Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40692 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa
Mao Mao

18. Về nhà rồi đây!

Trên cao nguyên hoàng thổ ở Thiểm Bắc, núi tiếp núi, những ngọn núi cũng díu lại thành khối, đó là cao nguyên thượng. Cao nguyên thượng là bình nguyên trên đỉnh núi. Cao nguyên thượng vừa lớn vừa phẳng, lớn tới mức đi bộ hai ngày cũng chưa tới mép, còn phẳng tới mức không có một gò đống nào hết. Cao nguyên thượng rặt một loại đất màu vàng (hoàng thổ). Cao nguyên thượng bạc màu, cằn cỗi. Trên đó không có đá, không có nước, làm nhà chỉ có mỗi một cách đầm chặt. Muốn có nước ăn phải đào giếng sâu hơn hai mươi trượng (1 trượng = 3, 3 mét). Trên cao nguyên thượng khó trồng được cây, khó trồng được cỏ, chỉ có chỗ nào có người ở, có thôn xóm mới có cây cối, mới có chút màu xanh. Tôi cắm chốt ở huyện Phú, đó chính là cao nguyên hoàng thổ thượng của cao nguyên hoàng thổ.
Vào tháng 10.1969, trên cao nguyên hoàng thổ thượng mênh mông vô bờ, trời cao vút, mây trắng toát. Mùa thu đã sang, trời trở lạnh, lúa má cũng đã thu hoạch xong, nhà nào nhà nấy vui tươi hớn hở. Trong thôn bản, những con lừa kéo trục lăn, đi vòng, đi vòng, xiết trên những hạt thóc vàng ươm. Thu hoạch kiều mạch, lấy thừng bện bằng cỏ, bó lại thành từng bó, bó lúa cũng chẳng nặng nề gì một đứa trẻ cũng cõng được bó lúa to trên lưng. Huyện lên là Phú nhưng lại chẳng giàu, Thiểm Bắc nghèo lắm. Bình thường (bữa ăn tối) “húp cháo”, bát cháo loãng thếch, chẳng nhìn thấy hạt gạo nào, miếng bánh kê trộn cám cứng ngắc vừa rắn vừa đen. Khi thu hoạch cũng có nghĩa là được ăn uống khá hơn, có thể được ăn bánh bột ngô tươi mới. cũng có thể được ăn chút ít bánh bột mì trắng nhưng lại chẳng trắng chút nào, cũng còn có thể được ăn một ít bột kiều mạch tươi trộn với bột vỏ cây du, vắt thành sợi mỳ, rưới lên trên một ít tương ớt, bưng một bát thật to, nóng hôi hổi, thơm lừng... Tấm lòng của các bác nông dân Thiểm Bắc thật tốt, thấy tôi là cô gái Bắc Kinh đơn độc về nông thôn, trong lòng rất lấy làm “thê thảm”: nên các bà các chị ở các nhà đều gọi tôi ăn cơm, húp cháo. Họ tiếp thêm củi, kéo bễ nhanh hơn, rồi cho lửa rực cháy, khiến cho ngọn lửa trong lò vươn lên thật cao. Bánh bột ngô ngòn ngọt, bát mỳ sợi vừa nóng vừa cay. Các bà các chị người bưng người sẻ cho tôi, rồi lại luôn miệng giục: “Ăn nhiều và ăn thật thật nhiều nào”.
Nhìn những chàng trai kéo trục lăn trên sân phơi, nhìn những chị phụ nữ kéo đẩy những chiếc cối xay bột, nhìn đám con trẻ tung tàng chạy nhảy khắp nơi, tất cả mọi người đều hồ hởi sung sướng, trong lòng tôi cũng rất vui mừng, không phải chỉ mừng vì niềm vui gặt hái, mà mừng nhất là khi tôi nhận được thư của mẹ tôi từ Giang Tây gửi lên.
