Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 43152 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa
Mao Mao

10. Tháng năm khủng khiếp

Một ngày trong tháng năm, bất chợt có hai chiếc ô-tô tải lớn xộc vào sân nhà tôi, một lũ tạo phản côn gậy trong tay xông thẳng vào nhà, chúng vây bắt Phác Phương và Đặng Nam, lấy vải đen bịt mắt, vừa kéo vừa đẩy tôi ra khỏi nhà, kéo lên ô-tô. Bọn tạo phản hùng hùng hổ hổ gào to những khẩu hiệu “Đả đảo Đặng Tiểu Bình” và “Đả đảo lũ chó con phản cách mạng”, rồi cho xe phành phạch chạy. Khi ấy nhà còn lại bà tôi, tôi và Phi Phi, chỉ còn biết tròn mắt há miệng chẳng biết nói gì, trân trân đứng nhìn cái xe lao đi trong đám bụi mù mịt.
Kể từ khi Cách mạng văn hoá bắt đầu tới lúc đó, chúng tôi đã từng phải chịu nhiều lần khám nhà, đấu tố, nhưng lần này phải chứng kiến cảnh anh chị mình bị đột ngột bắt đi một cách khủng khiếp như thế, thực đã làm tất cả chúng tôi sởn lóc gáy. Nỗi kinh hoàng khôn xiết từ trong lòng dâng lên đã nén chặt những tiếng gào khóc của chúng tôi lại trong cổ họng. Từ đó, trong nhà chỉ còn lại ba bà cháu già trẻ, hơn thế nữa, lại hoàn toàn không biết được anh tôi, chị tôi đang lưu lạc nơi đâu, thậm chí còn không được biết đến cả sự sống chết của anh chị thế nào, khiến chúng tôi càng thêm đau đớn bằng hoàng, cả một màn bi thương, lo sợ trùm phủ lên cuộc sống của chúng tôi.
Sau khi Phác Phương và Đặng Nam bị bắt trở lại nhà trường, trước hết là bị giam ở một tầng lầu ký túc xá vốn là một bản doanh chiến đấu của bọn tạo phản, sau chuyển sang giam ở khu nhà tầng khoa vật lý. Họ bị giam ở gian nhà hai phòng, phòng trong phòng ngoài, mỗi người một phòng có người canh gác, cấm hẳn việc trò chuyện, nói năng. Bọn tạo phản thường xuyên lôi tôi thẩm vấn riêng rẽ từng người. Khi bị đi thấm vấn, bao giờ cũng bị bịt mắt bằng vải den, rồi có người đưa đến phòng thầm vấn. Chúng vừa gào thét chửi bới vừa xét hỏi, thỉnh thoảng lại bị bất chợt đánh bằng gậy, hoàn toàn không biết trước mà đề phòng. Nội dung các cuộc thẩm vấn vẫn chỉ nhằm vào một “vấn đề” vạch tội Đặng Tiểu Bình. Khi đó, chính là lúc Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình được thành lập, gấp rút tìm kiếm “chứng cứ tội trạng” để thêu dệt ra bản báo cáo tổng hợp “tội trạng” Đặng Tiểu Bình. Lâm Bưu, Giang Thanh và bè lũ cũng đang tìm kiến đột phá khẩu, chúng cho rằng, lũ con cái Đặng Tiểu Bình, đặc biệt là mấy đứa lớn, thế nào cũng biết, nên đã chỉ thị cho tay chân nanh vuốt là Nhiếp Nguyên Tử, tên trùm sò nổi tiếng, lên phất cờ tiên phong của phái tạo phản trường đại học Bắc Kinh, bắt con cái của Đặng Tiểu Bình đề từ đó mà tìm cho ra “chứng cứ”. Nhiếp Nguyên Tử căn cứ vào ý đồ của chủ, bí mật lập kế hoạch, đầu tiên là cho người đến “trinh sát” chỗ ở của chúng tôi tại Phương Hồ Trai, xác định được chúng tôi đang có mặt tại đó, rồi sai mấy chiếc ô-tô cùng đoàn Hồng vệ binh đến bát gọn, lôi Phác Phương và Đặng Nam về trường học, tiến hành thẩm vấn bức cung.
