Hôm đó là một ngày hè ngột ngạt ở Washington với nhiệt độ lơ lửng trên ba mươi độ và những đám mây thật thấp, đục xám và ẩm ướt như những miếng giẻ rách nhớp nháp úp chụp lên thành phố. Giờ đây, nằm thao thức trên giường gỗ nâu đỏ bên cạnh Emerald đang say ngủ, Joseph thấy mình vẫn có thể nhớ lại cái cảm giác sền sệt khi áo sơ-mi dán chặt da lưng, dù từ ngày đó tới nay đã bảy năm. Thậm chí anh còn bất giác nhớ rất rõ, như hiện ra từng chi tiết, đỉnh tháp bút Đài Tưởng niệm Washington liệm kín trong mây khi xe tắc-xi chở anh từ sân bay tới bên ngoài Nhà Bảo tàng Ngành Vạn vật học Sherman ở Khu Thương mãi.
Y theo lời đề nghị của Gary, Joseph đồng ý tới địa điểm đó, để tránh việc hai cha con gặp nhau tại ngôi nhà ở Maryland nơi Gary và Mark sống chung với Tempe và người chồng mới của nàng hoặc tại toà nhà gia tộc ở Georgetown với những nhiêu khê không thể tránh do sự có mặt của thượng nghị sĩ Nathaniel và Flavia Sherman.
Hai cha con gặp nhau vào thời gian nhà bảo tàng tạm đóng cửa để tân trang. Gary lịch sự chào đón cha bên trong lối vào mặt tiền, và Joseph còn nhớ bước chân con trai mình vang lên lạnh lùng trong các phòng trưng bày vắng vẻ, phủ kín vải. Nét mặt Gary bắt đầu để lộ điều gì đó bối rối cậu đang cảm thấy trong lòng về việc một mình nói chuyện với cha sau nhiều năm rất dài không liên lạc với nhau. Bên ly cà-phê trong phòng dành cho công chúng vẫn mở cửa để thợ trang hoàng sử dụng, hai cha con trao đổi vài lời rời rạc. Kế đó, Gary đề nghị đưa cha đi quanh xem những chỗ trưng bày vừa được sửa sang.
Đúng lúc cùng rảo bước vào khu vực tưởng niệm dành cho Chuck, Joseph bỗng nhận ra rằng bất cứ cơ hội gặp gỡ mong manh nào của hai cha con cũng đều có thể đưa tới kết quả hoàn toàn trái ngược vì nền tảng của nó đã bị đục ruỗng trầm trọng do những suy nghĩ và hành động thiếu chín chắn của anh thuở trước.
- Gary ạ, đã mười lăm năm bố không ghé qua đây...
Joseph nói như thể gợi chuyện - rồi lập tức anh hối tiếc mình vừa nói ra câu đó.
- Tại sao không ghé?
Anh lưỡng lự, nhận thấy lời giải thích thành thật của mình chưa hẳn góp phần tạo tính chính đáng cho lý do của cuộc gặp gỡ hôm nay giữa hai cha con.
- Bố không đồng ý chút nào với ông nội của con về lời đáp cho câu hỏi có khôn ngoan hay không khi dựng hoạt cảnh ở đây.
- Phải chăng bố có ý nói tới những con vật bác Chuck đã bắn?
Giọng Gary hờ hửng rời rạc. Ngay lúc đó Joseph tự hỏi biết đâu mình đừng giải thích thêm là một việc làm khôn ngoan. Hai cha con đi ngang hoạt cảnh trong lồng kính trưng bày những con thú khổng lồ bị giết trong chuyến đi săn dài ngày tại Nam kỳ hơn ba mươi năm trước. Joseph giật mình thấy rằng nhờ được chăm sóc tỉ mỉ và bảo quản kỹ lưỡng, con min xúi quẩy và con trâu đực trông vẫn có vẻ vô cùng linh hoạt và mượt mà như khi chúng còn sống, còn lang thang trong các đồng cỏ bên ngoài Sài Gòn. Bộ khung và cảnh trí chung quanh chúng mới được tô vẽ lại cũng khiến cho hoạt cảnh có cái vẻ tươi mát mới mẻ tới độ choáng váng. Và Joseph lại cảm thấy trong lòng mình thêm lần nữa nổi cơn kinh hãi khi bắt gặp cặp sừng sát nhân của con min khổng lồ có bướu từng húc Chuck tới chết.
Joseph ngước mắt, thấy con trai đang chăm chú quan sát mình. Gary trầm giọng hỏi, như thể chợt cảm nhận được cơn bối rối của cha:
- Tại sao bố cho rằng trưng bày hoạt cảnh này là sai lầm?
- Gary ạ, ở tuổi đó, bố không thích nổ súng. Bố nghĩ rằng hoạt cảnh này luôn luôn được nhìn như một đài tưởng niệm cho lòng kiêu hãnh không đúng chỗ của dòng họ Sherman. Có trời mới biết hầu như tất cả chúng ta đều làm mồi cho những khía cạnh tồi tệ nhất trong bản tính của mình. Chúng ta rất thường bị lôi cuốn bởi ý muốn chiến thắng bằng bất cứ giá nào - lòng lo lắng người ta hoài nghi tính cương cường khốn nạn nam nhi của mình đã dẫn chúng ta tới đủ loại quá đáng. Hoạt cảnh này chỉ là một nhắc nhở đầy đau đớn tới tất cả những gì bố cực kỳ quan tâm.
Gary im lặng nghe, cặp lông mày nhíu lại kinh ngạc:
- Và bố đã nói hết cho ông nội nghe ý kiến đó - nói ngay trước mặt ông nội?
- Không, có thể bố đã không nói đầy đủ những điều đó trước mặt ông nội. Có lẽ con cũng biết bố chưa bao giờ thân mật với ông nội.
