Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng suốt trong sách Ru-tơ chứng minh đây là một ẩn dụ lịch sử tuyệt đẹp liên quan đến chúng ta trong mỗi khía cạnh của sự cứu rỗi. Phân đoạn kết luận nầy là phần cuối của sách Ru-tơ cho nên cũng là một phần của ẩn dụ lịch sử đó. Ðến đây chúng ta đã đi đến kết luận rằng Na-ô-mi là hình bóng về dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Dân tộc Y-sơ-ra-ên bắt đầu được Ðức Chúa Trời cưới. Ðức Chúa Trời chọn dân tộc Y-sơ-ra-ên trở thành một dân đặc biệt cho Ngài. Ngài rất gần gũi với họ. Ngài đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Ngài ở giữa họ khi lưu lạc trong đồng vắng. Ngài đem họ vào xứ Ca-na-an, xứ Ca-na-an là bức tranh về vương quốc mà chúng ta sẽ bước vào khi chúng ta được cứu. Ðức Chúa Trời ban luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên hầu cho qua luật pháp họ thấy được họ là tội nhân, cần có một Cứu Chúa, và cần phải hướng mắt về Ðấng Mê-si. Ðức Chúa Trời cũng ban luật lệ cho họ hầu cho qua những luật nầy họ thấy được tính chất của Ðấng Mê-si. Khi họ giết con chiên thì họ sẽ nhận biết rằng nếu không có đổ huyết thì không có sự tha thứ. Khi họ dâng của lễ thiêu, họ sẽ nhận biết rằng Ðấng Mê-si sẽ phải đến để chịu đựng sự hình phạt của địa ngục hầu cho họ có thể được cứu.
Nhưng đáng buồn thay, khi học Kinh Thánh chúng ta tìm thấy rằng dân Y-sơ-ra-ên, về hình bóng đã được Ngài cưới, đã không nhìn xem luật pháp nầy để thấy rằng họ cần đến Ðấng Mê-si. Thay vì nhìn thấy tính chất của Ðấng Mê-si mà họ cần có qua luật pháp thì họ lại cố gắng giữ luật pháp. Họ tin rằng nếu họ có thể giữ luật pháp thì chứng tỏ rằng họ được cứu, nghĩa là qua sự giữ luật pháp họ sẽ có được sự cứu rỗi. Cho nên, khi Chúa Giê-xu đến, trên phương diện dân tộc họ không nhận ra Ngài là Ðấng Mê-si. Họ không nhìn thấy nhu cầu cần đến Ðấng Mê-si nầy là Ðấng được phác họa trong Ê-sai rất rõ ràng: "Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Ðức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ."
Ngài khốn khổ vì Ngài là người mang lấy tội lỗi của chúng ta để gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời thay cho chúng ta. Họ không nhìn thấy điều nầy cho nên họ cùng với chính quyền La-mã đóng đinh Ngài. Nhưng lạ thay, qua sự việc nầy sự cứu rỗi đến với tất cả chúng ta. Ðây là đòi hỏi của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời dùng họ một cách vô tình hầu cho qua hành động của họ sự cứu rỗi được ban cho thế gian. Chúng ta đã thấy bởi vì sự cứng cỏi của lòng họ vì không tin cậy vào Chúa Giê-xu là Ðấng Mê-si của họ, Ðức Chúa Trời đã cắt đứt mối liên hệ với họ. Họ trở nên góa bụa đối với Ðức Chúa Trời như Na-ô-mi là góa bụa đối với Ê-li-mê-léc. Họ giống như Na-ô-mi đi đến xứ bị rủa sả là Mô-áp, ở đó bà bị mất chồng, mất sản nghiệp.
