Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40688 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa
Mao Mao

6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú

Phong trào đã tiến hành được hơn một năm, do đích thân Mao Trạch Đông phát động, thúc đẩy cho phong trào phát triển, nuôi dưỡng bọn tạo phản “cánh tả”, phê phán và trừ diệt tất cả mọi thế “lực “phản động” làm trở ngại đến sự phát triển của phong trào, xây dựng về mọi phương diện chính quyền “cách mạng” mới v.v... đều đã đạt được những thành tích về kết quả đúng như ông ta dự kiến. Nếu như tất cả những cái đó là mục đích khi phát động phong trào “cách mạng” này, thì ông ta phải lấy làm mãn ý mới phải. Mục tiêu của ông ta chẳng là bảo đảm cho Trung quốc không biến thành xét lại chẳng là bảo đảm vĩnh viễn tinh thần cách mạng, chẳng là dùng thủ đoạn cách mạng bảo đảm sự thực thi đường lối cách mạng, và dùng thủ đoạn cách mạng để đổi đời, thay thế về tổ chức, về nhân sự, cho đến chính quyền đó sao?
Nhưng, đúng như chính Mao Trạch Đông vẫn thường nói, sự việc luôn luôn đi ngược với mình. Khi phong trào được phát động lên, hơn nữa lại luôn luôn tăng tốc, tiến hành càng ngày càng nhanh chóng, giống như một đoàn tầu chở nặng. dốc sức thẳng tiến về phía trước, với sức mạnh vô bờ, với quán tính cực đại, bất cứ trở lực nào cũng không ngăn cản được. Cả đến Mao Trạch Đông, người đã dấy động phong trào, cũng không thể điều khiển được nhịp độ cũng như hướng đi tới của nó, huống hồ, đây lại do tư tưởng sai hại, tính toán sai lầm đã phát động một phong trào sai lầm. Do tính chất sai lầm quyết định, nó chỉ có thể đi đứng gian nan trên một con đường khúc khuỷu quanh co, chứ không thể lấy ý chí con người mà xoay chuyển được.
Đối với việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông vốn cũng đã từng nghĩ rằng có khác với Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn. Nhưng Lâm Bưu và cả bè phái Cách mạng văn hoá trung ương lại cho thế là chưa đủ. Bọn họ cho rằng, vẫn phải tiến hành một cuộc đấu tố với thanh thế cực lớn, lấy thanh thế cực lớn của phong trào quần chúng tạo thành một thế lực đánh đổ mà không thể nào cứu vãn nổi, đốc thúc giục Mao Trạch Đông nhanh chóng hạ quyết tâm. Bọn họ khép chặt đội ngũ, tính toán từng bước tiến hành đấu tố chính thức Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình.
Ngày 15.7.1967, Văn phòng trung ương gửi một công văn thỉnh thị xin ý kiến Ban Cách mạng văn hoá trung ương đấu tố Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Trưởng Ban Cách mạng văn hoá trung ương Trần Bá Đạt lấy bút gạch phăng hai chữ “Thiếu Kỳ” và viết thêm vào phía sau: “Vợ chồng Đặng Tiểu Bình, Đào Chú”.
Ngày 18.7.1967, Giang Thanh, Khang Sinh, Trần Bá Đạt v.v... bàn mưu kế tổ chức triệu tập một đại hội “đấu tố Lưu Thiếu Kỳ” để tiến hành đấu tố, lục soát nhà cửa, đồng thời nhân đó được đoạt tự do nhân thân của Lưu Thiếu Kỳ.
Sau khi Lưu Thiếu Kỳ bị lục soát nhà cửa, ông lão phục vụ trong nhà chúng tôi Ngô Hồng Tuấn len lén gọi mẹ tôi ra lối đi sau nhà nói: Hôm nay đã lục soát nhà Lưu Thiếu Kỳ rồi, chở cả một xe các thứ đi, nghe nói ngày mai sẽ lục soát đến nhà này, nên nhanh nhanh thu xếp mọi thứ đi!
Ngày 19.7.1967, phái tạo phản trong Trung Nam Hải gọi cha mẹ tôi tới Hoài Nhân đường ở kề bên, bảo rằng có việc cần hỏi. Sau khi cha mẹ tôi bị đưa đi, phái tạo phản ập vào nhà, bắt đầu lục soát. Đầu tiên bọn họ xục ngay vào phòng làm việc của cha tôi, rồi đến phòng khách, sau nữa đến phòng ngủ của cha mẹ tôi, họ lục đi, soát lại nhưng chẳng lục ra được thứ gì. Thói quen làm việc của cha tôi là: hội họp không ghi chép, ngày thường không ghi nhật ký, diễn văn, nói chuyện không ghi ra giấy, nhiều nhất chỉ là một mẩu giấy ghi vài số liệu, khi đặt bút viết đều viết trên văn kiện. Xử lý văn kiện đều làm xong ngay trong ngày, đọc xong, phê xong là đưa ngay cho thư ký cầm đi. Trong phòng làm việc không bao giờ có một văn kiện nào. Phòng làm việc của ông thật tinh tươm, đơn giản, ngoài số sách đọc ra, hầu như chẳng có thứ gì. Bọn tạo phản lục lọi chán chê, một “cọng rơm” cũng không mò thấy, nên tức tối nói: “Một mẩu ghi chép cũng không thấy, cái lão Tổng bí thư này, chẳng biết lão làm ăn ra sao”. Bọn tạo phản không chịu đi không lại về không, bèn chuyển sang phòng của lũ con cái chúng tôi, lục lọi, rà soát từng phòng một, kết quả là tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Hôm đó Phi Phi cũng có mặt ở nhà, bọn họ hỏi: Đọc cái gì? Phi Phi đáp: “Tây du ký”, thực ra lúc ấy trong túi Phi Phi có cỗ bài tú lơ khơ mà cha tôi thường đánh chơi hàng ngày. May mà bọn tạo phản lại không khám người, nếu không họ sẽ tìm ra một tội chứng duy nhất: cỗ bài tú lơ khơ của Đặng Tiểu Bình. Còn nhớ rằng, khi chúng tôi đọc báo chữ to, bọn tạo phản đã liệt kê