Chúng ta đang học sách Ru-tơ, chúng ta có cảm giác rằng từng lời từng chữ trong sách nầy được cẩn thận lựa chọn bởi Ðức Chúa Trời. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta phải đọc trong Tân ước mới có thể tìm ra Tin Lành cứu rỗi của Chúa. Thật vậy, bức tranh về ân điển và sự cứu rỗi của Chúa cho chúng ta rất rõ ràng một cách lạ lùng trong Tân ước, nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng chương trình cứu rỗi của Chúa bắt đầu trước khi Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất.
Nếu cẩn thận tra xem lời của Chúa, chúng ta sẽ thấy Ngài ghi lại chương trình cứu rỗi nầy xuyên suốt qua cả Kinh Thánh. Bắt đầu từ Sáng thế ký và bây giờ đến sách nầy là sách được viết 1.100 năm trước khi Chúa Giê-xu ra đời. Chúng ta thấy rằng tất cả những sự trình bày đều chỉ về Chúa Giê-xu, chỉ về lẽ thật Tin Lành cứu rỗi của Chúa. Mặc dầu những người Do thái trong thời Cựu ước không nhìn ra lẽ thật nầy, lý do vì Chúa nói cách nầy để giấu đi lẽ thật. Mác chương 4 chép, Chúa Giê-xu dùng thí dụ để họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy.
Chúa đã không trình bày sứ điệp Tin Lành một cách rõ ràng vì con người thường không đến với Kinh Thánh bởi đức tin, người ta chỉ nhờ cậy vào sự công bình của chính mình. Người ta chỉ tin cậy vào khả năng trí thức của con người mà thôi, đối với họ Kinh Thánh không phải là Lời hằng sống. Nhưng khi chúng ta đến với Kinh Thánh bằng đức tin, tin rằng đây là Lời của Chúa thì chúng ta sẽ bắt đầu lần ra manh mối những thí dụ lịch sử mà Chúa đã đặt để trong Kinh Thánh cho chúng ta. Rồi chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng Chúa rất thành tín với tất cả những lời hứa của Ngài. Tất cả những điều Kinh Thánh ghi lại cho chúng ta, những sự thật trong lịch sử liên quan đến lễ chuộc tội đều được nói trước bằng một phương cách rất hay, hằng trăm hay hàng ngàn năm trước khi Chúa Giê-xu bước vào sân khấu lịch sử. Chúng ta sẽ tìm ra tất cả những khía cạnh của sự chuộc tội đã được chép ra trong sách Ru-tơ nếu chúng ta tra xem lời Ngài một cách cẩn thận.
Kinh Thánh là cả một khối dính liền, chỉ có một sứ điệp về tình thương của Ðức Chúa Trời cho những ai tin nhận Ngài. Chúng ta sẽ thấy nhiều chi tiết trong câu chuyện nầy hình như là kỳ quặc theo khung cảnh lịch sử. Bởi vì Chúa đã hướng dẫn những người nầy nói những lời như vậy để cho lẽ thật thuộc linh được chiếu sáng trực tiếp, ngọt ngào và rõ ràng hơn cho chúng ta. Trong câu 10 Ru-tơ và ọt-ba nói: "Chúng tôi sẽ trở về* với mẹ đến quê hương của mẹ". Ðây là một chữ sai mà họ đã dùng. Họ chưa bao giờ đến Bết-lê-hem, họ không phải là công dân của Y-sơ-ra-ên, họ chưa bao giờ sống tại Bết-lê-hem. Quê hương của họ là Mô-áp, làm sao họ có thể trở về nơi mà họ chưa bao giờ đến trước kia? Họ nên nói là chúng tôi sẽ đi với mẹ đến quê hương của mẹ. Nhưng chúng ta biết rằng Chúa có một lẽ thật thuộc linh lạ lùng ở đây. Lẽ thật thuộc linh ở đây là, con người không phải bắt đầu là tội nhân, là khách lạ đối với Chúa, ban đầu con người không phải là kẻ thù của Chúa như ngày hôm nay. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Ðức Chúa Trời, bắt đầu bằng mối tương giao hoàn hảo với Chúa, bắt đầu bằng tình cảm thắm thiết với Ðức Chúa Trời, chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh nầy trong sách Sáng thế ký. A-đam và Ê-va có mối liên hệ mật thiết với Chúa, tất cả chúng ta đều ra từ dòng giống của A-đam và Ê-va, vì họ là tổ tiên của cả loài người.
