Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> TRĂNG HUYẾT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 102390 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TRĂNG HUYẾT
ANTHONY GREY & NGUYỄN ƯỚC

- 15 -

- Chúng tôi không ngần ngại khi vì đạo mà cứu đời và vào đời để hành đạo. Đức Thầy ạ, ngài cũng thừa biết rằng đạo là nguyên lý điều hòa vũ trụ, là bản thể của vạn vật, là khởi điểm và cùng đích của nhân sinh; cứ theo đạo mà vận hành là đạt cứu cánh. Thời buổi này như trong Phong Thần diễn nghĩa nên phía Xiển giáo sẵn sàng tuân mệnh trời, phò chính nghĩa để đối đầu với bọn Triệt giáo đang tâm nghịch mệnh trời, phò bạo tàn. Chính Đức Thầy cũng thường nhắc câu nói bi trí dũng vô lượng của nhà Phật: Ta không vào địa ngục thì ai vào.
Hộ pháp Phạm Công Tắc nói với người ngồi đối diện bằng giọng chửng chạc và trầm tỉnh. Thấy câu chuyện không còn liên quan tới mình, Phan VănHùm đứng dậy. Từ một lỗ tò vò sát mái Đình Ông Cọp gần chợ Phú Nhuận, anh ló đầu ra, ngó xuống mặt đường, xem Trần VănThạch tới chưa. Cơn mưa Sài Gòn chưa hết nặng hạt, lề đường còn lênh láng nước nhưng đã xuất hiện cả trăm dân quân võ trang bằng tầm vông vọt nhọn, giáo sắt và súng trường mua hoặc lấy của Nhật. Họ chia làm ba toán nhìn theo ba hướng. Một ngó dọc con đường vào nội thành chạy quá tới bên kia cầu Kiệu. Một ngó thẳng ra cánh đồng trống tiếp giáp cù lao trủng nước, đối diện với Đa Kao ở mé bên kia kênh Nhiêu Lộc. Toán thứ ba ít hơn, ngó về phía ngả tư Phú Nhuận chạy thẳng tới sân cù. Sau lưng nhà học giả 43 tuổi đời họ Phan, linh hồn của nhóm Tân Tả Phái kể từ ngày Tạ Thu Thâu bị dân quân Việt Minh thảm sát tại Quảng Ngãi, cuộc trao đổi giữa hai vị giáo chủ một già một trẻ tiếp tục; xen kẽ các câu nói điềm đạm là những khoảnh khắc im lặng sâu lắng.
Người già có đài trán cao, sống mũi cương nghị, đôi mắt tinh anh và định tĩnh. Khắp người toát lên vẻ sâu sắc và uy nghi của một vị Hộ Pháp 55 tuổi, kiêm Quyền Giáo tông của một tổ chức có hai triệu tín đồ, qui tụ đông đảo ở vùng Tây Ninh và miệt Tiền Giang.  Hai mươi năm trước, Đức Cao Đài giáng khai một tôn giáo mới khi nhận thấy các tôn giáo lâu đời không còn bắt kịp thời nay. Bằng cổ vũ sự tôn thờ Đấng Thượng đế Chí tôn, đạo Cao Đài có hoài bão khôi phục nền luân lý trên căn bản kết tập những tinh hoa trong các nội dung Phật của Phật giáo, Tiên của Lão giáo, Nhân của Khổng giáo, và thêm vào đó Thánh của Thiên Chúa giáo và Thần  của Thần đạo. Mục đích chính nhằm phổ độ chúng sanh trong Đệ tam kỳ Hạ Nguyên này để chuẩn bị Hội Long Hoa, một thời điểm được đề cập tới trong hầu hết kinh sách của các tôn giáo và là lúc những người sùng tín hiền minh đạo đức được sống trong một thế giới tràn đầy hạnh phúc. Với qui pháp cụ thể, đạo qui đạo lệnh nghiêm khắc và những giao tiếp chặt chẽ với thế giới thượng thiên bằng cơ bút, Cao Đài nhanh chóng thu hút được sự tham gia đông đảo của giới điền chủ, hào lý, tá điền, công chức và quan chức phủ huyện. Khi đất nước còn trong tay ngoại nhân thì lòng đạo không thể tách biệt với nỗi đời, nên Cao Đài dấn thân vào cuộc thế, tham gia tích cực Việt Nam Quang Phục Hội do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm hội chủ. Và tình trạng chính trị sau ngày Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại lại khiến người ta tìm tới với đạo nhiều hơn. 
Người Pháp rồi cũng nhận ra tình yêu nước lai láng trong những bài thơ giáng cơ, lối tổ chức giống Công giáo La mã với Toà Thánh ở Tây Ninh và lồng vào hệ thống hành chánh khắp ba kỳ, nếp sinh hoạt tự xử lý nội bộ như một nhà nước độc lập, nên vào lúc bắt đầu Thế Chiến Hai, họ ra tay. Năm 1941, Phạm Hộ pháp cùng sáu chức sắc cao cấp bị Pháp đày đi đảo Madagascar ở châu Phi, mãi tới tháng vừa rồi mới được Nhật đưa về. Sự bách hại của Pháp đã đẩy Cao Đài vào thế phải tiếp cận với đạo quân của Thiên Hoàng dù biết rằng chủ nghĩa Đại Đông Á hẳn chỉ là khẩu hiệu đầu môi chót lưỡi của phát-xít Nhật. Cũng nhờ quan hệ ấy, Cao Đài có được hai vạn người được Nhật huấn luyện. Và nay, khi Nhật thua trận, những người ấy trở thành một lực lượng sẵn sàng quyết tử nếu người Pháp đặt trở lại bàn chân thực dân để làm chủ nhân đất nước này.
