Tình hình Mao Trạch Đông vào lúc xảy ra động đất đã được nhân viên công tác quanh mình tường thuật lại như sau: Ngày 28.7.1976 xảy ra động đất lớn ở Đường Sơn; vào khoảng hơn ba giờ sáng hôm đó, sóng động đất lan tới Bắc Kinh. Tháng sáu, vì tắc cơ tim, Chủ tịch đã phải cấp cứu một lần, sang tháng bảy, bệnh tình mới thuyên giảm được ít nhiều. Phòng ngủ của ông rất nhỏ, dụng cụ y tế không có chỗ đặt, ngay đến chỗ quay người của nhân viên điều trị cũng không có, nên phải đi chuyển chiếc giường lớn của ông vào thư viện, đó chính là nơi Chủ tịch thường hay tiếp khách mà nhân dân vẫn hay nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ, sau khi xảy ra động đất, thậm chí ông vẫn tỉnh táo, cũng biết rằng có động đất, nhưng nói không thành tiếng, chỉ lấy tay phẩy phẩy, đại khái muốn nói rằng, không nên hoảng hốt. Chúng tôi đang ngủ, trận động đất đã làm tỉnh dậy, chạy vội vào thư viện, vào tới nơi, tôi thấy Chủ tịch nằm trên giường; có bốn người, căng bốn góc một chiếc chăn lớn, các trên mặt giường, đề phòng những thứ ở trên cao sụp xuống. Trời sáng, sau khi được các bác sĩ đồng ý, chúng tôi di chuyển Chủ tịch sang phòng chống địa chấn ở bên cạnh. Những tin tức của Tân Hoa xã về tai hoạ động đất ở Đường Sơn được đăng trên các báo chí lớn và những bản tin tham khảo nội bộ, Chủ tịch nằm trên giường, đọc từng chữ, từng chữ một. Sau những cơn bệnh nặng, tai ông không còn nghe được gì nữa. Trước đây, khi mắt ông không nhìn được gì, các ăn kiện đều do tôi đọc cho ông nghe. Mùa hè năm 1975, ông mổ một bên mắt, đeo kính lên cũng đã lờ mờ nhận được nét chữ, nhưng thính lực lại giám sút. Sau khi đọc xong báo cáo, đích thân ông phúc duyệt đồng ý để Hoa Quốc Phong tới vùng tai nạn, xem xét, nắm tình hình và uý lạo nạn nhân.
Trong tháng tám, trung ương đã phải gửi điện báo khẩn ba lần đến các cơ quan lãnh đạo có liên quan thông báo tình hình khẩn cấp về bệnh trạng của Mao Trạch Đông. Ngày 28.8.1976, con gái Mao Trạch Đông là Lý Mẫn, sau khi được Ban thường vụ cho phép, đã tới bên giường bệnh cha mình. Mao Trạch Đông hơi hé hé mắt, sau khi nhìn rõ đó là con gái mình, bèn nắm chặt lấy tay Lý Mẫn, nhắm mắt lại không nói gì. Đến ngày 2.9.1976, bệnh tình của Mao Trạch Đông càng trầm trọng hơn. Ngày 8.9.1976, Mao Trạch Đông bước vào cơn hấp hối.
Tình trạng bệnh tật của Mao Trạch Đông từ trầm trọng bước sang hấp hối, cả gia đình nhà tôi hoàn toàn không biết một tý gì. Gia đình nhà tôi cũng giống y như những gia đình thị dân khác ở Bắc Kinh, hàng ngày chỉ còn có một việc tất bật lo lắng sắp xếp chỗ ăn chỗ ở.
Đúng vào hôm động đất, trời giáng một trận mưa như trút nước, cái giàn ni lông của chúng tôi đổ sập. Ban ngày, mọi người còn trú tạm ở hành lang, nhưng đêm xuống, mười mấy nhân mạng của toàn gia đình không dám đặt chân vào nhà, vậy thì ngủ vào đâu? Bắ buộc cả nhà tôi phải động não, nghĩ cách. Sau một hồi nghĩ ngợi thiết kế, chúng tôi xếp dựng đứng một hàng bàn loại ba ngăn kéo lên ở trong phòng khách, rồi lại dựng một lượt bàn khác tạo thành một khoảng trống giữa hai dãy bàn, lấy gỗ gác lên giữa hai dãy bàn đó trải lót dưới đất những tấm gỗ khác, chúng tôi trải đệm bên trên những tấm gỗ lót, rồi trải chăn, đặt gối, ôi chao, cái giường mặt đất ấy trông cũng oách ra dáng, không những trông gọn mắt, mà còn rất phù hợp với nguyên lý lực học chống rung, vô cùng an toàn. Giá dụ như nếu có còn dư chấn, cây hoành, cây xà có rơi xuống cũng chẳng việc gì. Chúng tôi kéo điện, đặt chiếc đèn bàn bên cạnh đệm, như vậy vừa có nguồn sáng, lại còn có thể đọc sách được. Chúng tôi còn cắt lượt nhau canh gác đêm, đề phòng có động đất lớn, còn kịp thời báo động.
