Tháng 2.1973, cha tôi trở lại Bắc Kinh, tháng ba phục hồi công tác phó thủ tướng Quốc vụ viện, thấm thoắt đã mười tháng trôi qua.
Trong khoảng thời gian này, gia đình nhà tôi cũng đã yên ổn trở lại. Đặng Lâm đã được điều về Hội Mỹ thuật Bắc Kinh làm đúng với công việc của mình, và đã làm lễ thành hôn với anh Ngô Kiến Thường, nhân viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu kim loại màu. Đến đó, việc hôn nhân của ba cô con gái đều đã hoàn tất, cha mẹ tôi rất hài lòng. Phác Phương vẫn tiếp tục điều trị trong bệnh viện 301. Đặng Nam được phân công về làm việc tại Viện nghiên cứu tự động hoá. Tôi và Phi Phi chuyển về Bắc Kinh học tiếp, tôi học trong khoa điều trị của học viện Y khoa Bắc Kinh, còn Phi Phi vào học khoa vật lý của trường đại học Bắc Kinh.
Sau khi cha tôi được khôi phục công tác, việc đầu tiên là điều người thư ký cũ Vương Thuỵ Lâm từ trường cải tạo cán bộ của Văn phòng trung ương ở Giang Tây trở lại Bắc Kinh, và lại làm việc bên ông. Về sau còn tiếp tục điều nốt những nhân viên cũ như cánh vệ Trương Bảo Trung, người phục vụ cũ Đặng Hình Quân, thêm vào đó người phục vụ cũ là Ngô Hồng Tuấn từ Giang Tây về, hầu như tất cả những nhân viên cũ đều đã trở về đầy đủ.
Quý báu nhất trong nhà vẫn là cô cháu gái Miên Miên. Cha tôi thường hay chỉ vào mấy chị em chúng tôi nói: “Bây giờ đã có cháu gái đây thì các cô các cậu ra rìa hết!” làm cho chúng tôi đâm ghen tỵ. Bà tôi vì đã có “tứ đại” nên được tấn phong lên chức cụ. Bà thường hay bế ẵm Miên Miên và nựng: “Cháu tôi bé nhất nhà đây. Xưa nay cụ chăm trẻ mát tay nổi tiếng, và phương châm nuôi trẻ trước kia của cụ là:
Muốn cho con trẻ ấm thân.
Đói đói, rét rét, ba phần mới ngoan
Như vậy có nghĩa là, cơm không nên cho trẻ ăn quá nhiều, quần áo không nên cho con trẻ mặc quá ấm, có như vậy con trẻ mới được khoẻ mạnh. Nhưng có lẽ bây giờ tuổi tác bà đã cao, bà đã trừ bỏ phương pháp nuôi trẻ tương đối là khoa học kia đi mất. Bữa cơm bà ních cho Miên Miên ăn thật đẫy. Thực ra chẳng phải là ních mà còn có thể gọi là nhồi nhét nữa kia. Kết quả là Miên Miên vừa to vừa tròn, cổ chân cổ tay đều thành ngấn, thành vòng, thịt nổi lên thành múi. Còn mẹ tôi lại vẫn giữ nguyên “thói” cũ, việc gì cũng phải theo phương pháp khoa học. Bảo rằng phải thêm can xi, thì mẹ tôi đặt cháu vào một chiếc xe đẩy bằng trúc, ngày ngày đẩy xe ra sân tắm nắng. Chỉ trong một mùa hè, Miên Miên trở thành đen nhẻm đen nhèm. Mẹ tôi lại nói, muốn cho tóc sau này mọc tốt, cần phải cạo hết tóc máu. Kết quả là cô bé kháu khỉnh bỗng nhiên có một cái đầu trọc tròn thu lu, vừa trơn, vừa đen, vừa bóng, trông chẳng khác gì ông Lý Quỳ đen. Cha tôi bây giờ rất bận, nhưng cứ mỗi sáng sớm khi trở dậy, là ông liền đi thăm cháu gái, chẳng khác gì một nghi thức cung đình đi yết kiến nhà vua vậy.
