Cánh Giang Thanh gây lộn xộn bừa bãi, lung tung, kết quả là ăn phê bình của Mao Trạch Đông, lại bị buộc phải “kiểm điểm” ở hội nghị Bộ Chính trị, thực tế là găm đầy một bụng tức. Bọn họ phân tích tình thế, nhận định rằng, Vương Hồng Văn là một nhân vật mới, được đích thân Mao Trạch Đông đề bạt, khi nói năng với Mao Trạch Đông chắc chắn phải có sức nặng, liền bàn bạc để cho Vương Hồng Văn xuất tướng, với lý do là báo cáo tình hình hội nghị, nhưng thực chất lại là viết thư tố cáo.
Theo đúng như họ đã bàn bạc, Vương Hồng Văn viết thư cho Mao Trạch Đông, trong thư vu cáo Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình, bảo rằng họ luôn luôn nhìn mọi tình thế, mọi sự việc bằng cặp mắt đen ngòm, bảo rằng họ bao che, dung túng cho những dư luận dồn đại xấu mạnh mẽ nhất, đồng thời còn xưng xưng bịa đặt ra rằng: “Trong cuộc tranh luận này hoàn toàn là lời lẽ của Chu Ân Lai nhưng chính ông ta lại không tiện nói ra, nên mới đẩy Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình nói hộ, mục đích là nhằm lật lại bản án trong hội nghị tháng mười hai năm ngoái”.
Nhận được thư của Vương Hồng Văn, Mao Trạch Đông tỏ vẻ khó chịu. Ông vừa mới phê bình Giang Thanh và một số người khác về việc chống “chủ nghĩa kinh nghiệm”, thì nay Giang Thanh và cả bè cánh lại bắt đầu quậy phá, ông ta biết rằng, lần này chỉ có đích thân ông ta ra tay mới mong dẹp bỏ được cuộc giao đấu này.
Hôm đó, cũng tức là ngày 3.5.1975, Mao Trạch Đông đích thân triệu tập cuộc họp Ban thường vụ Bộ Chính trị tại Bắc Kinh. Tại hội nghị này, Mao Trạch Đông nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng cần ổn định đoàn kết, cần hết sức giữ vững “ba cần, ba không cần”, tức là: cần chủ nghĩa Mác, không cần chủ nghĩa xét lại, cần đoàn kết, không cần phân biệt chia rẽ, cần quang minh chính đại, không cần âm mưu quỷ kế. Khi nói về chống chủ nghĩa kinh nghiệm, Mao Trạch Đông nói: “Tôi đã phạm sai lầm, tôi không nhận ra cái ẩn ý của Xuân Kiều, “Các ông chỉ hận chủ nghĩa kinh nghiệm mà không hận chủ nghĩa giáo điều” “Theo tôi, nhiều người phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm, chính bản thân mình cũng là chủ nghĩa kinh nghiệm, mà không có được bao nhiêu chủ nghĩa Mác-Lê”. “Tôi thấy Giang Thanh cũng là một thứ tiểu chủ nghĩa kinh nghiệm”. Tiếp đó, Mao Trạch Đông chuyển ngay mũi nhọn của mình vào việc phê bình Giang Thanh và một số người khác, ông nói: “Chớ nên lập nhóm bốn người, các vị không nên làm như vậy, mà tại sao lại phải làm như vậy chứ? Tại sao lại không tính đến chuyện đoàn kết với hơn hai trăm uỷ viên Bộ Chính trị? Lập nhóm ít người là không tốt, xưa nay đều là chuyện không tốt”. “Không nên tuỳ tiện, cần phải có kỷ luật, cần phải thận trọng, không nên tự mình đặt ra chủ trương này nọ mà cần phải thảo luận với Bộ chính trị, có ý kiến cần phải đem ra Bộ Chính trị mà bàn bạc, sau đó in thành văn bản phát xuống dưới. Cần phải dùng danh nghĩa trung ương, chứ không được dùng danh nghĩa cá nhân, và cũng không nên dùng danh nghĩa cá nhân tôi. Tôi chưa hề gửi đi một thứ tài liệu nào theo kiểu như vậy cả”. “Cần phải biết giữ kỷ luật, quân đội càng cần thận trọng, trung ương lại càng cần phải thận trọng hơn nữa: Vấn đề náy, tôi đã nói với Giang Thanh một lần, tôi đã nói với Đặng Tiểu Bình một lần. Vương Hồng Văn cần gặp tôi, Giang Thanh cũng gọi điện thoại tới cần gặp tôi, tôi nói chẳng cần gặp làm gì, nếu cần gặp xin mời tất cả đến cùng một lúc. Tôi nói hết. Tôi xin lỗi, tôi là con người như thế, tôi chẳng muốn nói gì hơn, ngoài ba câu, ở đại hội ở đại hội 10, tôi cũng chỉ có ba câu như hế: cần Mác-Lê, không cần xét lại, cần đoàn kết, không cần phân biệt, cần quang minh chính đại, không cần âm mưu quỷ kế.
