Cổ nhân nói: Phúc hề, họa sở phục. Như thế có nghĩa là, trong khi người ta vui vẻ, thì những chuyện chẳng vui vẻ gì sẽ tiếp bước theo sau. Có điều không may là, những điều người ta nói, lại thường là chính xác.
Trong những ngày đầu vừa mới tới Giang Tây, lương tháng của cha mẹ tôi, vẫn được phát đủ phát đúng y như những ngày trước khi bị hạ bệ, lương cha tôi là cấp hai hành chính, bốn trăm linh bốn đồng (trước “cách mạng văn hóa” quy định, lương cán bộ trung ương từ cấp một đến cấp bốn đều nhất loạt là bốn trăm linh bốn), lương mẹ tôi cấp 12, một trăm hai chục đồng. Nhưng từ tháng 1.1970, lương của cả hai ông bà, tổng cộng lại chỉ có hai trăm linh năm đồng. Mẹ tôi nhờ cán sự Hoàng Văn Hoa hỏi hộ xem, như vậy là ra làm sao. Sau khi Giang Tây hỏi lại Văn phòng trung ương, được trả lời rằng, đây không phải là hệ lương mà là chỉ đổi sang chế độ sinh hoạt phí, số tiền còn lại tạm thời do Văn phòng trung ương quản lý.
Trong “Cách mạng văn hóa”, tất cả đều là chính trị, tất cả đều là tượng trưng của chính trị, vấn đề phát lương cũng là một tiêu chuẩn quan trọng để cân đong đo đếm vấn đề chính trị nặng nhẹ ra sao. Những người bị hạ bệ trong “Cách mạng văn hóa”, nói chung có mấy cách xử lý như sau: ngừng phát lương, hoặc đổi sang chế độ phát sinh hoạt phí, hoặc chỉ phát sinh hoạt phí cho con cái không có công tác, cũng có thể là kể cả sinh hoạt phí cũng chẳng có. Trong số những người chúng tôi quen biết, sau khi cha mẹ bị đánh đổ, đều ngừng phát lương, mà đổi sang chế độ chỉ phát sinh hoạt phí. Cũng có những gia đình hoàn toàn bị cắt lương, không còn có bất cứ một nguồn thu nhập nào khác, có người phải bán đồ đạc trong nhà lấy tiền sinh sống. có người nhờ vào sự giúp đỡ của bà con thân thích. Những con cái của những “băng đen” còn thê thảm hơn. Cha bị giam giữ, mẹ bị bức tử, con cái không còn biết nương tựa vào đâu; số phận vô cùng bi thảm. Có rất nhiều người, trước “Cách mạng văn hóa” là uỷ viên Bộ Chính trị, hoặc bí thư Ban bí thư, đều rơi vào tình trạng như vậy. Trong số con cái của những gia đình ấy, có rất nhiều người là bạn bè từ nhỏ cho đến lớn của chúng tôi. Những thành viên cũ của Ban bí thư như Bành Chân, La Thụy Khanh, Dương Thượng Côn, trong mỗi gia đình họ cả cha lẫn mẹ đều bị bắt, Bạc Nhất Ba, Lý Cảnh Tuyền, Lưu Lan Đào, các ông đều bị bắt, còn các bà bị bức hại đến chết. Hoàn cảnh của các gia đình ấy, so với hoàn cảnh chúng tôi thì chúng tôi còn có thể được gọi là tương đối tốt. Khi bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải, tuy những lúc không có tiền, chúng tôi cũng phải bán đồ đạc, nhưng chúng tôi còn có một thời gian được lĩnh sinh hoạt phí. Sau khi đi cắm chốt, sinh hoạt phí của tôi và Phi Phi cũng ngừng hẳn. Chúng tôi dựa vào sức lao động của mình để sống, tiền lương của hai chị tôi sau khi tốt nghiệp đại học, được phân công công tác, cũng san sẻ cho ít nhiều, nên không thể coi là đã rơi đến chỗ bi thảm nhất. Sau khi cha mẹ tôi đến Giang Tây, lương vẫn phát đều như trước, và lại còn được thư từ với chúng tôi. Có thể nói được là: kể từ khi có “cách mạng văn hóa” tới nay, gia đình tôi còn gọi là sung túc. Vậy mà, trong khi đang được gọi là tương đối ổn định như thế, thì bị cắt bớt lương.