Con người ban đầu ở với Chúa, nhưng vì cớ tội lỗi, chúng ta hội nhập vào thế gian nầy, trở thành kẻ xa lạ đối với Ðức Chúa Trời, chúng ta giống như những người sống ở Mô-áp, một dân tộc bị rủa sả! Thực tế, cả thế gian đều ở dưới sự rủa sả của Chúa, thế gian bị rủa sả vì cớ tội lỗi của con người. Thế gian hư mất đang trên đường đi vào địa ngục và đối diện với sự phán xét. Trừ phi bởi lòng thương xót của Chúa, tất cả loài người đều phải bị đi địa ngục đời đời dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời. Cũng vậy, khi chúng ta được cứu, chúng ta đến với Chúa Giê-xu có nghĩa là trở về cùng Chúa. Ðiều đó không có nghĩa là trước kia chúng ta đã biết Chúa, theo Chúa một thời gian cho nên bây giờ chúng ta trở lại với Ngài, nhưng vì chúng ta là một trong những thành viên của loài người, là dòng dõi của A-đam và Ê-va. Chúng ta trở về cùng Chúa khi chúng ta đến với Chúa Giê-xu.
Giống như câu chuyện đứa con trai hoang đàng, nó là một người trong gia đình, nó là con và được hưởng thụ tất cả những phúc lộc của người cha. Nhưng nó đã đi theo đường riêng của nó, đến một phương xa và tiêu xài phung phí tất cả của cải, nó sống một lối sống chống lại chính cha nó, nó quên đi tất cả những sự đầy đủ, sung sướng trong nhà cha nó, lối sống của nó hoàn toàn ngược lại với sự mong muốn của cha nó. Cũng giống vậy, đời sống của con người tội lỗi luôn chống cự lại với Ðức Chúa Trời. Nhưng rồi đến một thời điểm trong đời của nó, nó tỉnh ngộ và tự nhủ rằng ta sẽ trở về cùng cha ta, nó nhận ra rằng nó không còn gì nữa cả trên thế gian nầy. Nó bị mất tất cả, nó phải ăn vỏ đậu của heo, cho nên nó nói rằng ta sẽ trở về cùng cha ta, nó chỉ muốn trở thành đứa đầy tớ của cha nó mà thôi.
Ðây là hình ảnh của Ru-tơ và ọt-ba, họ bị thiếu thốn đủ mọi sự, họ bị mất chồng, mất cha chồng, họ là những người góa bụa, và theo xã hội thời bấy giờ những người góa bụa là những người ở trong hoàn cảnh đáng thương nhất. ễ đây là ba người đàn bà góa không có người đàn ông, không có chồng để chăm sóc cho họ, họ nói rằng chúng tôi sẽ trở về với quê hương của mẹ. Ðó là ngôn ngữ của những ai khám phá ra rằng tình trạng thuộc linh của mình bị đổ vỡ và nói rằng tôi quyết định tin nhận Chúa Giê-xu, tôi muốn Ngài làm Chúa và Cứu Chúa của đời sống tôi, tôi nhận biết tội lỗi của tôi, tôi nhận ra rằng tôi đã sống chống lại Chúa, "Lạy Ðức Chúa Trời xin thương xót lấy tôi, vì tôi là người có tội". Ðó là quay trở lại cùng Chúa.
Chú ý chỗ nầy họ nói: "Chúng tôi sẽ trở về* với dân tộc của mẹ" Ai là dân tộc của Na-ô-mi? Dân tộc của Na-ô-mi là những người sống tại Bết-lê-hem, mà Bết-lê-hem là Nhà bánh. Dân tộc của Na-ô-mi là dân Y-sơ-ra-ên, là dân được lựa chọn, là dân sự của Chúa. Vì vậy, Ru-tơ và ọt-ba bắt đầu tìm ra một hướng đi đúng là đi đến cùng Ðức Chúa Trời của Kinh Thánh.