Mao Trạch Đông phê bình bè lũ Giang Thanh, nhưng không phê bình thẳng vào những sai lầm của họ. Cho nên, đồng thời với việc yêu cầu bè lũ Giang Thanh tự phê bình, Mao Trạch Đông nói: “Tôi thấy vấn đề không có gì, cho nên chớ có bé xé ra to, nhưng có chuyện gì cần phải nói cho rỡ rằng minh bạch, nửa năm đầu không giải quyết được thì nửa năm cuối giải quyết tiếp, năm nay giải quyết không xong, sang năm giải quyết nốt, năm sau giải quyết chưa hết, thì để sang năm sau nữa”.
Khi đó Mao Trạch Đông đã bước vào tuổi cao tám mươi ba rồi, mắt bị đục thuỷ tinh thể, nên chẳng còn nhìn thấy gì nữa, tình trạng sức khoẻ cũng như nhật nguyệt sớm chiều, với tình trạng người ngợm như thế, lại vẫn phải đích thân lộ diện triệu tập một hội nghị điều hoà, thật quả là một việc bất bình thường. Việc ông ta đích thân đứng ra giải quyết vấn đề, chứng tỏ một điều rằng, ông ta thật lòng muốn dẹp bỏ mọi xô xát cho yên ổn, ông ta không thích rối loạn nữa. Nhưng việc ông ta đau yếu bệnh tật mà vẫn phải đứng ra giải quyết vấn đề, cũng nói lên được một điều khác rằng, bè lũ Giang Thanh ngoài một con người Mao Trạch Đông mà không còn e dè kiêng nể, thì chúng không còn biết sợ ai, không thèm đặt ai vào tầm nhìn của mình. Cũng cần phải nói toạc ra rằng việc Mao Trạch Đông phải đích thân xuất đầu lộ diện chẳng qua chỉ là sự điều hoà, cân bằng trên bề mặt, mà không có khả năng giải quyết vấn đề đến tận gốc. Lần triệu tập Ban thường vụ Bộ Chính trị này cũng chính là lần triệu tập và tham gia họp cuối cùng của ông ta. Từ đó về sau, ông ta đã bước vào những ngày tháng bệnh tật chồng chất, những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
Vào ngày thứ hai khi Mao Trạch Đông triệu tập họp hội nghị Ban thường vụ Bộ Chính trị, tức là ngày 4.5.1975, Chu Ân Lai ôm bệnh rời khỏi bệnh viện triệu tập Ban thường vụ Bộ Chính trị bao gồm: Vương Hồng Văn, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Trương Xuân Kiều họp tại đại hội đường Nhân dân, thảo luận, quán triệt tinh thần bài nói chuyện của Mao Trạch Đông ngày 3.5.1975. Sau cuộc họp đó, Chu Ân Lai lại chủ trì khởi thảo chỉ thị về việc học tập lý luận của Mao Trạch Đông, và đưa ý kiến về vấn đề công tác của Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc và Chu Ân Lai kiên quyết ủng hộ sự phê bình của Mao Trạch Đông đối với Giang Thanh, ông nói: “Có sai lầm, cần phải có tự phê bình”. Ông tỏ ý “tán thành các ý kiến của Đặng Tiểu Bình”, “tự nguyện phê bình là phải nói, nói nhiều, nói ít đều được không nói cũng được, nhưng không nên gây khó dễ cho người khác”. Ngày 8.5.1975, Chu Ân Lai lại thêm một lần nữa họp thường vụ Bộ Chính trị tại đại hội đường Nhân dân bao gồm Vương Hồng Văn, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Trương Xuân Kiều, để tiếp tục nghiên cứu quán triệt về việc Mao Trạch Đông đã nói trong cuộc họp Ban thường vụ Bộ Chính trị ngày 3.5.1975, đồng thời hội nghị này cũng bàn bạc quyết định: đợi khi Đặng Tiểu Bình đi thăm Pháp trở về, sẽ họp hội nghị toàn thể Bộ Chính trị, và chỉ định Vương Hồng Văn thông báo việc này cho Bộ Chính trị biết. Chu Ân Lai cực kỳ tỉnh táo để nhận ra rằng, đây là một cơ hội khó kiếm. Mao Trạch Đông đã đích thân phê bình bè cánh Giang Thanh tuy chẳng trị được đến tận gốc, nhưng ít nhất cũng khiến bè lũ Giang Thanh biết tự kiềm chế lại, như vậy Đặng Tiểu Bình cũng sẽ có được một cơ hội tốt, để rảnh tay tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh chỉnh đốn toàn diện. Có được cơ hội ấy cũng chẳng phải chuyện dễ dàng gì, nên tuyệt đối không được bỏ lỡ.
