Sau khi Lâm Bưu tự huỷ diệt, công tác hàng ngày của đảng và nhà nước, thực tế là nằm trong tay Chu Ân Lai. Chu Ân Lai đã tiến hành hàng loạt những công tác, chỉnh đốn lại những sai lầm cực tả trong Cách mạng văn hoá. Cách thức làm của Chu Ân Lai lúc ban đầu được Mao Trạch Đông ủng hộ.
Trong sáu năm trở lại đây, người người làm “cách mạng”, người người đi tạo phản, sản xuất công nông nghiệp toàn quốc bị phá hoại nặng nề. Khi Chu Ân Lai bắt đầu điều khiển công việc, Quốc vụ viện đã ra hàng loạt thông cáo, tiến hành hàng loạt những điều chỉnh, trong đó có điều chỉnh tiền lương của công nhân trong một số xí nghiệp. Chu Ân Lai cũng đề xuất, cần phải hết sức điều chỉnh và tăng cường công tác quản lý đối với các xí nghiệp, đồng thời khôi phục và kiện toàn lại những chế độ quy tắc đã bị phá hoại. Quốc vụ viện còn khởi thảo “Kỷ yếu hội nghị kế hoạch toàn quốc năm 1972”, đề ra một số những biện pháp thực hiện việc chỉnh đốn xí nghiệp: Qua chỉnh đốn, bộ mặt xí nghiệp các cấp đã có những thay đổi nhất định. Sau khi được Mao Trạch Đông phê chuẩn, nước ta đã quyết định nhập khẩu thiết bị kỹ thuật toàn bộ loại lớn. Sau khi đã có được những thành quả nhất định trong các xí nghiệp, Chu Ân Lai liền quay lại giải quyết những vấn đề trật tự bị phá vỡ trong nền kinh tế quốc dân, cùng những xây dựng cơ bản đã bị bỏ bễ từ lâu. Tuy việc chỉnh đốn của Chu Ân Lai gặp không ít những khó khăn cũng như trở ngại, nhưng sau những nỗ lực gian khổ, ngay năm đó, nền kinh tế quốc dân đã có những chuyển biến, khôi phục tốt, tổng giá trị sản lượng của công nông nghiệp so với năm trước đã tăng được 4,5%.
Đồng thời với việc hết sức cố gắng điều chỉnh kinh tế, Chu Ân Lai còn đối phó với mọi trở lực, uốn nắn lại chính sách của đảng đã bị phá hoại nghiêm trọng trong Cách mạng văn hoá, và những cán bộ của đảng bị oan khuất. Tháng tư, báo Nhân dân in bài xã luận với đầu đề: “Ngăn trước. ngừa sau, trị bệnh cứu người”, do đích thân thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị, sửa chữa và phục duyệt. Bài xã luận đã nhằm vào các cán bộ cũ và các nhà trí thức đã bị đả kích, bức hại dẫn tới oan khuất nghiêm trọng trải dài ra trên toàn quốc trong Cách mạng văn hoá”, và đặt lại vấn đề chính sách cán bộ của đảng, nhấn mạnh cần phải tin chắc chắn rằng có trên chín mươi phần trăm là những cán bộ tốt, hoặc tương đối tốt, đồng thời cũng nhấn mạnh ràng, cần phải phân biệt rõ ràng mâu thuẫn địch ta, cùng mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là hai tính chất hoàn toàn khác nhau.
Với sự cố gắng thu xếp của Chu Ân Lai, hàng loạt các cán bộ lão thành như Chu Đức, Trần Vân, Lý Phú Xuân, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Ô Lan Phu, Đàm Chấn Lâm, Lý Tỉnh Tuyến, Vương Giá Tường, Liêu Thừa Chí(1), Liêu Chí Cao, Tăng Hy Thánh(2), Diệp Phi, Tưởng Nam Tường(3) v.v... trong năm 1972 hoặc là công khai xuất hiện lại trong một số trường hợp, hoặc được thả ra khỏi nơi đã giam giữ quá lâu, hoặc là được đưa tới bệnh viện điều trị.
