Tới cuối tháng Hai năm 1945, mặt ngoài lớp bột bó từ hông xuống mắt cá chân phải của Joseph chi chít chữ ký và những câu đùa giỡn tục tĩu. Chúng được viết nguệch ngoạc lên đó bởi các “Phi Hổ” khác cũng bị thương và cùng nằm điều trị với anh tại quân y viện của căn cứ Côn Minh. Trong số đó có cả chữ ký của thiếu tướng Claire Lee Chennault, vị tư lệnh mặt ó lừng danh của Không đoàn. Ông tạm ngưng một chút việc chạy theo kim đồng hồ chỉ huy cuộc không chiến suốt ngày suốt đêm với quân Nhật để đích thân tới thăm Joseph và nghe anh kể chuyện làm thế nào một trong các phi công tài ba nhất của ông đã từ cõi chết trở về như một phép lạ.
Sau gần ba tuần lễ mất tích, đúng đêm giao thừa Tết Tây, Joseph được một chiếc xe tải ọp ẹp, không mui không ghế, chở tới thả xuống trước cổng bộ tư lệnh Không đoàn Mười Bốn. Và để làm cho chuyến trở về của Joseph tăng thêm vẻ kỳ bí, hai du kích quân tháp tùng anh từ biên giới tới đây đã âm thầm lẻn đi thật nhanh để bắt đầu cuộc hành trình dài về lại Bắc kỳ.
Chiếc cáng nằm đó trước con mắt sửng sốt của lính gác cổng. Họ hè nhau khiêng Joseph vô căn cứ. Và chuyến trở về kỳ thú của anh khiến cho cuộc liên hoan mừng năm mới của Phi đội 308 vốn ầm ỉ sẵn lại náo nhiệt thêm. Tuy vậy, bản thân Joseph lại không thể tham dự cuộc vui đó vì y sĩ không đoàn đã vội vàng bắt tay ngay vào việc khám lại anh, bó bột xương bắp đùi bị gãy và những chỗ xương nứt nơi ống quyển chưa được phát hiện trước đây.
Sáng hôm sau, khi tướng Claire trong bộ đồ bay bạc màu trận mạc và trên vai lấp lánh hai ngôi sao bạc cấp thiếu tướng, sãi bước vào khu điều trị, các phi công bị thương khác vỗ tay rào rào hoan hô Joseph và hè nhau cất giọng vịt đực hát ông ổng bài đồng ca trìu mến: “Why Was He Born So Beautiful! - Sao Sinh Ra Hắn Tuyệt Vời Đến Thế!”
Nét mặt sần sùi của vị tướng không quân vốn nổi tiếng là một chiến binh Mỹ lừng danh nhất tại châu Á dịu xuống thành một nụ cười hài lòng khi Joseph kể làm thế nào quân du kích An Nam che giấu anh thoát khỏi tay quân Nhật và chăm sóc anh tại mật khu trên núi của họ rồi sau đó, lén lút đưa anh an toàn vượt biên giới sang đất Trung Hoa. Bằng giọng trọ trẹ đặc sệt miền nam in đậm dấu vết sinh trưởng vùng Louisiana, tướng Chennault nói rề rề:
- Chắc chắn chúng ta cần tới loại giúp đỡ ấy. Lúc này tại chiến trường Miến Điện-Ấn Độ, mạng của phi công Đồng Minh trị giá ngang với trọng lượng số vàng cân theo người anh ta. Joseph ạ, chúng tôi ai nấy đều vui sướng thấy anh trở về nguyên vẹïn - và chúng tôi còn vui sướng hơn nữa khi thấy anh lại tung cánh giữa trời.
Trong khi thương tích của Joseph ngày càng thuyên giảm, bên ngoài khu điều dưỡng, tiếng gầm rú của phi cơ vận tải hạng nặng, oanh tạc cơ và chiến đấu cơ bay lên đáp xuống liên tục suốt ngày suốt đêm. Đạo quân xâm lược khổng lồ của Nhật vẫn băng ngang Trung Hoa, tiến về hướng tây, đe dọa luôn cả Côn Minh. Đồ quân nhu huyết mạch Đồng minh tiếp liệu cho binh lính Trung Hoa vẫn được chở bằng máy bay từ Ấn Độ vượt qua “Đỉnh Bướu” Hi Mã Lạp Sơn để xuyên thủng vòng vây phong toả của quân thù.