Từ ngày 12 đến ngày 17.5.1975, nhận lời mời của nước Cộng hoà Pháp, phó thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đi thăm hữu nghị nước Pháp. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập, và kể từ năm 1964, hai nước Trung - Pháp lập quan hệ bang giao tới nay, một lãnh đạo nhà nước Trung quốc đi thăm nước Pháp. Trong tình hình chính trị và chiến lược quốc tế lúc bấy giờ, hai đại quốc siêu cường là Mỹ và Liên xô đang tiến hành chiến tranh lạnh. Giữa hai đại bá Mỹ Xô ấy, Âu châu là một vùng đất đặc thù. Các quốc gia châu Âu vì những nguyên nhân lịch sử và thực tế đã hình thành một tình trạng vô cùng phức tạp và không ổn định. Toàn bộ châu Âu chia thành hai phạm vi thế lực lớn, đông và tây. trong những nước lớn nhất Tây Âu, nước Anh là nước theo Mỹ một cách trung thành nhất, Đức chia làm đôi, đông và tây, Pháp là nước lên nhất châu Âu lúc bấy giờ. Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của tướng Đờ Gôn, trong quan hệ quốc tế phức tạp và rối rắm, Pháp vẫn giữ vững được tinh thần dân tộc và độc lập, và vẫn giữ được địa vị trọng yếu ở Châu Âu cũng như trong nhân sự vụ thế giới Trong khi các nước lớn chủ chốt của phương Tây – đặc biệt là Mỹ - vẫn duy trì lập trường chống cộng, thì Pháp là nước đầu tiên ở châu Âu lập quan hệ bang giao với nước Trung quốc mới. Kể từ khi Trung - Pháp lập quan hệ bang giao, hai nước vẫn có quan hệ hữu hảo. Năm 1973, tổng thống Pháp Pômpiđu đã viếng thàm hữu nghị nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, đã gặp gỡ và hội đàm với những nhà lãnh đạo của Trung quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai. Từ đó về sau, những nhà lãnh đạo của hai nước đã xây dựng mối hữu hảo của hai bên càng gắn bó chặt chẽ hơn. Lấn này, đoàn đại biểu của chính phủ Trung quốc sắp chính thức viếng thăm Pháp, điều đó thể hiện sự phát triển thêm một bước quan hệ hữu nghị giữa hai nước Trung - Pháp. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh đông - tây, trong tình hình hai siêu cường là Liên xô và Mỹ bá chủ, khống chế thế giới. Mao Trạch Đông với con mắt chiến lược quốc tế phi phàm, đầu tiên quyết định khôi phục quan hệ Trung - Mỹ, rồi theo đó mà khôi phục được quan hệ Trung - Nhật, hai quyết sách lớn đó đã mở ra được một cục diện mới trên chiến tuyến ngoại giao của Trung quốc, khiến cho Trung quốc bước được vào cơ cấu lớn của chiến lược quốc tế, đồng thời đã trở thành một lực lượng chính trị không thể xem thường trên cán cân chiến lược quốc tế. Lần này, Mao Trạch Đông quyết định tăng cường thêm một bước mối quan hệ Trung - Pháp, khiến cho thái độ của Trung quốc tích cực hơn, sinh động hơn trên vũ đài chính trị quốc tế.
Chính phủ Pháp mời những nhà lãnh đạo Trung quốc tới tham nước Pháp, thủ tướng Chu Ân Lai đổ bệnh quá nặng, nên Mao Trạch Đông quyết định để Đặng Tiểu Bình dẫn đầu đoàn đại biểu Trung quốc đi thăm Pháp. Quyết định này của Mao Trạch Đông, trên thực tế là ông muốn cho Đặng Tiểu Bình làm đại diện cho Trung quốc, bước lên vũ đài chính trị quốc tế. Đây lại là một quyết định rất quan trọng, chứng tỏ quyết tâm mong muốn Đặng Tiểu Bình phát huy được tác dụng to lớn hơn nữa trong đời sống chính trị tương lai.
Sớm ngày 12.5.1975, sau khi chiếc chuyên cơ hạ cánh xuống nước Pháp, một người Trung quốc thấp bé, bước lên tấm thảm đỏ trải dài dành cho khách quý. Con người Trung quốc này, năm mươi năm trước, đã từng vừa làm vừa học tại nước Pháp, đã từng bước vào cung điện thần thánh của cách mạng trên chính mảnh đất của nước Pháp này, và cũng đã từng bị quân cảnh của nước Pháp theo dõi truy lùng. Đối với nước Pháp, ông có những kỷ niệm khó quên. Năm mươi năm trước, mang danh là một nhà cách mạng bị quân cảnh tìm bắt, ông đã rời khỏi nước Pháp. Hôm nay ông là khách quý của nước Pháp. Ông được tiếp đón thật long trọng. Con đường của đời người, nó khấp khểnh, quanh co là như vậy, số phận một sinh mệnh thật biến áo chông chênh, nghĩ lại, lại càng thêm cảm khái.