Khi chúng ta nhận ra rằng tâm linh chúng ta bị rắc rối, thấy thiếu sự bình an trong tâm hồn, chúng ta có cảm giác chúng ta đang ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta, chúng ta sẽ bắt đầu tìm đến Chúa, có phải như vậy không? Nhưng làm thế nào chúng ta đến với Ngài? Ngài ở đâu? Ngài là ai? Có đủ hạng người tìm đến chúa nầy, thần nọ để mong tìm được sự đầy đủ, giàu có, thỏa mãn, sự bảo đảm cho cuộc sống. Họ hi vọng những điều đó có thể cung cấp câu trả lời cho họ, hoặc họ có thể đến một tôn giáo nào đó có thể đáp ứng được nhu cầu sâu xa của con người, và cố gắng tìm câu trả lời ở đó. Ru-tơ và ọt-ba đã bắt đầu hướng đi đúng, họ muốn đến cùng dân tộc của Na-ô-mi, họ muốn trở về Bết-lê-hem là Nhà bánh, là thành phố gắn liền với Chúa Giê-xu, Ðấng được sinh ra tại Bết-lê-hem và là Bánh hằng sống. Ðây là hình ảnh của những người bắt đầu nghĩ đến Tin Lành thật.
"Na-ô-mi đáp: Hỡi hai con gái ta, hãy trở về, đi với mẹ làm chi? Mẹ há còn những con trai trong lòng có thế làm chồng chúng con sao? Hỡi hai con gái ta hãy trở về đi đi; mẹ già quá mà lấy chồng nữa. Lại dầu bây giờ mẹ nói: Ta có lòng trông mong, từ chiều nay ta sẽ có chồng, dẫu ta sanh đẻ con trai đi nữa, chúng con há lại muốn đợi cho đến chúng nó khôn lớn, và không lấy chồng khác hay sao? Không, hỡi chúng con, nỗi sầu thảm cuả mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Ðức Giê-hô-va đã giơ ra hại mẹ." (Câu 11-13). Theo sự kiện lịch sử thì Na-ô-mi nói rất đúng không có gì lạ cả nhưng rất là lạ khi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa thuộc linh.
Trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu về sự kiện lịch sử, điều nầy rất dễ hiểu. Ru-tơ và ọt-ba còn trẻ, Na-ô-mi thì đã già không còn có thể sanh con được, hơn nữa bà cũng không có chồng. Ru-tơ và ọt-ba không những chỉ mất chồng mà còn mất cả hy vọng có con theo dòng dõi của chồng họ. Chúa đã ra một luật lệ là: Nếu người chồng chết không con thì người anh em hoặc bà con còn sống phải cưới người đàn bà đó để có thể sanh con thế cho người đã chết, làm như vậy để bảo vệ sự cá biệt của dòng giống. Nhưng dòng dõi nầy thì bị chấm dứt vì Mạc-lôn và Ki-li-ôn đều chết và Na-ô-mi không còn hy vọng để sanh con nữa. Cả một bức hình đen tối! Vì vậy Na-ô-mi rất đúng khi bà nói: Hãy trở về nhà các con, ở trong xứ các con, nơi đó các con có thể tìm được một người chồng khác, rất có thể các con sẽ sanh đẻ con cái cho chính các con. Chuyện nầy không thể xảy ra được nếu các con đi với mẹ, các con sẽ không tìm được câu trả lời ở nơi mẹ. Theo sự kiện lịch sử thì bà nói rất có lý, nhưng nếu tìm hiểu theo nghĩa thuộc linh thì giống như một cú đánh giáng trên chúng ta. Trong câu 10 họ nói: "Chúng tôi sẽ trở về* với mẹ, đến quê hương của mẹ". Có nghĩa là chúng tôi muốn có sự liên quan với Ðức Chúa Trời của mẹ, chúng tôi muốn tin tưởng như mẹ tin.
