Khi tiếp tục học sách Ru-tơ, nhiều lần chúng ta khám phá ra rằng, sách Ru-tơ không phải là một sách mà nhìn sơ qua chúng ta có thể hiểu được. Tôi chắc rằng nhiều lần bạn đọc sách nhỏ nầy, bạn sẽ tự hỏi tại sao Chúa lại đặt sách nầy trong Kinh Thánh. Có lẽ lý do lớn nhất mà bạn nghĩ ra là: Ðức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta thấy rằng ngay cả người đàn bà bị rủa sả là Ru-tơ, người Mô-áp, có thể trở thành một người trong dòng dõi của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Rõ ràng, nàng là một trong những tổ tiên của Chúa Giê-xu về phần xác thịt. Nhưng khi học thật kỹ càng sách Ru-tơ, chúng ta tìm thấy nhiều ngôn ngữ rất kỳ quặc. Ðức Chúa Trời đã chọn lựa từng chữ rất là cẩn thận, bởi vì nhiều hơn là tình tiết của một câu chuyện tình hấp dẫn, chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng từng câu, ngay cả từng chữ đều ám chỉ đến sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời đã hoạch định cho chúng ta. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ không cảm thấy khó chịu khi chúng ta tìm thấy lẽ thật thuộc linh trong sách Ru-tơ.
Ðể tìm ra lẽ thật thuộc linh giấu kín trong sách Ru-tơ hay bất cứ sách nào trong Kinh Thánh, chúng ta không thể dùng sự suy đoán đến trong trí của mình và nói rằng có thể hiểu thế nầy hoặc hiểu thế khác. Chúng ta phải gắn chặt với Kinh Thánh, chính Kinh Thánh giải thích cho Kinh Thánh. Chúng ta không được tìm những lẽ thật thuộc linh sâu sắc một cách không căn cứ, hoặc từ suy nghĩ của chúng ta, nhưng phải tìm trong Kinh Thánh để xem Ðức Chúa Trời có ban cho chúng ta kết luận nào không, và phải chắc rằng những gì chúng ta tìm kiếm đã được chép ở một chỗ nào đó trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là cả một khối dính liền, Kinh Thánh là lời của Ðức Chúa Trời đáng tin cậy, trí óc của chúng ta thì không thể tin cậy được. Bạn đã nhận thấy rằng khi chúng ta học sách Ru-tơ, những bài học thuộc linh mà chúng ta nhận được luôn luôn hướng về tính chất căn bản của sự cứu rỗi.
Tôi thích nói về sự cứu rỗi tuyệt vời mà Ðức Chúa Trời ban cho tôi, nhưng không phải vì thế mà tôi cứ tìm kiếm điều gì đó liên quan đến sự cứu rỗi trong từng câu và nếu có thể vặn cho méo mó hay lật bề trái ra bề phải thì cứ tự tiện làm. Không! làm như vậy rất sai lầm, như vậy là đi ngược lại với ý định của Kinh Thánh. Khi chúng ta so sánh những chữ được dùng ở đây và những chỗ khác trong Kinh Thánh, so sánh với thực tế của sự cứu rỗi thì thấy có mối liên hệ rất rõ rệt, luôn luôn gắn liền với sự cứu rỗi. Khi tìm kiếm lẽ thật thuộc linh, chúng ta sẽ thấy những lẽ thật thuộc linh luôn liên quan đến sự cứu rỗi. Trong Tân Ước, khi Chúa Giê-xu nói thí dụ thì Ngài thường nói "Nước thiên đàng giống như..." "Nước thiên đàng giống như hạt cải hay người gieo giống". Nhiều lần như vậy, Ngài gắn liền những thí dụ với nước thiên đàng. Nhưng nước thiên đàng là gì? Nước thiên đàng là nước của Ðức Chúa Trời hay vương quốc của Chúa Cứu Thế.
Ðó là vương quốc lạ lùng mà chúng ta bước vào khi chúng ta được cứu. Chúa Giê-xu nói về điều nầy với Ni-cô-đem rất rõ ràng trong Giăng 3:3,5 "Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Ðức Chúa Trời", "Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Ðức Chúa Trời". Nghĩa là, trừ khi bạn được rửa sạch bởi lời của Ðức Chúa Trời trong đời sống bạn, bạn không thể nào bước vào thiên đàng được. Nước thiên đàng gắn liền với sự cứu rỗi, Chúa Giê-xu là vua của vương quốc mà chúng ta sẽ bước vào khi chúng ta được cứu. Như Cô-lô-se 1:13 chép: "Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài". Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi chúng ta tìm thấy ý nghĩa thuộc linh trong những chữ hay câu kỳ quặc trong sách Ru-tơ và thấy rằng nó gắn liền với nước thiên đàng hay sự cứu rỗi.
