Một bầu không khí trang nghiêm và yên lặng bao phủ đại khách sảnh được trang hoàng lộng lẫy của Khách sạn Majestic cổ kính, tọa lạc bên Đại lộ Kleber. Suốt mấy phút, âm thanh duy nhất trong sảnh đường là tiếng xào xạc của những trang giấy làm bằng chất liệu hảo hạng và tiếng rạt rào của từng đợt mưa mùa đông tạt lên cửa kính. Các phụ tá nghi lễ người Mỹ lẫn người Bắc Việt đều đứng yên lặng, trang trọng và kính cẩn bên cạnh Kissinger hoặc Lê Đức Thọ trong khi cả hai ngồi đối mặt nhau qua chiếc bàn hội nghị làm bằng gỗ gụ phủ nhung xốp. Họ lật từng tờ bản hiệp định ngừng bắn dày khoảng sáu chục trang để người đứng đầu phái đoàn có thể nguệch ngoạc ký tắt vào các nghị định thư đã được họ mặc cả với nhau một cách gay go suốt hơn bốn năm vừa qua.
Lúc ấy là một giờ thiếu mười lăm phút chiều Thứ Ba ngày 23 tháng Giêng năm 1973. Tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Pháp được trang hoàng bằng những chiếc gương thiếp vàng, cửa sổ rèm kết tua và sàn trải thảm nhung cổ, trong khung cảnh ngoại giao trịnh trọng, cuộc chiến tranh mười năm mà Hoa Kỳ từng chiến đấu trong cái nóng bức và sình lầy của rừng núi và nông thôn Việt Nam đang tới hồi kết liễu một cách trầm lặng.
Một nhóm nhỏ các ký giả, nhiếp ảnh viên và chuyên viên thu hình thời sự vô tuyến truyền hình được mời vào đại sảnh để quan sát nghi lễ ký kết. Máy ảnh lập tức chớp nháy lia lịa và máy quay phim bắt đầu chạy lè xè đúng khoảnh khắc một viên chức bệ vệ người Pháp phụ trách nghi lễ đang đi quanh quẩn bên trong cánh cửa, thình lình phất tay ra hiệu cho họ có thể quay phim và chụp hình quang cảnh.
Ngồi bên cạnh Lê Đức Thọ và đang chăm chú quan sát nghi lễ ký bản hiệp định, Trần Văn Kim bỗng nhướng mắt xem xét tỉ mỉ từng khuôn mặt ký giả cho tới khi bắt gặp đôi mắt của Joseph. Hai người ngó nhau trong vài giây rồi người Việt Nam khẻ gật đầu chiếu lệ, tỏ cho biết mình có nhận ra, sau đó lại chăm chú nhìn xuống các trang nghị định thư được đánh máy sẵn.
Sau cùng, khi hai nhà thương thuyết chính đặt bút qua một bên, các phụ tá đóng tập hồ sơ lại rồi đi vòng sau bàn, bước cẩn trọng từng bước để trao đổi văn bản. Qua người thông dịch, Tiến sĩ Kissinger và Lê Đức Thọ phát biểu sang sảng và ngắn gọn, đề cập tới khát vọng hoà bình của cả đôi bên và tính lịch sử của khoảnh khắc này.
Kế đó, cuộc tụ họp giải tán để cả hai có thể bước ra đường cho các nhà báo đang đợi có cơ hội chụp hình và quay phim họ. Vĩa hè lênh láng nước mưa. Bầu trời phía trên đầu họ xám xịt và nặng như chì. Các nhiếp ảnh viên phải dùng đèn chớp để chụp hình phút giây người Mỹ ấy và người Việt ấy đứng trên lề đường, tay siết chặt tay nhau, miệng cười vào miệng nhau thật rộng và thật tươi, như thể cả hai cùng là bạn tri kỷ lâu năm.
Nơi hành lang dẫn thẳng ra đại lộ, các phái đoàn và các phóng viên đứng lẫn lộn nhau khi lấy mũ đội và mặc áo mưa. Trong lúc chen lấn, Joseph cảm thấy có ai đó kéo tay áo mình. Anh quay lại thấy Trần Văn Kim đã đứng kế bên.
Người Việt Nam nói, giọng thấp:
- Monsieur Sherman, có lẽ chúng ta nên gặp nhau một chút trước khi anh rời Paris.
Joseph nhún vai:
- Không phải đã khá trễ cho những tiết lộ nóng hổi về mưu đồ bí mật của các nhà thương thuyết Mỹ sao?
- Lần này tôi có tin tức cho chính anh, hoàn toàn có tính cách cá nhân.
