Trăng rằm lơ lửng giữa bầu trời lồng lộng bên trên Hà Nội trong đêm Thứ Hai 18 tháng Mười hai năm 1972. Xuyên qua những cụm mây lãng đãng trôi lờ lửng khắp trời, trăng mơ màng toả ánh trong thanh xuống chan hoà thủ đô. Kể từ cuối tháng Mười, Hoa Kỳ tuyên bố ngưng oanh tạc từng phần, và như thế, thêm lần nữa đặt Hà Nội và khu vực trong vòng bán kính khoảng 115 cây số trổ về hướng nam nằm ngoài phạm vi không tập. Người dân Hà Nội, sau khi làm xong công chuyện buổi tối, lại lũ lượt kéo nhau ra phố tắm ánh trăng, dắt díu nhau tản bộ hoặc đi xe đạp thành từng đoàn. Hậu quả của việc ngưng oanh tạc từng phần là đường phố không còn tắt hết đèn đóm để phòng không và dân chúng sống khắp các khu vực nội ô lẫn ngoại ô cảm thấy thoải mái. Họ chẳng còn phải tất tưởi hoặc e dè khi di chuyển từ nhà tới xí nghiệp để làm việc hoặc ra chợ mua sắm cho gia đình.
Tại khu vực kỹ nghệ Khâm Thiên vốn thuở trước thuộc vùng ngoại ô, Tuyết cùng hai con đang trên đường từ một cửa hàng bách hoá về nhà, mang theo rau quả và suất gạo còm cỏi hàng tháng. Nhà của ba mẹ con là căn hộ một phòng rộng mười sáu thước vuông, trong khu cao ốc tập thể dành cho công nhân trên hai mươi tuổi, được ưu tiên cấp cho ba mẹ con ngay khi vừa đặt chân ra Hà Nội mùa xuân năm 1968. Từ đó đến nay, tuy tuổi chỉ mới ba mươi lăm Tuyết đã cảm thấy bần thần, hờ hửng như đời hơn bốn mươi và gần như cằn nhựa sống. Nhan sắc rực rỡ ngày nào chỉ là bóng rất mờ trên khuôn mặt xanh xao, héo hắt và in hằn những lằn nhăn tiều tụy. Khi nàng xê dịch, vai lệch hẳn theo từng bước chân. Trên thân hình thon thả ngày nào nay còm cỏi, quanh năm chỉ mặc một loại quần áo phân phối dành cho công nhân, may bằng vải ka-ki đơn điệu bạc màu, sờn trơ chỉ.
Trong không khí se lạnh mùa đông Hà Nội, cái nắng Miền Nam như ở bên kia nhiều lớp mây rất xám. Những ngày tháng Miền Nam xa xôi như ở một cõi khác, mờ ảo như thuộc về một kiếp khác. Rời Huế khi tai còn âm vang tiếng súng Mậu Thân, ba mẹ con Tuyết được bố trí theo xe Molotova chở quân khí chạy ngược đường Trường Sơn. Xe rẽ xuống Đồng Hới rồi từ đó, được Thường vụ tỉnh Quảng Bình gởi theo xe công tác đi thẳng ra Hà Nội. Sau mấy cuộc liên hoan được rộn ràng đón tiếp như một dũng sĩ tay không diệt Mỹ của Miền Nam, và ở trong đoàn chủ tọa mấy buổi lễ xuất quân, tưng bừng đưa tiễn thanh niên thủ đô hăm hở lên đường đi B để “góp một bàn tay tiếp quản 3/4 đất đai và 4/5 dân số”, Tuyết bắt đầu những ngày sống thu mình bên cạnh các con. Cuộc sống này do Tuyết chọn và cho đến nay nàng không chút hối tiếc về quyết định ấy.
Trần Văn Kim kinh ngạc khi nghe Tuyết từ chối tất cả những công tác liên quan tới chính trị, tương xứng với trình độ học vấn của mình, như làm nhân viên bộ ngoại giao hoặc dạy tiếng Pháp cho một học viện chuyên ngành đào tạo các cán bộ sẽ phục vụ tại các sứ quán ở châu Âu hay ở trong ban văn hóa tư tưởng dịch thuật tài liệu ngoại văn. Tuyết chỉ xin làm một công nhân lao động vô danh và bình thường.