Từ khi đặt chân lên đất Pháp, Đặng Tiểu Bình lập tức lao vào những công việc ngoại giao bận rộn. Chính phủ Pháp cũng đã bày tỏ sự nghiệp liệt hoan nghênh và tiếp đón long trọng đối với đoàn đại biểu của chính phủ Trung quốc do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo. Thân phận của Đặng Tiểu Bình chỉ là một phó thủ tướng Quốc vụ viện, nhưng chính phủ Pháp đã dành cho ông sự tiếp đón ngoại giao như đối với các nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Pháp D’estaing và thủ tướng Chirac đã có những cuộc hội đàm riêng với Đặng Tiểu Bình. Đích thân tổng thống D’estaing chủ trì bữa tiệc chiêu đãi, và sắp xếp đưa Đặng Tiểu Bình về nghỉ ngơi tại nhà khách của chính phủ Pháp. Sự tiếp đón nhiệt tình vượt quá thường lệ đó chứng tỏ một điều rằng, những nhà chính trị của nước Pháp đã coi Đặng Tiểu Bình là một nhà chính trị của Trung quốc - mới được phục hồi sau Cách mạng văn hoá - sẽ là một con người có sức mạnh nghiêng ngửa của Trung quốc trong tương lai. Đặng Tiểu Bình thăm nước Pháp lần này đã trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo Pháp về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng và phát triển mối quan hệ của hai nước. Cả hai bên đã trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng về tăng cường chính trị, tăng cường thúc đẩy thêm một bước về mậu dịch, kinh tế giữa hai nước, và đã đạt được nhiều những nhận thức chung, hiểu biết lẫn nhau hơn.
Ngày 17.5.1975, Đặng Tiểu Bình dẫn phái đoàn chính phủ Trung quốc trở về nước. Lần đi thăm Pháp này tuy chỉ ngắn ngủi có năm ngày, nhưng ý nghĩa của nó lại vô cùng quan trọng. Đối với nhà nước mà nói, nó đã hoàn thành thêm một bước rất cụ thể về ngoại giao qua con mắt chiến lược tinh tường của Mao Trạch Động. Đối với Đặng Tiểu Bình thì hàng loạt những hoạt động ngoại giao, bao gồm cả việc đi dự hội nghị đặc biệt của đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 4.1974, đã xác lập được cho ông địa vị một chính trị gia tầm cỡ thế giới.
Sau khi Đặng Tiểu Bình đi thăm Pháp trở về, do sự bàn định của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, đã chỉ định Đặng Tiểu Bình sẽ chủ trì các hội nghị của Bộ Chính trị, đồng thời phụ trách các công việc thường nhật của trung ương. Quyết định quan trọng này chứng tỏ rằng, sau một thời gian quan sát, theo dõi, lòng tín nhiệm và tin tưởng của Mao Trạch Đông vào Đặng Tiểu Bình ngày một đậm nét. Có thể nói: sau khi suy tính cân nhắc toàn cục, Mao Trạch Đông đã trọng dụng Đặng Tiểu Bình ở mức độ cao, như ở vị trí một người kế cận. Theo quyết định của hội nghị Ban thường vụ do Chu Ân Lai triệu tập, chủ trì ngày 8.5.1975, hội nghị Bộ Chính trị trung ương đảng sẽ họp để quán triệt tinh thần chỉ thị của Mao Trạch Đông đã đưa ra trong hội nghị Ban thường vụ Bộ Chính trị họp ngày 3.5.1975, và cũng là cuộc họp để phê bình bè lũ Giang Thanh đã bịa đặt, gây rối, muốn làm bùng lên cái gọi là phê phán “chủ nghĩa kinh nghiệm”.
Để có được cuộc hội nghị này, trong khoảng thời gian từ ngày 21 đến ngày 27.5.1975, Chu Ân Lai đã truyền đạt những bút phê, những vấn đề mà Mao Trạch Đông đã đề xuất vào ngày 23.4.1975 bằng thư cho Bộ Chính trị trung ương. Trong thư Chu Ân Lai nêu rõ, bài nói chuyện của Trương Xuân Kiều trong quân đội về vấn đề chống “chủ nghĩa kinh nghiệm” đã gây xôn xao ảnh hưởng rất lớn. Đồng thời còn nói, đồng chí Đặng Tiểu Bình đã vì bài nói chuyện của Trương Xuân Kiều mà nhiều lần phải nhấn mạnh rằng: chống chủ nghĩa kinh nghiệm là điều nguy hiểm chủ yếu trước mắt”, và đã đưa việc này ra thỉnh thị ý kiến của Mao Chủ tịch.
Mục đích của việc viết thư của Chu Ân Lai là, cần nói thật rõ ràng cho mọi người biết trước khi bước vào hội nghị rằng: Đặng Tiểu Bình đã từng thỉnh thị trực diện với Mao Trạch Đông về những vấn đề có liên quan, và đã nhận được sự đồng ý của Mao Trạch Đông. Đặng Tiểu Bình sau khi nhận được thư này của Chu Ân Lai, còn bổ sung thêm: khi thỉnh thị ý kiến của Chủ tịch, ông còn trực tiếp đề cập tới việc Giang Thanh đề xuất việc chống “chủ nghĩa kinh nghiệm” tại hội nghị Bộ Chính trị trung ương đảng.
Trương Xuân Kiều nhận được bức thư của Chu Ân Lai, vô cùng tức tối, bèn viết đè lên bức thư những lời ngang trái rằng: “Thư của thủ tướng có nhiều điều không chính xác”.
