Trong phòng trực dành cho viên chức CIA trên tầng năm toà nhà sứ quán, Guy Sherman tình cờ bước tới, đứng bên cửa sổ. Dù tầm nhìn bị giới hạn bởi các bửng lá chắn chống hoả tiễn, hắn vẫn chợt thấy thấp thoáng hai chiếc xe hơi không mở đèn, đang nối đuôi nhau chạy về phía nam, theo đường Mạc Đỉnh Chi. Chỉ khoảnh khắc sau, chiếc xe tải loại nhẹ Peugeot và chiếc tắc xi Renault biến khỏi tầm mắt của Guy, lẫn vào bên dưới bờ tường thành cao ba thước bọc quanh khuôn viên Đại sứ quán. Nhưng hiện tượng xe chạy không bật đèn đủ khiến Guy cảm thấy có điều gì không ổn. Chụp khẩu tiểu liên Beretta dành cho sĩ quan trực trên giá súng, Guy chạy tới dãy thang máy giữa tầng năm. Bước vào một hộp thang, hắn bấm nút cho thang tuột xuống đất ngay phía tiền sảnh, nơi phòng đợi trong toà nhà sứ quán.
Trong lúc thang máy chưa xuống tới tiền sảnh và Guy còn trong hộp thang, bốn đặc công cảm tử trong chiếc tắc xi Renault xanh trắng đã kê súng tiểu liên lên thành cửa sổ xe. Họ cùng khai hỏa một lượt vào hai quân cảnh Mỹ đang đứng hai bên cổng hông Đại sứ quán, nơi trạm gác phía đường Mạc Đỉnh Chi. Mấy loạt đạn đó không trúng mục tiêu nhưng làm cả hai lính Mỹ chạy lùi vào bên trong, đóng sập cửa sắt. Kế đó, xe tải và xe tắc xi rẽ phải, quẹo qua đại lộ Thống Nhất, ngay đằng trước cổng chính có cửa sập của Đại sứ quán.
Đang đứng gác chiếu lệ trong các bót gác nhỏ bằng bê tông, có cửa sổ xây gắn vào tường thành, bốn cảnh sát viên Miền Nam vừa nghe loạt súng đầu tiên đã lật đật chạy tìm chỗ núp. Thấy vậy, Ngô Văn Kiệt lập tức nhảy xuống đất, ôm theo trước bụng quả bộc phá C-4 nặng bảy ki-lô. Vốn là người chạy lẹ nhất và nhanh tay nhất trong khoá huấn luyện sử dụng chất nổ nên đêm nay cậu có nhiệm vụ đặt chất nổ phá thủng lỗ đầu tiên nơi tường thành Đại sứ quán, cũng là lỗ quyết định. Kiệt lao mình thẳng tới vị trí đã định, chỉ cách ngả ba Thống Nhất — Mạc Đỉnh Chi mấy thước. Dù hai bàn tay hơi run, Kiệt vẫn gắn gọn gàng ngòi nổ chậm mười giây vào chân tường thành. Xong, cậu vọt lui. Cùng với các đặc công khác, cậu núp mình gọn lỏn ở hông bên kia của xe tải.
Tiếng bộc phá gầm lên rung chuyển toà cao ốc Đại sứ quán. Guy ngả bật người trong hộp thang máy. Khi bụi đất do quả bộc phá bắn tung tóe chưa kịp lắng xuống, trung đội trưởng đặc công đã thổi còi và dẫn đầu trung đội chui lẹ qua lỗ thủng cao và rộng chưa tới một thước, sát mặt đất. Cách vòng tường hai chục thước, sau cơn choáng váng do tiếng nổ của quả bộc phá gây ra, hai quân cảnh gác cửa hông toà nhà hồi tỉnh thật lẹ. Chung quanh họ, gạch đá vẫn còn rơi nhưng mỗi người đã kịp nâng khẩu tiểu liên lên, bắn thẳng vào toán du kích Việt Cộng từ lỗ thủng nơi chân tường túa lên. Cả hai thấy có một hai đặc công chới với, ngã gục. Nhưng những đặc công còn lại kịp thời nhoài người xuống đất, bắt đầu bắn trả xối xả về hướng hai quân cảnh. Một quân cảnh trúng đạn chết tại chỗ. Người còn lại bò tới máy truyền tin đặt bên trong trạm gác, hét đi hét lại vào máy:
- Chúng tới! Bọn chúng tới rồi! Chúng tôi cần yểm trợ!