Nếu chúng ta đi làm chứng cho người nào đó và họ tỏ thái độ rất phấn khởi mong muốn Ðấng Christ trở thành Ðấng Mê-si, là Cứu Chúa của họ thì chúng ta sẽ không bảo họ: "Ðừng! Ðừng! Bạn đừng nên trở thành Cơ đốc nhân, bạn sẽ không có sự vui vẻ gì khi bạn trở thành Cơ đốc nhân, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn phải từ chối chính mình bạn". Thường thường phản ứng của chúng ta là rất thích thú, chúng ta sẽ bắt đầu khuyến khích họ, chúng ta sẽ bắt đầu vẽ ra một bức tranh tươi sáng nhất. Trong lòng chúng ta rộn rã, chúng ta sẽ tìm đủ mọi cách để khuyến khích người mà chúng ta đang làm chứng cho, để họ bắt đầu đi một mạch đến việc trở thành một người được sanh lại. Có phải đó là cách chúng ta làm không? Nhưng ở đây Na-ô-mi làm ngược lại. ễ điểm nầy có lẽ chúng ta sẽ nói là rõ ràng chúng ta sẽ không cần tìm ý nghĩa thuộc linh trong chi tiết đặc biệt nầy. Theo tính chất lịch sử thì rất đúng, chúng ta không mong đợi Na-ô-mi nói gì khác hơn là bảo họ ở lại Mô-áp, chắc chắn là không có lý trong ý nghĩa thuộc linh. Như vậy chi tiết nầy không ý nghĩa thuộc linh gì ở trong đó, chúng ta chỉ chấp nhận dữ kiện lịch sử vậy thôi.
Xin đừng vội, chúng ta nên nhìn thêm vào Kinh Thánh hơn là sự suy nghĩ của chúng ta. Chúa Giê-xu đã thật sự làm gì? Chúng ta đọc trong Lu-ca 14:26-33, "Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình và chính sự sống mình nữa thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta. Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao? E khi đã xây nền rồi, không làm xong được, thì mọi người thấy liền chê cười, và rằng: Người nầy khởi công xây mà không thể làm xong được! Hay là có vua nào đi đánh trận cùng vua khác, mà trước không ngồi bàn luận xem mình đem đi một muôn lính có thể địch nổi vua kia đem hai muôn cùng chăng sao? Bằng chẳng nổi, khi vua kia còn ở xa, sai sứ đi xin hòa. Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta". Chúng ta thấy Chúa Giê-xu dạy ở đây là chúng ta không đi ra để quyến rũ người ta vào trong Tin Lành, chúng ta đi ra không phải để nói với họ về những quyền lợi lạ lùng trong việc tin nhận Chúa Giê-xu.
Chúng ta phải cho họ biết toàn bộ câu chuyện, chúng ta phải kể cho họ đúng ý nghĩa của Tin Lành là gì. Ðể trở thành người tin nhận Chúa Giê-xu có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ chính mình; có nghĩa là chúng ta phó thác mình vào Chúa Giê-xu; nghĩa là chúng ta sẽ có một đời sống hoàn toàn đổi khác; có nghĩa là chúng ta sẽ có những người bạn khác; có nghĩa là mục đích, kế hoạch trong đời sống chúng ta phải thay đổi. Nếu chúng ta trình bày Tin Lành cho ai, chúng ta phải trình bày nguyên cả bức tranh, chúng ta không nên nói đơn giản là Chúa yêu bạn, tất cả những gì bạn phải làm là tin nhận Chúa, rồi mọi việc sẽ êm xuôi tốt đẹp. Có người khi trình bày Tin Lành gần như muốn bảo rằng khi bạn được cứu bạn sẽ không gặp rắc rối gì trên thế gian nầy nữa. Và rồi sau khi người nào đó tiếp nhận đạo Tin Lành và khám phá ra rằng họ bị đủ thứ hoạn nạn, họ tự hỏi không biết điều gì xảy ra cho họ! Khi chúng ta mang Tin Lành đến cho người khác, chúng ta phải mang tất cả lẽ thật trong Lời của Chúa. Chúng ta phải chỉ rõ ra rằng nếu bạn được cứu, bạn đến với Chúa Giê-xu, thì bạn không thể nào tiếp tục sống trong tội lỗi. Không có loại Cơ đốc nhân xác thịt, có nghĩa là chúng ta phải ăn năn, chúng ta phải từ chối chính mình, rất có thể chúng ta phải lìa bỏ cha mẹ mình, có thể chúng ta phải chịu gia đình từ bỏ. Chúa làm tất cả mọi sự để cứu chúng ta, chúng ta chấp nhận phải có một sự thay đổi lớn lao trong đời sống của chúng ta. Trừ khi chúng ta nhận ra điều nầy, chúng ta chưa thật sự đối diện với Tin Lành thật là gì.
* Theo nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ là trở về.