Một cuộc sống chống động đất đã được sắp xếp có tổ chức, có kế hoạch, bắt đầu đi vào nề nếp. Tối đến cả nhà từ ngoài sân vào nhà. Lớn bé già trẻ tất tật đều chui hết xuống dưới gầm bàn. Khoái nhất vui nhất vẫn là những dứa trẻ nhỏ, cứ như là “đi chúc Tết” vậy. Chúng cười cười, nói nói, vui vẻ hết sức. Những người lớn chúng tôi cũng cảm thấy vô cùng thoải mái, tất cả nhà thà ngủ chung trên một chiếc đệm trải trên mặt đất, cũng thảnh thơi nói cười v ui vẻ. Nhưng “Thức giả, trăm lo, vẫn một sai”, mọi việc như an toàn, thoải mái, chiếu sáng, chúng tôi đều nghĩ tới được cả, nhưng chẳng ngờ loại bàn ba ngăn kéo đó lại quá thấp, bọn thanh niên chúng tôi chui vào một cái là xong, chẳng có vấn đề nhưng đối với ông bà già như bà tôi, cha mẹ tôi, chui vào được cũng thành chuyện khó khăn. Nhất là cha tôi, đã gần bảy mươi hai tuổi rồi, chân tay đều cử động khó khăn, chui ra chui vào rất vướng, tốn sức. Lúc đầu thật tình, chúng tôi chẳng tìm được biện pháp chống động đất nào hay hơn, được thế cũng là hay rồi. Đến tối, đến đêm, khi tất cả mọi người đều đã chui vào túp lều chống động đất: xoay trở rất khó khăn. Nhưng do ban ngày phải làm quá nhiều công việc, nên mọi người đặt mình xuống là thiếp đi ngay, có người còn kéo gỗ khò khò nữa. Dưới ánh sáng của chiếc đèn bàn, người ngồi canh vừa đọc sách, vừa nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Đêm thanh đã tịnh, vạn vật đều im hơi lặng tiếng. Qua một ngày bận rộn tất bật, sau khi trời long đất lở, chẳng ngờ rằng lại có được sự yên tĩnh như thế.
Sau ba đêm ngủ đất, chúng tôi thấy như vậy cũng không ổn. Vấn đề là ở cha tôi. Cha tôi bị u xơ tuyến tiền liệt, mỗi đêm phải đi liều đến mấy lần. Mỗi lần vào toa lét, chui từ trong gậm bàn ra, đều phải cúi đầu, khom lưng, kéo lê chân, rất vất vả. Tốn một tý sức lực cũng chẳng có chuyện gì, nhưng đôi khi bị vấp đến bươu dầu. Chúng tôi thấy tội nghiệp cha tôi quá, nhưng chẳng ai làm gì thay cho ông được. Như vậy là không ổn rồi. Xem ra ở ngoài sân vẫn là tiện lợi hơn. Ban đầu, chúng tôi khênh ra ngoài trời mấy chiếc giường gỗ rồi dùng những cây sào màn bằng tre cùng với ni-lông làm một chiếc mái lều đơn giản, nhưng cái mái lều bằng ni lông đó không chống được gió, mỗi khi có một trận gió thổi, ni-lông lại bị giật rách hoặc bị hất tốc ngược lên, ngày nào cũng phải chữa chữa, vá vá. Vừa may, lúc đó Văn phòng trung ương lại mang đến cho hai tấm bạt quân dụng chuyên dùng che phủ ô-tô tải, quả thật là rất đắc dụng. Mọi người tập trung trí tuệ, càng nghĩ càng sáng ra, phương pháp được tuyển chọn càng ngày càng nhiều tiên tiến. Sau hàng loạt những sửa chữa, cải tiến, chiếc lều mới chống động đất cũng được dựng xong. Cần phải nói, chiếc lều mới này trông cũng không đến nỗi xoàng. Mấy chiếc giường gỗ kê sát vào nhau, bốn xung quanh chôn bốn chiếc cọc gỗ, ở chính giữa chôn một chiếc cọc cao, to, vững chắc, chống vào giữa tấm vải bạt, coi như