Kể từ khi Cách mạng văn hoá bắt đầu tới nay, trong thời gian gần hai năm, bất kể là phong trào hung dữ như thế nào, bất kể là hoàn cảnh hiểm nguy ra sao, những đứa trẻ nhà họ Đặng Tiểu Bình chúng tôi, ngoài việc phải phê phán cha mình tý chút để đối phó ra, chưa hề có lúc nào chúng tôi lại có ý phân giới tuyến và tố giác cha mẹ mình. Bởi chúng tôi tin tưởng rằng, cha mẹ chúng tôi hoàn toàn vô tội. Chúng tôi yêu cha mẹ chúng tôi, và nguyện cùng chia hoạn nạn với cha mẹ mình. Trong nhà chúng tôi, tình thương yêu ruột thịt giữa cha mẹ và các con khó có thể dùng ngôn ngữ mà nói cho hết được.
Sau khi Cách mạng văn hoá kết thúc, cha tôi đã nói với mẹ tôi rằng: Những biểu hiện của con cái mình trong Cách mạng văn hoá đều rất tốt, chúng đã phải chịu đựng bao nhiêu khổ nhục vì mình. Ta phải bù đắp cho chúng nhiều hơn nữa.
Chính vì tình thương yêu ruột thịt đầy ắp trong cõi nhân gian này khiến cho gia đình chúng tôi dù bị hãm vào hoàn cánh cấp bách, nguy khốn nhưng vẫn có được điểm tựa tinh thần cuối cùng.
Trong trường đại học Bắc Kinh, được sự chỉ đạo của các ông kễnh Cách mạng văn hoá, bọn tạo phản đã sử dụng bằng hết mọi thủ đoạn độc ác đê tiện đè ép buộc, khủng bố, đánh đập và ngược đãi Phác Phương cùng Đặng Nam. Về sau này. Đặng Nam nói với chúng tôi: “Khi ấy chị sợ hết hồn, nhưng sợ cũng chẳng ích gì. cho nên chỉ còn cách là đấu lại. Chị nói: “Cha tôi chẳng bao giờ nói chuyện công tác ở nhà, mà có nói, tôi cũng chẳng làm sao mà biết được. Tóm lại, cứ nghiến chặt rằng vào, chẳng nói gì hết”. Còn Phác Phương lại nói với bọn tạo phản rằng: “Mọi chuyện trong nhà, chỉ có một mình tôi biết, còn các em trai em gái lôi chẳng biết một tý gì cả. Nếu cần hỏi, cứ hỏi tôi đây này”.
Trong giam cầm, Phác Phương và Đặng Nam luôn nghĩ đến các trai em gái mình đang ở bên ngoài. Một hôm, nhân lúc bọn tạo phản sơ suất Phác Phương lén giúi cho Đặng Nam một mẩu giấy, thống nhất lời khai báo. Đặng Nam xem xong nghĩ ngay tới việc phải thông báo điều đó với toàn thể anh chị em trong nhà. Nhưng chúng canh giữ chặt chẽ thế, biết xoay xở ra sao?. Rồi trong cái khó ló cái khôn, chị nói với bọn tạo phản, khi bị bắt chị chẳng mang theo người được cái cái gì nên muốn nhắn người nhà mang vào cho một ít đồ dùng vệ sinh phụ nữ. Lần này bọn tạo phản đồng ý. Lòng dạ tôi đang rối ren tơi bời như có lửa đốt vì chẳng biết một tý tin tức nào của anh chị từ khi bị bắt, nên khi được thông báo, bèn thu xếp mọi thứ, đi thẳng đến trường đại học Bắc Kinh.
Bắc Đại, trường đại học Bắc Kinh, một học phủ cao đẳng rất nổi tiếng xưa nay, một trường đại học đối với gia đình tôi mang rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Mẹ chúng tôi, năm 1936 đã thi vào khoa vật lý đại học Bắc Kinh. Anh tôi, chị tôi chịu ảnh hưởng của mẹ tôi, cũng đều tiếp tục thi vào học tại trường này, và vẫn chọn khoa vật lý. Còn tôi, ngay từ ngày đi học tiểu học, tôi cũng đã mong mỏi thi vào đại học Bắc Kinh, nhưng là thi vào khoa sử. Bắc Đại, trong tim trong óc tôi, là một cung điện thần thánh đầy mộng tưởng. Nhưng lần này, tôi đến đại học Bắc Kinh, lại có một cảnh tượng khác với tưởng tượng của tôi cả trời cả vực. Trong khuôn viên nhà trường rợp trời báo chữ to, lớp nọ đè lớp kia, dán đầy ắp trên tường, có những tờ bị xé nát, gió thổi bay tứ tung mặc cho mọi người giày xéo trong hỗn độn, ngổn ngang. Rất nhiều cửa ra vào và cửa sổ của những ngôi nhà bị đóng nẹp ván, hoặc nẹp sắt, có những cửa ra vào cầu thang đắp chướng ngại vật và công sự, nhìn qua cũng biết làm vậy là để đánh nhau. Những người tham gia chiến đấu, tay cầm gậy gộc, xếp hàng, đội ngũ lộn xộn đi qua, có người đội trên đâu chiếc mũ bảo hộ lao động đan bằng mây thay thế cho mũ sắt, người đi lại trong vườn trường thưa thớt, sắc diện đầy vẻ nghiêm trang trầm trầm, không khí đã khác hẳn so với hồi đầu Cách mạng văn hoá, nhộn nhạo, chen chúc đọc báo chữ to. Cả một vườn trường rộng lớn đã điêu tàn lạnh lẽo.