Nhờ lý lịch có chồng gốc Hoa và biết đôi chút tiếng Quan Thoại, Tuyết được nhận làm người nấu ăn trong một căng-tin bên kia Sông Đuống, cho các công nhân quốc phòng người Hoa sang làm công tác quốc tế xây dựng Miền Bắc. Họ người vùng Hoa Bắc lực lưỡng, ăn thịt bỏ lòng. Công việc chính của họ là giúp kiến thiết và bảo quản con đường sắt rộng 1.2 thước từ Lạng Sơn tới ga Yên Viên dài hơn một trăm cây số. Tuyến đường đặc biệt dùng để chở quân nhu quân cụ của Trung Quốc yễm trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ, và sau này, chở thêm vũ khí của Liên Sô trong những ngày cảng Hải Phòng bị phong tỏa.
Những công nhân này, thuộc trong số 15 vạn thanh niên thiếu nữ người Hoa có mặt ở Miền Bắc mấy năm trước đây. Hầu hết là vệ binh đỏ, họ sống trong vùng oanh tạc mà thản nhiên như đi dạo mát, với lòng tin tưởng tuyệt đối vào vị chủ tịch Trung Quốc siêu phàm và đáng kính. Mỗi người nâng niu một cuốn sách đỏ ghi châm ngôn của Mao Trạch Đông làm kinh nhật tụng và sẵn sàng mang ra trích dẫn mỗi khi cần tranh luận, tự kiểm hoặc tổng kết công tác. Bên cạnh đó, năng lực lao động của họ thật ghê gớm. Sức một người đủ vác nổi một tà-vẹt, và hai người đủ khiêng nổi một thanh đường rầy. Sang Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, họ mang theo vũ khí cá nhân và súng cao xạ phòng không, sẵn sàng chiến đấu. Mỗi khi máy bay oanh tạc của Mỹ xuất hiện trong tầm mắt, họ khua soong chão rền trời. Tuân theo lời dạy của Mao chủ tịch, họ xem việc đánh nhau với đế quốc Mỹ như dùng đoản côn đập một phát nát đầu con hổ giấy, chẳng cần xuống tấn.
Hằng ngày, Tuyết dậy thật sớm, lo chút điểm tâm cho Trinh và Chương, sắp sẵn bữa cơm trưa cho hai con khi chúng đi học về. Rồi khi trời chưa sáng hẳn, nàng đạp xe trên mười cây số trong sương mù qua cầu Long Biên sang Gia Lâm, vượt cầu sông Đuống để đến chỗ làm. Tới sâm sẩm tối mới đạp xe về. Lại lo bữa cơm tối đạm bạc rồi thầm lén dạy cho Trinh và Chương học thêm tiếng Pháp tiếng Anh. Riết rồi cũng quen dần với khí hậu khắc nghiệt. Mùa hè nắng rát, khô và ngứa như rôm sảy nổi kháép người. Mùa đông mưa phùn với gió rét như có hàng ngàn mũi kim chích vào mặt. Làm ở Yên Viên được ba năm, Tuyết phải thay đổi công việc vì các công nhân quốc phòng ấy về lại Trung Quốc. Kế tiếp, Trần Văn Kim bố trí cho Tuyết vào làm trong xưởng quân khí ở gần chúng cư tập thể của ba mẹ con. Tại đó, Tuyết lao động mười hai giờ mỗi ngày. Công việc chính là ráp ngòi nổ vào đạn pháo cho các ổ cao xạ ở Miền Bắc hoặc để yễm trợ cho pháo binh ở chiến trường Miền Nam.
Chỉ thỉnh thoảng ngày tết hay ngày giỗ, Trần Văn Kim mới ghé lại thăm Tuyết, còn nàng gần như chưa lần nào tự ý tìm đến văn phòng của Kim tại trụ sở trung ương đảng. Từ tháng đầu tiên đặt chân xuống thủ đô, Tuyết đã nhận ra đời sống ở đây không như mình nghĩ tưởng hồi còn ở Huế. Mỗi ngày qua đi trong cuộc sống ở Hà Nội, Tuyết càng trôi dần vào trạng thái thầm lặng và câm lặng. Ở đây lẫn lộn lung tung các khái niệm thông minh và lém lỉnh, khôn ngoan và hoạt đầu, trí tuệ và cơ hội. Người ta hô hào xây dựng một xã hội lý tưởng trong khi không ai nói rõ mẫu người lý tưởng đó cần những phẩm chất bất biến nào. Người ta cổ vũ một thứ đạo đức trong đó đòi buộc con người tuyệt đối thuần phục quyền lực và triệt để tự hủy bản sắc của mình. Kết quả, người ta quen với một cuộc sống máy móc, chỉ đạo, phân phối và mỗi người chọn cho mình nhiều lối tự thể hiện, tùy nhu cầu và hoàn cảnh. Chiến tranh dài ngày, chế độ bao cấp, quanh năm thi đua lao động sản xuất, lương tiền còm cỏi, khiến người ta đánh mất tinh thần lao động chân chính. Khi khắp nơi, dối trá và sợ hãi là nền tảng của ổn định thì người dám nói thật bị qui kết là kẻ phá hoại và bị điêu đứngï. Khi cái ác được sổ chuồng và hoành hành thì xã hội bị biến thành chốn hiểm nguy cho những ai muốn đứng thẳng lưng và đi bằng hai chân của mình hoặc chỉ muốn sống cuộc đời chân chất lương thiện. Rốt cuộc, sống như thế chỉ là cố sống sót.