Người được Phạm Công Tắc gọi Đức Thầy là một thanh niên mà sáu năm trước, lúc mới 19 tuổi đã lập nên Phật giáo Hoà Hảo với hơn hai triệu tín đồ, hầu hết là nông dân vùng Thất Sơn Châu Đốc và miệt Hậu Giang. Chờ cho Phạm Hộ pháp ngưng nói để chiêu một ngụm nước trà còn bốc khói, Huỳnh Phú Sổ đặt ly nước lạnh đang cầm trong tay xuống bàn và trình bày nhỏ nhẹ:
- Tôi cũng thấy trước là những năm sắp tới thế nào cũng xảy ra “khói trùm mặt đất nơi nơi, cửa nhà cây cỏ tơi bời sạch tan,” nên trước khi tránh không khỏi cảnh thương tâm đó, tôi tâm niệm rằng chúng ta nên đoàn kết giữa người Việt để làm nhạt bớt cảnh máu đổ thịt rơi. Ngài cũng biết rằng đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào hay có đồng bào mà không có ta. Việt Minh dù lấn lướt hoặc ác tâm tới mấy đi nữa thì cũng là đồng bào ruột thịt với mình. Họ có sai lầm tới mấy đi nữa thì cũng có thể bàn lui tính tới với nhau. Và chúng ta không còn cách nào khác hơn là ngồi lại chung bàn để cùng ngăn bước chân của bọn tây dương mà chỉ ngày mai ngày mốt là người Anh để cho chúng tìm cách chiếm lại Sài Gòn trong tay của dân mình.
Cổ cao ba ngấn, đôi lông mày thường nhíu lại đăm chiêu và khuôn mặt thông minh đỉnh ngộ, Huỳnh Giáo chủ thanh tú trong bộ đồ bà ba đen tương phản với y phục trắng của Phạm Hộ pháp. Mấy tháng trời bị Pháp nhốt trong nhà thương điên ở Chợ Quán không ảnh hưởng chút nào lên trí óc linh mẫn của ông. Ngược lại, ông ngồi viết hàng ngàn câu Sấm Giảng và cải giáo cho viên bác sĩ bị sai tới “chữa bệnh điên” cho mình. Xuất thân từ một gia đình hương chức mà thân sinh nguyên là người Công giáo bỏ đạo, người thanh niên họ Huỳnh này, theo như truyền thuyết, sau những ngày ốm đau tưởng lìa đời, đã được linh hồn của Đức Phật Thầy chuyển vào. 
Một trăm năm trước đây, trong khung cảnh miền nam khai hoang với những lưu dân tứ tán, sống trong điều kiện phong thổ khắc nghiệt, tính người chưa thuần, quan lại hà hiếp, trộm cướp chèo ghe đi quanh theo mùa nước nổi, và thường bị người “thổ” Cao Miên cướp phá hãm hiếp,v.v. tu sĩ Đoàn Minh Huyên xuất hiện với khả năng chữa bệnh, tổ chức khẩn hoang lập ấp và thuyết giảng đạo lý. Từ đó xuất hiện Bửu Sơn Kỳ Hương như một tôn giáo hộ quốc và người khai sáng cũng là nhà ái quốc họ Đoàn ấy được dân chúng tôn sùng là Phật Thầy Tây An, với lời lưu truyền rằng hồn của Đức Thầy sẽ liên tục nhập vào các hoạt phật kế tiếp nhau để thường trực ở mãi với chúng sinh cho tới ngày Hội Long Hoa.
Bằng chữa bệnh, trừ tà và những bài thơ mộc mạc đầy đạo tính, Huỳnh Giáo chủ hướng những tín đồ Phật giáo đi theo mình báo đáp Tứ Ân: ân tổ tiên cha mẹ; ân đất nước; ân Tam bảo Phật Pháp Tăng; và ân đồng bào nhân loại. Giáo thuyết huyền vi của Phật Thích Ca cũng được giản lược, chỉ nhấn mạnh trên sự bài trừ ba nghiệp chướng Thân, Khẩu và Ý, cùng đi theo Bát Chánh Đạo. Kinh sách là một tập Sấm Giảng gồm hàng trăm bài thơ khuyến giáo và khuyến thiện của Đức Thầy. Không có tầng lớp tăng lữ. Không lập chùa chiền. Chỉ dựng Độc Giảng Đường nho nhỏ ở mỗi làng xã làm nơi tụ họp và để mỗi sáng mỗi chiều huynh đệ tỉ muội đọc cho nhau nghe lời Sấm Giảng của Đức Thầy. Nghi lễ không dùng tới các hình tượng, không tụng kinh gõ mõ mà chỉ cúng nước lạnh, bông hoa và nhang. Trên bàn thờ chỉ trang trọng đặt một tấm vải nâu, gọi là trần dà; thờ Đức Phật, tổ tiên, ông bà cha mẹ và đặc biệt, các vị anh hùng của đất nước. Chỉ trong vài chục năm vui với mùi đạo từ Bửu Sơn tới Hoà Hảo, cuộc sống miền tây thay đổi hẳn, với những người dân bộc trực, tín nghĩa, không uống rượu, không hút thuốc phiện, không ăn thịt trâu bò, làm ruộng cực giỏi, sống thành đoàn ngũ và tham gia hết mình các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, trong đó có các đạo nghĩa quân của những vị anh hùng như Thiên hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân...