Trước sự miệt thị láo xược của Trương Xuân Kiều, ngày 27.5.1975, Chu Ân Lai tung chăn, vùng dậy khỏi giường bệnh, kiên quyết bác bỏ những lời lẽ ấy. Một con người nho nhã vốn kính lên nhường dưới như Chu Ân Lai, đã phải dùng những lời phẫn nộ viết trong thư: “Trong lời ghi của ông trên bức thư nói bằng, trong thư của tôi có nhiều điều không chính xác. Vâng, vì thần kinh dưới da đầu tôi vẫn còn nhứt nhối, những mạch máu dưới chân tôi vẫn còn đau đớn, tôi phải cố gắng trong hai ngày trời mới tìm được những câu chữ thích hợp để viết lại cho tương đối chính xác tình hình lúc bấy giờ”. Sau đó, Chu Ân Lai dành phần lớn bức thư cho những lời tranh luận khó có thể bác bỏ được, đồng thời cũng chính xác, tường tận bác bỏ những chỉ trích, trách cứ ác ý của Trương Xuân Kiều. Cuối cùng, ông viết bằng đầy những giận dữ bất bình: “Không biết rằng cái đoạn ghi nhớ này của tôi có tương đối chính xác hay không, nếu không chính xác, xin kính mời ông đồng chí cứ thực lòng sổ toẹt, sửa chữa, hoặc trả về để viết lại, tôi quyết không lấy điều đó làm phiền lòng, bởi vì chúng ta là những người thực sự cầu thị, tôn thủ lời dạy dỗ của Chủ tịch là “ba cần, ba không cần vậy”.
Hội nghị còn chưa họp, mà mùi thuốc súng đã nồng nặc lên như thế đó.
Tiếp thu ý kiến của Mao Trạch Đông, ngày 27.5.1975 và ngày 3.6.1975, Bộ Chính trị trung ương đảng có hai cuộc họp đều do Đặng Tiểu Bình điều khiển, học tập quán triệt tinh thần bài nói của Mao Trạch Đông ở hội nghị Ban thường vụ Bộ Chính trị ngày 3.5.1975, và tiến hành “giúp đỡ” Giang Thanh cùng một số người khác.
Ngay từ khi hội nghị còn chưa bắt đầu, trận tuyến của đôi bên đã bày đặt rõ ràng, hai quân đã sẵn sàng chiến đau. Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm và một số người khác ngồi về một phía bàn hội nghị, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn ngồi ở phía đối diện bên kia.
Bước vào cuộc họp, Đặng Tiểu Bình nói nghiêm túc và trịnh trọng:
- Trong bài nói, trong chỉ thị của Chủ tịch tại hội nghị Bộ Chính trị ngày 3.5.1975, có nhắc tới rất nhiều nguyên tắc trong sinh hoạt nội bộ đảng đó là những lời răn dạy, nhắc nhở đối với Bộ Chính trị, cơ cấu hạt nhân của đảng. Điều đó hết sức quan trọng đối với đảng của chúng ta. Chính các đồng chí ở Bộ Chính trị phải ổn định đoàn kết, ba cần, ba không cần trước hết, có như vậy mới làm gương được cho toàn đảng.
Đặng Tiểu Bình gay gắt, sác nhọn phê bình sai lầm của Giang Thanh và bè cánh, ông nói:
- Sau khi Chủ tịch ra chỉ thị vào ngày 23.4.1975, thì ngày 27.4.1975 Bộ Chính trị bắt đầu thảo luận. Có đồng chí bảo rằng trong hội nghị đó đã nói quá mức, quá đáng cũng có đồng chí lại bảo rằng bỗng dưng bị công kích, bị bao vây. Tôi cho rằng, chẳng có gì là quá mức, quá đáng, hay bỗng dưng bị công kích. Bốn mươi phần trăm của vấn đề còn chưa nói ra được, những điều nói ra được cũng còn đến hai mươi phần trăm là những điều khó nói. Hội nghị năm ngoái phê bình Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Giang Thanh lại bảo rằng đó là cuộc đấu tranh về đường lối lần thứ 11 trong nội bộ đảng, đó hoàn toàn không phải là ý kiến của Chủ tịch, về sau đích thân Chủ tịch phải uốn nắn, cải chính. Phê phán Lâm Bưu, Khổng Tử lại đặt điều ra phê phán những người đi sau, và chỉ mặt điểm danh rất nhiều người. Khi học tập lý luận về chuyên chính vô sản, rồi phòng và chống xét lại, lại bè ra thành nguy hiểm chủ yếu là do chủ nghĩa kinh nghiệm với đây vẻ hung hãn điên cuồng. Những việc khác sao chẳng mạnh mẽ ghê gớm cho, nhưng phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm sao lại ghê gớm mạnh mẽ thế. Chủ tịch đề xuất ra ba vấn đề lớn, nhưng lại chỉ tòi ra được sự việc nhỏ nhoi, rồi lại đề xuất ra được vấn đề khác, xin hỏi, thế là tại làm sao?