Nhưng chỉ mấy giây sau, trạm gác bị đạn quạt trúng lổ chổ. Máy truyền tin câm bặt. Đầu và ngực của người quân cảnh sống sót găm đầy đạn. Toán đặc công C-10 bắt đầu tự do bố trí súng phóng hoả tiễn B-40 và súng ba-zô-ca bên trong khuôn viên, ngay mặt trước toà nhà sứ quán, để từ cự li gần nhất có thể nhắm thẳng vào các vị trí tấn công trực diện.
Bên trong tòa nhà sứ quán, Guy từ hộp thang máy vọt ra phòng đợi nơi tầng trệt. Hắn kịp thời ngó thấy viên trung sĩ Thủy quân Lục chiến phóng mình tới cửa trước đang mở. Phải mất một hai giây, anh ta mới kéo được hai cánh cửa gỗ lim khổng lồ sập vào. Then chưa kịp gài thì hàng loạt đạn tiểu liên khác đã bắn vỡ tung các khung kính nơi mấy cửa sổ kế bên cửa lớn. Người CIA khom mình xuống thật thấp, vừa chạy tới bên viên trung sĩ vừa quạt khẩu Beretta thật lẹ qua khung cửa sổ không còn kính rồi hụp đầu xuống phía dưới thành cửa. Guy gào lớn át tiếng đạn bay rào rạt:
- Trung sĩ, mau tới nhà kho lấy vũ khí. Phải làm cho bọn ngoài bãi cỏ kia tưởng trong này có cả một đạo quân!
Viên trung sĩ vừa vụt chạy tới phòng chứa vũ khí, Guy nghe viên hạ sĩ TQLC phụ trách tổng đài của bộ phận gác khẩn trương điện thoại gọi yểm trợ. Guy biết lúc này, bên trong toà nhà sứ quán đang bị bao vây, ngoài hắn ra chỉ có hai chục người. Họ gồm có mười hai quân nhân Mỹ, cộng thêm hai TQLC nơi tiền sảnh, một trung sĩ TQLC khác tại bót gác trên nóc, bốn nhân viên truyền tin và mật mã ở mấy tầng trên và một viên chức trẻ tuổi thuộc ngành ngoại giao đang trực — anh ta mới tới, đang trải qua đêm đầu tiên tại Sài Gòn và lúc này ở trong một văn phòng nơi tầng thứ tư. Để tự vệ, ngoài vũ khí cá nhân của 15 quân nhân, 6 người dân sự còn lại chỉ có vài khẩu súng lục .38, một hai khẩu súng bắn đạn chùm và sáu khẩu tiểu liên Ý.
Trên bãi cỏ trước sân toà nhà sứ quán, cậu đặc công thiếu niên Ngô Văn Kiệt đang tiếp tayï ngắm khẩu B-40 thứ nhất vừa được kê đúng vị trí. Cửa tiền sảnh tuy đã khép nhưng đèn vẫn sáng bên trên cửa. Kiệt và hai xạ thủ khác quyết định nhắm phát đạn đầu tiên thẳng vào con ó ngay chính giữa bảng Quốc huy Hoa Kỳ gắn trên phiến đá cẩm thạch dày và tròn, lấp lánh một bên cửa. Với cự ly gần, nó là mục tiêu dễ tác xạ. Và cả ba thét lên sung sướng khi trái hỏa tiễn lao mạnh vào đúng tấm bảng, tuy hơi lệch xuống bên phải một chút. Các đặc công khác cũng đã vào vị trí trên bãi cỏ, đằng sau các bồn bê tông tròn và lớn, đường kính hơn bốn thước, cao nửa thước, để trồng hoa hoặc cây kiểng. Ở đó, sau khi bố trí súng B- 40 phóng hoả tiễn và ba-zô-ca, họ lần lượt khai hoả từng khẩu một, nhắm vào mặt tiền toà nhà sứ quán.
Quả B-40 đầu tiên xuyên thủng bức vách gắn bảng quốc huy, chạm trần nhà và phát nổ ngay bên trên trạm gác của TQLC. Mảnh thép hoả tiễn nóng hơn lửa làm trọng thương viên hạ sĩ đang gọi điện thoại yểm trợ, đồng thời, phá nát dàn máy truyền tin, cắt đứt liên lạc với viên trung sĩ gác trên nóc sân thượng tòa nhà cũng như với các đơn vị TQLC khác ở Sài Gòn.
