Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 43169 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa
Mao Mao

42. Thành tựu vĩ đại

Chỉnh đốn tiến hành toàn diện, công việc trăm đầu ngàn mối. Chín năm động loạn, đất nước bị trọng thương, khó bề đứng dậy nổi. Ba tháng 7, 8, 9 năm 1975, Đặng Tiểu Bình bận bịu ngập đầu.
Cùng với việc khởi thảo ba văn kiện, việc chỉnh đốn trong các lĩnh vực cũng trống chiêng rầm rộ khẩn trương tiến hành.
Vào tháng tám, Bộ Giáo dục triệu tập hội nghị toạ đàm, thảo luận vấn đề chỉnh đốn tiến hành trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Từ ngày 26.9.1975 đến ngày 8.11.1975, căn cứ vào chỉ thị “Ngành Giáo dục cần chỉnh đốn” của Đặng Tiểu Bình, bộ trưởng Bộ Giáo dục Chu Vinh Hàm chủ trì khởi thảo: “Đề cương báo cáo công tác giáo dục”. Trong quá trình viết văn bản, Đặng Tiểu Bình còn tiếp tục ra chỉ thị nhiều lần. Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh, thực hiện bốn hiện đại hoá là công tác lớn của đảng, ngành giáo dục có liên quan tới toàn bộ trình độ của hiện đại hoá. Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị cụ thể như sau: “Viễn cảnh phát triển của hai mươi nhăm năm sau này, vấn đề then chốt là ngành giáo dục ta phải bồi dưỡng ra nhân tài”. “Vấn đề người kế tục công tác nghiên cứu khoa học là vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục. Hiện nay đang có một nguy cơ: Không học. Giáo sư có vấn đề chức vị, ngành giáo dục cũng có vấn đề là phải huy động được tính tích cực của các giáo sư”. “Đề cương báo cáo công tác giáo dục” cũng giống như ba văn kiện trong đó có “Cương lĩnh tổng quát”, đã trở thành một trong những văn kiện có tính cương lĩnh để chỉnh đốn toàn diện. Văn bản này tung ra sẽ được quảng đại thầy, trò trong ngành giáo dục nhiệt liệt hưởng ứng và ủng hộ, và cũng đã bị cả đám lũ bốn tên nhìn bằng cái nhìn kình địch.
Tháng tám, Đặng Tiểu Bình đề xuất phải chỉnh đốn toàn diện xí nghiệp. Đồng thời, trong cuộc nói chuyện với hội nghị các xí nghiệp công nghiệp trọng điểm của quốc phòng, với tiêu đề: “Về việc chỉnh đốn các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng”. Trong bài nói của mình, vẫn như xưa vào đầu là ông đã nói toạc móng heo, cờ phướn rõ ràng nêu ra mấy điều: điều một, nhất định phải thành lập một ê kíp lãnh đạo với chữ “dám” đương đầu, dám kiên quyết đấu tranh chống bè phái, và phải xây dựng cho được nội quy, chế độ. Điều hai, nhất định phải duy trì chất lượng của điều một. Không có chế độ trách nhiễm cần thiết, chất lượng khó có thể bảo đảm được. Cần phát huy tính tích cực của cán bộ kỹ thuật. Chẳng phải là các cán bộ kỹ thuật đã từng bị gọi là “Lão Chín” đó sao?(1)
Mao Chủ tịch nói: “Lão Chín không bỏ đi được”. Nói vậy có nghĩa là, cán bộ kỹ thuật cần phải được coi trọng. Điều ba, phải quan tâm tới đời sống của quần chúng. Vấn đề này không phải chỉ nói một câu là giải quyết xong mọi chuyện, mà còn phải làm nhiều nhiều công việc thiết thực nữa. Thí dụ như lao động của công nhân gang thép nặng nhọc là như thế, mà rau thiếu, thịt thiếu, điều kiện cơ bản không đủ bảo đảm, vấn đề ấy cần phải được nghiên cứu giải quyết một cách cụ thể. Đặng Tiểu Bình là một con người làm những công việc cụ thể, trong bài nói của mình, ông cũng chẳng ngần ngại gì mà không nói đến việc phát triển nghề phụ, như thế vừa giải quyết được vấn đề đời sống của công nhân viên chức trong xí nghiệp, lại vừa có thể tăng được thu nhập kinh tế của nông dân.
