- Cha, tại sao cha có thể nói rằng con làm xấu hổ gia đình mình - cha không biết con đã đánh bại thằng Tây vô địch đó một cách ngay thẳng sao?
Từ trong thư phòng của Trần văn Hiếu, qua khung cửa sổ mở, giọng Kim sang sảng vang ra tới chỗ Lan đang ngồi bên cạnh hồ sen, nghe rõ từng tiếng. Suốt nửa giờ vừa qua, Lan không thể nào gạt khỏi tâm trí hình ảnh cậu bé Mỹ nhiệt tình và gan dạ ngày xưa nay là người thanh niên tuấn tú và chân thật đã đưa nàng về nhà chiều nay. Nàng cảm thấy lòng bâng khuâng lạ thường mỗi lần nhớ lại lúc đôi mắt xanh ấy nhìn vào mắt mình với vẻ ngưỡng mộ và nồng ấm. Nhưng rồi giọng Kim cất lên càng lúc càng cao đưa Lan về với thực tại, làm nàng thấp thỏm thu mình lại. Tay giữ mái tóc, tay ôm ngực nàng ngồi yên trên ghế đá và nghiêng đầu về hướng thư phòng, lắng tai nghe ngóng.
Với giọng quyết liệt Kim nói tiếp:
- Con đã chơi đúng luật và con thắng. Đúng lẽ công bằng chiếc cúp bạc phải thuộc về con!
Kế đó, nghe lối nói chậm rải, thận trọng đầy cân nhắc của cha, Lan biết ông đang nén giận:
- Nhưng cách chơi của con xúc phạm nặng nề người Pháp. Nó phản thể thao và khiêu khích - không đúng với cách chơi quần vợt truyền thống của họ. Họ có lý khi ra lệnh cho con chơi lại trận chung kết. Còn cha, cha cấm con không được chơi theo kiểu đó thêm lần nữa.
Kim nói, giọng thì thầm ngờ vực khiến Lan phải nín thở mới nghe ra:
- Cha! Con không tin nổi hai tai mình. Có phải cha đang có ý ra lệnh cho con “hợp tác” với bọn Tây để tự đánh bại mình?
Trần văn Hiếu nói lạnh lùng:
- Sự nhiễu loạn đó của đám đông là do bởi thái độ của con và vì vậy gây thành dư luận xấu kinh khủng cho gia đình ta! Cha cho con quyết định làm cách nào tốt nhất để bảo đảm không tái diễn sự xấu hổ ấy.
Kim phản đối:
- Con không chịu trách nhiệm về việc người trong các đám đông đó đã làm. Người ta chỉ phản ứng trước sự bất công trắng trợn của bọn Tây. Con không chấp nhận chơi lại! Con đã thắng sòng phẳng. Và con đã đồng ý với ông Nguyễn An Ninh rằng con sẽ viết một bài báo ký tên mình trên tờ La Lutte, công kích việc bọn Tây áp bức luôn cả cái sân quần vợt!
- Con lúc nào cũng ngoan cố không nghe lời cha. Con đã tham dự giải quần vợt trái với lời khuyên của cha. Trên tất cả mọi sự, con chỉ muốn thách thức cha và chỉ muốn gây rắc rối.
Sự giận dữ trong cung giọng cất cao của cha làm Lan như mất thở. Nàng hồi hộp, cực lòng trong khi chờ nghe câu trả lời của anh. Sau cùng, Kim nói với tiếng cười nho nhỏ và gượng gạo:
- Lúc này con đã thấy ra! Từ đầu tới cuối chắc chắn cha chỉ mong sao cho con bị đánh bại! Đó là lý do cha từ chối đi xem. Con thật điên rồ khi nghĩ cha có thể hãnh diện về con - hãnh diện rằng rốt cuộc con đã tìm kiếm được một sự tôn trọng và ngưỡng mộ chân thành nào đó giữa dân tộc mình! Lúc này con đã biết rất rõ! Dù con có làm gì đi nữa cha cũng không bao giờ hãnh diện về con. Ngay cả việc dành được một chiến thắng nhỏ nhoi trên bọn Tây chúa tể của chúng ta cũng làm cha thất vọng, có đúng như vậy không?