Đang lom khom bên dưới thành cửa sổ, Guy cũng bị tiếng nổ ấy làm xây xẩm mặt mày, hai tai điếc đặc trong một lúc. Rồi hắn lảo đảo đứng lên, nép sát vách, lùi dần. Guy chưa lùi được mấy thước, quả hỏa tiễn thứ hai xuyên thủng cánh cửa gỗ lim, chạm trúng bức vách sau của toà nhà sứ quán, nổ nghe thủng tai lủng óc. Vài giây sau, quả thứ ba phát nổ, bắn trúng mé cao trên bức vách, và Guy nhoài người thật lẹ xuống sàn nhà đằng sau chiếc cột ở cuối khách sảnh.
Phía sau bàn trực gác, viên trung sĩ TQLC vừa từ kho vũ khí trở về với hai tay ôm một bó súng ống, đang cố cấp cứu viên hạ sĩ bị trọng thương. Thấy vậy, Guy chạy tới một bên. Hướng mặt về phía hai cánh cửa lim tan nát, hắn nâng khẩu Beretta chỉa ra khung cửa và chờ đợi, tin chắc rằng ngay sau màn hoả lực B-40, sẽ tới một đợt xung phong của đối phương vào toà nhà sứ quán.
Trong khi viên chức CIA Guy Sherman đang quì ghìm súng canh chừng khung cửa, chờ xảy tới một sự việc tồi tệ nhất, thì khắp Sài Gòn, tin tức Việt Cộïng tấn công và chiếm được mảnh đất thuộc khu vực chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ tại tâm điểm đô thành làm choáng váng các chỉ huy trưởng quân đội và các nhà ngoại giao Mỹ ngay trên giường ngủ của họ. Cũng thế, trong khi mắt họ ngái ngủ chân cập rập bước xuống giường, qua điện thoại và máy truyền tin, những báo cáo khác bắt đầu truyền về dồn dập, cho biết các cuộc tấn công bất ngờ và có phối hợp đã được phóng ra cùng một lúc trên tất cả các thành phố lớn vào giữa đêm 30 tháng Giêng năm 1968. Và Nam Việt Nam bỗng chốc rực cháy suốt từ đầu này tới đầu kia lãnh thổ.
Ký giả nước ngoài của các hãng thông tấn, báo chí và truyền hình cũng bị choáng váng. Trong khi loạng choạng bước khỏi giường ngủ, họ bỗng nhận ra rằng cuộc xung đột cút bắt “lùng và diệt” mới đây còn khiến họ buộc lòng phải chạy tìm đi nó ở chốn rừng sâu núi thẳm, lúc này hiện ra ngay trên ngưỡng cửa nhà họ. Hết người này tới người nọ lần lượt phát hiện rằng chỉ cách khách sạn hoặc nhà ở của mình vài khu phố, vừa khởi sự một trận quyết đấu gay cấn nhất trong toàn bộ cuộc chiến. Rồi từng phút từng phút trôi qua, họ bắt đầu hiểu ra rằng từ lúc khởi sự cuộc chiến tới nay, đây là trận đụng độ đầu tiên giúp họ có thể làm cho dân chúng ở ngay tại Hoa Kỳ hoặc ngay tại quê nhà xa xôi của họ lãnh hội nhanh chóng và thấu đáo về chiến tranh Việt Nam.
Các phóng viên lao mình tới những khu vực giao tranh để được chứng kiến tận mắt. Họ điện thoại và hỏi chuyện với những người Mỹ đang ngơ ngác trong mấy tầng trên của toà nhà sứ quán Hoa Kỳ bị vây hãm. Suốt cả đêm, họ tới tấp đánh điện tín, gọi điện thoại và gởi các bản tin viễn ký về trận đánh đang xảy ra, cho New York, Luân Đôn, Paris... và từ những nơi đó, chúng được truyền qua hàng chục ngàn đài phát thanh, trạm truyền hình và báo chí trên khắp quả đất. Và thế giới hồi hộp theo dõi, lắng nghe, đọc kỹ lưỡng những sự kiện mới nhất trong cuộc xung đột không cân sức tại Việt Nam, giữa con châu chấu Á Đông với chiếc xe tăng khổng lồ của chú Sam. Người ta hầu như không tin nổi rằng một nhóm nhỏ du kích quân Cộng Sản đã chiếm được cái bản doanh biểu tượng cho một quốc gia có quân lực hùng mạnh nhất thế giới, và hiện đang đủ khả năng đẩy lùi mọi nỗ lực tái chiếm bản doanh đó.
