Cả nhà tôi vui vẻ hân hoan ăn bữa cơm đêm giao thừa, tuy chẳng có pháo mừng và cũng chẳng có sự rầm rộ tết nhất, chúng tôi yên ổn, lặng lẽ tống tiễn năm 1969, và cũng yên ổn lặng lẽ đón mừng năm 1970 tới.
Bước vào ngày “tam cửu” (những ngày rét nhất trong mùa đông - N.D. ) mùa lạnh đã thực sự đến với phương nam. Ngày đông ở phương nam rét thực sự là rét. Cái lạnh ở đây không phải là cái lạnh rất dễ chịu ở phương bắc với tuyết bay đầy trời, với gió bấc gầm rú, với những giọt nước đọng lại thành băng, mà là cái rét ẩm ướt, rét cắt da cắt thịt, cái rét trong nhà ngoài nhà đều như nhau, rét ngăn ngắt không chịu nổi. Trong nhà luôn luôn phải đốt lò, dù đó là cái lò bé tý tẹo. Ở phương nam, trong phòng ngoài sân rét như nhau, nếu như có mặt trời, trong nhà còn rét hơn ở ngoài nhà. Chúng tôi chưa bao giờ phải đắp những chiếc chăn bông dày đến thế, chưa hề bao giờ phải mặc những chiếc quần bông, áo bông và đi giầy bông dày đến thế. Kết quả là cả chân lẫn tay đều bị cước mẩn cục lên.
Buổi sáng trở dậy, qua làn ánh sáng mặt trời hắt qua cửa sổ có thể trông thấy từ miệng mình nhả ra những làn hơi nước trắng xóa. Muốn uống một ngụm nước ư, nước sôi để nguội trong cốc cũng đã đóng thành một lớp băng. Ban ngày chỉ mong có ánh mặt trời le lói, là lập tức chạy thẳng ra sân phơi nắng. Buổi tối mọi người ngồi túm tụm bên nhau, đốt một chậu than nhỏ, để hưởng lấy một chút hơi ấm nhỏ nhoi, duy nhất này. Ngày đông ở phương nam thật khó mà chịu đựng nổi.
Những người ở phương bác lâu ngày, thực tế là khó có thể thích ứng được với cái giá rét ở phương nam. Chúng tôi chẳng có giải pháp nào, ngoài việc mặc chồng chập quần áo vào. Chỉ có mỗi một mình cha tôi là khác chúng tôi. Ông có biện pháp chống rét của ông, tức là “lấy lạnh trị lạnh”, ngày nào cũng như ngày nào, đều tắm bằng nước lạnh. Thực ra ngay từ khi còn trẻ và trong những năm chiến tranh, ông đều giữ vững thói quen tắm nước lạnh của mình. Vào thời trai trẻ, ông thường xách cả thùng nước lạnh, giội ào một cái từ đầu xuống chân. Bây giờ đã ngót bẩy mươi tuổi rồi, không thể giội nước ào ào như thế nữa, mà ông thường dùng khăn bông thấm nước lạnh, kỳ cọ người. Kỳ cọ thật mạnh, kỳ cọ đến đỏ da đỏ thịt lên. Sau khi kỳ cọ, không những đã làm cho người ấm nóng lên, mà còn rất sảng khoái về tinh thần. Ông nói: “Tôi tắm nước lạnh mùa đông nên không sợ rét nữa, như vậy, có thể nâng cao được sức đề kháng của cơ thể, lại có thể đề phòng được cảm mạo, không sinh bệnh”. Ông còn khuyên tất cả chúng tôi cứ thử mà xem. Cha tôi tắm nước lạnh, chúng tôi không phản đối, nhưng bảo chúng tôi tắm, chúng tôi chẳng có gan. Phải nói rằng, ngay buổi tối, phải cởi quần áo, chui vào trong chăn đệm lạnh cũng đòi hỏi ít nhiều can đảm, chứ dừng nói gì đến chuyện tắm nước lạnh, chúng tôi nhất trí ca ngợi cha tôi là can đảm đáng nể, nhưng tuyệt đối chẳng ai dám làm theo đề xướng của ông.
Đúng vào ngày 1.1.1970, Phi Phi về nhà. Người của ủy ban Cách mạng đưa cậu ta từ Nam Xương về trường bộ binh, lại làm cho tất cả mọi người thêm một lần vui mừng kinh ngạc nữa. Hơn hai năm trước, khi chúng tôi bị tống cổ ra khỏi Trung Nam Hải, Phi Phi mới chỉ có mười sáu tuổi, người gầy còm, cũng lại chẳng cao, nhưng nay khi xuất hiện trước mặt cha mẹ tôi, cậu em đã là một chàng trai cao lớn, đường hoàng.
