Trong bài học rồi chúng ta đã tìm hiểu thật lâu để xem ai là người bà con gần kia. Bô-ô đã đi đến cổng thành, cổng thành là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là cái cửa, nhờ Ngài chúng ta mới có thể bước vào thành của Ðức Chúa Trời. Bô-ô đã mời mười người trưởng lão ngồi xuống, ông cũng mời người bà con kia ghé lại và ngồi xuống, xong ông cũng ngồi.
Nơi cổng đó, trước sự hiện diện của Chúa, lời của Ðức Chúa Trời sẽ phân xử xem ai là người công bình trước mặt Ðức Chúa Trời. Bởi vì phải có ai đó là người công bình để chúng ta mới có được người chuộc. Chúng ta đã thấy người kia bà con với Ru-tơ gần hơn Bô-ô. Người bà con gần kia là hình bóng về nhân loại. Nhân loại được lệnh phải yêu thương nhau, hi sinh mạng sống cho bạn hữu mình, yêu thương kẻ thù nghịch mình, nhưng nhân loại từ chối làm điều nầy. Chỉ còn một người bà con còn lại đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tôi xin nói thêm, chữ "bà con" mà chúng ta đọc trong sách Ru-tơ theo tiếng Hê-bơ-rơ cũng có nghĩa là người cứu chuộc chỉ trừ ra hai trường hợp.
Bô-ô gọi người bà con kia ghé lại, chúng ta không biết được tên người kia là gì, nói về thuộc linh ông là đại diện cho toàn thể nhân loại. Chữ ghé lại trong câu 1 bày tỏ rằng bản chất tự nhiên của con người là bận rộn. Con người luôn bận rộn với việc riêng của mình. Họ không cần quan tâm đến những việc mà Ðức Chúa Trời muốn họ làm. Người bà con nầy đang bận rộn với việc riêng, Bô-ô bảo người đó để công việc qua một bên, lại gần và ngồi đây để nghe điều mà Bô-ô sẽ đề nghị.
Trong Kinh Thánh chữ ngồi thường chỉ về sự cai trị. Ðặc biệt trong trường hợp nầy rất có ý nghĩa. Những người trưởng lão ngồi tại cổng thành để phân xử vấn đề trong thành. Người bà con nầy được yêu cầu ngồi xuống để phân xử về việc có đồng ý làm người chuộc sản nghiệp không. Ðức Chúa Trời dựng nên con người để cai trị, ban đầu con người được dựng nên để cai quản thế giới nầy, nhưng con người đã bán quyền cai trị đó cho Sa-tan. Khi A-đam và Ê-va phạm tội cùng Ðức Chúa Trời thì Sa-tan trở thành vua chúa của thế giới nầy.
Bởi vì chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Ngài cho nên chúng ta có quyền cai trị. Ðức Chúa Trời đến với con người và hỏi rằng: ngươi có đồng ý làm người chuộc lại không? Ngài không hạ chúng ta xuống, Ngài xem chúng ta như là người có quyền cai trị, nhưng vì chúng ta quá bận rộn với việc riêng của mình, vì chúng ta quá ích kỷ, trên hết, bởi vì chúng ta là tội nhân cho nên chúng ta không thể làm người chuộc được. Trong phân đoạn nầy Ðức Chúa Trời đặt chúng ta chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Ngài không nhìn xem chúng ta như là người đã mất hết khả năng để cai trị. Ngài đến với chúng ta bằng lời của Ngài để xem chúng ta hành động như thế nào.
Ở đây có mười hai người đang ngồi và đối diện cùng một câu hỏi. Bô-ô hỏi người bà con kia trước sự hiện diện của mười người trưởng lão. Ông nói: "Na-ô-mi ở Mô-áp trở về, rao bán miếng đất của Ê-li-mê-léc, anh chúng ta". Xin ôn lại để cho nhớ: Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi là dân của Bết-lê-hem, họ có đất có ruộng ở đó, nhưng vì có cơn đói kém đến trong xứ họ đã bán đất của họ đi, cuối cùng quá nghèo, họ đã đi đến xứ Mô-áp để tránh nạn đói xảy ra tại Bết-lê-hem. Ê-li-mê-léc qua đời ở đó và hai con trai đã lập gia đình với dân Mô-áp, cũng qua đời.
Bây giờ Na-ô-mi góa bụa trở về Bết-lê-hem cùng với Ru-tơ cũng góa bụa là vợ của một trong hai con của bà. Họ không còn đất đai, sản nghiệp gì trong lúc nầy, nhưng thật ra theo pháp lý miếng đất còn ở dưới danh nghĩa của Na-ô-mi. Miếng đất nầy thuộc trong gia đình Ê-li-mê-léc mà Na-ô-mi lập gia đình với Ê-li-mê-léc, Ru-tơ thì lập gia đình với Mạc-lôn cho nên hai người đàn bà nầy được nhận diện có mối liên hệ với miếng đất dù đã bán đi trong lúc đói kém xảy ra. Na-ô-mi là người còn sống cho nên bà đại diện cho gia đình Ê-li-mê-léc để bán miếng đất nầy.
