Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Bài Học Kinh Thánh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 39633 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bài Học Kinh Thánh
Không rõ

Bài 14 (Ru-tơ 2:14-15)

Một cách kiên nhẫn, chúng ta cố gắng tìm hiểu Ðức Chúa Trời muốn nói gì với chúng ta qua câu chuyện tình rất đẹp, đầy ý nghĩa nầy khi chúng ta theo dõi những cuộc đối thoại, những việc xảy ra giữa Ru-tơ và Bô-ô. Ru-tơ, người Mô-áp, bị rủa sả, đàn bà góa, không có tài sản gì cả. Bô-ô, người giàu có và quyền thế, là hình bóng về Ðức Chúa Trời, hình bóng về Chúa Cứu thế Giê-xu. Càng học câu chuyện tình nầy chúng ta càng thấy ân điển của Chúa, Ngài thật sự ban cho chúng ta kiến thức về sự cứu rỗi qua những lời Ngài viết trong sách Ru-tơ.
Chúng ta đang đến câu 14 đoạn 2, ở đây Ru-tơ được Bô-ô mời ăn chung với các con gặt: "Hãy lại gần, ăn bánh nầy và nhúng miếng nàng trong giấm. Vậy, nàng ngồi gần bên các con gặt." Chúng ta đã thấy đây là hình ảnh về việc Ðức Chúa Trời muốn chúng ta gắn liền với Ngài trong sự bị đóng đinh của Ngài. Một khi chúng ta kinh nghiệm được sự chết, sự chôn và sự sống lại trong Chúa Giê-xu thì chúng ta ngồi cùng các con gặt, chúng ta cũng được sanh lại. Chúng ta cũng được Ðức Chúa Trời làm cho có đủ tư cách để ra đồng trong mùa gặt của Tin Lành.
Chúng ta đã xem thấy rằng hột mạch rang có liên quan đến Lễ Vượt qua, là một món ăn được đặc biệt chỉ đến trong Lễ Vượt qua (Lê-vi-ký 23, Giô-suê 5:11). Tôi nghĩ rằng Ðức Chúa Trời đặc biệt nói đến hột mạch rang bởi vì Lễ vượt qua là một Lễ nói trước về Chúa Giê-xu. Dĩ nhiên, đó là lễ được lập ra khi dân Y-sơ-ra-ên đi ra khỏi Ê-díp-tô. Ê-díp-tô trong Kinh Thánh là hình bóng về nhà nô lệ, đó là hình bóng về nô lệ cho tội lỗi. Lúc dân Y-sơ-ra-ên ra đi khỏi Ê-díp-tô, họ bôi huyết chiên con lên mày cửa để thiên sứ vượt qua khỏi nhà họ, bất cứ nhà nào có huyết bôi trên mày cửa thì con trai đầu lòng không bị giết. Vì vậy, mỗi năm dân Y-sơ-ra-ên phải kỷ niệm Lễ Vượt qua để nhắc nhở họ nhớ đến việc ra đi lạ lùng của họ. Thực tế, thiên sứ đã không giết họ, họ được bảo tồn để cả dân tộc có thể đi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
Việc đó chỉ về Chúa Giê-xu, là Ðấng mà trong Kinh Thánh gọi là Lễ Vượt qua của chúng ta. Ngài là Ðấng làm cho chúng ta không còn ở dưới tay thiên sứ của sự chết, không còn ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi để vào trong sự vinh hiển bởi sự cứu rỗi, trở thành công dân trong vương quốc của Chúa Cứu Thế. Thật ra, ý nghĩa thật của Lễ Vượt qua là một luật lệ chỉ về Chúa Giê-xu sẽ đến, còn Lễ Tiệc Thánh thì nhìn ngược về sự việc Chúa Giê-xu đã đến. Nếu gợi lại, bạn sẽ thấy rằng Lễ Tiệc Thánh được lập ra cùng lúc với Lễ Vượt qua cuối cùng mà Chúa Giê-xu dự. Trong phòng cao nơi mà Ngài tập trung các môn đồ lại trước khi Ngài bị đóng đinh, Ngài ăn Lễ Vượt qua, và cũng cùng bữa ăn đó Ngài lập ra Lễ Tiệc Thánh. Hai lễ nầy có liên hệ mật thiết với nhau, một lễ thì chỉ về sự đến của Chúa Giê-xu, còn lễ kia thì chỉ ngược về việc Chúa Giê-xu đã thật sự đền trả cho tội lỗi của chúng ta.
Trong Ru-tơ 2:14, chúng ta đã thấy giấm liên quan đến việc chúng ta được gắn liền với Chúa Giê-xu qua sự chịu khổ của Ngài. Việc ăn bánh liên quan đến thân thể của Chúa Giê-xu, để chúng ta nhớ đến sự chết của Ngài, Ngài đã chết thay cho chúng ta. Cũng vậy, hột mạch rang chỉ về Lễ Vượt qua và cũng chỉ về thập tự giá, chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hột bắp nướng, hột mạch rang thật ra muốn nói về của lễ thiêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nướng một vật gì có nghĩa là để vật đó lên trên lửa. Chúa Cứu Thế là Bánh hằng sống đã bị để lên trên lửa, Ngài đã chịu đựng lửa của địa ngục để cho chúng ta được cứu, Ngài là của lễ thiêu. Theo ý định của Bô-ô, ông đưa cho Ru-tơ hột mạch rang, ông đã diễn đạt những gì xảy ra cho chúng ta là những tín hữu. Chúng ta được gắn liền với Chúa Cứu Thế trong việc chịu khổ của Ngài, trong của lễ thiêu là chính mạng sống Ngài.
Chú ý chỗ nầy, "nàng ăn cho đến no nê" , chữ no nê được dùng ở đây có nghĩa là nàng có quá đủ. Qua sự rộng lượng của Bô-ô nàng có quá đủ, ông đã đưa cho nàng nhiều đến nỗi còn dư lại. Chúng ta biết điều nầy bởi vì khi chúng ta đọc đến câu 18, khi Ru-tơ trở về nhà vào chiều tối gặp Na-ô-mi, "Ru-tơ trút phần bữa ăn dư ra mà trao cho người". Chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa nầy khi chúng ta học đến câu 18, bây giờ thì chúng ta thấy Bô-ô đưa cho Ru-tơ đồ ăn nhiều đến nỗi nàng ăn no nê. Nhu cầu của nàng đã được thỏa đáp và cũng còn thừa lại. Ðiều nầy nhắc chúng ta về câu chuyện Chúa Giê-xu nuôi năm ngàn người và bốn ngàn người phải không? Ban đầu thì không thể kiếm ra bánh và cá đủ để nuôi một người, nhưng sau khi Chúa Giê-xu bẻ bánh phân phát ra thì năm ngàn người, không kể đàn bà và trẻ em được no nê, rồi Ngài sai các môn đồ đi lượm những bánh thừa thì được 12 giỏ đầy.
Cũng vậy, khi Ðức Chúa Trời cung cấp bánh thuộc linh cho chúng ta thì sẽ quá đủ cho chúng ta. Ngài làm cho chúng ta đầy tràn, Ngài là nguồn cung cấp cho mọi nhu cầu. Không còn gì nữa để cho chúng ta ham muốn khi chúng ta đến với dòng huyết của Chúa Cứu Thế, khi chúng ta được nuôi mình tại thập tự giá. Khi đến với Chúa Giê-xu, chúng ta được ban cho đủ mọi điều chúng ta cần. Bạn có nhớ bài học chúng ta đã học về phần thưởng trọn vẹn không? Ðức Chúa Trời bày tỏ rằng: vì sự cứu rỗi mà Ngài ban cho chúng ta, chúng ta được kế tự muôn vật, đồng kế tự với Ðấng Christ. Chính Ðức Chúa Trời là phần thưởng lớn cho chúng ta. Bạn có thấy ân điển trọn vẹn của Chúa không? Sự phong phú tuyệt vời của ân điển Ngài không lời nào có thể mô tả được. Ân điển Ngài ban cho chúng ta thật dư dật, vô lượng vô biên!