Tới đây, Gary quay đầu lại và một bầu không khí im lặng tới rùng mình bao phủ hai cha con. Tuy vậy, có điều gì đó giữ cho cả hai đứng chôn chân trước hoạt cảnh và Joseph bỗng nhận ra có lẽ Gary đang nghĩ ngợi. Nay không còn cách nào có thể ngăn Gary đừng thấy lằn ranh giống nhau giữa sự oán hận của con và anh với sự bất hoà của anh và thượng nghị sĩ. Trong tuyệt vọng, anh cam đành chấp nhận thực tế ấy. Joseph nói thật điềm tĩnh:
- Gary ạ, hai bố con mình đều biết rõ lý do bố yêu cầu được nói chuyện với con. Khi nghe tin con quyết định vào học West Point, bố không thể không nhớ lại lúc bố ở vào tuổi con bây giờ, ông nội của con đã cố thúc ép bố chọn binh nghiệp. Bố cưỡng lại vì bố biết chắc chắn rằng binh nghiệp không phải là nghề của bố. Và bố nghĩ, vì đã nhiều năm bố con mình không gặp nhau nên bố đang băn khoăn rằng không biết con có bị ảnh hưởng của ông nội thượng nghị sĩ - hoặc của người cha kế. Gary ạ, con có quả thật đã suy nghĩ thật kỹ càng về một chọn lựa như thế? Bố nghĩ rằng con xứng đáng với cái gì đó tốt hơn. Quân đội không phải là nơi bố muốn cho con, vào lúc đang thời bình như thế này.
Joseph không che giấu nổi cung giọng nài nỉ trong lời mình nói. Rồi anh quan sát, với cảm giác mỗi lúc một vô vọng khi thấy vẻ chán ghét tỏa khắp bộ mặt thường ngày trẻ thơ và vui nhộn của con. Gary trả lời:
- Bố, con không giống như bố. Con không che đậy cảm xúc của mình. Vậy để con hỏi bố một câu, rằng bố nghĩ bố có quyền gì mà tính chuyện can thiệp vào cuộc đời của con? Xin bố nhớ cho rằng bố bỏ đi vì những lý do ích kỷ của cá nhân bố. Bố đã để mặc mẹ và chúng con tự bươn chải lo liệu lấy đời mình. Lúc đó, bố quá bận rộn lo cho các thê thiếp phương đông của bố hơn là lo cho con hoặc Mark. Vậy tại sao lúc này bỗng dưng bố lại tỏ ra quan tâm?
- Mẹ con kể chuyện của bố có nhiều không?
- Không nhiều lắm - nhưng cũng đủ để khiến Mark và con đánh giá bố không cao lắm vì những gì bố đã đối xử với mẹ. Mẹ nói bố không bao giờ là người có đầu óc thực tế - và mẹ có lý. Con muốn có một người cha khi chuyện trò với con cái không có cái thứ ánh sáng đờ đẩn như trong hai con mắt của bố. Bằng cách này hoặc cách nọ, bố lúc nào cũng khiến cho con và Mark có cảm giác rằng thật ra chúng con không đáng để bố phí phạm thời giờ quí báu của bố.
- Có bao giờ con cân nhắc rằng có thể bố đang thay đổi - rằng có thể bố đang hối hận việc mình đã làm?
Nghe vậy Gary bật cười. Tiếng cười của nó dội lại trống rỗng khắp phòng trưng bày vắng vẻ:
- Chuyện đó không tin nổi, thật sự không tin nổi! Bố chẳng thay đổi chút nào. Vì vẫn rất ích kỷ nên bố không thể thấy rằng điều quan trọng là cái con muốn làm trong cuộc đời của con chứ không phải là cái bố muốn con phải làm.
- Chuyện trò theo kiểu này là con biến mọi sự thành khắc nghiệt thêm cho bố. Có thể một ngày nào đó, con sẽ sống với niềm ao ước được làm cái gì đó hoàn toàn khác.
Gary lạnh lẽo đáp trả:
- Nếu lúc này bố kết luận rằng bố đã chọn lựa sai lầm thì chỉ làm tệ hại thêm thôi. Bố cũng đừng trông mong thiện cảm nào của chúng con. Mark có lý - nói chuyện với bố chỉ thêm phiền; bố không đáng với sự phiền nhiễu đó.
Nói xong, Gary quay gót bước ra khỏi nhà bảo tàng, để lại Joseph đứng một mình trước hoạt cảnh, cô độc nhìn xuống cặp sừng cong vòng dữ dằn của con min. Con vật mắt thủy tinh và hung tợn ấy khiến Joseph có cảm giác nhà bảo tàng trống rỗng như một ngôi mộ quỉ ám. Và thêm lần nữa Joseph bước đi lang thang trong cái nóng ngột ngạt của Khu Thương mãi, cảm thấy trái tim mình trĩu nặng và buốt nhói.
Ký ức về khoảnh khắc trơ vơ đó bị bức thư của Gary mang trở lại tâm trí Joseph một cách sống động làm phát sinh trong Joseph cảm giác khích động tới độ anh cảm thấy mình không còn có thể nằm yên. Rón rén ngồi lên khỏi mặt giường gỗ nâu đỏ để khỏi khua động Emerald, anh khoác lên mình chiếc áo ngủ bằng lụa kiểu kimono và nhón gót nhẹ bước ra khỏi phòng ngủ.
