Trong Ru-tơ chương 4 chúng ta đã khám phá ra người bà con gần có quyền chuộc sản nghiệp thay cho gia đình Ê-li-mê-léc, Na-ô-mi, Mạc-lôn và Ru-tơ đã không muốn làm việc nầy. Nếu chỉ chuộc đất mà thôi thì ông sẽ vui lòng làm, nhưng để làm chủ miếng đất đó thì ông phải cưới người đàn bà bị rủa sả, Ru-tơ người Mô-áp, thì ông nói: "Tôi không chuộc lại được".
Chúng ta đã thấy rằng đây là hình ảnh của nhân loại. Chúng ta có quyền ưu tiên, có trách nhiệm đầu tiên chuộc lẫn nhau, yêu thương nhau, yêu thương người lân cận như mình, mong muốn điều tốt nhất cho nhau, nhưng mỗi chúng ta đều có sự ích kỷ riêng của mình. Bản chất tự nhiên của chúng ta không cần quan tâm gì đến người khác. Chúng ta muốn đi theo đường lối riêng của chính mình.
Chúng ta đọc tiếp trong câu 7-8, "Vả, xưa trong Y-sơ-ra-ên khi chuộc lại hay là đổi nhau, muốn làm cho chắc lời giao kết, thì người này phải cổi giầy mình mà trao cho người kia. Nơi Y-sơ-ra-ên, ấy là cách ưng chịu một tờ giao ước. Vậy, người có quyền chuộc lại nói cùng Bô-ô rằng: Anh hãy chuộc sản nghiệp đó. Rồi người cổi giày mình ra." Ðây là một việc lạ và đầy thích thú phải không? Phong tục trong thời đó gì mà lạ vậy? Khi người bà con kia quyết định rằng ông không muốn chuộc Ru-tơ và sản nghiệp cho gia đình Ê-li-mê-léc thì ông cởi giày ông ra, dấu hiệu đó bày tỏ rằng ông đã quyết định dứt khoát, không cần phải hỏi nữa. Chúng ta tự hỏi phong tục gì mà lạ vậy? Phong tục nầy đến từ đâu và có ý nghĩa gì?
Chúng ta đã học biết từ lâu rằng không có việc gì trong Kinh Thánh là ngẫu nhiên, không việc gì có ý định chỉ để cho chúng ta giải trí. Ðức Chúa Trời không chép những điều nầy trong Kinh Thánh làm cho chúng ta cảm thấy buồn cười. Ðức Chúa Trời có mục đích thật khi Ngài chép điều nầy. Khi tra xem Kinh Thánh thì chúng ta sẽ thấy điều gì muốn nói ở đây trong hành động cởi giày ra. Xin đọc trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 25, có lẽ bạn đã quen thuộc với khúc Kinh Thánh nầy.
Ðây là trường hợp người chồng chết không con thì người em phải cưới người đàn bà góa để cung cấp dòng dõi cho người chết, nếu người đó không chịu làm thì sẽ có hậu quả xảy ra. "Khi anh em ruột ở chung nhau, có một người chết không con, thì vợ của người chết chớ kết đôi cùng người ngoài; anh em chồng phải đi đến cùng nàng, cưới nàng làm vợ, y theo bổn phận của anh em chồng vậy. Con đầu lòng mà nàng sanh ra sẽ nối danh cho người anh em chết, hầu cho danh của người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên." (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5-6). Ðó là trách nhiệm Ðức Chúa Trời giao cho người anh em. Ðây không phải là việc tùy ý, nếu thích thì làm không thích thì thôi. Ðây là mạng lệnh của Ðức Chúa Trời cho người bà con gần nhất phải làm. Nếu người đó không chịu làm, hãy xem hậu quả gì mà người phải chịu.