Nhưng cái “chàng nam tử” này, đã làm cho chẳng ai còn dám tin vào mắt mình nữa, mặt mày đen nhẻm đen nhèm, cổ mặt đầy ngấn đất bụi. Trên người mặc một chiếc áo bông bộ đội cũ kỹ, vừa rách vừa bẩn, rách teng beng tơi tả, lại còn có thểm một sợi thừng rơm thắt ngang lưng. Dưới chân, đi một đôi giày nát, bê bết bùn đất bụi bậm, mặt giày, đề giày như đang đòi chia gia tài, đeo lên vai vắt ngang lưng là chiếc túi dết nhỏ cũng của bộ đội, lép kẹp, bùng nhùng, nhầu nát, rỗng tuếch, lại còn có thêm cả mấy lỗ thủng nữa. Mẹ tôi nhìn con, mừng đến rơi nước mắt, nhưng bên cạnh sự mừng rỡ, sung sướng đó, bà đã lạnh lùng, kiên quyết, bắt anh chàng trút bỏ sạch sẽ mọi quần áo bẩn thỉu, rồi mới cho cậu bước vào nhà, ngồi xuống. Bà tôi bảo mang những quả táo vẫn để dành ra. Tôi hỏi Phi Phi:
- Ăn đợt một mấy quả đây?
Phi Phi đáp:
- Cứ tạm thời năm quả.
Tôi lần lượt đưa cho thằng em từng quả táo một, cậu ta cũng lần lượt xơi từng quả, cuối cùng đâm ra, cậu ta đã làm một mạch hết mười hai quả táo.
Chúng tôi vây lấy Phi Phi, nhao nhao hỏi:
- Tại sao chẳng có tin tức gì gửi về? Tại sao lại để sang tháng giêng mới về?
Thì ra là: tất cả mọi người đều đi “bắt rễ xâu chuỗi” cả, còn mấy cậu không kịp đi, nên ngồi tính toán rằng mình chẳng được đi đến đâu cả, bây giờ nhân lúc nông nhàn chi bằng đi du lịch một chuyến. Thế là ba cậu bạn học với nhau đi ra khỏi huyện Hân, nơi các cậu cắm chốt, tút đến Ngũ Đài Sơn, Hoa Sơn, Thái Sơn. Mỗi cậu ngang lưng chỉ đeo có một chiếc túi dết, đi quanh với nhau một vòng thật rộng. Mẹ tôi hỏi:
- Vậy các anh lấy tiền đâu ra?
Phi Phi trả lời tỉnh khô:
- Ối giời! Cần gì tiền! Khi đi ra khỏi làng, trong túi cũng có tý liền, nhưng bọn con đã giấu hết đi. Con bọc tờ giấy mười đồng vào giấy ni lông, sau đó đem nhét vào ruột một chiếc bánh ngô thật to. Đây mẹ xem, nó vẫn nằm nguyên trong này.
Chúng tôi bẻ chiếc bánh ngô rắn như đá ra làm đôi, đúng là có tờ giấy mười đồng gấp thật kỹ nằm ở trong đó thật.