Cầm lên bức thư của Gary trước đó đã thả trên kỷ trà, Joseph đi tới mé cuối phòng khách dài bày biện nhiều đồ đạc Á Đông, được dùng làm phòng đọc sách. Anh ngồi xuống đằng sau một án thư sơn son theo kiểu Tàu. Khi Joseph bật ngọn đèn nhỏ trên bàn, chiếc đồng hồ tí hon dưới chân đèn cho thấy ba giờ sáng. Anh mệt mỏi dụi hai mắt, đưa tay vuốt ngược mái tóc rồi rút bức thư ra khỏi phong bì. Sau khi đọc thật lẹ thêm lần nữa, Joseph lấy một tập giấy, cây bút và khởi sự viết.
Anh bắt đầu: "
Gary thương mến của bố,Bố không thể nào kể hết với con rằng bố vui sướng biết bao khi nhận được bức thư của con hôm nay. Đã nhiều năm trôi qua, càng lúc bố cảm thấy càng tệ hại về sự xa lạ cùng ghẻ lạnh giữa bố với con và Mark, và bố mong ước có lại một hình thức cảm thông nào đó với hai anh em con, còn hơn mong ước mọi sự khác trên đời. Bố có nhiều thời gian để cho sự hối tiếc và ăn năn hành hạ bố, nhưng như con đã nói, bố nghĩ rằng trang thư không phải là nơi thích hợp để chúng ta cởi bỏ gánh nặng liên quan tới vấn đề ấy. Bố chỉ muốn nói với con rằng lúc này bố triền miên suy nghĩ tới con - và lại càng suy nghĩ nhiều hơn nữa vì bức thư của con tới đây cùng lúc với ấn bản báo New York Times loan tin cuộc tấn công vào chùa chiền Phật giáo. Bố choáng váng vô cùng vì biến cố đó và quá đổi xúc động vì một số điều con đã nói về việc con càng ngày càng ràng buộc vào Việt Nam, tới độ kể từ lúc đọc báo và đọc thư, bố không thể ngủ hoặc nghĩ tới chuyện nào khác. Quả thật, lúc này, giữa đêm khuya, bố vừa chỗi dậy để viết cho con..."Bàn tay của Joseph đưa thoăn thoắt trên mặt giấy. Vì mãi cúi đầu chăm chú viết nên anh không để ý hình dáng khoả thân của Emerald vừa âm thầm xuất hiện trên ngưỡng cửa phòng ngủ đằng sau mình. Trong một thoáng, nàng đưa mắt ngái ngủ ngó Joseph, rồi bắt đầu đi lang thang nơi vùng bóng tối sâu lắng trong phòng. Thỉnh thoảng nàng dừng bước, sờ vào một đồ vật bằng ngọc hoặc sứ hay đưa tay vuốt ve tay áo bào của một ông quan với hoa văn thêu tinh xảo và tuyệt đẹp.
"Bố nghĩ rằng lúc này bố có phần nào lúng túng không biết phải nói với con những gì. Nhưng hãy bắt đầu bằng cái gì đó vô hình chung - câu trả lời cho thắc mắc của con về lý do tại làm sao chúng ta lại quyết định đi tiên phong ra mặt trận đánh giặc , như con diễn tả nó, cho gia đình họ Ngô . Đó là một câu chuyện buồn bã và đáng tiếc - và bố biết rõ như vậy vì bố từng có thời can dự rất mật thiết. Như con đã biết, có vài việc xảy ra cùng một lúc trong khoảng thời gian bố xa rời mẹ con. Có thể tới một ngày nào đó bố sẽ kể nhiều hơn, nhưng hậu quả của việc đó là bố đã quyết định, một cách khá khinh suất, rằng ngay trong năm đó bỏ nghề phóng viên báo chí và trở về quê nhà để hoàn toàn xa lánh Á Đông, bằng cách vùi mình vào cảnh giới hàn lâm đại học thầm lặng hơn. Nhưng rũ bỏ phần đời ấy của mình là việc gian nan hơn bố tưởng, và thoạt đầu bố không thể ngồi yên tại Đại học Cornell. Vào năm 1956, khi tiểu bang Michigan mời bố tham gia một chương trình do chính phủ tài trợ nhằm thiết lập một cấu trúc chính quyền mang tính hiện đại cho Ngô Đình Diệm, bố trở lại Sài Gòn với tinh thần phấn chấn, cố gắng đóng góp một cái gì đó. Nhưng chưa được bao lâu, ảo tưởng ấy tan vỡ..."Ngừng viết, Joseph ngửa người ra ghế, chìm mình trong nghĩ tưởng. Anh biết rằng một trong những lý do trực tiếp gây nên sự tan vỡ ảo tưởng riêng tư và sâu xa của mình là sự kiện suốt sáu tháng sống ở Sài Gòn lúc đó, anh không tìm ra dấu vết nào của Tuyết, con gái của anh. Bằng vào những lời chỉ trích của Gary tại nhà bảo tàng, Joseph hầu như chắc chắn rằng Tempe chưa bao giờ kể cho hai con trai nghe về sự có mặt của Tuyết ở trên đời. Còn anh, anh lúc nào cũng biết rõ rằng chính nỗi khao khát tìm con thêm lần nữa đã góp phần vào việc anh quyết định quay lại Sài Gòn.
Khi trở lại thành phố ấy, Joseph hoàn toàn mất tinh thần vì khám phá ra Tuyết, chỉ đầu hôm sớm mai năm 1954, đã biến mất không để lại dấu vết. Sau khi báo tin cho Tâm và gia đình rằng mình sẽ kết hôn với một phần tử Việt Minh, Tuyết lặn sâu vào thế giới ngầm, và từ đó, hầu như Tuyết không còn hiện hữu trên mặt đất.
Sau khi khám phá ra điều đó, Joseph thấy rằng những ký ức đau đớn mà Sài Gòn lưu giữ cho anh đang càng lúc càng đè nặng lên anh. Trên tất cả mọi sự, anh chẳng bao giờ còn có thể đi ngang Khách sạn Continental Palace mà lòng không khỏi cảm thấy chới với khi tới gần chỗ vĩa hè nơi Lan và cha nàng từng nằm tử thương trong vũng máu đầm đìa ngay trước mắt anh. Và rồi dần dà, càng ngày anh càng khao khát được rời Sài Gòn ra đi, không bao giờ trở lại.