Chúng ta sẽ xem tiếp câu 15: "Ðoạn, nàng đứng dậy đặng mót. Bô-ô truyền lịnh cho các đầy tớ mình rằng: Hãy để cho nàng mót, dẫu ở giữa các bó lúa, chớ làm xấu hổ nàng." Lần nữa, Ru-tơ ở đây là hình ảnh của những người làm việc ngoài đồng, nàng đi lượm giữa các bó lúa, nàng tự động trở thành một trong những người thợ gặt, chúng ta sẽ thấy điều nầy rõ hơn khi chúng ta học đến câu 19. Nàng bắt đầu gặt từ trong những bó lúa, như chúng ta sẽ đọc trong câu 17: "Ru-tơ mót trong ruộng cho đến chiều tối, đập lúa mình đã mót". Ðập lúa có nghĩa là làm cho những hột lúa rụng ra khỏi cọng rơm chỉ để lấy toàn là lúa hột có thể ăn được mà thôi. Ðó là công việc gặt lúa phải không? Ru-tơ đã dự phần trong công việc gặt lúa. Vâng, trong câu chuyện tình nầy nàng vẫn còn là người đàn bà góa bụa nghèo đi mót lúa, nhưng trong ý rộng hơn của câu nầy, nàng được nhìn nhận như là người đang gặt lúa, nàng lượm giữa những bó lúa.
Câu "chớ làm xấu hổ nàng" chữ xấu hổ thường được dùng trong Kinh Thánh có nghĩa là ở dưới sự rủa sả, dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời . Ê-sai 45:17, "Duy Y-sơ-ra-ên đã được Ðức Giê-hô-va cứu cho, được sự cứu đời đời, đến đời đời vô cùng các ngươi không còn mang hổ mang nhơ". Trong câu nầy chữ "mang hổ mang nhơ" có nghĩa ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Những dân tộc nào không được cứu, trong ngày sau rốt tất cả tội lỗi của họ sẽ bị phơi bày ra. Họ sẽ bị xấu hổ trước mặt Ðức Chúa Trời bởi vì tất cả tội lỗi của họ, họ sẽ biết họ đã phạm tội chống lại cùng Ðức Chúa Trời quyền năng và cơn thạnh nộ của Ngài sẽ đổ ra trên họ. Nhưng những ai được cứu sẽ không bao giờ bị đem ra bêu xấu, không bao giờ bị xấu hổ trước mặt Ðức Chúa Trời bởi vì không còn sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Vì vậy trong câu 15, chúng ta có hình ảnh của Ru-tơ là đại diện cho những người đã được cứu, những người dự phần trong huyết báu của Chúa Cứu Thế. Nàng được gắn liền với việc "nhúng miếng nàng trong giấm" , biểu hiện cho sự khủng khiếp của cơn thạnh nộ Ðức Chúa Trời trút đổ trên Chúa Giê-xu vì cớ tội lỗi của chúng ta. Bây giờ nàng cũng trở thành một trong các con gặt, dầu nàng vẫn còn mót lúa, nhưng nàng gom các bông lúa lại và "đập lúa mình đã mót". Nàng gặt phần việc được giao cho nàng, đó là công việc của thợ gặt. Bô-ô nói rằng "chớ trách móc nàng" nghĩa là đừng làm cho nàng cảm thấy xấu hổ vì nàng mót lúa trong ruộng. Ðây là một hình ảnh sâu hơn về những người được liên hệ với Chúa Giê-xu. Dù tội lỗi của chúng ta lớn đến mức độ nào, dù chúng ta bị rủa sả, nhưng chúng ta không còn bị xấu hổ, chúng ta không còn bị bẽ mặt trước Ðức Chúa Trời.