Kim nói như thế với giọng tự chế lạ thường. Thái độ của Joseph lập tức dịu hẳn:
- Tại sao chúng ta không gặp nhau uống chút rượu nơi tầng trệt khách sạn của tôi tối nay? Tôi ở tại Intercontinental.
Người Việt Nam lắc đầu:
- Tôi nghĩ tốt hơn chúng ta nên gặp nhau ở một chỗ riêng. Tôi sẽ đến tận phòng anh đúng sáu giờ chiều nay.
Nói xong, không để người Mỹ có cơ hội trả lời, Kim quay lưng và đi thẳng, lẹ làng biến mất trong đám đông.
Trưa đó, Joseph dùng bữa với một thành viên trong ban tham mưu của Kissinger. Người khách ấy kín đáo và bí mật giải thích hơn một chục điều khoản mới mẻ vừa được đưa vào các nghị định thư chung cuộc. Tới khoảng giữa buồi chiều, Joseph trở về khách sạn. Anh ngồi xuống, cho trang giấy trắng vào máy đánh chữ, bắt đầu viết bài cho tờ The Times.
Suốt một tiếng đồng hồ, Joseph vật lộn với công việc để cố trình bày văn bản hiệp định chung cuộc này khác biệt ra sao so với những điều kiện đã được người ta tường thuật là đôi bên từng thoả thuận trước khi diễn ra trận không tập Hà Nội và Hải Phòng trong thời gian lễ Giáng Sinh. Joseph suy nghĩ về những gì người phụ tá của Kissinger kể với anh lúc ăn trưa. Rằng có những thay đổi trong định nghĩa Khu Phi quân sự; quyền của Hoa Kỳ được tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Sài Gòn đã được định rõ; một số cụm từ mang tính xúc phạm bị gạch bỏ; và các điều khoản thuận lợi đã được củng cố thêm,v.v. Nhưng đối với anh, toàn bộ những cái đó dường như chỉ là chuyện tranh cãi đôi chút về ý nghĩa của từ ngữ chứ không đi vào thực chất và mức độ khả thi của Bản hiệp định.
Joseph có nghe nói rằng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bị ép buộc để rốt cuộc phải chấp nhận bản Hiệp định Paris, trái với ý nguyện của ông. Và chính phủ Hoa Kỳ dọa dẫm rằng nếu Thiệu không đồng ý ký kết, trong tương lai họ sẽ cắt hẳn mọi viện trợ và sẽ phó mặc số phận của ông cho Hà Nội. Nhưng trong hết thảy những điều người ta nói cho Joseph biết đó, dường như không có điều nào giải thích tại sao trận không tập dữ dội và mãnh liệt vào thời gian lễ Giáng Sinh vừa qua là cần thiết.
Bản thân Joseph đã trải qua những ngày nghỉ lễ Giáng Sinh ấy với tâm trạng bứt rứt tại ngôi nhà ở một vùng quê nước Anh sâu trong miệt Tây Sussex Downs nơi anh chung sống với Naomi kể từ ngày thành hôn vào năm 1968. Ở đó, anh chăm chú theo dõi hằng giờ các tường thuật qua đài phát thanh về cuộc tàn phá trên một qui mô rộng lớn do pháo đài bay B-52 gây ra tại Miền Bắc Việt Nam. Các phương tiện hải cảng, đường sắt, cầu cống, đường lộ, kho tàng và xí nghiệp quân sự đều bị phá hủy hoàn toàn và khả năng tiến hành chiến tranh của Hà Nội bị sút giảm nghiêm trọng. Nhưng rồi bên cạnh những tin tức ấy xuất hiện những chỉ trích kịch liệt từ khắp nơi trên thế giới về trận không tập ồ ạt đó. Trong thời gian lễ Giáng Sinh ấy, có khoảng chín mươi ngàn tấn chất nổ được thả xuống Đông Dương, nhiều hơn số lượng Đức Quốc xã đã thả xuống nước Anh suốt thời Thế Chiến Hai. Nhiều tạp chí và nhiều chính trị gia trong thế giới phương tây lên án cuộc dội bom ấy là man rợ.
Cuối cùng, trận không tập chấm dứt vào ngày 30 tháng Mười hai và Nhà Trắng bảo đảm với Hà Nội rằng chừng nào còn diễn ra “những cuộc thương thuyết nghiêm chỉnh” chừng đó họ sẽ không oanh tạc trở lại. Ngày 5 tháng Giêng, Henry Kissinger quay lại Paris và thấy rằng trận không tập đã khiến Lê Đức Thọ không còn gây trở ngại cho ông ta như suốt từ đầu chí cuối vòng đàm phán đầu tháng Mười hai năm ngoái. Và như thế, trong vòng chưa đầy một tuần lễ, các chi tiết chung cuộc của việc ngừng bắn được hoạch định.