Có tiếng sột soạt làm gián đoạn dòng nghĩ tưởng của Joseph. Quay ngoắt lại, anh thấy Emerald đang đưa tay cởi chiếc triều phục màu xanh nước biển trên một bức tượng bằng sứ lớn như người thật. Biết mình gây chú ý cho Joseph, Emerald mỉm cười yếu ớt rồi chầm chậm ướm chiếc áo bào lên người và bằng cả hai tay, nàng ôm lấy làn vải lụa sát vào da thịt trần truồng.
- Joseph ạ, lắm khi em không thể không nghĩ rằng em chỉ là một vật phẩm được đưa thêm vào bộ sưu tập phương đông của anh.
Emerald nói rầu rĩ với âm điệu nghe không có vẻ kết án chút nào nhưng đôi môi nàng run rẩy như chực trào nước mắt. Với chiếc quan bào toả sáng lung linh, khuôn mặt Emerald dường như mang vẻ Á Đông cổ điển hơn, hai gò má dường như cao hơn. Trong một lúc, Joseph nhìn Emerald chằm chặp, rồi lại quay về tâm tưởng mình. Anh nói nhỏ nhẹ:
- Em vào ngủ lại đi. Anh phải viết cho xong cái này.
- Chẳng có anh em không ngủ được.
Joseph xoay mặt về bàn giấy. Sau khi đăm đăm nhìn anh vài phút, Emerald phụng phịu, đi lang thang trong bóng tối.
Joseph lại viết. Cây bút anh thêm lần nữa chạy thoăn thoắt trên mặt giấy:
"Bố thấy ra rằng Nhóm Tiểu Bang Michigan hoàn toàn không giống như bố đã tưởng. Nhóm có khoảng năm chục giáo sư. Một số làm công tác pháp chế về hiến pháp và cơ quan công quyền, nhưng phần lớn công việc của Nhóm là làm bình phong cho các phái viên tình báo, những kẻ chuyển súng ống, đạn dược, lựu đạn và hơi cay cho các đơn vị cảnh sát mật được huấn luyện để phục vụ Ngô Đình Diệm, giống kiểu FBI - [Federal Bureau of Investigation: Cục Điều Tra Liên Bang của Hoa kỳ.] Đồng thời, Nhóm cũng xúc tiến thành lập một lực lượng cảnh sát bán quân sự; và việc đàn áp chính trị dường như đang trở thành mục tiêu cho các nỗ lực của Nhóm. Chẳng bao lâu sự việc ấy làm lu mờ những nỗ lực đang được bố cùng với một số người khác thực hiện nhằm xây dựng các định chế dân chủ. Do đó, bố rút lui sau sáu tháng làm việc.Bố không muốn xếp loại cảm nghĩ của bố về Ngô Đính Diệm theo tính chất ác cảm hay mặc cảm. Bố cũng không muốn lấy những tiêu chuẩn tây phương để xem xét nguyên thủ của một nước Á Đông chậm tiến và đang lâm chiến. Theo bố, Diệm là loại người đặc biệt pha trộn giữa kẻ sĩ tham chính của Khổng giáo và tu sĩ tại gia của Kitô giáo. Ông không là kẻ thủ đoạn như người em tên Nhu của ông - thí dụ ông không hề quan tâm tới việc làm giàu cho bản thân, ông không muốn bổ nhiệm kẻ tham ô vào chức vụ chính quyền, nhưng để duy trì quyền lực, ông làm ngơ cho người em dung dưỡng các phần tử đó. Diệm năm nay 62 tuổi, người miền trung, gốc Quảng Bình, cùng quê với Võ Nguyên Giáp, 51 tuổi, và Thích Trí Quang, 39 tuổi, một nhà sư từ lâu muốn Phật giáo thống nhất và đóng vai trò tích cực để hòa giải với Cộng Sản. Cùng với một số nhà sư từng theo học ở An Nam Phật Học Đường tại Huế, ông ấy tin rằng Phật giáo Việt Nam có khả năng dung hợp những người theo Cộng Sản Việt Nam. Hẳn con cũng biết nhà sư ấy - mà một thiền sư trẻ tuổi và là một nhà văn sâu sắc cùng gốc miền Trung với ông, đã mô tả làø thông minh, nhưng có quá nhiều tự tín - hiện đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh của Phật giáo. Thân phụ của Diệm là vị đại thần duy nhất cáo quan để phản đối việc người Pháp đày vua Thành Thái. Bản thân Diệm năm 32 tuổi, sau ba tháng phụ trách ban cải cách nam triều và làm quan đầu triều thượng thư bộ Lại của Bảo Đại - vì nhà Nguyễn không lập tể tướngï- cũng từ quan để phản đối sự can thiệp của Pháp trong việc lập pháp của nam triều. Năm 1945, Diệm bị Việt Minh bắt đưa ra Hà Nội và mang đến gặp HCM. Tại chỗ, không những Diệm từ chối lời mời hợp tác của Hồ mà còn nặng lời lên án Hồ là tội phạm, phá hoại đất nước, trở mặt và giết hại hàng trăm người, trong đó có hai cha con người anh ruột của Diệm. Tuy thế, đáp lại lời thách giết của Diệm, Hồ lại thả lỏng để Diệm trốn thoát. Ngô Đình Diệm là người cứng nhắc và cách biệt lạ thường. Một đằng ông tin rằng mình đang thực hiện sứ mệnh nguyên thủ quốc gia theo thánh ý và sự quan phòng của Chúa. Một đằng ông điều khiển chính quyền Cộng Hoà như một thượng quan phụ mẫu chi dân và xem thuộc hạ, kể cả các bộ trưởng và tướng lãnh, như con cháu trong nhà. Anh em Ngô Đình không muốn sự hợp tác của các