Thế rồi truyền thống nhập thế với ân đất nước và việc thờ anh hùng dân tộc cũng không tránh khỏi con mắt cú vọ của Pháp. Nhất là sau cuộc thất bại của Nam kỳ Khởi nghĩa và sự mất lòng tin vào phương pháp cộng sản cùng các cán bộ cộng sản lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đó, dân chúng hướng về Phật giáo Hoà Hảo. Thế Chiến Hai nổ ra, Pháp lo sợ vì đang ở thế kém Nhật và để phòng ngừa bạo loạn, họ bắt hàng ngàn người, tôn giáo có, dân tộc có, cộng sản có. Khi Phạm Hộ pháp bị đày sang châu Phi, Phan VănHùm bị chở ra đảo Côn Lôn thì Pháp đưa Huỳnh Giáo chủ lên nhà thương điên ở Sài Gòn. Sau đó họ đem ông về an trí ở Bạc Liêu. Cách đây ba năm, khi Pháp tính hạ ngục Đức Thầy thì ông được người Nhật bảo trợ. Từ đó, trong khi buộc lòng phải tiếp nhận sự giúp đỡ của Nhật, tín đồ Hoà Hảo bắt đầu mài dao rèn kiếm tính chuyện cướp chính quyền.
Chờ mãi chưa thấy Trần VănThạch tới, Phan VănHùm quay mình trở lại bàn họp. Anh mỉm cười khi thấy búi tó của Huỳnh Phú Sổ. Vị giáo chủ thanh niên thường tự xưng là Đạo Khùng, Đạo Xển ấy để một búi tóc trên đầu, được ông giải thích là có ý giữ kỷ niệm phong tục cũ của tổ tiên và tỏ cho thiên hạ biết mình không chịu ảnh hưởng của tây. Một già một trẻ, một quần áo trắng như tiên ông, một mặc bà ba đen như tu sĩ tại gia ở nông thôn. Nhưng trong cái vẻ siêu thoát mộc mạc và định tĩnh của cả hai hàm chứa một quyết tâm bất hoại, vì đời mà mang đạo đấu tranh cho độc lập của dân tộc, cho quyền được làm người tự do. 
Người trí thức Phan VănHùm chỉ có con tim, khối óc và cây bút, còn hai vị giáo chủ ngồi đây mỗi người làm chủ một đạo quân. Mỗi đạo quân đông đảo, hàng chục ngàn người, có đầy đủ tướng lãnh, sĩ quan chỉ huy và vũ khí trang bị gồm súng ống mua của bọn Nhật hay được chúng tặng từ mấy năm nay. Và trên tất cả những quân khí ấy là lòng yêu nước được nâng cao thành bất tử với một niềm tin vững bền vào giáo chủ và tôn giáo của mình. Mỗi người trong đạo quân ấy đứng ở tâm điểm của chiều ngang là đồng bào đất nước và chiều dọc là tổ tiên và đạo pháp. Cùng chiến đấu với họ là quốc hồn quốc túy, thần thánh tiên Phật và tiền nhân liệt sĩ. Đối với họ, cái chết chỉ là một bước nhảy từ cõi đời này lên bàn thờ kia trong niềm ân phúc được sinh vi tướng tử vi thần. Sống làm nghĩa dân tận lực khuông phò xã tắc; chết thành thần nhân linh nghiệm phù hộ nhân dân.
Nhìn hai vị giáo chủ đầy quyền uy ấy, bất giác Phan VănHùm nghĩ tới bản thân. Những ngày học trường Công Chánh ở Hà Nội, lưu lạc ở Huế sống với vợ chồng Đào Duy Anh và được gần gũi cụ Phan Bội Châu. Bốn năm lưu li sang Pháp học triết ở Đại học Sorbonne rồi ngả theo tư tưởng cộng sản Quốc tế Đệ tứ, sau đóù trở về Sài Gòn vừa dạy học vừa hoạt động. Những ngày tù đày khổ sai, bị sỉ nhụcï, bị tra tấn, kết Khám Lớn tới đảo Côn Lôn. Anh vượt qua được tất cả những gian nan lưu lạc ấy có lẽ nhờ vào niềm tin sắt đá ghi trong tâm khảm rằng người trí thức của một xứ sở nhược tiểu không thể không thao thức với những vấn đề của đất nước và có nghĩa vụ dấn thân vào hành động, một cách tỉnh táo và quyết liệt, để phục vu đồng bào và dân tộc, để cải tạo môi trường sống thành một chốn tốt đẹp hơn cho mọi người. Cùng với người anh xem như anh em là nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, người bạn thông minh tuyệt luân Tạ Thu Thâu và ngòi bút bình luận sắc sảo Trần VănThạch, Phan VănHùm đã làm tờ La Lutte, rồi từ đó, được bầu vào Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.