chóp lều. Để chống mưa hắt, chúng tôi lấy ni lông buộc chắc vào bốn mép lều, cho rủ xuống tới sát đất, không có một chút gió mưa nào lọt vào được, vững vàng một thế trận nghiêm chỉnh. Chúng tôi mắc màn lên trên giường, không còn sợ ruồi muỗi gì nữa. Chúng tôi thật đúng là những người được nồi muốn tôi thêm rế, cuối cùng không những mắc cả đèn điện vào lều, mà bể cả ti vi vào đó. Tối đến, cả nhà rúc hết vào trong lều, cha tôi ngồi đọc sách dưới ánh đèn, mẹ và bà tôi chui vào màn ngồi, vừa quạt vừa chuyện phiếm. Miên Miên và Manh Manh đùa nghịch, còn bọn chúng tôi, người xem ti vi, người đem mà chược, hoặc bài tú lơ khơ, chia trên giường, ngồi đánh. Cả nhà gói gọn vào trong chiếc lều đó, nó chẳng còn là một cái lều chống động đất nữa, mà là một cái “lều trại” của bọn trẻ con đi cắm trại mùa hè. Doanh trại thiên binh vạn mã của Thành Cát Tư liền “hiên ngang chọc trời khuấy nước” ngày xưa, chắc cũng chỉ đến thế mà thôi, ít nhất, họ cũng chẳng có ti vi mà xem. Sau nữa, Văn phòng trung ương còn đưa đến một chiếc lều bạt hẳn hoi, tuy lều cũng đã được dựng lên, nhưng chẳng ai chịu vào đấy ở cả. Những ngày Tam Phục nóng bức, dưới ánh sáng mặt trời gay gắt, nhiệt độ trong ìcu mới đó lên tôi bốn mươi độ, ngột ngạt, khó thở, quả thật là kém xa chiếc lều chống động đất vừa thông nóng, vừa thông gió của chúng tôi.
Ngày 22.8.1976, cha tôi đại thọ bảy mươi hai tuổi. Cứ theo như tình hình lúc bấy giờ, cha tôi vừa bị đánh đổ, nhân dân lại vừa bị tai hoạ động đất, chẳng nên tổ chức sinh nhật mới phải. Nhưng chúng tôi lại nghĩ, cha tôi tuổi rồng, năm nay lại là năm rồng, năm bản mệnh của cha tôi, đại thọ năm bản mệnh nhất định là phải làm thôi. Càng trong lúc gian nan, chúng tôi lại càng phải chúc thọ cha tôi. Lễ chúc thọ này không những phải làm, mà còn phải làm cho thật vui. Để chứng minh cái thành quá rèn luyện của Cách mạng văn hoá, chúng tôi không để cho vị chuyên gia là bà tôi mó tay vào mà do ba chị em gái chúng tôi làm đầu bếp. Theo điều kiện hiện có lúc bấy giờ, trước hết nghiêm chỉnh chọn ra một thực đơn, mọi người thẩm duyệt, không ai còn ý kiến gì nữa, chúng tôi bèn đeo tạp dề lên, bắt đầu nổi lửa trong bếp, xào nấu. Đầu bếp chính, phụ trách kỹ thuật nấu nướng là tôi, nhặt rau thái rau là Đặng Nam, món xa lát do Đặng Lâm làm. Món xào đã xong, món canh đã chín, chúng tôi bưng lên, bày chật một bàn. Cha tôi khen “khá”, mẹ tôi bảo: “Lòng hiếu đễ của các cô con gái mà”, bà tôi lại lạnh lùng như không, nói: “Còn xem xào nấu, mắm muối có ra làm sao không đã chứ!”. Mười mấy con người trong cả gia đình chúng tôi vui vẻ chúc mừng đại thọ bảy mươi hai tuổi của cha tôi. Thôi thì phê phán cũng được, “đánh đổ” cũng được, động đất cũng được, chúng tôi đều bình tĩnh đối phó lạc quan chủ nghĩa, lạc quan chủ nghĩa trong hoàn cảnh khó khăn, vĩnh viễn là lạc quan chủ nghĩa, đó là đặc điểm rất hiển nhiên, rất đáng tự hào trong gia đình chúng tôi.