Tháng bẩy, Đặng Tiểu Bình còn chỉ thị cho Hồ Kiều Mộc đem bài nói “Bàn về mười mối quan hệ lớn” của Mao Trạch Đông đã nói tại hội nghị Bộ Chính trị ở rộng năm 1956 ra chỉnh lý lại. Đặng Tiểu Bình viết thư kiến nghị với Mao Trạch Đông cho phép được đưa văn kiện này ra công khai. Trong thư Đặng Tiểu Bình viết: “Văn kiện này vô cùng trọng yếu, đối với bây giờ và sau này, đều mang ý nghĩa rất lớn về định hướng và chỉ đạo lý luận, mong sao văn kiện được đọc duyệt lại sớm, đọc duyệt xong, sẽ cho in ấn công khai ngay, đồng thời làm tài liệu quan trọng trong việc học tập lý luận trên toàn quốc”.
Với kiến nghị của Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông tỏ ý đồng tình nhưng cũng lại có ý kiến là tạm thời chưa đưa ra công khai vội.
Tháng tám, trong không khí bận rộn trăm công ngàn việc, Cục Xuất bản nhà nước đưa tin về quy hoạch mười năm về việc in ấn từ điển ngôn ngữ Trung quốc và nước ngoài, quy hoạch này đã được Chu Ân Lai phê chuẩn, lại đã được Đặng Tiểu Bình thẩm duyệt phê chuẩn.
Trong chín năm Cách mạng văn hoá, chín năm từ bỏ văn hoá, chín năm không có sách, còn nói gì đến chuyện in ấn phát hành sách công cụ được. Đến nay trung ương đã đề xuất, cần phải điều chỉnh chính sách văn nghệ, chính sách đối với trí thức, đến ngay việc xuất bản từ điển cũng lại được Trung ương. Quốc vụ viện trực tiếp mó tay tới, thật đúng là chuyện đáng mừng. Sự nghiệp văn hoá đã bị dày xéo chà đạp đến thảm hại trong Cách mạng văn hoá, phải chăng thật sự là cây héo gặp mưa xuân, khổ tận cam lai rồi đây?
Tháng chín, trong điều kiện việc chỉnh đốn được tiến hành trong các xí nghiệp, tổ chức công đoàn, cũng bắt tay vào việc khôi phục, đồng thời chuẩn bị việc triệu tập đại hội đại biểu công đoàn toàn quốc lần thứ IX. Trong bút phê “Báo cáo chuẩn bị đại hội công đoàn lần thứ IX”, Đặng Tiểu Bình có chỉ thị: “Công đoàn cần phải nắm sản xuất và đời sống, phúc lợi, không nên vì đã bị phê phán về “Duy sản xuất luận” mà không dám nắm sản xuất, không nên vì đã bị phê phán là “Công đoàn cơm áo gạo tiền” mà sau này không quản đời sống của công nhân viên chức nữa. Điều mà Đặng Tiểu Bình quan tâm, chú trọng là khôi phục sản xuất, hơn thế nữa, là đời sống và phúc lợi của quảng đại công nhân viên chức. Loạn lạc đã ngần ấy năm, mọi nỗi khốn khổ làm quảng đại công nhân viên chức đã phải nếm chịu, quả là quá nhiều rồi. Mọi sự động loạn cần phải chấm dứt, cần phải để cho nhân dân quần chúng được sống một cuộc sống no cái bụng với áo quần đủ ấm. Điều đó chẳng phải là một yêu cầu cao xa gì, nhưng lại là một nhiệm vụ cực kỳ gian nan.
Việc chỉnh đốn quân đội vẫn đang tiếp tục. Ngày 30.8 được Mao Trạch Đông và Trung ương phê chuẩn, Quân uỷ trung ương ra thông báo, điều động bổ sung hàng loạt các sĩ quan cao cấp trong các đơn vị lớn của quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc. Một loạt tướng lĩnh của quân ta, đã từng bị hãm hại và đối xử tồi tệ không công bằng trong Cách mạng văn hoá, nay đã trở lại đảm trách những chức vụ lãnh đạo trọng yếu. Trong quân đội, tuy Trương Xuân Kiều vẫn là chủ nhiệm Tổng cục chính trị, tuy những tàn dư độc hại trong bao nhiêu năm tập đoàn Lâm Bưu nắm quyền vẫn chưa hoàn toàn tẩy rửa hết, nhưng tổng thể mà nói, quân đội ta đã quay trở lại nằm dưới sự lãnh đạo của đảng, và lại do những tướng lĩnh trung thành của đảng nắm giữ. Tầng lớp lãnh đạo được đổi mới và quân quyền được ổn định, vững chắc, điều đó đã dặt được một nền móng vô cùng vững chắc cho cuộc chiến đấu quyết liệt sau này thu được thắng lợi quyết định.