- Những đứa học sinh nghèo không có tiền, chẳng ai mua về hết. Với lại bên ngoài bây giờ, loạn xì ngầu ra ấy mà, trà trộn lên tầu lên xe cũng dễ. Từ ga, chúng con chuồn lên xe lửa, thấy nhân viên kiểm tra thì trốn, nếu trốn không được, chỉ nói là không có tiền, không tin, cứ khám, khám cũng chẳng ra được đồng nào. Có cậu bạn học con giấu tiền dưới đế giày, khám trên người, chẳng thấy tiền, liền khám giày, làm cậu ta sợ hết hồn. Người la lột giày của cậu ấy ra, thấy vừa bẩn vừa thối, liền quẳng bỏ, thế là cũng chẳng khám ra. Không mua vé, đuổi xuống tàu thì xuống, đuổi khỏi chuyến này, chúng con đợi chuyến sau, lại trốn lên. Thế rồi cứ từng ga, từng ga, đi chơi một vòng cực rộng, hồii đi bắt rễ xâu chuỗi, bọn con còn bé quá, không đi được, chuyến này ấy à, đi chơi khắp các danh lam thắng cảnh, thỏa trí tang bồng. Cuối cùng, mấy đứa chia tay nhau, về nhà, con về Giang Tây, nhưng vừa đến Cửu Giang của tỉnh Giang Tây này, thì gay go quá. Ở Giang Tây chỗ nào cũng có những đội công nhân kiểm tra, mà cái trật tự ở tỉnh này còn lắm trò hơn các tỉnh khác, thế là họ túm lấy con đem về giam nghiến lại, bảo rằng những đứa trốn vé tầu như con là phải lao động, bao giờ dành đủ liền vé mới cho đi, kết quả là con phải làm việc ở nơi giam giữ một tuần lễ liền. May mà nơi đó cũng chẳng còn cách nhà là bao xa nữa, chỉ phải bỏ ra mấy đồng bạc là về đến Nam Xương. Ở Nam Xương, con mệt thực sự, nằm dài ra trên một chiếc ghế ở vườn hoa, thế là ngủ liền. Ở nơi khác thì không sao, nhưng ở đây, lại bị đội công nhân kiểm tra bắt giữ. Con nói rằng, còn phải đến tìm người ở Uỷ ban Cách mạng tỉnh, họ nhìn cái bộ dạng con, chẳng có một ai tin cả, cuối cùng họ hỏi Uỷ ban Cách mạng, lại là chuyện thật, khi ấy họ mới thả con ra.
Phi Phi vừa ăn táo, vừa trợn mắt trợn mũi nói, với vẻ vô cùng đắc ý.
Tôi ngồi bên cạnh, thêm dấm thêm ớt, với vẻ dầy thán phục nói:
- Chị là con gái, đi đường trường như thế, chị chẳng dám làm như vậy đâu. Dù chỉ có vài đồng bạc còm, cũng cứ là thực thà thành khẩn dốc tuồn tuột ra mà mua vé, tiêu sạch, thật chẳng đáng giá gì.
Tiếp đó, tôi và Phi Phi lại thi nhau nói, nào là các địa phương xảy ra võ đấu, nào là địa phương nào, các phái tạo phản dùng đến cả súng, cả xe bọc thép tấn công nhau, nào là ở địa phương nào, những học sinh đi xuống nông thôn chẳng có gì ăn, đói quá phải đi cướp bánh cướp mì của bà con nông dân. Tất cả những chuyện đó, đối với lũ học sinh “lang thang giang hồ” đi xuống nông thôn như chúng tôi, thực tình chẳng có gì là lạ, mà như cơm bữa. Chúng tôi hăng hái sôi nổi nói, lại đầy vẻ tự hào, mà không ngờ rằng bà tôi, mẹ tôi ngồi bên cứ tròn xoe mắt lên mà nghe. Cần biết rằng, kể từ khi có “cách mạng văn hóa” tới nay, bà tôi, mẹ tôi hoàn toàn bị giam lỏng, tuy cũng có biết rằng, bên ngoài có “tạo phản”, có bùng nổ “cách mạng”, có biết các phái tạo phản đánh đấm lẫn nhau, còn xã hội hồn loạn đến toàn diện như thế nào, lại chưa từng được tận mắt chứng kiến, và cũng chẳng được nghe ai nói. Trong lòng bà và mẹ tôi vẫn là những ấn lượng và quan niệm thời tiền “Cách mạng văn hóa”, những chuyện loạn xị bát nháo như thế, những chuyện không pháp luật, không giời đất như thế, còn cách rất xa, xa lắm lắm với trình độ nhận thức của hai người. Cha tôi vẫn một mạch im lặng, chẳng nói năng gì. Đợi chúng tôi nói xong, nói hết, cuối cùng ông hít một hơi dài, nói một câu vô cùng thẳng thắn và vô cùng nghiêm túc:
- Các con phải nhớ rằng những điều các con nói, toàn là những điều vô cùng xấu xa!