Ngôi nhà ở phố Rộng của chúng tôi có một mảnh sân, chúng tôi sống ở đó sau ngày động đất cũng có thể gọi là đàng hoàng. Nhưng đại đa số thị dân ở Bắc Kinh, đâu có được dễ dàng như thế. Chỉ cần ra khỏi cửa một cái, là đã nhìn thấy người đầy phố đầy hẻm. Nhà nào nhà nấy khênh giường khênh phản ra đường ra phố. Nhưng ngay ở những phố lớn cũng đã quá chật chội, nên mảnh đất chiếm được cũng rất hạn hẹp. Cần chống động đất, chống nóng, dân chúng chẳng còn một cách nào khác là dựng những lều tán bằng ni lông lên trên mặt những chiếc giường. Ban ngày nắng như thiêu như đốt, trong lều ni lông càng thêm ngột ngạt bức bối. Tối đến chỉ có một chiếc giường mà chẳng biết bao nhiêu người ngủ, nếu không, phải người ngồi người nằm, thay nhau nghỉ ngơi. Thực phẩm ngày thường việc cung cấp đã gay go rồi, lại ập thêm trận động đất này nữa, thực phẩm càng khan hiếm hơn. Khổ nhất vẫn là những đứa trẻ, đừng nói gì đến chuyện sữa bò, trứng gà, mà có nghĩ cũng không nên nghĩ tới. Từ người lớn đến con trẻ, cứ miễn sao no được cái bụng đã là quý lắm rồi, ngủ nghê không ổn, ăn uống sút kém, trúng nắng sinh bệnh là chuyện phổ biến, nhưng trong lúc bấy giờ, đi khám bệnh cũng chẳng phải là một chuyện dễ. Trong nhà chúng tôi có hai đứa trẻ, chẳng mua được trứng, cả nhà nhốn nháo đi khắp nơi tìm kiếm. Vương Hưng và Trương Cửu Cửu là bạn của gia đình chúng tôi, nghe nói lũ trẻ nhà tôi không có trứng gà ăn đã về tận dưới quê mua được mấy cân, nhắn gia đình tôi đến lấy. Tôi và Hạ Bình nói với vợ chồng Vương Hưng và Cửu Cửu: “Thật là cảm ơn anh chị quá”. Cả hai vợ chồng đều nói: “Tôi xưa ở Giang Tây, ông nhà còn cho chúng tôi than với củi đun cơ đấy”. Nhận được trứng từ nhà Vương Hưng, tôi với Hạ Bình vui như hội và phóng xe đạp như bay trở về Rộng. Thấy có được trứng, cả nhà đều vui tưng bừng.
Lại nói về gia đình nhà bố chồng tôi, do mẹ chông tôi quán xuyến, cả nhà lớn bé già trẻ đều sống trong chiếc lều chạy động đất ở bên ngoài ngôi nhà cao tăng, khổ cực, vất vả lắm, nhưng được cái an toàn, nhưng đối với ông bố chồng tôi, con người trực tính mạnh mẽ ấy, dù trời có sụp, đất có lở, sát có đánh ngang tai, ông vẫn vững như đồng”, dứt khoát không chịu dọn ra ở bên ngoài căn phòng của mình. Bà, cháu bà có chạy cứ việc chạy, còn tôi, tôi vẫn cứ ở trong gian phòng trên tầng hai này. Anh con trai cả, Hạ Đẩu, vốn là một bác sĩ, theo đội y tế đi cấp cứu ở vùng bị nạn Đường Sơn. Anh hai Hạ Tranh lại công tác ở Tề Tề Cáp Nhĩ tận đông bắc. Bà mẹ chồng tôi thấy ông lão như vậy nên sợ hết hồn, nhờ tôi và Hạ Bình thuyết phục ông lão. Nhưng tôi và Hạ Bình có nói đến gẫy lưỡi mòn răng, cũng chẳng làm sao lay chuyển được ông lão. Cũng may mà sau đó không còn xảy ra trận dư chấn to nào. Thực ra ở Bắc Kinh, những ông già không sợ chết như ông bố chồng tôi kể cũng có nhiều. Trong khi đại nạn ập xuống đầu, có người kinh hoàng hoảng hốt, có người chẳng biệt sợ là gì, có người lại tranh địa bàn, cướp vị trí, có người quen mình cứu người, xả thân giúp đỡ hỗ trợ, kiểu nào cũng có cả.