Những vấn đề mà Đặng Tiểu Bình cần quan tâm. thực tế là rất nhiều. Tháng tám, ông triệu tập cán bộ lãnh đạo ngành hàng không, điện tử, Bộ Công nghiệp binh khí và không quân họp, nghe báo cáo, và nhiều lần nhấn mạnh rằng, sản xuất của công nghiệp quân đội phải đặt chất lượng lên hàng đầu, đặc biệt là trang bị không quân. Ngày 19 tháng làm, khi ông ra sân bay tiễn khách nước ngoài, ông đã có cuộc nói chuyện với cán bộ phụ trách hàng không dân dụng về công tác phục vụ của hàng không, ông nhắc tới việc nhân viên công tác hàng không dân dụng cần phải thuần thục nghiệp vụ, cần cố gắng cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao trình độ và cần phải tăng cường bôi dưỡng, huấn tuyện nhân viên nghiệp vụ.
Tháng chín, Đặng Tiểu Bình phát biểu ý kiến về vở kịch nói “Trăm núi ngàn sông” (Vạn thuý thiên sơn), đề nghị các tác giả văn nghệ cần phải dùng thủ pháp của văn nghệ để tái hiện chân thực lịch sử cuộc trường chinh. Có được sự quan tâm của Đặng Tiểu Bình và một số người khác, chẳng bao lâu sau, đã phá bỏ được những rào cản của Giang Thanh và những kẻ khác, những tác phẩm ưu tú như “Ráng biển”, “Ca vũ kịch Trường Chinh” tiếp nối nhau ra đời. Mùa xuân của văn nghệ tuy còn chưa tới, nhưng đã có thể nói cục diện thâu tóm thiên hạ của bè lũ Giang Thanh, cuối cùng đã bị đánh phá.
Từ ngày 12 đến ngày 28.9.1975, đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 3 được tiến hành tại Bắc Kinh. Một cuộc hội nghị tưng bừng của giới thể dục thể thao, ba mươi mốt đoàn vận động viên từ khắp nơi trong toàn quốc, với hơn một vạn vận động viên tham gia đại hội lần này, trong thời gian đại hội, bốn người trong một đoàn, đã sáu lần phá vỡ kỷ lục thế giới, hai người, hai lần lặp lại kỷ lục thế giới, còn có rất nhiều người đạt những thành tích ưu tú. Có được thành quả đó, chính là do Đặng Tiểu Bình sau khi xuất hiện trở lại, phụ trách hệ thống công tác thể dục thể thao, đã cùng với cán bộ quần chúng ngành thể dục thể thao đấu tranh với Giang Thanh cùng bè lũ đang thọc tay vào công tác này. Người gặp chuyện mừng, tinh thần bốc, các nhà lãnh đạo nhà nước như Chu Đức, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình v.v... đã thay nhau đến dự lễ khai mạc và bế mạc đại hội.
Năm 1975, sau khi Đặng Tiểu Bình điều khiển công tác thường ngày của đảng và nhà nước, ông đã kiên định và quả cảm thúc đẩy công cuộc chỉnh đốn toàn diện. Do được toàn đảng và toàn thể cán bộ trong toàn quốc ủng hộ, nên công cuộc chỉnh đốn toàn diện lập tức thấy hiệu nghiệm, nền kinh tế quốc dân đang bị đình trệ, giảm sút đã lập tức có chuyển biến hữu hiệu, bắt đầu nhích lên. Tổng giá trị sản lượng công nông nghiệp, so với năm trước tăng lên được 11,9%, trong đó giá trị tổng sản lượng công nông nghiệp, lương thực, gang thép, than nguyên khai, dầu thô, điện, đầu tư xây dựng cơ bản, vận tải hàng hoá đường sắt, tổng kim ngạch bán lẻ, đều được tăng lên ở mức độ khác nhau. Thành quả của chỉnh đốn toàn diện, chính là thành quả vĩ đại của cuộc đấu tranh mà đảng và nhân dân chống sai lầm tả khuynh” và lũ bốn tên, ý nghĩa của nó không chỉ nằm riêng ở chỗ làm xoay chuyển được nền kinh tế nguy ngập.