Từ những ngày đầu năm 1973, Joseph đã biết được rằng tại Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh Việt Nam được hầu như nhất trí thừa nhận rằng đó là một sai lầm bi thảm cho nước Mỹ. Khoảng năm mươi tám ngàn sinh mạng Mỹ bị tiêu vong, hai trăm ngàn người bị thương, cùng với 146 tỉ Mỹ kim bị phung phí trong một cuộc xung đột đã khiến cho dân chúng Mỹ bị chia rẽ sâu xa hơn bất cứ vấn đề nào, kể từ cuộc Nội Chiến 1861-1865. Nhưng trong khi ngồi trong phòng khách sạn vào buổi chiều mùa đông tuyết phủ này, Joseph thấy mình dù sao đi nữa cũng đang vật vã với chính mình để làm sao trong tức thời, đưa ra được một viễn ảnh xác thực hầu đăng tải trong số báo phát hành ngày mai.
Hết giờ này sang giờ nọ, Joseph loay hoay với ý nghĩ của chính mình nhưng không đạt được kết quả nào. Tới sáu giờ, trong lúc anh vẫn ngồi bất động trước trang giấy trắng, Trần Văn Kim gõ mạnh lên cửa phòng. Khi đặt chân vào phòng, người Việt Nam không bày tỏ dấu hiệu chào hỏi nào cũng không nói một lời, chỉ đưa về phía Joseph một phong bì lớn màu nâu.
- Cái gì đây?
Joseph vừa hỏi vừa e dè cầm phong bì. Kim trả lời, không nhìn Joseph:
- Ảnh
- Ảnh ai?
- Con gái anh, Tuyết.
Hai người cùng im lặng trong một lúc. Rồi Joseph nhíu mày bối rối, bắt đầu mở phong bì. Kim bình thản nói thêm:
- Tôi e rằng nó đã chết. Nó bị giết trong trận không tập hồi lễ Giáng Sinh.
Joseph ngừng mở phong bì, đứng chết lặng giữa phòng. Sau một lúc, anh thả phong bì chưa mở hẳn xuống mặt bàn, bên cạnh máy đánh chữ, rồi ngồi xuống, lưng đưa về phía người Việt Nam. Một hồi lâu, anh đưa tay lên bóp bóp trán như để xoa dịu cơn đau. Suốt thời gian đó, Kim vẫn đứng bên cửa sổ, trầm lặng chờ. Áo măng tô của Kim vẫn không mở nút và bộ mặt tròn trịa ấy trống rỗng, không để lộ chút cảm giác nào.
- Tuyết chết như thế nào?
- Bom đánh trúng ngay hầm trú ẩn ngầm bên dưới toà nhà tập thể của nó. Người ta tìm thấy nó bị vùi dưới gạch đá, cùng với cả trăm người khác.
- Có phải tất cả đều bị giết chết?
- May mắn là trước đó, phần lớn công nhân ở Khâm Thiên đã được sơ tán khỏi thành phố. Nhưng hầu như toàn bộ khu vực ngoại ô đó bị nghiền nát bởi đợt đánh bom tàn bạo vào đêm cuối cùng — không một ngôi nhà nào còn đứng vững.
Joseph nói đờ đẩn:
- Tôi có ý hỏi Tuyết và gia đình nó. Có phải tất cả đều bị giết chết?
- Chương, thằng con trai, cùng chết với mẹ. Trinh, đứa con gái, tình cờ núp trong một hầm trú ẩn khác. Nó còn sống.
Đưa hai tay lên ôm đầu, Joseph ngồi ngó chằm chặp phía trước mặt. Kế đó, mắt anh nhìn tới phong bì. Anh mở hẳn phong bì. Bên trong có khoảng năm sáu bức ảnh. Anh lấy ra và trải chúng lên mặt bàn.
Đây một bức ảnh của Tuyết do chính tay Joseph chụp bên ngoài trường Marie-Curie ở Sài Gòn. Lúc đó, Tuyết mười sáu tuổi, mặc áo dài màu nhạt và yểu điệu, thậm chí còn có vẻ hơi ủ rũ nhưng khuôn mặt thanh xuân ấy đã toát lên vẻ đẹp tuyệt vời. Một bức ảnh khác, rõ ràng được chụp trong ngày cưới của Tuyết, cho thấy Tuyết đang tươi cười khoác tay một thanh niên người Việt đẹp trai, hai mắt bừng bừng và thân xác hình như cấn cái trong bộ vét-tông nhiều vệt nhăn. Bức ảnh thứ ba cho thấy Tuyết chụp chung với Lan. Cả hai cùng mang áo dài thướt tha và trang nhã. Người nào cũng mảnh mai, thanh tú và duyên dáng, rõ ra là hai mẹ con. Nhưng cả hai lại không đứng sát vào nhau, người này không chạm tới và không nhìn người kia. Cũng có mấy bức ảnh của Tuyết và hai con. Bức cuối cùng cho thấy Trinh và cậu em Chương. Hai chị em cao hơn lúc ở Huế và rõ ràng chỉ được chụp vào một thời điểm nào đó trong khoảng bốn năm vừa qua.
