Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> TRĂNG HUYẾT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 102332 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TRĂNG HUYẾT
ANTHONY GREY & NGUYỄN ƯỚC

- 12 -

Trong hầm tham mưu trưởng dưới mặt đất lòng chảo Điện Biên Phủ, đại tá Paul Devraux ngồi đưa mắt nhìn trống rỗng vào vách hầm phủ chiếc chiếu cói trước mặt bàn làm việc của mình. Dù cố không để ý tới nhưng giọng ăm ắp xúc động của người nữ danh ca Pháp đang hát "Bài Ca Người Du Kích" qua hệ thống truyền tin chỉ huy vẫn làm anh không tập trung nổi tâm trí để chú ý cách riêng vào bản báo cáo buổi sáng về tình hình mặt trận địch.
Khuôn mặt Paul mướt mồ hôi, hốc hác và hằn sâu nét mệt mỏi. Cứ một hai phút, với vẻ khích động, anh lại đưa tay lên ngang lông mày chà xát vòng băng quấn quanh trán.

"Giờ đây, quân thù sẽ biết ngay lập tức giá máu và giá nước mắt của chúng ta!
Vùng lên các bạn ơi, từ những thành thị tan hoang, vùng lên từ những ngọn đồi...
Đêm nay tự do đang lắng nghe chúng ta!"

Qua liên lạc vừa rồi với các chỉ huy trưởng mấy cứ điểm chưa bị đối phương tràn ngập, Paul biết rằng bài ca xúc động này đang có tác dụng như thôi miên các quân nhân của binh đoàn. Trong lòng chiến hào, lính dù Pháp và lính Lê dương mụ mẫm tâm thần, thậm chí còn quẫn trí hát theo đĩa nhạc. Trên các ngọn đồi thấp thuộc cụm cứ điểm A+ và C+, bài ca ấy rền vang trong tai những người lính Pháp sau chót đang chống trả, trong khi từng đợt xung phong của Việt Minh tràn qua các chiến hào và càn lên các lô-cốt theo với tiếng gió mùa thổi phần phật. Từng chốt rồi từng chốt và rồi cả những pháo đài nhỏ kế tiếp nhau sụp đổ bất chấp sự chống trả rất can trường, một mất một còn, của quân phòng ngự. Và tới thời điểm này, vòng đai phòng thủ ở khu trung tâm bị thu hẹp lại, còn nhỏ hơn chu vi một sân vận động bóng đá.
Đang nghe hát, Paul bỗng nhớm chân vì có tiếng kêu lè xè của chiếc máy truyền tin dã chiến đặt sát bên khuỷu tay. Liếc xuống đồng hồ tay, anh thấy gần mười giờ. Không dừng lại để nhắc ống nghe, anh cầm xấp hồ sơ trên bàn lên, lật đật chạy ra giao thông hào dẫn tới hầm chỉ huy trưởng.
Trên trụ cửa hầm, người ta mới gắn một tấm bảng nhỏ ghi rõ cấp bậc của De Castries lúc này là thiếu tướng. Ông vừa được những thượng cấp bất lực ở Hà Nội thăng quân hàm mấy hôm trước, cùng với hết thảy các chỉ huy trưởng đơn vị ở Điện Biên Phủ. Thế nhưng các cầu vai mới toanh và sâm-banh thả dù xuống cho họ uống mừng cấp bậc mới, mỉa mai thay, lại rơi vào khu vực chiến hào của đối phương.
Vô tới trong hầm, Paul, lúc này là đại tá thực thụ, thấy De Castries ngồi thờ thẩn với điếu thuốc lá ngậm hờ hửng trên miệng. Mặc quân phục màu nâu, đội mũ nhà binh bằng vải mềm màu nâu đỏ không vành và có lưỡi trai, kiểu đặc biệt của Trung đoàn Ma-rốc ông từng làm chỉ huy trưởng, De Castries chào viên sĩ quan tham mưu trưởng của mình bằng một cái gật đầu lơ đãng.