Từ một góc độ khác sâu sắc hơn mà nói, thì cuộc đấu tranh gian nan và vĩ đại này đã làm cho đảng và nhân dân toàn quốc nhìn thấy thành quả của cuộc chỉnh đốn, nhìn thấy sức mạnh của hành động, từ đó đã làm thức tỉnh được những hy vọng trong lòng nhân dân quần chúng, củng cố thêm ý chí của nhân dân quần chúng đấu tranh với thế lực tà ma của lũ bốn tên, và làm tăng thêm lòng tín nhiệm của nhân dân đại chúng đối với đảng và tiền đồ của đất nước. Kể từ sau khi phục hồi và trở lại công tác, cuộc đấu tranh giữa Đặng Tiểu Bình và lũ bốn tên chưa có một phút giây ngừng nghỉ. Đặng Tiểu Bình và những người khác ra sức đẩy mạnh chỉnh đốn toàn diện, đao to búa lớn, kiên cường quả quyết, lũ bốn tên cũng ra sức cướp quyền đoạt vị, thu nhập tài liệu, tìm kiếm tội danh. Còn Mao Trạch Đông ngồi ở vị trí cao chót vót, lại mong muốn hai bên thoả hiệp, hợp tác cùng nhau. Hy vọng của Mao Trạch Đông là không phù hợp với thực tế. Trận chiến này là trận quyết chiến tử sinh có liên quan tới tiền đồ của đất nước và số phận của nhân dân, không hề có một mảnh đất trắng nào dành cho việc tháo lui, quay về.
Ba tháng 7, 8, 9.1975, việc chỉnh đốn toàn diện đã lên đến cao trào, cuộc sống mái của đôi bên cũng đã lên đến cao trào sinh tử.
Từ ngày 15.9.1975 đến ngày 19.10.1975, Quốc vụ viện triệu tập một hội nghị “Nông nghiệp học Đại Trại”, tham gia hội nghị gồm có người phụ trách các đơn vị có liên quan của Quốc vụ viện, người phụ trách của các tỉnh, địa(2), huyện và đại biểu của rất nhiều đơn vị nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, tài mậu v.v... Mục đích của hội nghị này nhằm thảo luận những vấn đề như xây dựng cấp huyện kiểu Đại Trại, cơ giới hoá nông nghiệp, chỉnh đốn hợp tác xã, đội sản xuất v.v...
Ngày 15.9.1975, đại hội được triệu tập họp tại đội sản xuất Đại Trại tỉnh Sơn Tây, Đặng Tiểu Bình nói chuyện tại buổi lễ khai mạc. Đặng Tiểu Bình nêu rõ hội nghị này là hội nghị rất quan trọng, có nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp nhất đến dự, sau đại hội bẩy ngàn người hồi năm 1962. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh vào sự quan trọng của hiện đại hoá nông nghiệp, ông nói, nông nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hiện đại hoá, quốc phòng và khoa học kỹ thuật hiện đại hoá, đem bốn cái hiện đại hoá này so sánh với nhau, thì hiện đại hoá nông nghiệp là tốn sức nhất. Ông nói, nông nghiệp là cơ sở, không kể là công nghiệp phát triển nhanh như thế nào, không kể là trình độ khoa học kỹ thuật của ta nâng cao lên được đến đâu, vẫn còn phải có sự phát triển của cơ sở nông nghiệp này, mới có thể đẩy được ba cái hiện đại hoá kia tiến tới. Nếu nông nghiệp làm ăn không ra làm sao, rất có thể sẽ kéo áo công cuộc xây dựng đất nước ta thụt lùi. Ông yêu cầu các địa phương trong toàn quốc, các tỉnh uỷ phải nắm cho được nông nghiệp, những khu vực công nghiệp càng phát triển bao nhiêu lại càng phải nắm bắt nông nghiệp bấy nhiêu, càng phải đặt nông nghiệp lên vị trí thứ nhất. Ông còn nói cả đến vấn đề chỉnh đốn nữa. Ông nói hiện nay trong toàn quốc chúng ta đang tồn tại một vấn đề là cần phải chỉnh đốn các phương diện. Phải chỉnh đốn quân đội, đó là chỉ thị của Mao Chủ tịch. Mao Chủ tịch nói: quân đội phải chỉnh đốn, các địa phương phải chỉnh đốn, địa phương tức là rất nhiều mặt. Công nghiệp cần phải chỉnh đốn, nông nghiệp phải chỉnh đốn, thương nghiệp cũng cần phải chỉnh đốn, văn hoá giáo dục cũng cần phải chỉnh đốn, đội ngũ khoa học kỹ thuật cũng cần chỉnh đốn. Về văn nghệ Mao Chủ tịch gọi là điều chỉnh, trên thực tế vẫn là chỉnh đốn. Ông nói, các mặt công tác đều phải chỉnh đốn cả.