Lẫn trong các bức hình có mấy dòng chữ viết nguệch ngoạc bằng tiếng Pháp trên một mảnh giấy làm bằng vỏ cây dó, ở dưới ký tên Trinh. Joseph cảm thấy nghèn nghẹn trong cổ khi đọc nó:
“
Cháu biết là mẹ của cháu muốn ông ngoại có mấy bức ảnh này. Mẹ của cháu ít khi nhắc tới ông nhưng kể từ sau khi ở Huế, cháu đã làm cho mẹ kể hết mọi chuyện về ông. Cháu nghĩ là mẹ không muốn nói quá nhiều về chuyện đó vì hễ cứ mỗi lần nói tới là mẹ khóc. Có một lần mẹ nói với cháu rằng ông chưa hề được xem hầu hết những bức ảnh này. Và cháu nghĩ ông cậu Kim của cháu sẽ có cách đưa chúng tới tận tay ông. Cháu hy vọng ông không lấy làm buồn vì cháu giữ riêng cho cháu bức ảnh chụp ông và mẹ bên ngoài trường học của mẹ ở Sài Gòn. Cháu chào từ biệt ông ngoại — Trinh.”
Buông mảnh giấy xuống bàn, Joseph đưa hai tay lên ôm mặt. Anh ngồi như thế một hồi lâu, không để ý tới Kim.
- Nó cứ nằng nặc đòi tôi phải chuyển mấy cái đó cho anh, nếu không, nó không chịu tới lui với tôi nữa.
Joseph ngạc nhiên về giọng của Kim trong khi nói lời ấy. Thêm lần nữa anh nhận ra cái giọng cố tự chế, gần như giải bày tâm sự đã được người Việt Nam này sử dụng trước đây, hồi trưa nay bên Đại lộ Kleber. Vẫn ngồi trên ghế, anh xoay người lại:
- Trinh rồi sẽ ra sao?
- Đã có đảng quan tâm lo lắng cho hạnh phúc của nó!
Câu trả lời lẹ làng ấy nghe có vẻ rền và rỗng. Rồi như thể chợt bối rối vì lời mình vừa nói, Kim tần ngần bước tới phía Joseph một bước:
- Dĩ nhiên, tôi cũng hết lòng quan tâm lo lắng cho nó. Anh nhớ cho rằng Tuyết không chỉ là con gái của anh — nó cũng là con của em gái tôi.
Joseph hỏi với giọng kinh ngạc:
- Vậy anh có gần gủi với Tuyết sao?
- Sau khi ra Hà Nội, nó rất ý thức về vấn đề mang hai giòng máu của mình và tôi nghĩ có lẽ cái đó khiến nó giữ khoảng cách với tôi. Nhưng tôi đã giúp được nó bằng những cách thức nhỏ nhặt mà nó không biết. Như anh có thể nhận ra trong mảnh giấy đó, Trinh thì ít cố chấp hơn. Nó xem tôi đúng là ông cậu ngoại của nó.
Joseph gật đầu buồn bã:
- Nếu Lan chịu giữ lời hứa kết hôn với tôi thì anh Kim ạ, chúng ta đã là anh em một nhà.
Người Việt Nam nhướng lông mày kinh ngạc:
- Tuyết có lần kể cho tôi nghe rằng anh từng yêu cầu em gái của tôi kết hôn với anh — nhưng nó không đề cập gì tới ý muốn của mẹ nó.
Joseph cúi mặt trả lời:
- Mới đầu, khi tôi ngõ ý cầu hôn với Lan thì cô ấy chấp nhận nhưng rồi cuối cùng lòng hiếu thảo của cô ấy đối với thân phụ của anh quá lớn. Chuyện ấy xảy ra đúng vào tuần lễ anh cãi vả với ông cụ và sau khi anh bỏ nhà ra đi, cô ấy đổi ý. Cô ấy nói lúc đó cha anh cần tới lòng hiếu thảo của cô ấy hơn bao giờ hết.
Kim nhìn xuống, không nói gì. Một trạng thái im lặng đầy bứt rứt kéo dài giữa hai người. Sau cùng, Joseph hỏi với giọng trầm hẳn:
- Tôi có cảm giác anh chẳng có gia đình riêng nào, phải không?