Cố quên những xông xáo chiến trận ngày cũ vì thuở ấy chất ngất hận thù. Cố quên những ước mơ và tủi hận lúc thanh xuân vì nhớ chỉ thêm trằn trọc, gây thương tổn trong cuộc sống lao động nhọc nhằn. Hãy câm và nín để tồn tại, để giữ cho mình vẫn là mình, để kéo dài cuộc đời nuôi dưỡng và dạy dỗ hai con. Thế thôi. Đời sống che đậy cảm xúc, tư duy gò bó, kham khổ, tính toán chắt chiu từng hạt gạo, thanh củi, cây quà, cuốn tập, manh áo cho con cũng đủ mỏi mệt. Và cô độc nữa, trong một xã hội bưng bít, một chiều, khai thác tình tự dân tộc và cai trị bằng dối trá, sợ hãi và kích thích thù hận. Những người chung quanh rất cảnh giác khi tiếp xúc với Tuyết vì biết nàng là con lai, dũng sĩ diệt Mỹ, có học mà chỉ làm công nhân, lại là cháu của một nhân vật chóp bu trong đảng.
Hình ảnh Hà Nội văn vật và thanh lịch, ăn nói nhỏ nhẹ, giao tiếp tinh tế, cảnh sắc xinh tươi từng gợi cảm Tuyết qua các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, những bài thơ những bản nhạc tiền chiến và phim ảnh của Pháp thuở đi học trường Marie-Curie nay chìm dần trong trí tưởng. Tất cả chỉ là một màu xám xịt, gượng gạo, buồn tẻ, cộc cằn với những khuôn mặt thường xuyên mệt mỏi, nín lặng, ngoại trừ những lúc phải sinh hoạt tập thể, thu hoạch nghị quyết, tổng kết thành tích. Bên dưới những câu khẩu hiệu rổn rảng, những bài ca líu lo vang khắp các loa phóng thanh giăng mắc hang cùng ngõ hẻm, đời sống xã hội một chiều, đơn điệu, giả hình, đầy nghi hoặc và dễ thương tổn khiến người ta co cụm về cuộc sôáng gia đình và liên hệ thân tộc. Vì chỉ ở hai nơi đó người ta mới cảm thấy mình thật sự có trách nhiệm, sống tương đối thoải mái và chân thật, đáp ứng được chút thèm tình người và còn có chỗ cho mình được tin người và được người tin. Còn Tuyết, nàng chỉ có Trinh và Chương. Đào Văn Lật thì đang bận công tác chỉ đạo đâu đó tận trong Miền Nam. Chỉ có Trần Văn Kim hiện ở Hà Nội nhưng cậu ấy là nhân vật thượng đỉnh trong Bộ Chính trị. So với thế giới đầy an phận, lo toan và tình cảm của cuộc đời thường, các ủy viên Bộ Chính trị thuộc về một cõi khác. Gia đình họ hưởng chế độ phân cấp cao gấp bội người dân thường, được mua nhu yếu phẩm cao cấp tại những cửa hàng đặc biệt. Bản thân họ ăn ở cách ly theo một qui chế riêng biệt, do ban cấp dưỡng của Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách. Có nhiều ủy viên năm thì mười họa mới ăn cơm chung với gia đình hoặc vợ con.