Bài nói chuyện của Đặng Tiểu Bình nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ nhiệt liệt trong đại hội và quần chúng. Đối với việc này, bè phải lũ bốn tên tất nhiên phải găm đầy một bụng tức. Giang Thanh không sao chịu đựng nổi. Trong khi Đặng Tiểu Bình nói chuyện, mụ ta ngồi một bên, thỉnh thoảng lại cạnh khoé, châm chọc, xen lời vào, tỏ vẻ không tán thành. Có một lần ở cuộc tiếp kiến quần chúng Đại Trại và cán bộ, mụ đã nhảy ra tung lên những lời ngông cuồng. Hội nghị thảo luận vấn đề nông nghiệp, mà mụ lại đại ngôn bình luận Thuỷ Hử(3). Mụ nói: “Không nên coi việc bình luận Thuỷ Hử chỉ là việc bình luận văn nghệ, các đồng chí ạ, không thể nói như thế được đâu. Không đúng, không chỉ là đơn thuần bình luận văn nghệ, không phải chỉ là chuyện lịch sử đơn thuần. Đối với hiện tại nó vẫn có ý nghĩa hiện thực của nó. Bởi vì trong đảng ta đã có tới mười lần sai lầm về đường lối. Từ nay về sau vẫn còn có thể có, kẻ địch biết thay hình đổi dạng để ẩn náu trong đảng chúng ta”. Mụ nói với ý chỉ mặt: “Tống Giang(4) lên Lương Sơn, tiếm đoạt quyền lãnh đạo. Lão ta đã tiếm đoạt quyền lãnh đạo như thế nào? Các đồng chí ạ, sau khi lên núi, lão ta lập tức cho Tiều Cái(5) ngồi chơi xơi nước. Lão ta đã cho ngồi chơi xơi nước như thế nào? Lão gom tất cả các quan lớn, tướng to, võ quan, thư lại, đưa lên Lương Sơn tất tập, rồi bá chiếm cương vị lãnh đạo. Đây là đường lối tổ chức của lão”. Mụ hằn học kêu gọi: “Chúng ta không chỉ thừa nhận rằng ngọn lửa đấu tranh giai cấp chưa tắt, mà còn nhìn thấy cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai đường lối trong đảng ta”.
Điều hiểm trong câu chuyện này của Giang Thanh là nói về chuyện Thuỷ Hử: “... khi vừa mới lên đến Lương Sơn, Tống Giang đã cho ngay thú lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lương Sơn là Tiều Cái ngồi chơi xơi nước”. Dụng ý của Giang Thanh chỉ nghe qua đã rõ, mụ nói Tống Giang nhưng lại là chỉ Đặng Tiểu Bình. Tống Giang cho Tiều Cái ngồi chơi xơi nước tức là Đặng Tiểu Bình cho Mao Trạch Đông ngồi chơi xơi nước vậy. Cái hiểm độc của Giang Thanh trong chuyện này là ở chỗ tuy mụ chỉ là kể chuyện cho nông dân, cho cán bộ tham dự hội nghị nghe, nhưng chính là kể cho Mao Trạch Đông nghe vậy. Ở Đại Trại, Giang Thanh còn triệu tập một số đơn vị văn hoá giáo dục tổ chức một buổi toạ đàm. Trong cuộc họp mụ còn nham hiểm nói: “Bình luận chuyện Thuỷ Hử là có chuyện đáng nói của nó. Tống Giang cho Tiểu Cái ngồi chơi xơi nước, vậy bây giờ có ai cho Chủ tịch nói chơi xơi nước không? Theo tôi là có đấy, Mụ còn vô liêm sỉ nói: “Trong đảng ta, có phái ôn hoà, có phái hữu, lãnh tụ phái hữu chính là bỉ nhân đây”. Mụ còn bịa tác ra nói thêm: “Gần đây còn có một số người đem lá thư của Chủ tịch phê bình tôi - chính Giang Thanh và bọn họ chuyển cho bộ Chính trị - Bộ Chính trị còn chưa thảo luận, đã cho tung ra ngoài rồi”. Mụ lại điên cuồng gào thét: “Tôi, con người này, ngày nào cũng bị trách mắng, bọn theo chủ nghĩa xét lại chửi tôi, một người đảng viên cộng sản có sợ chửi không?”, “ở Bắc Kinh tôi đã đấu lại bọn họ già nửa năm nay rồi”. Giang Thanh còn đưa những đòi hỏi vô lý, mụ đòi đại hội cho phát băng ghi âm bài nói của mụ, đòi phải in ấn phát cho mọi người bài nói của mụ.