Mắt nhìn xuống bản ghi nhận tình hình mặt trận, Paul báo cáo:
- Lúc này địch tập trung hai Sư đoàn 312 và 316 ở cạnh sườn phía đông của ta, cùng với hai trung đoàn tăng phái của Sư đoàn 308. Chúng chỉ giữ lại một trung đoàn đối diện cạnh sườn phía tây của ta. Tổng cộng dường như địch có khả năng sử dụng khoảng ba mươi lăm ngàn quân. Pháo binh địch hiện vẫn là mục tiêu cho không lực ta. Lúc này, có bằng chứng rõ rệt rằng địch đang bố trí và sẽ dùng nhiều hỏa tiễn mới, loại Catiusa của Nga, để phóng vào chúng ta.
Nét mặt và giọng nói của De Castries mang vẻ cam chịu:
- Còn sức mạnh của chúng ta ra sao? Nghĩa là, nếu dùng chữ "sức mạnh" đúng với ý nghĩa của nó.
- Tối đa bốn ngàn người còn khả năng chiến đấu.
Paul ngừng nói, trở mu bàn tay lên chầm chậm quệt ngang khuôn mặt đẫm mồ hôi. Đầu anh nhức như bị nện búa, mắt thấy lập lòe chớp nháy và thị giác thỉnh thoảng mờ hẳn:
- Nhưng ngay cả lính dù và lính Lê dương gan góc nhất cũng không thể chiến đấu lâu thêm nữa trong tình trạng thiếu ngủ thiếu ăn. Tóm lại, có lẽ ba đại đội Khinh binh Ma-rốc sẽ không chiến đấu nữa; các tiểu đoàn lính sắc tộc Thái cũng vậy. Chỉ có các đơn vị nhảy dù người Việt của Quân đội Quốc gia vẫn cố cầm cự. Ngoài ra, chỉ còn hai đại đội của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Dù Lê dương cùng hai đại đội của Tiểu đoàn 8 Dù Xung Kích Pháp...
De Castries vẫy tay ra hiệu Paul dừng lại, với ngụ ý anh nên để lại xấp hồ sơ trên bàn cho ông đọc sau. Ông nói như lẩm bẩm:
- Với tất cả những gì hiện có, chúng ta phải chiến đấu bằng mọi giá để giữ vững bờ sông phía tây, bằng không, chúng ta không còn thức ăn và nước uống. Những đơn vị nào còn khả năng đột kích nên chuẩn bị khởi sự bung ra đêm nay.
Cảm thấy người xây xẩm lảo đảo, Paul đưa tay chống lên mặt bàn, giữ cho mình đứng vững:
- Trình thiếu tướng, tôi e rằng hiện có nhiều người không còn đủ sức khoẻ để chiến đấu phá vòng vây và băng rừng - nếu giả dụ chúng ta còn cầm cự nổi tới lúc trời tối. Thiếu tướng thấy, trong một giờ đồng hồ vừa qua, ta thất thủ thêm ba đồi trong cụm cứ điểm Elaine.
De Castries ngước mắt nhìn thật lẹ tham mưu trưởng:
- Anh cảm thấy trong mình không được khoẻ?
Trước mắt Paul, bộ mặt của thượng cấp hình như rạn ra từng mảnh. Anh lắc lắc đầu để nhìn cho rõ:
- Trình thiếu tướng, cũng như những người khác, tôi nghĩ mình thiếu ngủ quá, chỉ vậy thôi.
De Castries nói trầm giọng:
- Có lẽ còn hơn thế nữa. Trông anh như thể đang sốt. Anh về hầm, rán ngủ một giờ. Tôi sẽ sai người qua đánh thức nếu có việc cần kíp.