Vào mùa hè sau trận động đất lớn năm 1976 đó, nhân dân quần chúng đều khốn khổ, cơ cực, chẳng thoát một ai. Nhưng có một sự việc, có thể coi như “trong hoạ có phúc”, tức là mọi người đều lao vào công việc chống động đất, cứu nạn, trong các cơ quan, các trường học, các công xưởng, những cái gọi là “học tập, gọi là phê phán Đặng Tiểu Bình”, tất cả đều đem quẳng hết ra sau lưng.
Cái trận động đất khủng khiếp đến rùng rợn kia, cái mùa hạ không dám ngoảnh đâu nhìn lại kia, rồi cũng ngày nọ nối tiếp ngày kia qua di. Đến tháng chín, trời đã bắt dấu dịu mát, đất cũng chẳng còn động lại nữa, lòng người cũng bớt đi được nhiều nỗi lo lắng. Ban ngày mọi người đã trở lại ngôi nhà cũ của mình, nhưng đêm đêm ván phải sống ngoài trời cho được an toàn.
Vào cái hôm 9.9.1976, bắt đầu từ trưa, đài phát thanh nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Vào bốn giờ chiều hôm nay, đài sẽ phát một tin tức vô cùng quan trọng”. Chúng tôi hoàn toàn mù tịt về tin tức, vả lại trong thời buổi Cách mạng văn hoá ấy, thiếu gì những tin tức vô cùng quan trọng”, cho nên đối với tin lớn kiểu ấy, chúng tôi chúng để ý làm gì.
Khoảng gần bốn giờ chiều, đám trẻ có đứa còn ngủ, cha tới ngồi ở phòng khách đọc sách, trong nhà thanh lặng. Tôi còn đang lúi húi ở ngoài sân, chợt trên không trung, từ nơi xa áng lại giống những bản nhạc. Tôi lắng nghe, đó là những bản nhạc buồn! Chắc hẳn là đã có chuyện gì xảy ra rồi. Tôi vội vã chạy vào nhà nói lại với cha mẹ tôi. Chúng tôi bật máy thu thanh, đột ngột nghe được tin Mao Trạch Đông đã qua đời.
“Chủ tịch Ban thường vụ trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, người sáng lập và cũng là người lãnh đạo nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông, vào lúc không giờ, mười phút ngày 9 không chín năm 1976, đã khép chặt đôi mắt, vĩnh biệt cõi đời...”
Mao Trạch Đông qua đời, phản ứng đầu tiên của nhân dân là kinh ngạc. Mao Trạch Đông ra đi, đất nước Trung quốc rồi sẽ ra sao đây? Nhân dân Trung quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông đã thu được thắng lợi trong chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông đã xây dựng được xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông đã tiếp tục cách mạng, không có Mao Trạch Đông nữa, Trung quốc biết làm gì. Nhân dân Trung quốc đã hô to “Mao Chủ tịch muôn năm” từ hai mươi sáu năm nay rồi, nhân dân yêu mến ông ta sùng bái ông ta, tin tưởng ông ta vô hạn, nay bỗng chốc không còn Mao Chủ tịch nữa, Trung quốc biết làm gì Mao Trạch Đông còn trên cõi đời này, dù tốt dù xấu, dù đúng dù sai chúng tôi đều dựa vào ông ta, nay Mao Trạch Đông không còn nữa, chúng tôi biết dựa vào ai? Chu Ân Lai đã ra đi, Chu Đức đã qua đời, Đặng Tiểu Bình bị hạ bệ, Hoa Quốc Phong vừa mới lên làm người kế cận, lại còn lũ bốn tên chỉ biết hung hăng càn rỡ. Trung quốc trong tương lai biết tính sao đây? ở đất nước này, rồi đây đại quyền của đảng, của quân đội, biết giao cho ai? Trung quốc trong tương lai, biết tính sao đây? Cái vũ đài chính trị rối ren ấy, liệu Hoa Quốc Phong có giữ vững được? Liệu lũ bốn tên có chịu khoanh tay cung kính mà nhường quyền lực hay không?
Mao Trạch Đông qua đời, hàng loạt những vấn đề cùng sự âu lo tràn ngập trái tim con người. Sự âu lo của mọi người đã vượt quá xa tình cảm đau thương.
Nhạc tang, nhạc buồn vẫn luẩn quẩn trên bầu trời, lá quốc kỳ treo rủ trên cột khe khẽ phất phơ. Thành phố, nông thôn, khắp nơi trên toàn quốc, mỗi địa phương, mỗi đơn vị đều tiến hành lê truy điệu, đều tưởng nhớ Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời của Trung quốc trong thế kỷ hai mươi.