- Đúng! Vì bản tính của con bao giờ cũng mưu sự thành công bằng thách thức và đối đầu. Cha đã nhiều lần dạy con rằng nếu mình lùi một bước, tự nhiên sẽ yên ổn, sẽ sống êm thắm với mọi người. Cha luôn luôn ra sức hướng dẫn con và Tâm như thân phụ của cha đã hướng dẫn cha - để có sự tôn trọng thích đáng và đầy tinh thần Khổng Mạnh đối với người lớn tuổi, đối với đức vua và đối với các bậc quan quyền. Thằng Tâm học thuộc bài học đó, còn con, con lúc nào cũng chọn con đường làm loạn - đó là lý do cha xấu hổ về con!
Kim nói lớn, giọng như thể gào lên:
- Cái luân lý được Khổng tử cổ võ đó chính xác là loại tinh thần nô lệ ngoan ngoãn chính bọn Tây chủ nhân ông muốn chúng ta có. Chúng ta sẽ mãi mãi làm thân trâu ngựa cho bọn chúngï nếu chúng ta chỉ nghe theo những lời giảng dạy đó.
Trước lời phê bình bất kính và vô lễ lộ liễu ấy tiếng hơi thở rít vào đột ngột của cha làm Lan đứng bật dậy, tim đập rộn ràng. Dù trong khu vườn chỉ lờ mờ sáng nhưng qua khung cửa sổ nàng vẫn thấy rõ cha đang ngồi sau bàn viết, trước hai bức trướng bằng lụa đỏ treo trên vách trong đó thêu chỉ vàng hai chữ nho “
Nhẫn” và “
Hoà”.
Chửng chạc, tóc hai bên thái dương lốm đốm bạc theo số tuổi ngoài năm mươi, ông mặc chiếc áo thụng màu lam vẫn thường mặc buổi tối để thắp nhang và vái lạy trước bàn thờ tổ tiên. Đầu và vai rung rung cho thấy ông đang cố dằn mình để làm chủ cơn thịnh nộ. Tâm đứng sát bên ông còn Kim đứng phía bên kia bàn. Anh vẫn mặc bộ quần áo chơi quần vợt, đăm đăm nhìn cha và Tâm. Sợ cha và hai anh có thể quay ra thấy mình đang nghe lén, Lan lùi lại nép sau cành mận bên ngoài cửa sổ.
Trần văn Hiếu cất tiếng, rất điềm đạm:
- Con lại xúc phạm nặng nề thêm khi nói với cha theo kiểu đó. Cha yêu cầu con về phòng mình, chuẩn bị cho chuyến đi Huế ngày mai. Có lẽ việc quan chiêm cuộc tế lễ cổ truyền sẽ nhắc cho con nhớ di sản kế thừa đáng hãnh diện của chúng ta, khiến từ đó con không còn cư xử rồ dại hoặc phi lý nữa. Con hãy ngẫm nghĩ về những lời lẽ và hành động của mình trong thời gian vừa qua. Vài ngày tới, cha sẽ nói chuyện với con thêm.
Kim đáp trả ngay, giọng run run:
- Con không đi Huế với cha! Sau khi nghe những lời cha vừa nói tối nay, con thấy con không còn lý do để tiếp tục giấu giếm cha quan điểm thật sự của con.
Lan thấy cha ngước lên nhìn Kim, mặt lộ vẻ choáng váng. Rồi ông nói với giọng sỉ nhục, lạnh như nước đá:
- Như vậy, bằng sự dâng hiến mình cho những lý thuyết điên cuồng của chủ nghĩa bôn-sê-vich con không chỉ làm ô danh cha của con, tổ tiên của con - con còn sẵn sàng quay lưng với đất nước từng sinh ra con và với tất cả những giá trị đất nước ấy đang cổ võ.
- Không! Cha nói như vậy không đúng! Để yêu đất nước của cha, cha không cần phải yêu cái hình nộm giá áo mạ vàng chuyên trình diễn nghi lễ cổ xưa và đánh mất toàn bộ ý nghĩa của nghi lễ đó! Cha không cần phải bỏ ra hàng giờ đứng ngó các ông quan cử động như những cái giá móc những chiếc áo bào đủ màu sắc. Nhân dân ghét cay ghét đắng sự tồi bại của quan lại, cha không thấy sao? Nếu thực dân Pháp không tới đây, cơn thủy triều lịch sử cũng đã cuốn phăng từ lâu rồi nhà vua và triều đình thối nát của ông ta - đúng như nó đã làm bên Trung Hoa hai mươi lăm năm trước đây.