- Phải, tôi không bao giờ lập gia đình. Tôi quyết định sống như vị Chủ tịch quá cố của chúng tôi là hiến trọn đời mình cho cách mạng.
Kim trả lời một cách gần như bướng bỉnh nhưng Joseph nhận ra trong thái độ ấy có dấu vết bối rối. Anh hỏi nhỏ:
- Có phải đó là lý do duy nhất?
Mắt Kim lại nhìn xuống. Anh đáp chầm chậm:
- Có lẽ cuộc cãi vả với cha tôi có dính líu đôi chút tới quyết định đó của tôi. Có lẽ sự việc đó khiến tôi đâm ra hoài nghi những truyền thống gò bó của các gia đình Việt Nam chúng tôi. Cuối cùng, có lẽ đó không phải là một quyết định sáng suốt nhất trong đời tôi.
Joseph cũng có thể thấy đối với Kim việc nhìn nhận sự sai lầm của mình không phải là điều dễ dàng. Và anh chợt cảm thấy lòng nhoi nhói thương cảm người đàn ông có vẻ mặt trẻ trung và cứng cỏi đang đứng trước mặt:
- Anh Kim ạ, có phải thật là mĩa mai khi chúng ta lại thấy mình đang trò chuyện với nhau tại Paris vào một ngày như thế này. Từ lúc chúng ta gặp nhau lần đầu tính tới nay đã bốn mươi bảy năm và cả hai chúng ta đều đau khổ cực độ vì các cuộc chiến tranh trên xứ sở anh. Cha của anh, em gái anh, cháu gái gọi anh bằng cậu đều tử nạn, và từ lâu bản thân anh lênh đênh, không gần gủi gia đình. Còn tôi mất đứa con trai lớn, em trai và con gái của mình — mà những mất mát đó là để cho cái gì vậy?
- Cho độc lập và tự do — nhân dân Việt Nam lúc nào cũng quyết tâm tranh đấu để giành độc lập và tự do.
Lời nói ấy của Kim thốt lên nghe có vẻ gượng gạo. Anh vừa nói vừa mở nút áo măng tô và mệt mỏi buông mình xuống lòng ghế:
- Tại xứ sở chúng tôi, từ khi người Pháp đánh thành Gia Định cách đây gần 120 năm, cuộc xung đột giữa một bên gồm những quan lại nam triều và những kẻ hợp tác với Pháp, một bên gồm những người yêu nước chân chính, là điều không thể tránh. Ngay cả những sĩ phu cựu học, những trí thức tân học cũng chia hai chia ba theo những chủ nghĩa khác nhau. Cộng Sản cũng có đệ tam chống nhau với đệ tứ. Quốc gia cũng có kẻ theo Tàu người theo Nhật. Mấy chục năm chiến tranh, khi thỏa hiệp khi đối đầu khiến tại các địa phương chính quyền lúc nằm trong tay phe bên này lúc thuộc về phe bên kia, nên dòng họ này ngược đãi dòng họ nọ, đảng phái này săn bắt đảng phái kia. Hận thù của tập thể và của cá nhân cứ quyện chặt vào nhau. Tại Việt Nam, không cách gì và không ai có thể ngăn cản nổi việc anh em chúng tôi đánh nhau, trừ ra chính chúng tôi tự giải quyết. Lý ra người Mỹ phải có đủ lương tri để không can thiệp vào việc đó. Và nếu Hoa Kỳ giữ được thái độ như thế, hẳn anh đã không phải chịu chung với chúng tôi tấn thảm kịch này.
Joseph ngồi đăm chiêu nhìn tờ giấy trắng gắn sẵn trên trục máy đánh chữ rồi như thể có một ý nghĩ đang đánh động mình, anh quay qua người Việt Nam:
- Anh Kim ạ, đây không phải lúc chúng ta tranh luận nhưng anh cho phép tôi nói thật. Nếu anh nói hận thù của người Việt là chuyện trong nhà thì ngay từ đầu, lý ra Miền Bắc các anh nên tìm cách giải quyết ôn hòa chuyện trong nhà với Miền Nam. Chuyện đã lỡ và có lẽ anh không bao giờ hiểu rằng thật ra chúng tôi tới Việt Nam vì những động lực cao quí. Chúng tôi sợ nếu mình không hành động thì Cộng Sản sẽ bành trướng khắp thế giới và làm thế giới biến đổi quá nhiều tới độ không còn nhận ra nó nữa. Vấn đề rắc rối là chúng tôi tiếp tục chiến đấu trong một thời gian dài rồi sự thể mới rõ ràng rằng chúng tôi lầm lẫn trong chuyện đó. Thật ra chúng tôi không bao giờ hiểu bối cảnh phức tạp của cuộc chiến tranh của quí vị. Rồi với tâm trạng nản lòng, chúng tôi sử dụng tới khủng bố và những phương pháp hủy diệt tập thể mà tự bản chất chúng phản lại tất cả những nguyên tắc chúng tôi quí trọng nhất. Cuối cùng, chúng tôi chỉ còn cố sức chiến thắng chỉ để làm thoả mãn tính kiêu căng tự phụ của quốc gia mình. Đó là lý do tại sao cuộc chiến tranh này xâu xé hoàn toàn xứ sở của chúng tôi và khiến cho người dân Hoa Kỳ chán ngấy cuộc chiến tới độ kiệt sức.