Đôi khi anh tự nhủ tại sao mình lại lao vào trường đấu tranh và cứ thế đi miệt mài qua bao năm tháng. Thật sự mà nói, tuy theo Tân Tả Phái nhưng khi đọc sách của Marx, của Trotsky anh thấy có nhiều lấn cấn. Lý thuyết cộng sản là phó sản của lý thuyết Do-thái-Kitô-giáo qua sự thông giải của các nhà thần học kinh viện và các trí thức, triết gia châu Âu bị ám ảnh bởi giấc mơ cứu thế, quyện với sự mất niềm tin vào tư bản chủ nghĩa, giáo hội Công giáo La mã và tầng lớp tăng lữõ. Nhưng hình như cái giá trị nhất của nó chỉ dừng ở chỗ phê phán rốt ráo tư bản chủ nghĩa; những người sản sinh ra chủ nghĩa Marx gần như không có đông phương học, đặc biệt phi tâm linh. Như thế, phải chăng chỉ hữu ích cho người Việt khi biết du nhập nó với một tinh thần phê phán, chắt lọc, lấy ra những gì thích hợp với xã hội Việt Nam cổ truyền và đương đại; lúc ấy mới tránh khỏi tình trạng toàn trị và vết xe sắt máu của cuộc đại khủng bố những năm ba mươi tại Nga và những gì xảy ra tại Hoa Nam, Nghệ Tỉnh và trong cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa.  
Thành thật mà nói, anh đọc sách, học hành, nghiên cứu chỉ cốt để nỗ lực tìm kiếm một tổng hợp tư tưởng đông tây cho dân tộc mình. Văn hóa Việt vốn chịu ảnh hưởng của cả hai nền văn minh Hoa và Ấn, nay nếu bằng các nào đó, dung hợp được những giá trị tích cực của châu Âu, nó sẽ trở thành nền tảng và chìa khóa giải quyết các vấn đề trọng đại lẫn cấp bách của dân tộc. Thế nhưng càng đi sâu vào học thuật anh càng thấy mình thiếu sót, càng suy nghĩ càng thấy chưa thấu đáo vì câu hỏi bao giờ cũng chứa đựng dồi dào nội dung hơn câu trả lời. Phải tìm tòi thêm nữa để ngấm thật sâu, để chết đi trong tư duy mới có thể phục sinh trong tư tưởng, dù anh đang có trên kệ sách mấy cuốn của mình đã xuất bản, trong đó gồm những công trình nghiên cứu về Biện chứng pháp, Phật giáo, tâm học Vương Dương Minh, v.v.
Trong khi anh đang từ Tân Uyên, Biên Hoà xuống Sài Gòn chữa bệnh phù thủng, di căn ngục tù Côn Lôn, và dự tính trong thời gian này sẽ tiếp tục việc nghiên cứu triết học thì nổ ra chuỗi biến động từ một tháng nay. Nhất là khi Ủy ban Hành chánh Lâm thời của Cộng sản Quốc tế Đệ tam xuất hiện cướp chính quyền, rồi sau đó bị trung ương Mặt trận Việt Minh bắt phải cải tổ thành Ủy ban Hành Chánh Nam bộ. Người ta đã thăm dò mời anh tham gia một chân ủy viên nhưng anh từ chối vì kinh nghiệm làm tờ La Lutte và những năm ở tù chung nơi đảo Côn Lôn, anh biết rõ rằng khó có thể sinh hoạt chung với những người được đào tạo bởi Học viện Thợ Thuyền Phương Đông của Stalin, một học viện hầu hết sinh viên của nó chỉ cần trình độ tiểu học là được nhận vào học. Họ chỉ muốn gây mâu thuẩn, khai thác những xung khắc vàø khích động hận thù giữa các thành phần của dân tộc. Họ hô hào hoà hợp, đoàn kết nhưng thực chất chỉ muốn giành độc quyền lãnh đạo, khuynh loát và trấn áp hết thảy những ai không chấp nhận quan điểm và đường lối của họ. Ở Côn Lôn, chính tù nhân cộng sản đã hại chết Nguyễn An Ninh, người nhiều phen che chở họ tại nhà của mình ở Hóc Môn Bà Điểm và qua Thanh Niên Cao Vọng Đảng, đã tuyển lựa, giới thiệu cho họ những kẻ về sau là đảng viên cộng sản xuất sắc. 
Chiều nay, phiên họp giữa hai vị giáo chủ, một có tính thần bí của Phật giáo dân giả, một có tính huyền học của Đạo giáo thời đại cùng với hai trí thức cách mạng hàng đầu của Sài Gòn, thuộc Tân Tả Phái Cộng sản Quốc tế Đệ tứ lại diễn ra trong một ngôi đình la liệt những hoành phi đối trướng, bàn thờ và hình tượng của Khổng giáo cùng linh vị của thần nhân Việt. Nhận xét đó, khiến Phan VănHùm mỉm cười. Và trong mơ hồ, hình như anh đang cảm nhận được bằng cách nào mình sẽ tổng hợp thành công một lý thuyết chủ đạo cho công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc và kiến thiết xứ sở.