Mặt Kim tái nhợt, hai bàn tay hết nắm chặt lại xoè ra hai bên hông trong khi miệng anh tiếp tục tuôn những lời lẽ nóng bỏng:
- Nhân dân biết rằng ông vua này và đám triều thần của ông ta chỉ là những con rối ngoan ngoãn nhảy múa khi Toàn quyền Đông Dương hoặc Thống đốc Nam kỳ hoặc Khâm sứ ở Huế hoặc Thống sứ ở Hà Nội giật sợi dây. Họ biết rằng những kẻ đó không có quyền hành thật sự trong Hội đồng Thuộc địa hoặc Cơ mật viện. Họ biết khá rõ rằng những “kẻ hợp tác” được tưởng thưởng hào phóng vì sự phản bội dân tộc của chúng. Nông dân căm ghét các địa chủ không cư trú tại nơi có ruộng đất của mình như chúng ta, cha không hiểu sao? Sống kiểu như cha “thối nhất bộ tự nhiên an”, chỉ có nghĩa là làm bù nhìn nhẫn nhục bọn tây để được làm kẻ cho vay nặng lãi và kẻ đầu cơ tích trữ ăn bám vào sự bất hạnh của người dân...
Tâm chuyển người lẹ như chớp làm Lan sửng sốt. Tiếng bàn tay Tâm tát bốp vào mặt Kim làm nàng dội người lùi lại ngay nơi đang núp. Kim lảo đảo rồi lẹ làng lấy lại thăng bằng và đứng yên tại chỗ, mắt rực lửa nhìn anh. Trong một chốc có vẻ Kim sắp trả đòn nhưng trấn tĩnh được. Tâm nói, thở hổn hển:
- Tao biết đó là cái người cha kính mến của tao muốn làm cho mầy nhưng cha kiên quyết giữ đúng nguyên tắc danh dự và ghê tởm sự mất tự chủ. Vậy tao rất hân hạnh được thay thế cha làm cái việc đó.
- Tôi đố anh dám làm như vậy ở bên ngoài phòng này.
Kim nói gằn từng tiếng. Tâm ngần ngại, chập chờn đưa mắt nhìn về phía cha. Trần văn Hiếu vẫy người con trai lớn qua một bên:
- Đủ rồi, Tâm! Em của con quên rằng cái tài sản và địa vị bị nó cực kỳ khinh bỉ này đã giúp nó có khả năng sang Pháp du học. Nó quên rằng ngay chính trên đất Pháp, nó đã khám phá “đức tin” mới ấy. Nó quên hoặc nó quá nông nổi và điên rồ tới độ không thấy rằng đối với một xứ sở nhược tiểu như xứ sở này, chúng ta phải tiến từng bước một cách rất thận trọng. Về mặt chính trị, trong lúc dân chúng chưa trưởng thành được như nó thì sự bảo hộ và hướng dẫn của người Pháp là hết sức thích hợp, so với những nhà cai trị thiếu thận trọng xuất thân từ quân phiệt Trung Hoa - hoặc thậm chí từ phát xít Nhật.
Kim đáp trả, giọng lúc này khinh mạn thấy rõ:
- Nếu cha là thân phụï của Bình Định Vương Lê Lợi, con chắc chắn rằng cha sẽ khuyên con “tôn kính” bọn Tàu xâm lược mà sau đó đã bị ngài oanh liệt đánh bại trong thế kỷ mười lăm. Nếu cha là thân phụ của Quan Nội Hầu Phạm Ngũ Lão, con chắc chắn cha cấm con không được dùng chiến thuật “lấy đoản binh chống với trường binh” để đánh quân Mông Cổ vì đó không phải là cách đánh của đối thủ! Cha từng dạy con tôn kính những anh hùng liệt sĩ của chúng ta nhưng cha vẫn cấm con tích cực noi gương họ. Tự thâm tâm con, con biết rằng ngày nay con đường độc nhất cho người yêu nước chân chính là phải trở thành người làm cách mạng.
- Và cha giả dụ rằng con sẽ đơn thương độc mã trở thành vị cứu tinh đất nước của chúng ta.
Kim trả lời tự tin:
- Kẻ cứu tinh không chỉ một người mà là nhiều người. Đảng Cộng sản Đông Dương được sự ủng hộ của hết thảy các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới và được lãnh đạo bởi Nguyễn Ái Quốc sẽ giải phóng chúng ta. Con hy vọng mình sẽ đóng vai trò của mình - bằng cách đó, đúng, bằng cách đó con sẽ trở thành một trong những kẻ cứu tinh đất nước mình.