Dù sao Miền Bắc cũng là chỗ dung thân sau cùng cho mình trong tình thế này, Tuyết hằng tự nhủ như thế trong mong ngóng ngày trở về quê của mẹ chồng ở Long An nơi khí hậu ôn hòa, con người sống tích cực, hồn nhiên và bộc trực với những lời ca tiếng hát mới nghe thì cảm thấy quê mùa ủy mị nhưng lại thấm đượm tình người ngọt ngào và thơm ngát mùi đạo lý dân giả. Cầu cho ngày ấy Miền Nam thật sự độc lập, trung lập và hòa bình vì Tuyết vẫn rùng mình khi mường tượng một ngày kia, xã hội trong ấy đi vào loại vô trật tự đã thành nếp và hoại thư như xã hội thủ đô và Miền Bắc hiện nay.
Hai đứa con đi sát hai bên Tuyết. Trinh mười bốn tuổi, cao lỏng khỏng và lớn hẳn so với hôm nào rụt rè hôn lên má ông ngoại trên con đò Mậu Thân ở Huế. Chương mười một tuổi, nhanh nhảu và động đậy không ngừng theo tính khí con trai tinh nghịch. Hai chị em hết chỏ miệng sang liến thoắng trêu ghẹo nhau lại đuổi nhau chạy lòng vòng quanh chân mẹ rồi níu lấy áo mẹ như chơi trò cút bắt. Chúng ré lên cười ròn rã khi có đứa làm rớt giỏ rau quả hay túi gạo đang cầm chặt trong tay. Thỉnh thoảng Tuyết cằn nhằn con bằng giọng mỏi mệt nhưng cả hai chỉ yên được một phút rồi tính hiếu động thiếu nhi lại nổi lên, thúc đẩy chúng bày thêm một trò mới.
Đột nhiên, có tiếng còi báo động phòng không hụ lên xé bầu không khí thủ đô làm hai chị em đang nhảy cẩng bỗng chửng lại. Lúc đó chỉ vừa hơn tám giờ tối. Chưa quá vài giây đồng hồ, đèn đường và tất cả những thứ gì có thể toả sáng trong các cơ sở công cộng đều tắt lịm. Thủ đô chìm vào bóng tối. Những người đang cỡi xe lập tức gò lưng đạp tán loạn về hướng nhà mình.
Gọi tên hai con, Tuyết bảo chúng ép thật sát vào người của mẹï rồi cùng nhau chạy lẹ tới hầm trú ẩn chìm được lập ngay bên dưới toà nhà tập thể cao bốn tầng của nàng. Vừa chạy ba mẹ con vừa ngước mặt lên tìm kiếm nhưng trong bầu trời sáng vằng vặc ánh trăng rằm, chẳng một người dân Hà Nội nào nghe hoặc thấy gì. Đợt thứ nhất của đàn máy bay oanh tạc đông đảo nhất trong lịch sử không chiến của Hoa Kỳ tập kết về hướng Hà Nội đang ở độ cao trên mười một ngàn thước, nằm ngoài tầm tai nghe và vượt quá tầm mắt nhìn của những con người đang vật vã sống từng ngày dưới đất.
Toàn phi đội pháo đài bay tám động cơ B-52 trong đợt đầu này mang theo trên mỗi chiếc một khối lượng chất nổ cực lớn — bốn mươi hai quả bom, mỗi quả nặng khoảng 350 kilô, xếp liền nhau như trứng cá trong bụng máy bay dài bằng thép, và hai mươi bốn quả bom, mỗi quả nặng khoảng 225 kilô, sắp thành hai khối dưới đôi cánh rộng.
Đàn phi cơ đang lao tới các mục tiêu đã định tại Hà Nội và Hải Phòng. Bay theo đội hình ba chiếc một với vận tốc một ngàn cây số một giờ, chúng được hướng dẫn từ cứ điểm chỉ huy cách Hà Nội gần năm ngàn cây số ngang qua Thái Bình Dương tại đảo Guam hoặc cách gần một ngàn cây số ngang qua yết hầu của bán đảo Đông Dương tại Thái Lan. Mỗi chiếc được điều khiển bởi một phi hành đoàn oanh tạc nhốt mình trong các buồng nhỏ không cửa sổ nơi khoang sát bụng dưới.
Phi hành đoàn không bao giờ thấy, dù chỉ thấp thoáng, vùng đất họ oanh kích. Họ chỉ tính toán đường bay một cách mù loà bằng phi cụ và theo bản đồ. Tới thời điểm đã được tính trước, họ thả bom với sự hỗ trợ của màn hình ra đa và đồng hồ bấm giờ. Họ tự hào về việc trút các vũ khí hủy diệt của mình xuống mặt đất với sự chính xác từng li từng tí, như một bác sĩ giải phẫu. Theo như dự liệu ở mức độ tối đa, mỗi lượt trải bom của ba chiếc B-52 có khả năng hủy diệt mọi sự trong diện tích mục tiêu chính xác với chiều dọc hơn ba cây số và chiều ngang hơn một cây số rưỡi.