Tôi vốn đóng cửa ngồi nhà suốt ngày không ra ngoài, từ xưa tới nay chưa bao giờ trông thấy cảnh trận mạc ghê gớm như thế nên cũng thấy hoảng sợ. Đến khu nhà tầng khoa vật lý, nhìn kỹ lại càng thấy cảnh thành luỹ nghiêm ngặt hơn. Ngôi nhà xám xịt, trước nhà không một bóng người, tất cả cửa sổ tầng dưới đều có nẹp gỗ đóng kín, cửa lớn ra vào cũng bị những thanh thép gài chặt, chỉ lưu lại một lối đi rất hẹp, trước cửa là một công sự đắp bằng bao cát, rất cao. Tường nhà lem nhem bẩn thỉu, lỗ chỗ lở lói đầy vết đạn, nhìn một cái là nhớ ngay đến câu từ của Mao Trạch Đông:
Đương niên ngao chiến cấp.
Đạn động tiền thôn bích.
Tạm dịch:
Năm ấy chiến tranh ác liệt,
Tường đầu thôn còn hằn vết đạn xưa.
Sau này được nghe lại mới biết rằng, khu nhà tầng khoa vật lý chính là một trong những đại bản doanh của Nhiếp Nguyên Tử, là căn cứ chiến đấu của họ, cho nên mới phải bố phòng thâm nghiêm đến thế.
Tôi đứng đợi ở trước cửa một lát, đã có người dẫn Đặng Nam ra. May mà bọn tạo phản lại cho chúng tôi được nói chuyện riêng. Trước hết Đặng Nam hỏi han tình hình ở nhà, sau đó mới vội vã nói nhỏ cho tôi biết tất cả những khẩu cung khi họ thẩm vấn, và dặn tôi phải cấp tốc đến học viện mỹ thuật báo ngay cho chị cả đang bị giam giữ tại đó, bảo chị phải cố nén, hỏi gì cũng chỉ trả lời là không biết, cố giữ vững như thế là được. Vì chị cả tôi, bình thường, sức khoẻ vốn đã kém, chúng tôi lo lắng chỉ sợ chị nghĩ quẩn nên bàn cách hết sức an ủi chị, Đặng Nam còn dặn dò bà cháu ở nhà hết sức tìm cách bảo vệ lấy mình.
Nhìn chị bị bọn tạo phản như hung thần quỷ dữ áp giải đi vào bên trong lỗ cửa đen ngòm, khủng khiếp đến rợn người, cái sợ hãi, lo lắng lúc đến đã bay biến mất, trong lòng chỉ còn lại nỗi bi thương dằng dặc. Nghĩ đến việc mình phải làm, tôi vội vã quay đâu bước đi thật nhanh, nhưng vẫn ân hận rằng sao mình lại chẳng đi được nhanh hơn. Tôi không về nhà, mà đi thẳng tới học viện mỹ thuật, tìm chị cả tôi. Tôi lôi chị ra một góc vắng về, tránh xa những cặp mắt soi mói của bọn tạo phản, vội vã nói ngay cho chị cả nghe những lời chị hai dặn dò. Chị cả nghe xong cũng lấy được an ủi phần nào vì được nghe tin về các em. Chị rất xúc động nói: “Các em cứ yên tâm, chị chẳng sợ gì hết, dứt khoát chị chống đỡ được”. Phác Phương và Đặng Nam sau hai tuần bị giam ở khu nhà khoa vật lý rồi lại bị di chuyển. Chị Đặng Nam bị giam vào chỗ đội chiến đấu nằm trong khoa. Sau lần bị tách ra, giam riêng này Đặng Nam không còn biết gì về tình hình của Phác Phương nữa. Bị giam trong khoa, ban đầu, bọn tạo phản suốt ngày thẩm vấn chị, sau thấy hàng ngày hỏi như vậy cũng chẳng moi được gì nên ngày càng nhạt dần đi, sau nữa chúng côn cho phép chị tự xuống nhà ăn lấy cơm.