Tâm nói dứt khoát:
- Nguyễn Ái Quốc đã chết. Chính báo chí cộng sản ở Mát-cơ-va và Paris tường thuật như vậy.
- Họ lầm. Ông ấy còn sống và đảng đang phục hồi.
- Vậy lúc này ông ta ở đâu?
- Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là ông ấy sẽ không ở Huế để cùng tham dự trò chơi Tế Trời vô ích và vô bổ. Ông ấy vẫn đang làm việc với nhiều đồng chí khác để bảo đảm rằng những lý thuyết hiện đại cực kỳ ưu việt của Marx và Lênin, hơn hẳn và khống chế các ý tưởng lạc hậu của Khổng tử.
Lan thấy cha ngẩng đầu. Vẻ mặt ông đột nhiên đau đớn và buồn thảm hơn giận dữ. Trong một lúc Trần văn Hiếu nhìn lần lượt từng đứa con trai của mình. Rồi ông nói với giọng trầm tĩnh:
- Không có gì nguy hiểm hơn việc hoàn toàn phủ định quá khứ. Ngày nay, hoàng đế vẫn còn quan trọng như một trọng điểm biểu tượng cho nền văn hoá của chúng ta và một đặc điểm của dân tộc chúng ta. Nếu muốn quốc gia của chúng ta tồn tại, chúng ta phải phối hợp cái tốt nhất trong những lý tưởng có tính tín ngưỡng của chúng ta với cái tốt nhất trong những lời giảng dạy khoa học mới của phương tây. Chúng ta phải hoà hợp những cái cũ với những cái mới và để cho quá khứ và hiện tại gặp gỡ nhau một cách cân bằng. Kim ạ, con đang bị lôi kéo bởi những lời nói huênh hoang rỗng tuếch và phóng túng của cậu Lật con. Cậu ấy bị ám ảnh bởi các tư tưởng ngoại lai - nhưng nếu chúng ta để mặc cho lương tri dân tộc bị nhận chìm trong đại dương các kiến thức ngoại lai, chúng ta sẽ đánh mất quốc túy và đặc biệt quốc hồn.
Vị quan dùng một từ ngữ An Nam đầy xúc động: “
quốc hồn”, để diễn tả linh hồn đất nước với sự trân trọng và đầy âm vang:
- Chúng ta lúc nào cũng giữ truyền thống của mình dù nhiều phen bị mất độc lập - ban đầu vào tay Trung Hoa và bây giờ vào tay Pháp. Con thừa biết rằng người ta không thể sống nếu mất linh hồn thì dân tộc cũng thế. Với quốc hồn, dân tộc sống theo chiều dọc, vượt thời gian và không gian, làm một cùng hương linh tổ tiên và khí hùng sông núi. Nếu con và cậu Lật hy sinh “
quốc hồn” cho chủ nghĩa bôn-sê-vích để đổi lấy độc lập thì sau đó con sẽ thấy không tồn tại một dân tộc thật sự để cho mình làm hồi sinh. Trong Cuộc Khủng Bố Đỏ năm 1931 tại bắc Trung Kỳ, các “bạn” của con phạm những hành động hung ác. Khi giới hạn con người trong quan hệ kinh tế và chính trị, tại chỗ và nhất thời, các “bạn” ấy đã phủ nhận cuộc sống tâm linh. Tiếp tục hành động theo quan điểm không tưởng đó sẽ làm hư hoại tình tự và đạo lý của dân tộc vì khiến người dân chỉ còn quan hệ với nhau bởi các giá trị trần tục, thời cơ và giai đoạn.