Bạn có nhớ A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen không? Khi họ phạm tội chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời, họ đã làm gì? Có phải họ xấu hổ không? Họ nhận ra rằng họ bị lõa lồ và cố gắng che thân bằng những lá vả. Tại sao họ phải che đậy thân thể của họ? Họ đã từng lõa lồ và đứng trước sự hiện diện của Ðức Chúa Trời trước kia và không cảm thấy xấu hổ gì. Bạn thấy đó! họ xấu hổ, vì về thuộc linh, họ bị lõa lồ. Sự lõa lồ của thân thể là hình bóng về việc tội lỗi họ bị phơi bày trước mặt Ðức Chúa Trời. Vì vậy, sự trách mắng của Ðức Chúa Trời đổ trên họ, cho nên họ cần có gì đó để che đậy sự lõa lồ lại. Dĩ nhiên, đồ che dậy mà họ chọn thì không đúng, Ðức Chúa Trời đã ban cho họ da thú để mặc. Ðiều nầy chỉ về việc đổ huyết ra để có thể có được đồ che thân đúng cách. Việc đổ huyết hay việc giết con thú là chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài là Chiên con bị giết để tội lỗi, sự xấu hổ của chúng ta được che đậy, đó là hình ảnh của câu 15 ở đây. Khi Bô-ô nói "chớ trách móc nàng" nghĩa là nàng không còn bị xấu hổ, về thuộc linh nàng không còn ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, nàng bây giờ là hình bóng về những người được cứu.
"Vậy, Ru-tơ mót trong ruộng cho đến chiều tối, đập lúa mình đã mót..." Bạn biết không? Có một ý kiến rất là thích thú ở đây, chữ "chiều tối" trong Kinh Thánh thường là hình bóng về ngày tận thế. "Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Ðấng đã sai ta đến; tối lại, thì không ai làm việc được." Giăng 9:4. Dĩ nhiên, ý nghĩa đầu tiên của trường hợp nầy nói về thời điểm Tin Lành không còn rao giảng, không còn cơ hội cho sự cứu rỗi nữa, nhưng cũng chỉ về ngày tận thế. Khi Chúa Cứu Thế trở lại nghĩa là chiều tối đã đến, đó là thời gian cho mùa gặt. Nếu bạn đọc Ma-thi-ơ đoạn 13, bạn sẽ thấy thí dụ Chúa so sánh vương quốc của Ngài với đồng lúa vào mùa gặt.
Mùa gặt là ngày sau rốt, Ngài sẽ phân chia lúa mì và cỏ lùng, rơm rạ ra. Dĩ nhiên, lúa mì là hình bóng về những tín hữu được sanh lại. Xin bạn đọc I Cô-rinh-tô 6:2 và Khải huyền đoạn 2, Ðức Chúa Trời nói về những tín hữu sẽ cùng với Ðấng Christ phán xét thế gian. Chúng ta sẽ phán xét loài người, chúng ta sẽ phán xét các thiên sứ. Nghĩa là, chúng ta sẽ phán xét những ai chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. Trong ý nghĩa đó, chúng ta đập lúa, chúng ta phụ giúp trong mùa gặt, phân chia lúa hột ra khỏi rơm rạ. Hình ảnh đó chúng ta có ở đây khi Ru-tơ đập lúa nàng đã mót.