Do bởi năm ngày trước đó, các nhà thương thuyết Mỹ không muốn đôi co hơn thiệt với đại diện của đối phương trong ngôi biệt thự nghỉ mát nhỏ bé của nhà họa sĩ ở ngoại ô Paris nên tới đêm 18 tháng Mười hai này, lần đầu tiên các pháo đài bay B-52 được phái đến oanh tạc các cơ sở trọng yếu nằm ngay tại trung tâm thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Mục tiêu gồm các vũng tàu đậu, xưởng đóng tàu, đường sá, cầu cống, vị trí hoả tiễn, sân bay, kho tàng quân cụ, xí nghiệp quân sự, doanh trại. Trước đây máy bay Mỹ thỉnh thoảng có dội bom những mục tiêu ấy tại vùng ngoại ô nhưng đây là lần đầu tiên có một trận không tập lớn lao nhắm thẳng vào các trọng điểm được đặt trong thành phố.
Vì không nghe ra cũng chẳng thấy nổi đàn máy bay oanh tạc nên Tuyết chết điếng theo tiếng nổ của đợt bom thứ nhất trong khi nàng đang dắt hai con chạy như bay tới hầm trú ẩm ngầm dưới đất. Thoạt đầu, bầu trời đêm rực sáng với ánh chớp chói lọi làm mờ mịt vầng trăng. Tiếp đó, mặt đất dưới chân ba mẹ con rung chuyển và các toà nhà hai bên đường phố rúng động. Một tiếng gầm đinh tai buốt óc nhấn chìm mọi người xuống rồi lần lượt hết ánh chớp này tới ánh chớp khác loé lên cho tới khi mặt đất dường như liên tục sôi sùng sục trong hàng trăm tiếng nổ và chớp sáng choá mắt.
Ba mẹ con ngừng chạy, hãi hùng rúc vào nhau. Lúc mới bắt đầu, cả ba thậm chí không dám tin bom đang rơi. Tình thế đêm nay không giống chút nào tám tháng trước đây, thời gian có những cuộc oanh kích từng chặp bằng phóng pháo cơ xuống các khu vực ngoại ô nhằm trả đũa cuộc đại tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa của ba sư đoàn Bắc quân cùng với xe tăng tràn qua vùng phi quân sự đánh chiếm Đông Hà Quảng Trị. Giờ đây, trần gian dường như đang tận sốá. Trong ánh chớp chói lọi, quả đất dường như nẩy lên và nổ tung chung quanh ba mẹ con.
Y hệt mọi người dân Hà Nội và Hải Phòng, ba mẹ con Tuyết cứng người khiếp đảm đến tê lạnh. Chỉ tới khi các ụ phòng không quanh thủ đô bắt đầu khai hoả và nhìn thấy hoả tiễn địa không hình trụ dài, đậm màu phân ngựa do Liên Sô chế tạo, xé gió lao vút lên trời xuyên qua ánh chớp trắng xoá của những quả bom đang nổ, Tuyết và hai con mới biết ra rằng đang có những chiếc máy bay âm trầm ở một chốn mịt mù trên đầu mình. Và cũng chỉ khi ấy ba mẹ con mới lấy lại được linh hồn để tiếp tục chạy một mạch tới hầm trú ẩn.
Đợt oanh tạc đầu kéo dài chừng hai mươi phút. Và khi hết khoảng thời gian hỗn mang đó, những tiếng nổ đang gầm hú bỗng im bặt. Mọi người nín lặng thêm năm ba phút nghe ngóng tình hình. Sau đó, từ những hầm trú ẩn vừa chen lấn nhau kéo xuống, Tuyết cùng hai con và hàng ngàn người khác lầm lủi bước ra, chân quờ quạng đi xuống lòng đường trong khu vực Khâm Thiên âm u, đưa mắt ngơ ngẩn và hãi hùng ngó lên trời.
Các tầng trời mây phủ bên trên thủ đô Hà Nội sáng rực, đỏ ánh như máu cùng khói đen từng váng trôi bềnh bồng qua khuôn trăng đầy đặn mới đây rất trong thanh và mơ màng, lúc này bỗng đỏ quạch một màu máu: trăng huyết. Đêm ngất ngư với những tiếng nổ âm trầm khi xa xa các kho xăng dầu và các kho đạn dược kế tiếp nhau nổ tung. Cứ mỗi tiếng nổ lại bắn tung lên trời hàng chục cột lửa đỏ rực. Khắp nơi và mọi hướng, chỗ nào cũng thấy lửa. Lửa quáng mắt. Lửa nứtâ môi. Lửa bốc thật cao. Chỉ khoảnh khắc thôi Hà Nội hoá thành một vết cào xước nóng bỏng làm rát mặt địa cầu ảm đạm.