Nghe lời cha tôi trách móc, cái sự thao thao, bồng bột vừa rồi của tôi và Phi Phi, trong phút chốc đã tan biến thành mây thành khói. Hai chị em chúng tôi nhìn nhau, thè lưỡi một cái, rồi rụt lại ngay lập tức. Cũng lại cần biết rằng, cha mẹ tôi luôn luôn bị hãm vào cảnh tù túng, giam cầm, sau khi tới Giang Tây, đến xí nghiệp, mới là nơi duy nhất, được gọi là tiếp xúc với thế giới bên ngoài, song cũng chẳng được thoải mái, tùy tiện chuyện trò. Kể từ khi tôi về nhà, để ông bà được vui, nên tôi cũng chỉ nói toàn chuyện làm ông bà yên lòng. Còn những chuyện phiền não. Đau thương trong vòng mấy năm ấy, có thể gây cho ông bà những sầu muộn, thương cảm như những chuyện chúng tôi phải chịu đựng như bị phê phán, bị chửi bới, bị làm nhục, thậm chí bị đói khát, tôi không nỡ hé răng nói với cha me một lời.
“Cách mạng văn hóa” cũng đã hơn hai năm rồi, cha tôi cũng đã bị phê phán, đã bị hạ bệ, đã trở thành “kẻ cầm quyền lớn số hai trong đảng đi theo đường lối tư bản” với “tội ác tày trời”. Nhưng là một người lão thành cách mạng. suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, nên niềm tin của ông vẫn là thần thánh, tấm lòng ông trước sau vẫn sáng chói, trung nhân. Với niềm tin và lương tâm của mình, ông tuyệt đối không thể, tuyệt đối không có khả năng tưởng tượng được ra một đất nước Trung quốc đã bị trận cuồng phong của “Cách mạng văn hóa” tràn qua, nay lại sớm đã bị những cơn hỗn loạn điên rồ, tội ác, không pháp luật, không trời đất cùng phá phách, giày xéo cho tơi tả.
Tôi và Phi Phi không còn ồn ào chỉ vì sự hứng khởi, bồng bột của mình nữa, mà chúng tôi đã kể lại từ đầu, những chân tướng. những sự thật điên rồ nhất, những tội ác nghiêm trọng nhất, những thảm cảnh khốc liệt nhất cho cha mẹ tôi nghe.
Chúng tôi nói cho ông bà biết, ngoài những người mà ông bà quen thuộc, thì tuyệt đại bộ phận những cán bộ lãnh đạo ở trung ương và trong toàn quốc đều đã bị đánh đổ, cách chức, có người bị đấu tố có người bị khám nhà, có người bị quần chúng áp dụng “chuyên chính”, có người bị giam trong những “chuồng gia súc”, có người bị đưa về các trường cải tạo cán bộ, có người thậm chí còn bị bức hại tới chết. Trong số những người chúng tôi quen biết, như vợ chồng Ngô Hàm, cô Hồ Minh, phu nhân của Bạc Nhất Ba, cô Tiễu Lý, phu nhân của Lý Cảnh Tuyền(1), cô Lưu Tố Phi, phu nhân của Lưu Lan Đào, anh Doãn Bân, con trai lớn của Lưu Thiếu Kỳ... Đều bị hành hạ đến chết. Trong đám con cái các nhà, như Phó Lượng con nhà Bành Chân, Sở Mai và Hướng Chân, con nhà Diệp Kiếm Anh, Bằng Phi, con nhà Hạ Long, Mãnh Mãnh, con nhà La Thụy Khanh v.v đều đã bị bắt và bị bỏ tù. Rất nhiều gia đình bị vong gia bại sản, vợ con tan tác. Những phái tạo phản được đẻ ra trong “cách mạng văn hóa”, lại chia ra thành rất nhiều phái này, phái nọ, hành động theo phái tính của mình, đến mức độ đánh lộn lẫn nhau. Dẫn tới những cuộc chiến đại quy mô, đánh nhau tới mức độ buộc quân đội phải tham gia, đánh nhau bằng gươm thật, súng thật và pháo thật. Giang Thanh nói “tấn công bằng văn, bảo vệ bằng võ” là hoàn toàn chính xác, khiến cho những cuộc võ đấu càng ngày càng nâng cấp, cuối cùng Mao Chủ tịch không thể không xuất tướng để ngăn cản lại, lại còn phải cử đến các trường học những đội tuyên huấn quân đội, tuyên huấn công nhân - đúng y như những tổ công tác hồi đầu “cách mạng văn hóa” - công an, viện kiểm sát, tòa án trên toàn quốc đều bị đập nát, không biết có bao nhiêu nhà máy xí nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất, ở rất nhiều địa phương ngay cả nông dân cũng bỏ đồng ruộng đi làm “cách mạng”. Cần nói rằng sự tai hại trong ba năm khốn khó vì hạn hán thiên tai cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với những tổn hại này. Ở huyện nghèo của Thiểm Bắc nơi chúng tôi cắm chốt, công lao động một ngày của một lực điền chỉ có tám, chín xu. Hai chục năm giải phóng rồi, mà người vẫn chưa có nhà xí, lợn vẫn chẳng có chuồng, cả một vùng An Tắc, Mễ Chỉ, cả gia đình chỉ có một chiếc quần bông, một chiếc chăn bông. Bình thường ăn cám, nhai rau là chẳng tính thành chuyện gì, khi xuân tới là hết lương thực, mỗi năm nhà nước phải phát hai lần lương thực cứu tế và một lần tiền cứu trợ. Bây giờ đang lúc “thiên hạ đại loạn”, chẳng còn ai thiết gì đến việc sản xuất, không có người chết đói đã là chuyện quá may rồi.
Chúng tôi cứ dần dần nói, cha tôi cũng dần dần nghe. Tất cả mọi chuyện được nảy sinh trong thời “Cách mạng văn hóa” cũng dần dần ngày càng rõ nét, đầy đủ hiện ra trước mắt cha mẹ tôi. Ông bà đã nắm được, hiểu được rõ ràng, minh bạch. Cha tôi vẫn chẳng nói gì, chỉ nín lặng cau mày. Ông bà còn biết nói gì nữa? Mới có ba năm, đã nảy sinh biết bao nhiêu biến đổi như thế, những biến đổi không có cách gì tưởng tượng ra được. Chỉ trong thời gian ba năm, mọi sự chuyển biến về kinh tế có chiều hướng tốt dần lên bởi bao nhiêu những cố gắng, những phấn đấu gian khổ, nay đã bị phá huỷ cho sụp đổ lan tành. Mới chỉ có ba năm thời gian, tất cả các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các cấp lãnh đạo của đảng và chính quyền đã hoàn toàn bị hủy diệt, đánh đổ, hàng ngàn vạn triệu đảng viên đã bị đầu rơi máu chảy làm cách mạng, cuối cùng là vì cái gì? Đảng lãnh đạo nhân dân quần chúng trong muôn vàn gian nan thử thách để lấy lại được giang sơn, cuối cùng để làm gì? Nhân dân trong toàn quốc đã phải bỏ ra hơn mười năm, cần cù lao động, không nề gian khổ, sáng tạo, xây dựng, thăm dò, tìm kiếm, cuối cùng là để làm gì? Lẽ nào sự tìm kiếm lý tưởng suốt đời mình, đã phải dùng đến cả sinh mệnh lẫn máu tươi, dùng đến mồ hôi và nước mắt, đánh đổi lấy lại chỉ là một thế giới hỗn loạn, điên rô, vô trật tự, do kẻ ác tạo ra sao?” Cha tôi là một nhà chính trị, là một đảng viên cộng sản lão thành, có trách nhiệm với đảng, với nhân dân, với đất nước, đứng trước một tình trạng như thế, ông không thể chỉ nghe đề mà nghe, nhìn để mà nhìn. Nhưng ông chẳng nói gì, và cũng chẳng thể nói được gì. Ở đây, đất Giang Tây xa xôi thăm thẳm, lại bị giam cầm ở một xó quê hẻo lánh, ông chỉ đành đem những suy tư, những tín niệm của mình chôn chặt xuống đáy lòng.
Bất kể là thế giới thay đổi ra sao, bất kể là phong trào “cách mạng” phát triển ra sao, đời sống của gia đình tôi ở Giang Tây vẫn bình thường như bình thường. Có điều là từ khi Phi Phi trở về, gia đình tôi có thêm những niềm vui.
Để cho cha mẹ tôi được vui hơn, Phi Phi thường hay giở trò con nít ra cố ý quấy nghịch. Chốc chốc cậu lại gào lên: “Ôi giời! Mẹ ơi, cái sàn nhà ta còn sạch hơn cả cái giường nơi chúng con cắm chốt đấy nhé”. Nói xong, cậu liền lăn kềnh ra sàn. Một lúc lại đem chiếc thừng bện bằng rơm ra thắt lên ngang lưng, rồi bắt chước tiếng người Giang Tây nói hàng thôi hàng hồi những gì gì đó, với những giọng điệu rất lạ lùng. Có lúc cậu ta lại bảo: “Mọi việc nặng nhọc trong nhà một mình con bao tất!”, rồi cầm cái chổi lau nhà ướt rề rề, vung vít lau sàn, làm cho sàn nhà ướt nhòe ướt nhoẹt. Một lúc lại cố đòi đi giặt quần áo giúp mọi người, làm cho cả nhà và bản thân cậu ta nữa ướt đầm đìa. Nhìn thằng con nghịch ngợm, cha tôi, mẹ tôi, bà tôi cũng thấy vui vui trong lòng.