Dân Y-sơ-ra-ên cũng như vậy. Họ bị cắt đứt bởi Ðức Chúa Trời, là góa bụa đối với Ngài, bị quăng xa khỏi Ngài. Chúng ta đọc trong sách Rô-ma 9:29, "Lại như Ê-sai đã nói tiên tri rằng: Nếu Chúa vạn quân chẳng để lại một cái mầm của dòng giống chúng ta, thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy." Nói cách khác, nếu không qua Chúa Giê-xu, nếu Ðức Chúa Trời bỏ mặc họ đi theo hành động của chính họ thì họ sẽ giống như Sô-đôm và Gô-mô-rơ, ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Nhưng đồng thời chúng ta thấy có một số phân đoạn trong Kinh Thánh chỉ tỏ rằng Ðức Chúa Trời vẫn còn cưới dân Y-sơ-ra-ên. Bây giờ thì chúng ta sẽ xem xét những phân đoạn nầy để xem Ðức Chúa Trời có ý gì ở đây. Như tôi đã nói trong bài học rồi, trong Kinh Thánh không có nhiều chỗ nói về mối liên hệ hôn nhân giữa dân Y-sơ-ra-ên và Ðức Chúa Trời mà đặc biệt điều nầy chúng ta quan tâm muốn tìm hiểu. Trong sách Ru-tơ chúng ta đã thấy Na-ô-mi đã lập gia đình với Ê-li-mê-léc và trở thành góa bụa, rồi chúng ta cũng thấy Ru-tơ lập gia đình với Bô-ô, từ Bô-ô nàng sanh được một con trai. Chúng ta cố gắng kết hợp những sự kiện lịch sử đặc biệt nầy lại với những chỗ khác trong Kinh Thánh để thấy xem có ăn khớp với nhau không. Dĩ nhiên chúng ta quan tâm đến sự liên hệ hôn nhân, đặc biệt chúng ta sẽ bắt đầu thấy Na-ô-mi và Ru-tơ có mối liên hệ với dân Y-sơ-ra-ên.
Trong Giê-rê-mi 3:14, "Ðức Giê-hô-va phán: Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở về; vì ta là chồng ngươi. Trong vòng các ngươi, ta sẽ lựa mỗi thành một người, mỗi họ hai người, mà đem đến Si-ôn. Ta sẽ ban các kẻ chăn giữ vừa lòng ta cho các ngươi, các kẻ ấy sẽ lấy sự sáng suốt khôn ngoan mà chăn nuôi các ngươi." Ðức Chúa Trời phán ở đây trong ý nghĩa khác. Trong chỗ khác Ngài từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên, họ bị dứt bỏ, không có sản nghiệp, thì ở đây chúng ta thấy trong một ý nghĩa nào đó họ vẫn còn mối liên hệ hôn nhân với Ngài. Ngài phán trong câu nầy: "vì ta là chồng ngươi. Trong vòng các ngươi, ta sẽ lựa mỗi thành một người, mỗi họ hai người, mà đem đến Si-ôn."
Thường thường một thành có hàng trăm hay hàng ngàn người trong đó nhưng một gia đình thì có ít người. Nhưng ở đây lại nói: "mỗi thành một người, mỗi họ hai người". Bạn có thấy ở đây chúng ta có bức tranh về sự sót lại, một số lượng rất nhỏ. Trong cả thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ chỉ có 2, 3 người tin Chúa. Hãy nhớ trong Rô-ma chương 10, Ðức Chúa Trời xem dân Y-sơ-ra-ên ngang như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ nhưng có một cái chồi ra từ đó. Cũng vậy, ở đây "mỗi thành một người, mỗi họ hai người".
Ðức Chúa Trời còn đang cưới dân Y-sơ-ra-ên, chỉ người sót lại trong dân Y-sơ-ra-ên chớ không phải cả dân Y-sơ-ra-ên. Cả dân Y-sơ-ra-ên là góa bụa đối với Ngài, nhưng những người sót lại ra từ dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn được liên hệ hôn nhân với Ngài. Ðiều nầy có thể xem ngang hàng với "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" mà chúng ta đọc trong Rô-ma 11:5 hay Ê-sai 62:4, "Người ta sẽ chẳng gọi ngươi là Kẻ bị bỏ nữa, chẳng gọi đất ngươi là Ðất hoang vu nữa; nhưng sẽ gọi ngươi là Kẻ mà ta ưa thích; và đất ngươi sẽ được xưng là Kẻ có chồng; vì Ðức Giê-hô-va sẽ ưa thích ngươi, và đất ngươi sẽ có chồng."