Trung úy David Hawke giật mạnh chiếc xắc máy truyền tin ra khỏi xe díp rồi uể oải xách lên bậc thềm trước ngôi nhà được tạm cấp cho Phân đội OSS  làm bộ chỉ huy, ở Phú Nhuận, vùng ngoại ô tây bắc Sài Gòn. Toà nhà này trước đây là tư thất của một người Pháp làm giám đốc Ngân hàng Đông dương, tọa lạc mé trong mép sân cù, và được một đơn vị quân Nhật đảm trách việc canh gác, theo lệnh của tướng Douglas Gracey, tổng tư lệnh lực lượng Anh chiếm đóng. 
Joseph dẫn dầu đi lên bậc cấp và Hawke theo sau. Cả hai chào đáp lễ cái chào đầy oán ghét của gã lính Nhật đang đứng gác: tay đưa lên chào và mắt trợn ngó lưng trời. Vô tới bên trong tiền sảnh, Hawke giận dữ ném phịch xắc máy truyền tin lên mặt bàn:
- Vì lý do quái đản nào mà tại Hội nghị Potsdam chúng ta lại chịu cho quân Anh tiếp quản nam Đông Dương từ vĩ tuyến mười sáu trở xuống? Nếu cứ giao việc đó cho tướng Wedemeyer ở Hoa Nam thì chúng ta đã có quân Trung Hoa hiện diện đầy nhóc và các đơn vị quân Mỹ to con tràn ngập chỗ này lâu rồi.
Hawke vừa nói vừa gớm ghiếc phủi phủi bộ đồ trận làm văng tứ tung lớp bụi dày bám suốt cuộc tuần thám kéo dài từ ban chiều qua buổi tối:
- Thay vào đó, chúng ta chỉ mới có mấy ngàn tên lính Ấn với chư vị quí tộc Ăng-lê chỉ huy bọn chúng chạy lòng vòng ở đây và dùng quân thù làm cảnh sát  - còn chúng ta thì thấy nguy cơ dàn ra trước mắt mà chẳng nhúc nhích ngo ngoe gì được.
Đột nhiên cửa một văn phòng ở tầng trệt bật mở, thò ra thân xác có bộ mặt đeo kính và cái miệng cười toe toét của viên thiếu tá chỉ huy phân đội. Thuở còn sống đời dân sự, anh ta là chuyên viên phân tích đầu tư xuất sắc của Phố Wall. Hiện anh ta vẫn cố sức áp dụng vào công tác quân báo những phương pháp lý luận và điều nghiên chi tiết cực kỳ thận trọng y như trước ngày nhập ngũ. Nhưng rốt cuộc anh ta đành phải thú nhận mình hoa cả mắt trong hoạt cảnh chính trị đầy hoang mang tại Sài Gòn lúc này.
- Bộ chưa ai nói với trung úy rằng vào lúc kết thúc thế chiến, Ngài quí tộc Thống chế Louis Mountbatten đã sửa lại tên của đơn vị ông ta? “SEAC” không còn viết tắt cho South East Asia Command – Bộ Tư lệnh Đông Nam Á nữa, mà là đang viết tắt cho Save England’s Asian Collonies – Cứu lấy các thuộc địa châu Á của Anh. Đó là lý do tại Potsdam, người Anh cứ khăng khăng đòi thủ cho bằng được vai trò tham gia công tác Đông Dương.  Với Miến Điện và Ấn Độ ở sát nách Đông Dương, người Anh không thể để cho dân bản xứ ở đây gây quá nhiều lộn xộn  - kẻo chẳng may có tên thứ dân hèn mọn nào đó tại các xứ thuộc địa của họ bắt đầu tiêm nhiễm “các ý tưởng bậy bạ” ấy thì sao!
Trung úy Hawke thở hắt như bày tỏ ý kiến rằng cá nhân mình ghê tởm cách riêng người Anh. Thấy anh bắt đầu mở đai lưng bộ đồ trận, thiếu tá chỉ huy trưởng giơ tay chận lại:
- Để yên nó đó trung úy, công tác hôm nay của anh đã xong đâu! Tôi cam đoan rằng đại úy Sherman thế nào cũng muốn anh tháp tùng anh ta cho một chuyến đi ngắn, tới Nhà thờ Chánh toà Sài Gòn.
Joseph nhìn cấp chỉ huy, thắc mắc:
- Thưa thiếu tá, tại sao tôi lại muốn đi Nhà thờ Đức Bà?
Thiếu tá mở túi trên áo sơ-mi, rút ra một bì thư nhàu nát:
- Cách đây một giờ, có một người Việt Nam bí hiểm đưa tới đây mảnh giấy này. Trong đó ghi: “Xin vui lòng ra lệnh cho đại úy Sherman có mặt ở nhà thờ chánh tòa tối nay, lúc chín giờ, nơi mấy dãy ghế đằng sau, phía nam.”
Thiếu tá đưa Joseph mảnh giấy học trò có kẻ ô vuông, viết nguệch ngoạc bằng tiếng Anh, chính tả sai be bét:
- Mảnh giấy ký tên “Ngô VănLộc”. Đại úy quen ai có cái tên đó không?
Joseph tự mình đọc mảnh giấy rồi với vẻ mặt kinh ngạc, anh ngước nhìn sĩ quan cấp trên:
- Thưa tôi có biết. Lộc là người tôi từng gặp ở đây lâu lắm rồi.