Một hội nghị nông nghiệp học tập Đại Trại, trên thực tế đã trở thành chiến trường trực tiếp giao đấu giữa Đặng Tiểu Bình và lũ bốn tên. Ở hội nghị, người nào nói việc của người ấy, sự phân liệt về chính trị đã thật rõ ràng. Gần bốn nghìn cán bộ các cấp, các địa phương trong toàn quốc, đã được chứng kiến tận mắt những việc đó. Đặng Tiểu Bình là con người làm những công việc cụ thể và kiên định, Giang Thanh thì điên cuồng và ngạo mạn, đã để lại cho người tham dự hội nghị những ân tượng cực kỳ sâu đậm. Trong khi toàn đảng toàn dân đang có một đòi hỏi khẩn thiết là ổn đình, đoàn kết và nâng nền kinh tế lên cao thì lòng người hướng về đâu, chẳng còn phải dài lời vô ích.
Giang Thanh vô lý quậy phá, đòi phát băng và in ấn tuyên truyền bài nói của mình, phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp Hoa Quốc Phong phải thỉnh thị ý kiến của Mao Trạch Đông. Sau khi biết được thái độ ngang ngược của Giang Thanh ở hội nghị Đại Trại, Mao Trạch Đông nổi cáu lên. Ông ta đã từng, một rồi hai, hai rồi ba lần, cạn lời hết nhẽ năn nỉ, dặn dò và phê bình, nhưng Giang Thanh chỉ nghe mà chẳng thấy, chứng nào vẫn tật ấy không thay đổi sửa chữa. Mao Trạch Đông bẳn gắt dùng lời thô tục phán bài nói của Giang Thanh: “Rắm rít, lạc đề”. Mao Trạch Đông chỉ thị: “Văn bản không nên phát, ghi âm không nên mở, bài nói không nên in!” Mao Trạch Đông đã dùng liền ba chữ không nên, để thêm một lần nữa ủng hộ Đặng Tiểu Bình, và cũng là thêm một lần nữa đánh vào đám khói đen lửa độc của lũ bốn tên. Hoa Quốc Phong căn cứ vào chỉ thị của Mao Trạch Đông, cự tuyệt sự đòi hỏi vô lý của Giang Thanh, đồng thời chỉ thị cho Vương Khiêm, bí thư tỉnh uỷ Sơn Tây, không được cho phổ biến bài nói của Giang Thanh ở Sơn Tây. Cuộc ác chiến ở hội nghị học Đại Trại đã hạ màn như thế.
Từ ngày 23.9 đến ngày 21.10.1975, trung ương triệu tập một cuộc toạ đàm ở Bắc Kinh, trong hội nghị có thảo luận về một lá thư của Trần Vĩnh Quý(6). Trong thư có đề xuất một vấn đề, trong công xã nhân dân ở nông thôn hiện nay vẫn lấy đội sản xuất làm đơn vị hạch toán cơ bản, sắp tới, nên chuyển sang lấy đại đội sản xuất làm đơn vị hạch toán. Kiến nghị do Trần Vĩnh Quý đề xuất này, trên thực tế là lấy danh nghĩa “bình quân giàu nghèo”, để tiến hành bình quân chủ nghĩa mới và “quá độ nghèo”. Khi đó sức sản xuất ở nông thôn vô cùng thấp, cách đặt vấn đề như thế là hoàn toàn không thiết thực. Nên ở hội nghị, vừa mới bắt đầu là đã có sự phân rẽ rất lớn. Có người tán thành cách đặt vấn đề của Trần Vĩnh Quý, nhưng đa số người đã có nhiều năm công tác thực tế thì tỏ ý phản đối. Đàm Khải Long. bí thư tỉnh uỷ Chiết Giang, Triệu Tử Dương bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Quảng Đông, xôn xao, rành rẽ, lộ sự bất đồng. Vì trong thời gian họp hội nghị ở Đại Trại, Giang Thanh đã bị Mao Trạch Đông phê bình, nên trở lực cũng được giảm bớt di, cho nên nói chung, lần hội nghị này tương đối thuận lợi. Với sự điều khiển hội nghị của Lý