Chúng ta không bao giờ phủ nhận sự kiện lịch sử, sự thực tế của những gì đã xảy ra. Có Ru-tơ, có Bô-ô, có Na-ô-mi, Bết-lê-hem, xứ Mô-áp và những câu đối thoại mà chúng ta đọc trong sách Ru-tơ đã thật sự xảy ra. Ðáng buồn thay! nhiều người bắt đầu cảm giác rằng trong Kinh Thánh có lẽ thật thuộc linh và trong sự sốt sắng của họ muốn tìm ra ý nghĩa thuộc linh đó, họ đã phủ nhận sự thực tế của lời Ðức Chúa Trời. Cuối cùng, họ đi đến kết luận rằng Kinh Thánh đơn giản chỉ là một bức tranh bằng chữ, những bài học thuộc linh, hay chỉ là một câu chuyện thí dụ lớn mà Ðức Chúa Trời đã viết.
Như vậy chúng ta không cần tìm hiểu về sự kiện lịch sử vì chúng ta không tin Kinh Thánh có ý nghĩa lịch sử hay có giá trị lịch sử. Họ đặt cả Kinh Thánh ngang hàng với những thí dụ mà Chúa Giê-xu dạy. Khi Ðức Chúa Trời nói về sự sáng tạo trong Sáng-thế-ký chương 1, Ngài đã không bịa chuyện để kể cho chúng ta rồi sau đó chúng ta sẽ đọc và quyết định là trong câu chuyện hấp dẫn nầy có lẽ thật thuộc linh nào đó, không đời nào! Chúng ta phải nhớ rằng chương 1 của Sáng-thế-ký hay bất cứ phần nào của Kinh Thánh viết về câu chuyện trong lịch sử thì những câu chuyện đó đã thật sự xảy ra. Những câu chuyện đó là có thật và được chép lại trong Kinh Thánh. Cũng vậy, trong sách Ru-tơ chúng ta biết rằng có Ru-tơ, có Bô-ô, có Na-ô-mi.
Bạn có nhớ không? Trong Mác 4:33-34 "Ấy bởi nhiều lời thí dụ như cách ấy mà Ngài giảng đạo cho họ, tùy theo sức họ nghe được. Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ". Chúa Giê-xu đã trở thành Lời trong xác thịt, Ngài đã đến để sống bày tỏ ra Lời của Ðức Chúa Trời, Ngài được nhận diện là Lời của Ðức Chúa Trời. Vì Kinh Thánh là lời của Ðức Chúa Trời, vì Chúa Giê-xu dùng nhiều thí dụ và chẳng hề giảng mà không dùng thí dụ cho nên chúng ta chắc chắn rằng có nhiều thí dụ xuyên suốt Kinh Thánh. Có nhiều thí dụ Chúa Giê-xu tỏ ra cho chúng ta thật sự là những lẽ thật thuộc linh được giấu trong sự kiện lịch sử. Vâng! nhiều câu chuyện trong những thí dụ Ngài kể thì không có thật trong lịch sử, nghĩa là những câu chuyện nầy đã không xảy ra và Chúa Giê-xu cũng đưa ra những bằng chứng như vậy.
Mặt khác, nhiều việc xảy ra mà Chúa Giê-xu đã làm có thật trong lịch sử, nhưng những câu chuyện đó cũng là những thí dụ trong ý nghĩa thuộc linh sâu sắc hơn được Ðức Chúa Trời nhấn mạnh qua những câu chuyện lịch sử nầy. Thí dụ, khi Chúa Giê-xu chữa lành người bại, Ngài đã không đơn giản chữa lành một người bệnh bại chỉ để bày tỏ rằng Ngài có thể làm phép lạ chữa lành và không còn gì thêm nữa. Không! không chỉ như vậy đâu. Qua câu chuyện nầy Ðức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta biết rằng ngay cả người bị bại từ lúc mới sanh, không có khả năng làm gì cả bởi vì hoàn cảnh bại xuội của người đó, thì cũng giống như vậy, tâm linh của con người chúng ta bị bại xuội.
Chúng ta không có khả năng sống đời sống như cách mà Ðức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta để hưởng đủ mọi điều mà Ngài ban cho chúng ta trong mối tương giao với Ngài. Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài chữa lành người bệnh bại, người mù hay kêu người chết sống lại. Cũng vậy, Ngài đến chữa cho chúng ta là những người bại, người mù, người chết về thuộc linh. Khi chúng ta áp dụng những câu chuyện lịch sử trong các sách Tin Lành, khi chúng ta nhìn sâu vào lẽ thật thuộc linh, chúng ta sẽ thấy sứ điệp cứu rỗi rất đẹp được trình bày bằng một phương cách rất hay.