- Và có phải hắn đang dính líu tới các hoạt động chính trị tại đây?
Joseph trả lời dứt khoát:
- Tôi nghĩ có thể nói chính xác là như vậy.
- Tốt, thế thì anh đi gặp hắn. Có thể chúng ta sẽ tìm thấy điều gì đó về những cái đang diễn ra lòng vòng ở đây mà chúng ta hiện vẫn không biết rõ. Trung úy Hawke đi theo anh và sẵn sàng nổ súng trong trường hợp người ta có ý định bắt cóc một người Mỹ làm con tin.
 
Nửa giờ sau, lúc Joseph và Hawke xuống tới Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn sắp vào giờ giới nghiêm và đường phố vắng vẻ từ lâu. Khi cho xe díp đậu lại, cả hai nghe tiếng súng nổ đì đùng từ hướng bến cảng bờ sông. Vài giây sau, một chiếc xe tải chở đầy lính Népal rú ga qua Công viên Bá-đa-lộc im lìm, chạy về phía có tiếng đụng độ.
Bên trong Nhà thờ Chánh toà, khung cảnh ảm đạm vơi bớt phần nào nhờ ánh sáng duy nhất của hàng nến dâng cúng trên bàn thờ và ngọn đèn nhỏ bên trên cung thánh, trước nhà tạm thánh thể trên cao. Mấy dãy ghế dài ở sát vách phía nam chìm sâu trong bóng tối, rõ ràng là chẳng có ai đang quì hoặc ngồi. Nhưng Joseph trước khi ngồi xuống đợi vẫn ra lệnh cho Hawke đứng canh chừng đằng sau chiếc cột gần đó, tay đặt sẵn trên báng khẩu súng lục đạn đã lên nòng.
Vài phút sau, khi Ngô VănLộc âm thầm xuất hiện sát một bên, Joseph không nhận ra anh ta. Người dân quê lần đầu tiên anh gặp gỡ năm 1925, còn là người “bồi” trại săn hèn mọn, lúc này đang trong lớp vỏ cải trang: mình mặc áo the đen, đầu đội khăn đóng theo kiểu người Việt Nam khá giả và dưới cằm gắn một chòm râu giả. Nhưng liền đó, Joseph để ý thấy cánh tay phải bại liệt của Lộc vốn bị dập nát vì trận dội bom của Pháp tại Vinh vẫn mắc lủng lẳng một bên người. Và khi Lộc liếc về phía Joseph, đôi mắt tối sầm, đầy nghi kỵ và cảnh giác ấy làm Joseph nhớ lại lần gặp nhau chín năm trước trong nhà lồng tối thui chợ Bến Thành.
Để hợp điệu với bộ quần áo cải trang của mình, Lộc quì một lúc như thể đang cầu nguyện rồi ngồi lên, vói tay cầm cuốn sách lễ trên hàng ghế trước mặt và bắt đầu lật vài trang. Anh vừa lật vừa nói thật nhỏ bằng tiếng Pháp, giả bộ như đang đọc sách kinh:
- Đại úy Sherman, rốt cuộc anh trở lại Sài Gòn làm một tay quân báo. Có phải từ lần ghé lại trước đây của anh tới nay Sài Gòn đã biến đổi quá nhiều?
Joseph hỏi lại bằng giọng thì thầm tới độ chính anh cũng ngạc nhiên:
- Làm sao anh biết tôi có mặt ở đây?
- Chúng tôi nhận được tin từ Hà Nội điện vào cho biết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân báo cho chúng tôi rằng anh và các quân nhân Mỹ trong toán OSS đều có thiện cảm với chính nghĩa của chúng tôi.
- Có phải anh là cán bộ cao cấp của Mặt Trận Việt Minh?
Lộc gật đầu, mắt vẫn tiếp tục nhìn xuống cuốn sách lễ:
- Tôi là ủy viên trong Ủy ban Hành chánh Nam bộ.
- Tại sao anh lại muốn thảo luận với OSS? Thật sự, chúng tôi chẳng có vai trò nào ở đây.
- Thằng đại tá Pháp Cédile vừa nhảy dù xuống và lúc này tự xưng “Cao Ủy”, là một thằng ngang bướng và ngoan cố. Thằng tướng Anh Gracey cực kỳ ngạo mạn trong việc điều đình với chúng tôi. Hắn giả vờ tiến hành việc thương thuyết với chúng tôi trong đôi ba ngày nhưng thực tế, hắn đang âm mưu ép buộc chúng tôi đầu hàng.
Lộc tuôn ra một tràng bằng giọng khàn khàn giận dữ. Joseph phải nghiêng đầu thật sát mới nghe ra những gì Lộc nói:
- Cả hai thằng đó chẳng có thằng nào nhận ra những nguy cơ đang nằm ngay trước mặt chúng. Anh đã ở bắc bộ và anh đã từng chứng kiến nhân dân nhiệt liệt ủng hộ cuộc cách mạng dân tộc của chúng tôi như thế nào. Tại nam bộ này, chúng tôi thành lập khắp nơi các ủy ban cách mạng để thay thế các hội đồng hương chính và quan lại thối nát. Nhưng bọn Anh không hiểu điều đó và không chịu nghe chúng tôi nói. Chúngï sửa soạn phục hồi nền đô hộ của thực dân Pháp  - chúng tôi biết rằng các đoàn tàu chở lính Pháp đã rời Marseilles với Calcutta, và đang trên đường tới đây...