cho cha tôi một “tội danh” to lớn, đó là “ham đánh kiều bài, ham chơi”: Lục soát rất kỹ khắp nơi, chẳng vớ được cái gì, bọn tạo phản liền ra lệnh cho tôi phải bỏ hết tiền nong và sổ tiết kiệm ra. Bọn họ cứ tưởng nhà tôi giàu có lắm, nhưng trăm ngàn lần không thể ngờ được rằng, gia đình tôi đông nhân khẩu gánh nặng, nên chẳng có lấy một đồng xu tiết kiệm nào, ngược lại còn nợ nhà nước hai trăm đồng bạc. Bọn chúng vốn muốn rằng, nhân việc khám nhà sẽ tung tin rằng đời sống gia đình của Đặng Tiểu Bình xa xỉ, hủ bại, nhưng kết quả chỉ làm chúng thất vọng cuốn xéo. Những người hôm nay có thể không hiểu được rằng, khi ấy việc lục soát nhà cửa đã đem lại cho người ta khủng hoảng tâm lý to lớn nhường nào. Mọi ngày vốn chẳng có chuyện gì, nhưng sau một lần bị lục soát nhà cửa, là có thể dẫn tới tai hoạ mất mạng như chơi. Chúng tôi, trong Cách mạng văn hoá vốn đã quá quen thuộc với việc lục soát nhà cửa, tuy chúng tôi chưa từng tham gia, và mắt cũng chưa từng trông thấy, nhưng tai đã nghe đồn thuộc rồi. Khi nhà cửa của Lưu Thiếu Kỳ bị lục soát, chúng tôi không thể không chuẩn bị gì chúng tôi đã kiểm tra lại khắp lượt trong nhà rất kỹ càng. Trong cái giờ phút không bình thường ấy, sự hoang mang trong lòng con người thật không bờ không bến, có chuyện gì, hoặc không có chuyện gì cũng cứ phải xem đi xét lại, để đề phòng bất trắc. Gia đình nhà chúng tôi vốn vô cùng giản dị, chẳng có một chút xa xỉ phẩm nào, chỉ có mấy lọ nước hoa khi mẹ tôi đi Liên xô người ta biếu. Tôi còn nhớ rằng, hai chị tôi với tôi đã đem những lọ nước hoa chưa bao giờ được mở nút, vào trong nhà xí, mở ra, đổ tuột cả vào bồn rửa mặt, vừa đổ vừa mở vòi nước, cho nước cuốn lôi sạch sẽ đi. Cũng chẳng biết rằng chúng có phản ứng hoá học ra làm sao, khi nước và nước hoa hoà với nhau, nó liền ùng ục sủi lên những đám bọt trắng, bây giờ nghĩ lại, còn tức cười vì cái sự quá ư ngu dốt của mình. Chúng tôi đổ nước hoa đi, nhưng lại không đem vứt lọ. Nếu như bọn tạo phản lôi những chiếc lọ đó ra, rồi gây sự, vì nước hoa chưa dùng hết, hay nước hoa đã dùng hết cũng vậy cả thôi, điều đó rõ ràng là “đời sống của giai cấp tư sản”, chứ là gì nữa. May mà bọn tạo phản đã ngu ngơ bỏ qua mấy chiếc lọ nước hoa vớ vẩn đó. Sau đấy nghĩ lại, thật đúng là chuyện vừa đáng cười, vừa đáng khóc. Điều đáng tiếc nhất là chúng tôi đã đem đốt hết một số ảnh mà bọn tạo phản có thể đem ra làm chứng cứ của tội lỗi, trong đó có những tấm ảnh chụp chung giữa gia đình tôi với gia đình Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Dương Thượng Côn, còn có cả những tấm ảnh mẹ tôi chụp chơi khi Người còn trẻ đang theo học lại trường đại học Bắc Kinh. Những tấm ảnh ấy, chúng tôi đã đem gửi cho ngọn lửa, không bao giờ còn tìm lại được nữa.
Sau lần lục soát nhà cửa ấy, cha tôi coi như “chính thức” bị đánh đổ. Ngày 29.7.1967, “quần chúng cách mạng” ở Trung Nam Hải lấy danh nghĩa là họp chi bộ, đã đấu tố cha tôi, hẹn nội nhật ba ngày phải có bản “nhận tội“, và tuyên bố: bắt đầu từ hôm đó, hạn chế mọi tự do của vợ chồng Đặng Tiểu Bình. Đối với việc phê phán đấu tố đó, cha tôi không thể nào chấp nhận được, nên lại cầm bút viết thư cho Uông Đông Hưng: “Tình hình tại hội nghị chi bộ sáng nay, chắc ông đã nắm được rồi. Ngoài ra Học viện Ngoại ngữ buộc tôi phải viết bản “nhận tội” trong vòng 30 ngày, còn chi bộ lại ra hạn kỳ trong ba ngày. Việc này nên xử lý thế nào, cần phải xin chỉ thị của Chủ tịch và Trung ương. Vì không tiện gọi điện thoại nên tôi viết một lá thư xin gặp Chủ tịch. Nhờ ông chuyển giùm”.
Trong thư gửi cho Mao Trạch Đông, cha tôi viết:
“Được gặp Chủ tịch hồi tháng năm, Chủ tịch có chỉ thị miệng cho tôi rằng, có việc gì có thể đến gặp Chủ tịch, đồng thời còn dặn dò rằng, nếu muốn gặp Chủ tịch có thể trực tiếp viết thư, nay tôi thêm một lần nữa viết thư xin gặp Chủ tịch, thực rất lấy làm áy nảy. Sáng hôm nay (29.7.1967), chi bộ của mấy đơn vị họp, cuộc họp đã tiến hành trực diện vạch trần và đấu tranh với mọi tội lỗisai lầm của tôi, cuộc họp lại ra lệnh cho tôi, trong vòng ba ngày phải viết xong bản nhận tội, phải nói thật hết, thật triệt để tội phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa, phản tư tưởng Mao Trạch Đông, phản Chủ tịch, đồng thời đối với việc sinh hoạt của tôi cũng đưa ra một số điều cấm kỵ. Rõ ràng rằng, hiện nay trong lòng tôi hoang mang không chủ định, không biết như thế nào là tốt, cho nên tôi vô cùng khẩn thiết hy vọng được gặp mặt Chủ tịch để xin chỉ giáo. Tôi tự thấy rằng, sự thỉnh tấu này là không thoả đáng, nhưng tôi không còn cách nào khác, nên chỉ đành bày tỏ nỗi lòng với Chủ tịch. Nếu như Chủ tịch quá bận, xin cử đồng chí khác đến gặp tôi cũng được”
Mao Trạch Đông không gặp lại Đặng Tiểu Bình nữa. Đánh đổ Đặng Tiểu Bình đã đi vào tình thế không thể đảo ngược được.