Nhìn lên bàn thờ, nơi khói nhang đang bốc lên theo hình xoắn ốc, Trần văn Hiếu trầm ngâm một chốc. Rồi ông nhìn lần lượt vào mặt từng đứa con trai:
- Tây học dạy các con phải chọn cái này hoặc cái kia nên dễ bị thiếu cái nhìn toàn bộ và vì thế, nóng vội với lối giải quyết cục bộ. Chúng ta dựa vào lời giảng huấn của Đức Khổng để củng cố gia đình, tổ chức xã hội, sống hữu trách và tích cực. Chúng ta dựa vào lời thuyết pháp của Đức Phật để nguôi khoai khi đau khổ, sống từ bi cho tới bên kia cái chết. Chúng ta dựa vào đạo học của Lão Trang để hoà hợp với thiên nhiên và thanh thoát giữa cuộc thế. Chúng ta sắc phong các anh hùng liệt sĩ làm thần nhân và thờ cúng chư vị tại các đền miếu, đình làng để quốc được hộ, dân được an, để tri ân và giáo dưỡng. Những cái đó hiệp với cuộc cộng sinh mấy ngàn năm nay của một dân tộc thuần chủng, chung ngôn ngữ khiến chúng ta tin mình thừa khả năng dung hợp, với một tâm linh kim cương bất hoại. Quốc gia có suy có thịnh, lịch sử hết trầm lại thăng, nhân tâm khi đồng khi dị nhưng dân tộc phải như một gia đình, lấy bao dung đoàn kết làm phương châm. Sự phân chia dân tộc ra những thành phần đối nghịch và khẳng định rằng chúng đang loại trừ nhau khiến các “bạn” của con không chùn tay khi tàn sát đồng bào của mình. Họ từng chứng tỏ rằng họ không ngần ngại xé tan nát các bộ phận của dân tộc để “cứu nguy dân tộc”.
Trong một hồi lâu Kim im lặng đăm chiêu nhìn với vẻ mặt đắn đo. Như thể có phần rất nhỏ nào đó trong anh vẫn theo bản năng, kính trọng sự khôn ngoan trong những lời cha vừa nói. Kế đó, bất chợt nét mặt Kim vặn vẹo với vẻ quạu cọ như sôi máu theo một cơn thịnh nộ phi lý. Anh chồm người tới trước, đấm nắm tay thật mạnh lên mặt bàn viết của cha:
- Cha và anh Tâm mù quáng, không thấy ra hoặc nói một đường làm một ngả. Trong giai đoạn lịch sử này, ưu tiên tối thượng là thu hồi nền độc lập và tự do cho dân tộc. Muốn thế, phải có một chủ nghĩa chính trị đầy khoa học và đạt tới đỉnh cao trí tuệ. Phải có một đảng cách mạng có tổ chức, sinh hoạt chặt chẽ và đấu tranh chuyên nghiệp. Bên ngoài, đảng đó phải có chỗ dựa quốc tế. Bên trong, đảng đó phải có các đảng viên hiểu biết kỹ thuật đấu tranh, suốt ngày đêm chỉ nghĩ tới việc đảng, triệt để chấp hành lệnh đảng, xem đảng còn hơn mạng sống của mình. Nghĩa là phải có một đảng cách mạng thường trực. Đi theo chủ nghĩa bôn-sê-vich là đáp ứng đầy đủ cả hai yêu cầu thu hồi độc lập dân tộc và thiết lập công bằng xã hội. Trước mắt, chỉ một mình học thuyết của Lênin thôi cũng đủ để có thể giải phóng các dân tộc thuộc địa như chúng ta. Sâu xa hơn, chỉ có chủ nghĩa Mác–Lê mới có khả năng giải thoát chúng ta khỏi sự sỉ nhục suốt đời nô lệ và nghèo đói trước mặt bọn ngoại nhân đáng kinh tởm!
Trần văn Hiếu nhìn con trai, mặt không để lộ cảm xúc:
- Con cũng biết khá rõ rằng có những người Tây tốt - như quan ba Devraux - họ có lòng thương mến sâu xa xứ sở chúng ta. Tình trạng quá lệ thuộc vào người Pháp là một thực tế kéo dài sáu bảy chục năm nay, đã ăn thành nếp trong trí óc con người và phần thành giai tầng xã hội nên không dễ chấm dứt hay xóa sạch trong một thời gian ngắn. Nhưng lúc này mọi sự đang thay đổi. Nếu chúng ta hoạt động bình tĩnh và có phương pháp thì Hoàng đế Bảo Đại có thể trở thành vị quốc chủ hiện đại đầu tiên - được người Pháp cố vấn nhưng do mình cai trị với quyền hành độc lập rộng rãi hơn. Phái tránh bạo động hoặc gây quá nhiều xung động trong dân tộc, đưa tới cảnh nội chiến, máu đổ thịt rơi. Thà chấp nhận đường lối Pháp-Việt đề huề để phục hưng đất nước, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, cải thiện dân sinh. Bước đầu tiên mà cha đang cùng với đồng liêu ở Trung kỳ cũng như các nhân sĩ ở Nam kỳ vận động là yêu cầu người Pháp tái cứu xét, thực hiện đúng theo các điều khoản được qui định trong Hiệp ước Patenôtre năm 1884, tăng quyền cho Hoàng đế, từ đó tiến tới một chế độ quân chủ lập hiến.
