Chúng ta sẽ tiếp tục học về câu chuyện tình lạ lùng được chép lại cho chúng ta trong Kinh Thánh, sách Ru-tơ. Mùa gặt đã hết, Na-ô-mi và Ru-tơ đang bắt tay vào một kế hoạch rất táo bạo. Na-ô-mi bảo Ru-tơ đề nghị một cuộc hôn nhân với Bô-ô. Bô-ô là một người giàu có và quyền thế sống tại thành Bết-lê-hem, ông là một người bà con gần với Na-ô-mi và trong ý nghĩa đó cũng bà con với Ru-tơ vì nàng đã thành hôn với Mạc-lôn. Nàng sẽ đề nghị ông cưới nàng.
Sau một ngày gặt lúa, Bô-ô mệt mõi và nằm ngủ thì Ru-tơ sẽ vào đó một cách im lặng để nằm dưới chân ông. Làm như vậy có nghĩa là nàng bày tỏ muốn làm vợ của Bô-ô. Ðây là một kế hoạch rất kỳ cục, táo bạo và nhiều sự nguy hiểm dính líu tới. Ru-tơ là người Mô-áp, là đàn bà bị rủa sả, thuộc về một quốc gia bị rủa sả, đến với Bô-ô là dòng dõi của Bết-lê-hem, là con cháu của chi phái Giu-đa để đề nghị ông cưới nàng là một ý kiến kỳ quặc. Yêu cầu ông cưới một người nữ Mô-áp có nghĩa là bảo ông liên lụy vào một hành động tội lỗi, bởi vì người Y-sơ-ra-ên không được cưới gả với dân Mô-áp. Luật pháp đã nói rõ họ không được dự vào cuộc hôn nhân như vậy. Vì thế, Ru-tơ đến với Bô-ô cách nầy chỉ chuốc lấy phản ứng khủng khiếp từ Bô-ô mà thôi.
Bô-ô có thể tìm thấy nàng nằm tại chân của mình và nổi giận vì nàng dám đến đó để đòi ông cưới nàng. Ông có thể nói rằng: "Ta đã thương xót nàng, đối xử tử tế với nàng trong thời gian mà nàng mót lúa trong ruộng của ta là quá đủ rồi. Ngày nào nàng còn đi ăn xin thì ta đối xử tử tế với nàng bởi vì nàng cũng là bà con với ta, nhưng cưới nàng hả? Không, ngàn lần không! Sao nàng dám đến với ta để đề nghị ta cưới nàng? Sao nàng dám cả gan gạ gẫm ta cách nầy? Ta không thể nào cưới nàng, ta không muốn cưới nàng, đừng bao giờ nói với chuyện với ta nữa". Thật vậy, Ru-tơ làm cách nầy chỉ gây cho Bô-ô nóng giận mà thôi, vì thế kế hoạch nầy rất là nguy hiểm.
Nhưng Ru-tơ và Na-ô-mi có một nan đề rất khó xử. Dòng dõi của Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn đã đến hồi chấm dứt, họ không có con cái. Cách duy nhất để cho dòng dõi của Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn được nối tiếp mãi mãi đó là có ai đó phải cưới Na-ô-mi hay Ru-tơ. Họ sẽ sanh con thay cho Mạc-lôn hay Ê-li-mê-léc, qua đứa con đó thì dòng dõi của họ sẽ được lưu truyền và sự nghiệp của họ sẽ được tồn tại. Na-ô-mi đã già không thể thành hôn với ai để sanh con được cho nên không còn gì để trông đợi ở Na-ô-mi. Ru-tơ thì còn trẻ, nàng có thể tái giá và sanh con, nếu nàng tái giá thì không khác gì mời gọi ai đó cưới đàn bà Mô-áp, đàn bà bị rủa sả, nhưng không còn cách nào khác. Nàng là người duy nhất có liên hệ với dòng dõi của Mạc-lôn để có thể lưu truyền dòng dõi, để có thể làm cho sự nghiệp của Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn được tồn tại.