Mao Trạch Đông ra đi, Bộ Chính trị mà ông ta sắp đặt khi còn sống đã lập tức xuất hiện một vết nứt khổng lồ.
Ngay khi Mao Trạch Đông sắp rơi vào cõi chết, lũ bốn tên đã bắt đầu ra sức tiến hành những âm mưu tranh quyền đoạt lực. Bọn họ đã tiến hành bắt liên lạc với những chân tay thân tín trong khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc, đã bố trí phê phán cái gọi là “những kẻ mới và cũ đi theo tư bản” trong đảng, trong chính quyền và quân đội, đồng thời đã tuyên bố là sẽ bắt sạch sẽ “những kẻ đại diện cho phái đi theo tư bản”.
Giữa tháng bảy và tháng tám, Vương Hồng Văn đến Thượng Hải, đã đặt vấn đề cần phải “cảnh giác với chủ nghĩa xét lại xuất hiện ở trung ương đảng, phải chuẩn bị lên núi đánh du kích, Thượng Hải nhanh chóng, thêm một bước, đưa số súng đạn tồn kho, trang bị cho cuộc vũ trang lần thứ hai”.
Trong tháng tám, đã có bảy vạn khẩu súng, ba trăm cỗ pháo, luộc triệu viên đạn các loại được phát xuống các tổ chức cơ sở của dân quân Thượng Hải hết sức nhanh chóng. Khi Mao Trạch Đông cáo bệnh rút lui, Lũ bốn tên đã tăng cường chuẩn bị đoạt quyền ngay sau lưng Mao Trạch Đông. Giang Thanh cử người vội vã viết một tài liệu với nội dung: “Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang(1) chết, Lữ Hậu đã lần lượt tiêu diệt tất cả các vương hầu như thế nào”. Giang Thanh không còn kịp đợi chờ gì nữa, mụ chờ Mao Trạch Đông chết để mụ lên làm “nữ hoàng”.
Bệnh tình Mao Trạch Đông nguy cấp, mụ đã quên hẳn nhiệm vụ của người vợ phải chăm sóc bên giường bệnh của chồng như thế nào, mà đổ hết tâm trí sức lực vào việc đi khắp nơi hoạt động. Giờ này mụ đến nhà in Tân Hoa, lát nữa đã tới Đại học Thanh Hoa, sau đó lại tới đại học Bắc Kinh, lại còn buộc báo chí đưa tin là mụ “thay mặt” Mao Trạch Đông để trông nom, chăm sóc nhân dân thủ đô. Ngày 28.8, Giang Thanh đến trang Tiểu Cận ở Thiên Tân, ngoác miệng nói láo, chửi bới Đặng Tiểu Bình là tổng giám đốc công ty Tin Vịt”, lại còn liều lĩnh lăng nhăng, trường giang đại hải, nói về xã hội mẫu Hệ, nói bừa rằng “nam cần phải nhường quyền, nữ cần phải chấp chính”, mụ còn nói: “Trong xã hội thị tộc, là do nữ quán xuyến việc nhà. Theo sự phát triển của xã hội, rồi đây, quản lý quốc gia phải là các nữ đồng chí”. Mụ còn nói không biết nhục rằng: “Đàn bà cũng có thể lên ngồi hoàng đế, đến cộng sản chủ nghĩa cũng vẫn còn nữ hoàng”.
Ngày 30.8.1976, với bộ mặt vênh vang, mụ đến một đơn vị quân đội để “thị sát”. Hãy xem điệu bộ và kiểu cách điểm trang của mụ như thế nào. Mụ mặc một bộ quân phục rung rúc, trên vai đeo chéo một chiếc túi dết quân dụng, trên miệng túi dết còn buộc thêm một chiếc khăn mặt trắng. Mụ uốn éo, điệu bộ đi trước hàng quân, miệng toang toác nói không biết ngượng: “Chủ tịch không còn, tôi trở thành quả nhân”, mụ trực tiếp phong cho mình cái danh xưng chỉ có hoàng đế mới được dùng.