Tại tiền sảnh của toà nhà sứ quán, bất chấp sự khắc khoải trông ngóng từng giây từng phút của viên trung sĩ TQLC không bị thương lẫn Guy, đợt xung phong tối hậu của đối phương vẫn không xảy tới. Cả hai đều không biết rằng ngay trong mấy giây đầu tiên của cuộc đột nhập, khi toán đặc công vừa chui qua lỗ thủng nơi chân tường thành, họ đã mất người chỉ huy. Anh ta bị một trong hai quân cảnh gác cổng giết lúc hai bên mới bắt đầu trao đổi hoả lực. Kết quả toán đặc công mất thủ trưởng cứ loay hoay chúi mình, dùng các bồn hoa làm ụ che chắn, không ai có quyết định dứt khoát. Họ tạm thời bằng lòng với việc bắn từng chặp B-40, từng tràng súng máy vào toà nhà sứ quán, vào bất cứ người Mỹ nào xuất hiện trên các mái nhà nơi mấy đường phố chung quanh. Kế đó, họ bước vào bên trong các bồn hoa, nằm ép mình theo mép vành bê-tông và tiếp tục bắn phá.
Một đơn vị quân cảnh Mỹ được phái tới bên ngoài để xông vào giải vây. Họ thấy hai cổng trước vẫn khoá chặt và trong khi cố mở cánh cổng bên hông, họ bị hoả lực của đặc công bắn ra đẩy lùi. Viên sĩ quan chỉ huy quyết định không nên liều tính mạng của binh sĩ bằng cách leo qua tường thành để tấn công trong đêm tối. Hơn nữa, họ cũng không trông thấy cái lỗ sát mặt đất vốn bị đặc công Việt Cộng dùng chất nổ phá thủng trước đây. Vì vậy, cũng giống các nhà chỉ huy quân sự Mỹ khác, suốt đêm họ cứ thắc mắc hoài làm thế nào Việt Cộng lại tràn được vào khuôn viên Đại sứ quán với đầy đủ khí giới rồi khoá chặt cả hai cánh cổng lại đằng sau.
Trong bóng đêm tiếp tục dày đặc, trận đánh càng lúc càng thêm hoang mang. Sau khi quyết định cứ chờ bên ngoài cho tới lúc trời sáng, người ta bố trí lính Mỹ hàng hàng lớp lớp trên các mái nhà chung quanh Đại sứ quán. Dưới ánh sáng hoả châu, lính Mỹ nổ súng ào ạt xuống các đặc công, không cho địch ngóc đầu lên, để địch không thể xung phong vào toà nhà sứ quán. Người ta gọi trực thăng tới nhưng không thể đáp xuống nóc tòa nhà sứ quán vì hoả lực Việt Cộng từ bên dưới các bồn hoa bê tông bắn lên.
Vì các thiết bị truyền tin tại trạm gác của TQLC nơi tiền sảnh đã bị phát B-40 đầu tiên phá nát nên những người Mỹ mắc kẹt nơi mấy tầng trên trong toà nhà cũng không biết bên dưới đang xảy ra chuyện gì. Suốt đêm, họ ngồi chờ giây phút cửa phòng của mình bị đạp tung và đặc công Việt Cộng ào vào tàn sát họ. Viên chức ngoại giao cầm khẩu súng lục .38, rút vào phòng mật mã, nơi có thể liên lạc trực tiếp và nói chuyện với cấp trên ở Bộ Ngoại giao tại thủ đô Washington. Và cho tới lúc đó, anh ta cứ tự hỏi phải chăng cuộc đời mình tới đây là bế mạc.
Sau khi lom khom nơi cửa trước suốt cả tiếng đồng hồ để chờ đẩy lui một đợt xung phong không bao giờ xảy tới, Guy rời tiền sảnh, lật đật quay lại văn phòng trực trên tầng năm. Hắn ngồi yên, lắng nghe tin tức thế giới qua các đài phát thanh BBC và VOA. Kế đó bỏ ra gần một giờ, hắn dùng điện thoại liên lạc các nơi và ráp nối thành một bản lượng giá chính xác sức mạnh của lực lượng đặc công. “Lầu Năm Góc Phương Đông” tức Bộ tư lệnh Tân Sơn Nhứt của tướng Westmoreland cũng đang bị bốn tiểu đoàn Việt Cộng tấn công. Một sĩ quan quân báo cao cấp tại đó nói với Guy rằng theo quan sát từ các mái nhà ở hai bên đại lộ Thống Nhất, người ta thấy có khoảng mười hoặc mười hai thi thể Việt Cộng nằm rải rác quanh các bồn hoa. Ngoài ra còn đếm được khoảng năm sáu đặc công di chuyển thoăn thoắt giữa các bồn hoa bê tông và đang bắn trả.