Kim khịt mũi chế nhạo:
- Thật ảo tưởng và thơ ngây khi trông chờ lũ thực dân đế quốc giúp dân tộc bị đô hộ thu hồi độc lập, tự lực cánh sinh! Cũng thật không tưởng và tham lam khi vừa muốn làm một nhà cải cách vừa muốn ôm riết những đặc quyền đặc lợi bất chính của dòng họ mình, của giai cấp mình! Bọn Tây sẽ chỉ mãi mãi sử dụng chúng ta như chúng ta sử dụng con trâu con ngựa. Chúngï chỉ thương mến những tài nguyên phong phú chúngï có thể moi móc từ đất đai của chúng ta.
Mắt Kim bỗng nhiên bốc lửa khi anh nhìn xuống cha. Rồi anh thọc tay vào túi quần soóc móc ra một tờ giấy bạc nhăn nhúm. Anh kẹp tờ năm đồng ấy giữa hai ngón tay, vuốt cho thẳng rồi ve vẩy nó trước mặt:
- Đây là cái độc nhất mà bọn tây thuộc địa có lòng thương mến sâu xa. Và cha cũng có lòng thương mến sâu xa nó. Ngoài cái này ra, tất cả những cái khác chỉ là đạo đức giả!
Kim xoay tờ giấy bạc trong tay rồi chỉ vào tấm hình nổi in chân dung Bà Mẹ Pháp đang dang đôi tay nhân ái che chở trên vai hai người An Nam bản xứ:
- Cha có biết tấm hình này có ý truyền đạt cái gì không? Nó cho thấy một bà mẹ lôi những gã con trai An Nam khốn khổ ra nơi chợ búa - để bán chúng như những tên nô lệ! Và con là thằng con trai của những tên môi giới càng ngày càng mập ú nhờ tiền lãi đó.
Kim dừng lại một chút rồi đột ngột vung tay ném tờ giấy bạc thẳng vào mặt cha:
- Cha có thể không sẵn sàng chấm dứt việc bán nhân dân chúng ta cho bọn Tây vì lợi ích riêng tư, còn con, con sẵn sàng - con không còn là kẻ tham dự vào những hành động đáng xấu hổ như vậy nữa.
Trần văn Hiếu rúm người lại và nhắm mắt khi tờ giấy bạc giập giờn đậu xuống trên bàn trước mặt ông. Khi ông mở mắt ra, ánh mắt ông rơi thẳng lên tấm hình in nổi. Sau cùng ông mở miệng, giữ mắt không nhìn con trai. Ông nói bằng giọng siết chặt giữa hai hàm răng:
- Con đi khỏi nhà này ngay. Chừng nào ta còn sống thì chớ bao giờ trở về.
Từ bên ngoài cửa sổ Lan nghe rõ ràng hơi thở Kim hít vào thật nhanh. Bên cạnh cha, Tâm đứng bất động như một hình nhân bằng sáp, mặt không còn sắc máu. Trần văn Hiếu tiếp tục nói với giọng trầm tĩnh:
- Trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, gia đình và dân tộc phải là một. Nếu gia đình mất dân tộc cũng sẽ mất. Kim ạ, cuối cùng, giả dụ chủ nghĩa bôn-sê-vich thành công, con sẽ đem sự tan nát tới cho đất nước con, cho gia đình con và cho chính bản thân con! Đi ngay!
Lan không kềm nổi tiếng thổn thức khe khẻ thoát ra trên môi. Khi Kim bước rất lẹ ra khỏi phòng, nàng lật đật nhảy lên các tầng cấp chạy theo vào nhà. Lan gặp anh trong phòng khách lớn đầy bóng tối nhưng Kim lướt qua rất nhanh, không biết tới sự có mặt của em gái.
Oà khóc nức nở, Lan chạy vào thư phòng của cha, thấy ông gục mặt ảm đạm nhìn thật sâu lòng ghế. Quì xuống bên cha, nàng nắm bàn tay ông hôn lấy hôn để. Trên ngưỡng cửa, mẹ nàng im lặng xuất hiện; lúc ở nhà sau bà đã nghe rõ từ đầu tới cuối cuộc cãi vã và xô xát. Tâm đến bên mẹ. Bà vòng tay ôm con trai và kéo sát vào mình. Trên mặt bà nước mắt đang chảy thành suối.