Tôi đọc, trong tự điển: Lư học: danh tự: chỉ sự mô tả về con lừa, có ý diễu. Tội nghiệp con lừa! Tốt bụng thế, tư cách thế, tinh thần thế! Có ý diễu. Tại sao? Ngươi không đáng được mô tả đứng đắn sao? Sự mô tả về ngươi chắc chắn, sẽ là một mẫu chuyện mùa xuân, được lắm chứ. Thế người ta cho con người nào tốt là lừa thì sao? Con lừa nào dữ là con người! Có ý diễu…Ngươi trí thức thế kia, ngươi, làm bạn với người già và trẻ con, với suối, với bướm, với mặt trời và con chó, với hoa, với trăng. Ngươi, kiên nhẫn thế, phiền muộn thế, khả ái thế, hỡi hiền giả của đồng nội. La Rô, dáng chừng thông cảm, nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt to, sáng, rắn rỏi mà dễ chịu, trong đó hình ảnh mặt trời, nhỏ xíu, rực rỡ, sáng lên như thể trong một mảnh trời nhỏ, lồi, xanh đục. A! Giá mà cái đầu to tướng bù xù và hoa tình của nó, biết cho rằng, tôi đang biện hộ cho nó, rằng tôi còn khá hơn những ai viết ra mấy cuốn tự điển kia, rằng tôi cũng tốt bụng gần bằng nó! Và tôi ghi thêm bên lề sách: Lư học: danh từ: có ý diễu, dĩ nhiên, chỉ sự mô tả về con người ngu ngốc viết Tự điển.