Ngày 1.8.1967, thư ký Vương Thuỵ Lâm và người bảo vệ Trương Bảo Trung của cha tôi bị điều đi. Ban công tác trung ương điều đến một “thư ký” mới. Việc đầu tiên của viên thư ký này sau khi nhận trách nhiệm là gọi mẹ tôi vào phòng làm việc của ông ta. Trên tường trong phòng có dán biểu ngữ “thật thà khoan hông, chống đối nghiêm trị”. Viên “thư ký” mới xưng xưng nghiêm khắc bảo mẹ tôi tố cáo cha tôi. Mẹ tôi đàng hoàng đáp:
- Đồng chí Đặng Tiểu Bình chưa từng bao giờ mang chuyện công tác, chuyện của tổ chức nói với người trong nhà, tôi chẳng biết gì hết. Ngay đến văn kiện, hàng ngày xem xong, việc cần giải quyết đều giải quyết xong ngay trong ngày, còn tất cả các văn kiện khác đều đưa hết đến phòng cơ yếu của Văn phòng trung ương. Muốn cần gì anh tự đến đó mà tìm.
Xem ra cũng chẳng có thể moi được gì ở mẹ tôi, cuộc “thấm vấn” như thế là kết thúc.
Sau khi lục soát nhà cửa xong, bước tiếp theo sẽ là đại hội đấu tố.
Ngày 5.8.1967, để kỷ niệm chúc mừng một năm ngày bài báo chữ to “Nã pháo vào Bộ tư lệnh” của Mao Trạch Đông ra chào đời, Tạ Phú Trị và Thích Bản Vũ thân chinh tới “chiến tuyến tóm cổ Lưu Thiếu Kỳ” để thôi thúc, xúi giục, đề nghị với phái “tạo phản”, tổ chức triệu tập một cuộc đấu tố, gây thanh thế, với chừng độ một triệu người, trên quảng trường Thiên An Môn. Trong cùng thời gian đó, tại Trung Nam Hải, nơi ở của Trung ương đảng và Quốc vụ viện, sẽ chia làm mấy địa điểm khác nhau cùng tiến hành đấu tố vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Đào Chú.
Hôm nay, hơn ba mươi năm sau, tôi vẫn ghi nhớ rõ ràng cảnh tượng ngày hôm ấy. Phái tạo phản, trước hết là thông báo sẽ đấu tố, cả gia đình tôi đều đã có chuẩn bị. Mẹ tôi dặn tất cả lũ trẻ có mặt trong nhà, bất kể là xảy ra chuyện gì, bất luận tình hình ra làm sao, đều không được ra khỏi nhà.
Bọn tạo phản ở Trung Nam Hải xông vào nhà tôi, áp giải cha mẹ tôi từ trong nhà ra, bọn tạo phản đứng chật ních trong sân bao vây cha mẹ tôi. Mấy tên tạo phản tiến lên, ấn đầu cha mẹ tôi xuống, buộc họ phải cúi đầu khom lưng nhận tội. Hàng loạt khẩu hiệu “đả đảo” vang lên đến inh tai nhức óc, bọn tạo phản hùng hùng hổ hổ, gào gào thét thét đấu tố một hồi, rồi sau đó lại năm mồm bảy miệng, nhốn nháo ồn ào chất vấn. Tôi còn ghi nhớ được rõ ràng tiếng gào thét chói tai, eo éo, rất đặc biệt của một nữ tạo phản của tổ thư ký Ban công tác trung ương mới điều từ Thượng Hải lên. Đôi kính của mẹ tôi bị bọn tạo phản giật đi mất, bà cúi đầu định nhìn cha tôi nhưng chẳng nhìn được gì. Cha tôi điếc, gò lưng nghe những tiếng gào thét nhưng cũng chẳng nghe thấy gì hết, vì thế mà cũng chẳng có lời đáp lại Đến khi ông cất tiếng, nhưng chưa nói hết một câu, đã bị cắt ngang một cách thô bạo. Bọn tạo phản đã cho mắc một chiếc loa to ở sân, truyền cuộc đấu tố cùng lúc ở quảng trường Thiên An Môn vào cho ông bà cùng nghe.
Mẹ tôi cấm không cho chúng tôi ra ngoài, tôi và hai chị tôi ở trong nhà, kéo kín rèm cửa che khuất. Hai chị nghe cuộc đấu tố gào thét điên cuồng, sợ đến thót tim lên cổ, hai chị chẳng đám bất nhẫn nhìn cảnh thê thảm của cha mẹ bị đấu tố, còn tôi, tôi cứ trèo lên bàn, nhìn qua khe rèm ra ngoài đứng xem. Tôi nói, tôi phải xem, phải xem cho đến cùng, tôi muốn ghi nhớ tất cả những cái đó vào thật sâu trong tâm khảm!
Sau khi đấu tố kết thúc, mẹ tôi dìu cha tôi vào trong nhà, nhìn khuôn mặt trắng bợt bạt của cha tôi, tôi vội vã đi rót nước cho ông, rồi lại dìu tiếp ông vào giường nghỉ. Hôm ấy đã kết thúc trong sự nhốn nháo hỗn loạn như vậy. Sau đó, chúng tôi được nghe tin, trong cuộc đấu tố Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Đào Chú sau này, thì cuộc đấu tố Đặng Tiểu Bình là “văn minh” hơn cả. Đối với Lưu Thiếu Kỳ và Đào Chú còn thảm khốc hơn nhiều, đặc biệt là Lưu Thiếu Kỳ, họ còn hành hạ ông cả về thể xác nữa.