Ngày 2 và 3.9.1976, bệnh tình của Mao Trạch Đông càng tồi tệ hơn. Giang Thanh bất chấp sự phản đối của Mao Trạch Đông, mụ nằng nặc đòi đi Đại Trại ở Sơn Tây, ở đó mụ lại huênh hoang giở giọng: “Trong xã hội mẫu hệ, người đàn bà nắm quyền bính, đến xã hội cộng sản về vẫn còn có nữ hoàng, cũng lại vẫn do đàn bà chấp chính”. Là một người vợ, đối với Mao Trạch Đông, mụ hoàn toàn vô cảm. Cho mãi đến tối ngày 5.9.1976, trung ương điện khẩn cấp, thúc giục, Giang Thanh mới trở về Bắc Kinh; trước khi lên đường, mụ vẫn bình thản tìm người cho đủ chân, chơi tú lơ khơ. Về đến Bắc Kinh, mụ cũng chẳng quanh quẩn bên giường bệnh của Mao Trạch Đông, mà chuồn ngay xuống nhà in Tân Hoa, rộng miệng, lớn tiếng, nói chuyện: “Tần Thuỷ Hoàng(2) vi hành, gặp một người dâng ngọc, trên đó có khắc chữ: năm nay Rồng tổ chết”.
Giang Thanh thèm làm nữ hoàng đến phát rồ phát đại, hình như mụ mong cho Mao Trạch Đông chết càng sớm càng tốt. Trở về bên cạnh Mao Trạch Đông mụ cũng chẳng yên chân yên tay, lúc mụ lau lưng cho Mao Trạch Đông, lúc nắn nắn làm chân tay Mao Trạch Đông co duỗi, bất chấp mọi sự can gián của bác sĩ. Ngày 8.9.1976, Mao Trạch Đông rơi vào tình trạng hấp hối, Giang Thanh lại lẻn xuống nhà in Tân Hoa, nói chuyện “quan văn đoạt quyền”. Trước khi Mao Trạch Đông chết, Giang Thanh lại không nghe theo lời bác sĩ, dứt khoát trở người cho Mao Trạch Đông, rồi lục lọi, tìm kiếm khắp nơi, xem xem Mao Trạch Đông có để lại di chúc hay không.
Ngày 16.9.1976, trước lễ truy điệu Mao Trạch Đông, lũ bốn tên chỉ thị cho nhật báo Nhân dân, tạp chí Cờ đỏ, báo Giải phóng quân in bài xã luận: “Mao Trạch Đông sống mãi trong lòng chúng ta”, bịa ra lời đi chúc lúc lâm chung, rằng: “Cứ theo phương châm đã có mà làm”. Thực ra, ngày 30.4.1976, Mao Trạch Đông chỉ dặn dò Hoa Quốc Phong có ba câu: “Một là, “Cứ từ từ, không nên vội vã”. Hai là, “Cứ làm theo phương châm cũ”. Ba là, “Ông làm việc, tôi yên tâm”. Lũ bốn tên đã thay đổi căn nguyên của câu nói, bịa đặt ra rằng, đó là di chúc”, muốn hoá trang cho mình thành người “kế cận chính thức” do Mao Trạch Đông đích thân chỉ định.
Ngày 18.9.1976, trong lễ truy điệu Mao Trạch Đông, trang nghiêm và long trọng, Giang Thanh mặc áo đen, đầu đội sa đen, đúng là trang điểm của một vị vong nhân, nhưng trên mặt lại chẳng có một chút buồn thảm thê lương nào. Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên vẫn nguyên bộ mặt gian giảo, nham hiểm, Vương Hồng Văn vươn dài cổ nhìn chòng chọc vào Hoa Quốc Phong đang đau khổ đọc điếu văn. Trước ống kính truyền hình trực tiếp, tám trăm triệu nhân dân Trung quốc, vừa rõ ràng vừa uất hận, nhìn thẳng vào những nét mặt xấu xa bẩn thỉu của lũ bốn tên.
Sau lễ truy điệu, lũ bốn tên càng tăng cường âm mưu hoạt động. Vào ngày hôm sau lễ truy điệu, lũ bốn tên đòi phải họp hội nghị Ban thường vụ trung ương khẩn cấp, trong hội nghị, Giang Thanh đã ngỗ ngược đòi phải giao tất cả các văn kiện, sổ sách của Mao Trạch Đông cho mụ cùng Mao Viễn Tân bảo quản và xử lý. Trong hội nghị này, Giang Thanh đã quấy phá hội nghị suốt bốn năm tiếng đồng hồ, mà thực chất là gây khó khăn cho Hoa Quốc Phong. Dưới sự bố trí của lũ bốn tên, Bộ chỉ huy dân quân Thượng Hải tiến hành “diễn tập quân sự”, để chuẩn bị cụ thể phát động cuộc phán loạn có vũ trang.