Về lại hầm, Paul ngả người xuống giường xếp, kéo mền lên đắp và nằm run lập cập. Anh gần như rơi ngay vào một giấc ngủ lơ mơ và nhọc nhằn. Trong khi bềnh bồng giữa trạng thái chập chờn mê mụ nửa ngủ nửa thức, những ý nghĩ từng bị anh phấn đấu nén kín kể từ lúc Joseph ra đi, giờ đây tràn ngập trở lại tâm trí anh.
Trong tám tuần lễ liên tục, đây là khoảnh khắc đầu tiên Paul thoát khỏi tình trạng căng thẳng thần kinh quá độ trong việc phụ tá chỉ huy công cuộc phòng ngự đầy tuyệt vọng tại lòng chảo. Vì thế, đây cũng là lúc anh nếm trải thêm lần nữa nỗi đau đớn dữ dội trong cơn cuồng nộ hiếu sát từng siết chặt anh lần đầu khi tâm tư anh bắt đầu thấm thía ý nghĩa những lời thú tội của Joseph.
Tuy đã từ lâu, tình vợ chồng của Paul và Lan không mặn nồng nhưng sự việc nàng, dù bất chợt hoặc hữu ý, không giữ lời thề chung thủy, lại còn phản bội với một kẻ anh hằng cảm mến sâu xa, đã làm anh choáng váng tột độ. Rồi cơn cuồng nộ ban đầu ấy về sau hạ hỏa, hóa thành một tâm trạng u uất mịt mùng. Từ đó, hình ảnh không chịu đựng nổi về những cuộc gặp gỡ vụng trộm của Lan và Joseph ám ảnh tâm trí Paul suốt ngày đêm. Và lúc này, trong cơn mê hầm hập sốt, anh thấy chập chờn không biết bao nhiêu lần cả hai đang lõa thể, đắm đuối và quằn quại trong vòng tay nhau.
Thân thể hư hao vì thấm thía cảm giác bất lực và mất mát, Paul đâm ra thờ ơ với sự an nguy của bản thân từ lúc nào không biết. Mấy ngày vừa qua, khi con số thương vong của sĩ quan trong binh đoàn lên cao, anh tình nguyện đích thân chỉ huy cuộc phản công lên cụm đồi cứ điểm Huguette. Sự liều lĩnh xem thường mạng sống của Paul đã chận được phần nào cơn thủy triều đang dâng trên chiến địa và mang về cho đơn vị một chuỗi chiến công đáng kinh ngạc.
Cuối cùng, tình trạng quay trở về hành động ấy khôi phục trong Paul niềm tin rằng mình có khả năng làm lại cuộc đời. Rồi dần dà, trong anh phát sinh một quyết tâm mới mẻ và kiên cường rằng dù có xảy tới điều gì đi nữa, mình phải sống sót trong cơn nước lũ đang cuốn phăng Điện Biên Phủ. Và mình phải trở về Sài Gòn.
Ở đó, anh sẽ đối mặt với Lan và Joseph. Anh sẽ làm cho Lan thấy vẫn còn một tương lai cho cả hai vợ chồng và đứa con trai, cho dù tương lai đó ở Pháp. Nếu cuộc hôn nhân được cứu vãn, nếu anh và Lan thoát khỏi tình trạng nứt rạn và liêu xiêu bởi chiến tranh và chính trị, anh sẽ thấy quả thật mình hợp tình hợp lý. Ít ra mình cũng chứng minh được rằng những thiên hướng của mình, ngay từ đầu, không sai lầm chút nào, và rằng từ nay, chắc chắn mình có khả năng làm lại và thế nào cũng sẽ đạt kết quả.
Cái làm cho Paul đau nhức không phải bởi vết thương trong các cuộc đụng độ dữ dội mấy ngày vừa qua nhưng bởi vết thương cũ trên đầu, xảy tới trong buổi sáng xuất kích với Joseph. Nó khiến anh càng ngày càng cảm thấy khó ở. Bác sĩ giải phẩu của binh đoàn rốt cuộc đã phát hiện một miểng lựu đạn nhỏ li ti không đáng để ý, vẫn còn nằm trong xương sọ của anh. Dù người ta có gắp được nó ra, Paul vẫn tiếp tục bị nhức đầu tới độ mắt đổ đom đóm. Nhưng quyết tâm sống sót và ý chí thực hiện các dự tính mới, giúp anh giấu được những người chung quanh cơn đau nhức đang hành hạ mình.