Việc “giải phóng” những cán bộ cao cấp này của đảng đã cuốn theo một số lớn cán bộ trung cấp, cao cấp khác ở trung ương và cán địa phương tiếp tục xuất hiện và phục chức. Đồng thời với công việc đó, Chu Ân Lai còn nắm chắc hai tài liệu về hai đồng chí cán bộ lão thành là Trần Chính Nhân(4), Tăng Sơn Tăng Sơn từng giữ Chức vụ bộ trưởng Nội vụ Quốc vụ viện.
Chu Ân Lai chỉ thị cho Bộ Y tế giải quyết nhanh chóng vấn đề điều trị của các cán bộ lão thành, đồng thời còn đích thân đốc thúc. để những đồng chí nhiều tuổi từ cấp thứ trưởng trở lên, bao gồm gần năm trăm người được kiểm tra lại toàn bộ sức khoẻ. Ông lại cùng với Diệp Kiếm Anh giải phóng cho hơn một trăm vị tướng quân trong quân đội, trở lại những vụ lãnh đạo. Không ít những cán bộ lão thành từ các trường “cải tạo cán bộ” ở các tỉnh xa, trở lại Bắc Kinh kiểm tra sức khoẻ rồi được “giải phóng” nhờ cơ hội đó. Trong tình hình ấy, những cán bộ cũ đã tới tấp ra khỏi nhà tù? ra khỏi những trường “cải tạo cán bộ”, ra khỏi những “chuồng gia súc” và có rất nhiều người đã được trở lại công tác.
Tin tức về chỉnh đốn và uốn nắn sai râm “tả khuynh” giống như một trận gió xuân tràn ra toàn quốc làm ấm lại hàng ngàn hàng vạn con tim. Kể từ Cách mạng văn hoá bùng nổ tới nay, nó điên cuồng như thế, nó kinh tởm như thế, người người đều bị cuốn vào trong bụng nó, bất kể một ai, dù tự nguyện hay không tự nguyện. Sau khi đã phải trải qua bấy nhiêu mưa gió não nề, bị quăng lên quật xuống, bị xé nát mài mòn, bị chìm nổi lênh đênh, con người đã bắt đầu tỉnh ngộ ra. Nếu như nói, khi Cách mạng văn hoá vừa bắt đầu, mọi người đều bàng hoàng, chẳng biết xoay trở, tiến thoái ra sao, thì có lẽ sau sáu năm, hôm nay đã có rất đông người bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu hồi tưởng và đã đưa ra những điều nghi vấn.
Cũng vừa đúng vào khi đó Lâm Bưu đã tự huỷ diệt, thật đúng là ông trời có mắt. Cũng đúng vào khi đó, Mao Trạch Đông đã tự nhận ra, cũng thật là may cho con đen con đỏ. Cũng đúng vào khi đó, Chu Ân Lai đứng ra ngăn cơn sóng dữ, thật đúng là đã đi sâu thêm vào ước ao, đi sâu thêm vào mong mỏi của dân. Những người cán bộ lão thành trở lại Bắc Kinh còn chưa kịp kiểm tra sức khoẻ, chưa kịp nhận công tác, đã toả ra khắp phố phường, khắp hang cùng ngõ hẻm, đi tìm những người bạn chiến đấu cũ, những người đồng nghiệp, họ muốn đi tìm kiếm, để xem xem những ai còn sống, những ai đã trở về. Bạn cũ gặp nhau vui như ngày hội. Sáu năm trời dãi dầu, mưa gió, gió mưa, không thể không ngoảnh đầu ngoái lại. Họ hỏi han lẫn nhau, nghe chuyện của nhau, bàn bạc về mọi loại “tin tức”, bàn bạc về tiền đồ và vận mệnh quốc gia.