Ở Bắc Kinh, khi bị đấu tố hung hãn nhất, tiền lương vẫn không bị cắt hoặc giảm, vậy mà sau hai tháng tới Giang Tây, lương bỗng bị cắt bớt – hoặc nói theo cách nói của trên là: chuyển sang chế độ sinh hoạt phí. Cứ theo như cung cách xử lý vấn đề chính trị từ “Cách mạng văn hóa” tới nay, thì đây dứt khoát không phải chỉ là vấn đề tiền nong. Cho nên có việc này, trong lòng không thể không nghĩ tới nhiều việc khác. Phải chăng đây là điều dự báo sự thay đổi mới về vấn đề chính trị. Phải chăng đây là dự báo một “xu hướng chính trị nặng nề hơn?” Xu hướng chính trị này sẽ là thế nào?
Từ tiền lương đổi sang chế độ sinh hoạt phí, vào giữa lúc mở đầu năm mới năm 1970, khiến cho cả gia đình tôi phải nghe ngóng, bồn chồn.
Ngày 9.2.1970, cha tôi lại cầm bút viết thư cho Uông Đông Hưng.
Thư mở đầu bằng việc thông báo tình hình, cha tôi viết:
“Kể từ lần viết thư trước đến nay cũng đã hơn hai tháng rồi. Trong thời gian này, mọi việc sinh hoạt, lao động và học tập của chúng tôi vẫn không có gì thay đổi so với báo cáo lần trước. Hàng ngày vẫn tới xí nghiệp (thời gian lao động giảm bớt một tiếng), đọc sách, đọc báo nghe phát thanh. Ngoài việc đến xí nghiệp, tôi và Trác Lâm chưa bao giờ ra ngoài. Ngoài việc thư từ cho con cái, chúng tôi tuyệt đối không có thông tin liên lạc với bất kỳ người nào”.
Trong “Cách mạng văn hóa”, những thư từ mà cha tôi viết gửi trung ương, trừ những vấn đề chính trị ra, thì tất cả những yêu cầu mà ông đề ra, hoàn toàn là về lũ con cái chúng tôi. Trong thư này, ông viết:
“Thượng tuần tháng mười hai, đứa con gái nhỏ của tôi là Mao Mao đã về nhà. Đầu tháng giêng con trai nhỏ của tôi là Phi Phi cũng đã về nhà (chúng sắp trở lại nơi lao động). Chúng tôi đã hơn hai năm không được gặp mặt các con, nên được bất chợt gặp lại, thật là sung sướng quá. Thực ra tôi cũng mong muốn và hy vọng hai cô con gái lớn (Đặng Lâm và Đặng Nam) được trở về đoàn tụ, các cháu không xin được phép nghỉ. nếu các cháu có được dịp về thăm nhà thì thật may”.