Luật pháp của dân Y-sơ-ra-ên đã tuyên bố rõ ràng, nếu một người đàn bà có chồng và chồng chết không con thì người bà con gần sẽ cưới người đàn bà đó để sanh con nối tiếp cho dòng dõi của anh em mình đã chết. Dựa vào luật đặc biệt đó, bao gồm luật pháp của Ðức Chúa Trời, Na-ô-mi và Ru-tơ mới dám đến cùng Bô-ô để thấy ông thật sự hạ mình xuống cưới người đàn bà bị rủa sả nầy, để thực hiện đúng như luật pháp đã tuyên bố. Chúng ta đã thấy kế hoạch nầy mô tả về Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài đền trả cho tội lỗi của chúng ta. Ru-tơ giở mền dưới chân Bô-ô ra là hình bóng về người tin Chúa làm cho Ngài bị lõa lồ thay cho mình. Ngài gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời thay cho tội lỗi của chúng ta.
Giăng Báp-tít nói rằng: "Ta chẳng đáng mở dây giày Ngài" (Giăng 1:27). Ý kiến mong rằng Chúa Giê-xu trở nên tội lỗi vì cớ tôi không thể nào chấp nhận được. Ngài phải đứng lõa lồ trước mặt Ðức Chúa Trời vì tội của tôi và gánh lấy cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời là một đề nghị kỳ quặc. Thật là một ý nghĩ táo bạo khi chúng ta đến với thập tự giá bằng cái nhìn nầy. Nhưng chúng ta không còn có cách nào khác. Không cách nào chúng ta có thể được chuộc khỏi tội lỗi của chúng ta để có được sản nghiệp. Chúng ta bị truất khỏi vì cớ tội lỗi của chúng ta và bị để dành cho địa ngục. Không còn cách nào để trở lại cùng Cha, không còn cách nào để hưởng được sự nghiệp đời đời.
Ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, không còn cách nào để trở nên giống như A-đam và Ê-va ban đầu thông công mật thiết với Ðức Chúa Trời. Ngài là người cứu chuộc duy nhất có thể cung cấp câu trả lời mà chúng ta phải đến. Chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu để mong đợi Ngài sẽ hạ mình xuống trở nên giống như chúng ta, bị nhục nhã thay cho chúng ta. Ngài phải từ bỏ vinh hiển của Ngài, Ngài phải rời khỏi thiên đàng để mang gánh lấy tội lỗi của chúng ta và phải gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời bởi vì Ngài đã trở nên tội lỗi vì chúng ta.
Thật là một điều khủng khiếp chúng ta đòi hỏi nơi Chúa Giê-xu khi chúng ta đến với Ngài để xin Ngài làm Cứu Chúa của chúng ta. Thật không thể nào hiểu được rằng chúng ta dám đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu để đòi hỏi Ngài làm điều nầy. Nhưng đó là tình yêu thương của Ðức Chúa Trời, là chương trình đã được dự liệu nên chúng ta mới dám đến. Chỉ có cách nầy chúng ta mới có thể được cứu.
Bạn đã thấy Ru-tơ đã vâng theo kế hoạch nầy, nằm dưới chân của Bô-ô. Vào nửa đêm ông sợ hãi khi ông nghiêng mình qua là hình ảnh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Nửa đêm là hình bóng về sự hủy diệt vì tội lỗi mà Ngài mang lấy. Ngài sợ hãi trước sự hiện diện của Ðức Chúa Trời. Tiếng kêu đau đớn thốt ra từ đôi môi của Ngài: "Ðức Chúa Trời tôi ôi, Ðức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?" Sự sợ hãi đó đến với Ngài ngay tại vườn Ghết-sê-ma-nê, "mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất". Thật là kinh khiếp biết bao khi phải đối diện với Ðức Chúa Trời thánh khiết đang đổ cơn thạnh nộ ra. Cho nên Chúa Giê-xu khẩn thiết kêu xin cùng Cha, Cha ôi! còn có cách nào khác nữa không, con phải uống chén nầy sao? Và trong sự vâng phục trọn vẹn của Ngài, Chúa Giê-xu nói: "Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha" (Ma-thi-ơ 26:39). Chúa Giê-xu vâng phục để đền trả cho tội lỗi của chúng ta, nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài. Thật tuyệt vời làm sao Cứu Chúa của chúng ta!