Ngày 21.9.1976, Trương Xuân Kiều ở Bắc Kinh nghe báo cáo tình hình cấp tốc chuyển giao vũ khí ở Thượng Hải, đã dặn dò lũ tốt biên ở Thượng Hải rằng: “Cần chú ý tới phương hướng đấu tranh giai cấp”.
Ngày 23.9.1976, Vương Hồng Văn gọi điện thoại cho chân tay thân tín ở Thượng Hải nhắc nhở: “Cuộc đấu tranh còn chưa kết thúc, bọn đi thẹo tư bản trong đảng chưa cam tâm chịu thất bại, thế nào rồi cũng có người khênh rước Đặng Tiểu Bình ra”.
Ngày 27.9.1976, Trương Xuân Kiều chỉ thị cho nanh vuốt ở Thượng Hải: “Cần cảnh giác với chủ nghĩa xét lại sẽ xuất hiện ở trung ương”.
Ngày 28.9.1976, Trương Xuân Kiều gửi tín hiệu miệng tới Thượng Hải: “Thượng Hải có khảo nghiệm lớn, phải đánh trận”.
Ngày 29.9.1976, lũ bốn tên đại náo hội nghị Bộ Chính trị suốt mấy giờ đồng hồ liền, từ quá nửa đêm cho tới gần sáng. Giang Thanh mếu máo khóc lóc cố lưu Mao Viễn Tân ở lại Bắc Kinh, không phải trở về Liêu Ninh. khi nhiệm vụ “liên lạc viên” của hắn kết thúc.
Ngày 1.10.1976, Giang Thanh đến nói chuyện ở trường Đại học Thanh Hoa, nói rằng, còn có người muốn lật lại bản án cho Đặng Tiểu Bình, mà người đại diện cho nhóm này trong Bộ Chính trị mụ muốn ám chỉ là Hoa Quốc Phong, mụ còn gào thét đòi khai trừ Đặng Tiểu Bình ra khỏi đảng”.
Ngày 2.10.1976, Vương Hồng Văn chụp ảnh “chân dung”, chuẩn bị cho treo trong toàn quốc sau khi đăng quang. Ngày 3.10.1976 Vương Hồng Văn đến huyện Bình Cốc, thuộc thành phố Bắc Kinh nói chuyện, trong bài nói hắn thâm độc chỉ rõ: “Nếu trung ương có chủ nghĩa xét lại lộng hành, các đồng chí phải làm như thế nào. “Đánh đổ chúng!”. Trực diện chĩa mũi dùi vào Hoa Quốc Phong. Cũng trong ngày hôm đó, lũ bốn tên âm mưu bàn bạc chuẩn bị kịp thời cho xe tăng tràn vào thành phố Bắc Kinh khi đến lúc. Vương Hồng Văn tự động cho thiết lập tại Trung Nam Hải một “phòng trực ban” riêng, đồng thời mạo danh nghĩa của Văn phòng trung ương đảng, để gửi thông tri đi khắp các nơi: nếu có việc gì quan trọng phải kịp thời báo cáo và xin chỉ thị của bọn chúng. Lũ bốn tên bố trí cho những người thân tín của chúng ở các đơn vị như Đại học Thanh Hoa, đại học Bắc Kinh, Tân Hoa xã v.v... viết thư gửi Giang Thanh, “thư tín nhiệm” và “thư tiến cử”, trong đó có những lá thư công khai đề cử Giang Thanh nhậm chức Chủ tịch trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, Chủ tịch Quân uỷ trung ương.
Giang Thanh giao cho thành phố Thiên Tân, đặc biệt thiết kế chế tạo sắm sửa cho mụ bộ “lễ phục lên ngôi”. Lũ bốn tên còn phao tin thắng toàn xã hội rằng: “Trong ngày 8, 9, 10.10.1976, sẽ có tin mừng lớn”.
Mao Trạch Đông mới qua đời chưa tròn một tháng, cục diện chính trị mà ông ta đã lao tâm khổ tứ, sắp đặt thu xếp, nay đã sụp đổ tanh bành. Lũ bốn tên cho rằng cướp đoạt chính quyền mà chúng khát vọng từ lâu, đã đi vào giây phút cuối cùng.
Chú thích: (1) Lưu Bang: Hoàng đế khai quốc triều nhà Hán của Trung quốc ở thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên
(2) Tần Thuỷ Hoàng: Hoàng đế khai quốc triều Tần của Trung quốc. Ở thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên