Từ ngày 13 đến ngày 31.10.1968, đại hội toàn trung ương lần thứ 12 của khoá VIII Đảng cộng sản Trung quốc mở rộng, họp tại Bắc Kinh. Mục đích của cuộc họp này là làm công tác chuẩn bị cho đại hội đại biểu toàn quốc khoá IX sắp được triệu tập. Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị.
Trong bài nói của mình Mao Trạch Đông, người đầu tiên đề xuất vấn đề:
- Cách mạng văn hoá có thực sự phải làm không? Trong khi tiến hành, thành tích là lớn hay thành tích quá nhỏ, sai lầm quá nhiều? Tiếp đó, ông ta dứt khoáit trả lời: Cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản lần này là hoàn toàn tất yếu là vô cùng kịp thời đối với việc củng cố nền chuyên chính của giai cấp vô sản, đề phòng và ngăn cản tư bản chủ nghĩa ngóc đầu dậy trong khi xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
Thêm một lần nữa Mao Trạch Đông bất di bất dịch bảo vệ cuộc Đại cách mạng văn hoá do chính ông ta phát động.
Trong hội nghị này, Lâm Bưu, Giang Thanh soái lĩnh các ông kễnh Cách mạng văn hoá dưới trướng, tổ chức bao vây, tấn công các đồng chí cách mạng lão thành tham gia cái gọi là “dòng nước ngược tháng hai”, buộc tội họ bằng các tội danh: “Sự kiện phản đảng nghiêm trọng nhất” và “dung dưỡng cho chủ nghĩa tư bản ngóc đầu dậy”, rồi cưỡng bức các đồng chí cách mạng lão thành này, hết lần này đến lần khác, phải cung khai và kiểm thảo. Trong hội nghị lần này, với sự chủ trì của Khang Sinh cùng kẻ khác, đã dùng những chứng cớ giả, bịa đặt viết trong báo cáo điều tra về các “tội phản bội, nội gián, giặc cướp, của Lưu Thiếu Kỳ” rồi tuyên bố khai trừ vĩnh viễn Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi đảng, bãi miễn tất cả các chức vụ trong cũng như ngoài đảng. Trong hội nghị còn cho in bài, cho phát bài viết về “Những tội trạng chủ yếu của Đặng Tiểu Bình, một kẻ cầm quyền khác, lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản chủ nghĩa”, tất cả mọi chức vụ trong đảng, ngoài đảng của Đặng Tiểu Bình trên thực tế đã bị thủ tiêu. Như vậy, hội nghị trọng đại đã đưa ra những quyết định trọng yếu, tất nhiên đó là những quyết định của chính Mao Trạch Đông.
Nhưng Lâm Bưu, Giang Thanh rõ ràng là không hài lòng. Ở hội nghị, bọn họ đã đánh trống khua chiêng, kích động, hòng tạo ra một thanh thế, làm áp lực để khai trừ Đặng Tiểu Bình ra khỏi đảng. Nhưng Mao Trạch Đông vẫn một mực không đồng ý. Ông nói:
- Trong thời kỳ chiến tranh, Đặng Tiểu Bình là một người đánh giặc. Về quá khứ vẫn chưa phát hiện được vấn đề gì, nên cần đối xử khác với Lưu Thiếu Kỳ, mọi người muốn khai trừ, nhưng tôi lại có ý kiến bảo lưu?
Mao Trạch Đông có sự ngoan cường của ông ta, có tính cố chấp đặc biệt chỉ riêng người Hồ Nam mới có, khi ông ta đã quyết tâm đưa ra một quyết định nào, thì bất kể loại người nào đều không tay chuyển được. Đó là một cá tính đặc biệt rõ nét của ông ta. Đại hội trung ương đảng lần thứ 12 khoá VIII lại là một hội nghị méo mó được triệu tập họp trong một thời đại méo mó, hội nghị được triệu tập họp trong tình hình rất không bình thường bởi có rất nhiều uỷ viên trung ương bị đánh đổ, hạ bệ và bị tước đoạt mọi quyền lợi chính trị. Những uỷ viên trung ương và những uỷ viên dự khuyết của khoá tám bị quy vào cái tội gọi là “phản bội”, gián điệp, “liên lạc với nước ngoài”, “phần tử phản đảng” lên tới 71% tổng số. Trong số 97 uỷ viên trung đảng, ngoài 10 người đã qua đời, chỉ còn có 40 người được đến tham gia hội nghị, vì không đủ một nửa số người để thông qua bất kỳ quyết nghị nào theo điều lệ đảng quy định, nên phải bổ sung bằng 10 uỷ viên trung ương dự khuyết, mỏi có thể tính là quá bán. Số thành viên không chính thức tham gia hội nghị này đã chiếm tới quá nửa tổng số người, mà vẫn được hưởng quyền quyết nghị như những uỷ viên trung ương chính thức. Còn điều cổ quái hơn nữa mà về sau này mới phát hiện, là có một người tham gia hội nghị, tham gia biểu quyết, lại không phải là đảng viên đảng cộng sản.
Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản bùng nổ đến đó đã kéo dài hơn hai năm, quấy phá cũng đã quá đủ, hỗn loạn cũng đã thừa, phản cung cũng đã được tạo ra, mạng cũng đã cách được rồi, quyền cũng đã đoạt được trong tay, nhưng bước sau sẽ đi đứng làm sao đây? E rằng về thực tế Mao Trạch Đông cũng không được tinh tường cho lắm. Khi mới bắt đầu, ông ta nói; phải cần một năm để tiến hành Cách mạng văn hoá. Vê sau ông lại nói: Đại khái là phải ba năm, như thế có nghĩa là phái kéo dài đến mùa hè sang năm nữa.
Tháng 4.1969, đại hội đại biểu toàn quốc khoá chín của đảng được triệu tập, khai mạc. Nghe nói, trong “Đại hội IX”, điều lệ đảng sẽ được sửa đổi, nhân sự cũng đã xác định được, tất cả mọi việc chỉ còn cứ theo kế hoạch mà làm. Nhưng Đại cách mạng văn hoá lại không làm sao kết thúc nổi. Rất có khả năng Mao Trạch Đông đã có suy tính lúc bắt đầu khởi sự nhưng Cách mạng văn hoá lại phát triển đến bước này. Quả thật nó đã sớm đi sang lối ngược lại với suy tính, thiết kế của Mao Trạch Đông rồi. Cả một phong trào đã như con ngựa tuột cương, thoả sức tung hoành, không sao ngăn lại được. Mâu thuẫn cũ chưa giải quyết xong, mâu thuẫn mới đã lại được đẻ ra. Bè phái, võ đấu, tranh quyền đoạt vị, không những vẫn còn nguyên, mà càng ngày càng trở nên kịch liệt càng phát càng không thu lại được.
Trong hai gian nhà nhỏ ở Phương Hồ Trai khu Tuần Vũ, Bắc Kinh, mấy anh chị em và bà chúng tôi vẫn ở với nhau. dựa vào nhau mà sống, ngày tháng hầu như cũng chẳng đến nỗi nào. Chị cả Đặng Lâm vốn bị quản chế và phê phán vì “vấn đề” của cha tôi, không thể về nhà được. Nay vì mấy tổ chức của các phái tạo phản bận giao đấu với nhau đến tối tăm mặt mũi, chẳng lấy ai ra mà cai quản lũ “băng đen” và lũ “đầu trâu mặt ngựa” này, nạn nhân cơ hội đó, cứ chiều thứ bảy là chị tôi lần về nhà. Anh Phác Phương và chị Đặng Nam bình thường đều phải ở lại trường, cũng lại nhân các phái tạo phản đấu đá lẫn nhau lộn tùng bậy, cũng “lọt lưới” được chốc lát. Đặc biệt là Đặng Nam, cứ đến chiều thứ bảy, là bằng mọi cách tót về nhà.
Ngày 29.3.1968, tại trường đại học Bắc Kinh đã xảy ra một cuộc quyết chiến đại quy mô giữa hai phái tạo phản với nhau. Cuộc quyết chiến xảy ra vào nửa đêm, trong vườn, sân trường nhốn nháo đầy những người đầu đội mũ sắt, tay cầm côn gậy, phi tiêu, giáo mác, mã tấu. Cả hai phái đều binh đông lính đủ, om sòm la hét đến vang trời dậy đất. Sau một trận giao chiến đại quy mô, cả hai phái đều bị thương vong trầm trọng, thất bại nặng nề. Nhưng cả hai đều vẫn chẳng chịu cam lòng, vẫn chiêu binh mãi mã chuẩn bị tái chiến.
Sau trận giao chiến đó, toàn bộ trường đại học Bắc Kinh tràn đầy một không khí kinh hoàng. Đặng Nam và một số học sinh khác đứng bên cửa sổ xem cuộc chiến khủng khiếp ấy, rồi vội vã thu nhặt quần áo đồ dùng, nhân lúc bốn giờ, trời còn chưa sáng, vội vàng chui qua một lỗ tường đổ, trốn ra khỏi trường học. Sau khi về nhà, Đặng Nam chợt nhớ tới anh Phác Phương đang bị quản chế ở trường học, liền sai Phi Phi đến trường đại học Bắc Kinh gọi anh về nhà.
Cuộc giao đấu với quy mô lớn nhất này, có rất nhiều người lâm vào cảnh nguy nan, bất hạnh. Một học sinh cùng lớp với Đặng Nam chỉ đứng xem không tham gia vào cuộc chiến đấu, đã bị một mũi lao dùng làm vũ khí, không biết từ đâu phóng tới, xuyên thủng người, tuy không chiết, nhưng bị vỡ gan, trở thành tàn tật suối đời.
Anh chị tôi đều đã trở về nhà, từ đó kéo dài đến hơn một tháng sau, năm anh chị em tôi cùng với bà ở nhà, có thể coi như chúng tôi đã được sum họp một nhà tại Phương Hồ Trai.
Toàn gia sum họp, đã làm thay đổi được nỗi cô đơn trước đây của ba bà cháu tôi, trong nhà chúng tôi cũng đã xuất hiện những tiếng cười đùa. Bà, Phác Phương và Phi Phi ở một phòng, còn ba chị em gái tôi ở một phòng, cách nhau là một hành lang ở giữa, hai cửa đối diện nhau. Một chị họ tôi còn đang theo học tại trường đại học Bắc Kinh, khi nào chị tới thì chiếc giường lớn bốn người ngủ chung. Tôi sợ chật nên đem hai chiếc hòm gỗ to ghép lại, trải chăn đệm, nằm trên đó cũng thấy thảnh thơi, thoái mái lắm. Lúc này những kẻ khám xét nhà cửa hầu như không vác mặt tới nữa, cái góc nhỏ bé này của chúng tôi trong phút chốc đã bị bọn tạo phản bỏ quên rồi. Đời sống tuy khốn khó, nhưng được cái yên ổn. Tuy nói rằng đời sống cũng chả đến nỗi nào, nhưng nỗi khổ thực sự lại là nỗi khổ trong lòng người. Song trong gia đình chúng tôi, ngay cả những khi khốn khó nhất, chúng tôi cũng cố gắng, tận lực tìm ra cho được những thú vui. Trong cái vòm trời nhỏ ở Phương Hồ Trai, chúng tôi tự tìm, tự tạo lấy những trò chơi giải trí. Chẳng có thứ đồ chơi nào, nên chúng tôi lấy những chiếc hộp giấy để lên trên giường, rồi cầm quân cờ, đứng xa, ném vào những chiếc hộp giấy, xem anh nào ném trúng được nhiều, chúng tôi chơi trò ấy rất hứng thú và cũng rất say mê. Hỏi rằng chúng tôi đã học được những gì từ nơi cha tôi, đó chính là vĩnh viễn giữ được tinh thần lạc quan.
Cuộc sống cứ thế mà lôi qua, có thể gọi được là thảnh thơi, chỉ có “sự kiện” là hai lần bị ngộ độc hơi than vì lò bễ không cẩn thận. Một lần bà tôi với Phi Phi bị, nhưng cũng chẳng nghiêm trọng lắm, hai bà con chỉ nhức đầu mất mấy ngày, rồi xong. Một lần bà tôi với tôi ở trong nhà, ngủ say như chết, tôi chợt nghe thấy miệng ú ở của bà, vì đã có tiếng chuông cảnh tỉnh từ lần trước, tôi vội vàng lao ra khỏi giường, chẳng nghĩ ngợi gì hơn, tôi hết sức đẩy tung cửa, sau đó, tôi ngã sóng soài ra đất, hôn mê chẳng còn biết gì nữa. Lần ngộ độc hơi than này khá nặng, nếu như không có bà tôi, nhiều tuổi tỉnh ngủ, cảm nhận ra, thì cả hai bà cháu sớm đã toi mạng rồi.