Ở thôn Hoa Viên, nguyên gia đình chúng tôi chỉ ở một nửa ngôi nhà. Nhưng số nhân khẩu trong nhà lại quá đông, quá chật chội, ban đầu cục quản lý nhà nước chỉ cho phép chúng tôi tạm thời ở nhờ sang phần nhà bên kia vào những chiều thứ bảy, khi nhà tập trung đông quá, trải chăn đệm ra nằm đất, sau này khi cha tôi đã phục hồi công tác phó thủ tướng, cục quản lý nhà nước mới dứt khoát để cả ngôi nhà đó cho gia đình tôi ở. Như thế là được rộng rãi ra nhiều. Khi mới trở về Bắc Kinh, cả khu đó mới chỉ có một mình nhà tôi ở. Sau này khi Lý Tỉnh Tuyền được giải phóng, gia đình ông cũng dọn về đấy, ở ngôi nhà trước mặt nhà chúng tôi gia đình ông cũng rất đông, hai gia đình chúng tôi vốn đã quen thuộc từ lâu, người lớn, trẻ con vẫn thường tới nhà nhau chơi bời, nên sân nhà ở thôn Hoa Viên bây giờ trở nên ồn ào tấp nập hẳn lên. Những ngôi nhà ở thôn Hoa Viên này vốn xây đựng dành cho các ông lãnh đạo mới đến ở. Nhưng chẳng ngờ rằng, những ông “lãnh đạo” mới chưa ai kịp đến, thì đã phải nhường cho những người cán bộ cũ “thất cơ lỡ vận” vào thay thế, kể ra đó cũng là một thứ chuyện vui.
Đến tháng 12.1973, sau một quãng thời gian theo dõi, quan sát, Mao Trạch Đông đã quyết định trọng dụng Đặng Tiểu Bình ở mức độ cao hơn.
Từ ngày 12 đến ngày 22.12.1973, Mao Trạch Đông liên tục chủ trì hội nghị Bộ Chính trị. Trong hội nghị, Mao Trạch Đông đã rút kinh nghiệm của bài học Lâm Bưu, nên đã đặt quân đội dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, và đưa ra đề nghị điều động Bộ tư lệnh của đại quân khu 8. Cũng trong hội nghị này, Mao Trạch Đông lại đề nghị đưa Đặng Tiểu Bình vào giữ trách nhiệm trong Uỷ ban quân sự trung ương (gọi tắt là Quân uỷ trung ương), và đảm nhiệm chức vụ trong Ban thường vụ Bộ Chính trị...
Ngày 12.12.1973, Mao Trạch Đông nói trong hội nghị rằng: “Tôi và đồng chí Diệp Kiếm Anh mời đồng chí Đặng Tiểu Bình tham gia Quân uỷ, làm quân uỷ viên. Lại nói: Đặng Tiểu Bình có phải là uỷ viên Bộ Chính trị hay không, sau này sẽ được truy nhận trong báo cáo chính trị tại hội nghị toàn thể lần thứ hai, khoá 10”. Ông ta lại phê phán “Trước đây Bộ Chính trị không bàn tới việc chính trị, quân uỷ không bàn tới việc quân sự, việc không bàn như vậy sau này phải sửa”.
Ngày 14.12.1973, Mao Trạch Đông lại nói trong hội nghị: “Bây giờ phải mời một quân sư, đó là Đặng Tiểu Bình. Phải ra một không báo: ông làm uỷ viên Bộ Chính trị, làm uỷ viên Quân uỷ. Bộ Chính trị quản lý toàn bộ: đảng, chính, quân, dân, học, rồi đông, tây, nam, bắc, trung. Tôi nghĩ phải thêm một bí thư trưởng cho Bộ Chính trị. Ông (chỉ Đặng Tiểu Bình) không cần cái danh hiệu ấy, mà ông phải làm tham mưu trưởng kia”.
