIA đang trở mặt chống lại chúng tôi và bắt đầu có thiện cảm với Phật giáo?
Guy thở ra mệt mỏi:
- Thưa ông cố vấn, tôi cũng khá mệt mỏi để nhắc nhở với mọi người rằng CIA không có chính sách nào. Cơ quan CIA phục vụ chính phủ Hoa Kỳ bằng việc thu thập thông tin. Tôi có mặt ở đây vì tôi rất muốn được biết ông đang nghĩ gì. Chúng tôi biết rõ ảnh hưởng quan trọng và chủ yếu của ông và Madame Nhu đối với Tổng Thống. Chúng tôi muốn giữ thật thông suốt những đường dây giao lưu giữa chúng tôi với quí vị.
Ngô Đình Nhu nói chua chát:
- Nhưng Monsieur Sherman ạ, đôi khi để giữ cho các kênh truyền đạt đó hoạt động điều hoà thì một hành động biểu lộ thiện chí mang ý nghĩa rất quan trọng. Bằng không chúng tôi có thể thấy không cách gì gạt khỏi đầu óc chúng tôi cái ý nghĩ không hoan nghênh quí vị.
- Tôi cũng có dự liệu một cái gì đó giống như thế. Người Mỹ cũng có thể giỏi trong việc hiểu rõ người khác.
Guy đột nhiên mỉm cười, thò tay vào túi trong áo vét-tông. Lấy ra một mảnh giấy gấp sẵn, hắn đặt nó lên bàn giấy trước mặt Ngô Đình Nhu, rồi đứng lên và xoay mình, bước tới cửa ra. Đặt tay lên núm cửa, hắn dừng lại, ngoái lui thấy Madame Nhu đang nhìn qua vai chồng, ngó xuống mảnh giấy có tiêu đề Khách sạn Continental Palace. Guy nói chậm rải:
- Đó là pháp danh của nhà sư đã mách cho toán truyền hình Anh - và có thể luôn cả cho đám báo chí nước ngoài nữa. Tôi nghĩ có thể ông đang quan tâm và muốn có cái đó.
Khi xoay mình đóng sập cửa lại sau lưng, Guy thấy Madame Nhu háo hức cầm mảnh giấy trên tay chồng. Và Ngô Đình Nhu bắt đầu mỉm cười thêm lần nữa, với nụ cười lạnh tanh, không chút hài hước của mình.