Sau khi lục soát, đấu tố, cha tôi coi như chính thức bị đánh đổ đến triệt để.
Trong nhà tôi ở Trung Nam Hải, cha mẹ tôi đã rơi vào tình trạng giam lỏng. Lũ con cái chúng tôi, tuy vẫn còn được cư ngụ ở trong nhà, nhưng bị cấm ra vào phòng cha mẹ, song bọn tạo phản lại không “hạ trại” ở sân, nên chúng tôi vẫn cứ lén lút ra vào phòng bố mẹ tôi. Sau khi bị đấu tố, cha tôi trầm lặng, không nói, và cũng chẳng thấy cười nhưng cũng chẳng để lộ ra những bức xúc hoặc tuyệt vọng quá đáng nào. ảnh hưởng từ sự trấn tĩnh của cha tôi, tình hình trong cả gia đình tôi cũng không bị sa sút nặng nề, chỉ có ít đi ra ngoài hơn, cố hết sức ngồi lỳ trong nhà. Cần nhớ một điều rằng, trong Cách mạng văn hoá, ngoài xã hội, trong số những người mà gia đình tôi quen biết, cảnh ngộ của họ, tình cảnh của họ còn thê thảm, be bét hơn chúng tôi nhiều, mà con số đó rất lớn. Cũng thật kỳ lạ, so sánh như thế, chúng tôi cũng chẳng thấy vui vẻ gì. Trong thời gian ấy, trong khi gia đình chúng tôi khó khăn hoạn nạn nhất, có một số việc khiến cho cả gia đình tôi vĩnh viễn không quên. Nhà tôi ở trong một ngõ nhỏ ngay bên cạnh Hoài Nhân Đường, từ nam tới bắc, trước sau có tất cả bốn khu nhà. Khu một là Lý Phú Xuân, khu hai là Đàm Chấn Lâm, khu ba là Đặng Tiểu Bình, khu bốn là Trần Nghị. Đó là bốn hộ gia đình của bốn phó thủ tướng, những người lớn, đều là lão chiến hữu, lão đồng chí, quan hệ rất thắm thiết. Lũ trẻ con chúng tôi cũng cùng nhớn nhao lên từ đó, chơi bời đùa nghịch với nhau như anh chị em ruột thịt. Sau khi phát động Cách mạng văn hoá, chỗ nào cũng hỗn độn những biểu ngữ cùng khẩu hiệu, nhà nào nhà nấy vội vã bận bịu ứng phó với phong trào, lo lấy thân còn chưa xong, nên sau khi cha tôi bị đánh đổ, chúng tôi càng không muốn ra khỏi nhà, chẳng muốn gặp ai. Có một hôm chị cả Đặng Lâm và tôi từ nhà đi ra đến đầu ngõ, nhìn thấy bác Trần Nghị có bảo vệ đi kèm, đang từ phía ngoài đi vào. Nhìn khuôn mặt sa sầm nghiêm túc của bác, biết ngay rằng nhất định là bác bị bức phải đi đọc báo chữ to. Đã lâu không gặp, nay thấy bác gầy còm, nụ cười hớn hở mà chúng tôi đã quen thuộc từ lấm bé của bác nay đã biến mất, chỉ riêng có lấm lưng bác là vẫn thẳng như xưa. Chúng tôi biết rằng trong dòng “nước ngược tháng hai”, bác Trần Nghị đã bị phê phán. Để khỏi làm liên lụy tới bác, chúng tôi đã tự động đứng lánh vào một bên tường. Không ngờ bác đã nhìn thấy chúng tôi, sắc mặt bác thay đổi, cặp lông mày hơi dưới lên, từ xa bác đã bước vội mấy bước tới nơi. Bác gọi tên chúng tôi, và đột nhiên lưng hơi còng xuống, như người cúi xuống vái chào, bác hỏi: “Khoẻ cả chứ?” Chúng tôi hơi lặng người đi, nhưng rồi cũng phản ứng lại kịp, biết rằng bác đang hỏi thăm ai, tim nóng ran, không nên nổi giọt lệ tràn ra khoé mắt. Chúng tôi vội vã đáp: “Khoẻ cả ạ”. Bác nói liền mấy tiếng: “Thế là tốt, thế là tốt!”. Nói xong nét mặt bác lại sa sầm xuống, chậm rãi bước từng bước đi sâu vào trong ngõ. Chuyện đó, đã làm chúng tôi xúc động không biết bao nhiêu ngày, nhưng dù thế nào chăng nữa cũng không thể ngờ được rằng. Đó là lần cuối cùng chúng tôi được gặp mặt bác Trần Nghị. Lại có một lần, bác cần vụ Ngô Hồng Tuấn từ ngoài trở về đưa một bao thuốc lá thơm cho mẹ tôi, bác nói, ngoài ngõ gặp Tiểu Khổng bảo vệ của ông Lý Phú Xuân, Tiểu Khổng nhìn xung quanh thấy không có ai, len lén nhét cho ông bao thuốc lá, nói nhỏ:
- Đây là của đồng chí Lý Phú Xuân gửi biếu đồng chí Đặng Tiểu Bình.
Bác Ngô Hồng Tuấn đứng ngây nhìn Tiểu Khổng đi khỏi đó, một lúc lâu mới định thần lại được, vội vàng rảo cẳng về nhà. Cha mẹ tôi nhìn bao thuốc lá thơm, lâu lắm chẳng ai nói câu nào. Song trong lòng ông bà thì đã rõ, trong cái giờ phút khốn khổ khắc nghiệt này, những lão đồng chí, lão chiến hữu vẫn nhớ tới ông bà. Hơn một năm trước Đặng Tiểu Bình gửi cam biếu Bành Chân, hơn một năm sau, Lý Phú Xuân gửi thuốc lá biếu Đặng Tiểu Bình. Thực sự đổi thay, thật đáng để lòng người cảm khái.