Xuân đã qua, hè đã lại. Đó là một mùa hè khốc liệt. Trời mỗi ngày mỗi nồng nực, nóng bức đến nỗi mồ hôi lúc nào cũng ướt đầm lưng áo, lòng dạ cũng ngột ngạt. Phái tạo phản Nhiếp Nguyên Tử ở trường đại học Bắc Kinh đã nắm được lũ con cái Đặng Tiểu Bình trong tay, và chúng vốn muốn lợi dụng cái “điều kiện thuận lợi” này để đánh đổ Đặng Tiểu Bình, lập công đức đền đáp công ơn với chủ là Ban Cách mạng văn hoá trung ương. Nhưng đã mấy tháng trôi qua mà vẫn hai bàn tay trắng. Đặng Phác Phương là con trưởng của Đặng Tiểu Bình, nhất định là biết không ít tình hình, nhất định phải có những váng mỡ có thể vớt vát được. Nghe nói chính Nhiếp Nguyên Tử đã từng hạ lệnh: “Nhất định phải lấy được cái gì đó từ miệng Phác Phương”.
Phái tạo phản đẩy mạnh thêm một bước việc thẩm vấn và tàn bạo bức hại Phác Phương. Ngày nào chúng cũng thẩm vấn anh, trên đường đưa đi, khi thẩm vấn, bao giờ chúng cũng lấy vải đen bịt mắt anh lại.
Hồi Cách mạng văn hoá mới bắt đầu, có một lần Giang Thanh, bằng cái giọng eo éo của mình, nói chuyện, mang đầy tính xúi giục kích động ở sân vận động trường đại học Bắc Kinh, anh Phác Phương nhìn cái vẻ đỏng đảnh cao ngạo của mụ, anh đã nói ngay lại chỗ một câu rằng: “Để xem bà ngạo nghễ ngang ngược được đến bao giờ” Bọn tạo phản đã vô lấy “sự kiện” ấy, bắt Phúc Phương cung khai, có phải là “chửi bới” “đồng chí” Giang Thanh không để hòng quàng vào đầu anh tội danh “phản cách mạng”, mà không biết bao nhiêu lần, thôi thúc, hỏi đi hỏi lại, bức bách anh phải tố cáo những “vấn đề” và “tội lỗi” của “băng đen” cha anh là Đặng Tiểu Bình. Phái tạo phản tăng cường thấm vấn và thêm áp lực về chính trị để đánh mắng và sỉ nhục anh, chúng dùng mọi thứ thủ đoạn có thể để tiến hành bức hại đến con người anh. Chúng luôn luôn thay đổi chỗ giam giữ anh, có chỗ giam rất lâu, có chỗ chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí giam cả vào phòng tắm của nhà tắm thuộc ban thể dục thể thao trong trường, trong đó vừa ẩm ướt, vừa âm u, vừa không có ánh sáng mặt trời. Trong thời gian đó, có một lần Đặng Nam xuống nhà ăn lấy cơm đi ngang qua phòng thể dục thể thao, nhìn thấy anh từ rất xa... Ngày hè nóng bức là như thế, mà thấy anh Phác Phương mặc một chiếc áo ngoài cũ kỹ bằng nhung kẻ đày cộp. Rõ ràng đó không phải là bộ quần áo anh mặc khi bị bắt tới trường. Từ xa nhìn tới, trong bóng rất mù mờ, chỉ thấy sắc mặt anh trắng nhợt nhạt, và người mang vẻ cực kỳ ốm yếu. Đối với Phác Phương mà nói, đó là đoạn thời gian khốn khổ nhất của anh. Ở nơi bị giam giữ, ngày tam phục, thịnh hạ, mà Phác Phương không biết nóng, chỉ thấy lạnh từ trong lòng lạnh ra. Anh chỉ còn biết hút thuốc, đó là việc duy nhất để gửi gắm tấm lòng mình. Anh nhờ bọn canh gác mua cho anh hơn hai hào một bao thuốc, anh hút liên tục, cả một ngày anh chỉ dùng có ba que diêm vào sớm, trưa, tối. Có một hôm qua tiếng loa inh tai nhức óc, anh nghe được bọn tạo phản sẽ gộp anh vào với những người anh hoàn toàn không quen biết, định cho cái tội “tiểu tập đoàn phản đảng”. Anh biết rằng, bọn tạo phản quyết không buông tha anh, bọn chúng giam cầm anh, thẩm vấn anh, ngược đãi anh, rồi lại quàng cho anh cái tội “phần tử phản đảng”, “phản cách mạng”, bọn chúng sẽ huỷ hoại tới cùng, tới triệt để cái quyền chính trị tôn nghiêm trên con người anh.