Ông còn viết:
“Con gái lớn của tôi là Đặng Lâm có viết thư về cho biết, trường học của cháu sắp phân phối công tác, cháu có đề nghị với lãnh đạo cho được đổi nghề (tức là không làm những công việc có tính chất mỹ thuật nữa, vì bản thân cháu không được phép làm mỹ thuật), cháu muốn được về làm việc ở một công xưởng nào đó. Chúng tôi cũng có cùng hy vọng như thế. Hơn nữa cháu năm nay đã hai mươi tám tuổi rồi, hoàn cảnh cá nhân, lại do không có điều kiện, nên đến nay vẫn chưa có nơi nào gửi gắm, sức khoẻ cũng lại kém, cho nên nếu về nông thôn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, ngay cả việc đi theo ca, tám giờ lao động trong công xưởng, cũng đã là chuyện khó. Cho nên nếu như được phân công cho làm một công việc có tính kỹ thuật như thư phái văn thư, bảo quản... thì tương đối phù hợp với tình hình sức khoẻ của cháu. Việc này, khi còn ở Bắc Kinh tôi cũng đã có nhắc tới với ông, nay nếu có khả năng tôi khẩn thiết đề nghị ông giúp đỡ cho. Tôi vô cùng cảm ơn.
Tái bút: Nếu có thể phân công cho cháu. Được gần chỗ chúng tôi (trong điều kiện chúng tôi sẽ ở lại Nam Xương lâu dài) thì đó là ước vọng cao nhất của tôi và Trác Lâm.
Sau khi đưa ra những đề nghị cho con cái, cha tôi đề cập tới vấn đề sinh hoạt phí. Ông viết:
“Bắt đầu từ tháng giêng năm nay, trung ương sẽ cấp sinh hoạt phí mỗi tháng cho chúng tôi là hai trăm linh năm đồng. Ngay trong tháng giêng tôi đã nhờ các đồng chí trong ủy ban cách mạng tỉnh Giang Tây thỉnh thị giúp, xem có phải đó là con số sinh hoạt phí chúng tôi sẽ lĩnh từ nay cho đến lâu dài về sau này không, nhưng vẫn chưa được trả lời. Trước đây ít hôm, chúng tôi cũng đã được lĩnh tiền tháng hai, vẫn chỉ là hai trăm linh năm đồng, chúng tôi lập tức hiểu rằng đây là quy định mới, và chúng tôi sẽ tuân theo quyết định này, để thu xếp lại đời sống của chúng tôi. Tất nhiên, xin thực thà mà nói, số tiền đó sẽ không phải là không có khó khăn đối với một gia đình chín nhân khẩu chúng tôi (gồm hai vợ chồng tôi, bà kế mẫu của tôi, năm đứa con, và một đứa con của chị bà Trác Lâm mà chúng tôi vẫn nuôi dưỡng), bởi vì ngoài Đặng Lâm đã có lương ra (bản thân cháu cũng ốm yếu, may lắm mới tự sống nổi), thì cháu trai lớn nhất của tôi là Đặng Phác Phương hiện đang nằm bệnh viện, mỗi tháng cũng phải chi hết khoảng ba mươi nhăm đồng (hai mươi đồng tiền cơm do bệnh viện quy định, mười đồng tiền thuốc lá và tiêu vặt), hai cháu là sinh viên mỗi cháu mỗi tháng cũng độ ba mươi đồng, cả ba cháu cộng lại là khoảng chín mươi đồng cho đến một trăm đồng. Ba người chúng tôi ở Nam Xương chỉ còn một trăm đồng để chi tiêu. Ngoài ra, tôi còn con gái nhỏ Mao Mao và con trai nhỏ Phi Phi lao động ở công xã cũng chỉ đủ tiền ăn, còn tất cả các thứ chi dùng khác của hai cháu này, chúng tôi cũng phải lo. Thêm nữa, chúng tôi cũng còn phải dành dụm lấy một số tiền lộ phí cho các cháu khi chúng về thăm nhà (đường xa, mỗi lượt đi về cũng phải chi tiêu chừng một trăm đồng), lại còn thêm cả tiền ăn uống khi các cháu ở lại nhà (khi các cháu về, gia đình phải ăn tươi một chút). Ngoài ra, hàng năm cũng còn phải mua sắm thêm đồ dùng, quần áo. Tính như thế cũng là quá dè sẻn rồi. Nhưng một khi đảng đã quy định thống nhất như thế, chúng tôi cũng sẽ chẳng có lý đo gì mà đề nghị những điều vượt ra ngoài khuôn khổ, cho nên đành phải trích từ một trăm đồng tiêu dùng hàng tháng của bản thân chúng tôi tiết kiệm lấy khoảng hai ba chục đồng mỗi tháng, tích lại, dành cho mỗi đứa con, một năm được về thăm nhà một lần, làm tiền lộ phí. Cuộc sống mới ấy rồi cùng sẽ quen dần”.
