Năm 1972, trong nhà tôi có nhiều thay đổi, ngay đời sống của cá nhân tôi cũng có sự đổi thay không ngờ tới được.
Nói lại chuyện một năm trước đó, tức là nửa năm cuối của năm 1971, tôi vẫn còn sống ở cao nguyên thượng, trên cao nguyên hoàng thổ của Thiểm Bắc. Cô con gái của lão tướng quân nổi tiếng Lã Chính Tháo là Đồng Nham tốt nghiệp trường đại học Y của Trung quốc lại được phân công về làm bác sĩ ở trạm y tế công xã, cách thôn tôi ở có năm dặm đường, tên sữa của chị là cô Bệu, và từ nhỏ tôi vẫn gọi chị là chị Bệu, ở nơi hang cùng ngõ hẻm xa xôi hẻo lánh Thiểm Bắc này lại được gặp người quen thân cùng dân Bắc Kinh quả thật là sung sướng vô cùng. Tôi thường dành những giờ rỗi rãi lên công xã, tìm chị rủ đi chơi. Có một hôm chúng tôi cùng ngồi nói chuyện suông, nói mãi nói mãi về đời sống quen thuộc và những người quen thuộc ở Bắc Kinh, chị Bệu đột nhiên nói:
- Ơ! Mình có quen một người ở Bắc Kinh, tên là Hạ Bình, nhất định là rất xứng đôi với cậu. Mình sẽ giới thiệu cho hai người làm quen với nhau!
Chị là người đã nói là làm, mà đã làm là làm đến nơi. Khi chị về Bắc Kinh, chị đi tìm người bạn đó thật, rồi lôi lôi, kéo kéo dứt khoát bắt viết thư cho tôi.
Cha của Hạ Bình là Hạ Bưu, trước kia đã từng là đội viên của đội Xích Vệ Hồng Hồ, là trưởng ban y tế của phương diện quân đỏ số 2, sau giải phóng làm thứ trưởng Bộ Y tế, trong Cách mạng văn hoá” bị đổ tội là “đi theo tư bản”, cũng đã nếm đủ mùi phê phán, đấu tố, khi đó đã bị hạ phóng tới trường cải tạo cán bộ “7-5” thuộc sở y tế Giang Tây, tối ngủ ở “chuồng gia súc” để lao động cải tạo. Bản thân Hạ Bình là sinh viên của học viện Công trình quân sự ở Cáp Nhĩ Tân, trong Cách mạng văn hoá, chẳng hiểu trời tròn đất méo ra làm sao lại bị vu là uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Đảng cộng sản Trung quốc, bị cùm chân xích tay tống vào tù, rồi hạ một câu “công việc khó khăn, không tìm ra chứng cứ”, và được thả ra, nay được đưa về lao động trong một nông trường khai hoang của quân đội.
Lã Bệu rất nhiệt tình, tôi kéo ấn đẩy hai con người xa lạ chúng tôi xích lại gần nhau. Nếu không, một người cắm chốt tại nông thôn Thiểm Bắc, một người tao động tại nông trường ở tận Hồ Nam làm sao làm quen với nhau được? ít lâu sau, Hạ Bình chuẩn bị đi thăm cha mẹ đang lao động ở “trường cải tạo cán bộ” tại Vĩnh Tu, Giang Tây, tiện đường rẽ qua Nam Xương. Tôi đem mọi chuyện thực tình báo cáo với cha mẹ. Mẹ tôi bình thường vẫn lo lắng cho lũ con cái chúng tôi vì ảnh hưởng của “vấn đề” của ông bà, sẽ chẳng có ai thèm ngó ngàng tới. Nay nghe nói Hạ Bình sẽ đến nhà chúng tôi, bà mừng cứ như bắt được của...
Vào một ngày tháng hai, tôi ra ga xe lửa Nam Xương đón Hạ Bình. Sau hai tháng thư từ, chỉ nhìn mặt nhau qua ảnh, còn mặt thực chưa được thấy qua lần nào, mắt tôi lại cận thị, nên Hạ Bình là người nhận ra tôi trước. ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là: anh là một người cao lớn. Tôi đưa anh lên xe buýt để về nhà ở trường bộ binh. Cần nhớ rằng, đây là lần đầu tiên tôi giáp mặt với anh, bản thân chúng tôi thật tình cũng còn chưa nghĩ tới chuyện xa xôi gì, vậy mà nào cha tôi, nào mẹ tôi, nào bà tôi, cả ba người già cứ như rơi vào “tình trạng khẩn cấp”, cho nên cứ rối rít cả lên. Anh ấy vừa mới tới mà mẹ tôi cứ hỏi đông hỏi tây, nghiễm nhiên thành bà mẹ vợ tra khảo anh con rể. Còn bà tôi, thì nồi chảo cứ loảng xoảng va chạm vào nhau, chuẩn bị làm cơm, thức ăn xào nấu xong đem ra bầy chật ních cả một chiếc bàn vuông. Bà tôi cho rằng, một chàng trai mới hai mươi sáu tuổi, mà lại ở nông trường khai hoang tận Hồ Nam, chắc là đói to. Bà làm nhiều, anh cũng ăn nhiều, chẳng khách khí gì hết. Bao nhiêu là thức ăn, thức uống như thế mà anh quét sạch, cuối cùng hầu như bao nhiêu bát đĩa đều chất đống lên trước mặt anh. Bốn người chúng tôi mời khách, cũng thích khách ăn được nhiều. Bà tôi vừa thu dọn bát đĩa, vừa cười cứ tít cả mắt.