Vì lúc này bệnh viện dã chiến ngầm dưới đất và các giao thông hào chung quanh nó đầy ứ hàng trăm thương binh với một nhúm y sĩ giải phẩu lã người vì mỗ xẻ, giữa hàng đống ghê rợn tay chân bị cắt bỏ, Paul chỉ còn một chọn lựa là đành phải tiếp tục phần vụ tham mưu trưởng của mình. Đương cự với cơn sốt bắt đầu hoành hành từ hai ba ngày nay, Paul chúi mũi vào công việc với một hy vọng mới. Anh kỳ vọng rằng nhờ thế mình sẽ tống khứ được cơn sốt, nhưng giờ đây, nằêm run lẩy bẩy trong chăn, anh biết mình đang thua cuộc đấu.
Khi tiếng hát của người nữ danh ca kể lể và lặp đi lặp lại hình ảnh "bầy quạ đen đang làm u ám các cánh đồng" và "tiếng quê hương đang rên siết trong xiềng xích", Paul bắt đầu có ấn tượng mình đang nghe trong hầm tràn ngập tiếng đập cánh báo hiệu điềm xấu cùng tiếng xích sắt đang kêu lách cách. Và khi cảm thấy có bàn tay ai đó thình lình túm vai mình, anh bất giác thét lên, ngồi bật dậy, cảnh giác.
Viên sĩ quan phụ tá thầm thì:
- Trình đại tá, đã hơn ba giờ chiều. Bọn Việt bắt đầu vượt sông. Tướng De Castries triệu tập họp khẩn cấp các chỉ huy trưởng cao cấp của binh đoàn.
Cám ơn viên sĩ quan thuộc quyền, Paul vội vã dấp nước lên mặt rồi đi loạng choạng men theo giao thông hào tới dự cuộc họp bộ chỉ huy.
Tiếng đạn pháo rít trên đầu và tiếng bộc phá nổ ngay trên hầm chỉ huy trưởng làm mặt đất như gầm rú và rung chuyển liên tục khiến rất khó thảo luận. Nhưng cảnh tượng những bộ mặt căng thẳng phờ phạc của các chỉ huy trưởng khác trong binh đoàn cũng đủ nói cho Paul biết, ngay từ lúc mới bước vào, rằng trong khi anh ngủ, tình hình suy sụp không cách gì cứu vãn.
Đại tá Langlais nói với giọng ảm đạm:
- Chúng ta không còn chọn lựa nào khác. Ở đây, ngay cả vị trí chính này, cũng sẽ không còn giữ nổi cho tới khi đêm xuống. Điều đó có nghĩa không thể nào tổ chức được cuộc đột phá vòng vây. Thương binh và các đơn vị hết đạn sẽ bị tàn sát nếu chúng ta không báo cho đối phương biết rằng chúng ta có ý định chấm dứt ngay việc chống cự.
Paul đưa tay áo trận lên quệt mặt, mơ hồ lắng nghe lời thảo luận đầy bứt rứt về viễn ảnh cay đắng dường nào của sự thất trận mình sắp phải đối mặt. Khi cuộc họp giải tán, tướng De Castries ra hiệu cho anh đứng lại chờ:
- Anh còn đủ sức khoẻ để xử lý tình hình tổng quát giờ chót không?
Ông hỏi với giọng cam chịu. Paul gật đầu.
- Tốt - vậy chuyển ngay quân lệnh này tới các đơn vị: "Thừa lệnh thiếu tướng chỉ huy trưởng, cuộc ngưng bắn sẽ có hiệu lực vào lúc năm giờ chiều nay ngày 7 tháng Năm năm 1954. Phải phá hủy mọi thiết bị và quân dụng để không có gì rơi vào tay quân địch!" Thế thôi.