Ngày 15.12.1973, Mao Trạch Đông có cuộc gặp gỡ với các uỷ viên Bộ Chính trị và các tư lệnh viên của các đại quân khu trong thư viện của ông ta. MaoTrạch Đông nói:
“Chúng ta sẽ mời một vị tham mưu trưởng (chỉ Đặng Tiểu Bình). Ông này, có người sợ ông ấy, nhưng làm việc lại tương đối quyết đoán. Ông ấy lăn lộn từng trải. Cấp trên của các ông là do tôi mời, Bộ Chính trị mời, chứ chẳng phải chỉ do một mình tôi đâu. Mao Trạch Đông quay người lại nói với Đặng Tiểu Bình: “Còn ông, người ta có hơi sợ ông. Tôi tặng ông hai câu này:
Trong bông có kim.
Trong mềm có rắn.
Bề ngoài ông nên hoà một lý, bên trong thì gang thép công tâm. Khuyết điểm ngày xưa, dần dần sửa”.
Ngày 18.12.1973, Chu Ân Lai chủ trì hội nghị Bộ Chính trị. Ông truyền đạt ý kiến của Mao Trạch Đông về vấn đề điều động tư lệnh các đại quân khu. Hội nghị Bộ Chính trị tán thành ý kiến đề nghị của Mao Trạch Đông để Đặng Tiểu Bình nhận chức vụ uỷ viên Bộ Chính trị và uỷ viên Quân uỷ trung ương.
Ngày 21.12.1973, trong bài nói chuyện của mình khi đến tham dự hội nghị của Quân uỷ trung ương, Mao Trạch Đông có nói: “Chu Đức là “Tư lệnh Đỏ”. Tôi thấy có sai lầm đối với đồng chí Hạ Long. Tôi xin chịu trách nhiệm. Còn lật lại án ư. Thì vụ Dương, Dư, Phó(1) cũng cần phải lật lại, tất cả lỗi lầm đều là do Lâm Bưu. Tôi chỉ nghe một phía Lâm Bưu nên tôi đã phạm sai lầm. Đặng Tiểu Bình bảo rằng, khi ở Thượng Hải, La Thuỵ Khanh bị tấn công đột ngột, ông không tán thành. Tôi cũng thấy đúng như vậy. Đây cũng lại là do tôi nghe lời Lâm Bưu, nên mới đả kích La Thuỵ Khanh như thế.
Ngày 22.12.1973, trung ương căn cứ vào ý kiến đó của Mao Trạch Đông, đích thân Chu Ân Lai cầm bút, thay mặt trung ương viết một thông báo, cho công bố: Đặng Tiểu Bình đảm nhiệm chức trách của một uỷ viên Bộ chính trị tham gia công tác lãnh đạo trung ương, đợi đến đại hội toàn thể lần thứ hai của khoá 10 sẽ truy nhận. Đặng Tiểu Bình là uỷ viên Uỷ ban quân sự trung ương, tham gia công tác lãnh dạo của Quân uỷ. Cùng ngày, công bố việc điều động tư lệnh viên của đại quân khu 8.
Sau hội nghị này, cha tôi không những đã khôi phục được chức vụ uỷ viên Bộ Chính trị. mà còn vào cả Quân uỷ trung ương, tham gia công tác lãnh đạo của Quân uỷ. Sự sắp xếp đó nằm rất xa ngoài ý thức của mọi người. Để cho Đặng Tiểu Bình vào Quốc vụ viện giúp Chu Ân Lai giải quyết việc nhà nước, kể cả công tác về mặt ngoại giao, thì cũng còn là điều mà người ta nghĩ tới được. Bởi vì trước Cách mạng văn hoá Đặng Tiểu Bình vốn đã là phó thủ tướng Quốc vụ viên. Nhưng để Đặng Tiểu Bình tham gia vào công tác quân uỷ là điều không ai nghĩ tới. Dù rằng trước khi giải phóng Đặng Tiểu Bình đã làm việc lâu dài trong bộ đội, cũng đã từng có chiến công, nhưng từ sau giải phóng lại chỉ chù yếu là làm việc ở trung ương đảng và Quốc vụ viện, chẳng có chức vụ thực sự nào trong quân đội, tuy cũng đã từng nhậm chức phó chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng song thực chất vẫn chỉ là danh nghĩa. Vậy mà bây giờ Mao Trạch Đông lại giao cho Đặng Tiểu Bình tham gia quản cả chính trị lẫn quân sự. Như vậy là đã tạo ra một cục diện mới về chính trị: công tác của Quốc vụ viện do Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình chủ trì, công tác quân đội đo Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình chủ trì. Với thành phần ấy, số cán bộ cũ do Chu Ân Lai đứng đầu đã tạo thành một sức mạnh hết sức lớn.
Vương Hồng Văn tuy được đề bạt lên thật đấy, đồng thời còn được Mao Trạch Đông hết lòng bồi dưỡng, nhưng cũng chỉ mới phất lên, còn lớ ngớ, chưa có thể nhúng tay vào công tác của đảng, chính quyền và quân sự được, nên càng không thể nói đến việc nắm thực quyền. Đặng Tiểu Bình tuy vừa mới được phục hồi, nhưng chỉ trong chốc lát lại có clức vụ và thực quyền trong đảng, trong chính quyền và trong quân sự. Vậy Mao Trạch Đông sẽ sắp xếp thế nào đối với vấn đề người kế cận đây?
Cần phải nhớ rằng, năm ấy - tức là năm 1973, vào ngày 26.12.1973, Mao Trạch Đông sẽ vào tuổi thượng thọ, tám mươi. Người tuổi bẩy mươi xưa nay hiếm, huống hồ đây đã bước vào tuổi tám mươi. Sau sự kiện Lâm Bưu, Mao Trạch Đông đã ngã một trận ốm to, tình trạng sức khoẻ không còn được như trước nữa. Ông ta cũng cần thu xếp việc hậu sự, của mình, nhưng cũng thực khó có thể sắp xếp được. Trong tình trạng bên tả bản hữu trùng trùng những tình trạng gay go, nên ông ta đem chia quyền hành ra: để cho Vương Hồng Văn, người có thể thừa kế được đường lối của ông ta, phụ trách công tác đảng. Để cho Đặng Tiểu Bình, người có thể làm được những công việc thực tế, phụ trách mặt hành chính và quân đội. Nhưng để khống chế và “ổn định” được, ông ta không để cho bất kỳ ai nắm độc quyền về một phương diện nào đó trong cơ cấu cao nhất của đảng, ông ta đưa thêm Đặng Tiểu Bình vào để khống chế thế lực của Cách mạng văn hoá, trong quân đội và chính phủ ông ta đưa thêm Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều v.v... để khống chế thế lực của lớp cán bộ cũ, qua sự sắp xếp như thế, Mao Trạch Đông có thể cho rằng, thế lực trên cán cân chính trị đã quân bằng đối trọng, và đã đạt được sự thăng bằng. Sắp xếp được như thế, quả đã là một sự sắp xếp công phu, và cũng là một sự sắp xếp ấn định vững vàng về căn bản. Mao Trạch Đông là một con người quá tự tin, ông ta ngỡ rằng, với sự sắp xếp đó của mình thì mọi việc “hậu sự” đều đã yên ổn, vững chãi, nhưng ông ta lại không nghĩ tới rằng, cán cân chính trị mà ông ta đã trăm lắng ngàn lo thiết kế ra chẳng cần phải chờ đến “hậu sự”, mà ngay từ lúc “sinh tiền”, chính mắt ông ta đã trông thay nó mất thăng bằng, chúi đi.
Bất kể rằng, hôm nay chúng ta đánh giá bình luận ra sao, nhưng nói tóm lại là từ cuối năm 1973, Mao Trạch Đông không những trọng dụng lại Đặng Tiểu Bình, mà ông ta còn trao cho Đặng Tiểu Bình gánh nặng lớn hơn và cũng nhiều quyền lực hơn. Ông ta hy vọng rằng, đến khi Chu Ân Lai không còn tiếp tục làm việc được nữa, Đặng Tiểu Bình sẽ thay thế Chu Ân Lai làm việc. Bộ máy to lớn nhà nước lúc nào cũng cần phải có người đứng máy. Có đầy đủ lý do để nhận định rằng, sau thời gian hơn bảy năm trời tiến hành Cách mạng văn hoá”, Mao Trạch Đông muốn lấy cái kết cấu chính trị mới để ổn định tình hình. Từ đáy lòng mà nói, ông ta khát vọng nhanh chóng có một cuộc “đại trị”, ông ta không thích “phá” nữa và càng không muốn “đại loạn” nữa.
Loạn lạc đùng đùng trong hơn bảy năm trời. nhân dân toàn quốc đã muốn yên lành từ lâu, ngay đến cả Mao Trạch Đông cũng đã bắt đầu muốn yên lành rồi. Nhưng cây muốn lặng, mà gió chẳng muốn dừng. Những thế lực náo loạn muốn dựa vào Cách mạng văn hoá để dấy nghiệp, lại vẫn chưa chịu bãi binh. Những con người đó cho rằng, “văn” không thể trị được quốc, cần “võ” để đánh nhau, không có loạn lạc, họ không có cơ sở để tồn tại. Hơn thế, khi Lâm Bưu đã rồi đời, bọn họ cho rằng, cơ hội đoạt quyền của mình đã tới, làm sao họ cam chịu đứng nhìn những người cán bộ cũ bị họ đánh đổ, hạ bệ, quay trở lại nắm quyền bính trong tay? Bè lũ Giang Thanh muốn tiêu diệt những người cán bộ cũ này, mà chủ yếu là người đầu đảng Chu Ân Lai. Thế là chúng mượn cớ “phê phán Lâm Bưu, phê phán Khổng Tử” vừa bắt đầu nổ ra, nhưng cái hướng của chúng chẳng phái là phê phán Lâm Bưu, cũng chẳng phải là Khổng Tử mà lại là “Chu Công” (Chu Ân Lai - N.D).
Năm 1974 đã tới, ngày đông tháng giá, đất trời lạnh buốt, bè lũ Giang Thanh lại đang bận rộn vô cùng. Ngày 12.1.1974, Giang Thanh và Vương Hồng Văn viết thư cho Mao Trạch Đông, đề nghị cho chuyển phát những tài liệu “Phê Lâm, phê Khổng” do chúng đặt điều ra. Sau khi Mao Trạch Đông phê chuẩn, ngày 18.1.1974, trung ương cho phát tài liệu này ra toàn quốc.
Hai ngày 24 và 25.1.1974, chính vào dịp tết, Giang Thanh không xin phép trung ương đã tự động triệu tập hai đại hội có hàng vạn người tham dự tại Cung Thể dục thể thao thủ đô để tuyên truyền, động viên việc “Phê Lâm, phê Khổng”. Tại đại hội, những đại tướng Cách mạng văn hoá như Trì Quần(2), Tạ Tĩnh Nghi lên diễn thuyết với đầy tính kích động, thả sức bợ đỡ Giang Thanh, đả kích và vu cáo những người lãnh dạo trong Quốc vụ viện và quân uỷ trung ương. Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên cũng nhân cơ hội chõ vào những lời ám muội, đột ngột công kích cả những người tham gia hội nghị là Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh.