Tình hình đó kéo dài được chừng hơn một tháng. Ngày 13.9.1967, bác cần vụ Ngô Hồng Tuấn đột nhiên chạy đến bảo chúng tôi: đám con cái Lưu Thiếu Kỳ bị đuổi ra khỏi nhà rồi, đuổi ra khỏi Trung Nam Hải đấy! Trong ba đứa con của Lưu Thiếu Kỳ mấy cậu lớn lớn học trung học, mỗi cậu ôm một bó chăn đệm, với một chiếc xe đạp, bị cưỡng bức, đưa từng người về trường trung học của mình. Đứa bé nhất đang học tiểu học giao cho cô bảo mẫu rồi cũng bị cưỡng bức đuổi ra khỏi cửa. Bác Ngô Hồng Tuấn cuống quít bảo chúng tôi, các cô cũng phải chuẩn bị đi thôi.
Lúc đó trong nhà chỉ có Đặng Nam với tôi. Chúng tôi bàn với mẹ tôi, bất kể ra làm sao, nhà mình quyết không để bị đuổi ra khỏi nhà như con bác Lưu Thiếu Kỳ, nếu có phải đi, cũng cần có chỗ mới đi. Trong nhà tôi còn có bà tôi, nếu như chúng tôi bị tống về trường học, thì bà tôi sẽ đi đâu. Bà tôi đã ở với chúng tôi mười mấy năm kể từ ngày giải phóng, tuổi cao như thế, không thể để bà tôi không có chỗ trú chân. Con cái bác Lưu Thiếu Kỳ còn bé hơn chúng tôi, mà đã bị họ tống cổ đi, thì thật thê thảm quá. Chúng tôi sẽ tuyệt không thể như thế được, số phận của chúng tôi tuyệt không thể ai muốn sắp đặt như thế nào thì sắp đặt. Sau khi bàn bạc xong, trong lòng chúng tôi cũng đã quyết một bề.
Chả bao lâu sau, quả nhiên, người của phái tạo phản và cả của Ban công tác trung ương tới thật, hung hăng thét lác, ra lệnh cho chúng tôi về trường học, ra lệnh cho bà tôi phải về quê cũ, và chỉ được phép trong vòng hai giờ đồng sau là phải cút khỏi Trung Nam Hải. Cha mẹ tôi bị giam lỏng không thể ló mặt ra được, hai chị em tôi bắt đầu tranh cãi với bọn tạo phản, bảo rằng đi, cũng được nhưng bắt buộc phải có cho chúng tôi một chỗ ở khá. Chúng tôi kiên quyết không về trường học, bà tôi cũng không thề về quê cũ được, ở đấy không còn ai là người thân cả, lẽ nào để bà chúng tôi đi chuốc lấy cái chết. Trừ khi các người lấy thừng trói chúng tôi lại mang đi, nếu không chúng tôi quyết không đi khỏi đây! Bọn tạo phản gầm lên, chúng tôi cũng gầm lên, bọn tạo phản hùng hổ, chúng tôi cũng chẳng chịu kém nước. Chúng tôi đã quyết, cũng thét lác với bọn chúng, nhưng không làm sao giữ nổi cho những giọt nước mắt khỏi tràn ra trên gò má. Bọn tạo phản ấy thấy chúng tôi làm dữ, nên chúng đành tạm cuốn xéo. Bọn chúng đi rồi, chúng tôi oà lên khóc to. Kể từ khi cha mẹ tôi bị phê phán mãi cho đến hôm. nay, tất cả nỗi oan khuất, tất cả nỗi phẫn nộ, cộng với nỗi bi thương sắp phải cùng cha mẹ phân ly, như một cơn hồng thuỷ, không thể ngăn cản nổi, ào ạt tuôn ra.
Biết không tránh khỏi số phận bị đuổi đi, chúng tôi tìm chị cả từ trường học về, cùng thu xếp quần áo, đồ đạc, mẹ tôi từ trong phòng cũng vội vã lục lọi. Chúng tôi tìm được một góc khuất vụng trộm “giao tiếp” với nhau, mẹ tôi lục được bộ quân áo nào, liền đưa ngay cho chúng tôi bộ đó, mẹ và cha tôi muốn sao cho chúng tôi khuân hết được đồ đạc mang đi.
Cuối cùng, chúng tôi đã thắng lợi. Mấy hôm sau, bọn tạo phản báo cho chúng tôi biết, chúng đã tìm được cho chúng tôi hai gian nhà ở bên ngoài Trung Nam Hải, nhưng trong vòng hai tiếng đồng hô là phải “cút khỏi” đây ngay. Trước khi ra đi, chúng tôi thay nhau chạy tới căn phòng ở phía bắc, nơi cha mẹ tôi đang ở, lần lượt từ biệt cha mẹ. Nhân lúc chúng tôi ra đi, mẹ tội vội vã mang một số đồ dùng trong phòng, tống ra cho chúng tôi. Mắt mẹ tôi đẫm lệ, tiếp nhận những vật từ bà, tôi thấy lay bà nóng ran. Cha tôi đang ở hành lang phía sau nhà, tôi chạy tới ôm hôn ông vội vã, rồi lại vội vàng bỏ chạy. Cha tôi là người yêu mến chúng tôi nhất, tôi không dám nhìn lại cha tôi. Tôi biết rằng, xưa nay ông là con người kiên cường, gặp hiểm nguy không hề kinh hãi, vui buồn không để lộ ra ngoài, nay phái phân ly với những đứa con vốn sớm tối bên Người, mà có thể rằng, kể từ nay sẽ không còn gặp lại nữa, đối với ông mà nói, đây là nỗi đau thương lớn nhất. Những hiểm nguy ác độc mà ông gặp phải trên trường chính trị cũng không quật ngã nổi ông, nay với người thân phải sinh ly tử biệt, lại là một nỗi đau khó chịu đựng nổi.
Ngày thu thê lương.
Ngày thu tháng 9.1967 ấy, chúng tôi biệt ly cha mẹ, rời khỏi gia đình nơi chúng tôi đã sống 10 năm trong Trung Nam Hải.