Lộc đưa cho Joseph một tờ giấy in nhòe nhoẹt và nói:
- Đây, ngay cả cựu hoàng hậu Nam Phương, là vợ của Vĩnh Thụy hiện làm cố vấn tối cao cho chủ tịch Hồ Chí Minh, và là con cháu của những đứa mấy đời hợp tác với thực dân Pháp. Bà ấy cũng viết thư gởi các chính phủ phương tây, trình bày rằng Pháp đã thật sự mất chủ quyền ở Việt Nam từ tháng Ba năm nay. Bà ấy yêu cầu quốc tế can thiệp đừng để lực lượng Anh tiếp tay cho thực dân Pháp tìm cách đô hộ trở lại chúng tôi, làm máu tiếp tục chảy, hao tốn thêm sinh mạng của cải của người Việt và gây đau khổ thêm nữa cho đàn bà trẻ con Việt Nam.
Lộc ngừng nói khi phía trước bàn thờ xuất hiện hình dáng một linh mục Pháp trong chiếc áo chùng thâm. Anh dán mắt nhìn theo cho tới khi linh mục biến mất vào hậu liêu. Joseph xếp bản sao lá thư, cho vào túi quần và nhất quyết hỏi:
- Nhưng tại sao anh lại cố tình nói cho tôi nghe việc đó?
Lộc trả lời sôi nổi:
- Chúng tôi cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Anh phải báo cáo cho chính phủ của anh biết về chúng tôi! Các nhà lãnh đạo chính trị của nước anh phải gây áp lực lên bọn Anh và bọn Pháp để chúng nó phải công nhận Việt Minh là chính quyền hợp pháp trên đất nước của chúng tôi.
Joseph nói trầm tĩnh:
- Chẳng quan trọng gì việc cá nhân tôi có thiện cảm tới mấy đi nữa với các nguyên cớ của Việt Minh. Phân bộ OSS ở đây, tại Sài Gòn này, không thể đứng về một phía nào đó trong sinh hoạt chính trị nội bộ của quí vị. Ngay cả những tranh luận giữa các tổ chức lực lượng ở đây cũng là chuyện của quí vị.
Lộc quay sang ngó Joseph, giọng nóng nảy:
- Ngay sau hôm bọn Nhật đầu hàng, nhân dân Nam bộ đã móc nối và giao phó cho Trần VănGiàu, người của Việt Minh, quyền đại diện họ để tiếp xúc với Đồng Minh, rồi sau đó, thành lập Lâm Ủy Hành Chánh. Khâm sai Nam Việt Nguyễn VănSâm cũng đã bàn giao chính quyền cho Lâm ủy Hành chánh mà Việt Minh là chủ chốt. Sau đó, mọi phe nhóm đã đoàn kết với nhau trong Ủy ban Hành Chánh Nam Bộ mà chủ động là Việt Minh. Hiện nay, dân chúng đang tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh Nam Bộ. Việt Minh giúp Đồng Minh đánh tụi Nhật trong khi bọn Pháp, bọn quốc gia, bọn giáo phái hợp tác với tụi chúng, bộ việc đó không đáng kể chút nào sao? Bộ bọn Pháp và bọn Việt gian đó xứng đáng cho quí vị ủng hộ sao?
Joseph nhún vai bất lực:
- Tôi xin nhắc lại là OSS tại đây không có nhiệm vụ đi sâu vào những vấn đề chính trị nội bộ của quí vị. Có một thực tế khác rằng Pháp và Anh là đồng minh của chúng tôi. Có quá nhiều xung khắc quyền lợi, đặc biệt tại châu Âu, khiến chính quyền Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ phải cân nhắc.
- Anh có ý nói rằng Việt Nam không có tầm quan trọng đáng kể nào sao? Và sẽ chẳng ai màng tới nếu có xảy ra chiến tranh ở cái xứ sở nhỏ bé và tầm thường như thế này sao?
Lộc vừa nói vừa dò xét vẻ mặt của Joseph trong một lúc rồi tự mình gật đầu lẹ làng như để tự xác nhận những nghi hoặc của mình. Joseph nói chầm chậm:
- Một vấn đề chủ yếu là, trong thực tế chẳng ai hiểu rõ Việt Minh có phải là một tổ chức tiên phong và bí mật của cộng sản hay không. Trong Ủy Ban của anh có bao nhiêu ủy viên là cộng sản?
Lộc lùa các trang sách lễ bằng cử chỉ hấp tấp và nóng nảy:
- Này đại úy, hơn bất cứ người nào khác, lý ra anh hiểu rất rõ rằng không phải chỉ có cộng sản mới biết căm thù những gì bọn Pháp đã làm ở đây. Ủy Ban của chúng tôi có mười bốn ủy viên, trong đó những kẻ các anh gọi là “cộng sản” chỉ có ba bốn người. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là Việt Minh muốn điều đình với Pháp. Các lãnh tụ của chúng tôi ở Hà Nội đã nói cho anh biết điều đó. Chúng tôi biết xứ sở của chúng tôi nghèo, chúng tôi cần ổn định, chúng tôi cần hòa bình, chúng tôi cần những đầu tư thương mại của Pháp để giúp chúng tôi phát triển. Chính những phe nhóm quốc gia khác bên ngoài Việt Minh đang hối thúc Ủy Ban chúng tôi đánh nhau với Pháp. Và bằng việc từ chối điều đình với chúng tôi, bọn Anh và bọn Pháp đang nhất quyết gây chiến. Đại úy ạ, chúng tôi muốn có các cuộc điều đình nhưng nếu thực dân Pháp cứ ngoan cố trở lại đây mà không chịu điều đình thì sẽ đổ rất nhiều máu  - chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập chúng tôi vừa giành được.