Trong bài nói của mình, Đặng Tiểu Bình đặc biệt nhấn mạnh là chỉ rõ “ba cần, ba không cần” là do tổng kết kinh nghiệm lịch sử mới có được, nên Bộ Chính trị phải hết sức chú ý nếu không loại trừ được sự bè phái là không xong. Nhìn không thấu chủ nghĩa bè phái, lũ bốn tên, điều đó phải bết sức cảnh giác.
Trong hôi nghị, Diệp Kiếm Anh Lý Tiên Niệm, Trần Tích Liên v v tiếp nhau phát biểu ý kiến, gay gắt, nghiêm túc phê bình “bè lũ bốn lên”. Cuối hội nghị, Vương Hồng Văn, Giang Thanh bị buộc phải kiểm điểm. Giang Thanh và một số người khác còn bị buộc phải viết thành bản kiểm thảo.
Mao Trạch Đông ủng hộ việc Đặng Tiểu Bình phê bình Giang Thanh, nhưng ông ta chỉ muốn vặn tắt ngọn lửa điên rồ của Giang Thanh, ngăn chặn những phiền hà rắc rối mà “bè lũ bốn tên” gây ra với việc “ổn định đoàn kết”, tạo ra cho Đặng Tiểu Bình một không khí làm việc, nhưng tuyệt đối không phải là ông ta muốn hạ bệ Giang Thanh. Điều ông ta mong muốn là qua lần phê bình này, Giang Thanh biết co lại, giữ mình, còn Đặng Tiểu Bình cũng sẽ hài lòng. Thậm chí ông ta còn rất hy vọng rằng, giữa Giang Thanh và Đặng Tiểu Bình sẽ xua tan được hiềm khích cũ, và trong lương lai sẽ xích lại bên nhau đoàn kết, ít nhất cũng là bình an vô sự. Vì chuyện này mà ông ta đã thúc giục Giang Thanh đi tìm gặp Đặng Tiểu Bình chuyện trò trao đổi, với cái ý là để hai người hoà giải. Với áp lực đó của Mao Trạch Đông, Giang Thanh đành phái dẹp sự “kiêu kỳ”, “tự hạ mình” đến nhà Đặng Tiểu Bình gặp gỡ, trao đổi với vẻ “thành tâm thành ý” vờ vịt.
Cả gia đình nhà tôi vẫn nhớ rõ ngày hôm đó. nghe nói Giang Thanh muốn đến nhà chúng tôi ở phố Rộng, lập tức cả nhà đã ở tư thế cảnh giác. Mẹ tôi dặn dò mọi người, ai ở phòng người nấy, cấm hẳn việc bước ra khỏi phòng. Nếu như Giang Thanh mượn cớ đi xem một thứ gì đó, không ai được tuỳ tiện tiếp chuyện. Cần phải nhớ rằng, một câu nói tuỳ tiện, sơ hở nào đấy, đều có thể mang lại những phiền toái không cần thiết. Ôi chao, cứ như là chuyện phòng dịch vậy, toàn gia rút vào lô cốt thâm nghiêm, tất cả đều đóng kín cửa ra vào, cửa sổ. Qua khe rèm cửa sổ, chúng tôi nhìn thấy Giang Thanh tới nhà. Bà ta trên đầu đội một chiếc mũ, trên mình mặc một chiếc áo khoác dài, vẫn cái kiểu vênh mặt, ưỡn ngực, đầy vẻ ngạo nghễ, tai ngược, và cố tình ra vẻ ta đây. Cha tôi chờ trong phòng khách, không ra đón, ngay cả mẹ tôi cũng ở trong phòng mình, không xuất hiện. Giang Thanh bước thẳng vào phòng khách của cha tôi, trò chuyện với “địch thủ” của mình - Đặng Tiểu Bình. Thời gian trò chuyện của hai bên không dài, khi bà ta từ phòng khách bước ra, ra về, cha tôi cũng không tiễn. Giang Thanh đã đến như thế, và cũng như thế ra về. Cuộc trò chuyện ấy, không có tranh luận, nhưng cũng chẳng có được chút hoà hoãn mâu thuẫn nào của cả đôi bên. Sau này, trong hồi ức, cha tôi nói: “Giang Thanh đến tìm tôi. Mao Chủ tịch bảo bà ta đến, bà ta không thể không đến. Chuyện trò cũng chẳng ra làm sao, bà ta tự tâng bốc một hồi, trình độ cũng xoàng thôi”. Thực ra, giữa Đặng Tiểu Bình và Giang Thanh, tâm lý của nhau, hai bên đều nắm được hết sức rõ ràng, sự rẽ lối phân kỳ của hai người đã thuộc về căn bản, về nguyên tắc, cho nên một lần gặp gỡ, trao đổi làm sao có thể vá víu, kết hợp lại được.