Tiên Niệm, hội nghị đã ra quyết định tạm thời không thay đổi những điều hiện hành ở nông thôn, mà vẫn lấy “Sở hữu ba cấp, đội làm cơ sở” làm chính sách hiện nay. Quốc vụ viện đã dùng biện pháp trì hoãn, ngăn chặn đánh phá mọi cung cách can thiệp của bọn “tả khuynh”, sao cho nông thôn có thể né tránh được những tai nạn có thể phát sinh. Lần này có thể thanh trừ được sự quấy rối của “cánh tả”, là việc vô cùng quan trọng đối với nông thôn, khiến cho tính liên tục, tính ổn định của chính sách kinh tế ở nông thôn có được sự bảo đảm hữu hiệu. Trong lần hội nghị này, Đặng Tiểu Bình đã đến nói chuyện với hội nghị hai lần vào ngày 27.9.1975 và ngày 4.10.1975. Trong bài nói lần này, Đặng Tiểu Bình vẫn nhắc lại “Hiện nay, các phương diện, mặt nào cũng tồn tại một vấn đề cần chỉnh đốn. Nông nghiệp cần chỉnh đốn, công nghiệp cần chỉnh đốn, chính sách văn nghệ cần điều chỉnh, điều chỉnh thực ra cũng vẫn là chỉnh đốn. Cần phải nhờ vào chỉnh đốn mà giải quyết vấn đề của khoa học kỹ thuật, giải quyết vấn đề của các mặt. Ở Bộ Chính trị, tôi đã đề xuất một số mặt cần chỉnh đốn, báo cáo với đồng chí Mao Trạch Đông, đồng chí Mao Trạch Đông đã tán thành”. Ông nói: “Trọng tâm của chỉnh đốn là chỉnh đốn đảng. Chỉ cần nắm chắc khâu trung tâm chỉnh đảng này, thì chỉnh đốn các mặt khác đều không khó”. Trong lần nói chuyện này, ngoài việc nói về chỉnh đốn ra, Đặng Tiểu Bình còn đặc biệt nói đến một vấn đề quan trọng khác, tức là vấn đề tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông. Ông nói: “Tôi luôn cảm thấy bây giờ đang có một vấn đề rất lớn, tức là vấn đề tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông như thế nào. Cái kiểu dung tục hoá tư tưởng Mao Trạch Đông của Lâm Bưu, đã bị người đầu tiên phản đối là La Vĩnh Hằng, học tập, nói học tập tác phẩm của Mao chủ tịch là học tập cái tinh thần thực chất. Khi ấy ban bí thư cũng đã có thảo luận, và đã tán thành ý kiến của đồng chí La Vĩnh Hằng. Lâm Bưu chủ trương học tập ba pho sách cũ(7) tức là cắt xén tư tưởng Mao Trạch Đông. Tư tưởng Mao Trạch Đông có nội dung vô cùng phong phú, là một bộ hoàn chỉnh, làm sao lại có thể đem “ba pho sách cũ” với “năm pho sách cũ”(8) gọi là tư tưởng Mao Trạch Đông, rồi đem quẳng bỏ tất cả những tác phẩm khác của đồng chí Mao Trạch Đông đi? Làm sao có thể chí nắm lấy một hai câu, một hai quan điểm, rồi đem tuyên truyền một cách phiến diện như thế. Vấn đề cắt xén tư tưởng Mao Trạch Đông, cho đến nay, trên thực tế vẫn chưa được giải quyết”.
Ông nói: “Tôi cho rằng trong khá nhiều lĩnh vực, vẫn còn đang tồn tại vấn đề học tập toàn diện, tuyên truyền, quán triệt tư tưởng Mao Trạch Đông như vậy. Tư tưởng Mao Trạch Đông liên hệ mật thiết với nhau trong đường lối của các lĩnh vực, liên hệ mật thiết với nhau trong mỗi phương châm, chính sách và phương pháp của tất cả các phương diện. Chúng ta cần phải học lập, tuyên truyền và thực hành một cách toàn diện, không thể mới thấy gió mà đã tưởng là mưa”.