Sau hai hội nghị phê phán đó. Giang Thanh lấy danh nghĩa cá nhân, viết thư và gửi tài liệu cho một số đơn vị quân đội, và còn phái người đến các đơn vị bộ đội xúi giục “đoạt quyền”. Cùng khi đó, Giang Thanh còn viết thư, gửi tài liệu và xúi giục phê phán tới những đến vị dưới quyền mình trong Quốc vụ viện. Giang Thanh không hề có một chức vụ gì trong chính phủ và quân đội nhưng mụ muốn dùng cái công cụ phê phán để thọc tay vào chính phủ và quân đội, tạo dựng thanh thế, dễ bề phê phán Chu Ân Lai, rồi tiến thêm một bước đoạt quyền.
Tháng hai, đích thân Giang Thanh ra đề cho bọn “tay sai cung đình”, “cốt cán tài năng” từ hai trường đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa viết kịch bản “Con người Khổng Khâu (tên cúng cơm của Khổng Tử - ND) trắng trợn tuỳ tiện đả kích Chu Ân Lai. Ngày 10.2.1974, Giang Thanh cùng vây cánh của mụ gào thét, bảo rằng, hiện nay trong đảng có một “Nho gia to đầu, cần tập trung vào phê phán nho gia hiện đại” này.
Ngày 8.2.1974, trung một cuộc họp, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều công khai công kích quân đội, bảo rằng: “Bộ tổng tham mưu quân Giải phóng hiện nay đã hữu khuynh đến mức không thể hữu thêm được nữa, đối với Tổng cục chính trị, ta có thể đoạt quyền. Còn Tổng cục hậu cần càng tan rã càng tốt”.
Ngày 5.3.1974, Giang Thanh và Trương Xuân Kiều triệu tập một số người trong quân đội tới họp và họ kêu gào hết sức điên cuồng rằng: “Cần phải chỉnh đốn lại quân đội”, đồng thời đích thân sai người vào quân đội “phóng hoả khai hoang”, và chiếm lấy toàn quyền lãnh đạo công tác văn hoá trong toàn quân.
Bè lũ Giang Thanh đã kích động, chuyển vận một guồng bánh xe mới, đã phá hoại nghiêm trọng tình thế vừa mới đi vào xu thế ổn định. Các phần tử băng phái lại đấu tố cán bộ cũ, lại tóm cổ vít đầu, lại hỗn chiến ở khắp mọi nơi. Rất nhiều địa phương lại bùng lên ngọn lửa “trận mạc”, sản xuất giảm xuống, công tác bỏ bễ, kinh tế lại thêm một lần bị phá hoại. Trước tình hình đó, Chu Ân Lai. Diệp Kiếm Anh cùng một số người khác lại phải đấu tranh sống mái, sáp lá cà với thế lực nổi loạn của Cách mạng văn hoá”.
Ngày 31.1.1974, Chu Ân Lai chủ trì hội nghị Bộ Chính trị, với sự ủng hộ của Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và một số người khác, kiên quyết khống chế trong toàn hệ thống quân đội không tiến hành làm “bốn hiện đại hoá”. Tháng tư, Quốc vụ viện lại phải ra hàng loạt văn kiện và chỉ thị để xoay chuyển việc sản xuất đang bị sa sút, ngăn chặn không để thành lập những tổ chức có tính chất tạo phản, và khống chế không để cho tình hình hỗn loạn phát triển tiếp.
Sau khi Giang Thanh triệu tập hội nghị hàng vạn người để “phê Lâm phê Khổng” khiến Diệp Kiếm Anh giận dữ, liền đưa những bài nói của Trì Quầnvà Tạ Tĩnh Nghi cho Mao Trạch Đông xem. Mao Trạch Đông đọc xong cũng thấy rằng cánh Giang Thanh làm thế quả là rất quá đáng, nếu như cứ để tiếp tục, mọi chuyện sẽ xé ra rất to, đó là điều mà Mao Trạch Đông hoàn toàn không thích thú gì. Bắt buộc phải uốn nắn, hạn chế Giang Thanh lại.