Paul bắt đầu đưa tay lên theo tư thế chào đúng quân cách và chung cuộc nhưng De Castries mặt trắng bệch đằng sau cặp kính dâm ông vẫn đeo suốt cuộc họp, quay lưng lại, không để ý nữa. Tới khi Paul sắp sửa nghiêng mình lách qua màn cửa, ông nói, điềm tĩnh, không ngoái lui:
- Ông bạn ạ, đừng quên đốt chiếc mũ bê-rê đỏ trước khi chúng nó vô tới đây, nhớ không? Những người khác đều làm như vậy, và việc đó có thể cứu họ thoát chết. Đối phương có lý do chính đáng để chẳng yêu thương gì lính dù.
Trong một thoáng, Paul sửng người nhìn chằm chặp vào lưng vị chỉ huy trưởng nhưng De Castries vẫn không quay lại đối mặt anh. Rồi Paul lật đật đi ra, không nói một lời. Kể từ khi thức dậy sau giấc ngủ chập chờn, cơn sốt của anh hình như có giảm. Nhưng sau khi về lại hầm và truyền mệnh lệnh ngừng bắn cho mấy đơn vị ít ỏi đang cầm cự bên ngoài, anh bắt đầu run cầm cập; mồ hôi lại tuôn dầm dề.
Cố tập trung chú ý vào đống giấy tờ bụi bặm trên bàn, Paul thấy mình đang đọc lại lời tuyên dương được Hà Nội gởi tới mười ngày trước đây khi toàn thể binh đoàn được tưởng thưởng Chiến công Thập tự Bội tinh, rằng: "Lòng dũng cảm của họ sẽ mãi mãi là gương mẫu". Nhưng khi nhìn hàng chữ ấy, Paul lại thấy chúng nhảy múa trước mắt. Anh chụp tờ tuyên dương, vừa lẩm bẩm chửi thề trong cổ họng vừa vo tròn thành một trái banh.
Bản "Bài Ca Người Du Kích" đang êm ái và miên man cất tiếng trong ống liên hợp máy truyền tin lúc này thường bị gián đoạn bởi giọng thảng thốt của lính dù và lính Lê dương. Họ báo cáo đang phá hủy vũ khí và máy truyền tin vì quân địch áp rất sát. Vũ khí bộ binh bị dí mũi súng xuống đất rồi bóp cò cho toác nòng. Lựu đạn được ném vào các pháo khẩu trên xe tăng và vào các cơ phận trọng pháo để làm chúng không sử dụng được nữa. Công điện từ các vị trí còn giữ được ưu thế báo cáo bộ đội Việt Minh bắt đầu tràn qua chỗ cạn nước trên sông Nậm Rốm và rằng lính An-giê-ri, lính Ma-rốc trước đây đào ngũ núp trong các hang hốc dọc bờ sông giờ đây phất lá cờ trắng đầu hàng làm bằng những mảnh vải dù rơi rải rác.
Vừa nghe báo cáo Paul vừa bóp chặt hai nắm tay lại rồi chầm chậm thả ra, buông dọc hai bên thân mình. Kế đó, anh vội vàng lục lọi trong đống giấy tờ và biểu đồ cho tới khi mò ra tấm bản đồ nhỏ bằng lụa vùng tây bắc Bắc Việt, vẽ chi tiết những hẽm núi hẹp dẫn sang Lào. Cởi chiếc giày trận bên trái ra, anh cẩn thận quấn bản đồ vào bắp chân, kéo bít tất phủ lên trên. Rồi anh nhét vào ống giày bên phải chiếc la bàn nhỏ.