Nhiều người có thể đã đọc cuốn “Tạp cảm chuồng trâu” của Lý Tiễn Lâm tiên sinh. Trong sách, Lý Tiễn Lâm tiên sinh đã mô tả rất tỷ mỷ những hành động tội ác hại người của bọn Nhiếp Nguyên Tử, phái tạo phản của trường đại học Bắc Kinh thời kỳ Cách mạng văn hoá. Phàm là những người đã đọc qua sách này, nhất định sẽ hiểu hết lòng ác độc của phái tạo phản trường đại học Bắc Kinh. Trường đại học Bắc Kinh, một trường đại học danh tiếng nhất trong toàn quốc, bỗng dưng biến thành trại tập trung của bọn phát xít, thành một bản doanh hành hạ ngược đãi con người của lũ khát máu hôi tanh. Ở chính nơi này, không biết bao nhiêu người đã bị oan uổng, ngậm hờn, bị chỉnh đốn, bị bức hại, không biết bao nhiêu con người trong vũ đấu, trong tố đấu, trong tra tấn đã trở thành tàn phế, thiệt mạng, có một giáo sư không cam chịu bị ngược đãi, bị sỉ nhục, đã tự đi tìm lấy cái chết, đã tự sát nhiều lần, đã dùng tới mọi biện pháp như nhảy lầu, uống thuốc (độc), cắt mạch máu, nằm trên đường tàu, cho điện giật... lần thứ nhất không thành, làm lần thứ hai, lần thứ hai không thành, làm lần thứ ba, lần thứ ba không thành, làm lần thứ tư.
Một học sinh phản đối Nhiếp Nguyên Tử, đã bị dùng đinh đóng xuyên suốt xương bánh chè, dùng tăm tre xuyên vào mười đầu móng tay, dùng kìm kéo rút từng đốt xương ngón tay, rồi nhét vào bao tải, đá lăn từ trên hè xuống đất, rồi dùng cực hình tra tấn cho đến khi hơi thở lịm dần. Nguyên bí thư đảng uỷ kiêm hiệu trưởng trường Đại học Bắc Kinh, ông Lục Bình, bị buộc đây thép vào hai đầu ngón tay cái, treo lên trần nhà để tra tán bức cung, buộc phải thừa nhận là “đảng viên giả”, là “phản bội”. Nhà triết học nổi tiếng Phùng Định cũng bị bức tử đến ba lần. Những điều vừa nói trên đây chỉ là một vài ví dụ.
Trong thời gian Cách mạng văn hoá tại trường đại học Bắc Kinh đã có ba người chết trong các cuộc võ đấu, giáo sư, thầiáo, sinh viên đã bị bức hại đến chết có trên sáu mươi người, trong đó có nhà sử học nổi tiếng Tiễn Bá Tán, nhà vật lý nổi tiếng Nhiêu Dục Thái và nhiều học giả khác, đều là những người đã từng được vinh dự phong tặng danh hiệu giáo sư cấp Một. Nhiếp Nguyên Tử và đồng bọn ở trường đại học Bắc Kinh đã phạm những tội tầy trời không có tre trúc nào ghi hết!
Bây giờ nhìn lại, dù nhìn theo góc độ đạo nghĩa, hay nhìn theo góc độ pháp luật, không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng rằng, cả bọn Nhiếp Nguyên Tử, tội lỗi ngập trời, không có cách gì dung tha được. Nhưng vào những năm tháng đó, lại chính là những năm tháng chúng làm chúa tể, chính là những năm tháng bất thường do bọn tạo phản lang sói cầm quyền.
Hoa viên Yến Nam tiêu điều, tiêu điều tới mức sinh linh tàn tạ. Hồ Vô Danh ngầu đục, ngầu đục đến mức bùn rác nổi lên. Cái mùa hè năm 1968 đó, đúng là nóng dị thường, dài dị thường, tới mức con người không sao chịu đựng nổi.

<< 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII | 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 760

Return to top