Tới chín giờ, cơn choáng váng do đợt oanh tạc thứ nhất chưa kịp lắng, còi báo động lại hụ rền lên. Tuyết và hai con thêm lần nữa lao mình xuống hầm trú ẩn dưới đất. Chớp mắt sau, thủ đô lại rúng động tận lòng đất khi cuộc không tập tàn khốc tái tục. Đợt oanh tạc thứ nhì kéo dài mười lăm phút và tiếp theo lại là một thời gian tạm lắng. Rồi kế đó, vào đúng mười giờ, mười một giờ và nửa đêm, tiếng còi hụ lại đều đặn rền vang. Ba đợt B-52 nữa lại nối tiếp nhau bay đến trên đầu người dân Hà Nội, tuôn như mưa hàng trăm tấn bom xuống các mục tiêu mới.
Suốt đêm ấy, cứ cách đúng một giờ lại có một đàn pháo đài bay khổâng lồ càn quét bên trên thủ đô, trải xuống những tấm thảm hủy diệt được tính toán kỹ lưỡng như người ta làm toán cộng trừ nhân chia bằng máy tính. Và những đàn B-52 liên tục oanh tạc từng đêm, mỗi đầu giờ, không gián đoạn, không lơi không giảm, suốt mười một đêm kế tiếp, và chỉ tạm ngừng ngắn ngủi vào đêm Lễ Giáng Sinh. Ban ngày, trong lúc các phi hành đoàn B-52 nghỉ ngơi lấy lại sức, các oanh tạc cơ chiến thuật nhỏ hơn như Con ma Phantom F-4 và Thần sấm Thunderchief cùng Cánh cụp F-111 và Cánh xòe F-105 chiến đấu phóng pháo cơ của Hải quân Hoa Kỳ từ các tàu sân bay đậu trong Vịnh Bắc Việt nối tiếp trận không tập như thể không để cho lực lượng phòng không của thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng có thì giờ rửa tay lau mặt. Theo đúng diễn tiến thời gian và một cách có hệ thống, các đoàn máy bay Mỹ tàn phá tan tành và san thành bình địa hết thảy các mục tiêu đã chọn.
Cũng trong thời gian ấy và một cách nghịch lý, trận không tập với mức độ kinh hoàng đến thế lại giúp cho tiếng nói của Đảng dõng dạc hơn, uy hùng hơn, khiến dân chúng hướng mắt về Đảng hơn và gây niềm khích lệ mới mẻ cho dân quân phòng thủ Hà Nội. Những bài tụng ca và hoan ca khỏe khoắn, véo von, phát ra từ các loa phóng thanh treo đầy đường và theo đường dây truyền thanh đơn giản vào thẳng trong mỗi gia đình, làm không khí như sôi lên từng giờ, đất trời choáng ngợp từng phút. Đâu đâu cũng nghe vang vang tiếng nhạc gọi tên vị lãnh tụ kính yêu và đã khuất bằng nhiều cung bậc khác nhau, và sang sảng giọng ca bày tỏ niềm tin tưởng và hi vọng vô vàn vào thủ đô Hà Nội mến yêu cùng con người Hà Nội anh dũng. Trong ánh chớp ngời ngời của bom đạn, người ta đứng thẳng lưng ém hơi thật sâu để hát lên thật cao, làm rạng rỡ mặt trời hồng của lãnh tụ và rực sáng ngôi sao mai thủ đô.
