Chúng ta đã thấy Ru-tơ được Na-ô-mi dạy: "Con hãy đi đến sân đạp lúa của Bô-ô sau khi ông ăn uống xong và đi nằm, đợi trời tối con sẽ vào, dỡ mền dưới chân ông để nằm xuống rồi ông sẽ bảo con mọi điều con phải làm". Ðức Chúa Trời muốn nói gì trong câu "dỡ mền dưới chân người"? Chúng ta xem trong Ê-sai 20:2, trong trường hợp đặc biệt nầy, Ðức Chúa Trời đã bảo Ê-sai làm một thí dụ trong bài học nghịch lại dân Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi.
"Trong lúc đó Ðức Giê-hô-va nhờ con trai A-mốt là Ê-sai, mà phán rằng: Hãy đi, cổi bao gai khỏi lưng ngươi, và lột giày khỏi chơn ngươi. Ê-sai vâng lời, đi trần, và chơn không. Ðức Giê-hô-va bèn phán rằng: Như đầy tớ ta là Ê-sai đã đi trần và chơn không trong ba năm, làm dấu và điềm chỉ về Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi thể nào, thì những phu tù của Ê-díp-tô và lưu tù của Ê-thi-ô-bi, cả trẻ lẫn già, cũng bị vua A-si-ri giải đi trần và chơn không, bày mông ra thể ấy, để làm nhục nước Ê-díp-tô. Bấy giờ chúng nó sẽ sợ sệt và hổ thẹn vì cớ Ê-thi-ô-bi, là sự trông cậy mình, và Ê-díp-tô, là sự vinh hiển mình." Bạn có thấy Ðức Chúa Trời ban cho một thí dụ lịch sử ở đây không? Ê-sai đã thật sự làm điều nầy, ông phải đi trần truồng và chơn không trong ba năm để làm một dấu nghịch lại Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi, vì cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đổ ra trên họ. Họ sẽ bị lên án, sẽ bị đi lưu đày bởi vua A-si-ri vì họ đã chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. Ði chơn không cũng tựa như trần truồng hay lõa lồ.
Dựa theo Kinh Thánh, lõa lồ theo nghĩa thuộc linh là ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Bạn có nhớ chuyện trong vườn Ê-đen không? Khi A-đam và Ê-va phạm tội chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời, họ đã khám phá ra điều gì trước hết? Họ nhận ra rằng họ bị lõa lồ. Tại sao đây không phải là điều xấu hổ của họ trước khi họ phạm tội, thể xác họ trước đó cũng bị trần truồng mà? Bây giờ thì họ nhanh chóng lấy lá vả để che thân. Tại sao đây là một vấn đề khó khăn cho họ? Bạn có thấy không? Sự lõa lồ được nhìn thấy ở đây sâu xa hơn là sự lõa lồ về thể xác. Ðó là, lõa lồ về thuộc linh trước mặt Ðức Chúa Trời.
Trước khi phạm tội, họ rất hòa hợp với Ðức Chúa Trời, họ hoàn toàn vâng theo lời dạy của Ngài. Không có tội lỗi, hổ thẹn nào cả ở trong họ, mối liên hệ của họ với Ðức Chúa Trời hoàn toàn tốt đẹp. Nhưng khi phạm tội, họ nhận ra rằng Ðức Chúa Trời có thể thấy và biết hết tất cả tội lỗi của họ. Về thuộc linh, họ bị lõa lồ trước mặt Ðức Chúa Trời. Họ thật sự mong muốn có gì để che đậy cho nên về thể xác họ đã lấy lá vả đóng khố che thân. Ðức Chúa Trời đã ban cho họ áo bằng da thú, áo bằng da thú chỉ về loại áo mà chúng ta cần phải có hầu cho tội lỗi của chúng ta được cất đi, áo đó là huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Khi người ta treo Chúa Giê-xu lên thập tự giá, họ đã lột trần Ngài. Vâng, Ngài bị lõa lồ về thể xác, nhưng điều đó minh họa một lẽ thật thuộc linh rằng, Ngài đã bị lõa lồ trước mặt Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta. Lõa lồ là hình bóng được dùng trong Kinh Thánh có nghĩa là ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, tất cả tội lỗi bị phơi bày ra. Phương cách duy nhất để được cứu chữa khỏi sự lõa lồ thuộc linh là được mặc áo công bình của Chúa Cứu Thế Giê-xu, được che đậy bởi huyết của Ngài. Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể đứng được trước mặt Ðức Chúa Trời. Trong Ê-sai 20, chúng ta thấy Ê-sai không chỉ trần truồng về thể xác mà cũng đi chơn không nữa. Ðiều đó nhấn mạnh rằng, chơn không cũng là một phần của sự lõa lồ, bày tỏ sự lõa lồ hoàn toàn của Ê-sai. Vì thế, khi Kinh Thánh chép về người nào đó đi chơn không, chúng ta có thể dựa vào điều nầy để biết rằng Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta một lẽ thật thuộc linh sâu hơn về sự lõa lồ tâm linh hay là ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Khi Giăng Báp-tít rao giảng sự ăn năn và bắt đầu nói về sự đến của Ðấng Mê-si là Ðấng mà ông đang rao giảng. Trong Giăng 1:26, "Giăng trả lời: Về phần ta, ta làm phép báp têm bằng nước; nhưng có một Ðấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết. Ấy là Ðấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài". Tại sao ông lại nói như vậy? Có phải Giăng Báp-tít đang nói: Chúa Giê-xu rất vĩ đại, còn tôi thì hèn mọn, ngay cả tôi không xứng đáng làm một đầy tớ nhỏ để giúp Ngài cởi giày ra khi Ngài mệt? Bạn có thể kết luận rằng đó là ý nghĩa ở đây, nhưng tôi thì nghĩ rằng Giăng Báp-tít dùng ngôn ngữ nầy dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, có thể, ngay cả ông không thật sự nhận biết ông đang nói gì. Có thể với suy nghĩ của ông, ông không xứng đáng làm một đầy tớ hèn mọn để giúp Chúa Giê-xu trong đó có việc mở dây giày Ngài. Nhưng trong sự quan tâm của Kinh Thánh, có một lẽ thật thuộc linh rất sâu ở đây.
Ðể trở thành Cứu Chúa cho Giăng Báp-tít, điều đó thật sự cũng là cho mỗi chúng ta, Chúa Giê-xu cần phải bị lõa lồ thay cho chúng ta. Nghĩa là, Ngài bị phơi bày ra trước mặt Ðức Chúa Trời với tất cả tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, khi Chúa Cứu Thế lên thập tự giá, chúng ta là người mở giày Ngài ra. Vì cớ tội lỗi của chúng ta, chân Ngài phải bị trần, hay Ngài phải bị lõa lồ về thuộc linh. Chúng ta không xứng đáng để được Ngài làm Cứu Chúa, không xứng đáng để được Ngài cứu. Chúng ta đáng phải đi địa ngục, đáng phải tự mang lấy cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời cho tội lỗi của mình. Luật pháp của Ðức Chúa Trời tuyên bố rằng "Tiền công của tội lỗi là sự chết" và chúng ta là người phải đền trả. Chúng ta không xứng đáng cũng như Giăng Báp-tít không xứng đáng cởi giày Ngài ra để Ngài bị lõa lồ về thuộc linh.
Chỉ bởi ân điển tuyệt vời không cách nào hiểu được của Chúa nên chúng ta mới được cứu. Ðây là hình ảnh mà chúng ta thấy trong Ru-tơ chương 3, Ru-tơ sẽ vào và "dỡ mền dưới chân người", nói về thuộc linh, Chúa Cứu Thế phải trở nên có tội vì nàng. Ru-tơ là người đàn bà Mô-áp bị rủa sả, cũng vậy, tất cả chúng ta đều bị rủa sả vì cớ tội lỗi của chúng ta. Khi chúng ta đến với Chúa Giê-xu, chúng ta lột trần chân Ngài ra, nhìn lên Ngài như là người bị lõa lồ thuộc linh thay cho chúng ta. Chúng ta không xứng đáng để làm điều nầy nhưng chúng ta phải làm, bởi vì đây là cách duy nhất để chúng ta có thể trở thành vợ hứa của Chúa Cứu Thế, cách duy nhất để chúng ta có thể được Ngài cưới, được làm kẻ kế tự, được cứu chuộc. Ru-tơ đã làm hành động nầy với sự vô tư không nhận biết bài học thuộc linh sâu sắc mà nàng đang truyền đạt. Nàng làm cho chân Bô-ô phơi bày ra là hình bóng về tất cả những người đến với Chúa Giê-xu, nhìn nhận Ngài bị lõa lồ thay cho mình.