Kể từ khi ấy, cha mẹ chúng tôi bắt đầu sống một kiếp sống tù đày, hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài, trong khi chúng tôi, những đứa con cũng bắt đầu bước vào con dường sống hoàn toàn khác với ngày xưa. Chúng tôi biết rõ ràng, trước mắt chúng tôi là con đường gập ghềnh, chúng tôi sẽ phải đối diện với cõi nhân sinh mênh mang bên ngoài Trung Nam Hải, hải cảng tránh gió yên bình của chúng tôi ngày trước. Cuộc sống vật lộn gian nan ấy, chúng tôi phải đeo đẳng từng giờ từng phút, không chỗ né tránh, không nơi ẩn náu.
Hai năm sau đó hai kẻ “theo tư bản” to đầu nhất là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình vẫn bị giam cầm trong nhà riêng của mình ở Trung Nam Hải. Do sự xử lý của Mao Trạch Đông với hai người khác nhau, nên hoàn cảnh của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình cũng chẳng giống nhau.
Lưu Thiếu Kỳ bị giam hãm trong nhà riêng của mình ở Trung Nam Hải, vợ ông, bà Vương Quang Mỹ bị đưa hẳn vào ngục thất, những nhân viên công tác quanh người được đổi thành nhân viên quán giáo. Lưu Thiếu Kỳ, một vị Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, cho đến nay vẫn được hiến pháp công nhận, bệnh tật đầy người, mà vẫn bị trăm chiều hành hạ, cuối cùng bị đưa đi đầy đọa, chết thảm ở phủ Khai Phong tỉnh Hà Nam.
Còn Đặng Tiểu Bình tuy cũng bị giam cầm, nhưng trước sau ông chưa bị tách ra khỏi vợ mình. Cần biết rằng, trong những giây phút gian nan, được sống bên cạnh người thân là điều vô cùng quan trọng. Chỉ cần hai ông bà vẫn được sống bên nhau thì dù có bị đánh đổ bị phê phán hung tợn hơn nữa, mãnh liệt hơn nữa, cũng vẫn có thể dựa dẫm vào nhau, tìm được nguồn an ủi.
Thư ký của cha tôi đã bị điều đi từ lâu rồi, thay vào đó là một người không biết mang cấp hàm gì, nhưng thực tế đây cũng chỉ là một người quản giáo. Nhân viên công tác trong nhà tôi vốn không nhiều, nhân viên và lái xe cũng đã được điều đi, nhưng ông đầu bếp Dương Duy Nghĩa và người cần vụ Ngô Hồng Tuấn vẫn còn được giữ lại. Hai người ấy làm việc trong nhà chúng tôi cũng đã hơn chục năm. Tuy đối với kẻ “đi theo tư bản” cũng phái phê phán, cũng phải phân rõ giới tuyến, nhưng đối với cả gia đình tôi vẫn còn giữ được rất nhiều tình cảm. Còn có những người đó, thứ nhất là bữa ăn của cha mẹ tôi vẫn có người trông nom, thứ hai là trong nhà ngoài sân cũng chẳng đến nỗi hiu quạnh quá. Đặc biệt là tôi muốn nhắc tới bác Ngô Hồng Tuấn, bác từ quê hương Tứ Xuyên của chúng tôi tới, vốn chẳng có văn hoá, và cũng chẳng hiểu chính trị là gì, nhưng trong phong trào Cách mạng văn hoá này, ngay một người như bác cũng hiểu biết được nhiều về chính trị. Có nhiều khi, những điều bác nghe được hoặc những việc mà bác cho là quan trọng, bao giờ cũng nhân lúc vắng người, bác nói vụng lại với mẹ tôi ở lối đi sau nhà, khiến cho cha mẹ tôi phải sống trong hoàn cảnh hoàn toàn cầm cố cũng biết được một vài tin tức.
Trong lúc bị giam hãm, cha mẹ tôi vẫn phải đối mặt với những cuộc phê phán mình điên cuồng, có những lúc vẫn bị tổ chức phái tạo phản bắt buộc phải viết những tài liệu chứng minh, tội lỗi của người khác theo yêu câu của họ. Khi thấy những đồng chí của mình, chiến hữu của mình bị oan khuất, vu cáo, cha tôi bất bình nhưng đành chịu bó tay. Ông chỉ còn cách dùng những lời nói thẳng trong tâm can mình để chứng minh sự trong sạch của đồng chí mình. Ba tên tạo phản ở Bộ Y tế yêu cầu cha tôi phải khai báo, tại sao lại lại trọng dụng bộ trưởng Bộ Y tế, Tiền Tín Trung, bị đánh đổ.
Vào ngày 3.11.1967, cha tôi viết rằng:
“Quan hệ công tác giữa tôi và đồng chí Tiền Tín Trung đã có từ rất lâu, hồi ở Dã chiến quân thứ 2. Chúng tôi, chủ yếu là tôi, rất tín nhiệm đồng chí ấy. Tôi và nhiều đồng chí phụ trách khác từ lâu vẫn cho rằng, đồng chí ấy là người có đủ năng lực để phụ trách Bộ Y tê. Lúc bấy giờ một bác sĩ mổ ngoại khoa như đồng chí ấy thật hiếm có. Tinh thần công tác, đặc biệt là tinh thần cứu thương ở chiến trường lúc nào cũng rất cố gắng. Cho nên ngày xưa, cách nhìn tổng quát của tôi về đồng chí ấy là: nhũng khuyết điểm lặt vặt thì có nhiều, nhưng về tổng thể là rất tốt, có nhiều thành tích trong chiến tranh. Tiền Tín Trung làm bộ trưởng Bộ Y tế là do Thủ tướng đề xuất, bàn bạc, tôi tán thành việc đồng chí Tiến Tín Trung làm bộ trưởng Bộ Y tế, giữa tôi và An Tứ Văn (1) chẳng có âm mưu nào cả”.