“Cuộc sống mới ấy rồi sẽ quen dần”, câu nói ấy là để nói với trên tổ chức, nhưng cũng là để nói với mình. Thư đã viết xong, cha tôi vẫn cảm thấy chưa hết, nên lại cầm bút viết tiếp và đề nghị: mỗi lần con cái về nhà, tốn kém rất nhiều lộ phí, nên đều rất khó khăn, sau này mong sao cháu Mao Mao được điều về những địa phương gần gần”... Cuối thư cha tôi ký tên mình.
Đọc lại lá thư trên, mặc dù hôm nay đã cách đó gần ba chục năm nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự lo lắng đang đầy ắp trong trái tim ông. So với những ngày giam cầm cấm cố, hoàn toàn cách tuyệt với người thân, nay được gặp mặt con cái, thì cũng đã là cao hơn ước vọng rồi. Nhưng hoàn cảnh chính trị trước mắt còn đang đây bất trắc lại thêm gánh nặng gia đình nên lòng ông vẫn còn ngổn ngang những ưu tư, ông không thể không tính toán, không thể không nghĩ ngợi, không thể không vì gia đình, vì con cái, đi đề nghị trợ giúp. Lá thư đó gửi đi, tuy không có trả lời, nhưng cũng chẳng có biến động bất lợi về chính trị.
Không có biến động gì bất lợi về chính trị, đó là một điềm lành, nhưng khi tình hình kinh tế có thay đổi, thì đời sống gia đình cũng xuất hiện có biến động theo.
Trước hết cha tôi nhằm vào khoản chi tiêu vốn đã rất chắt bóp rồi để tiết kiệm. Thịt, khi con cái ở nhà, cần phải ăn, con cái không có nhà, cố gắng không ăn, cần nuôi thêm gà để lấy trứng và cũng có thể ăn thịt. Mỗi bữa có thức ăn thừa, cơm thừa, cất đi, ăn tiếp vào bữa sau. Còn có khoản tiết kiệm khác nhằm vào thói quen đời sống đã có từ nhiều năm của ông như trà, đắt quá, từ nay sẽ không uống nữa. Rượu, chỉ mua loại rượu Tam Hoa rẻ tiền do Giang Tây sản xuất, mà chỉ uống một chén nhỏ vào buổi trưa khi đi lao động trở về. Thuốc đã hút từ mấy chục năm nay rồi, nay bỏ đi hẳn cũng không nổi, nhưng phải giảm. Uỷ ban “cách mạng” Giang Tây có thể mua giúp cho loại thuốc lá nhãn Trung Hoa (Trung Hoa bài), loại không có đầu lọc mỗi tháng có nhiều nhất chỉ mua một tút, hạn chế từ mức ba bốn ngày một bao. Buổi sáng đi làm không hút, chiều và tối chỉ hút vài điếu, đúng giờ, đúng lượng, tuyệt đối không hút nhiều. Chỉ bằng vào tiết kiệm vẫn không ổn, còn phải tìm nguồn khác. Khi mùa đông giá lạnh đã qua đi, xuân vừa chợt đến, cha mẹ tôi liền “khai hoang” trồng rau trong sân trong vườn. Trong những năm chiến tranh, ông bà ở Diên An cũng đã từng khai hoang, khi ở núi Thái Hàng cũng đã từng khai hoang. Còn bây giờ, ông bà muốn khai hoang lại chính nhà mình. Chỉ có tự lúc cánh sinh, mới có thể cơm no áo ấm được. Cha mẹ tôi khai hoang, tôi và Phi Phi khi đi cắm chốt ở nông thôn cũng học được tý chút công việc ruộng nương, thế là có chỗ đâm ra để dùng. Phi Phi có sức khoẻ, lại tự xưng là “kinh nghiệm cấy cầy đây mình”, nên việc “khai hoang” rõ ràng là việc của cậu ta. Cậu ta thít lại chiếc thừng rơm trên bụng, cố ý vung lưỡi cuốc lên thật cao, đầy vẻ “đội sản xuất Đại Trại” ra quân. Cậu ta vừa ra sức cuốc đất, vừa lảm nhám không ngừng: “Chúng ta là đội sản xuất Đại Trại, lên phải cuốc bẫm cày sâu như thế”. Bà tôi nhìn cậu ta cuốc, đất bắn tung tóc khắp nơi, bà ở bên cạnh cứ luôn mồm nhắc: “Làm gì mà phải cuốc sâu thế cháu, chỉ là để trồng mấy cây rau thôi mà!”.