Kinh Thánh chép tiếp: "và nằm xuống". Khi chúng ta đến với thập tự giá để tìm gặp Chúa Giê-xu, ở đó chúng ta nằm xuống, ở đó chúng ta cùng chết trong Chúa Cứu Thế, ở đó chúng ta kinh nghiệm sự chịu khổ đời đời qua Chúa Cứu Thế. Dĩ nhiên, Chúa Giê-xu đã chịu đựng điều nầy nhưng sự chuộc tội của Ngài đã áp đặt trên chúng ta. Chúng ta được nhận diện với Ngài trong kinh nghiệm thập tự giá, bị đóng đinh với Ngài, bị chôn và đồng sống lại với Ngài. Ðây là mối tương giao thắm thiết giữa chúng ta với Chúa Giê-xu khi Ngài lên thập tự giá. Vì vậy, khi Ru-tơ nằm xuống là hình ảnh của những người đến với thập tự giá, nhìn nhận rằng Ngài là người mang thế tội, nhìn nhận rằng Chúa Giê-xu là người chịu đựng cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, đã bị lõa lồ thuộc linh vì cớ tội lỗi của mình và hoàn toàn gắn chặt với Ngài trong kinh nghiệm thập tự giá. Chỉ lúc đó chúng ta mới trở thành cô dâu của Chúa, mới thuộc về Ngài đời đời.
Chúng ta đọc tiếp: "chính người sẽ nói điều gì con phải làm. Nàng thưa rằng: Mọi điều mẹ đã nói với con, con sẽ làm". Khi đến với Chúa Giê-xu nơi thập tự giá, chúng ta không đến bằng ý riêng của mình mà đến bằng sự vâng phục hoàn toàn. Chúng ta đã bị phá sản về thuộc linh, tự trong đáy lòng chúng ta biết rằng không có giải pháp nào, không cách nào để chúng ta có thể trở lại cùng Cha được. Chúng ta đến với một thái độ vâng phục hoàn toàn tất cả những gì Chúa Giê-xu bảo chúng ta phải làm. Ðây là điều mà Na-ô-mi đang bảo Ru-tơ, "chính người sẽ nói điều gì con phải làm". Dĩ nhiên, theo sự kiện lịch sữ, Na-ô-mi nghĩ rằng chiến lược của bà hi vọng sẽ thành công. Bô-ô sẽ bảo Ru-tơ bước kế tiếp để việc thành hôn sẽ được thành tựu; hoặc ông sẽ nói: Không! ta không thể làm người chuộc sản nghiệp được, ta không muốn cưới nàng vì lý do gì đó, thì sự việc sẽ rõ ràng và Na-ô-mi sẽ cố gắng tìm giải pháp khác để kiếm một người chồng cho dâu của mình. Dù sự việc xảy ra như thế nào Ru-tơ phải hoàn toàn vâng lời Bô-ô.
Khi đến với thập tự giá, chúng ta phải hoàn toàn vâng theo những gì Chúa Giê-xu bảo chúng ta phải làm. Chúng ta không đến với thái độ tự kiêu, với kế hoạch cứu rỗi do chúng ta vạch ra mà đến để nghe lời của Chúa Cứu Thế. Chúng ta biết rằng Ngài có một chương trình cứu rỗi hoàn hảo dành cho chúng ta. Ru-tơ đã bày tỏ ra sự vâng phục trọn vẹn khi nàng nói với Na-ô-mi trong câu 5: "Mọi điều mẹ đã nói với con, con sẽ làm". Chúa Cứu Thế đến và bảo chúng ta rằng, chúng ta phải tin Chúa Giê-xu, Ngài bảo chúng ta phải hạ mình xuống. Kinh Thánh bảo chúng ta đến với Ðức Chúa Trời với "lòng đau thương thống hối". Kinh Thánh cho biết chỉ trong Chúa Giê-xu mới có sự cứu rỗi, không còn có cách nào khác để đến cùng Cha. Nếu chúng ta thật tâm muốn được cứu thì chúng ta phải vâng theo những gì Kinh Thánh nói.
Chúng ta không đưa ra ý kiến riêng của mình nói rằng, Ðức Chúa Trời phải là thế nầy, hoặc chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời phải như thế đó. Có lần nào bạn nói với ai đó rằng, để muốn được cứu chúng ta phải dẹp bỏ những sự kiêu ngạo cá nhân, tự tôn tự đại của chúng ta mà phải nhìn nhận rằng chúng ta không thể làm gì được để có sự cứu rỗi; thì người ta sẽ kết luận rằng nếu tôi phải làm những điều đó, nếu tôi phải nhìn nhận rằng tôi là một tội nhân đồi bại, nếu tôi phải chịu tin rằng tôi là một con giòi, thì tôi không muốn loại cứu rỗi đó. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể có hành động giống như vậy, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không được cứu, sẽ không kinh nghiệm được tình yêu của Ðức Chúa Trời, sống tiếp tục không có sản nghiệp, tiếp tục thân góa bụa, đó là sự ngu độn hoàn toàn của chúng ta.