Người Việt Nam im lặng một lúc rồi gật đầu:
- Trên thực tế, cung cách giải quyết vấn đề luôn luôn gắn chặt với con đường đã được một tổ chức hoặc tập thể lựa chọn để hình thành bản thân nó. Lỗi lầm tệ hại nhất bao giờ cũng gây ra tổn thất cho chính những kẻ sai phạm. Xứ sở nào cũng không tránh khỏi phải trả giá cho lỗi lầm của nó.
Trong một chốc, Joseph im lặng cân nhắc lời vừa nói của Kim và câu đối đáp của mình:
- Anh Kim ạ, bộ anh chẳng bao giờ hối tiếc việc anh làm hồi năm 1936? Bộ anh không bao giờ ân hận việc anh quay lưng lại với cha mình và gây phân ly cho gia đình mình?
Người Việt Nam trả lời với giọng ngập ngừng:
- Tôi thường phiền muộn vì chuyện đó. Tôi biết mình đã làm cho mẹ tôi và Lan đau khổ rất nhiều. Tôi đã trả giá đắt cho những niềm tin chính trị của tôi — nhưng lúc nào tôi cũng biết rõ rằng đã có rất nhiều cái bấp bênh hơn những liên hệ của mình với gia đình.
- Bộ sự tàn phá kinh khiếp trên quê hương anh chẳng bao giờ làm anh suy xét lại? Bộ anh chưa lần nào tự hỏi rằng mình đã chọn lựa đúng hay sai?
Kim im lặng một chốc rồi chầm chậm lắc đầu:
- Lúc này tôi nhận ra rằng có lẽ không thể nào làm cho cha tôi nhìn mọi sự theo cách của tôi. Thuở đó, cha tôi không thể nào lãnh hội được rằng lịch sử sắp sửa làm biến đổi thế giới. Ông suy nghĩ và kỳ vọng rằng đất đai mà người Pháp đã ban cho ông một cách bất công sẽ tồn tại mãi mãi trong tay của dòng họ chúng tôi. Sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam phát sinh từ ngọn triều nhất thời của lịch sử và làm kéo dài cái hy vọng hão huyền đó, thế nhưng Bản Hiệp định hôm nay đang khiến cho lịch sử chuyển động trở lại. Chẳng bao lâu nữa, đất đai ruộng vườn của anh Tâm sẽ bị tước mất, và sau cùng, cũng giống như cha tôi, anh ấy sẽ nhận ra rằng mình đã chọn lầm phía.
Kim ngừng nói và thở ra thật điềm tĩnh:
- Hôm gặp nhau lần cuối, cha tôi nói với tôi rằng chủ nghĩa Marx sẽ hủy diệt gia đình tôi và quê hương chúng tôi — nhưng riêng về quê hương thì ông ấy lầm. Những gì đang xảy ra hôm nay tại Paris khiến tôi càng tin tưởng mãnh liệt hơn bao giờ hết rằng hồi năm 1936, tôi đã chọn lựa đúng. Sự hi sinh của tôi đã và đang có giá trị.
- Nhưng anh Kim ạ, anh đang là người cô đơn. Tôi có thể thấy ra điều đó.
Với nụ cười bối rối Kim ngẩng lên nhìn Joseph thật lẹ:
- Đúng, tôi không phủ nhận điều đó — đó là lý do tôi rất sung sướng làm những gì mình có thể làm cho cháu Trinh. Nhìn Trinh đôi khi tôi như thể thấy lại Lan lúc còn con gái — lúc Lan, anh Tâm và tôi, cả ba anh em sống hạnh phúc bên nhau. Ký ức đó ngọt ngào, đồng thời lại nhức nhối — nhưng đối với người ngày một lớn tuổi mà nếu không có cái gì khác nữa thì ký ức của hắn sẽ càng ngày càng quan trọng thêm lên.