Buổi chiều, mẹ tôi với bà tôi đi trồng mướp, Hạ Bình cũng ra làm giúp. Anh cao lớn, lại biết cách thức làm ăn, chỉ nhoáy một cái, anh đã bắc xong cái giàn mướp. Bà tôi nói: “Cái thằng cao, thế mà được việc!”
Buổi tối cả nhà tập trung lên trên gác, Hạ Bình đem tất cả các loại tin tức đã nghe được, đã nhìn thấy, nói lại cho ba vị cao tuổi nghe, nào là tin “nội bộ cung đình” khi Lâm Bưu ngã đài, nào là tình hình các cán bộ cũ được giải phóng. Các anh là đàn ông, đi được nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, nên tin tức quả là có phong phú hơn chúng tôi nhiều. Chúng tôi thích nghe nhất là đầu cuối câu chuyện Lâm Bưu tuột dốc, và quan tâm nhất là tin về các cán bộ cũ được giải phóng.
Anh Hạ Bình, con người thực thà như đếm, vừa mới tới mà chẳng thấy cái gì là lạ, thấy ba vị cao tuổi là thân thiết được ngay, nên lập tức, anh nhận được cảm tình tốt của mọi người.
Anh ở lại chỗ chúng tôi hai ngày, rồi mới tạm biệt chúng tôi ra đi, anh đến trường “cải tạo cán bộ” của Bộ Y tế ở Vĩnh Tu để thăm cha mẹ. Trước khi ra đi, anh đem tút thuốc lá Vân Yên (khi đó mua được thuốc lá không phải là chuyện dễ) vốn định làm quà cho cha mẹ anh, chia đôi biếu lại cha tôi một nửa.
Sau khi tiễn Hạ Bình đi rồi, tôi quay trở về nhà, đã thấy ba vị già mỗi người một chiếc ghé tre con, ngồi ở sân sau nhà bếp, cạnh giàn mướp, thì thầm nói chuyện gì đó. Nhìn thấy tôi về, mẹ tôi liền vẫy tôi lại, xem ra đầy vẻ nghiêm túc. Cha tôi nét mặt hớn hở, vỗ đùi một cái, và với giọng nói đặc Tứ Xuyên: “Xem ra, chuyện trăm năm này coi như đã định xong”.
Cha tôi, con người này, làm cái gì cũng đều thực sự như thế. Quyết định chuyện trăm năm của con cái, cũng chính thức chẳng kém gì ngày xưa quyết định những việc quốc gia đại sự. Tất nhiên rồi, điều cha mẹ tôi sung sướng nhất, chính là hạnh phúc của con cái.
Sau khi Lâm Bưu tự diệt vong, con tốt biên Trịnh Thế Thanh ở Giang Tây cũng ngã đài. Người lãnh đạo mới của tỉnh uỷ là những cán bộ cũ Bạch Đống Tài và Hoàng Tri Chân. Hoàng Tri Chân đến trường bộ binh thăm cha tôi, đồng thời truyền đạt thông báo của trung ương về vấn đề khôi phục lại sinh hoạt tổ chức đảng cho Đặng Tiểu Bình. Cha tôi tuy chưa bị khai trừ ra khỏi đảng, nhưng bị quản chế giam lỏng, hoàn toàn mất tự do cá nhân. Cho đến lúc bấy giờ, mới được khôi phục quyền lợi cơ bản của một người đảng viên cần phải có cho phù hợp với danh nghĩa thực tế. Đây là một sự thay đổi mang tính bản chất, nó có nghĩa tượng trưng là sinh mạng chính trị được khôi phục. Cha mẹ tôi vô cùng phấn khởi. Trong khi chuyện trò với Hoàng Tri Chân, niềm vui mừng phấn khởi đó đã hiện hẳn lên trên nét mặt.
Đầu tháng 4.1972, Uỷ ban cách mạng tỉnh Giang Tây thông báo cho chúng tôi biết, sẽ sắp xếp cho Phi Phi vào học tại khoa lý trường đại học Giang Tây, cho tôi vào học đại học Y cũng ở Giang Tây. Sự việc đó khiến cho gia đình tôi thấy không còn vui nào có thể vui hơn: Con cái được đi học đại học, thế là ước nguyện trong tâm khảm cha mẹ tôi cuối cùng đã được thực hiện. Điều trọng yếu hơn cả là nó chứng tỏ rằng, bức thư cha tôi viết ngày 8.11.1971, cách đây một năm, gửi Mao Trạch Đông, không những Mao Trạch Đông đã nhận được, mà còn có hồi âm. Đó là điều cực kỳ quan trọng. Nó chứng minh rằng: Mao Trạch Đông vẫn còn chú ý tới Đặng Tiểu Bình ở nơi xa xôi ngàn dặm. Được mọi chuyện đó khuyến khích, nên ngày 22.4.1972, cha tôi viết thư cho Uông Đông Hưng.
Trong thư ông viết: “Đồng chí Uông Đông Hưng, lâu lắm lôi không viết thư. Được Chủ tịch chiếu cố, và được đồng chí giúp đỡ, việc Mao Mao và Phi Phi được đi học đã giải quyết xong: Mao Mao vào trường đại học Y khoa Nam Xương, Phi Phi vào trường đại học vật lý (chuyên ngành vô tuyến điện), giấy gọi của nhà trường chúng tôi đã nhận được từ cách đây hai mươi hôm... Hai cháu được chiếu cố như vậy, tôi chỉ còn cách là tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch và đảng! Mọi tình hình của chúng tôi vẫn như xưa, song ba hôm nữa, kế mẫu của tôi sẽ phải đi Thiên Tân để giúp cô em gái tôi sinh nở và trông cháu. Bà lão cũng đã bảy mươi mấy tuổi rồi, nên sức khoẻ cũng ngày một kém, mấy năm nay sống trong nhà tôi rất vất vả, nên chúng tôi khuyên bà đi Thiên Tân một thời gian, cho được thảnh thơi chút ít. Khi bà cháu đi, hai cháu lại đi học, trong nhà chỉ còn lại tôi với Trác Lâm, trông nom cho cháu trai lớn bị tàn phế, vì thế tôi tạm thời nghỉ lao động bên xí nghiệp, để ở nhà trông nom việc gia đình (tình hình sức khoẻ của Trác Lâm cũng rất đáng lo ngại). Chúng tôi định nhờ một người nấu nướng, đặc biệt là trông nom cháu tàn phế, việc này, tôi đã từng có đề xuất ra với lãnh đạo, nghe nói tìm được người cũng rất khó, tiền lương hơi cao (ba chục đồng trở lên), nhưng chưa biết kết quả ra sao. Không có người giúp đỡ, tôi e rằng tôi với Trác Lâm, bệnh tật đầy người thật khó bề xoay xở. Con trai lớn của tôi là Đặng Phác Phương, đón về nhà đã gần một năm rồi. Gần một năm nay quan sát thấy rằng từ khoảng thắt lưng trở xuống, tuy hoàn toàn mất cảm giác (đại tiểu tiện không tự chủ được), nhưng cơ năng hình như chưa hoàn toàn mất hẳn. Nghe nói, bệnh viện chẩn đoán cũng thấy như thế, và đã tiến hành đại phẫu thuật, mổ ra xem cũng thấy như vậy, nhưng vì sau bị đưa tới nhà tế bần nên không được chữa chạy gì nữa. Chúng tôi luôn có một mong mỏi rằng, cháu được tiếp tục chữa trị ở bệnh viện, nếu như có thể được, xin đưa cháu vào bệnh viện chữa tiếp và phẫu thuật: Đối với việc này, tôi cũng rất ngượng ngùng khi phải đưa đề nghị ra với đảng”.
Có thể thấy rằng, trong Cách mạng văn hoá, thư cha tôi viết, phần lớn là chuyện “vụn vặt” của gia đình. Con người cha tôi, xưa nay, làm việc gì cũng rất ngắn gọn. Trong công tác, nói chuyện, ông không viết thành văn bản, viết báo cáo cũng ít lời đủ ý, không kể lể rườm rà. Trong đời sống, sống cùng cha suốt từ bé tới lớn, tôi chưa bao giờ thấy ông viết thư, ngay cả đến mẹ tôi, người đã gắn bó keo. sơn với ông hơn ba chục năm, ông cũng chưa bao giờ thư từ nói chuyện nhà. Nhưng trong thời gian Cách mạng văn hoá, khi gia đình rơi vào hoàn cảnh bức bách, con cái cần phải được quan tâm giúp đỡ, vì việc chữa bệnh cho con, vì việc học hành của con, vì công tác của con, ông đã làm ngược lại với nề nếp đã có, ông đã cầm lấy bút viết, hết thư này đến thư khác, hết lần này đến lần khác. Trong Cách mạng văn hoá, ông luôn luôn có cảm giác rằng, con trẻ và người lớn trong nhà chính là tại ông nên mới gặp phải những oan khuất, bất hạnh, cho nên ông luôn luôn dốc lòng, đem mọi khả năng, đem mọi năng lực mà mình có được, làm cho người nhà và con cái được một chút gì đó, thêm một chút gì đó nữa. Chưa bao giờ ông đòi hỏi con cái trong nhà phải làm cho ông cái gì. Ông dốc hết mọi tình yêu thương cho con cái, mà không đòi hỏi một sự báo đáp nào. Đó là thứ tình yêu chân chất nhất trên thế gian này. Tính lại, số thư từ mà cha tôi viết trong mười năm Cách mạng văn hoá còn nhiều hơn nhiều so với tám mươi năm của cả cuộc đời ông. Sau khi kể hết mọi chuyện nhà, ở cuối bức thư vừa nói trên, cha tôi viết: “Còn riêng về phần tôi, tôi vẫn yên tâm chờ chỉ thị của Chủ tịch, để tôi có thể làm công tác thêm được mấy năm. Về đời sống, trong những năm còn lại, tôi muốn được sống ở phương Bắc, mùa hè ở đây rất khó chịu đựng đối với tôi”.