- Dường như những gã sống sót ấy quyết định chống cự tới giọt máu cuối cùng. Nhưng chúng tôi đoán quân số tham gia cuộc tấn công chỉ khoảng một trung đội. So với những gì đang diễn ra tại Huế, Đà Nẵng và khắp các địa điểm khốn nạn khác thì chuyện xảy ra ở Tòa Đại sứ chỉ là một trận đánh chẳng có gì đáng kể!
Guy nôn nóng đáp lại:
- Được thôi! Nhưng nói cho tôi biết lý do khốn kiếp nào khiến các ông không phái ai tới đây để dọn sạch bọn chúng. Việt Cộng càng bám chặt khu vực chủ quyền này của chúng ta lâu chừng nào thì chúng càng bắn bùn văng tùm lum lên báo chí quốc tế nhiều chừng nấy.
Viên sĩ quan quân báo nói, giọng đều đều:
- Các cấp chỉ huy của chúng tôi đã quyết định rằng không liều tính mạng của lính trước khi trời sáng. Thế thôi. Cho tới lúc đó, không bàn thảo gì nữa về vấn đề này.
Guy nổi cáu:
- Trời đất ơi, thế thì trễ mất! Tôi vừa nghe tin tức qua các đài phát thanh — khắp thế giới người ta bảo rằng bọn Việt Cộng đang làm mưa làm gió, chạy tứ lung tung trong cái Toà Đại sứ khốn nạn này mà chúng ta không trục nổi chúng ra! Có phải chúng ta cứ ngồi yên, để mặc bọn chúng tha hồ kiếm điểm bằng cái phép thắng lợi tuyên truyền này?
Viên sĩ quan quân báo nói hờ hửng:
- Tôi sẽ cố liên lạc với người nào đó để điều chỉnh lại cái ấn tượng sai lạc ấy của các hãng thông tấn. Tin tôi đi. Ở đây chúng tôi có toàn bộ hình ảnh hơn ông. Ông chỉ việc ngồi yên thôi. Mọi sự rồi sẽ ổn thoả đâu vào đó.
- Khốn nạn, chỉ cần vài TQLC có quyết tâm là trong mấy phút thôi, có thể quét sạch bọn chúng...
Guy giận dữ hét lớn nhưng đường dây đã tắt. Hắn chửi thề, dằn mạnh ống nói. Khi bước tới bên khung cửa sổ, nhìn ra, hắn thấy dưới ánh sáng hoả châu lâu lâu lại loé lên, mấy gã đặc công trong các bồn hoa vẫn tiếp tục trao đổi hỏa lực với lính Mỹ trên các mái nhà chung quanh; rời rời rạc rạc bằng vũ khí cá nhân. Hắn đứng nhìn suốt nửa giờ, ruột càng lúc càng nóng, rồi lật đật trở xuống tiền sảnh.
Ở đó, Guy thấy viên hạ sĩ đã được đặt nằm yên trên băng-ca. Bằng điện thoại ở tầng trên, viên trung sĩ TQLC đang cố sắp xếp để tải thương anh ta qua ngả nóc toà nhà ngay khi trực thăng có thể đáp xuống. Nhìn đồng hồ thấy gần năm giờ sáng và bất chợt có một quyết định, Guy cầm lên khẩu súng bắn đạn chùm 12 li của viên trung sĩ rồi bốc một nắm đạn dồn chật cứng túi quần. Tay kia vẫn cầm khẩu tiểu liên Beretta, hắn khom người thật thấp, lủi tới cửa trước, nhìn ra ngoài qua khung cửa sổ vỡ nát.
Guy bỏ ra vài phút để ghi nhận vị trí của các đặc công Việt Cộng còn lại. Kế đó, hắn vội vã bước về hướng có một trong những cửa nhỏ hơn, trổ ra mặt sau toà nhà sứ quán.
Khi Guy đi ngang bàn trực, viên trung sĩ gọi hắn với giọng quan tâm:
- Ông tính chuyện gì vậy? Có cần tôi tiếp một tay không?
- Không, trung sĩ ở yên đó.
Guy vừa lắc đầu vừa nói ra câu ấy rồi cười rầu rỉ:
- Tôi chỉ muốn thử nghiệm một trong những lý thuyết của bố tôi trước đây về ý chí và quyết tâm chiến thắng.