Trong thời gian đó, Giang Thanh bị Mao Trạch Đông phê bình tuy trong lòng hận đến ghi xương khắc cốt, nhưng bề ngoài vẫn phải giả vờ làm ra vẻ “hoà hoãn”. Mụ ta xưa nay vốn là kẻ lắm trò, nên chỉ cần một dây thần kinh nào đó co giật, là sinh ngay ra một trò mới. Mụ ta vốn hay phê phán sự “phục cổ”, rồi lại phê phán Khổng Phu Tử, chẳng hiểu làm sao, đột nhiên lại tung ra và cổ động mốt y phục đời Đường. Có lẽ mụ ta cho rằng, sớm muộn thế nào, thì Mao Trạch Đông cũng đi sang thế giới bên kia, khi ấy mụ ta sẽ được sắm vai nữ vương. Khi làm vua đàn bà, mụ phải “lên ngôi”, tất nhiên cần phải có “lễ phục”. Ôi chao! Mụ ta phải mất bao tâm trí để khoe khoang bộ váy áo mang mùi vị triều đại nhà Đường, bên dưới là chiếc váy trắng đầy những nếp gấp, trông xấu xí, chẳng giống cái quái quỷ gì. Giang Thanh lại cảm thấy “cực đẹp”, “cực mốt”, mụ tự thiết kế, rồi gọi thợ đến, cắt may, mình mặc rồi đi khắp nơi tự quảng cáo, tự “bốc thơm”. Vừa hay, vào lúc đó, lại là lúc mụ muốn chứng tỏ sự “hoà hoãn” của mình với mọi người, nên mụ đã tự động tìm đến Trác Lâm, phu nhân của Đặng Tiểu Bình, tìm mời Lâm Giai My phu nhân của Lý Tiên Niệm đến nhà mình để quảng cáo, tiếp thị món hàng rất đắc ý của mình, chẳng cần biết người ta có thích hay không, cứ ấn vào, bắt mỗi người may một bộ, và cũng bắt buộc phải chọn vải chọn mẫu ngay lập tức. Sau khi từ nhà Giang Thanh trở về, mẹ tôi rất chi là đau khổ, bởi vì cái thứ “trang phục đời Đường” ấy, nó chẳng ra cái của nợ nào hết, nó xấu xí, khó coi đến mức không làm sao mà mặc nổi. Mẹ tôi không hề có một chút thích thú nào khi phải đến nhà mụ, bởi bà không muốn nhìn cái điệu bộ ngạo mạn, ngang ngược của mụ, đến gần như một thứ phải đi chịu tội vậy Nhưng khi đó, không muốn cĩng phải đi, không muốn may cũng phải may. Bộ “trang phục đời Đường” ấy sau khi may xong, cả nhà cùng “thưởng thức” bộ quần áo kỳ dị. Tất cả nhà cùng quây lại, đem bộ váy áo lật đi lật lại, ngắm nghía, rồi người này mặc thử, người kia mặc thử, mặc vào xong, lại vung tay, hất chân, làm điệu bộ, hát theo kiểu tuồng Kinh kịch, đi đi lại lại, múa may các động tác vui nhộn, khiến cho cả nhà được một mẻ cười vỡ bụng. Trong những năm đấu tranh tàn khốc, có được việc “quần áo đời Đường” cũng coi như một niềm vui hiếm có vậy...
Trong khoảng tháng 4, tháng 5.1975, là một cuộc đại giao đấu trực tiếp, sắp lá cà, cực kỳ gian nan đối với “bè lũ bốn tên”, Chu Ân Lai sau khi tham dự hội nghị Bộ Chính trị ngày 3.5.1975, vì ốm đau nên không còn tham dự được buổi họp nào nữa, nhưng ông rất quan tâm, chăm chú theo dõi mọi diễn biến. Trước khi bước vào cuộc họp đấu tranh này, Chu Ân Lai đã trao đổi rất lâu với Đặng Tiểu Bình. Trong thời gian diễn ra hội nghị, ông lại tiếp tục trao đổi với Lý Tiên Niệm, Kỷ Đăng Khuê, Trần Tích Liên, Vương Hồng Văn, Tô Chấn Hoa(1)... để nắm biết cho thật tường tận tình hình hội nghị. Sau hội nghị, ông lại quên bệnh tật, vào ngày 7.6, ông trao đổi rất lâu với Đặng Tiểu Bình, Vương Hải Dung và Đường Văn Sinh. Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đề nghị Vương Hải Dung và Đường Văn Sinh báo cáo thật chân thực những lời phát biểu tại hội nghị của Giang Thanh, Vương Hồng Văn v.v... với Mao Trạch Đông.
Tuy hội nghị Bộ Chính trị đã tiến hành phê bình “bè lũ bốn tên”, và tại hội nghị Giang Thanh và một số người khác bị buộc phải làm “kiểm điểm”, nhưng cuộc giao đấu ấy vẫn chưa kết thúc. Vào trung tuần tháng sáu, Đặng Tiểu Bình đưa khách nước ngoài đi thăm Thượng Hải, đã chính thức truyền đạt với một kiện tướng của “bè lũ bốn tên” nằm tại Thượng Hải là Mã Thiên Thuỷ(2) về việc Mao Trạch Đông đã phê bình Giang Thanh và những người khác, cảnh cáo họ không nên bạ cái gì cũng nâng lên thành “pháp quyền của giai cấp tư sản” để phê phán lung tung, cần phải duy trì sự lãnh đạo của đảng, trên thực tế là nhắc nhở những con tốt biên của “bè lũ bốn tên” này không nên cứ liên tục mắc sai lầm như vậy nữa. Nhưng Mã Thiên Thuỷ và một số người khác lại là những bây tôi trung thành của “bè lũ bốn tên”, nên sau cuộc chuyện trò đó đã lập tức báo cáo mọi nội dung với “bè lũ bốn tên”.
