Sau đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá bốn, tình hình chính trị trên chính trường Trung quốc như sau: Mao Trạch Đông tuy muốn khôi phục lại cục diện ổn định, ủng hộ sự uốn nắn, chấn chỉnh có tính chất cực tả trong Cách mạng văn hoá, nhưng chính sách và đường lối chung vẫn duy trì sự sai lầm “tả khuynh”. Đại diện cho thế lực Cách mạng văn hoá là Giang Thanh tuy không đạt được mục đích cuối cùng là đoạt quyền, nhưng vẫn còn được chia một muôi canh trong đảng, chính quyền và quân đội, vẫn nắm được những quyền lực quan trọng và điên cuồng gây rối, làm loạn. Các bè phái được đẻ ra và lan tràn trong Cách mạng văn hoá vẫn giết chóc bừa bãi như xưa, rất nhiều bè phái và kẻ xấu ở các địa phương vẫn cứ mượn gió bẻ măng, làm loạn và võ đầu với nhau. Tình hình kinh tế vẫn khiến mọi người phải quan tâm e ngại nhà máy ngừng sản xuất, đường sắt ngừng vận chuyển, mức sản xuất tụt xuống. Một số cán bộ cũ được giải phóng, phục hồi công tác, nên về mặt chính trị, mặt công tác cũng đã có những thay đổi khả quan, song công tác vẫn vô cùng khó khăn, vất vả, vấp đầy những trở lực, những xung đội, mâu thuẫn sắc nhọn với các thế lực Cách mạng văn hoá không sao điều hoà, điều chỉnh được:
Sau đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá bốn, Đặng Tiểu Bình đã được đích thân Mao Trạch Đông lựa chọn làm phó chủ tịch đảng, làm thường vụ Bộ Chính trị trung ương, làm phó thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện, làm phó chủ tịch Quân uỷ trung ương và tổng tham mưu trưởng quân Giải phóng. Giờ đây những chức vụ mà ông mang trên người bao gồm đủ các chức vụ của đảng, chính quyền, quân sự... còn nhiều hơn cả số chức vụ của ông trước Cách mạng văn hoá, và địa vị cũng cao hơn trước Cách mạng văn hoá nhiều. Chỉ thuần tuý nhìn từ mặt chức vụ mà nói, cũng đã thấy ngay được rằng, trong những năm cuối đời của mình, Mao Trạch Đông đã đặt rất nhiều hy vọng vào con người Đặng Tiểu Bình. Mao Trạch Đông tin vào tài năng của Đặng Tiểu Bình, tán thưởng phẩm cách đạo đức của ông. Mao Trạch Đông tha thiết hy vọng rằng, Đặng Tiểu Bình sẽ vĩnh viễn “không lật án”, không phản đối đường lối Cách mạng văn hoá, lại có thể cứu vãn được tình thế nguy ngập trước cơn sóng dữ, giống như Chu Ân Lai, chèo lái, chống đỡ, để vận hành một cơ cấu quá ư đồ sộ của đất nước Trung quốc. Trong quá trình tranh thủ để xuất hiện trở lại, Đặng Tiểu Bình cũng đã từng chính thức đảm bảo với Mao Trạch Đông sẽ vĩnh viễn “không lật án”. Thái độ đó của Đặng Tiểu Bình không phải là âm mưu lươn lẹo, quyền biến gì. Vĩnh viễn không giở lại án cũ là chứng tỏ niềm tin trước sau như một vào đảng, là chứng tỏ lòng kính trọng trước sau như một đối với bản thân Mao Trạch Đông. Ông nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận lịch sử, nhìn nhận công tội của cá nhân, bao giờ cũng nhìn từ góc độ lịch sử, từ góc độ biện chứng, từ góc độ thực tế khách quan, từ góc độ xuất phát của đại cục. Ông tuyệt đối không bao giờ vì ân oán cá nhân mà thanh toán nợ cũ trong lịch sử, hoặc lật giở những bản án cũ ra. Đối với đảng, đối với cá nhân Mao Trạch Đông, ông vĩnh viễn không bao giờ “lật án”. Kể cả khi Cách mạng văn hoá đã kết thúc, khi nhìn lại vấn đề lịch sử, tổng kết những bài học kinh nghiệm, đánh giá công tội của Mao Trạch Đông, ông cũng không hề “lật án”. Trong Cách mạng văn hoá, ông tranh thủ để xuất hiện trở lại làm việc, không phải là vì muốn có lại quyền lực của cá nhân, lại càng không phải vì một ngày nào đó sẽ có thể thanh toán được các món nợ cũ của cá nhân. Ông tranh thủ xuất hiện trở lại là vì ông nhận thấy rằng, trên con người ông, có một gánh nặng lịch sử không thể đùn đẩy cho ai được. Ông minh bạch phản đối sự sai lầm của Cách mạng văn hoá, ông căm giận những tội ác của các thế lực Cách mạng văn hoá như Lâm Bưu, “bè lũ bốn tên” phạm phải đối với đảng, với nhà nước, nhân dân, ông đau khổ trước những vết trọng thương và tổn thất mà đảng và nhà nước đã phải chịu đựng. Sau khi trở lại công tác, ông muốn sứa chửa, uốn nắn lại tất cả những sai lầm của Cách mạng văn hoá một cách toàn diện, để cứu vãn lại những mất mát nặng nề, mà Cách mạng văn hoá đã gây ra. Đối với việc này, ông không hè do dự, và vì đạo nghĩa không cho phép ông chùn bước. Ông biết rằng, trên con đường đấu tranh, đầy dẫy những gian nguy cùng trở ngại. Ông chân thành hy vọng ở Mao Trạch Đông có được sự hối hận thực tình, để có thể chấp nhận cho ông sửa chữa những sai lầm của Cách mạng văn hoá. Nhưng đồng thời ông cũng chuẩn bị sẵn sàng về tư tưởng cho mình, một khi Mao Trạch Đông không chấp nhận những hành động của ông, ông cũng không bị hụt hẫng, thất vọng. Những điều ông cần làm cũng chính là những điều ông đã trăn trở, suy tính kỹ lưỡng rồi, và cũng không tính đến hậu quả thành bại của cá nhân. Ông biết một cách sâu sắc rằng, ông không còn thời gian để mà lãng phí đợi chờ nữa, ông đã bảy mươi mốt tuổi rồi. Có được bao nhiêu người sống qua tuổi bảy mươi lại có được cơ hội làm cuộc chính trị thay cũ đổi mới, hơn nữa lại là cuộc chính trị đầy những gian nguy ngặt nghèo? Thời gian đi như tên bắn, thời gian chẳng chịu đợi người bao giờ! Nếu như muốn có được một công quả nào đấy, nếu như muốn xoay chuyển được thế cuộc, cần phải mau chóng lên thôi, cần phải đánh sập cầu phía sau lưng (nguyên văn: đập nồi, chìm thuyền), cần phải kiên quyết, quả cảm. Hơn thế, đã cần làm, phải làm tới cùng, cần phải lập tức mở rộng ra toàn diện. Đó chính là cá tính và phong cách Đặng Tiểu Bình.
Đúng là cần làm thì làm. Một tuần sau khi đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá bốn kết thúc, ngày 25.1.1975, Đặng Tiểu Bình vừa nhậm chức tổng tham mưu trưởng xong, ông triệu tập cán bộ quân đội, cấp trung đoàn trở lên, họp tại cơ quan Bộ Tổng tham mưu và ông nói chuyện, vừa vào đầu là ông đã đề xuất vấn đề cần phái tiến hành chỉnh đốn quân đội.
Ông nói:
- Tình trạng quân đội của ta hiện nay là: kể từ năm 1959, sau khi Lâm Bưu nắm quân đội, đặc biệt là vào thời kỳ cuối của ông ta, quân đội đã bị làm cho thành tương đối rối loạn, và mất đi nhiều truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Tuyệt đại đa số các đồng chí trong quân đội đều tỏ ý không hài lòng với hiện trạng ấy, cho nên đồng chí Mao Trạch Đông đề xuất là phái chỉnh đốn quân đội.
Ông nói:
- Những năm gần đây, trong quân đội chúng ta xuất hiện một vấn đề mới, đó là tính bè phái. Không loại trừ tính bè phái, sẽ không ổn định đoàn kết được. Nhất định phải nâng cao tính đảng, diệt trừ tính bè phái, tăng cường tính kỷ luật. Bộ tổng tham mưu, tổng cục chính trị, tổng cục hậu cần, ba bộ tổng ấy cần chỉnh đốn đầu tiên.
Bài nói về “Cần chỉnh đốn quân đội”, quan điểm rất rõ ràng, thái độ rất kiên quyết, và trở thành bước mở đầu cho cuộc chỉnh đốn toàn diện, cố gắng sửa chữa sai hai của Cách mạng văn hoá kể từ sau khi Đặng Tiểu Bình xuất hiện trở lại, được phục hồi công tác. Giang Thanh bị thất bại trong việc liều lĩnh “chiếm nội các” của đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá bốn, lại bị Mao Trạch Đông phê bình khiến cho mụ như người bị tắc thở. Mụ ôm đầy một bụng tức tối, liền kéo Vương Hải Dung, Đường Văn Sinh tới chỗ mụ, rồi trút hết mọi nỗi giận dữ bức bối trong lòng ra bằng cách mại sát hết thảy các uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, đồng thời đề nghị với hai bà khi nào tiếp khách nước ngoài cùng với Mao Trạch Đông, sẽ báo cáo lại với Mao Trạch Đông giúp mụ. Sau đó, khi gặp Mao Trạch Đông, hai bà đã nói mọi “thái độ” của Giang Thanh cho Mao Trạch Đông nghe. Nghe xong, Mao Trạch Đông nói: “Bà ta kính trọng được mấy người? Chỉ có một! Chính bà ta!” Hai bà hỏi: “Thế còn Chủ tịch thì sao?” Mao Trạch Đông đáp: “Nhằm nhỏ gì”. Mao Trạch Đông nhìn thấu suốt được Giang Thanh, nên đã nói toạc móng heo ra rằng: “Rồi đây bà ta sẽ bị tất cả mọi người lật đổ. Bây giờ người ta chỉ đãi bôi bà ta thôi. Sau khi tôi chết đi, bà ta sẽ rắc rối”. Mao Trạch Đông không thêm ngó ngàng gì đến Giang Thanh. Bây giờ ông ta ủng hộ Đặng Tiểu Bình để đổi lấy sự ổn định của đại cục.
Trong thời gian đó, ông ta đưa ra ba chỉ thị về việc: học tập lý luận giai cấp vô sản chuyên chính, phải ổn định đoàn kết, phải nâng cao nền kinh tế quốc dân. Ba chỉ thị đó của Mao Trạch Đông, tuy vẫn chỉ nhấn mạnh vào sự đấu tranh giai cấp, nhưng đã ló rõ sự ủng hộ công việc của Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Ba chỉ thị này về sau, trong khi chỉnh đốn toàn diện, đã trở thành lá cờ được giương cao của Đặng Tiểu Bình.
Khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu tiến hành chỉnh đốn toàn diện, Mao Trạch Đông tỏ lòng ủng hộ Đặng Tiểu. Bình, nhưng bè lũ Giang Thanh không thể chỉ tròn mắt đứng nhìn Đặng Tiểu Bình lật đổ những “thành quả” mà họ đã gian khổ kinh doanh trong tám năm ròng. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá bốn vừa họp xong, Mao Trạch Đông cũng vừa nói rằng: cần phải ổn định đoàn kết, vậy mà một cuộc chiến sinh tử đã chính thức được bầy binh bố trận sẵn sàng.
Bè lũ Giang Thanh chẳng thèm kể đến sản xuất, chẳng thèm tính đến kinh tế, chẳng thèm quan tâm tới cái sống và cái chết của bách tính. Trong đầu u óc họ đầy ắp mộng tưởng, ấy là phải phản kích Đặng Tiểu Bình cùng một số người khác.
Tháng 1.1975, hầu như đồng thời với việc phát biểu về việc chỉnh đốn quân đội khi Đặng Tiểu Bình vừa nhậm chức ở bộ lổng tham mưu, Vương Hồng Văn đã nói riêng với những kẻ “dưới trướng” của mình ở Thượng Hải rằng: “Điều tôi lo lắng nhất là quân đội không nằm trong tay chúng ta”. Lời đó của Vương Hồng Văn đã bộc lộ rõ sự hận thù khắc cốt ghi xương của “bè lũ bốn tên” đối với Đặng Tiểu Bình. Chu Ân Lai đã gửi gắm vào Đặng Tiểu Bình biết bao hy vọng, song ông cũng lại biết rằng, cuộc chiến đấu vẫn còn đang tiếp diễn, nên vẫn chẳng yên tâm mà trị bệnh được. Ông cũng dành phần sức sống cuối cùng của mình vào việc hỗ trợ cho Đặng Tiểu Bình. Sau đại hội khoá bốn, ông đã mấy lần triệu tập Ban thường vụ Bộ Chính trị họp, để thảo luận và bố trí nhiều công tác khác. Ngày 30 tháng một, ông lại triệu tập một lần nữa Ban thường vụ Bộ Chính trị trung ương tới họp, bao gồm Vương Hồng Văn, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Trương Xuân Kiều, để nghiên cứu vấn đề phân công các phó thủ tướng. Ngày 1.2.1975, ông nhờ thư ký trưởng của Quốc vụ viện là Ngô Khánh Đồng báo cho Đặng Tiểu Bình, đề nghị Đặng Tiểu Bình lập danh sách phân công của các phó thủ tướng. Chu Ân Lai nói: “Ông ấy khó nói, để tôi nói”. Ngày 1.2.1975, Chu Ân Lai triệu tập Ban thường vụ của Quốc vụ viện họp tại đại sảnh phía tây của đại lễ đường Nhân dân, công bố việc phân công của mười hai phó thủ tướng. Trong hội nghị, xác định rõ ràng công việc của phó thủ tướng thứ nhất Đặng Tiểu Bình, trong khi thủ tướng Chu Ân Lai chữa bệnh tại bệnh viện. Ông sẽ đại diện thủ tướng chủ trì các hội nghị và trình duyệt những văn kiện quan trọng. Xác định Lý Tiên Niệm, Kỷ Đăng Khuê, Hoa Quốc Phong, ba vị phó thủ tướng này phụ trách xử lý những công việc thường nhật của Quốc vụ viện. Chu Ân Lai lại nói với tất cả thành viên Ban thường vụ Quốc vụ viện có mặt tại đó: “Tình hình sức khoẻ của tôi hỏng rồi, công tác của Quốc vụ viện từ nay về sau sẽ do đồng chí Đặng Tiểu Bình chủ trì điều hành”. Tiếp đó, Chu Ân Lai lại triệu tập cuộc họp hơn một trăm người tham gia, bao gồm những người phụ trách các bộ, các Uỷ ban của Quốc vụ viện. Ở hội nghị, Chu Ân Lai nói: “Căn cứ vào chỉ thị của Mao Chủ tịch và quyết định của trung ương, bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng ta làm việc để hoàn thành những công việc sau đại hội khoá bốn, đồng thời kiện toàn mọi tổ chức của Quốc vụ viện. Hôm nay là bắt đầu. Tôi e là tôi chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ bắt đầu này thôi”. Ông nhấn mạnh lại sự đánh giá của Đặng Tiểu Bình đối với Mao Trạch Đông rằng: “nhân tài khó kiếm và tư tưởng chính trị vững vàng”, đồng thời tuyên bố rõ trước mọi thành viên của hội nghị: “Hiện nay tôi đang đau yếu, sau này cũng sẽ như vậy thôi, nên mời đồng chí Đặng Tiểu Bình thay tôi phụ trách công việc, mong rằng sau khi Quốc vụ viện được thành lập, sẽ có một luồng không khí mới, làm sao cho kế hoạch năm năm lần thứ tư năm nay có thể hoàn thành được, thậm chí hoàn thành vượt mức nữa kia”. Ở hội nghị này, Đặng Tiểu Bình cũng có nói chuyện với các đại biểu.
Ngày hôm sau, tức là ngày 2.2.1975, Chu Ân Lai gửi thư cho Mao Trạch Đông, báo cáo tình hình phân công công tác của các phó thủ tướng. Cũng bắt đầu từ ngày hôm đó, Đặng Tiểu Bình thay thế Chu Ân Lai làm công tác của Quốc vụ viện.
Đặng Tiểu Bình vừa bắt đầu điều hành công việc của Quốc vụ viện, thì ngày 10.2, trung ương Đảng cộng sản Trung quốc ra thông báo làm biện chuyện kế hoạch kinh tế quốc dân năm 1975”, yêu cầu toàn đảng đoàn kết với tất cả những người đoàn kết được, điều động mọi nhân tố tích cực, để đưa nền kinh tế quốc dân lên cao, mà trước mắt là phải nắm cho chắc về giao thông vận tải khai thác than, sản xuất sắt thép.