"Ví bằng người kia không đẹp lòng lấy nàng, nàng phải lên đến cửa thành, tới cùng các trưởng lão mà nói rằng: người anh em chồng tôi không chịu lưu danh anh em người lại trong Y-sơ-ra-ên, và không muốn cưới tôi y theo phận sự anh em chồng. Các trưởng lão của thành ấy sẽ gọi người và nói cùng người; nếu người cứ nói rằng: Tôi không đẹp lòng cưới nàng, thì chị em dâu người sẽ đến gần, trước mặt các trưởng lão, lột giày khỏi chân người, khạc trên mặt người, đoạn cất tiếng nói rằng: Người nào không lập lại nhà anh em mình sẽ bị làm cho như vậy! Trong Y-sơ-ra-ên sẽ gọi nhà người là nhà kẻ bị lột giày." (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:7-10).
Chắc chắn việc nầy có liên quan với nhau. Bô-ô đã rất sáng suốt nói về trách nhiệm của người bà con với Ru-tơ gần hơn ông trước mặt những người trưởng lão. Việc thi hành luật nầy trong sách Ru-tơ thật là nghiêm túc. Luật nầy được ban cho dân Y-sơ-ra-ên khoảng 300 hay 350 năm về trước nhưng vẫn được họ chấp hành cao. Câu hỏi được hỏi tại cổng thành, trước mặt những người trưởng lão để làm chứng hay phân xử, giày được cởi ra khỏi người bà con không sẵn lòng cưới vợ góa của anh mình, nhưng có một việc không được làm đó là người đàn bà góa khạc vào mặt anh ta. Thực tế, Ðức Chúa Trời dùng sách Ru-tơ để nhắc đến Phục-truyền Luật-lệ Ký 5.
Người bà con không vâng lời kia đã cởi giày ông ra, chúng ta sẽ xem việc nầy bày tỏ điều gì. Thật ra điều nầy có ý nghĩa rất sâu sắc về điều gì đó khủng khiếp lắm. Bạn có nhớ trong Ru-tơ 3:3 khi nàng đến với Bô-ô để hỏi ông cưới nàng, nàng đã lột trần chân ông ra. Bạn có nhớ việc lột trần chân ra có ý nghĩa gì không? Người bị lột trần chân ra theo ý nghĩa thuộc linh là bị lõa lồ. Ê-sai đi chân không trước mặt dân Ê-díp-tô chỉ tỏ rằng tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên bị phơi bày trước mặt Ðức Chúa Trời. Giăng Báp-tít nói: Ta không đáng mở dây giày Ngài. Bởi vì chân Chúa Giê-xu bị phơi bày ra biểu hiện rằng về thuộc linh Ngài bị lõa lồ thay cho chúng ta, Ngài bị phơi bày với tất cả tội lỗi của chúng ta trước mặt Ðức Chúa Trời.
Khi người bà con không vâng lời nầy lột giày ông ra là biểu hiện cho sự phơi bày tội lỗi của ông trước mặt Ðức Chúa Trời. Tội của ông là tội không vâng lời. Ông bị ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời khi từ chối cưới vợ góa của anh mình. Ðiều nầy được làm cho vững thêm bằng việc người đàn bà góa khạc vào mặt anh em chồng. Khi tra xem Kinh Thánh thì chúng ta biết rằng người bị nhổ vào mặt là người bị Ðức Chúa Trời rủa sả. Ngay cả cho tới thời bây giờ, nếu thù hận ai đó chúng ta có thể nói: Tôi muốn nhổ vào mặt nó. Nếu quá căm giận rất có thể có người sẽ khạc vào mặt người khác. Ðiều đó có nghĩa là xem người kia không ra gì. Ðây là một cách khác tuyên bố rằng người đó bị rủa sả.
Dân-số Ký 12 cho chúng ta lời giải thích về việc làm nầy. Trong câu chuyện Mi-ri-am chống nghịch lại mạng lệnh của Chúa, Mi-ri- am là chị của Môi-se và A-rôn. Vì chống lại Chúa cho nên bà bị bệnh phung. "Như vậy, cơn thạnh nộ của Ðức Giê-hô-va nổi phừng phừng cùng hai người; Ngài ngự đi. Khi trụ mây rút khỏi trên đền tạm, thì kìa, Mi-ri-am đã bị phung trắng như tuyết. A-rôn xây lại phía Mi-ri-am, thấy người đã có bịnh phung" (Dân-số Ký 12:9-10).