Ngoài chuyện nguy hiểm, còn có cả chuyện vui. Có một lần chị cả Đặng Lâm từ trường về nhà, vừa bước vào cửa đúng lúc tôi từ trong nhà bước ra. Với thần sắc căng thẳng, tôi vội túm lấy chị, đẩy vào góc tường, nói nhỏ vào tai chị “xảo cha la”, vừa chợt nghe chị đã tưởng là “khám nhà rồi”, chị kinh hoàng đến hồn bay phách lạc, Thực ra tôi nói “xảo cha la” chỉ có nghĩa là “cãi nhau rồi”. Nguyên là bà tôi muốn bồi dưỡng cho chúng tôi, cải thiện bữa ăn, nên làm món ăn tươi”, nhưng chị hai tôi, bà quản gia Đặng Nam lại muốn hết sức tiết kiệm, để đề phòn g những chi tiêu bất thường về sau, kết quả là hai bà cháu tranh cãi với nhau. Bà tôi tuy không có văn hoá, nên càng không thể nói đến việc đọc các tác phẩm nổi tiếng nước ngoài, nhưng trí nhớ của bà rất tốt, bà còn nhớ được những chuyện xem phim trước đây, tức lên, bà nhiếc Đặng Nam là đồ “Grăngđê” - nhân vật keo kiệt bủn xỉn trong tác phẩm văn học nổi tiếng của đại văn hào nước Pháp Ban dắc. Khi ấy cãi nhau, hai bà cháu đều khóc, trông rất thương. Sau việc đó, chúng tôi bắt chước cái “bác học” của bà, cũng vui thật là vui. Đến bây giờ nhớ lại thật đúng là những năm tháng luôn luôn bị thân hồn nát thần tính, chỉ một câu “xảo cha la” (khám nhà rồi) cũng đã khiến người ta phải rụng rời chân tay.
Anh Phác Phương tôi, tính từ lúc cha tôi bị phê phán tới đó, vẫn bị giam cầm trong trường học, lần trở về nhà ấy, là thời gian anh được ở nhà dài nhất. Ở nhà chẳng có việc gì, anh liền mang cưa mang bào ra làm thợ mộc, anh lấy những tấm gỗ cũ nát mà chị Đặng Nam đã mua về, đóng cho Phi Phi một chiếc giá sách nhỏ, lại còn đóng cho bà tôi một cái giá đựng bát, song anh bỏ thời gian nhiều nhất vào việc kèm cặp cho Phi Phi học. Khi mới bắt đầu Cách mạng văn hoá, Phi Phi mới học năm thứ hai cấp hai, khi phong trào lan ra, các trường học đều đóng cửa, Phi Phi ở nhà chẳng có việc gì làm, nên đem sách ra tự học. Lần này lại có anh ở nhà, hàng ngày anh có thể giảng dạy kèm cặp giúp em. Anh thích dạy, em thích học. Về môn toán lý hoá Phi Phi tiến bộ một bước dài. Phi Phi sau này có thể theo đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ, thì chính những giờ học bổ túc này đã có tác dụng cơ bản rất quan trọng. Anh hơn tôi và Phi Phi đến sáu bảy tuổi, trước kia, khi chúng tôi còn nhỏ, anh rất bận bịu với học hành, tuy rất quý trọng anh, nhưng cũng rất ít khi nói gì với anh hoặc chuyện suông với anh. Bây giờ sớm tối bên nhau ở Phương Hồ Trai, tôi đã đem những vấn đề không rõ ràng ra hỏi anh. Tôi còn nhớ, có một lần tôi hỏi anh: “Tại sao lại phải đánh đổ cha mình?” Anh tôi đưa mắt nhìn ra xa xôi, nói: “Là vì cần phải nhường đường cho Lâm Bưư”. Anh tôi tương đối nhạy cảm với chính trị, ngay khi Cách mạng văn hoá mới bùng nổ, trong khi mọi người còn đang hừng hực nhiệt tình cách mạng, anh đã dự cảm thấy sẽ có chuyện xảy ra, nên trong suốt cả phong trào, anh luôn luôn giữ thái độ chống đối, nhưng chính vì thế, khiến anh không tránh khỏi sự giam cầm, đấu tố của bọn tạo phản. Khi đó anh không dễ mà về được nhà, không dễ mà thoát khỏi sự giám sát của bọn chúng, nên tinh thần sau một thời gian dài bị dồn nén, nay được đột ngột bung ra, có một hôm vào bữa ăn, anh cao hứng, vác rượu ra uống thật say. Say rồi, tinh thần anh như bốc lên, mặt anh đỏ lựng, nói cũng nhiều hơn, anh tràn đầy hứng thú, cao đàm khoát luận, sang sảng đọc thuộc lòng nhạc Dương lâu ký. Chúng tôi ngắm anh uống, ngắm anh nói, ngắm anh đọc, ngắm anh say, mà trong lòng thấy chát chua rơi lệ. Rõ ràng đây là: “Rượu chẳng say người, người tự say”. Nên nhớ rằng, chúng tôi uống, là chén rượu đắng, chén rượu đắng trong cõi nhân minh đó.
Trong đoạn thời gian ấy, cả nhà chúng tôi có thể coi như tạm thời lánh xa được những cơn sóng mạnh điên cuồng, và tự tìm lấy niềm vui trong cõi tiêu dao. Chẳng ngờ rằng, cái giờ phút thực sự khiến chúng tôi kinh hoàng khủng khiếp đang ập tới rất nhanh.