Joseph đứng lên, bước tới bên cửa sổ nhìn ra bóng tối mùa đông lạnh giá bên ngoài. Cơn mưa đã chuyển thành trận tuyết đổ. Những bông tuyết trắng thầm lặng xoay tròn rồi rơi xuống đất giữa vũng ánh sáng toả ra từ các ngọn đèn trong công viên Tuileries. Cảnh tượng mờ ảo ấy bỗng dưng làm Joseph cảm thấy lòng thấm thía hơn những cảm xúc của chính mình. Anh nói với giọng chán nản, mặt không quay lui:
- Tại xứ sở của tôi, quân đội rất hãnh diện về trận không tập hồi lễ Giáng Sinh ấy. Nguyên cớ khiến cho họ ăn mừng là sự kiện chỉ làm chết một ngàn sáu trăm người nhưng lại hủy diệt được hết thảy các mục tiêu chiến lược trong hai thành phố lớn. Nhưng cái chết của chỉ một người thôi thậm chí cũng đã là quá nhiều — nếu người đó là con gái của mình.
Joseph tiếp tục nhìn trống rỗng vào tuyết đang rơi:
- Trận không tập ấy là một hình thức tra tấn của chúng tôi. Như quí vị từng moi cho ra những lời tự kiểm có tính tuyên truyền nơi các phi công của chúng tôi dù ai nấy đều biết rõ những lời ấy chẳng có chút ý nghĩa nào, thì cũng thế, do bởi vào tháng Mười hai năm ngoái Lê Đức Thọ không chịu nói những gì chúng tôi muốn ông ta nói nên chúng tôi phóng ra một trận không tập lớn nhất trong lịch sử. Chúng tôi quấn và siết thật chặt “dây thòng lọng” của mình cho tới khi Lê Đức Thọ lật đật quay lại Đại lộ Kleber để “báo cáo” và ký hiệp định. Cả hai phía chúng ta đều biết rõ rằng quí vị ký hiệp định Paris là để chận lại cơn đau vì bị đánh bom — và chúng tôi biết rằng một khi sức lực đã phục hồi thì trước sau như một, quí vị sẽ tiến chiếm Miền Nam như quí vị đã dự tính.
Kim đứng lên, mặt không cảm giác, cài nút áo măng tô:
- Monsieur Sherman, anh có lý. Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho tới khi đạt được mục tiêu của mình. Kinh nghiệm bị chèn ép trong hội nghị Genève 1954 đã làm chúng tôi khôn ngoan hơn trong Hội nghị Paris. Sẽ có ngày đất nước chúng tôi tái thống nhất — chúng tôi không bỏ ra trọn cả cuộc đời mình, đi suốt hai cuộc chiến tranh để chỉ đạt tới một thứ thoả hiệp như thế. Nói thật, bản Hiệp định Paris hôm nay đối với chúng tôi chỉ là một phương tiện để tiếp tục công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Anh thừa biết mọi bên ký kết đều chỉ coi bản hiệp định ấy là phương tiện để đạt tới một cái gì đó không tiện nói ra. Nguyễn Văn Thiệu chịu đặt bút ký chẳng qua là vì xem đó như một phương tiện để bảo đảm cho cá nhân y được Nixon giúp đỡ. Các ràng buộc có tính răn đe mà Kissinger kiên quyết đòi ghi vào cho bằng được chỉ là phương tiện để Mỹ có lý do can thiệp thường trực vào Đông Nam Á trong khuôn khổ chủ thuyết Nixon. Và xin anh nhớ cho rằng đây là lần độc nhất tôi san sẻ với anh các ý kiến đó, một cách riêng tư và kín đáo giữa hai người quen biết nhau lâu năm, không như một nhân vật của Hà Nội trình bày với một ký giả của tờ The Times.
Từ bên cửa sổ, Joseph quay mình lại, bước tới phía Kim. Anh chìa tay. Người Việt Nam sửng sốt nhìn xuống bàn tay ấy và trên mặt lộ vẻ giật mình. Joseph nói:
- Anh Kim ạ, chúng ta không thể giả bộ rằng mình lúc nào cũng là bạn của nhau, nhưng chúng ta quen nhau đã gần nửa thế kỷ — và hôm nay nên là một ngày của hoà giải. Cám ơn anh đã mang tới những bức ảnh đó. Và cám ơn anh đã kể cho tôi nghe về Tuyết — biết được thì vẫn tốt hơn là không biết.
Cả hai bắt tay nhau thật lẹ rồi người Việt Nam xoay mình hướng về phía cửa. Joseph bước tới đi trước Kim. Trước khi mở cửa, anh tần ngần, mắt ánh lên vẻ kỳ quặc:
- Anh Kim này, nói cho tôi nghe thêm một điều nữa, anh có tới gặp anh Tâm khi hai anh em cùng ở Paris không?
Trong mắt Kim xuất hiện ánh phòng thủ. Anh lúng túng loay hoay với chiếc găng tay:
- Tôi chỉ ghé thăm anh ấy một chút thôi tại địa chỉ đã được anh cho biết — và thật đau lòng cho cả hai chúng tôi vì phải thêm lần nữa chia tay nhau quá sớm.