Trong Kinh Thánh bệnh phung là biểu hiệu cho sự rủa sả của Ðức Chúa Trời trên người đó. Người bị bệnh phung không được vào trong trại quân của dân Y-sơ-ra-ên, họ phải ở bên ngoài trại quân, nếu có ai đến gần họ, họ phải la lên: ô uế, ô uế. Không ai có thể đến gần họ được, họ là hình ảnh về những người bị Ðức Chúa Trời rủa sả, họ không có phần gì với dân sự.
Ðây là hình ảnh về con người tội lỗi của chúng ta. Chúng ta bị ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, chúng ta sẽ chết vì tội lỗi của mình. Ngợi khen Chúa, ngày nay bệnh phung không còn bị đối xử bằng cách đó bởi vì Chúa Giê-xu đã làm trọn nghi thức của luật pháp cho nên chúng ta không xem bệnh phung như thế nữa. Khi A-rôn nhìn thấy chị mình thì ông đau buồn lắm, "A-rôn bèn nói cùng Môi-se rằng: Ôi, lạy chúa tôi, xin chớ để trên chúng tôi tội mà chúng tôi đã dại phạm và đã mắc lấy. Xin chớ để nàng như một đứa con sảo thịt đã hư hết phân nửa khi lọt ra khỏi lòng mẹ" (Dân số Ký 12:11-12).
Bạn có thấy họ sợ bệnh phung kinh khủng không? Ðó là một bệnh làm cho người đó chết đang khi còn sống. "Môi-se bèn kêu van cùng Ðức Giê-hô-va rằng: Ôi, Ðức Chúa Trời! Tôi cầu khẩn Ngài chữa cho nàng. Ðức Giê-hô-va đáp cùng Môi-se rằng: Nếu cha nàng nhổ trên mặt nàng, nàng há không mang hổ trong bảy ngày sao? Nàng phải cầm riêng ngoài trại quân trong bảy ngày, rồi sau sẽ được nhận vào lại. Ấy vậy, Mi-ri-am bị cầm riêng ngoài trại quân trong bảy ngày, dân sự không ra đi cho đến chừng nào Mi-ri-am được nhận vào lại." (Dân số Ký 12:13-15).
Trong khúc Kinh Thánh nầy Ðức Chúa Trời xem bệnh phung ngang như bị cha nàng nhổ trên mặt. Cả hai trường hợp nàng đều phải bị cầm ngoài trại quân bảy ngày. Bị nhổ vào mặt là hình ảnh của người bị Ðức Chúa Trời rủa sả, nói về thuộc linh người đó bị chết và ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Bây giờ hãy trở lại sách Ru-tơ để xem những điều nầy liên quan với nhau như thế nào.
Việc đang xảy ra ở đây xem giống như một phong tục lạ, khi người bà con kia từ chối cơ hội cưới Ru-tơ thì ông cởi giày ông ra, vấn đề chấm dứt ở đó. Bây giờ thì nàng có thể tự do muốn lập gia đình với ai tùy ý. Nhưng nói về thuộc linh, Ðức Chúa Trời tỏ cho người bà con kia biết rằng bởi vì ông không vâng lời tiếp tục dòng dõi cho gia đình của người chết cho nên ông bị ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời. Ông giống như người bị bệnh phung, bị ô uế về thuộc linh, đang ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Chúng ta đã học trong bài học rồi, người bà con đó là hình ảnh của nhân loại. Ðức Chúa Trời đến với nhân loại và ra lệnh cho chúng ta phải yêu người lân cận như yêu mình, yêu thương kẻ thù nghịch, hi sinh mạng sống cho bạn hữu mình... Tất cả những điều nầy nằm trong luật pháp mà Ðức Chúa Trời ban cho nhân loại. Ngài nói về những điều nầy theo tính thụ động là: "Ngươi chớ giết người. Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Ngươi chớ trộm cướp. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi". Ngài có ý nói rằng: Ngươi không được làm điều xấu đối với kẻ lân cận, người đồng loại ngươi. Về tính tích cực, ngươi phải yêu thương họ. Ðó là cách nói khác khi Ðức Chúa Trời muốn nói: Ngươi phải là người chuộc cho người đồng loại mình.