Chẳng bao lâu sau, đất cát đã được cuốc xới xong, cha tôi lấy cuốc đánh thành luống, thành rãnh. Mẹ tôi mang cái ghế con ra ngồi bên cạnh, nhặt bỏ những hòn sỏi hòn đá ra bên ngoài luống. Bà tôi mang tất cả các thứ nước vo gạo. rửa cháo, rửa bát đổ ra đấy. Cả nhà góp sức, một mảnh đất lớn trước sân đã được vun vén gọn gàng. Chiến sĩ Tiểu Hạ mua giúp về cho một ít hạt giống, ớt, đậu tằm, đậu đũa, cà chua, cà tím, rau cải trắng. Chúng tôi moi những lỗ nhỏ, gieo hạt giống vào, mỗi loại cây một luống, rồi vùi đất, sau đó tưới nước. Vườn rau mới vỡ, mùi đất mới thoang thoảng hương thơm. Mảnh đất trước kho chứa củi ở sân sau, cũng được chúng tôi vỡ vạc ra. trồng mướp và mướp đắng. Mấy chú gà con mới mua về, lăng xăng chạy theo mẹ tích tích, tích tích vui vẻ kiếm ăn. Mảnh sân vốn xơ xác hoang vắng, nay trông đã sinh động hẳn lên. Khi nghĩ đến chẳng bao lâu nữa, những mầm rau xanh non mượt mà sẽ đội đất chui lên, nghĩ tới chẳng bao lâu nữa những con gà chíp bé bỏng sẽ lớn lên, đẻ trứng, cục ta cục tác, là tôi đã mường tượng đến niềm vui gặt hái. Những người trong nhà tôi, bất kể là tình cảnh khốn khổ đến nhường nào, bao giờ cũng bằng mọi khả năng để tìm ra những mầm vui trong những hoàn cảnh bi thảm nhất. Qua những mài giũa, lăn lóc trong các loại sinh sống, các loại chính trị trong “cách mạng văn hóa”, qua bản thân cha tôi cùng những thực tế trong cuộc sống, chúng tôi đã học được nhiều điều. Chúng tôi biết rõ ràng, niềm vui và hạnh phúc, phải tự mình đi mà tìm kiếm lấy, tự mình đi mà giành lấy, khốn khó và đau thương cũng phải bằng sự kiện cường nỗ lực của mình mới khắc phục được. Càng trong nghịch cảnh, lại càng phải giữ lấy sự lạc quan. Đúng như một câu trong bài “quốc tế ca”: Xưa nay chẳng có vị Chúa cứu thế nào, và cũng chẳng phải dựa và ông Tiên, ông Thánh nào, muốn tạo được hạnh phúc cho nhân loại, chỉ có dựa vào chính chúng ta”.