Cử động rán sức đó làm Paul lại cảm thấy hoa mắt, phải thả người ngồi xuống cho qua cơn chóng mặt. Vẫn run lẩy bẩy, anh đốt các sổ tay cá nhân trong một cái soong thiếc rồi cho thêm vào ngọn lửa ấy một bó thư của Lan, từng tờ, từng tờ một. Trong khi lửa liếm những trang thư, vẻ mặt Paul đanh lại quả quyết. Thậm chí khi cầm lên tấm ảnh của vợ đang tươi cười, ánh mắt sốt bừng bừng của anh chỉ đậu lại trên gương mặt xinh đẹp ấy trong vài giây rồi anh cho luôn vào lửa.
Khi ngọn lửa sắp tàn, ánh mắt Paul rơi đúng chiếc mũ bê-rê đỏ nằm trên bàn, bên cạnh soong thiếc. Nhớ lại lời thúc giục sau cùng của chỉ huy trưởng, Paul đưa tay chạm vào mũ, nhưng anh rụt tay. Đứng dậy, anh cẩn trọng đặt chiếc mũ bê-rê lên đầu và bất giác kéo lệch nó nghiêng một bên mắt theo kiểu cách ngang tàng anh thường đội.
Paul nghe bên ngoài có tiếng người nói lớn, rì rào và hoang mang. Rồi vài tiếng nói rời rạc bằng tiếng Pháp: "Chúng nó tới!" Một loạt đạn vang lên lạc lỏng. Tiếp theo, có tiếng chân dép chạy rầm rập trên nóc hầm. Paul rút súng lục, bước tới máy truyền tin. Sau khi xã hết kẹp đạn vào dải nút trắng, anh trở ngược nòng, dùng báng súng đập tan máy.

Vào khoảnh khắc đó, ngay bên trên hầm của Paul, Ngô VănĐồng kẹp dưới nách trái lá cờ Việt Minh cuộn lại, đang chạy giữa một biệt đội mặc quân phục màu xanh lá cây vui mừng tở mở. Quanh cổ Đồng quàng sợi dây đeo khẩu tiểu liên xung phong của Nga gắn sẵn băng đạn cong. Bàn tay phải anh nâng súng lên chĩa ra phía trước trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Vọt lên mái thép cong queo và các bao cát lổ chổ vết đạn, Đồng cắm ngọn cờ Việt Minh xuống mặt cát. Rồi anh dựng lên, giữ chặt trong khi đồng đội chêm bao cát và đồ dằn dưới gốc cọc để giữ cho lá cờ đứng thật thẳng.
Lúc lá cờ đứng vững vị trí, ba bộ đội Việt Minh ở lại bảo vệ cờ, trong khi chỉ huy trưởng biệt đội dẫn Đồng và các bộ đội còn lại nhảy xuống giao thông hào dẫn tới hầm chỉ huy trưởng bên dưới. Khi bộ đội ào vào, thiếu tướng Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries đứng chờ sẵn trong bộ quân phục thẳng nếp với đầy đủ mấy hàng tua huân chương. Thấy đối phươngï chĩa mũi súng tiểu liên ngay ngực mình, ông nói thật lẹ:
- Đừng bắn!
Vài giây sau, De Castries bị đẩy ra giao thông hào và lôi lê bờ hào dưới ánh sáng ban ngày, bởi một đám quân thù chen chúc nhau, còn Ngô VănĐồng tách riêng ra. Túm vai viên trung úy Pháp trẻ tuổi, anh chỉa súng bắt anh ta đứng lại chờ cho tới khi các bộ đội khác trong biệt đội xung kích đi khỏi tầm nghe.
Rồi Đồng gằn giọng:
- Thằng tham mưu trưởng Devraux ở đâu? Vị trí của hắn ở đâu?
Viên trung úy kinh hoảng, không nói lời nào, ngập ngừng đưa tay chỉ dọc giao thông hào. Lập tức Đồng lôi trong túi dết bên thắt lưng ra một quả lựu đạn và lao mình tới.