Trên chiến trường châu Âu, các đạo quân Anh Mỹ và Nga từ hai cánh tây và đông càn vào nước Đức không chút xót thương. Có vẻ cuộc xung đột toàn cầu đang đi tới giai đoạn cực điểm của nó. Joseph ngạc nhiên thấy mình không còn cảm thấy nôn nóng muốn được ra trận lần nữa như trước đây anh thường cảm thấy. Anh nhận ra rằng sau lần có cảm giác mình chắc chắn sẽ chết ấy nay anh đang cân nhắc một cơ hội nào đó để bảo đảm mình sống sót.
Hình ảnh những ngày chung đụng với quân du kích An Nam chờn vờn trong tâm tư Joseph và kéo trí óc anh về lại những thoáng gặp gỡ thuở nào với xứ sở ấy. Với lòng cảm mến không nguôi anh vẫn nhớ tới vị lãnh tụ du kích bí hiểm, kẻ đã tỏ ra tận tình săn sóc anh tại Pắc Bó. Nhưng khi một y công đưa vào cho Joseph mảnh giấy nhỏ trên đó người viết ghi ngắn gọn là xin được tới thăm anh hôm nay, vào tuần lễ đầu tháng Ba này, anh nhướng mắt nhìn chằm chặp chữ ký và phân vân.
Joseph xem xét nét chữ loằng ngoằng như con nhện trên mảnh giấy màu lục làm bằng bột dó rồi nhíu mày nhìn người y công, dò hỏi:
- C.M. Hoo? Tôi không quen người nào có tên này. Ai đưa anh mảnh giấy này vậy?
Anh y công nhún vai:
- Một ông Tàu lớn tuổi. Trông lão giống một loại hành khất nào đó. Lão nói chúc anh mau lành mạnh và kể là lão từng gặp anh một lần ở một chỗ nào đó. Lão nói tên chỗ đó bằng tiếng Tàu nhưng tôi không nhại lại nổi.
- Tốt nhất là anh đưa ông ta vào đây.
Joseph nói hờ hửng. Nhưng một phút sau đó, anh giật nảy người trên giường khi thấy một hình dáng quen thuộc trong bộ đồ ka-ki, đầu đội mũ cối móp méo, đang nghiêng mình chống gậy trúc đi khập khểnh xuống khu điều dưỡng. Khi người An Nam ấy bắt tay Joseph, ông cười hóm hỉnh:
- Thật mừng khi thấy ở đây anh được chữa trị tốt hơn ở Pắc Bó rất nhiều, đại úy Sherman ạ. Tôi hy vọng lúc này anh sắp lành hẳn.
Joseph nhìn ông, không tin nổi mắt mình. Anh nói:
- Tôi không nhận ra cái tên ông ghi trên tờ nhắn.
- À, đúng rồi, tôi viết tên mình theo lối người Mỹ thích viết - ghi tắt tên và để nguyên họ, có thêm một chữ o. Tôi quên lửng anh là người rất quen thuộc các lề thói phương đông.
- Nhưng ông Hồ ạ, ông đang làm gì ở Côn Minh này vậy?
Trước vẻ mặt băn khoăn của Joseph, người An Nam tiếp tục mỉm cười:
- Đại úy ạ, đối với Côn Minh tôi không phải là người lạ. Vì ở gần biên giới Bắc kỳ nên “Thành phố mùa xuân bất tận” này suốt nhiều năm nay thường được người theo chủ nghĩa dân tộc của nước tôi dùng làm nơi lưu vong tị nạn.
- Và ông sang đây tị nạn sao?
Người An Nam lúc lắc đầu, mặt vẫn cười tươi rói:
- Không. Thỉnh thoảng tôi tới đây để tìm hiểu những gì xảy ra trên các vùng đất còn lại của thế giới. Tôi thích đọc các số báo Time cũ, một tạp chí xuất sắc của quí vị, tại phòng đọc sách của Cơ quan Thông tin Chiến sự Hoa Kỳ - nhờ đọc chúng, tôi cập nhật hoá được tin tức.
- Và làm thế nào ông tới được đây?
- Tôi đi bộ qua biên giới tới Tỉnh Tây.