Suốt bảy năm chiến tranh vừa qua, trên khắp Đông Dương, Hoa Kỳ chỉ tổn thất một pháo đài bay B-52, nhưng trong trận 12 ngày không tập Hà Nội và Hải Phòng này, mười lăm chiếc pháo đài bay chiến lược khổng lồ ấy bị hoả tiễn SAM-2 bắn tan xác trên bầu trời khi chúng bay theo đội hình dày đặc. Chiếc pháo đài bay nào cũng mang theo bộ máy điện tử cực kỳ tinh vi, có thể làm tắc nghẽn hoặc gây nhiễu cho cơ phận ra-đa định hướng được gắn sẵn trong hoả tiễn Liên Sô. Nhưng người Bắc Việt đã làm cho bộ máy điện tử ấy mất tác dụng bằng cách tắt cơ phận định hướng, rồi cứ thế bắn bừa lên ngay giữa đội hình B-52 các hoả tiễn SAM có gắn thiết bị điều chỉnh cho nổ khi gần tới mục tiêu. Hơn sáu mươi nhân viên phi hành Mỹ phải nhảy dù khỏi những chiếc máy bay bị bắn hạ theo cách đó. Và họ chỉ có một nửa sống sót, nhập đoàn với các tù binh chiến tranh khác tại nhà lao Hoả Lò — nơi vẫn nguyên vẹn khi xảy ra trận không tập đánh xuống các tâm điểm tại Hà Nội.
Dù phi hành đoàn B-52 tự hào về khả năng trải bom cực kỳ chính xác xuống đúng mục tiêu, nhưng các xạ thủ của nó thừa hiểu rằng nếu họ bấm nút sớm vài giây hoặc trễ vài giây, bom có thể rơi ngoài khu vực mục tiêu tới vài trăm thước. Về sau, các chỉ huy trưởng của họ cho rằng đối với thành phố có tới một triệu dân như Hà Nội mà con số người chết, theo chính người Việt Nam công bố, chỉ dưới hai ngàn người, thì trận không tập ấy là một trong những chiến dịch oanh tạc chính xác nhất. Không phải trong trận oanh tạc của Anh ở Dresden có tới sáu vạn người chết? Không phải trong trận oanh kích của Đức ở Luân Đôn có tới ba vạn người chết? Phải chăng những hình ảnh dẫn chứng ấy là bằng cớ cho thấy Hoa Kỳ nắm rất vững nghệõ thuật oanh tạc đô thị và cho thấy có sự cân nhắc tới những thường dân đang sống ở đó? Nhưng bất chấp những so sánh ấy, tại Hà Nội đã có ít nhất một nhà thương bị bom đánh trúng, nhiều khu nhà cửa rộng lớn chỉ còn lại tro tàn. Và sáng nào cũng thấy có thêm nhiều tốp người Việt Nam tê dại, đi lang thang. Mắt họ ngu ngơ nhìn đống gạch đá đổ nát trước đây từng là tổ ấm của vợ chồng con cái, và từ môi họ thoát lên tiếng khóc sụt sùi cho những thân nhân tối qua còn sống.
Vào buổi sáng sau đợt oanh tạc cuối cùng, trong số những con người trơ vơ ấy có vóc dáng lỏng khỏng của con bé Triệu Hồng Trinh. Nó đứng ở Khâm Thiên, bên ngoài nơi từng có lần là lối xuống hầm trú ẩn ngầm dưới đất, ngay dưới khu tậïp thể. Mắt đờ đẩn và thân run lẩy bẩy, Trinh dại người đau đớn. Nước mắt chảy từng vệt lem luốc rồi đóng thành một lớp cáu bẩn và nhem nhúa khắp mặt.
Toàn bộ khu cao ốc tập thể chỉ còn đứng vững một bức vách. Ba bức kia sụm ngang mặt đất như bị nắm tay ai đấm trúng với một sức mạnh khủng khiếp. Tựa hình nhân cử động bằng máy, đàn ông, đàn bà và trẻ con nhoài người, im lặng bò lổm ngổm trên hàng đống gạch đá đổ nát, cố thu nhặt từng mảnh đồ đạc vỡ nát. Những người khác chỉ biết đứng nhìn quanh với con mắt thảng thốt vô hồn. Còn Trinh đứng im lìm đưa mắt đờ đẩn ngó toán cứu hộ, người dùng xẻng xúc xà bần, kẻ dùng tay dỡ từng mãng gạch đá để thông đường xuống hầm trú ẩn. Khi trời rạng sáng, người ta vẫn nghe có tiếng kêu cứu yếu ớt từ dưới đống gạch đá nhưng từ một giờ qua, không còn vẵng lên tiếng rên la nào. Và Trinh đứng đó, khóc rấm rứt, một mình tội nghiệp ôm lấy thân mình suốt năm sáu tiếng đồng hồ ngóng trông chờ chực.
Lúc đó là ba giờ khuya trong đêm cuối cùng của trận không tập. Đã quen thuộc với khoảng cách gầm hú của các đợt oanh tạc đều đặn, và vào giờ đó đàn B-52 dường như vừa bay khỏi bầu trời thủ đô nên ba mẹ con ra khỏi hầm trú ẩn, lên đứng xem những lằn chớp nháng xa xa trong cơn mưa bom đang trút xuống hướng Hải Phòng.