Theo luật pháp trong Lê-vi-ký 25:25 "Nếu anh em ngươi trở nên nghèo, và bán một phần sản nghiệp mình, thì người bà con gần có quyền chuộc lại, phải đến chuộc phần đất anh em người đã bán." Theo luật nầy người bà con gần của gia đình nghèo có thể chuộc sản nghiệp lại, cho nên trong trường hợp nầy, người đã mua miếng đất của Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi phải bán lại theo như luật pháp của Ðức Chúa Trời đã đặt ra. Ðức Chúa Trời có ý làm như vậy để sản nghiệp luôn còn trong gia đình. Ðây là phần đầu của việc thực hiện mà người bà con kia đang đối diện.
Bô-ô đang bàn với người kia, ông nói về những việc đã xảy ra cho Na-ô-mi và bây giờ ông bày tỏ trong câu 4: "Tôi muốn báo cáo cho anh hay và nói rằng: Tại trước mặt những người ngồi đây và trước mặt các trưởng lão của dân sự tôi, xin hãy mua sản nghiệp đó. Nếu anh muốn chuộc sản nghiệp đó lại, thì hãy làm đi; bằng không, thì hãy tỏ ra cho tôi biết. Vì trước anh chẳng ai có quyền chuộc lại, và sau anh, quyền này trở về tôi. Người đáp: Tôi sẽ chuộc." Trước hết ta hãy xem xét sự kiện trong lịch sử.
Bô-ô đang nói với người bà con kia rằng: Bây giờ tôi cho anh một lời khuyên, anh bà con gần hơn tôi, anh có quyền ưu tiên chuộc lại đất hầu cho cứ còn lại trong gia đình của Ê-li-mê-léc. Nếu anh tình nguyện làm việc nầy thì rất tốt, còn không, tôi là Bô-ô, người kế sau anh sẽ làm. Người đó nói rằng: "Tôi sẽ chuộc". Theo sự kiện lịch sử chúng ta có thể hiểu tại sao ông ta nói như vậy. Vì ông sẽ làm chủ miếng đất nầy, dù nó vẫn còn trong gia đình của Ê-li-mê-léc mà ông là người trong gia đình, ông sẽ thu hoa lợi ra từ nó. Ðây là ý kiến làm cho ông thích lắm cho nên ông nói ngay: "Tôi sẽ chuộc". Chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa thuộc linh gì qua sự việc nầy.
Chúng ta đã biết từ lâu, sách Ru-tơ là ẩn dụ lịch sử tuyệt vời, qua sự kiện lịch sử Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta một số lẽ thật thuộc linh. Trước hết, hãy nói về sự chuộc sản nghiệp đất đai. Ðức Chúa Trời ban thế giới nầy cho con người. Từ lúc ban đầu Ðức Chúa Trời đặt A-đam và Ê-va trên đất nầy để cai quản những vật thọ tạo khác. Giả sử, nếu tội lỗi không vào trong thế gian thì sẽ không có sự chết và trái đất nầy sẽ tồn tại đời đời. Ðó là điều được ám chỉ trong Sáng-Thế Ký chương 1 đến 3. Ðức Chúa Trời phán với A-đam và Ê-va: "nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết" (Sáng 2:17). Theo một ý nghĩa, trái đất nầy được ban cho con người và sẽ tồn tại đời đời. Nhưng một rắc rối lớn đã xảy ra.
Con người phản loạn chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. A-đam và Ê-va là người đầu tiên trên mặt đất, đại diện cho tất cả chúng ta khi họ phạm tội, theo một ý nghĩa tất cả chúng ta đều ra từ lòng họ. Trái đất nầy đã bị rủa sả, bị rủa sả không phải vì nó phạm tội hay có điều gì sai trật trong sự sáng tạo, nó bị rủa sả bởi vì con người phạm tội, và vì con người cai quản trái đất nầy. Chúng ta không thể có một trái đất hoàn hảo ở dưới sự cai trị của con người bị rủa sả. Vì vậy, Ðức Chúa Trời rủa sả luôn trái đất để không có hoàn cảnh kỳ cục: người bị rủa sả cai quản một trái đất hoàn hảo.
Chúng ta đọc trong Rô-ma 8:20-23, "Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Ðấng bắt phục. Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Ðức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay; không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Ðức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy." Con người bị rủa sả, trái đất bị rủa sả, đó là kế hoạch của Ðức Chúa Trời để trái đất nầy phải bị đốt bằng lửa.