Chúng ta không thấy Ru-tơ phản ứng giống như vậy, không thấy Ru-tơ phản đối với Na-ô-mi, nói rằng: Thưa mẹ, mẹ đòi hỏi con làm chuyện khó có thể làm được, mẹ bảo con đi vào nơi đó lúc ban đêm như vậy rồi dỡ mền để nằm dưới chân trần của ông thật là táo bạo quá. Giả sử nếu người ta tìm gặp con thì có thể hiểu lầm rằng con có sự ham muốn xấu xa trong suy nghĩ của con. Nếu cứ giả sử thế nầy hay giả sử thế khác thì Ru-tơ sẽ không bao giờ có thể trở nên vợ của Bô-ô. Ðiều đó chỉ có thể được nếu nàng vâng phục hoàn toàn, sẵn sàng lắng nghe những lời dạy bảo, dù lời dạy bảo đó khó khăn như thế nào thì nàng cũng vâng theo một cách tỉ mỉ.
Câu 6, "Nàng bèn đi xuống sân đạp lúa, và làm theo mọi điều mẹ chồng mình đã dặn". Bạn có nhớ trong câu 3, "Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp luá"? Bạn thấy câu, "đi xuống sân đạp lúa" được lặp lại không? Chúng ta có cảm giác rằng câu nầy được chép ở đây không phải là một chuyện tình cờ. Dĩ nhiên, theo lịch sữ đây là một sân đạp lúa, nơi gom nhóm những rơm rạ, cỏ lùng để bỏ, chỉ lấy những lúa hột mà thôi. Theo sự kiện lịch sử thì rất dễ thấy, đây là công việc của Bô-ô, đây là nơi ông nằm xuống sau khi ông ăn uống xong. Nhưng tại sao Ðức Chúa Trời nhấn mạnh câu "đi xuống sân đạp lúa" ?
Bạn có nhớ Chúa Giê-xu nói với các môn đồ rằng: "Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt" (Giăng 4:35). Ðức Chúa Trời đã vẽ ra bức tranh thế gian là đồng ruộng, khi Tin Lành được giảng ra thì lúa được gặt. Khi những bông lúa được gặt thì những cỏ lùng cũng bị cắt xuống và mùa gặt được kết thúc tại sân đạp lúa là lúc lúa được tách rời ra khỏi rơm rạ. Khi chúng ta nghe Tin Lành thật của sự cứu rỗi rao giảng, một là, chúng ta được nằm trong số những lúa hột, sẽ được gom nhóm lại nơi nhà của Cha; hai là, chúng ta sẽ coi thường Tin Lành, quay lưng lại và sẽ trở thành rơm rạ, cỏ khô, sẽ bị đốt bằng lửa. Ðây là nơi chúng ta gặp Chúa Giê-xu, tại sân đạp lúa.
Thật sự Ðức Chúa Trời nói về ngày tận thế là mùa gặt, khi chúng ta nhận được sự cứu rỗi hoàn toàn, khi mọi sự được bày tỏ ra trong kế hoạch của Ðức Chúa Trời, nhưng thật ra mùa gặt xảy đến lúc chúng ta nghe về Tin Lành. Trở lại Ma-thi-ơ 3:11b-12, Giăng Báp-tít nói về sự Chúa Giê-xu đến, "Ấy là Ðấng sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Ðức Thánh Linh và bằng lửa. Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình, và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẵng hề tắt". Chúng ta được báp têm bằng Ðức Thánh Linh và bằng lửa vì Chúa Giê-xu đã chịu đựng lửa địa ngục thay cho chúng ta, Ngài đã làm sạch chúng ta bằng Thánh Linh bởi thực tế rằng Ngài đã trở nên tội lỗi để chịu hình phạt địa ngục thay cho chúng ta.
Khi Tin Lành được rao giảng giống như sân đạp lúa, là nơi gom góp lúa lại và rơm rạ thì sẽ bị đốt trong lửa chẳng hề tắt. Những ai không đáp lại tiếng gọi của Tin Lành thì vẫn còn bị lệ thuộc vào địa ngục, bởi vì tội lỗi của họ chưa được đền trả. Chúng ta sẽ được kể vào trong số lúa hay là bị kể là rơm rạ? Ðó là những điều chúng ta học được trong bài nầy.