Trong khi hàng loạt cán bộ đã trở về Bắc Kinh, cha tôi vẫn ở Giang Tây. Mặc dù hoàn cảnh mọi mặt của cha tôi đã được thay đổi đến tận gốc, nhưng cho đến lúc đó mà nói, vẫn không có thêm một tin lức đáng kể nào. Khi đó bọn con cái chúng tôi vì đã được tiếp xúc với bên ngoài khá nhiều, nên tin tức về tới căn gác nhỏ trường bộ binh cũng chẳng còn đến nỗi tắc tịt như trước nữa. Có rất nhiều tin tức đáng mừng đã được truyền về đến đấy. Đối với tình hình đó, cha tôi đã có một sự phân tích thật khúc chiết. Và lúc đó, mục đích của ông càng thêm phần rõ ràng hơn: ông cần phải tranh thủ trở lại Bắc Kinh, ông cần phải tranh thủ để xuất đầu lộ diện.
Ngày 1.8.1972, cha tôi lại cùng với công nhân trong xí nghiệp sửa chữa và chế tạo máy kéo huyện Tân Kiến lỉnh Giang Tây nghe truyền đạt thông báo về tội trạng phản loạn của tập đoàn phản đảng Lâm Bưu.
Trong lần này, sau khi nghe truyền đạt xong, cha tôi lập tức cầm bút viết thư cho Mao Trạch Đông. Hai ngày sau, tức là ngày 3.8, bức thư đã được Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây chuyển đi.
Trong bức thư này, cha tôi dùng những lời lẽ chân thực và viết rất dài, bày tỏ sự kiên quyết, ủng hộ sự vạch tội và phê phán tập đoàn Lâm Bưu của trung ương. Sau khi vạch tội phê phán thêm tập đoàn Lâm Bưu, đối với “sai lầm” của mình, cha tôi đã thực sự cầu thị, ngắn gọn kiểm điểm và nhận trách nhiệm phần mình. Cuối thư, ông nói rõ ràng minh bạch về yêu cầu ra làm việc của mình. Ông viết: “Trong thư tôi viết trình Chủ tịch tháng mười một năm ngoái (1971), tôi đã đưa ra thỉnh cầu về việc tôi trở lại làm việc. Tôi đã nhận thức được thế này, sau khi phạm sai lầm, tôi đã hoàn toàn thoát ly công tác, thoát ly mọi tiếp xúc với xã hội, tất cả đã năm năm, sắp sáu năm rồi. Tôi vẫn nghĩ là sẽ có cơ hội được sửa chữa sai lầm của mình bằng công việc, trở lại với đường lối của giai cấp công nhân của Chủ tịch. Tôi thấy rằng sức khoẻ của tôi vẫn còn tốt, mặc dù là đã sáu mươi tám tuổi, tôi vẫn còn có thể làm được một số công việc mang tính kỹ thuật (thí dụ như công tác điều tra, nghiên cứu), vẫn còn có thể phục vụ đảng, phục vụ nhân dân bảy tám năm nữa, để chuộc lại lỗi lầm trong muôn một. Tôi không có yêu cầu nào khác. Tôi yên tâm chờ đợi chỉ thị của Chủ tịch và trung ương”.
Cha tôi biết rằng, Mao Trạch Đông cần biết thái độ của ông, trong thư cũng đã có thái độ đối với việc phê phán Lâm Bưu, và cũng có cả thái độ đối với “sai lầm” của mình. Thư gửi đi rồi, cha tôi tin rằng, thư đó sẽ tới tay Mao Trạch Đông. Nhưng thật không ngờ rằng, Mao Trạch Đông đã nhận được bức thư đó rất nhanh, và cũng nhanh không kém có bút phê.
Ngày 14.8.1972, bút phê của Mao Trạch Đông ghi rằng: “Đồng chí Thủ tướng duyệt xong, xin giao cho chủ nhiệm Uông Đông Hưng in và phát cho các đồng chí trung ương. Việc phạm sai lầm của đồng chí Đặng Tiểu Bình là nghiêm trọng, nhưng cần phải có phân biệt, khác với Lưu Thiếu Kỳ.
1. Đồng chí ấy là một trong bốn người Đặng, Mao, Tạ, Cố(5) bị chỉnh đốn ở khu Xô-viết trung ương, và được gọi là kẻ cầm đầu của bè phái Mao. Tài liệu chỉnh đốn đồng chí ấy có thể đọc ở hai văn kiện: “Hai đường lối từ đại hội sáu đến nay”...