Tiết kiệm, vun trồng, tất nhiên là một việc hay rồi. Nhưng cha mẹ tôi, đặc biệt cha tôi, có khi đã dè sẻn, chắt bóp một cách quá đáng, bằng những cách thức khó có thể làm cho người khác chấp nhận, và cũng sẽ không tránh khỏi sự tranh cãi, không tán thành nhau. Thí dụ, ăn cơm nguội, chúng tôi tán thành, nhưng cháo thiu mà cha tôi vẫn húp, chúng tôi kiên quyết không chịu. Nhưng cha tôi lại nói: “Có làm sao đâu nhỉ. Đun sôi lên, vi khuẩn chết hết, bụng dạ tôi tốt, ăn vào có làm sao?”. Gặp phải những chuyện như thế, chúng tôi đành bó tay, chỉ còn biết tức đến trợn mắt lên. Lại ví dụ như muốn cho mầm rau lên thật tốt, điều đó chúng tôi tán thành; nhưng lại bắt chúng tôi bón “phân nông dân” (ý nói phân tươi - N.D), chúng tôi kiên quyết không theo. Ôi chao. Cuộc sống có hài hòa đến đâu cũng vẫn có sự cọ sát, mặt nước dù phẳng lặng đến đâu cũng vẫn có những lớp sóng lăn tàn. Biết làm sao được” Ngày xuân ở Giang Tây, không phải là âm u, mà là mưa rơi, chẳng giống nắng hanh vàng ở phương Bắc. Nhưng khi xuân tới, cái cảnh lạnh lẽo xác xơ của vườn trường mùa đông đã như thức giấc, hoạt động trở lại. Mưa xuân không ngừng, không nghỉ từng giọt, từng giọt, lách tách, lách tách, rơi rơi, điểm đầy trên lá, thấm nhuần mặt cát. Trên những cây nhựa ruồi xanh đến bất chợt nảy ra từng lớp, từng lớp những cành lá mầm non, những đám cỏ khô vàng úa thấp lè tè trên mặt đất đó, cũng túa lên những mâm xanh. Trên khu đồi nhỏ, trên các sườn dốc, những cây đào núi bình thường chẳng ai chú ý tới, cũng đã chúm chím nụ hoa, và rồi không biết lúc nào, chúng tung cánh nở, những cánh hoa đào núi, hông hồng, tươi tắn, nồng nàn, từng vạt từng lớp bát ngát trải dài, như mây như khói, tưng bừng đua nhau nở trong những trận mưa bay thánh thơi, không ràng buộc. Ôi! Lại còn nhưng bông hoa dành dành, nhú những đâu nhọn trắng như tuyết từ bên trong lớp vò xanh đậm ra nữa, và sẽ đột ngột xòe nở. Những hạt mưa bay lất phất, đậu lâu trên những cánh hoa trong trắng như ngà ngọc thơm hương, không lăn rơi với đây vẻ lưu tuyến nuối tiếc...
Mùa xuân ở phương nam đã đến như vậy. Xuân đến, nhà tôi đã đoàn tụ được ba tháng rồi. Mừng như thế nào? Vui ra sao? Cứ nghĩ cũng biết. Trong thời gian ấy, Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây đã từng tỏ ý, có nên lưu bọn trẻ ở nhà quá lâu như vậy không. Chúng tôi hoàn toàn không hiểu nổi. Nhưng, sau những niềm vui gặp gỡ, cuối cùng rồi cũng phải chia tay.