Trời đất ơi, thư của mẹ tôi! Tôi cất thư trong túi, tôi nắm thư trong tay, tôi đọc hết lần này đến lần khác. Ban ngày đọc dưới ánh mặt trời, ban đêm đọc bên ngọn đèn dầu, thậm chí chạy ra ngoài nhà, chạy ra bãi rộng, đọc thư dưới ánh trăng trong vằng vặc. Điều làm tôi sung sướng nhất, điều mẹ tôi nói trong thư, là cho phép cha mẹ tôi được gặp mặt các con, như vậy cũng có nghĩa là cho phép bọn tôi đi Giang Tây thăm viếng người thân. Tôi sung sướng quá, sung sướng đến không tài nào ngủ được. Tôi muốn về nhà, về nhà để đi thăm cha mẹ tôi đã mấy năm nay không được gặp mặt, muốn về nhà để được gặp mặt người bà già nua đã nuôi tôi khôn lớn. Nhưng, ở đây, tôi là một đứa con “có thể giáo dục được” đang bị quản chế là con gái của tên “đầu sỏ số hai đi theo đường lối tư bản”, không có sự phê chuẩn của đội sản xuất và công xã, tôi không thể được tách ra khỏi đội ngũ. Đi ra khỏi công xã năm dặm đường là đã phải xin phép công xã, huống hồ là xin phép về nhà để thăm cha mẹ là người “đi theo tư bản”. Tôi đưa lá thư của mẹ tôi ra để xin phép đại đội về nhà, đại đội trả lời là họ không có quyền quyết định, mà phải xin phép công xã. Đến công xã họ lại bảo phải xin phép huyện, đến huyện họ lại bảo phải thỉnh thị địa khu Diên An. Cuối cùng cũng có tin của địa khu Diên An trả lời, bảo rằng cần phải hỏi Giang Tây, cần phải có được sự chứng thực của Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây. Đi thăm người nhà mà cũng đòi chứng thực! Chạy vạy hết hơi mà kết quả là vậy. Tôi vừa tức vừa cáu, vội vàng viết thư cho mẹ tôi, để nhanh chóng tìm cách lấy được chứng thực của Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây đồng ý cho đi thăm người thân. Mẹ tôi nhận được thư liền nhờ cán sự Hoàng Văn Hoa báo cáo với Uỷ ban Cách mạng Giang Tây đề nghị họ cho thị thực. Uỷ ban Cách mạng tỉnh trả lời rằng họ không có quyền quyết định, mà phái báo cáo xin thỉnh thị của Văn phòng trung ương đảng. Mẹ tôi chờ đợi mà trong lòng như có lửa đốt, nhưng không ngờ đợi được kết quả lại là, con cái có thể đến thăm cha mẹ, nhưng Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây lại không cho chứng thực được. Nghe trả lời như vậy, mẹ tôi không sao nén nổi nữa, đôi hàng nước mắt rơi xuống như mưa. Để được gặp con, để con cái có thể trở lại bên mình, cha tôi lại phải thêm một lần đề nghị, thêm một lần liên hệ. Cuối cùng cũng có được kết quả, Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây cũng đưa ra được ý kiến tương đương với những lời chứng thực. Có nghĩa là, con cái có thể đến thăm cha mẹ.
Ở Thiểm Bắc, tôi ngày ngóng, đêm mong, mong ngóng đến hơn một tháng giời, tôi mới được thông báo là có thể về nhà. Được tin tôi sung sướng cười đến rách miệng, liền thu xếp đồ đạc với tốc độ nhanh nhất để đeo ba lô lên vai là bước. Những người nông dân hàng ngày cùng lao động với tôi, cùng sinh sống với tôi, nghe tin tôi được về nhà thăm bố mẹ, họ cũng mừng ơi là mừng. Với những bà con ấy, họ chẳng nề hà, so sánh những gì là “đi theo tư bản”, những gì là “băng đen”, các bà các thức thâu đêm bắc chảo, đặt lồng hấp, thêm củi, nổi lửa, đổ lúa mỳ mới gặt xảy ra thành bột, thâu đêm làm mỳ, nhào nặn, rán cho tôi những chiếc bánh vừa mỏng vừa to, xếp chồng lên nhau thành một chồng vuông vức, rồi lại lấy loại vải thô tự dệt gói những chiếc bánh ngô vừa làm xong, mềm dẻo, tươi tắn và khô nguyên, rồi đem nhét tất tật vào ba lô của tôi. Hôm tôi lên đường, các bà các chị, các bạn gái vốn cùng ở trong đại đội sản xuất lao động với tôi hàng ngày, liễn tôi ra tới đầu bản. Họ lấy khăn đội đầu che đi những lòng mắt đỏ hoe, dặn đi dặn lại, phải cẩn thận trên đường.