Hậu quả của sự rủa sả của Ðức Chúa Trời là sự chết. Sự chết đến với con người, thú vật và những vật thọ tạo khác cũng bị hủy diệt. Chúng ta đọc thấy điều nầy trong 2 Phi-e-rơ 3, đó là hậu quả của sự rủa sả. Hình ảnh nầy giống như việc đã xảy ra cho Na-ô-mi và Ê-li-mê-léc. Họ bán đất đi, nó không còn thuộc về họ nữa. Cũng vậy, bởi tội lỗi của con người, đất nầy đã bị bán, bị bán bởi sự rủa sả của Ðức Chúa Trời, nó phải bị hủy diệt. Tuy nhiên, theo kế hoạch của Ðức Chúa Trời trái đất nầy có thể tiếp tục đời đời nếu tìm được người chuộc, nếu có ai đó mua lại đất nầy cho nhân loại.
Khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá, Ngài đến không phải chỉ chuộc con người, không phải chỉ để cứu những người tin nhận Ngài, nhưng Ngài cũng đến để mua lại vũ trụ, mua lại đất nầy. "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian", thế gian đây là vũ trụ, là tất cả những vật thọ tạo, "đến nỗi đã ban Con Một của Ngài". Ðó là lý do tại sao Chúa Cứu Thế đến để làm người cứu chuộc. Mặc dù vì tội lỗi của con người, trái đất nầy sẽ bị hủy diệt bằng lửa, Ðức Chúa Trời sẽ sáng tạo lại trời mới, đất mới để tồn tại đời đời cũng như những người được chuộc sẽ tồn tại đời đời bởi vì Ðức Chúa Trời đã ban đất nầy cho con người.
Bạn có nhớ Chúa Giê-xu dạy trong bài giảng trên núi: "Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!" Ai là người nhu mì? Người nhu mì là người tự hạ mình xuống trước mặt Ðức Chúa Trời, là người giao thác ý riêng mình cho Ðức Chúa Trời, là người đến với Ðức Chúa Trời bằng tấm lòng đau thương và thống hối. Họ là những người sẽ hưởng được đất bởi vì Chúa Cứu Thế không chỉ chuộc con người mà thôi, Ngài cũng chuộc đất lại thay cho con người. Ðó là điều được nhìn thấy trong Lê-Vi Ký 25:25. Theo sự kiện lịch sử, nếu gia đình nào bán đất mình thì người bà con gần có quyền chuộc lại, phải đến chuộc hầu cho đất ấy vẫn còn trong gia đình. Ðó là hình ảnh của sự cứu chuộc mà Ðức Chúa Trời ban cho qua Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài lên thập tự giá.
Ngài không chỉ chuộc những người tin nhận Ngài nhưng cũng chuộc lại đất nầy khỏi sự rủa sả của tội lỗi. Ðức Chúa Trời đặt trong con người một ý thức rằng: họ phải làm người chuộc. Chúng ta đã thấy trong bài học rồi rằng, chúng ta phải yêu kẻ thù nghịch, phải hi sinh mạng sống cho bạn hữu mình, phải yêu người lân cận như mình. Ngay cả những người không biết gì về Kinh Thánh, Ðức Chúa Trời cũng cho họ một nhận thức rằng họ phải là người chuộc trong một ý nghĩa nào đó. Thật ra "báo cáo" trong câu 4 theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là mở lỗ tai anh ra, cho nên chúng ta có thể đọc như thế nầy: Tôi muốn mở lỗ tai anh ra và nói rằng. Chữ "nói" ở đây là cùng một chữ với chữ "phán" trong Sáng-Thế Ký 1:3, "Ðức Chúa Trời phán rằng: phải có sự sáng". Như vậy câu 4 có ý nghĩa: Ðức Chúa Trời ban lời Ngài để mở lỗ tai của người bà con kia, là đại diện cho nhân loại, nói cho họ biết cơ hội để làm người chuộc.
Chúng ta thấy điều nầy trong Rô-ma chương 1 và 2, đặc biệt là chương 2. "Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Ðức Chúa Trời bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi" (Rô-ma 2:14-16).
Bạn thấy không? Ðức Chúa Trời đã viết một số luật pháp trong lòng của con người để họ biết rằng giết người là sai, trộm cắp là sai, nói dối với người lân cận cũng là điều sai. Luật nầy đã được đặt đó để cho con người biết rằng bởi làm theo luật nầy thì họ sẽ mong muốn điều tốt nhất cho người lân cận mình. Họ không nên giết người, không nên phạm tội tà dâm, không nên trộm cắp, không nên nói dối. Nói cách khác, đây là cơ hội cho nhân loại chuộc người lân cận mình. Nhưng bản chất tự nhiên của con người cứ vi phạm luật nầy luôn luôn. "Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn" (Ma-thi-ơ 15:19).
Con người không muốn làm người chuộc. Ðức Chúa Trời bày tỏ trong câu 4, Ngài đã mở lỗ tai của con người để ít nhất họ nhạy cảm thấy được sự mong muốn của Ðức Chúa Trời rằng họ nên làm người chuộc. Ðức Chúa Trời đã đặt luật Ngài trong lòng của con người ngay cả người không có Kinh Thánh, để họ không có lý do gì bào chữa khi họ không yêu thương người lân cận, khi họ từ chối làm người chuộc sản nghiệp cho người lân cận mình.
"Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở." 2 Phi-e-rơ 3:13