Chúng ta thấy khi Bô-ô nghiêng mình qua so sánh với trường hợp của Sam-Sôn vớ lấy hai cột đền là hình ảnh Chúa Giê-xu chiến thắng và cũng bảo đảm đem sự đoán xét đến cho những người không được cứu. Giống như Sam-Sôn vớ lấy hai cây cột đền và xô ngã cái đền của người Phi-li-tin, làm cho hàng ngàn người bị chết trong cái chết của Sam-Sôn. Cũng vậy, trong cái chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài cũng bảo đảm rằng sự đoán xét sẽ đến trên hàng tỉ người trên thế gian không được cứu và trên Sa-tan. Những người không được cứu một ngày nào đó sẽ gánh chịu lấy cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Bô-ô nói hỏi Ru-tơ: "Ngươi là ai?" , một câu hỏi rất hợp lý. Khi chúng ta đến với thập tự giá, câu hỏi được đặt ra: Chúng ta là ai? Tại sao chúng ta đến đó? Có nhiều người cố gắng đến với thập tự giá bằng cách mặc lên giá trị riêng, sự đạo đức và việc lành của họ. Những người đó không có gì dính líu đến chân thập tự giá vì họ nghĩ rằng họ công bình. Khi những người Giu-đa, người Pha-ri-si, những người lãnh đạo trong giáo hội thời đó muốn tỏ cho Chúa Giê-xu thấy sự công bình của họ, Chúa Giê-xu đã đáp lại rằng: "Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội" (Ma-thi-ơ 9:13). Nếu các ngươi đến với ta bằng sự công bình của chính các ngươi thì ta chẳng có gì cho các ngươi. Cách duy nhất mà các ngươi có thể đến với ta là giống như chiếc bình trống không. Các ngươi phải nhìn nhận mình giống như Ru-tơ, người đàn bà Mô-áp bị rủa sả.
"Nàng đáp: Tôi là Ru-tơ". Câu nói đó nói lên tất cả rằng, người đàn bà đang nằm dưới chân ông là khách ngoại bang, người xa lạ, người đàn bà từ một xứ bị rủa sả. Dân tộc Y-sơ-ra-ên không được cưới gả. Sao nàng dám đến đây? Sao nàng dám đề nghị ta cưới nàng? Ðó là phản ứng mà chúng ta nghĩ là Bô-sẽ làm. Khi đến với thập tự giá, chúng ta nhìn nhận rằng tôi không ra gì cả, tôi không xứng đáng, tôi là một tội nhân, tôi là đối tượng cho cơn phẫn nộ của Ðức Chúa Trời, tôi xứng đáng phải đi vào địa ngục, tôi không thuộc về nơi nầy. Vì vậy, Ru-tơ nói rằng, tôi là Ru-tơ, là người Mô-áp, ông đã bày tỏ lòng thương xót trên tôi, ông đã tử tế đối với tôi, tôi thấy rằng ông quan tâm đến tôi.
"Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông". Chữ "tớ gái" thường được dịch trong Kinh Thánh là đầy tớ hay nô lệ. Khi nàng nói nàng là tớ gái có nghĩa rằng nàng muốn trở nên người đầy tớ. Giống như câu chuyện của đứa con trai hoang đàng. Khi nó trở về nhà cha nó, nó không dám nghĩ rằng nó là đứa con kế nghiệp, nó chỉ muốn được mướn làm như người đầy tớ vậy thôi. "Những người đầy tớ trong nhà cha ta còn sung sướng hơn ta ở đây phải ăn vỏ đậu của heo". Cũng vậy, Ru-tơ nói rằng "tôi là kẻ tớ gái ông", tôi muốn ông làm chúa của tôi, tôi muốn được hầu hạ ông, bởi vì ông là câu trả lời duy nhất cho nan đề của tôi.
Rồi nàng nói tiếp: "xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi". Chữ "mền" ở đây là một chữ rất thú vị, nhiều chỗ trong Kinh Thánh dịch chữ nầy là "cánh". Bạn có nhớ trong chương 2:12, "Nguyện Ðức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên". Chữ cánh đó là cùng một chữ với chữ mền ở đây, "xin đắp mền ông" có thể dịch là "xin giang cánh ông ra trên kẻ tớ gái ông". Nói cách khác, tôi muốn ở dưới sự chăm sóc của ông, tôi muốn được làm người vợ để hầu hạ ông, tôi muốn có sự liên hệ mật thiết với ông, bởi vì chỉ có ông mới giải quyết được nan đề của tôi.