Căn cứ vào ý kiến của Mao Trạch Đông để dỡ bỏ, phân tán “bè lũ bốn tên”, Vương Hồng Văn bị đưa về Thượng Hải để hỗ trợ công tác, Do tình thế bức bách, ngày 28.6.1975, Giang Thanh bắt buộc phải giao nộp bản kiểm thảo cho Mao Trạch Đông và những uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị tại Bắc Kinh, với những lời lẽ vờ vịt cho có gọi là “tự phê bình”. Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn ba người, ngoài miệng cũng thừa nhận sai lầm khuyết điểm của mình. Ngày 30.6.1975, Chu Ân Lai chuyển “bản kiểm thảo” của Giang Thanh tới Mao Trạch Đông để ông ta thẩm duyệt, đồng thời gửi cả tới các uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị tại Bắc Kinh. Trong lời phê của Chu Ân Lai ông tỏ ý hoan nghênh bản kiểm thảo đó. Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình sau khi đọc xong cũng đồng tình với kiến nghị của Chu Ân Lai. Mao Trạch Đông phê duyệt bản kiểm thảo này.
Sau trận phê bình, Giang Thanh tuy đã cả một đời ngạo ngược, ngang ngạnh, cũng không thể không co vòi lại. Con người ngổ ngáo, ương bướng ấy nay phải nén lòng chịu ép một bề, và không còn thấy xuất đầu lộ diện trong một thời gian...
Vào tháng sáu, trong một lần tiếp khách nước ngoài, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có chuyện trò với nhau. Khi nói tới Bộ Chính trị phê bình “bè lũ bốn tên”, Mao Trạch Đông nói: “Tôi có thành tích là đã làm tạnh được vấn đề”. Đặng Tiểu Bình nói: “Cuối cùng họ phủ nhận chuyện bốn người, các đồng chí ở Bộ Chính trị rất giận dữ, tôi nói cũng chẳng nên nói hết lời”. Mao Trạch Đông nói một cách khẳng định: “Biện pháp đó là rất tốt, cũng phải dành cho họ một chỗ đất lui, chỉ cần mọi người hiểu là được. Tôi sẽ gặp Vương Hồng Văn, bảo ông ta đến gặp ông, và phải biết nghe lời ông, uy tín của ông ta chưa có”. Đặng Tiểu Bình nói: “Lời nói cuối cùng của ông ta (chỉ Vương Hồng Văn), nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị thấy không thực”. Mao Trạch Đông đành nói: “Giang Thanh cũng chẳng thích ông ta đâu, vẫn thường kêu ca về ông ta với tôi ông ta cần phải làm việc cho tốt”. Mao Trạch Đông đã chỉ đích danh một số người cùng với Giang Thanh: “Trước đây có thành tích chống Lưu Thiếu Kỳ, chống Lâm Bưu. Bây giờ lại đâm ra hỏng, chống thủ tướng, chống Đặng Tiểu Bình, chống nguyên soái Diệp Kiếm Anh, chống Trần Tích Liên. Cần phải nói cho Trang Tác Đống(3) biết rằng, có việc, cần tìm đến Trần Tích Liên chứ không nên chạy tới chỗ Vương Hồng Văn, Giang Thanh”. Ở Bộ Chính trị, gió đã đồi chiều rồi. Ông làm tổng tham mưu trưởng là do Diệp Kiếm Anh đề nghị, tôi đồng ý”. Mao Trạch Đông nói với Đặng Tiểu Bình mang đầy kỳ vọng: “Cây đẹp ở rừng, gió tất phải thổi”, ông cần phải làm tốt mọi việc đi”. Đặng Tiểu Bình cũng rất chân thành nói với Mao Trạch Đông: “Về mặt này, tôi rất có quyết tâm”.
Cuộc giao đấu với “bè lũ bốn tên” do Đặng Tiểu Bình và các nhà cách mạng lão thành, với sự ủng hộ của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã kết thúc thắng lợi một phần, bởi cuộc đấu tranh còn lâu mới thực sự kết thúc, và cuộc đấu tranh về sau này vẫn vô cùng phức tạp và kịch liệt. Nhưng sự thắng lợi tạm thời này đã đặt một viên gạch vững chắc cho công cuộc chỉnh đốn toàn diện của Đặng Tiểu Bình.
Chú thích:
(1) Tô Chấn Hoa: uỷ viên thường vụ Quân uỷ trung ương, uỷ viên chính trị thứ nhất binh chủng hải quân
(2) Mã Thiên Thuỷ: khi đó là phó chủ nhiệm ủy ban Cách mạng Thượng Hải, là bí thư thành uỷ Thượng Hải
(3) Trang Tác Đống: lúc đó là chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao nhà nước