Bạn còn nhớ câu chuyện người mù trong Giăng 9 không? Môn đồ hỏi Chúa Giê-xu rằng tội của ai, của người hay của cha mẹ người. Câu trả lời của Chúa Giê-xu thật đầy thú vị, "Ðó chẳng phải tại người hay cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Ðức Chúa Trời được tỏ ra trong người". Công việc của Ðức Chúa Trời là đem Tin Lành để chữa lành bệnh tật tội lỗi của linh hồn chúng ta, đó là công việc mà Ngài đã đến để bày tỏ ra cho thế gian nầy. Ngài đã chữa lành người mù, đơn giản bày tỏ rằng ngay cả người nầy bị mù mà ta có thể chữa lành được thì cũng vậy, ta có thể chữa lành tâm linh mù lòa của các ngươi. Ðó là lý do cho những thí dụ, dĩ nhiên có lý do khác cho những thí dụ như Chúa Giê-xu giải thích trong sách Tin Lành Mác (4:11,12).
Nghĩa là, những ai đến với Kinh Thánh mà không tin cậy Kinh Thánh một cách tuyệt đối, những ai không xem Kinh Thánh là lời của Ðức Chúa Trời sẽ không bao giờ khám phá ra lẽ thật thuộc linh. Họ sẽ nhìn vào những câu chuyện lịch sử hay thí dụ mà Chúa Giê-xu kể và nói rằng: Có ý nghĩa gì trong đó đâu, hay họ sẽ đi đến một kết luận sai lầm về những gì Ðức Chúa Trời muốn nói. Ðức Chúa Trời giấu Tin Lành khỏi họ bằng cách nầy. Vì vậy, có nhiều người đọc Kinh Thánh không nhận được sự sâu sắc và đầy ý nghĩa tuyệt vời của Kinh Thánh mà Ðức Chúa Trời trình bày cho chúng ta về sự vinh hiển của sứ điệp cứu rỗi từ trang nầy đến trang khác. Họ đọc những sách nầy và cảm thấy không có gì dính líu đến thông điệp của sự cứu rỗi. Cuối cùng, họ kết luận: "Ðây chỉ là một câu chuyện tình, có một tình tiết rất hay trong câu chuyện giữa Bô-ô, Ru-tơ và Na-ô-mi, có thể đơn giản cho là như vậy".
Nhưng khi chúng ta thật sự biết rằng đây là lời của Ðức Chúa Trời, khi chúng ta thật sự biết rằng Ðức Chúa Trời có một sứ điệp tuyệt vời cho nhân loại, đó là sứ điệp cứu rỗi. Khi chúng ta thật sự biết rằng Ðức Chúa Trời không viết Kinh Thánh một cách vẫn vơ, không mục đích. Khi chúng ta biết từng lời, từng chữ là lời thánh và chính xác chữ mà Ngài muốn nói với chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu thấy Kinh Thánh là khải thị của trí óc vô biên của Ðức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ bắt đầu khám phá ra lẽ thật thuộc linh mà Ðức Chúa Trời đã giấu trong lời của Ngài. Vì vậy, đây là những gì mà chúng ta làm trong khi học sách Ru-tơ. Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ được thách thức đọc Kinh Thánh nhiều lần.
Tôi làm gián đoạn trong bài học nầy để xem xét những gì chúng ta đang làm một cách khách quan. Bởi vì không có điều gì bắt buộc chúng ta tiếp tục áp dụng một phương pháp học Kinh Thánh, rồi sau đó khám phá ra rằng tất cả công việc đó không theo ý của Thánh Kinh gì cả. Nếu chúng ta làm bất cứ việc gì trong đời sống của chúng ta, nếu chúng ta hiểu về bất cứ giáo lý nào thì chúng ta sẽ không ngần ngại đối diện, xem xét một cách khách quan, đây có phải là những gì chúng ta muốn làm hay không? Ðây là cách mà chúng ta làm trong bài học hôm nay, đơn giản xem xét toàn bộ thông lệ của việc tìm kiếm ý nghĩa thuộc linh trong ngôn ngữ thuộc về lịch sử của sách Ru-tơ. Tôi chắc rằng có nhiều người trong quí vị cảm thấy khó chịu khi học những điều nầy. Nhưng bạn có nhận thấy rằng khi học sách Ru-tơ, chúng ta luôn luôn gắn liền Kinh Thánh với Kinh Thánh không? Chúng ta luôn tìm thấy ý nghĩa thuộc linh sâu sắc bởi gắn liền với những phần khác của Kinh Thánh. Thật ra, chúng ta để sách Ru-tơ hướng dẫn chúng ta đến những phần khác trong Kinh Thánh.