Chương hét lớn hả hê khi thấy có một hoả tiễn trúng mục tiêu, làm nổ tung thành một luồng lửa màu da cam giữa bầu trời đen thẳm trên cao và hình ảnh của chiếc pháo đài bay khổng lồ tám máy của Mỹ bắt đầu xoáy vòng, rơi xuống, nghiêng nghiêng trong ánh sáng chói lọi. Dường như chiếc B-52 ấy rơi trong một thời gian rất lâu rồi mới chịu cắm đầu xuống đất cách đó mấy cây số. Cả ba mẹ con đứng mải mê ngắm cho tới khi chiếc máy bay nổ tung làm mặt đất rung chuyển ầm ầm và một suối lửa khổng lồ phọt thẳng lên trời.
Khoảnh khắc sau, Tuyết và hai con kinh hãi thấy một đợt bom như “cái thang” mới kết, bắt đầu trải xuống cách chỗ ba mẹ con đứng chừng bảy tám trăm thước, ở mé bên kia, ngay khu vực xưởng quân khí Tuyết làm việc. Mọi người chung quanh bắt đầu rú lên, lao mình xuống trở lại các hầm trú ẩn ngầm. Trong cơn tán loạn, Trinh té xuống, bị người ta vượt qua mặt khiến đứt đoạn với mẹ và em. Rồi nó được một cán bộ đảng kéo dậy, hối hả đẩy vào một hầm trú ẩn khác ở gần đó.
Ngay lúc ấy, không người nào dưới mặt đất biết rằng ở một nơi thật cao mười hai ngàn thước bên trên đầu mình, có một tên lửa SAM-2 rượt theo một đội hình ba chiếc B-52 đang tới gần xưởng quân khí đã bị máy điện toán hoạch định là mục tiêu dứt điểm. Chiếc máy bay thứ nhất thả ba chục tấn bom trúng ngay mục tiêu rồi trở cánh. Nhưng quả SAM-2 phát nổ cách bên trên chiếc thứ hai chừng một trăm thước, làm máy bay tròng trành dữ dội trong khi xạ thủ vừa chạm tay vào nút thả bom. Tác động của hỏa tiễn nổ làm chiếc B-52 nảy lên dằn xuống, lệch đường bay, và hất tung xạ thủ vào vách buồng. Tới khi y trụ được người lại, cây kim thứ hai của chiếc đồng hồ bấm giờ đã vượt năm giây quá thời điểm thả bom và bóng đèn nhỏ màu vàng báo hiệu “Cửa Bom Đã Mở” nhấp nháy như điên trên bảng điện tử trước mặt. Dù vậy, y vẫn bấm nút thả bom và từng bóng đèn rồi từng bóng đèn trên bảng ra-đa tắt dần, báo hiệu loạt bom thứ nhất 350 ki-lô, rồi loạt thứ hai 500 cân đã trườn ra khỏi thân máy bay xám xịt. Bốn mươi giây sau, đèn hiệu “Bom Đã Thả” bật sáng trong khoang lái và phi công thở ra nhẹ nhỏm, bắt đầu quành mũi máy bay quay về đảo Guam.
Ba mươi bốn tấn bom thay vì san bằng xưởng quân khí nhưng bởi chậm năm giây, đã đào một dãy hố ngang qua phía nam cuối khu ngoại ô Khâm Thiên. Một quả quất sụm ba mé tường khu nhà cao ốc tập thể trong đó có căn hộ của Tuyết cùng sống với hai con. Bom nổ khi chạm mặt đất, khoét một hố sâu ba thước xuyên tới tận hầm trú ẩn chìm dưới đất, nơi đang có hàng trăm con người ngồi bó gối run rẩy trong bóng tối.
Tới giữa trưa, Trinh nhìn chằm chặp thi thể dập nát của Tuyết và Chương vừa được người ta kéo lên chung một lượt. Hai mẹ con đang rúc vào nhau khi quả bom xoáy trúng hầm trú ẩn. Cả mẹ lẫn con cùng tử nạn trong khi ôm lấy người nhau. Gào từng chặp, Trinh điên cuồng lao vào thi hài mẹ. Phải mất gần mười phút vừa năn nỉ vừa dỗ dành, nhân viên cứu hộ mới nhấc bổng được con bé lên, đưa nó đi khỏi hiện trường.