2. Đặng Tiểu Bình không có vấn đề quá khứ. Tức là không đầu hàng địch.
3. Đặng Tiểu Bình hợp sức đánh giặc với Lưu Bá Thừa rất đắc lực, có công trạng. Ngoài ra, khi vào thành phố, không phải là không làm được việc gì tốt, thí dụ như đã lãnh đạo phái đoàn đi đàm phán ở Mát-xcơ-va, đã không chịu để bọn xét lại Liên xô lôi kéo.
Sau khi Mao Trạch Đông khẳng định lại những công trạng của Đặng Tiểu Bình trong quá khứ, cuối cùng còn viết thêm một câu “Những việc này, tôi đã từng nhắc tới nhiều lần, bây giờ, tôi nói lại một lần nữa”.
Ngay hôm đọc xong những lời phê đó của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai lập tức cho in lại những lời phê đó, và phát đủ cho tất cả các thành viên của Bộ Chính trị.
Với thư của Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông đã có những lời bút phê hoàn toàn khác với các loại bút phê thông thường của ông ta. Tuy trong bút phê không hề nhắc tới việc dùng lại Đặng Tiểu Bình, nhưng thái độ của Mao Trạch Đông lại khá rõ ràng, thậm chí có thể nói, ở một mức độ nào đó, Mao Trạch Đông đã nói hộ Đặng Tiểu Bình.
Có thể cho rằng, đến lúc đó, Mao Trạch Đông đã suy nghĩ hết sức chín chắn về việc dùng lại Đặng Tiểu Bình rồi.
Nhưng Cách mạng văn hoá đã mở rộng đến như thế, sự thể đã diễn biến vô cùng phức tạp, phức tạp đến mức gần như đổ vỡ hoàn toàn. Như vậy có nghĩa là, đến ngay cả Mao Trạch Đông, con người vĩ đại “bao trùm sông núi” cũng không thể muốn làm gì thì làm được nữa, không thể làm theo ý thích của mình được nữa rồi.
Lúc này, Mao Trạch Đông muốn dùng lại Đặng Tiểu Bình, song nó lại có những khó khăn khó nói của nó.
Thứ nhất: Đặng Tiểu Bình là tên số hai trong “những kẻ cầm quyền lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản chủ nghĩa”, là kẻ đã phạm “sai lầm”, bị hạ bệ đánh đổ. Nếu muốn dùng lại Đặng Tiểu Bình, cần phải có lời lẽ thế nào về những “sai lầm” đó chứ.
Thứ hai: sau khi Lâm Bưu ngã đài, thế lực của bọn Cách mạng văn hoá trung ương do Giang Thanh cầm đầu đã được tăng cường hết sức mạnh mẽ, nên đối với việc xuất hiện trở lại của một cán bộ cũ như kiểu Đặng Tiểu Bình, sẽ bị chúng kiên quyết phản đối, và hình thành một lực cản rất mạnh mẽ. Hơn thế, số binh mã của bọn Cách mạng văn hoá trung ương đã trở thành một lực lượng duy nhất vẫn ra sức tiến hành Cách mạng văn hoá lúc này, về mặt phong trào, Mao Trạch Đông lại rất coi trọng và tin cậy họ. Họ chống đối, Mao Trạch Đông không thể không xem xét.
Thứ ba: đối với việc dùng lại một nhân vật chính trị quan trọng như Đặng Tiểu Bình nó có cả mặt lợi của nó, nhưng cũng có cả mặt nguy của nó. Nên nói toẹt ra rằng, liệu những người đã mắc vào vòng khốn đốn trong Cách mạng văn hoá, họ có lật lại vụ án Cách mạng văn hoá này không.
Với tình hình phức tạp đan xen chéo giò như thế, nên đối với việc dùng lại Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông đã chọn phương thức “thăm dò trước”, rồi tiếp tục quan sát.
Lâm Bưu tuy bị ngã đài, nhưng vũ đài chính trị của Trung quốc chẳng có yên hàn. Trên con đường tiếp tục tiến hành Cách mạng văn hoá, vẫn còn đầy những vực xoáy và những bãi nổi lập lờ nguy hiểm. Những hành động quá đáng và quá tả của Mao Trạch Đông trong Cách mạng văn hoá đã được ông ta xem xét lại trong một chừng mực nhất định, và cho phép Chu Ân Lai điều chỉnh uốn nắn lại cũng trong một chừng mực nhất định. Nhưng với Chu Ân Lai, uốn nắn “tả” và phê phán sự hỗn loạn “vô chính phủ” lại gây cho bọn Cách mạng văn hoá trung ương sự bất bình to lớn. Những kẻ to đầu của Cách mạng văn hoá như Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên v.v.:. đã công khai ô miệt vu cáo sự phê phán cực tả đó của Chu Ân Lai là “chủ nghĩa xét lại ngóc đầu dậy”, và trở thành mũi nhọn đối lập với ông.
Trong cuộc đấu tranh này Mao Trạch Đông đã sai lầm đứng về phía những người của Giang Thanh. Thái độ của Mao Trạch Đông về căn bản là phủ nhận ý kiến chính xác của Chu Ân Lai, việc phê phán cực tả lại thêm một lần trở thành khu vực cấm.
Với Mao Trạch Đông mà nói, nhận lấy bài học, uốn nắn một số những cách thức quá khích, là có thể. Nhưng tuyệt đối không cho phép bất kỳ người nào dám phủ định đường lối cực tả mà ông ta đã kiên tâm theo đuổi. Đây là “nguyên tắc” và lập trường cuối cùng, ông ta cố kiết theo đuổi trong đời sống chính trị còn lại của ông ta. Lập trường của Mao Trạch Đông không thay đổi, thì sứ mệnh Đại cách mạng văn hoá cũng không sao kết thúc được. Con đường của vở kịch lớn vừa bi vừa hài trên vũ đài chính trị vẫn còn chưa tới màn cuối.
Con đường phong vân lắt léo, bổng trầm của vũ đài chính trị Bắc Kinh đang thiên biến vạn hóa, hoàn cảnh của Đặng Tiểu Bình ở Giang Tây, trong tình hình đại thể ấy cũng được nới lóng thêm bước nữa.
Tình cảnh của cha tôi rõ ràng là đã có những chuyển biến tốt. Người đồng chí lão thành Hoàng Tri Chân, sau khi được phục hồi công tác trong tỉnh uỷ Giang Tây, không những đích thân đến thăm cha mẹ tôi mà còn chú ý rất nhiều tới hoàn cảnh sống của hai ông bà. Do trong trường bộ binh luôn luôn bị mất nước, lắm táp rất khó khăn, tỉnh uỷ đã thu xếp cho chúng tôi mỗi tuần lên tỉnh uỷ tắm táp một lần. Với đề nghị của cha mẹ tôi, sau khi thỉnh thị và được phê chuẩn, ông lão cần vụ cũ của gia đình tôi là Ngô Hông Tuấn cùng vợ đã tới Giang Tây, giúp gia đình tôi một số công việc trong nhà. Sau khi gia đình ông tới, việc lao động trong nhà của cha mẹ tôi đã giảm nhẹ đi rất nhiều.
Tuy Phác Phương đã đi Bắc Kinh chữa bệnh, nhưng gia đình tôi cũng chẳng đến nỗi trống trải. Đặng Lâm trong học viện mỹ thuật trung ương cho đến lận lúc đó vẫn chưa hề phân công công tác, thế là sinh viên bắt đầu “tạo phản” bỏ trường về nhà. Đặng Lâm đã từ Tuyên Hoá về Giang Tây, chờ phân công công tác. Kể từ Cách mạng văn hoá tới nay, học viện mỹ thuật của chị “tạo phản” cũng ghê gớm, quản lý người cũng ghê gớm, khó có được cơ hội ở nhà như thế, nhàn tản thay, phong lưu thay.