Thêm một lần nữa cha tôi đề ra yêu cầu trở về Bắc Kinh và làm việc. Cha tôi sau bấy nhiêu năm im hơi lặng tiếng, quan sát đợi chờ, nay cha tôi đã nói rõ ràng minh bạch mục đích của mình, bằng mọi khả năng tranh thủ trở lại Bắc Kinh, tranh thủ ra làm việc.
Cô tôi, Đặng Tiên Quần, tháng chín sẽ đến kỳ sinh nở, cô viết thư về Giang Tây, hỏi bà tôi có thể về Thiên Tân, nơi cô làm việc, giúp cô trông cháu hộ không. Sau khi cả nhà tôi thảo luận, thấy rằng bà nên về Thiên Tân. Đặc biệt là cha mẹ tôi thấy rằng, trong bao nhiêu năm nay, kể từ lúc ở Trung Nam Hải về Phương Hồ Trai, lại từ Phương Hồ Trai về Giang Tây, bà đã phải gánh một gánh nặng là trông nom các cháu, cũng chính bà đã đồng cam cộng khổ, hoạn nạn cùng chia với cha mẹ tôi, thế là bà đã quá khổ sở vất vả rồi. Nay nên để bà được thay đổi không khí, thong dong một chút, nghỉ ngơi một chút. Cha mẹ tôi cho tôi đưa bà đi Thiên Tân. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, ngày 25.4.1972, tôi và bà tôi từ Nam Xương lên đường đi Thiên Tân. Bà tôi là người không biết nhàn hạ là gì, vừa tới Thiên Tân là đã tay đăm tay chiêu làm mọi việc cho cô tôi. Nhưng cô tôi, chú tôi vốn là người hiếu thảo, muốn mời bà tới đó là để bà nghỉ ngơi, nên không muốn để bà phải mệt nhọc. Vất vả bao nhiêu năm rồi, nên cũng đã đến lúc nghỉ ngơi “hưởng phúc”. Sau khi đưa bà tôi đến Thiên Tân, trên đường về Nam Xương, tôi có ghé qua Bắc Kinh.
Lại vẫn là chị Lã Bệu nhiệt tình kia, bảo sẽ đưa tôi đi gặp Vương Chấn. Ông Vương Chấn, cái ông tướng nổi danh ấy, cái ông Vương Râu, trời không sợ, đất cũng chẳng thèm gớm kia! Trong Cách mạng văn hoá, bọn tạo phản đem ông ra đấu tố, ông cũng chẳng chịu kém, ông chống đối, cãi nhau và đấu lại. Sau “đại hội 9”, ông đã chuyển giúp rất nhiều thư từ cho các cán bộ cũ, trung thực nhiệt tình, tiếng tăm từng lẫy. Chú Vương Râu thấy tôi, là ào ào hỏi mọi tình hình của cha tôi. Ông giữ tôi lưu lại ở nhà ông. Ông nói với tôi một cách hết sức nghiêm túc rằng: “Mao Chủ tịch đã nói việc của cha cháu là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Cháu nói với cha cháu rằng, vấn đề của ông nhất định sẽ được giải quyết. Chú sẽ đi tìm Chu Ân Lai, chú cũng sẽ viết thư cho Mao Chủ tịch và cho trung ương đảng. Cha cháu cần trở lại làm việc”.
Ông bảo tôi khỏi phải đi chỗ nào khác nữa, mà nên mau chóng trở về Giang Tây, nói mọi điều cho ở nhà nghe:
Từ nhà chú Vương Râu ra, đúng dịp lễ “1-5”. Giờ này, Bắc Kinh đang đầy tràn sắc xuân. Đi tới Thiên An Môn. Trên quảng trường thoáng đãng, là trời xanh mây trắng, cờ đỏ phần phật bay, khiến lòng dạ tôi cũng rộng mở lâng lâng. Đã sáu năm rồi, vâng, đã tròn trặn sáu năm rồi. Sáu năm rồi, tôi chưa từng bao giờ thấy Bắc Kinh lại mỹ miều đến thế, chưa bao giờ thấy quảng trường Thiên An Môn lại khiến cho lòng người hớn hở, tưng bừng đến thế.
Sau khi về đến Giang Tây, tôi nói lại những lời của chú Vương Râu cho cha tôi nghe. Cha tôi lặng lẽ hút thuốc, không nói gì. Nhưng tôi đã nhìn thấy được trong lòng cha tôi đầy xúc động. Tục ngữ có câu: “Phúc vô song chí, hoạ bất đơn hành” (phúc chẳng đến đôi, họa không đi lẻ), nhưng trong năm 1972 ấy, đối với gia đình chúng tôi mà nói, việc tốt lành quả là rất nhiều, có thể nói rằng “nườm nượp đầy nhà”. Cha tôi thích nói một câu theo thổ ngữ Tứ Xuyên: “Thời vận kéo vào, cửa nào ngăn nổi”. Chẳng lẽ cuộc sống khốn kiếp của chúng tôi đã tới chặng cuối cùng rồi sao? Bạn thấy không, tháng giêng Mao Chủ tịch nói vấn đề Đặng Tiểu Bình là mâu thuẫn nội bộ nhân dân. Tháng hai, cha tôi được phục hồi sinh hoạt đảng. Tháng tư, tôi và Phi Phi có tin là mình được đi học đại học, đến tháng sáu, chúng tôi lại nhận được thông báo, lương của cha mẹ tôi tiếp tục phát như trước kia.