Chúng ta đọc trong Ê-xê-chi-ên sẽ thấy sự bày tỏ rất đẹp về tình yêu thương của Ðức Chúa Trời đối với những người không đáng thương. Ê-xê-chi-ên 16, Ðức Chúa Trời nói về tình yêu thương của Ngài dành cho dân Y-sơ-ra-ên, Ngài nói trong câu 3: "Ngươi khá nói rằng: Chúa Giê-hô-va phán cùng Giê-ru-sa-lem như vầy: Bởi cội rễ và sự sanh ra của mầy ở đất Ca-na-an; cha mầy là người A-mô-rít, mẹ là người Hê-tít." Chúa đi ngược dòng thời gian lại từ lúc Áp-ra-ham, ban đầu Áp-ra-ham không phải là người Do-thái, ông bắt đầu là một dân ngoại.
Câu 4-5: "Về sự mầy sanh ra, trong ngày mầy mới đẻ, rún mầy chưa cắt, chưa rửa mầy trong nước cho được thanh sạch, chưa xát bằng muối, chưa bọc bằng khăn. Chẳng có mắt nào thương mầy, đặng làm một việc trong những việc đó cho mầy vì lòng thương xót mầy; song mầy đã bị quăng giữa đồng trống trong ngày mầy sanh ra, vì người ta gớm mầy."
Cũng giống vậy, Ru-tơ là người đàn bà bị rủa sả, dân Y-sơ-ra-ên ban đầu không ra gì, là dân ngoại, xa lạ với Ðức Chúa Trời. Rồi tình yêu thương của Ðức Chúa Trời đổ ra trên dân Y-sơ-ra-ên trong câu 6-10: "Khi ta qua gần mầy, thấy mầy tắm trong máu mình, ta phán cùng mầy rằng: Dầu ở giữa máu mầy, hãy sống! Thật, ta phán cùng mầy rằng: Dầu ở giữa máu mầy, hãy sống! Ta đã làm cho mầy thêm nhiều ra, như vật đồng ruộng mọc lên. Mầy đã nẩy nở, lớn lên, và trở nên đẹp đẽ lắm. Vú mầy dậy lên, tóc mầy dài ra, nhưng hãy còn ở lỗ và trần truồng. Khi ta qua gần mầy, và nhìn mầy, nầy, tuổi mầy nầy, mầy đã đến tuổi yêu mến. Ta lấy áo ngoài ta trùm trên mầy, che sự trần truồng mầy. Phải, ta thề cùng mầy và kết giao ước với mầy, thì mầy trở nên của ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy.
Ta rửa mầy trong nước, làm cho sạch máu vấy mình mầy, và xức dầu cho. Ta mặc áo thêu cho mầy, cho mầy mang giày sắc lam, thắt lưng mầy bằng vải gai mịn, đắp cho mầy bằng hàng lụa." Ðó là hình ảnh vinh hiển nhất của sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời cung cấp cho chúng ta. Câu 8 chép: "Ta lấy áo ngoài ta trùm trên mầy, che sự trần truồng mầy."
Trước khi được cứu, về thuộc linh, chúng ta bị trần truồng trước mặt Ðức Chúa Trời. Chúa bao phủ chúng ta bằng cánh bóng của Ngài nên chúng ta không còn trần truồng trước mặt Ngài nữa. Chúng ta được bao phủ bởi áo công bình của Chúa Cứu Thế. Ðây là điều mà Chúa ám chỉ trong câu 9 khi Ru-tơ nói với Bô-ô, dầu nàng không hiểu gì về ý nghĩa thuộc linh ở đây, nhưng Ðức Chúa Trời hiểu. Ngài hướng dẫn Ru-tơ nói câu: "Xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông". Nói cách khác, nàng nói: Chỉ dưới bóng cánh của Chúa, sự trần truồng của con mới được che đậy, con muốn được nhận diện trong sự chuộc tội của Ngài, con muốn tội lỗi con được che phủ bởi huyết của Ngài. Ðây là hình ảnh rất đẹp mà chúng ta có trong câu nầy.
Lần tới chúng ta sẽ thấy sự ám chỉ trong câu nói của nàng: "vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi" , và trong câu 10 Bô-ô nói với Ru-tơ: "Việc nhơn từ con làm lần sau nầy, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận giàu hay nghèo". Chúng ta tự hỏi, không biết có ý nghĩa thuộc linh gì ở đây?