Ngày 15.2.1974, Mao Trạch Đông bút phê vào thư của Diệp Kiếm Anh: “Bây giờ triết học siêu hình đang ngang ngược hoành hành, rất phiến diện”. “Tiểu Tạ, Trì Quần nói năng như thế là có khuyết điểm, không nên tiếp tục như vậy nữa”. Mao Trạch Đông còn phê bình bọn họ: “Nếu có ý kiến gì, cần phải thảo luận với Bộ Chính trị, rồi in thành văn bản phát xuống dưới, cần phải lấy danh nghĩa là trung ương chứ không nên dùng danh nghĩa cá nhân, cũng như không nên lấy danh nghĩa của tôi, tôi không hề cung cấp một tài liệu nào cả”. Mao Trạch Đông còn cắt bỏ băng ghi âm của Giang Thanh và bè cánh vốn định cho phảt ra toàn quốc vào ngày 25.1.1974. Giang Thanh đòi gặp Mao Trạch Đông. Ngày 20.3.1974, Mao Trạch Đông viết thư cho Giang Thanh, phê bình rằng: “Không gặp còn hay hơn. Trước đây nhiều năm đã nói với bà rồi, nhưng có một số việc bà chẳng chịu làm theo. gặp nhiều có ích gì? Có sách Mác- Lê, có cả sách của tôi nữa, bà chẳng chịu nghiên cứu. Tôi đang đau nặng, tám mươi mốt tuổi rồi, mà vẫn chẳng tha. Bà có đặc quyền, tôi chết đi rồi, bà sẽ xoay sở ra sao? Bà là một người, việc lớn không ngó tới, việc nhỏ chuyển cho người khác. Mong bà suy nghĩ”. Có thể nhận ra được rằng, đối với Giang Thanh, trong lòng Mao Trạch Đông cũng đầy những phiền não, nhưng nhiều hơn lại là sự lo lắng, tình cảm của Mao Trạch Đông đối với Giang Thanh là rất phức tạp. Trước kia, Mao Trạch Đông không cho phép Giang Thanh dính dáng tới chính trị. Nhưng khi phát động phong trào Cách mạng văn hoá ông ta lại sử dụng bà ta. Đối với tính xấu của Giang Thanh, Mao Trạch Đông là người hiểu rõ hơn ai hết. Nhưng dù sao, Giang Thanh cũng là vợ của ông ta, nên dù có ngàn lần giận dữ, trăm điều đáng trách, Mao Trạch Đông đối với Giang Thanh vẫn phải bảo vệ, tin cậy, coi trọng. Ông ta có thể không gặp Giang Thanh, có thể ngăn cản Giang Thanh, nhưng đối với những người trong nhà mình, trong đó có Giang Thanh, thì trong lòng ông ta bao giờ cũng có sự tin cậy, bao dung, thân thiết mà không một người ngoài nào có thể thay thế được. Cái tình cảm tin cậy, bao dung thân thiết đó với ông ta, càng vào tuổi vãn niên lại càng nồng đậm.
Chú thích: (1) Dương là chỉ Dương Thành Vũ, đã từng là quyền tổng tham mưu trưởng Nhân dân Giải phóng quân Trung quốc.
Dư là chỉ Dư Lập Kim, từng là chính uỷ không quân.
Phó là chí Phó Sùng Bích, từng là tư lệnh khu Vệ Nhung Bắc Kinh. Tháng 3.1968, bị tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh, vu cáo và đánh đổ
(2) Trì Quần: lúc đó là bí thư đảng uỷ trường đại học Thanh Hoa, chủ nhiệm Uỷ ban Cách mạng