Cha tôi đã viết tài liệu này đề bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ đối với những đồng chí bị bức hại vu cáo. Trong những năm tháng ấy, phàm là những người bị phê phán, đánh đổ, đều bị cưỡng chế cải tạo lao động mang tính trừng phạt, có những tên tạo phản đã dùng tới kiểu cưỡng bức lao động nặng để đạt được mục đích của chúng là hãm hại, hành hạ, dày vò con người. Cha tôi bị giam giữ trong chính ngôi nhà của mình, muốn lao động cải tạo cũng chẳng có việc gì mà cải tạo. Ban đầu, họ bắt ông bà tự nấu nướng lấy, nhưng mới chỉ được vài ngày là đã bị cấm không cho làm nữa. Có thể là do bọn tạo phản đã thiển nghĩ ra rằng, không thể để cho tên đi theo “tư bản” to đầu này, tiếp xúc với những vũ khí sắc bén như các loại dao chẳng hạn. Sau đó họ hạ lệnh cho mẹ tôi hàng ngày phải quét sân, quét nhà. Mới đầu chỉ có một mình mẹ tôi cầm chổi, tiếp theo, cha tôi cũng tự nguyện cầm lấy chổi, cùng quét với mẹ tôi. Trong hai năm, dù gió thổi mưa bay, dù trời rét trời nắng, hai ông bà cũng không bỏ việc, cứ từng nhát, từng nhát, chu đáo cẩn thận quét, trong cuộc sống giam cầm, đơn điệu và cô đơn, có một việc lao động, bỗng trở thành một nhu cầu của cha mẹ tôi, trở thành một nội dung sinh hoạt chủ yếu. Nhưng quét nhà quét sân, dù có cẩn thận chu đáo nhường nào cũng chỉ có ngần ấy công việc, ngoài việc đó ra, cha mẹ tôi chỉ còn biết ngồi lỳ trong nhà, đọc sách, đọc báo, nghe phát thanh, hoặc ngồi âm thầm lặng lẽ.
Để tiết kiệm, trong cả hai năm ấy, ông bà không mua sắm thêm bất cứ thứ quần áo nào. Cha tôi có một chiếc áo len casơmia, vốn là từ hồi Thượng Hải mới giải phóng, đồng chí Lưu Hiểu (đã từng là thứ trưởng Bộ Ngoại giao) hoạt động bí mật ở đó mua cho. Ông mặc chiếc áo đã hai chục năm khuỷu tay áo đã bị mài rách, biết làm sao đây. Mẹ tôi biết đan len, bà tìm những sợi len kha khá đồng màu, tách từ sợi to ra thành những sợi nhỏ tương đương với sợi len casơmia, xâu vào chân kim, rồi mạng vá theo kiểu người ta đan len. Một cái lỗ rách to như thế, mà khi vá víu xong, chẳng kém lúc mới là bao nhiêu, những người không biết, chỉ nhìn thoáng qua sẽ không nhận ra đó là miếng vá. Còn những chỗ gấu nẹp tuột rách, mẹ tôi cũng vá víu lại rất cẩn thận. Chiếc áo len màu ghi vừa cũ vừa rách ấy đã được mẹ tôi khéo léo mạng vá lại trở nên như mới. Sau này một thời gian rất dài, cha tôi vẫn mặc chiếc áo len ấy, ngay cả khi có áo mới, ông cũng không chịu đổi. Điều này rõ ràng không phải là sự tiết kiệm rồi, mà nên hiểu rằng, mỗi đường kim mũi chỉ trên tấm áo ấy, nó đang gìn giữ ghi nhớ những ngày ngày đêm đêm bị giam cầm cấm cố.
Đến đêm, ngoài sân tối đèn lặng lẽ, trong phòng cũng trống rỗng lặng thinh, chỉ có một chiếc đèn con mờ mờ ảo âo. Cha tôi chẳng nói năng gì, chí lặng lẽ châm những điều thuốc lá buồn. Mẹ tôi ngồi nhìn cha tôi hút, rồi về sau bà cũng bắt đầu hút theo. Cha tôi biết mẹ tôi mắc bệnh tim mạch, khuyên bà không nên hút, ông nói:
- Bây giờ xem ra, bà đã nghiện nặng hơn tôi rồi, sau này tính sao?
Mẹ tôi đáp:
- Tôi hút thuốc chỉ vì nhớ con quá. Chỉ cần gặp mặt chúng nó, là tôi bỏ thuốc ngay lập tức.
Tuy đời sống giam cầm có gian nan thật, nhưng có điều may rằng, cha mẹ tôi không được tính như những người “đi theo tư bảnn” khác, nên nhân thân không bị bức hạ, hành hạ đến thê thảm như những người khác. Cha tôi tuy không phải chịu sự ngược đãi hành hạ như những người “đi theo tư bản” khác, cũng chẳng phải may mắn được tha, mà cần nhớ tới hai nguyên nhân đã nêu ở phần trên, đó là ý kiến của Mao Trạch Đông, và cũng có thể nói rằng đó là sự sắp xếp chính trị của Mao Trạch Đông.
Đối với Đặng Tiểu Bình, đồng thời với việc phê phán, đánh đổ, Mao Trạch Đông vẫn cho rằng, về mặt chính trị, Đặng Tiểu Bình còn được bảo lưu, và về mặt nhân thân vẫn được bảo hộ. Việc giám quản Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông chí giao cho Uông Đông Hưng, người đã được ông ta tín nhiệm, và chưa từng cho phép Lâm Bưu hoặc Ban Cách mạng văn hoá trung ương nhúng tay vào. Đến ngày 5.11.1967, khi Mao Trạch Đông nói chuyện với các thành viên Ban cách mạng văn hoá về vấn đề đại hội 9 và chỉnh đảng, tuy ông ta vẫn gộp Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ vào làm một để phê phán sai lầm, nhưng ông ta nói:
- Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình hợp tác mưu gian với nhau, nên quyết nghị của “đại hội 8” đã không thông qua chủ tịch đoàn của đại hội, và cũng chẳng hỏi han ý kiến của tôi đã cho thông qua rồi. Vừa thông qua xong, tôi liền phản đối. Năm 1963 lại làm việc “Mười điều”, rồi sau đó ba tháng lại triệu tập họp làm tiếp “Sau mười điều” cũng chẳng thèm xin ý kiến tôi, mà tôi cũng chẳng đến họp. Cần phải phê phán Đặng Tiểu Bình, đề nghị Quân uỷ trung ương chuẩn bị bài vở”.
Nhưng đồng thời, ông ta lại nói:
- Theo ý kiến của tôi, cần phải có sự phân biệt với Lưu Thiếu Kỳ, làm thế nào để tách Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình ra làm hai.