Nhưng nhân loại nói rằng: Tôi không muốn làm điều nầy. Tôi muốn sản nghiệp của riêng tôi, tôi muốn làm những việc riêng của tôi. Nếu tôi tham những gì người khác có, nếu tôi phải nói dối để có được điều đó, nếu tôi có ý nghĩ tà dâm với ai, nếu tôi ghét ai đó bởi vì họ đối xử tệ với tôi, nếu tôi cay đắng căm giận người thù của tôi... đó là việc riêng của tôi, tôi không cần bận tâm yêu thương họ.
Rồi Ðức Chúa Trời phán rằng: Cũng được, vậy thì ngươi giống như người cởi giày mình ra, người bị nhổ vào mặt. Ngươi ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của ngươi. Ngươi là đối tượng cho sự hình phạt, ngươi phải đền trả tội lỗi cho chính mình bằng cách ở trong địa ngục đời đời. Ðây là một cách nói khác về sự phá sản của con người. Ðiều nầy nói với chúng ta rằng chúng ta rất cần Ðấng Cứu Chuộc bởi vì tội ghen ghét người đồng loại mình, không yêu thương họ theo cách mà Ðức Chúa Trời muốn chúng ta yêu thương, chúng ta bị đoán xét trước mặt Ðức Chúa Trời.
Nói về thuộc linh, chúng ta đứng lõa lồ trước mặt Ngài. Giày chúng ta bị cởi ra, bị nhổ vào mặt, ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Ðó là hình ảnh mà chúng ta có ở đây trong Ru-tơ 4:7-8. Tôi xin được trưng dẫn một chỗ khác trong Kinh Thánh minh họa rằng Ðức Chúa Trời sẽ thực thi chính xác những gì Ngài phán. Trong Sáng-Thế Ký 38 chép về gia đình của Giu-đa, bạn có còn nhớ chúng ta mới vừa xem qua câu chuyện nầy.
Giu-đa sanh được ba con trai, đứa con đầu lòng của ông cưới vợ tên là Ta-ma. Bởi vì Ê-rơ chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời nên bị Ngài giết đi. Rồi chúng ta đọc trong Sáng-Thế Ký 38:8-10, "Giu-đa bèn biểu Ô-nan rằng: Con hãy lại gần vợ anh con, kết bạn cùng nàng như em chồng, đặng nối dòng dõi cho anh. Ô-nan biết rằng dòng dõi nầy sẽ chẳng thuộc về mình, nên đương khi đến cùng nàng, thì làm rơi rớt xuống đất, để đừng sanh dòng dõi cho anh. Nhưng điều người làm vậy không đẹp lòng Ðức Giê-hô-va, nên Ngài cũng giết người luôn đi."
Ðây là một tội trọng cho nên Ðức Chúa Trời giết luôn Ô-nan, không phải vì Ô-nan làm rơi rớt xuống đất, nhưng bởi vì ông từ chối cung cấp dòng dõi cho anh mình. Ông từ chối làm người bà con gần, không thương anh mình, không thương vợ góa của anh mình. Ông giống như toàn thể nhân loại, chỉ muốn sản nghiệp riêng của mình. Chúng ta thấy Ðức Chúa Trời phạt tội nầy bằng cách giết Ô-nan đi. Lần nữa, chúng ta thấy Ðức Chúa Trời nói chắc chắn như đinh đóng cột rằng tội lỗi của chúng ta khiến cho chúng ta bị ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, là đối tượng cho cơn thạnh nộ của Ngài. Câu chuyện lịch sử trong Sáng-Thế Ký 38 là cùng một bức tranh như trong sách Ru-tơ để cho chúng ta nhìn thấy.
Bài học tới chúng ta sẽ học đến câu 9, chúng ta sẽ thấy sự thành tín của Bô-ô trong lời hứa của ông bằng cách thề với Ru-tơ rằng ông sẽ làm người chuộc sản nghiệp lại nếu người bà con kia từ chối cưới nàng làm vợ. Ðó là một sự minh họa rất đẹp về tình yêu của Ðức Chúa Trời.
"Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình." Giăng 15:13