nhân sĩ người Việt để lập nên một chế độ tự do dân chủ vững mạnh làm căn bản chống cộïng mà chỉ muốn sự phục tòng, vì thế đánh mất những tình cảm ban đầu mà giới trí thức dành cho họ. Trong gia đình, Diệm theo nguyên tắc hiếu đễ cứng nhắc của luân lý Khổng Mạnh nên không thể vứt bỏ sự trợ tá đầy nhũng nhiễu của các anh em và bà em dâu, những kẻ làm nhiễm độc mối quan hệ của ông với dân chúng. Có người dùng cách giải thích tốt nhất để đánh giá Tổng Thống Diệm: ông là nạn nhân sâu xa của một gia đình thèm khát quyền lực và thô bạo. Bố nghĩ đánh giá như thế e rằng đơn giản quá vì thông thường người càng tịch mịch thì cá tính lại càng mạnh. Dù sao đi nữa, Ngô Đình Diệm là người rất đáng trọng tuy khó có thể nói là người hoàn toàn đáng phục. Có thể nói ông gần như tiêu biểu cho một chính trị gia Công Giáo theo chủ nghĩa dân tộc.Theo bố cũng có thể là quá đơn giản khi đánh giá Madame Nhu là người lăng loàn và lộng quyền. Gạt sang một bên những lời đồn không thể kiểm chứng, ta có thể nhìn theo khía cạnh tích cực, rằng bà ta là một phụ nữ muốn tự khẳng định và đòi quyền sống cho các phụ nữ Việt Nam vốn đã chịu đựng quá lâu trong một xã hội đa thê, gia trưởng và trọng nam khinh nữ. Điều chắc chắn là những thể hiện quá khích của kẻ thích được gọi là đệ nhất phu nhân ấy - như việc áp đặt Đạo luật Gia đình có tính cách Kitô giáo vào một xã hội còn nhiều hệ lụy bởi quá khứ đa thê - đang gặp sự chỉ trích cũng thái quá không kém trong một đất nước vốn xem thường vai trò xã hội của phụ nữ, và vì thế, bà tạo cơ hội cho người ta biếm họa và gây bất lợi cho chế độ. Có một chi tiết có lẽ con cũng nên biết về xuất thân gia tộc của Madame Nhu, và chi tiết này cũng đáng cho ta suy nghĩ. Ông ngoại của bà Nhu thuộc dòng họ Thân Trọng nổi tiếng nhất ở Huế, từng giữ chức thượng thư bộ Lễ. Thân phụ của bà từng làm bộ trưởng ngoại giao trong nội các Trần Trọng Kim. Thân mẫu của bà là một bậc nữ lưu, lúc ở Hà Nội trước năm 1945 từng là đàn chủ một diễn đàn tại nhà mình, nơi thảo luận các vấn đề xã hội chính trị và văn hóa của nhiều trí thức xuất sắc Hà thành, trong đó có Monsieur Nhu thuở còn độc thân. Thân nhân bên ngoại của bà có người là liệt sĩ hoặc đang ở cấp chỉ huy xuất sắc trong hàng ngũ Việt Minh rồi Việt Cộng tại vùng Trị Thiên."Joseph ngừng bút, ngó lên bức tranh Bồ Đề Đạt Ma đang quẩy một chiếc dép cỡi sóng vượt sông Dương Tửø trở về Tây Trúc, treo bên kia chụp đèn. Anh ngẫm nghĩ hồi lâu rồi viết tiếp:
"Tại Việt Nam, quan hệ của người các tôn giáo khác đối với người Công Giáo thì đầy nghi kị, phức tạp, nếu không muốn nói là bị nhiễm độc hàng trăm năm nay. Trước hết, là vấn đề danh xưng. Chữ Công Giáo trong tiếng Việt - Catholicism trong tiếng Anh - không có nghĩa là đạo nhà nước hay quốc giáo (theo kiểu công quyền, công báo!) như một số người hiểu lầm hoặc xuyên tạc và vì thế gây nhiều hệ lụy. Nó được các thừa sai dịch từ chữ La-tinh Ecclesia Catholica có gốc Hi lạp Katholicus, chỉ có nghĩa là phổ quát và chung cho mọi người. Chữ Công Giáo ngày nay thay cho chữ đạo Gia-tô vốn phiên âm qua phương ngữ Quảng Đông rồi đọc theo tiếng Hán Việt được dùng trong các thế kỷ trước.Ban đầu, Công Giáo được các nhà truyền giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha truyền vào Việt Nam từ thế kỷ 16. Vì lối tuân giữ nghiêm ngặt các nghi lễ và giáo luật thời trung cổ, khác biệt quá đổi với các giá trị văn hóa bản địa, và các giáo dân sinh hoạt cô lập với cộng đồng dân tộc, nên nó bị giới nho sĩ xem là tà đạo và bị triều đình nghiêm cấm. Rồi tình trạng bách hại ngày càng gắt gao hơn vì theo chân các giáo sĩ là các thương buôn châu Âu và các tay thực dân tìm kiếm thuộc địa. Hãy thử tưởng tượng trong một làng xã sinh hoạt cổ truyền cả ngàn năm nay, bỗng dưng xuất hiện một cộng đoàn khép kín, tách lìa với quá khứ, không lễ đình làng, không thờ cúng ông bà, ít theo lệ làng, không giữ phép tắc kiêng cử của làng, và thái độ lắm khi quá khích về tín ngưỡng, v.v. Thế là có nghi kỵ, bách hại, công khai hoặc dưới các hình thức đa dạng. Khi quân Pháp xuất hiện, sự bách hại ấy đẩy người Công Giáo về phía Pháp. Trong hoàn cảnh éo le ấy, đa số người CG hợp tác với Pháp, vì thế người ta xem họ là tay sai của thực dân, tệ hơn nữa, tay sai của Vatican, một quốc gia tôn giáo bị nhiều người cố tình mô tả như một thứ siêu quyền lưc chỉ đạo phương tây. Nếu con muốn bố sẽ gởi cho con một cuốn sử Việt Nam bằng tiếng Pháp về giai đoạn Bình Tây Sát Tả thời Cần Vương và Văn Thân cuối thế kỷ 19. Từ đầu thập niên 1940, qua thông tin của giới giáo sĩ, người CG đã biết Nguyễn Ái Quốc thật sự là ai và Mặt Trận Việt Minh bản chất như thế nào. Trong chiến tranh Việt Pháp, họ là một tập thể có kỷ luật, chống Cộng hữu hiệu. Khi thời thế thay đổi, so với trí thức của các tôn giáo khác, trí thức Công Giáo có số lượng ít hơn nhưng năng động hơn trong các lãnh vực sinh hoạt chính trị và xã hội vì họ quen sinh hoạt đoàn thể từ lúc còn thiếu niên và họ nhạy bén hơn với các khái niệm công bằng xã hội, tự do dân chủ, cải tạo môi trường sống,v.v. Và có lẽ vì thế, người ta có cảm tưởng họ có tham vọng và được ưu đãi hơn.Cũng tại Việt Nam, con sẽ thấy giữa tín đồ các tôn giáo và giới tăng lữ có một mối quan hệ bất bình thường so với sinh hoạt tôn giáo của chúng ta ở Mỹ. Trong cõi mịt mù vì ly loạn và nhân tâm điên đảo, người Việt nhìn các nhà lãnh đạo tinh thần như một thứ hải đăng và là phát ngôn nhân của họ, đặc biệt, người Công Giáo hầu như chỉ tin vào linh mục và ngày nay, Phật tử đối với tăng ni. Khi chính trị không dung chứa nổi con người, người ta tìm về nhà thờ đình chùa đền miếu. Và nếu chẳng may gặp phải vị lãnh đạo tinh thần chưa đủ mức chân tu thì người ta bị lạc loài trên con đường tìm kiếm chân lý và rước thêm phiền nảo vào cuộc sống, đôi khi đã hao tốn thời giờ của cải mà còn mất luôn cả mạng sống vì những động cơ tôn giáo. Hiện tượng đó không chỉ xảy ra tại châu Á thời nay mà còn tại nhiều nơi trên thế giới ở rất nhiều thời kỳ trong lịch sử của loài người, kể cả tại châu Âu.Trong những ngày làm việc ở miền tây Nam Việt, bố đã chứng kiến từng đoàn xe công chức, quân đội cao cấp nườm nượp kéo nhau qua bắc Mỹ Thuận, đi Vĩnh Long để dự các khóa học lý thuyết Cần Lao Nhân Vị của chế độ do các linh mục giảng dạy trong một chủng viện, hoặc để chúc tết, chúc thọ vị Tổng giám mục nhiều tham vọng gia tộc và có máu sô-vanh tôn giáo là Ngô đình Thục, anh cả của Diệm, Nhu và Cẩn. Ông ấy quan niệm rằng Giáo hội Công Giáo, từ Vatican cho tới Việt Nam, có nghĩa vụ ủng hộ và củng cố chế độ của người em mình. Những hình ảnh như thế gây bất bình cho người ngoài Công Giáo và đưa tới những hình thái phản ứng không ai lường nổi. Khi ở Việt Nam, bố cũng biết về mặt chính trị, tìm cho ra người mình tin tưởng là một vấn đề gay go trong tình trạng khó phân biệt ai là kẻ nằm vùng, hai mang. Thêm nữa, người Việt xem trọng tình ruột thịt hơn mọi thứ nên họ thường che giấu những thân nhân đang theo phía bên kia. Nói chung, nếp sống văn hóa và đạo lý Việt Nam khiến họ không muốn mang tiếng là người chỉ điểm. Trong hoàn cảnh đó, có lẽ Ngô Đình Diệm cảm thấy an tâm khi tín nhiệm các thuộc cấp trong giới Công Giáo và cùng địa phương miền trung với mình. Sự chọn lựa dễ dãi và thực dụng, đơn giản và đầy phân biệt đối xử đó đương nhiên bị những phần tử bất hảo trục lợi, kết bè cánh và làm quần chúng tức giận. Việc giới chức chính quyền các cấp trọng vọng giới linh mục cũng dễ đưa tới tình trạng giáo sĩ nhũng nhiễu, và gây mặc cảm cho tầng lớp lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo khác. Những cảm giác cùng những phản ứng như bố vừa kể phá hoại tinh thần đoàn kết của người dân, làm tan rã các mối quan hệ của cộng đồng miền nam chân chất trong công cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù giảo hoạt từ phương bắc; thậm chí hiện nay, nhiều trí thức người Việt còn xem cuộc chiến Quốc-Cộng tại Việt Nam chỉ là trận đấu quyền lực giữa Công Giáo Vatican và Cộng Sản. "Joseph ngừng bút, đọc lại những dòng chữ vừa xuất hiện trên giấy. Anh lắc lắc đầu, hi vọng Gary sẽ hiểu cặn kẽ điều anh muốn diễn đạt giữa những dòng chữ lúng túng ấy. Anh thở dài, chép miệng rồi viết tiếp:
"Còn về chuyện gần gũi hơn đối với con thì, bố không lấy làm ngạc nhiên về sự ngạo mạn của một số sĩ quan QĐVNCH trong đơn vị của con. Con biết không, người miền nam Việt Nam xưa nay quen vui hưởng một cuộc sống làm chơi ăn thật tại vùng đồng bằng phì nhiêu của họ. Tình trạng đó đưa tới hậu quả là họ thừa kế những cá tính không giống với những người Việt Nam khác bền bỉ và uyển chuyển hơn, xuất xứ từ những vùng đất khắc nghiệt hơn, ở miền trung và miền bắc. Người miền nam còn bị thực dân đô hộ toàn diện hơn và họ hợp tác mật thiết với người Pháp, vì thế họ có lòng khao khát ngày càng mãnh liệt là được ganh đua với các chủ nhân thực dân của mình, chẳng hạn, đội ngũ sĩ quan tại Nam Việt Nam áp dụng một hình thức phân biệt cấp bậc chặt chẽ hơn bất cứ xứ sở tương tự nào khác tại Đông Nam Á - nhưng đồng thời họ lại cảm thấy có nỗi thôi thúc phải cư xử một cách ngang bướng để biểu lộ sự khinh thị các chủ nhân ông ngoại lai - một thời là Pháp và lúc này là Mỹ - những kẻ mang lại cho nhiều người trong họ sự giàu có, đặc quyền đặc lợi và kể cả chính ý tưởng về sự ưu việt. Có một điểm đặc biệt chắc con cũng nhận thấy là khác với tập quán giao tế ở Âu Mỹ, người Việt Nam gặp nhau thường thảo luận chuyện thời cuộc hoặc các đề tài tín ngưỡng, các nhân vật chính trị và tôn giáo. Họ không ngại biện hộ ráo riết cho những luận điểm họ đang bảo vệ. Đối với họ, người bạn nào không tận tình trao đổi ý kiến về các vấn đề ấy thì chưa là một bằng hữu chân tình. Thực tế, lắm khi càng thảo luận càng mù mịt và gây ngộ nhận phân ly nhưng họ thích như thế. Thói quen ấy khiến họ bám sát thời cuộc và sinh hoạt tôn giáo nhưng cũng dễ bị lung lạc vì những thông tin nửa vời và lòng đa nghi đối với giới làm chính trị mà họ biết rất rõ là chưa bao giờ thật sự vì dân vì nước hoặc đối với giới tu sĩ mà họ cũng biết rất khó tìm gặp đấng chân tu.Bố không biết ý kiến ấy của bố có giúp được cho con xoay xở hiệu quả hơn với viên trung úy QĐVNCH sắp tới của con hoặc những người Việt Nam mà con sẽ tiếp xúc trong khi đạn đang bay qua các thửa ruộng hay không, nhưng nó được bố đưa ra trong niềm hy vọng rằng nó sẽ hữu ích ít nhiều cho con."Joseph ngừng bút, cầm lên bức thư của Gary và thêm lần nữa xem xét cặn kẽ cho đến khi anh nhìn tới đoạn mô tả cái chết của viên trung úy QĐVNCH. Anh chầm chậm đọc lại đoạn ấy với vẻ mặt đau xót rồi ngồi nhìn trống rỗng bức vách đằng trước. Sau một hai phút, Joseph cầm bút lên, nhưng cây bút chờn vờn tần ngần trên mặt giấy một lúc lâu, sau cùng anh mới bắt đầu viết tiếp:
"Lời con kể về cái chết của viên sĩ quan Việt Nam ấy rất xúc động. Và trong khi nghĩ tới những kinh nghiệm tương tự trong chính cuộc đời của bố, bố có thể đoán được con hẳn đã có cảm giác như thế nào. Cùng với cảm xúc ấy, bố muốn nói với con rằng bố hiểu và đồng tình biết mấy với những gì từ các trang thư con phát ra giữa hai hàng chữ, thí dụ, nỗi đam mê càng lúc càng tăng đối với đất nước và con người Việt Nam. Lúc này bố rất cẩn thận chọn lựa lời lẽ của mình và biết con nhạy cảm ngần nào đối với sự can thiệp thêm lần nữa của bố. (Qua đó bố hiểu bài học của mình về vấn đề ấy; không cần phải nói rằng bố ngưỡng mộ lòng can đảm của con trong việc chọn lựa nghề nghiệp theo ý mình mà bố còn có ấn tượng rất mạnh qua cách thức con đang tiến tới). Nhưng bố thấy mình không thể chấm dứt bức thư này mà không nói lên một lời cảnh báo rằng con chớ để cho con tim của mình hoàn toàn điều động trí óc. Con biết không, bố đã để cho như thế và lúc này, bố sắp vi phạm một nguyên tắc khác - đó là nguyên tắc mà chúng ta chỉ vừa mới lập ra - về việc tự mình cởi bỏ gánh nặng, và có lẽ bố nên nói thêm rằng tay bố đang có phần nào run rẩy khi bố viết về điều đó.Con biết không, điều dẫn đưa bố tới chuyện làm tan vỡ gia đình ta, một chuyện mà lúc này bố tiếc nuối một cách kinh khủng, và có liên quan tới một việc của con tim tại Việt Nam khi bố ở vào độ tuổi của con bây giờ. Bố yêu con gái của một vị quan. Tên cô ấy là Lan - và trong một khoảnh khắc bồng bột, bố yêu cầu cô ấy kết hôn với bố. Cô nhận lời - nhưng về sau cô đổi ý vì thân phụ mình. Bố đã cố phấn đấu để tâm trí đừng nghĩ tới cô ấy, và sau đó, bố quen biết và thành hôn với mẹ của con - nhưng tới cuối cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, bố thêm lần nữa có mặt ở Sài Gòn và gặp lại cô ấy."Joseph ngừng bút, quệt tay áo kimono ngang lông mày và thấy mồ hôi cũng rịn ra ướt đẫm lòng bàn tay. Trong một lúc, anh chà bàn tay vào hai bên hông.