Tôi đeo chiếc ba lô nặng chịch men theo những triền khe của cao nguyên thượng trên cao nguyên hoàng thổ, đi một mạch ba mươi dặm đường. Tới huyện lỵ sau một đêm chờ đợi, sớm hôm sau tôi lên ô-tô đường dài, tôi ngồi liền chín tiếng đồng hồ trong bụi bặm, mới tới được Đồng Xuyên. Từ Đồng Xuyên lên xe lửa về Diên An chờ lại đó một đêm, đi tiếp xe lửa về Trịnh Châu, Hà Nam. Từ Trịnh Châu đổi xe lửa về Chu Châu, Hồ Nam, đợi tiếp một đêm nữa mới có xe lửa về Hướng Đường, Giang Tây, ở đây chuyển sang xe lửa đường hẹp, ngồi tiếp hai tiếng nữa mới về Nam Xương, Giang Tây. Từ nơi trên bản cắm chốt về được đến Nam Xương, tôi mất trọn vẹn bẩy ngày bẩy đêm. Được về nhà, lòng dạ bồi hồi, bước chân gấp gáp, bẩy ngày bẩy đêm đó trôi đi, nhanh chậm thế nào tôi cũng chẳng thiết nghĩ đến nữa.
Đến Nam Xương, đâu đã phải là về đến nhà. Nhà đâu? Vất vả lắm tôi mới tìm được đến Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây, cuối cùng cũng có một người bảo tôi rằng, sẽ đưa tôi đi. Đầu tiên chúng tôi ngồi xe buýt trong thành phố, ra ngoại thành mới lên xe ô-tô đường dài, vượt qua cầu 1-8, chạy mải chạy mê mới tới được trạm vọng Thành Cương, xuống xe. Sắp đến nhà rồi, tôi rảo bước thật nhanh bước vào trường bộ binh, đi vòng qua ngôi nhà tầng lớn vốn là văn phòng của nhà trường. Leo lên ngọn đồi thấp đầy sỏi son, căn gác nhỏ màu xám đã hiện ra ngay trước mắt tôi. Vừa đẩy cánh cửa gỗ màu xám, chân còn chưa bước vào nhà, tôi đã gọi toáng lên: “Mẹ, mẹ ơi! Cha, cha ơi!”
Tôi quẳng chiếc ba lô phủ đầy bụi bặm dọc đường xuống sân, co cẳng lao vào trong nhà, chồm lên thang gác, xộc vào trong phòng, tôi đã nhìn thấy ngay cha tôi, mẹ tôi. Cha mẹ tôi đều ngồi trên ghế. Cha tôi đang đọc sách, trên đùi có phủ một tấm chăn nhỏ, còn mẹ tôi đang ngồi khâu. Tôi lao đến, ôm lấy cha mẹ tôi, mỗi tay một người. Đến lúc ấy, cha mẹ tôi mới giật mình nhìn lại, và chẳng kể là mặt mũi tôi bẩn hay sạch, hai ông bà hôn lấy hôn để vào hai bên má tôi. Những giọt lệ ứa ra lăn dài trên mặt tôi, lăn cả trên mặt mẹ, những dòng nước mắt cùng quyện lại làm một. Mẹ thấy tôi béo ra, đen đi, nhớn nhao đã hoàn toàn khác xưa, phổng phao hẳn lên. Bà tôi bảo làm sao lại mặc chiếc áo bông rách đến lòi cả bông ra ngoài thế kia, thôi thôi, đi đun nước mau cho tôi tắm giặt. Cha tôi mặc một chiếc áo bông cũ màu ghi kiểu cổ, trên đầu đội một chiếc mũ nồi tròn màu xanh thoạt nhìn là biết ngay do bà tôi khâu, ông nhìn bà tôi, mẹ tôi đang xét nét tôi, nhìn dáng dấp vừa đen đúa, vừa bẩn thỉu, vừa nũng nịu, vừa bướng bỉnh của tôi, chẳng nói câu nào, chỉ cười, ông cười thật thoái mái, thật sảng khoái.