Tư tưởng Mao Trạch Đông là phung phú và hoàn chỉnh cần phải học lập, tuyên truyền, quán triệt toàn diện tư tưởng Mao Trạch Đông, không thể tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông theo cách đung tục hoá, phiến diện hoá, không thể cái xén tư tưởng Mao Trạch Đông. Đó là một vấn đề trọng đại đã vấn vít quanh quẩn trong đầu óc Đặng Tiểu Bình từ lâu lắm rồi. Năm 1960, ông đã đặt vấn đề là phải tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông một cách chính xác, phản đối dung tục hoá. Đến hôm nay, mười lăm năm sau, Khi Mao Trạch Đông đang ở vào vị trí quyền uy quyệt đối, khi sinh hoạt dân chủ trong nội bộ đảng rơi vào tình thế hết sức bất thường, thêm một lần nữa, ông lại đề xuất vấn đề này. Nên nói rằng, ông đang dấn mình vào một trận phong ba nguy hiểm. Nhưng đánh giá Mao Trạch Đông như thế nào, lý giải, học tập, tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông ra làm sao, đối với đảng ta, đất nước ta mà nói, là một vấn đề lớn, cực kỳ quan trọng, là một vấn đề có tính nguyên tắc trọng đại không thể tránh né được, và cũng là một vấn đề chính trị trọng đại. Vấn đề này, theo cách nhìn của Đặng Tiểu Bình, nó có liên quan tới vận mệnh của đảng, liên quan tới tiền đồ của đất nước, liên quan tới số phận của dân tộc. Nắm vững được, xử lý chính xác được, sẽ là cái phúc lớn cho con cháu muôn đời. Nếu nắm không chắc, xử lý thiên lệch, hoặc để cho kẻ xấu lợi dụng, sẽ nảy sinh ra những tổn thất khó lường, thậm chí có thể tạo thành sự phá hoại không sao cứu vãn nổi. Đặng Tiểu Bình biết rõ ràng, vấn đề trong Cách mạng văn hoá là một khu cấm, là một vùng đất hiểm, đầy bất trắc, nhưng ông vẫn cứ đụng chạm tới. Bởi vì ông biết rằng, vấn đề này dù tự nguyện hay không, trước sau sớm muộn gì rồi cũng phải phanh phui, đây là vấn đề không thể dùng ý chí mà làm cho nó xoay chuyển được, cần nhớ rằng mấy chữ tư tưởng Mao Trạch Đông nhưng hàm ý nó mang theo không chỉ là tên và cuộc đời ông ta. Nó là đại diện cho cả một chương trong cuốn lịch sử dài của Trung quốc, là cả một thời đại của Trung quốc hiện đại. Với việc nắm bắt tư tưởng Mao Trạch Đông như thế nào, với việc bình giá con người Mao Trạch Đông ra làm sao, là điều có liên quan trực tiếp với việc đánh giá và định vị lịch sử cách mạng hiện đại Trung quốc, nó cũng có liên hệ trực tiếp đến tiền đồ vận mệnh của Trung quốc, đến nhân dân Trung quốc, đến Đảng cộng sản Trung quốc. Đặng Tiểu Bình biết rõ ràng, những điều ông đề cập tới vấn đề học tập tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông như thế nào, hoàn toàn có thể bị kẻ xấu bóp méo, lợi dụng, và cũng có thể là đích thân Mao Trạch Đông không đồng tình, xong ông vẫn cứ nói. Ông cần phải nói. Sau sáu năm bị đày vò, ông đã phải gắng sức biết bao nhiêu để có thể xuất hiện trở lại, nên ông cần phải sử dụng, vận dụng cơ hội được trở lại làm việc này để trình bày chính nghĩa, dốc cạn tấm lòng son, vì đảng vì nước, vì nhân dân mà ông hằng mến yêu sâu sắc. Đã từ lâu, ông chẳng còn gì băn khoăn, lo lắng. Ông sớm gác gia đình, tính mạng của mình ra bên ngoài rồi, và cũng đã sớm chuẩn bị tinh thấn hết sức đầy đủ để đón nhận bất cứ hậu quả nào.
(1) Lão Chín: thời Đại Cách mạng văn hoá, “lũ bốn tên” đã xếp trí thức vào loại thứ chín, sau địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu, phái hữu, phản bội, đặc vụ và theo tư bản. Bị coi là “đối tượng chuyên chính thứ chín” và bị khinh rẻ gọi là “Lão Chín thối”
(2) đơn vị hành chính của Trung quốc
(3) Thuỷ Hử - truyện tiểu thuyết dài ở thời nhà Minh, cả bộ tiểu thuyết viết về chuyện Tống Giang và những người nông dân khởi nghĩa về tụ nghĩa ở Lương Sơn.
(4) Tống Giang: Đầu lãnh của các háo hán Lương Sơn trong tiểu thuyết Thuỷ Hử lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân thời Bắc Tống.
(5) Tiều Cái: Thủ lĩnh của hảo hán Lương Sơn trong tiểu thuyết Thuỷ Hử
(6) Trần Vĩnh Quý: Khi đó là uỷ viên Ban thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đảng, là phó thủ tướng Quốc vụ viện, phụ trách nông nghiệp
(7) Ba pho sách cũ là chỉ ba tác phẩm của Mao Trạch Đông: “Phục vụ nhân dân”, “Kỷ niệm Bethune”, “Ngu Công dời núi”
(8) Năm pho sách cũ: là chỉ năm tác phẩm của Mao Trạch Đông: “Phục vụ nhân dân”, “Kỷ niệm Bethune”, “Ngu Công dời núi” “Về vấn đề uốn nắn tư tưởng sai lầm trong đảng”, “Chống chủ nghĩa tự do”)

<< 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện | 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 751

Return to top