Số là: sau khi Uông Đông Hưng nhận được thư của Đặng Tiểu Bình viết ngày 22.4.1972, đến ngày 30.5.1972 đã phê như sau: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình lại có thư, trong thư yêu cầu giải quyết vấn đề tiền và người. Tôi đề nghị, phát lại nguyên lương cho đồng chí Đặng Tiểu Bình”, đồng thời đề nghị mang thư này tới để Chu Ân Lai duyệt.
Ngày 27.6.1972, Chu Ân Lai phúc: “Phát nguyên lương cho đồng chí Đặng Tiểu Bình và Trác Lâm. Nếu con trai Đặng Tiểu Bình có thể mổ tiếp được, thì đưa cậu ta về Bắc Kinh để mổ. Việc này còn hỏi đồng chí Dương Đức Trung(1) xem nên làm như thế nào”.
Trước đó, Chu Ân Lai đã chỉ thị miệng cho Văn phòng trung ương đảng, phát lại nguyên lương cho các đồng chí Đặng Tiểu Bình, Vương Giá Tường, Đàm Chấn Lâm, Trương Văn Thiên(2), Ô Lan Phu(3) cùng tất cả vợ con các đồng chí ấy, bắt đầu từ tháng năm.
Phát lại nguyên lương, tình trạng đời sống cùng kiệt có thể được đổi khác Nhưng mọi người đều nhận thấy rằng, đây chẳng phải chỉ là một vấn đề tiền nong. Trong Cách mạng văn hoá, việc được phát lương chỉ nói lên được một điều cơ bản là “vấn đề” chính trị đã được giải quyết. Còn ý nghĩa nằm ở đây, thực tế là vô cùng quan trọng.
Cũng bắt đầu từ khi đó, đời sống của cha tôi và của cả gia đình tôi đã được thay đổi đến tận gốc. Kinh tế trong nhà đã dồi dào hơn, mẹ tôi đã nhờ La Bằng, người phụ trách xí nghiệp tìm hộ một người giúp việc vặt trong nhà và trông nom Phác Phương. Ông La Bằng tìm cho một người thuộc một gia đình công nhân tên là Mậu Phát Hương. Từ khi cô Mậu Phát Hương tới nhà, đã chia xẻ gánh nặng của cha mẹ tôi, đặc biệt là việc trông nom săn sóc Phác Phương, nên đã giảm nhẹ được cho cha mẹ tôi rất nhiều nặng nhọc.
Khi từ Bắc Kinh về đây, Phác Phương có mang theo một chiếc xe lăn. Sau khi về nhà, anh được cha mẹ tôi chăm sóc chu đáo, thể trạng anh cũng không còn quá yếu kém nữa, sức khoẻ ngày một tăng dần, nếu có được người giúp thêm, hàng ngày anh có thể ngồi trên xe lăn, lăn xe ra bên ngoài nhà, đi lại loanh quanh trong sân, trong vườn. Đã có thể ngồi dậy được, lại có thể ra được bên ngoài, thế đã là tốt lắm rồi. Ở trong sân có thể nhìn thấy cây xanh trong tường ngoài tường, có thể nhìn thấy các loại rau quả trong vườn, lại còn được nhìn thấy cả một đàn gà, con bé con lớn, lúc túc, líp chíp chạy theo chân những người già, có thể nhìn thấy trời xanh, mây trắng, lại có thể trông thấy gió xì xào thổi trên ngọn những cây ngô đồng, làm những cành cây và những chiếc lá to rung rinh phơ phất, lại được trông thấy mặt trời, và được đầm mình tắm nắng một cách vô cùng khoan khoái. Nhà mình vẫn là chuyện thích hơn. Nhớ lại những ngày ở trường đại học Bắc Kinh, ở bệnh viện nhà trường, ở bệnh viện Đầm Tích Thuỷ, ở bệnh viện 301, rồi nhà tế bần, quả đúng là một cơn ác mộng dài dằng dặc.