Miệng Joseph há hốc:
- Nhưng đoạn đường đó dài ít ra cũng ba trăm hai chục cây số!
Người An Nam nói giản dị:
- Đúng đấy, có thể hơn nữa. Nó làm tôi đi mất hai tuần lễ. Chân tôi bây giờ hơi sưng nhưng tôi đã quen đi bộ lúc bị tù ở Trung Hoa rồi.
Joseph phản bác:
- Có điều ông không đi hết quãng đường xa xôi như thế chỉ để đọc các số báo Time cũ.
Đôi mắt đen sôi nổi đang nhìn người Mỹ bỗng lấp lánh hơn, Hồ Chí Minh gật đầu đồng ý:
- Đại úy ạ, dĩ nhiên anh có lý. Tôi tới đây để hiến cho tướng Chennault những công tác Việt Minh làm được. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có khả năng cứu thoát thêm nhiều phi công nếu chúng tôi có vũ khí tốt hơn và vài ba chiếc máy truyền tin, nhưng Cục Công Tác Chiến Lược OSS của quí vị tỏ ra không quan tâm. Họ nói rằng không thể trao vũ khí cho chúng tôi trong tình trạng chúng tôi dùng chúng để đánh Pháp, một đồng minh của quí quốc tại châu Âu. Họ sẽ không cho tôi, dù chỉ một khẩu súng lục Colt .45 thôi - và cũng không để cho tôi tiếp xúc với thiếu tướng của anh.
- Ông không nói cho họ biết là ông từng cứu thoát một phi công Mỹ sao?
Người An Nam gật đầu:
- Tôi có nói nhưng tôi nghĩ là họ không tin.
Hồ Chí Minh vẫy vẫy bàn tay bất mãn lên bộ quần áo lấm lem bụi đường của mình và mỉm cười rầu rỉ:
- Có lẽ anh không nên trách họ. Ngó tôi như thể tự cứu thân mình còn không xong làm sao cứu nổi ai.
Khi Joseph phá lên cười và người An Nam cười theo. Sự chân chất duyên dáng của ông làm dâng tràn trong lòng người Mỹ một niềm mến cảm mới. Hồ Chí Minh tiếp tục nói, mắt vẫn lấp lánh:
- Anh thấy đó, đầu óc của các viên chức OSS đầy dẫy thành kiến rằng có thể chúng tôi là cộng sản. Họ chỉ nghe lời của Tưởng Giới Thạch và đám tình báo của Nước Pháp Tự Do. Không phải chính tôi đã từng cảnh giác anh về điều đó sao?
- Rồi ông nói với họ như thế nào?
- Tôi nói rằng người Pháp thích kết án cộng sản hết thảy những ai muốn Đông Dương được độc lập. Và vì Tưởng Giới Thạch đang bỏ công chống Mao Trạch Đông nhiều hơn chống bọn Nhật nên ông ta cũng nóng vội kết án Việt Minh là cộng sản.
Joseph buột miệng nói:
- Tôi sẽ đích thân trình lên tướng Chennault. Tôi có kể với ông ấy về những gì người của ông đã làm cho tôi. Lời ông yêu cầu gặp tướng Chennault có thể sẽ không bao giờ lọt qua các sĩ quan phụ tá của ông ấy.
Hồ Chí Minh cau mày, đặt bàn tay mình lên cánh tay Joseph. Ông nói với vẻ can ngăn:
- Xin anh đừng vì tôi mà rước rắc rối vô mình. Anh phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Tôi tới đây không phải để làm rộn anh.
Joseph vỗ vỗ bàn tay người An Nam và mỉm cười quả quyết:
- Sau những gì ông đã làm cho tôi, đối với tôi chẳng còn gì gọi là rắc rối nữa.
Hồ Chí Minh nói thật gấp:
- Nếu có được một cuộc gặp gỡ như vậy với thiếu tướng hẳn tôi sẽ rất sung sướng khi nhận được một vật kỷ niệm giản dị của ông ấy. Tôi nghe nói thiếu tướng có dành sẵn các bức ảnh chân dung in trên giấy láng dùng để tặng cho những ai ngưỡng mộ tài năng lãnh đạo của ông ấy. Tôi thật rất biết ơn nếu anh có thể thuyết phục được thiếu tướng ký tặng tôi một tấm.