Khi đó là vào thượng tuần tháng 12.1969. Ở phương Bắc, trên cao nguyên hoàng thổ Thiểm Bắc đã là chớm đông, tuy chưa có tuyết rơi, nhưng gió bấc đã rít rồi. Ở Giang Tây phương nam này, ở Nam Xương này, ở trường bộ binh này, ngược lại, trời vẫn ấm áp, lá ngô đồng vẫn xanh ngăn ngắt. Nơi căn gác nhỏ, những cây nhựa ruồi xung quanh, những cây quế phía trước, rồi đến cái nhà kho chứa củi ở phía sau nữa, tất cả đều mang lại cho người ta cảm giác thân thương, yêu mến.
Đã về đến nhà rồi, đây là nhà của tôi. Cha tôi, mẹ tôi ở đây, vậy đây chính là nhà của tôi. Mẹ tôi, bà tôi dắt tôi đi hết một vòng quanh nhà. Cái gì cũng làm cho con người ta cảm thấy mới lạ, những làn ánh sáng lọt qua khe vách gỗ của kho chứa củi, những thanh củi vừa mới chẻ vẫn còn đang toả hương thơm, khi bà tôi tiếp thêm củi vào bếp, củi vẫn còn phát ra những tiếng nổ lách tách, ngọn lửa trong bếp nhảy múa chập chờn trước mắt, ôi, lại còn cả con gà mái nuôi béo mầm kia nữa, nó vừa mổ những hạt sạn nhỏ vừa kêu cúc cúc trên vạt đất nhỏ sau bếp.
Cha tôi ra sức bỏ thêm than vào chiếc lò nhỏ, cố sao cho nước tắm trên bếp chóng sôi. Bà tôi đổ thêm thật nhiều dầu mỡ vào chảo, chiếc môi sắt va vào thành chảo vang lên những tiếng lanh canh, và bà làm không biết bao nhiêu món thức ăn. Mẹ tôi lôi tất cả quần áo tôi mang theo về, giặt tuốt, rồi lại trút hết vào nước nóng vừa nấu vừa ninh, vì sợ tôi mang theo chấy rận về nhà. Ôi chao, chiếc áo len màu xanh lục đẹp, mà chị cả vừa đan xong, từ nơi xa xôi ngàn dặm gửi bưu điện đến cho tôi, coi như hỏng bét, nó không những bị thôi màu, trở thành nhuôm nhuôm, mà còn rúm ró lại, vừa ngắn, vừa chật, thật là đau xót.
Tắm táp xong, đánh bộ quần áo của mẹ vào, tôi thật đúng như người lột xác. Còn được ăn bữa cơm bà nấu, mới ngon lành làm sao!