Ngày 10.6.1972, chồng cô tôi là Lật Tiền Minh ở Thiên Tân làm việc tại viện 7, cục cơ khí số 7, đi công tác ở Giang Tây, nhưng chú tôi đi Thành Đô, Tứ Xuyên trước, đến nhà cô hai tôi là Đặng Tiên Phù và chồng cô là Trương Trọng Nhân để báo cho vợ chồng cô hai biết tình hình bà tôi ở Thiên Tân. Nghe nói chú Tiền Minh sẽ đi Giang Tây thăm anh chị, cô hai bảo, cô cũng muốn đi một chuyến. Dù sao cũng đã nhiều năm không gặp mặt nhau rồi mặc dù thư từ vẫn có đi về, nhưng tình hình thực tế của anh cả, chị cả ra sao lại không rõ lắm. Hai vợ chồng cô hai bàn bạc với chú Tiền Minh rằng: Tiền Minh cứ đi trước, nếu có thể được gặp anh cả, thì đánh một bức điện báo về, nói là “Đồng ý”. Nếu không được gặp anh cả, thì viết “Không đồng ý”- Ba người cứ như hoạt động bí mật vậy, phải thống nhất trước với nhau mọi thứ ám hiệu. Cô hai đem bốn bình rượu Thành Đô Đại Khúc tửu đã giấu diếm từ lâu ra, để Tiền Minh mang trước đi cho anh. Cô vừa ngồi buộc những bình rượu, vừa lo lắng dặn dò Tiền Minh: “Anh cả là miệng rượu đấy nhé, anh phải mang xách cho cẩn thận”. Chú Tiền Minh vốn là người thật thà như đếm, rất điển hình, cứ theo lời cô em vợ dặn, nên hết sức nhẹ nhàng, gìn giữ bốn bình rượu, từ Tứ Xuyên ngồi tầu thuỷ đến tận ngày 23.6 mới tới được Giang Tây.
Chú Tiền Minh đến, cả nhà vui như hội. Cô Đặng Tiên Quần tôi, khi giải phóng mới hơn mười tuổi, sau khi đi cùng với bà tới nhà tôi, rồi được mẹ tôi, bà chị dâu “lãnh đạo” cho đến khi lớn, ban đầu cùng với chị Đặng Lâm cùng đi học ở trường nữ trung học trực thuộc trường đại học nữ sư phạm Bắc Kinh, sau đó thi đỗ vào học viện Công trình quân sự Cáp Nhĩ Tân, sau nữa khi tốt nghiệp, cùng được phân công và kết hôn với người bạn học của mình là Lật Tiền Minh: Tất cả mọi việc, từ nhỏ đến lớn, đều do một bàn tay của người chị dâu sắp đặt. Cho nên mọi quan hệ với anh với chị đều đặc biệt thắm thiết. Cô Tiên Quần có thể coi như đã trưởng thành từ gia đình nhà tôi, cô cùng mấy chị em chúng tôi từ nhỏ đã vui chơi với nhau, đùa nghịch cùng nhau, chẳng phân biệt lớn bé. Lấy chồng rồi, chú Tiền Minh được cô “dìu dắt”, cũng lại chơi bời đùa nghịch với chúng tôi và cũng chẳng phân biệt bé lớn gì cả.
Chú Tiền Minh đến Giang Tây, sau bao nhiêu năm không gặp gỡ, nên người nào người nấy đều nói không hết chuyện. Mẹ tôi thân mật trách móc: “Tiên Quần viết thư báo là chú tới, vậy mà cứ biệt tăm mãi. Chúng tôi cứ ngỡ là chú rơi xuống Trường Giang mất rồi”. Cha tôi cũng vui lắm, nhưng ông chỉ nói có mỗi một câu: “Chú Tiền Minh đến đây rồi”. Rồi vội vã rót nước mời chú uống. Bà tôi không có mặt ở đây, nên việc “bếp núc” trong nhà là cha tôi làm. Chú Tiền Minh đến đây rồi, nên cha tôi vội đâm đầu vào bếp, nói: “Tiền Minh thích ăn bánh chẻo, gói bánh chẻo(4) thôi”. Nói xong, liền xách chậu đi nhào bột. Tiền Minh thấy anh làm cơm thết mình, nên cũng vội vã đi nhào bột giúp. Ở gia đình, chú Tiền Minh rất được cô Tiên Quần “cưng”, nên chẳng biết nấu nướng gì hết, nay bỗng chốc lại phải đi giúp ông anh làm cơm, nên quều quào nhào một chậu bột nhão nhoét. Cha tôi nhìn tay chú dính đầy bột nhão, lúng túng chẳng biết làm tiếp ra sao, liền nói: “Thôi không biết làm rồi! Rắc thêm một ít bột khô vào là xong ngay đấy mà. Đần quá đi mất!” Nói xong, ông vội vã đi nhóm lò. Chú Tiền Minh vừa rắc thêm bột vào chậu, vừa nhìn anh nhìn chị, vì ngày nực nội nên ông anh chỉ mặc có mỗi chiếc áo lót của người già, đã thủng lỗ chỗ mấy lỗ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng nhóm bếp, làm cơm lại rất thành thạo. Còn bà chị, tíu tít chạy ra chạy vào, khi cầm quạt, quạt cái lò cháy nóng rừng rực, khi thái rau, múc nước, chẳng để rỗi chân rỗi tay. Chú Tiền Minh cứ nhìn như vậy mãi, rồi nước mắt chú ứa ra lúc nào không hay.
Giải quyết công việc ở Nam Xương hai ngày, chú Tiền Minh sẽ phải trở lại Thiên Tân. Trước khi lên đường, chú cữ bịn rịn, lưu luyến mãi, và cũng cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Anh chị đừng có tham công tiếc việc mà mệt người. Tiên Quần sinh cháu xong, em sẽ đưa cô ấy với bà cùng tới Giang Tây, giúp anh chị đôi ba công việc”.