Ðất ở đây là hình bóng về vương quốc của Ðức Chúa Trời. Cũng như đất Ca-na-an là hình bóng về vương quốc của Ðức Chúa Trời mà chúng ta sẽ bước vào khi chúng ta được cứu. Vương quốc của Ðức Chúa Trời chứa đựng tất cả những người tin nhận nơi Ngài. Những ai tin nhận nơi Ðức Chúa Trời là người được Ngài cưới. Thật ra cuộc hôn nhân mà chúng ta tìm thấy trong Giê-rê-mi 3 và Ê-sai 53 được làm kiểu mẫu bởi Ru-tơ. Ru-tơ là hình bóng về những người ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời nhưng đã đến với Chúa Giê-xu. Họ là kẻ sót lại bởi sự lựa chọn của ân điển ra từ dân Y-sơ-ra-ên cũng như từ dân tộc khác trên thế giới.
Một lần nữa, bạn có nhớ trong Ô-sê chương 2 câu 2, "Hãy kiện mẹ các ngươi, hãy kiện đi; vì nó chẳng phải là vợ ta, còn ta chẳng phải là chồng nó!" nhưng rồi Ngài tiếp tục trong câu 19-23, "Ta sẽ cưới ngươi cho ta đời đời; ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự công bình và chánh trực, nhơn từ và thương xót. Phải, ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết Ðức Giê-hô-va. Ðức Giê-hô-va phán: Trong ngày đó, ta sẽ trả lời, ta sẽ trả lời cho các từng trời, các từng trời sẽ trả lời cho đất. Ðất sẽ trả lời cho lúa mì, cho rượu mới, cho dầu, và ba thứ nầy sẽ trả lời cho Gít-rê-ên. Ðoạn ta sẽ gieo nó cho ta trong đất, và sẽ làm sự thương xót cho kẻ chưa được thương xót. Ta sẽ nói cùng những kẻ chưa làm dân ta rằng: Ngươi là dân ta, và nó sẽ trả lời rằng: Ngài là Ðức Chúa Trời tôi."
Chúng ta hãy ghi nhớ khúc Kinh Thánh nầy trong trí một lát và mở ra trong Rô-ma 9:24. Sứ đồ Phao lô được Ðức Thánh Linh soi dẫn bàn về cảnh ngộ của dân Y-sơ-ra-ên, ông chỉ rõ rằng có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, phần còn sót lại nầy bao gồm người ngoại và dân Giu-đa. "Ðó tôi nói về chúng ta, là kẻ Ngài đã gọi, chẳng những từ trong dân ngoại nữa. Như Ngài phán trong sách Ô-sê rằng: Ta sẽ gọi kẻ chẳng phải dân ta là dân ta, Kẻ chẳng được yêu dấu là yêu dấu." Ðây là lời giải thích cho Ô-sê 2:23 bày tỏ rằng kẻ còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển không chỉ trong dân Do Thái mà cả dân ngoại, "Ta sẽ gọi kẻ chẳng phải dân ta là dân ta".
Thực tế đây cũng là cuộc hôn nhân mà Ðức Chúa Trời nói đến trong Khải-Huyền 21:9, "Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con. Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Ðức Chúa Trời mà xuống". Bạn thấy không? Có một cuộc hôn nhân với Y-sơ-ra-ên nhưng không phải với dân tộc Y-sơ-ra-ên vì mối liên hệ đó đã bị dứt bỏ, Ðức Chúa Trời xem như đã chết đối với họ. Cây vả đã bị rủa sả cho đến đời đời.