Buổi sáng cha mẹ tôi vẫn đi làm như thường lệ. Buổi chiều ở lại nhà, tất cả tập trung vào trong nhà bếp, bàn bạc tính toán xem bữa tối nên làm món gì ăn cho ngon. Bà tôi là một tay đầu bếp cực giỏi, rán cá, xào thịt, ngay đến món giá xào rau xanh, bà tôi xào nấu cũng thành thơm ngon, đâu ra đấy. Thực ra cha tôi cũng là một tay nấu nướng giỏi, những món ăn Tứ Xuyên do chính tay cha tôi xào nấu, cũng món nào ra món ấy, đều ngon lành cả. Năm mười sáu tuổi cha tôi đã rời quê hương, nên cũng chẳng biết những món ấy cha tôi đã học được cách nấu nướng từ đâu. Mẹ tôi không biết nấu nướng gì, chỉ giúp được mỗi việc quạt lò, nhưng lý luận về nấu nướng mẹ tôi lại rất thuộc. Thường thường bà nội làm cơm, mẹ tôi ở bên cạnh giảng giải, giống y kiểu hội nghị đầu bờ bây giờ vậy. Mẹ tôi nhờ mấy chị công nhân cùng phân xưởng, mua men rượu về để bà tôi ủ với cơm nếp, cho lên men thành rượu nếp, cứ sáng sáng mẹ tôi lại làm món rượu nếp trứng gà cho chúng tôi ăn.
Tháng giêng ở phương nam là lúc đại hàn. Sức khỏe của mẹ tôi quá kém, huyết áp thường ở mức 220/110, thêm tiết trời quá lạnh, quần áo mặc quá nhiều, nhiều khi xuống gác, rồi không leo lên gác được nữa. Cơm tối xong, thu dọn cũng xong, mẹ tôi thường đứng ở đầu cầu thang gọi vọng lên gác: “Kéo em lên với nào, anh ơi!”, và cha tôi thường một tay nắm tay mẹ tôi, một tay nắm lan can cầu thang, rồi hai người, từng bước từng bước nhích dần leo lên. Những lúc như thế, Phi Phi thường hay chạy tới, thắt chặt thêm chiếc thừng rơm vẫn buộc ngang bụng, nói: “Mẹ ơi, con khỏe lắm, để con cõng mẹ lên gác!” Mẹ tôi chỉ còn biết cười ngặt nghẽo, nói: “Ôi dào, trông con cứ hùng hục lên như thế, có khi con làm nát vụn xương mẹ ra mất!”
Đã từ lâu, trong đời sống hàng ngày, hầu như thành thói quen, cha mẹ tôi trước khi đi ngủ bao giờ cũng phải uống thuốc ngủ, nhất là từ sau “Cách mạng văn hóa”, vì bất an lòng dạ, nên liều lượng thuốc ngủ cũng tăng lên gấp bội. Sau khi đến Giang Tây, bà tôi phải nói với cán sự Hoàng Văn Hoa đến bệnh viện xin thuốc ngủ cho ông bà. Thuốc đã xin được về nhưng anh cán sự ấy sợ xảy ra chuyện bất trắc nên giữ lấy, phát hàng ngày thôi, trước khi phát thuốc còn phải xem họ đã ăn uống những gì. Sau khi tới Giang Tây được một thời gian, do mức hoạt động tăng lên, do mức lao động tăng lên, nên cha tôi không còn quá gày còm như ngày mới tới nữa, mà chừng như đã béo ra, tinh thần cũng khá lên rõ rệt, đặc biệt là từ khi lũ trẻ chúng tôi được trở về, lòng dạ cũng thảnh thơi hơn rất nhiều. Bắt đầu từ ngày 1.1.1970, cha tôi không uống thuốc ngủ nữa. Thói quen đã từ nhiều năm ấy, nay bỏ hẳn, đối với ông, chẳng phải là chuyện dễ dàng gì.
Chú thích:
(1) Lý Cảnh Tuyền: đã từng là Uỷ viên Bộ Chính trị trung ương đảng, bí thứ thứ nhất cục Tây Nam của Đảng cộng sản Trung quốc