Trước khi chú Tiền Minh ra về, chú mới cho biết là cô hai Tiên Phù cũng muốn tới đây, và nói rõ cho chúng tôi biết ám hiệu của hai người đã thống nhất với nhau. Cha tôi bảo tôi đi đánh điện báo ngay và nói: “Không viết đồng ý đồng ung gì cả, mà viết là: Đến làm nánh mau”. Cô hai tôi nhận được điện báo với hai chữ: “Đến mau”, hoàn toàn không giống như ám hiệu đã quy định, cô ngớ người, không rõ là đã xảy ra chuyện gì. Cô vội vã bảo chồng cô ra ga xe lửa lấy vé, còn mua hai túi táo to, rồi bánh ga tô, và cả thịt bò khô Tứ Xuyên gì gì nữa, xách đi ngay. Qua hai ngày ngồi xe lửa đến ngày 3.7.1972 cô mới tới được Nam Xương. Cô hai cũng lớn lên dưới sự lãnh đạo của mẹ tôi, công tác của cô rồi chuyện hôn nhâncủa cô đều do một tay bà chị dâu thu xếp. Hai đứa con của cô sau khi sinh ra, cũng ở nhà tôi tất, và đều do bà tôi, mẹ tôi trông nom cho đến lớn. Cho mãi đến khi Cách mạng văn hoá bùng nổ vào tháng 2.1967, tình hình gia đình tôi lâm vào cảnh hiểm, mẹ tôi mới cho đưa hai cháu nhỏ về Tứ Xuyên. Đã sau năm không gặp nhau rồi, cô tôi thương xót anh chị biết bao nhiêu.
Tôi ra ga xe lửa Nam Xương đón cô hai. Đã nhiều năm qua rồi, tôi đã lớn và lại béo ra, nên cô hai chẳng nhận ra tôi ngay được Tôi đã làm lụng ở nông thôn, nên sức khoẻ cũng khá, gặp cô, tôi liền xách ngay những bao lớn bịch bé nặng chích, đi vùn vụt, cô hai tôi theo không kịp cứ lạch bạch đi đằng sau. Khi sắp tới nhà, tôi đứng trên dốc đồi phía sau căn gác nhỏ của chúng tôi, lên giọng gọi mẹ tôi. Mẹ tôi vẫn ngồi chờ ở đó từ lâu, khi nghe tiếng tôi gọi, vội vã thò đầu qua cửa sổ hỏi tôi: “Đến chưa đấy? Bước chân vào cửa là cô tôi đã gặp anh chị, chị dâu mặc bộ quần áo vừa to vừa rộng, chiếc quần dài lê thê do bà tôi may, còn ông anh mặc chiếc áo lót rộng thùng thình đứng ở đầu cầu thang. Tất cả nhà đều có mặt ở đó, cười nói ồn ào vui vẻ long trọng như đón tiếp “khách nước ngoài”.
Cô hai đến, cả nhà lại thêm một phện hồ hởi tưng bừng. Cô hai rất giỏi việc gia đình, cô đòi làm bếp thay cha tôi nhưng cha tôi không nghe. Nên nhớ rằng, bây giờ việc bếp núc là “độc quyền” của cha tôi. Cha tôi làm cho cô hai món thịt kho tầu, thịt băm viên, lại làm món mỳ “ltali” xào thịt bò cà chua. Mẹ tôi nói: “Biết là cô sẽ tới, hôm Tết Đoan Ngọ, tôi đã muối hai chục quả trứng, để dành cho cô đấy số rượu mà cô gửi Tiên Minh mang tới trước, anh cô vẫn tiếc còn chưa dám uống hết, đây cô xem này, vẫn còn nguyên hai bình đây”. Cha tôi lại nói: “Tiên Phù này, anh chị ở đây còn có cả thịt ăn nữa đấy nhé”.
Cô hai thấy trong bếp, những nồi chảo, môi thìa, đến cả những chiếc khăn lau bàn, lau bát đều được treo ngay ngắn gọn gàng đâu ra đấy. Ông anh không cho cô làm cơm, cô chỉ đành rửa bát và làm một vài việc lặt vặt khác”.
Sáng sớm cha mẹ tôi đi sang xí nghiệp làm việc, 6 giờ sáng việc nấu nướng đã tươm tất, ăn xong ông bà đi làm, nhưng vẫn còn dặn chúng tôi đừng gọi cô hai dậy làm gì, cô đi đường mệt nên để cô ngủ thêm cho lại sức. Cô tôi đến, mẹ tôi có bạn để chuyện trò. Hai người túm lại bên nhau suốt ngày, nói không biết bao nhiêu chuyện, vậy mà vẫn không hết. Sáu năm trời rồi còn gì! Cái gì cũng muốn hỏi, cái gì cũng muốn nói. Cô tôi nói hết tình hình cô ở Tứ Xuyên, cùng những tình hình cô nghe được ở bên ngoài cho mẹ tôi nghe, còn mẹ tôi nói hết cho cô nghe những ngày phải sống ở đây. Ngày ngày cha mẹ tôi ra sau nhà hái mướp hương, mướp đắng, nấu nướng cho cô tôi ăn giải nhiệt. Mẹ tôi lại lôi cả món hoa quả ngâm đường bà tôi đã ngâm, cùng với cô tôi làm bánh trôi hoa quả.