Đặng Nam cũng đã trở về. Lần này chị về nhà cũng ghê lắm, chị chuẩn bị sinh cháu bé. Cần phải nhớ rằng, đứa trẻ trong bụng chị chính là đứa cháu đầu liên trong dòng họ Đặng chúng tôi. Đặng Nam nghiễm nhiên ra dáng một vị đại công thần, ưỡn cái bụng to đùng, hết quanh ra, lại quẩn vào, không mó tay vào việc gì, mà lại toàn được ăn ngon. Mẹ tôi tất tả trong việc chuẩn bị cho chị ngồi xó, nuôi một đàn mười mấy con gà. Nhưng cứ theo tôi, chị cũng chẳng có gì đáng hãnh diện lắm. Trước đây, mẹ vẫn khen chị là người thon thả ưa nhìn, nhưng bây giờ “dung nhan” đã khác, cái bụng to chẳng nói làm gì, toàn thân chị đã béo phì béo nộn, cứ như cái thùng tô nô. Chị còn lấy cớ là dưỡng thai, nên ra sức ăn. Nhưng rõ ràng rằng, chị ăn uống có vẻ ngon lành lắm. Nhìn thấy chị ăn uống ngon lành, cha tôi chỉ mừng thầm trong dạ, còn mẹ tôi thấp thỏm lo âu, nói: “Cũng chẳng nên béo quá đâu, sau này khó mà rút lại được”. Để cho Đặng Nam giảm béo và cũng là để sau này sinh con cho đễ, mọi người trong nhà bắt buộc chị phải vận động. Hàng ngày cha tôi vẫn đi dạo quanh nhà, những lúc ấy ông bắt Đặng Nam phải cùng đi. Lúc mới đầu, không dám cãi, Đặng Nam nghễu nghện vác cái bụng phưỡn cùng đi. Nhưng chỉ được mấy vòng, chị không chịu đi nữa, toe toe nói: “Ba đi nhanh thế, con theo sao kịp”. Nói xong, biến mất tăm mất dạng. Đối với một cô con gái như thế, cha mẹ tôi cũng chẳng còn chiêu nào khác.
Tôi và Phi Phi đã học đại học ở Giang Tây. Lũ chúng tôi là đám học viên công nông binh thứ hai. Khi đó các học viện, các trường đại học, trường chuyên nghiệp vừa được khôi phục, chiêu sinh, học sinh không phải là học sinh trung học thi vào, mà là các đơn vị, xí nghiệp, nông thôn “tiến cử lên”. Đại bộ phận học trò chỉ là cấp hai, thậm chí có cả văn hoá bậc tiểu học nữa, những học sinh từ nông thôn lên, từ xí nghiệp tới, học hành rất vất vả. Những “sinh viên đại học” với trình độ văn hoá tiểu học đó cũng lại là một loại đặc sản của Cách mạng văn hoá. Với trình độ bậc tiểu học như thế, làm sao mà nuốt cho trôi chương trình đại học, cho nên lại phải mở thêm những lớp bổ túc. Những người có trình độ văn hoá kha khá, phải theo lớp bổ túc nửa năm, những học sinh Giang Tây trình độ văn hoá quá thấp phải học lớp bổ túc đằng đẵng tám tháng liền. Nội dung học của các lớp bổ túc đó vẫn chỉ là môn toán lý hóa của cấp hai.