Hãy xem phần cuối của câu 17: "hứng được chừng một ê-pha lúa mạch". Tại sao Chúa cung cấp cho chúng ta sự kiện nầy? Chúng ta có thể nói theo câu chuyện lịch sử, Bô-ô rất rộng rãi với nàng. Nàng đến cánh đồng nầy vào buổi sáng là một người đàn bà nghèo, góa bụa, khách lạ, bị rủa sả, hi vọng sẽ mót được một ít chỗ nầy, một ít chỗ khác. Có thể nhờ làm việc siêng năng cả ngày, nàng có thể có đủ đồ ăn cho nàng và Na-ô-mi vào chiều hôm đó. Thường thường, đó là những gì người đi mót lúa có thể kiếm được trong ruộng. Nếu có đủ con gặt và họ gặt rất là cẩn thận thì chắc là sót rất ít, nhưng hãy xem số lượng lúa dư dật mà nàng mót chỉ trong một ngày, một ê-pha! Một ê-pha lúa mì chừng 20 lít, phải nhiều bông lúa gom lại mới được chừng nầy. Làm sao mà nàng có được nhiều lúa như vậy? Lý do là vì Bô-ô đối xử rất tốt với nàng, Bô-ô quá nhân từ quan tâm đến nàng cho nên nàng được nhiều lúa như vậy. Nhưng chúng ta tự hỏi, có ý nghĩa thuộc linh nào trong chữ ê-pha không?
Tôi không dám chắc chữ ê-pha là hình bóng về gì nhưng tôi biết một điều. Trong Lê-vi-ký 5:11, Ðức Chúa Trời chỉ dạy trong việc mang của lễ chuộc tội đến với Chúa thì có một phần mười ê-pha bột lọc. "Nếu không phương thế cho có một cặp cu hay là cặp bò câu con được, thì người vì tội mình đã phạm, phải đem một phần mười ê-pha bột lọc làm của lễ chuộc tội, không nên đổ dầu trên và cũng không nên thêm nhũ hương, vì là một của lễ chuộc tội". Một phần mười của vật gì đó tương đương với toàn phần. Một của lễ chuộc tội đầy đủ biểu hiện bằng một ê-pha bột lọc. Khi người tín hữu trong Cựu ước dâng một phần mười về lợi tức có nghĩa là họ dâng tất cả cho Ðức Chúa Trời. Vì vậy chúng ta có thể nói trong câu 17 chép: "chừng một ê-pha lúa mạch" nghĩa là sự trọn vẹn cho một của lễ hi sinh, Ðức Chúa Trời đã che đậy tội lỗi của nàng hoàn toàn. Tôi không chắc chắn lắm trong sự giải thích nầy nhưng chắc rằng phải có ý nghĩa gì đó cặp theo với điều nầy. Thứ nhất, lẽ thật mà Ðức Chúa Trời ban cho ở đây là sự dư dật quá đỗi của mùa gặt nên nàng mót được cả một ê-pha. Ðối với đàn bà, đó là một số lượng rất lớn khi mót chỉ trong một ngày. Thứ nhì, điều nầy có thể liên quan đến một ê-pha trong của lễ chuộc tội. Tất cả tội lỗi của Ru-tơ đã được đền trả.
Trong bài học tới chúng ta sẽ học câu 16, một ngôn ngữ thú vị được dùng ở đây. Ðây là câu mà Bô-ô nói, "Cũng hãy rút vài gié trong bó lúa, bỏ rớt cho nàng lượm lấy, và chớ trách móc nàng chút nào". Một lần nữa, đây là ngôn ngữ thật kỳ quặc phải không? Khi đọc câu nầy chắc bạn sẽ lấy làm lạ, nếu bạn đọc những bản dịch hiện đại thì sẽ thấy người ta thay đổi để cho câu nầy có ý nghĩa hơn. Trong bài học tới chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao Chúa lại dùng ngôn ngữ kỳ quặc như vậy, có ý nghĩa thuộc linh gì Ðức Chúa Trời cho chúng ta ở đây không?
"Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Giê-xu Christ." Rô-ma 8:1
 

<< Bài 13 (Ru-tơ 2:13-14) | Bài 15 (Ru-tơ 2:16) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 766

Return to top