Trong một hai giây Kim ngó xuống mũi giày mình rồi khắc khoải ngước lên nhìn Joseph:
- Chỉ có anh là người độc nhất biết chuyện đó. Xin anh đừng đề cập tới nó với bất cứ ai.
Joseph mở cửa và đứng qua một bên:
- Tôi sẽ giữ đúng lời anh dặn. Nhưng trước khi anh đi, tôi còn một điều nữa phải cám ơn anh.
- Đó là điều gì?
- Trước khi anh tới đây, tôi không biết viết gì về biến cố hôm nay. Lúc này tôi đã biết. Tôi sẽ viết về tin tức anh vừa nói — và về sự buồn bã mà nó gây ra trong tôi.
Mắt người Việt Nam mở lớn, kinh ngạc:
- Anh sẽ kể về cái chết của con gái anh?
Joseph gật đầu không chút lưỡng lự.
- Đó sẽ là một bài báo đáng cho người ta quan tâm. Chào anh.
Người Việt Nam nói lời đó thật chậm và thêm lần nữa túm lấy bàn tay của Joseph rồi vội vã bước ra khỏi phòng.
Joseph ngồi xuống sau máy đánh chữ, bắt đầu gõ liên tục suốt một giờ sau đó. Anh mô tả chi tiết việc gia đình anh can dự lâu dài tới Việt Nam, bắt đầu từ cái chết của Chuck trong cuộc đi săn vào giữa thập niên hai mươi và chấm dứt với lời diễn tả ngắn gọn Tuyết đã chết như thế nào trong trận không tập hồi lễ Giáng Sinh. Theo dòng diễn tiến của bài báo, Joseph cố giải thích cặn kẽ các biến cố xảy ra tại Việt Nam đã ảnh hưởng ra sao lên chính cuộc đời anh. Kế đó, anh đứng lên và rảo bước trong phòng, chìm sâu trong ý nghĩ của mình suốt mấy phút. Cuối cùng, Joseph ngồi xuống, thêm vào một đoạn kết luận:
“Nhìn ngược trở lại năm mươi năm trời bắt đầu từ lúc mới xảy ra tấn thảm kịch riêng tư nơi rừng núi An Nam, lúc này tôi nhận ra rằng lỗi lầm tệ hại nhất của gia đình tôi là chúng tôi không bao giờ công khai thừa nhận rằng nếu biết lo xa hơn chúng tôi đã tránh được cái chết của anh tôi. Suốt nhiều năm trời, việc không đối mặt với thực tế ấy đã giữ cho những căng thẳng mang tính hủy diệt sôi âm ỉ bên dưới bề mặt. Tôi tin rằng trong khi mưu tìm việc bảo vệ “danh dự” của Hoa Kỳ tại Việt Nam, các vị tổng thống kế tiếp nhau và các nhà lãnh đạo khác của quốc gia đã phạm phải những lỗi lầm tương tự và mang tới cho quốc gia của chúng tôi một tấn thảm kịch chưa từng có. Chỉ khi nào chúng tôi thừa nhận điều đó và kiên quyết không bao giờ tái phạm những lỗi lầm giống y như thế, lúc ấy sự hy sinh của hết thảy những người Mỹ đã chết tại Việt Nam mới có được giá trị nào đó.”
Rút trang giấy chót ra khỏi máy đánh chữ, Joseph đọc lại cho mình nghe, rồi cho máy vào túi xách, kéo dây kéo lại. Gom những bức ảnh của Tuyết đã được anh để yên trên mặt bàn kế bên khuỷu tay mình suốt thời gian viết, anh chuồi lẹ chúng vào hộp giấy tờ. Joseph cầm bài báo đi xuống phòng viễn ký nơi tầng trệt của khách sạn, trao cho nhân viên khách sạn để truyền về văn phòng báo The Times ở Luân Đôn. Đưa xong, anh xách máy đánh chữ và túi xách du lịch ra đường đón xe tắc-xi mang anh tới phi trường để đáp máy bay về Luân Đôn.
Trong khi chờ một chiếc tắc-xi vắng khách, Joseph đứng trên vĩa hè và không để ý đến tuyết đang rơi. Đầu trần, vai lệch, mặt hằn sâu những nếp nhăn phiền muộn. Trong khi anh đứng đó, một bên vai bị thương lúc ở Huế bắt đầu âm ỉ nhức. Đột nhiên Joseph cảm thấy mình già. Và với những bông tuyết trắng xóa đậu trên mái tóc, trông anh không khác gì mọi người ở tuổi sáu mươi ba.