Cô tôi ở lại nhà tôi mười một ngày, cha tôi bảo cô, ở đây oi bức nồng nực lắm, cô nên sơm sớm về thăm bà ở Thiên Tân. Có được một chuyến đi thực là chuyện chẳng dễ dàng gì đối với cô tôi, trước khi cô lên đường, tôi lại lôi chiếc máy ảnh của nhà ra, cả nhà chụp chung một ảnh kỷ niệm. Đúng lúc đó cha tôi đang mặc chiếc may ô rách, đứng ở đầu cầu thang trước cửa bếp, lay đang bưng cái chậu đựng gạo chuẩn bị đi vo gạo nấu cơm. Tôi nói với ông: “Cô hai sắp đi rồi, cả nhà chụp một bức ảnh ạ”. Trong cả cuộc đời ông, việc ông ghét nhất ấy là cái sự chụp ảnh. Ông nói: “Quần áo còn chưa thay, ảnh với hình cái gì”. Tôi chẳng kể nếp tẻ gì, cứ lên gác, lấy một chiếc áo ngoài, bắt cha tôi mặc lên người, tôi kéo ông ra sân. Thế là cha tôi, cô tôi cả tôi và Phi Phi nữa cùng chụp chung một bức ảnh. Do kỹ thuật kém nên bức ảnh ấy đen xì đen xịt. Nhưng cho đến bây giờ, giở ảnh ra xem, vẫn thấy lòng đầy quyến tuyến. Đó là lần đầu tiên cha tôi chụp ảnh sau sáu năm Cách mạng văn hoá, mà lại là bức ảnh gia đình, chụp ở nơi đất trích Giang Tây. Nhìn lại những tấm ảnh, không thể không nghĩ đến cuộc sống ngày ấy. Trong một đời người có những ngày như thế, quả cũng đáng nhớ và truy niệm.
Đầu tháng mười, chúng tôi nhận được thông báo, Ban tổ chức trung ương đồng ý đưa Phác Phương về Bắc Kinh, vào bệnh viện 301 điều trị. Cả nhà chúng tôi thật quá phấn khởi. Đặc biệt là mẹ tôi, bà mong mỏi bao nhiêu việc con trai bà được chữa chạy, hoặc ít ra cũng có khả năng làm bệnh tình nhẹ bớt đi. Ngày 7.10.1972, Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây cắt cho hai người, và thêm tôi nữa đưa Phác Phương về Bắc Kinh chữa bệnh. Trở về Bắc Kinh lần này, không giống như hồi tôi ở Thiểm Bắc trở về ngồi ghế băng cứng, mà là một khoang riêng, trong toa giường ngủ có đệm. Bốn người một khoang riêng đó, lại có cả chăn đệm nữa, thật êm ấm, khoan khoái. Cuộc sống của chúng tôi ở Giang Tây được nới lỏng ra rất nhiều. không những được nới lỏng trong đời sống, mà còn được nới lỏng cả về tinh thần nữa. Trong suốt sáu năm trời, sợi dây siết chặt lấy trái tim chúng tôi cũng đã bớt căng đi. Tuy bà tôi đã đi Thiên Tân với cô tôi, nhiệm vụ quan trọng là việc nấu nướng rơi vào tay cha tôi, nhưng khi Phác Phương đã đi Bắc Kinh chữa bệnh, việc trong nhà cũng bớt đi rất nhiều. Thêm vào lại có tôi và Phi Phi, hai tên sứt dài vai rộng cũng đã được trở về, nên cha mẹ tôi cũng cảm thấy vui hơn. Khi đó cán bộ lãnh đạo và công nhân bên xí nghiệp cũng đã đi lại chơi bời, thăm hỏi. La Bàng, trung đội trưởng Đào Đoan Tấn, Trình Hồng Hạnh cùng những người tương đối thân thuộc đều có qua chơi. Khi chị Trình Hồng Hạnh đến chơi, chị còn gói bánh chưng giúp cha mẹ tôi và cười cười đùa đùa với mẹ tôi nữa.
Nghĩ lại từ ngày Cách mạng văn hoá tới nay, chúng tôi mới lại có được sự thư thái như thế, mới có được sự nới lỏng như thế. Lẽ nào lại có thật, chuyện vật đổi sao dời? Có cái sống ở cuối con đường chết sao?
Chú thích: (1) Lương Đức Trung: cục phó Cục bảo vệ trung ương, phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng
(2) Trương Văn Thiên: được bầu làm uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị tại đại hội toàn thể trung ương lần thứ nhất của khoá 8. Năm 1959, bị phê phán sai lầm ở hội nghị Lư Sơn năm 1959.
(3) Ô Lan Phu: tại hội nghị toàn thể trung ương lần thư nhất của khoá 8 được bầu làm uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc.
(4) bánh chẻo giống như bánh gối của nhưng nhỏ hơn nhiều, không rán mà đem hấp trong vỉ như hấp bánh bao (N.D)