Joseph cười lớn:
- Một tấm ảnh giấy láng là cái hết sức tối thiểu ông sẽ nhận được, ông Hồ ạ. Tôi xin hứa như vậy. Riêng cá nhân tôi, như một lời cảm tạ, tôi sẽ kiếm cho ông vài khẩu Colt .45 với một hai thùng đạn. Thêm nữa, tôi nghĩ tướng Chennault sẽ đồng ý gặp ông khi tôi trình lên ông ấy rằng ông là ai và cả những việc ông đang làm. Ông còn ở Côn Minh bao lâu nữa?
- Một hoặc hai tuần. Tôi thuê phòng nhỏ bên trên một tiệm làm đèn cầy.
- Vậy tuần sau, xin ông trở lại đây gặp tôi.
Ngưỡi An Nam đứng lên và mặt bỗng lộ vẻ nghĩ ngợi:
- Cám ơn đại úy... Thật vui mừng hết sức về những khẩu Colt .45 đại úy vừa nói tới. Đặc biệt nếu anh có thể cho tôi tiếp nhận loại súng chưa hề khui ra, còn trong vỏ và nguyên xi bao bì. Giờ đây tôi phải đi trước khi làm anh thấm mệt vì trò chuyện quá nhiều.
Hồ Chí Minh bắt tay Joseph thật chặt và dợm chân đi thẳng. Nhưng rồi ông tần ngần quay mình lại, mở nút một trong những túi áo ka-ki bạc màu. Bộ mặt nhăn nheo của ông thoáng một nụ cười ngượng nghịu:
- Đại úy Sherman, xin anh đừng chấp lão già đa cảm này nếu tới lượt mình đền đáp lòng tử tế của anh, già xin tặng anh một bài thơ mọn già vừa làm.
Hồ Chí Minh đưa về phía người Mỹ một tờ giấy dó màu lục gấp làm tư. Xúc động trước cử chỉ đó, Joseph trả lời:
- Tôi rất sung sướng tiếp nhận. Ở Pắc Bó, anh Đào VănLật có đọc cho tôi nghe mấy bài thơ của ông. Lúc đó, tôi rất ngưỡng mộ.
- Tôi làm bài thơ này trên đường băng núi đi bộ từ Bắc kỳ sang đây. Trong khi làm, tôi nghĩ tới anh và cầu mong anh chóng bình phục. Trong chiếc máy bay lâm nạn, anh đã kề cận cái chết và anh sống sót. Điều đó làm tôi nhớ lại bản thân mình cũng từng thoát khỏi bàn tay của tử thần - tôi gần như sắp lìa đời lúc ở trong nhà ngục tại Trung Hoa.
Joseph mở tờ giấy, thấy bài thơ có tám câu, viết với nét chữ loằng ngoằng như chân nhện từng được anh xem xét trong tờ nhắn lúc nãy. Bài thơ ghi bằng tiếng Anh, và rõ ràng được dịch từ một nguyên bản chữ nho. Anh đọc thấy:
TRỜI HỬNG Sự vật vần xoay đà định sẵn: Hết mưa là nắng hửng lên thôi; Đất trời một thoáng thu màn ướt, Sông núi muôn trùng trải gấm phơi; Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ, Cây cao, chim hót rộn cành tươi, Người cùng vạn vật đều phơi phới: Hết khổ là vui, vốn lẽ đời.[Nguyên văn phiên âm ra Việt-Hán:
TÌNH THIÊN
Sự vật tuần hoàn nguyên hữu định,
Vũ thiên chi hậu tất tình thiên;
Phiến thời vũ trụ giải lâm phục,
Vạn lý sơn hà sái cẩm chiên;
Nhật noãn phong thanh hoa đới tiếu,
Thụ cao chi nhuận điểu tranh ngôn;
Nhân hoà vạn vật đô hưng phấn,
Khổ tận cam lai lý tự nhiên.]
Xúc động vì tính lạc quan mộc mạc của bài thơ, mắt Joseph rời trang giấy ngước lên định cám ơn kẻ sáng tác. Nhưng người An Nam ấy đang khập khểnh đi ra khỏi khu điều dưỡng. Dù mắt Joseph vẫn mãi miết ngó theo Hồ Chí Minh suốt quãng đường dẫn ra tới cổng, ông đi thẳng không ngoái đầu nhìn lui.