Khi bắt đầu Cách mạng văn hoá, tôi đang học năm thứ nhất cấp ba, còn Phi Phi đang học năm thứ hai cấp hai, song trong sáu năm vừa qua Phi Phi đã tự học tới trình độ năm thứ nhất, thứ hai khối tự nhiên. Tuy chúng tôi đi cắm chốt ở nông thôn, nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn dùng thời gian rảnh rỗi để tự học. Trong nhà chúng tôi, cha mẹ rất coi trọng việc giáo dục và học hành của con cái, ông bà không những đòi hỏi ở mỗi người con phải học giỏi, phải học lên đại học, mà còn yêu cầu thi vào đại học phải đỗ cao. Ngay từ nhỏ, cha mẹ chúng tôi đã giáo dục cho con cái cách suy nghĩ như thế, làm cho anh chị em chúng tôi có mục đích rất rõ ràng, chính xác, ngay từ khi còn đi học lúc bé. Sau khi Cách mạng văn hoá vừa bắt đầu, dù xấu dù tốt anh chị tôi đều tốt nghiệp đại học cả, chỉ còn có tôi và Phi Phi là chưa vào đại học mà thôi, điều đó từng làm cha mẹ tôi vô cùng băn khoăn, lo lắng. Cho nên, đã nhiều lần đưa ra đề nghị với trung ương, tranh thủ cho tôi và Phi Phi đi học, để con cái có được nền giáo dục đại học. Lần này tôi và Phi Phi được tiếp tục đi học, hoàn toàn là kết quả của mọi cố gắng của cha mẹ tôi. Khi đó, được đi học đại học chẳng phải là việc dễ dàng gì. Cái gọi là “tiến cử và đề bạt” cũng cần có rất nhiều điều kiện, cần xuất thân tốt, cần biểu hiện tốt, lại còn cần cả quan hệ tốt với lãnh đạo nữa, v.v... Trên thực tế đã có rất nhiều người, tìm mọi cách “chạy cửa sau”, móc nối, mới đi học đại học được. Chúng tôi cũng đã từng đùa cợt trong nhà với nhau, chúng tôi được đi học cũng là một cách chạy cửa sau, nhưng là cái cửa sau to nhất của con người vĩ đại nhất Mao Trạch Đông. Nếu không, chỉ với cái danh nghĩa “lũ con cái còn giáo dục được”, rồi lại phải đi cắm chốt ở vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, làm sao mà vác xác đến trường đại học được. Đùng một cái hai đứa con được đi học đại học, thật là thoả lòng mong mỏi của cha mẹ tôi.
Tuy chúng tôi học ở hai trường khác nhau và hai chuyên khoa khác nhau, nhưng tôi và Phi Phi đều được coi là loại có trình độ văn hoá cao trong trường, khi phải theo học các lớp bổ túc, về căn bản mà nói, chúng tôi chẳng phải học hành gì, mà còn có thể phụ đạo giúp các bạn trong lớp học ấy. Kiểu cách “học tập” như thế, đối với chúng tôi mà nói, quả là rất nhẹ nhàng thoải mái. Phi Phi còn tương đối tôn trọng nội quy kỷ luật, nhưng tôi, tôi luôn luôn tìm cách “chuồn thẳng” khỏi trường, lẩn về nhà. Những người trong gia đình chúng tôi đều rất quý mến gia đình nhà mình, đều luôn luôn muốn tụ hội cùng nhau. Cho đến tận bây giờ, người nào người nấy đều đã vào tuổi năm mươi, nhưng mười mấy con người, vẫn cứ chung sống với nhau và cứ “quấn riết” lấy mẹ.
Chú thích: (1) Liêu Thừa Chí: từng làm chí nhiệm ban Hoa Kiều của Quốc vụ viện.
(2) Tăng Hy Thánh: từng là bí thư thứ nhất tỉnh An Huy
(3) Tưởng Nam Tường, đã từng là bộ trưởng Bộ Giáo dục cao đẳng của Quốc vụ viện Trung quốc
(4) Trần Chính Nhân: đã từng là bộ trưởng Bộ Cơ khí Công nghiệp thứ 8 Quốc vụ viện Trung quốc
(5) - Đặng: tức là Đặng Tiểu Bình, khi đó là bí thư huyện uỷ Hội Xương của Đảng cộng sản, lãnh đạo công tác ba huyện Hội Xương, Tâm Ô, An Định.
- Mao: chỉ Mao Trạch Đàm, khi đó là bí thư huyện uỷ Vĩnh (Phong). Cát (An), Thái (Hoà).
- Tạ: là Tạ Duy Tuấn, lúc đó là tư lệnh quân khu 2 của quân khu tỉnh Giang Tây kiêm sư trưởng sư độc lập số 5.
- Cố: là Cố Bách, khi đó là uỷ viên chính phủ xô-viết và bí thư đảng đoàn tỉnh Giang Tây. Tháng 3.1933 họ bị coi là những kẻ “đặt ra đường lối La Minh ở Giang Tây”, bị chỉ trích nặng nề và bị cách chức