Tách đôi Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, tuy chỉ là một câu nói, nhưng hàm ý của nó rất sâu xa. Về mặt nổi, đó là quyết định bước đường sống và chết lặng cõi đời này của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, còn về bề sâu, nó có liên đới tới vấn đề khác, không những đã nhiều mà còn phức tạp. Mao Trạch Đông dựng Lâm Bưu lên làm người kế cận của mình, trong những trường hợp công khai, Lâm Bưu đều từng bước bám sát gót ông ta, nhưng trong chỗ riêng tư từ xưa tới nay Mao Trạch Đông chưa hề chuyện trò thân mật với Lâm Bưu bao giờ. Tại sao vậy?. Mao Trạch Đông biết rõ rằng Lâm Bưu không chấp nhận Đặng Tiểu Bình, mà Mao Trạch Đông lại có ý giữ Đặng Tiểu Bình lại. Tại sao vậy?. Tách đôi Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình ra, lẽ nào chỉ vì vấn đề của Đặng Tiểu Bình không lớn bằng của Lưu Thiếu Kỳ? Lẽ nào vào cái thời điểm đó, cái thời điểm Lâm Bưu “đỏ” nhất, thì Mao Trạch Đông đã nghĩ tới những gì, hoặc đã chuẩn bị những gì? Lòng dạ Mao Trạch đông đúng là sâu như biển, sâu khó có thể đo được.
Theo lời dự đoán của Mao Trạch Đông, năm 1967 sẽ là năm mà cuộc đấu tranh giai cấp triển khai ra toàn quốc. Những sự kiện nảy sinh ra trong năm đó rõ ràng là vừa nhiều, vừa nhanh, vừa hỗn loạn. Tiếp tục với sự kiện “tiếm quyền tháng giêng” “dòng nước ngược tháng hai”, tháng ba đã nổi lên phong trào “bắt phản động” trong phạm vi toàn quốc, không biết bao nhiều người vô tội bị định tội, bị vu cáo. Tháng tư, cuộc phê phán Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, đặc biệt là đối với Lưu Thiếu Kỳ trên báo chí được đại đại nâng cấp, tháng sáu, tà khí đả đảo, đánh đập, bắn giết, lục soát nhấn chìm toàn quốc, khiến cho trung ương không thể không tung ra những chỉ thị điều chỉnh. Tháng bảy, Lâm Bưu đề xuất việc bắt bớ “một nhóm nhỏ trung quân đội”, rất nhiều cán bộ trong quân đội bị đánh đổ. Vẫn trong tháng ấy, Giang Thanh đề xuất “văn công võ vệ” (tấn công bằng văn, bảo vệ bằng võ), khiến những cuộc giao đấu trên toàn quốc tăng lên khủng khiếp, chuyện đầu rơi máu chảy với quy mô lớn liên tục xảy ra. Tháng tám, với sự xúi giục, kích động của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, đã đẩy bọn tạo phản hoả thiêu cơ quan Đại biện của nước Anh tại Trung Hoa, và cả loạt những sự kiện có liên quan tới nước ngoài.
Cho đến khi ấy mà nói, trên dưới, khắp toàn quốc, hàng loạt cán bộ cao cấp kể cả quân đội đã bị hạ bệ, cơ cấu chính quyền, đảng rơi vào tình trạng tê liệt, tổ chức của các phái tạo phản đấu đá lẫn nhau, không ngừng nổ ra những cuộc chiến đại quy mô đẫm máu, sản xuất công nông nghiệp bị phá hoại năng nề, sản xuất liên tục sút giảm, toàn quốc rơi nào tình trạng loạn lạc. và một cuộc nội chiến hỗ loạn toàn diện.
Mao Trạch Đông từ tháng bẩy đến tháng chín đi thị sát Hoa Bắc, Trung Nam và Hoa Đông. Sau khi đi tuần du, ông ta không hề cảm thấy sự nghiêm trọng của tình thế, ngược lại, ông ta còn nói:
- Tình hình Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản trên toàn quốc tốt to chứ không phải tốt nhỏ đâu, toàn bộ tình hình so với bất cứ thời gian nào trước kia, đều tốt.... Một số địa phương vào giai đoạn trước tưởng như rất loạn, thực ra đó chỉ là loạn với quân địch thôi, nó tôi luyện được quần chúng.
Chính con mắt của Mao Trạch Đông nhìn thấy lời tiên tri của ông ta đã được thực hiện, đã chính thức nhìn thấy “thiên hạ đại loạn”. Thiên hạ đại loạn, thì đúng là loạn rồi, đã loạn thì phải loạn đến triệt để, loạn đến lệch đất nghiêng trời.
Mao Trạch Đông đã từng mổ xẻ mình:
Trên con người tôi, có một phần là hổ khí, hổ là chính, và cũng có một ít khỉ khí, khỉ là phụ.
Hổ khí là khí chất của bậc đế vương, là khí chất của bậc đế bá, khỉ khí là khí chất của chiến tranh, khí chất của tạo phản. Hai cái thứ khí chất đó tập trung trên một con người Mao Trạch Đông, hai khí chất gốc ấy đã dung hợp một cách cực kỳ điển hình với nhau để nhạo nặn ra một tính cách song trùng. Ông ta là vị chúa tể, đồng thời lại là kẻ tạo phản. Với cương vị chúa tể, ông ta phát động phong trào tạo phản, rồi lại dùng cương vị kẻ tạo phản để vươn tới địa vị một chúa tể mới, có thể sử dụng cái tính cách và phương thức không bình thường, không giống nhau đó đề kiến tạo và truy tìm lý tưởng “cách mạng” một cách không biết một mỏi.
Mao Trạch Đong là một vĩ nhân, là một kẻ mạnh vĩnh viễn. Những suy nghĩ, những việc làm của ông ta, người bình thường không sao mà bàn luận được. Có thể, đây cũng lại là một trong những nguyên nhân làm cho lý tưởng và hiện thực của ông ta luôn luôn cách xa nhau một trời một vực.
Chú thích:
(1) An Tứ Văn: đã từng là trưởng Ban tổ chức Trung ương đảng

<< 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” | 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 260

Return to top