Bây giờ chúng ta đang đến chương 2 câu 15, trong bức tranh nầy chúng ta thấy Ru-tơ ăn trưa với Bô-ô, nàng ăn bánh và nhúng miếng nàng trong giấm. Bô-ô đã rất thận trọng bày tỏ ý của ông bằng cách đưa cho nàng hột mạch rang. Trong sự kiện nầy chúng ta đã thấy một bức tranh rất đẹp về tính chất sự cứu rỗi bởi được nhận diện với Chúa Cứu Thế trong sự đóng đinh với Ngài. Chúng ta đã thấy nàng trở ra để mót, đây là bức tranh cho thấy nàng đã trở nên một trong những con gặt. Ðồng lúa đã chín vàng và nàng đang gặt lúa, đập lúa, nàng là đại diện cho những người tín hữu được sanh lại.
Chúng ta là con gặt trong mùa gặt của đồng lúa thế gian, khi chúng ta rao giảng Tin Lành là chúng ta gặt lúa. Chúng ta gặp những người dự phần trong vương quốc của Ðức Chúa Trời, những người mà Ðức Chúa Trời đã lựa chọn để được sanh lại, đây là một phần trong chương trình gặt lúa. Chúng ta đã thấy rằng nàng mót được rất nhiều, một ê-pha lúa mạch. Ê-pha không chỉ bày tỏ sự dư dật, bởi vì một ê-pha lúa mạch là một thùng lúa, số lượng rất nhiều đối với một người đàn bà nghèo, yếu đuối mót được trong một ngày, nhưng cũng là một bức tranh về tình yêu thương của Ðức Chúa Trời cho chúng ta và sự dư dật của Chúa Giê-xu. Chúng ta đã xem xét điều nầy trong Lê-vi-ký 5:11 nói về của lễ chuộc tội.
Trong lễ chuộc tội dân Y-sơ-ra-ên phải đem theo một con chiên, nếu họ không thể có được con chiên thì có thể thay bằng một cặp chim cu hay bò câu, nếu họ nghèo quá không lo nổi một cặp chim thì họ phải mang đến một phần mười ê-pha bột lọc. Chúng ta đã thấy một phần mười của ê-pha là tượng trưng cho cả ê-pha, thật ra là đồng nghĩa với con chiên. Dĩ nhiên, con chiên là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu, vì vậy một ê-pha là hình bóng về Chúa Giê-xu. Khi chúng ta được gắn liền với Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ ở trong Ngài, Ngài được ban cho chúng ta. Tôi tin rằng một ê-pha chỉ về sự dư dật của ân điển Ðức Chúa Trời ban Ðức Chúa Giê-xu cho chúng ta. Chúng ta đã thấy hình ảnh đẹp nầy khi chúng ta học về phần thưởng trọn vẹn trong Sáng-thế-ký 15:1, Ðức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng Ngài là phần thưởng rất lớn của ông. Theo tôi, đây là bài học Chúa dạy chúng ta về chữ một ê-pha hột mạch rang mà Ru-tơ mót được. Nàng đã thật sự tiếp nhận Chúa Cứu Thế như là phần thưởng lớn cho nàng, một ê-pha là hình bóng về Chúa Cứu Thế.
Chúng ta sẽ đến câu mà chúng ta không có dịp học trong bài nầy, câu 16. Dầu sao thì chúng ta sẽ đọc và xem xét trong bài học tới. "Cũng hãy rút vài gié trong bó lúa, bỏ rớt cho nàng lượm lấy..." Thật ra ý định của câu nói nầy Bô-ô bảo các đầy tớ rút lúa ra khỏi bó với mục đích là làm rớt, và theo luật lệ nếu lúa rớt thì họ không trở lại để lượm, phải để dành cho những người nghèo, góa bụa, khách lạ. Tất cả những điều nầy đều gắn liền với Ru-tơ, bởi cách nầy nàng sẽ lượm được nhiều hơn. Ðức Chúa Trời muốn nói gì qua ngôn ngữ nầy bởi vì nhiều hơn việc Bô-ô bảo các đầy tớ làm bộ bỏ lúa rớt, chắc có một ý nghĩa thuộc linh sâu sắc ở đây.