Đưa nền kinh tế quốc dân lên cao là công tác quan trọng hàng đầu khi Đặng Tiểu Bình điều hành công tác của Quốc vụ viện. Nhưng với tình hình hỗn loạn toàn diện trước mắt mà lại phải hoàn thành một nhiệm vụ như thế thì thật là khó vậy.
Bè lũ Giang Thanh thổi bùng lên phong trào “Phê Lâm, phê Khổng”, tạo thành một sự động loạn chính trị mới, và đã phải bỏ biết bao nhiêu công sức mới vừa tạo ra được xu thế ổn định bước đầu, thì lại bị phá hoại lại. Rất nhiều địa khu, rất nhiều ban ngành lại xuất hiện lại tình trạng hỗn loạn, một số cán bộ lãnh đạo xí nghiệp lại bị làm cho tê liệt, tình hình kinh tế quốc dân lại thêm một lần tụt giảm. Nửa đầu năm 1974 rất nhiều địa khu cũng như những ngành sản xuất công nghiệp không hoàn thành kế hoạch sắt thép, phân bón hoá học, và một số xí nghiệp quân đội nợ đọng đầm đìa. Đặc biệt là khai thác than và vận tải đường sắt, thật vô cùng nghiêm trọng. Do sản xuất bị sụt giảm, tài chính chi thu mất cân đối, thu nhập sút kém, số chi tăng lên. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp của năm 1974 so với năm trước (1973) tăng lên được 1,4%, trong đó giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng được 0,3%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng được 2,4%, sản lượng sắt và than giảm xuống, nhà nước rơi vào tình trạng bội chi.
Cần đưa nên kinh tế lên cao, trước hết phải chỉnh đốn lại nên kinh tế quốc dân. Nhưng chỉnh đốn nền kinh tế quốc dân trong khi tình trạng lúc bấy giờ của công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài mậu, văn hoá giáo dục, khoa học kỹ thuật và tất cả các mặt khác đều tồn đọng, chất đống những vấn đề, khó có thể nhấc mình lcn được, thì tiến hành chỉnh đốn ra làm sao? Khi đã hạ quyết tâm chỉnh đốn, cũng chẳng thể chỉ bắt tay vào chỉnh đốn một bộ phận riêng lẻ nào đấy, mà cần phải tiến hành chỉnh đốn toàn diện. Vậy thì, đột phá khẩu của công cuộc chỉnh đốn này nằm ở ngách nào. Cả cái gánh động loạn lại được tăng cường bầng động loạn này, phải thọc tay vào trước hết là chỗ nào đây?
Phải đối diện với một vấn đề rất rối ren và vô cùng phức táp đó, Đặng Tiểu Bình vẫn bình tĩnh phân tích, nắm bắt trọng điểm, nhằm đúng chỗ hiểm, sau đó kiên quyết và quả cảm tiến hành xử lý. Đây là đặc điểm nổi bật trong tính cách của ông. Chu Ân Lai đã từng nói rằng: “Đặng Tiểu Bình là người xốc vác, xông pha”. Muốn tiến hành chỉnh đốn toàn diện, điều quan trọng nhất là phải nắm chắc vấn đề cán bộ, đó cũng chính là vấn đề ê kíp, mà mấu chốt là ê kíp lãnh đạo. Cần phải kiên quyết đấu tranh với bọn bè phái. Cần phải kiên quyết đấu tranh với bọn người mang đầy dã tâm, tranh quyền trục lợi, và đầy những mưu mô quỷ kế. Thấy cần phải phê bình thì phê bình, cần phải điều động là điều động, một bước không nhân nhượng. Sau khi giải quyết xong vấn đề con người, liền phải khôi phục những cực độ, những quy tắc, quy định vốn rất có hiệu quả, nhưng đã bị phá hoại hầu hết. Không có quy củ, không thể thành tròn, thành vuông gì được. Chỉ có lập lại mọi quy định, quy tắc, mới có thể bảo đảm được sự vận hành bình thường trong sản xuất, nếu không, chỉ hoàn toàn là nói suông.
Đó chính là đột phá khẩu mà Đặng Tiểu Bình đã chọn để tiến hành chỉnh đốn toàn diện.