Bên trong hầm, Paul đang đứng lom khom bên máy truyền tin vỡ nát, cố gượng người trong một cơn choáng váng mới ập đến. Và lúc ấy, anh nghe có tiếng động nơi cửa hầm sau lưng mình. Chầm chậm Paul quay người lại, lờ mờ nhận ra một bộ mặt á đông, đầu đội mũ trận bằng tre đan có gắn phù hiệu đỏ với ngôi sao vàng.
Về phần mình, trong một thoáng, Đồng ngờ ngợ nhìn chằm chặp viên sĩ quan Pháp kiệt sức và bệnh thấy rõ, quanh đầu quấn một vòng băng bẩn thỉu sát dưới chiếc mũ bê-rê đỏ đội lệch. Kế đó, Đồng bước tới gần hơn, tay trái vẫn nắm chặt quả lựu đạn, và nhận ra Paul. Dù râu ria lởm chởm hai ngày chưa cạo, Paul càng lớn tuổi ngoại hình càng mang những nét giống cha, Đồng hít vào một hơi thật lẹ rồi thở hắt ra:
- Devraux, mầy đang ở trong tay Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lúc này mầy phải tuân lệnh tao.
Paul nheo mắt, cố tập trung tia nhìn vào bộ mặt người bộ đội Việt Minh. Khi nhận ra rõ ràng, anh chầm chậm lắc đầu, hoang mang:
- Đồng, ai sai anh tới đây?
Người Việt Nam đanh mặt lại, uất hận:
- Người mẹ đã chết của tao, người cha đã chết của tao - và Học, thằng em đã chết của tao. Quì xuống! Tao sắp giết mầy!
Bên ngoài hầm, sự yên lặng đột nhiên phủ khắp Điện Biên Phủ lần đầu tiên kể từ hai tháng nay. Trong trạng thái mắt loa lóa vì cơn đau Paul tự hỏi phải chăng cái mình đang thấy chỉ là ảo giác. Anh cảm thấy thân thể lại bắt đầu lảo đảo, phải níu vào xà gỗ trần hầm để giữ cho khỏi té.
- Đồng ạ, anh đã thắng trận. Các anh xứng đáng với chiến thắng của mình. Cái đó chưa đủ cho anh sao?
- Nó không đủ cho cả nhà đã chết của tao. Quì xuống!
Paul buông tay khỏi xà gỗ và cất chân bước loạng choạng về phía người Việt Nam, hai bàn tay vẫn buông thoảng hai bên người.
- Đồng ạ, cuộc chém giết xong rồi. Lúc này hết thảy chúng ta phải bắt đầu thu dọn chiến trường. Tôi là tù binh của anh - nhưng tôi sắp nhập bọn với các tù binh khác.
Đồng đứng chận lại. Mắt đổ lửa. Đường gân xanh hai bên cổ săn cứng. Tiếng anh gầm lên nghèn nghẹt giữa hai hàm răng siết chặt:
- Tầm bậy! Ai cho mầy sống mà làm tù binh? Mẹ tao, em tao, cha tao sa vào tay cha con mầy, tại sao lại còn bị chúng mầy giết? Tao bảo lần chót. Quì xuống!
Paul vẫn lảo đảo bước. Dù vẻ mặt bắt đầu bồn chồn và căng thẳng, tới khoảnh khắc sau cùng Đồng bước sang một bên. Paul tiếp tục nghiêng người chầm chậm đi ngang qua Đồng, tới cửa hầm. Khi Paul đưa bàn tay lên sắp lùa tấm bạt qua một bên, người Việt Nam lại gầm lên, thét anh đứng lại.
Paul lại càng không thèm để ý tới lệnh đó. Và Đồng khai hoả. Với vẻ mặt méo mó quằn quại, người Việt Nam ngoéo chặt ngón tay vào cò súng tiểu liên trong vài giây. Và người sĩ quan Pháp té chúi nhủi vào vách hầm rồi úp mặt xuống mặt đất đầy bùn, không một tiếng kêu và không bao giờ còn cử động.

<< - 11 - | - 13 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 911

Return to top