"Gary ạ, chưa bao giờ bố nghĩ mình có thể kể chuyện này cho con nghe, và có thể bố vẫn không bao giờ đối mặt với chuyện đó, nhưng thuở đó bố choáng váng cực độ khi biết ra mình có một đứa con gái chưa bao giờ gặp mặt - người chị cùng cha khác mẹ với con. Tên nó là Tuyết. Thuở đó nó đã tám tuổi nhưng được bí mật nuôi nấng bởi một gia đình người Việt khác trong một hoàn cảnh đau lòng. Từ lúc ấy trở đi, dù thế nào đi nữa bố cũng không bao giờ gạt bỏ hoàn toàn khỏi tâm trí mình cái ấn tượng rằng bố quả thật có lỗi với đứa con gái bé bỏng ấy. Có thể việc đó giải thích cho cái mà có lần con gọi là ánh sáng đờ đẩn trong mắt bố - hãy cứ gọi nó là ưu tư nếu con muốn. Bố gấp rút nói thêm là bằng vào việc kể cho con nghe chuyện này, bố không có ý kỳ vọng làm cho con cảm thấy bố bớt sai trái - nhưng vào lúc bố quyết định chia tay với mẹ của con, bố hy vọng sẽ kết hôn với Lan và đồng thời hiến cho người chị cùng cha khác mẹ của con một mái nhà. Rồi từ sau biến cố Lan từ trần và Tuyết không chấp nhận sự cống hiến của bố, bố không bao giờ gặp lại nó nữa. Lúc ở Sài Gòn lần vừa qua, bố ra sức tìm kiếm nó nhưng bố không gặp may.Gary ạ, xưng ra với con trọn vẹn câu chuyện đó bố cảm thấy rất đau đớn và dĩ nhiên, bố kể với lòng không có chút tự hào nào. Bố kể chuyện đó với lý do là cố tỏ ra cho con thấy bố cần biết mấy, cần ghê gớm, việc nói lại cho đúng giữa con và bố. Bố hy vọng vào một lúc nào đó, bố cũng sẽ có cơ hội để nói chuyện với Mark. Có thể con cảm thấy tình thương của một người cha như bố chẳng có giá trị gì nhiều nhưng dù sao đi nữa, nó vẫn hiện hữu - và lúc này có lẽ còn mạnh hơn bao giờ. Vậy bố hy vọng con sẽ đón nhận sự bộc lộ nỗi niềm của bố trong tinh thần con ghi nhận nó. Bố cũng muốn nói rằng nỗ lực viết bức thư này làm bố có cảm giác mình bị vắt kiệt và bố nghĩ rằng lúc này bố cần một ly rượu mạnh và ngon - dù đã bốn giờ sáng. Vậy cho tới khi bố lại nghe biết tin con, con hãy cam đoan hết sức bảo trọng thân mình."Joseph suy nghĩ một lúc trước khi ký tên chấm dứt bức thư. Kế đó, anh thêm vào mấy chữ giản dị: "Thương con - Bố."Đẩy mấy trang thư ra xa, Joseph ấn mạnh các khớp lóng tay lên mắt, rồi đứng dậy đi vào nhà bếp. Trong khi anh làm như thế, Emerald từ trong vùng bóng tối lại xuất hiện kế bên bàn viết, tay ôm một khung hình áp sát vào ngực áo bào thêu. Trong một hai giây, nàng đăm đăm ngó theo anh, mắt ánh lên vẻ đau đớn. Rồi Emerald cố tình bước tới trước mặt anh, chận lối:
- Joseph ạ, kể từ lúc mới tới đây lần đầu, em thường nghĩ trong căn phòng này em hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào trong cuộc đời em. Nhưng lúc này em biết ra mình đã lầm khi cảm thấy như vậy.
Nàng đột nhiên xoay khung hình lại, đưa mặt ảnh ra phía Joseph:
- Đây có phải người được anh nghĩ tới những khi trong mắt anh phát ra tia nhìn lạ lùng?
Joseph nhìn bức ảnh của Tuyết trong một chốc và im lặng.
- Nếu không phải, tại sao anh giữ tấm ảnh này và lật sấp khung hình trong ngăn tủ?
Anh lấy khung ảnh khỏi tay Emerald và nói:
- Đây là con gái của anh. Lần chót anh gặp nó là chín năm trước. Và hiện nay anh cảm thấy rất xót ruột khi nhìn nó hằng ngày như thế này.
Joseph chầm chậm bước ngang phòng, chuồi khung ảnh vào lại ngăn tủ. Khi quay lại, anh thấy Emerald đang đứng gục đầu. Bỗng dưng hai vai Emerald bắt đầu run rẩy và nàng đưa tay lên ôm mặt. Từ nơi Joseph đứng dựa lưng vào ngăn tủ đóng chặt, anh chỉ biết đưa mắt nhìn Emerald với sắc mặt trắng bệch và không một cử động.
Joseph vẫn không cử động cho tới khi Emerald mặc quần áo và đi ra khỏi nhà. Sau cùng, khi tiếng xe của nàng bặt hẳn, anh liếc qua bức thư đã viết cho Guy, nhưng bất chợt những lời kêu gọi tình cảm đầy tủi thẹn trong các đoạn cuối thư đọc lên nghe đau đớn quá, anh nhắm mắt lại.
Joseph vẫn đứng như thế một hồi lâu. Rồi anh mở mắt, cầm lên các trang thư. Anh xé dọc tất cả và để từng mảnh rồi từng mảnh rơi xuống giỏ rác đựng giấy loại.