Tháng ba rồi, mùa xuân của phương bắc cũng đã tới, cũng là mùa cày bừa gieo hạt vụ xuân, các học sinh đi cắm chốt ở các công xã sau ngày nghỉ cũng lục tục kéo về đội sản xuất. Phi Phi cũng phải đi rồi. Bà tôi, mẹ tôi thu xếp hành trang cho Phi Phi, chiếc áo bông cũ, quần bông cũ, đã được giặt giũ sạch sẽ, vá víu cẩn thận. Hôm lên đường, Phi Phi hoàn toàn sạch sẽ, ngang lưng vẫn thắt chiếc thừng rơm, nước da đen sạm do nắng gió nông thôn đốt cháy cũng đã phai màu, gương mặt đầy vẻ hồng hào khỏe khoắn, cặp lông mày đen rậm kéo vào tận giữa trán khít lại thành một vệt, nếp môi lên, vuông vức, đã lơ thơ xuất hiện hàng râu lơ. Chào bà cùng cha mẹ xong, Phi Phi quay người bước đi bằng những bước đi vững vàng, chắc nịch.
Cậu con trai, đã hoàn toàn thành một chàng trai trưởng thành, nhưng cha mẹ tôi vẫn canh cánh âu lo. Đương nhiên, mẹ tôi chẳng nén nổi nỗi xúc động của mình, nên nước mắt đã tràn trề. Còn niềm thương cảm của cha tôi, ông vẫn chôn chặt trong lòng. Ông vẫn lặng lẽ, vẫn bền bỉ đến xí nghiệp lao động, trong khi lao động, ông bị cảm đột ngột, da mặt bợt bạc, mồ hôi lạnh ứa ra đầy trán. Mẹ tôi nghe tin, vội cùng với công nhân dìu cha tôi ngồi xuống. Mẹ tôi biết rằng, cha tôi lại tái phát bệnh cũ. Đường huyết thấp, bà hỏi những người công nhân xung quanh xem có ai có đường không, bà bảo ông chỉ cần uống một chút nước đường là khỏi. Cô công nhân Trình Hồng Hạnh vội về khu tập thể công nhân gần đó pha một cốc nước đường mang tới. Cha tôi uống xong, đã cảm thấy dễ chịu ngay. Trong xí nghiệp không có ô-tô, ông trung đội trưởng Đào Đoan Tấn lấy một chiếc máy kéo, tự lái, đưa cha tôi về trường bộ binh, lại còn dìu cha tôi lên gác nằm nghỉ. Chúng tôi kéo kín rèm cửa sổ, để cha tôi được nghỉ ngơi yên tĩnh. Chúng tôi biết rằng, cha tôi lâm bệnh kỳ này, nguyên nhân hoàn toàn nằm ở chỗ con trai phải ra đi. Trong lòng cha tôi, gia đình, người thân, con cái là những điều quý trọng nhất, đồng thời cũng là cái ông duy nhất có hiện nay. Con trai phải đi xa, không biết đến bao giờ mới được gặp lại, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng không thể không thương, không nhớ, không lo âu. Phi Phi đi chẳng được bao lâu, đến lượt tôi cũng phải trở về Thiểm Bắc. Thực tình, tôi chẳng muốn đi tý nào. Đi một mình, đi một chặng đường dài như thế, đi về đội sản xuất chỉ có một mình tôi là thanh niên trí thức. Làm nông, ăn bánh kẻ đen, ăn bột mỳ xấu, ăn cám, tất cả những cái đó đối với tôi chẳng có nghĩa lý gì. Điều tôi lo lắng, chính là ba ông bà già. Tôi không muốn họ bị giam cầm cô đơn trong mảnh sân nhỏ của trường bộ binh này. Một khi tôi ra đi, cái tôi để lại cho bà, cha mẹ chỉ là nỗi biệt ly, niềm trông ngóng, cùng với sự nhớ thương dằng dặc.
Khi ở trên cao nguyên thượng của cao nguyên hoàng thổ rộng bát ngát mênh mông, điều tôi nghĩ ngợi, điều tôi tưởng nhớ, chính là những điều này, mong sao cho thời gian trôi nhanh, mau mau chóng chóng qua đi, rồi đến mùa thu, rồi thu hoạch, và vội vã về nhà, như một cánh chim ngang trời, mọc thêm đôi cánh vụt bay, vụt bay...