Kinh Thánh không nói điều nầy để hạ thấp giá trị của dân Y-sơ-ra-ên. Thật vậy, họ bây giờ là một dân tộc rất thấp, một dân tộc không có hi vọng. Thật ra mỗi dân tộc trên thế giới đều ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời, không có dân tộc nào được xem là dân thánh. Dân Y-sơ-ra-ên có một mối liên hệ đặc biệt với Ðức Chúa Trời khi Ngài gọi họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, dẩn họ đi trong đồng vắng và mang họ vào xứ Ca-na-an. Họ là một dân tộc độc nhất có mối liên hệ đặc biệt với Ðức Chúa Trời lúc đó. Nhưng bởi vì họ tiếp tục phạm tội, tiếp tục chống nghịch lại Ðức Chúa Trời, bây giờ họ đứng trước mặt Ðức Chúa Trời cũng giống như những dân tộc khác. Họ ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời giống như dân Mỹ, dân Ðức, dân Anh, Ấn-độ, Ê-thi-ô-bi hay bất cứ dân tộc nào khác.
Nhưng giống như sự cứu rỗi có thể có cho những dân tộc khác thì cũng có thể có cho dân Y-sơ-ra-ên. Tất cả chúng ta cùng đứng chung một chỗ. Chúng ta đọc trong Rô-ma 11:30, "Lại như khi trước anh em đã nghịch cùng Ðức Chúa Trời, mà bây giờ được thương xót bởi sự nghịch của họ thì cũng một thể ấy, bây giờ họ đã nghịch, hầu cho cũng được thương xót bởi sự thương xót đã tỏ ra với anh em. Vì Ðức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy." Ðó là chỗ đứng của dân tộc Y-sơ-ra-ên trong vòng những dân tộc khác trên thế giới. Từ trong dân tộc Y-sơ-ra-ên có một số người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển được Ngài cưới.
Ðây là những người được Ngài đính ước trong Ô-sê 2 từ câu 14 đến 23. Ðây là đất có chồng như chúng ta đọc trong Ê-sai 62:4-5. Ðây là những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Ðây là vợ thật của Chúa Cứu Thế. Cô dâu mới nầy được làm kiểu mẫu bởi Ru-tơ. Ru-tơ bước vào gia đình của Na-ô-mi khi nàng lập gia đình với Bô-ô. Nàng là hình bóng về những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Nàng là người sẽ có được sản nghiệp, có nghĩa những ai giống Ru-tơ là người sẽ có được sự sống đời đời. Họ là người Y-sơ-ra-ên thật.
Chúng ta đọc trong Ga-la-ti 3:8, "Kinh Thánh cũng biết trước rằng Ðức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước." Nghĩa là qua dòng dõi của Áp-ra-ham sự cứu rỗi sẽ đến với dân ngoại cũng như dân Do-thái. Rồi Ngài kết luận trong câu 29: "Lại nếu anh em thuộc về Ðấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa." Ðó là hình ảnh của Ru-tơ bạn có thấy không? Nàng bắt đầu là một người ngoại, một dân ngoại bị rủa sả. Nhưng nàng đã bước vào hưởng được sản nghiệp bởi lập gia đình với Bô-ô là người làm hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Ðây là bức tranh mà chúng ta có, Na-ô-mi là hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên, góa bụa không sản nghiệp. Ru-tơ lập gia đình với Bô-ô là hình ảnh về những người còn sót lại theo sự lựa chọn bởi ân điển đến từ mọi quốc gia bao gồm dân Y-sơ-ra-ên. Ngài vẫn còn mối liên hệ hôn nhân với dân còn sót lại là dòng giống thật của Áp-ra-ham, là người thừa hưởng cơ nghiệp theo lời hứa. Có lẽ bây giờ bạn có nhiều câu hỏi trong trí liên quan đến điều nầy, khi chúng ta học đến những câu kết luận của sách Ru-tơ có thể một vài câu hỏi đó sẽ được trả lời cho bạn.
Chúng ta đọc lại Ru-tơ 4:13, "Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Ðức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai." Chúng ta đã thấy con trai nầy là người bà con, người chuộc sản nghiệp trong câu kế tiếp. Trong bài học tới chúng ta sẽ xem lại câu 13 một lần nữa. Xin ghi nhớ Na-ô-mi là bức tranh về dân Y-sơ-ra-ên, Ru-tơ là hình ảnh về người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển ra từ quốc gia Y-sơ-ra-ên hay dân tộc khác trên thế giới. Ðể xem, chúng ta có thể liên kết những điều nầy với nhau được hay không.