Cha tôi, mẹ tôi, bà và tôi, ngồi quanh chiếc bàn vuông, mỗi người một mép bàn, nhưng tất cả chẳng ai đụng đũa, chỉ ngồi nhìn một mình tôi ăn. Tôi đã về nhà rồi đây, sau cả một buổi chiều nhốn nháo, nhộn nhạo, ồn ào. Cho đến tận sau bữa cơm tối mới có thể gọi là tạm lắng lại. Tất cả gia đình tôi ngồi cả lại ở phòng ngoài, tôi ngồi sát vào với mẹ tôi, mọi người hỏi, tôi trả lời, tôi hỏi, mọi người trả lời. Tất cả những chuyện trong xa vắng, đều muốn tuôn ra một mạch cho hết những vấn đề trong bao năm cách trở cũng chỉ muốn hỏi một lượt cho xong. Mọi người hỏi tôi về đời sống ở Thiểm Bắc sau khi rời Bắc Kinh, được biết rằng, bà con nơi quê xa ấy đối xử rất tốt với tôi khiến ai cũng thấy mủi lòng. Nghe nói tôi tự học được môn châm cứu, nửa đêm cũng đi châm, chữa bệnh cho người ta, mẹ tôi cứ cuống quít cả lên, luôn luôn nhắc tôi phải hết sức chú ý tới an toàn. Bà nghe tôi khoe đã học được nghệ thuật cao trong việc cán mỳ, chỉ lắc đầu chả tin. Tôi nói cho mọi người biết rằng, trong những học sinh cắm chốt ở đó, chỉ có mỗi mình tôi là người Bắc Kinh, đội sản xuất ở Thiểm Bắc của chúng tôi có thể gọi là giàu có, những vụ được mùa, mỗi công (người khoẻ, làm lao động trong một ngày), có thể được hào hai, hào ba. Cha tôi ngồi nghe, mày cau lại.
Mẹ cho tôi biết, Đặng Lâm, Đặng Nam không xin được phép nên không về nhà được. Phi Phi có thể về nhà được, đã đề nghị với Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây giúp đỡ liên hệ với phía Sơn Tây rồi, nhưng chưa thấy Phi Phi viết thư về, nên chưa biết khi nào mới về được tới nhà. Phác Phương vẫn còn nằm trong bệnh viện 301, không biết bệnh tình có đỡ được chút nào không. Còn như cha mẹ tôi, kể từ khi đến Giang Tây tới nay, mọi thứ đều ổn thoả, chỉ có điều là lo lắng cho các con. Bà mách tôi, bà bảo cha mẹ tôi chắt bóp quá, không cho mua thịt và cũng không chịu ăn thịt, dè sẻn dành cho con cái, phòng khi vạn nhất. Cũng may là nuôi được mấy con gà mái, lấy trứng, mỗi ngày được ăn một quả trứng gà, nếu không, ngày ngày đi lao động ở xí nghiệp mà công việc nhà cũng chẳng nhẹ nhàng gì, nhỡ ra ốm đau biết tính sao? Cha tôi cười, nói, tính sao cái nỗi gì? So với những ngày ở Bắc Kinh, từ ngày đến Giang Tây tới giờ, người lại đâm béo ra.
Dưới ánh sáng đèn dịu dàng, chúng tôi chuyện trò, trò chuyện, thao thao mãi chẳng hết lời. Đêm đã khuya lắm rồi, giọng nói cũng đã thấp xuống, nhưng chuyện vẫn cứ nói mãi chẳng hết. Tôi ngồi bên cạnh mẹ tôi, tôi xoa xoa tấm áo bông dầy dặn do bà tôi khâu sau khi tới Giang Tây, thật mềm mại, thật ấm áp. Nghe cha mẹ tôi nói, mà như nghe hát, mà như trong mộng, niềm hưng phấn ban đầu đã trở nên hết sức dịu dàng đầm ấm. Những ngày ở cao nguyên hoàng thổ Thiềm Bắc, bẩy ngày bẩy đêm xe lửa xe hơi, tất cả đều đã trở thành ký ức xa xăm, bay biến vào chân trời.
Đêm đến, tôi nằm rúc vào với bà trên một chiếc giường, đắp chiếc chăn vừa phơi phóng, chừng như vẫn còn đượm ánh nắng mặt trời, bên ngoài cửa sổ, không gió, không mưa, không tiếng động..., lặng lẽ, chỉ một lát sau, tôi đã chìm vào trong giấc mộng rồi!

<< 17. Lao động | 19 Phi Phi về đây rồi >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 276

Return to top