- Anh Lộc ạ, có thể những nghi ngại của quí vị là quá đáng. Ở miền bắc, lực lượng chiếm đóng của Trung Hoa tôn trọng chính phủ Việt Minh. Quân Anh tới Đông Dương chỉ để tổ chức việc hồi hương lính Nhật và tiếp nhận sự đầu hàng chính thức của Nhật. Họ chỉ nhận mệnh lệnh có thế thôi.
Lộc khè một tiếng điên tiết và gấp cuốn sách thật mạnh:
- Bọn Anh đã đóng cửa các tờ báo của chúng tôi. Mỗi giờ trôi qua chúngï càng hợp tác công khai thêm với bọn Pháp. Hôm nay, các mật báo viên của chúng tôi phát giác ra thằng tướng Gracey đang hạ lệnh in các bích chương tuyên bố thiết quân luật. Chỉ nội một hai ngày nữa thôi, chúng tôi sẽ bị tước bỏ toàn bộ tự do chính trị ngay trên chính xứ sở của mình! Bước kế tiếp là một nỗ lực dứt khoát nhằm phục hồi nền đô hộ của bọn Pháp.
Joseph xem xét dáng mặt nghiêng nghiêng của người Việt Nam bên cạnh mình. Bộ mặt xương xẩu hốc hác và bị tàn phá bởi tù đày và gian khổ thể xác nhưng hễ nhắc tới người Pháp là đôi mắt ấy long lên sòng sọc và ngùn ngụt lửa. Sau cùng, Joseph nói:
- Anh Lộc ạ, ngay sau khi chúng ta gặp nhau lần trước, con trai anh bị bắt tại Huế vì mưu sát Monsieur Jacques Devraux. Rồi sau đó một hai tuần, Monsieur Devraux bị hạ sát trong giường ngủ. Phải chăng anh có trách nhiệm về cái chết của ông ấy?
Trong vài ba giây người Việt Nam nhìn chằm chặp vào mặt của Joseph rồi nói:
- Đại úy, đó là vấn đề cá nhân. Tôi tới đây không phải để thảo luận chuyện đó. Tôi yêu cầu nói chuyện với anh vì hơn bất cứ ai, anh biết rằng ở đây, lòng đồng bào chúng tôi căm thù bọn Pháp sâu xa tới độ nào. Chúng cướp đi vợ tôi, con trai tôi. Và vì sự tàn bạo của bọn Pháp, có hàng ngàn hàng vạn gia đình mất người thân yêu của họ, giống hệt tôi đã mất. Đó là lý do chúng tôi chiến đấu tới chết để giành độc lập tự do.
Không một lời báo trước, người Việt Nam đứng bật dậy:
- Hãy nói cho các đồng minh của quí vị biết như thế  - trước khi quá trễ.
 Lộc biến mình vào bóng tối, cũng âm thầm không kém khi anh xuất hiện. Joseph ngồi lại, đăm đăm nhìn những mẩu còn sót của hàng trăm ngọn nến trông cậy được thắp lên suốt ngày bởi những tây thuộc địa và gia đình đang run rẩyï của họ. Từng đuôi chân nến rồi từng đuôi chân nến tàn lụi và ánh sáng hiu hắt càng lúc càng le lói giữa khung cảnh ảm đạm bên trong nhà thờ. 
Cảm thấy có ai đó tới sát bên mình, Joseph quay qua và thấy David Hawke đứng kế bên, đang nhét khẩu súng lục vào bao và bấm nút lại. Người thanh niên Boston hỏi với giọng điềm tĩnh:
- Thưa đại úy, có phải hắn nói cho chúng ta biết điều gì đó đáng quan tâm?
Joseph chầm chậm gật đầu và đứng dậy:
- Đúng vậy. Tốt nhất là tôi quay về bộ chỉ huy ngay, viết bản tường thuật và thông báo cho người Anh biết. Tôi không nghĩ nó sẽ gây được tác dụng tốt nhưng Việt Minh nói rằng nếu Pháp không điều đình, họ sẽ không cản nổi những kẻ manh động đang muốn khai chiến.
Khi cả hai bước ra khỏi cửa mé tây nhà thờ, những ngọn nến dâng cúng cuối cùng chảy hết sáp và tắt lịm, để lại sau lưng họ nội thất nhà thờ chánh toà gần như chìm trọn vẹn trong bóng tối. Bên ngoài, những vì sao lung linh chiếu sáng trên vòm trời đêm nhưng khắp các đường phố tràn ngập một sự im ắng gượng gạo, như thể toàn bộ thành phố đang nín thở chờ đợi những tin tức chẳng đáng đón chào chút nào.

<< - 14 - | - 16 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 887

Return to top