Khi chất độc được rút khỏi cơ thể bằng cuộc phẫu thuật mạo hiểm kia, sức khoẻ của Đôn Pêđrô tiến triển rất nhanh. Ngay sáng hôm sau khi mổ, ông đã tỉnh, dù còn rất yếu. Hoàng hậu đến thăm ông và khi bà ra khỏi phòng, mặt bà vui rạng rỡ. Bà kêu lên:
- Ông đã hoàn thành một phép lạ, bác sĩ Xecvêtut ạ! Một phép lạ thực sự!
- Thưa Hoàng hậu, tôi chỉ làm theo lời dạy của các bậc thầy của tôi, – Ăngtôniô khiêm tốn khẽ nói.
- Ông quá khiêm tốn đấy, bác sĩ ạ – Hoàng hậu khẩn khoản nói. – Nhưng ta vẫn sẽ ban thưởng ông xứng đáng. Quan đại thần của ta sẽ chuyển năm nghìn đu-ca vào tài khoản của ông ở ngân hàng nào tuỳ ông định đoạt.
- Nhưng, thưa Hoàng hậu, – anh ấp úng, bối rối. – Tôi không xứng đáng như thế.
Năm nghìn đu-ca sẽ làm anh thành người giàu có. Trong những giấc mơ điên rồ nhất, anh cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình có được một số tiền như thế.
Hoàng hậu vẫn khẩn khoản:
- Ta bắt buộc ông phải nhận. Và ta chắc rằng Đôn Pêđrô còn thưởng ông hậu hơn thế nữa.
Khi Hoàng hậu đi khỏi, Ăngtoan vẫn nói tiếp:
- Nhiều quá! Nhiều quá đáng.
Nhưng Luxia giảng giải:
- Nhiều quá à? Khi đã cứu sống một trong những người chiến sĩ lớn nhất Tây Ban Nha? Và bằng cách mạo hiểm cuộc sống của chính anh? Tôi không thấy như thế là nhiều quá đâu?
- Nhưng tôi làm gì bằng số tiền nhiều như thế? – Ăngtoan bối rối nói.
Luxia nhướng lông mày:
- Anh sẽ gửi ở Ngân hàng Belacmi, nếu anh muốn.
- Tôi không muốn để ở Tây Ban Nha số tiền nhiều như thế.
Cô cau mày suy nghĩ:
- Đúng rồi! Không phải bàn cãi gì nữa. Nước Pháp, anh cần gửi ở đấy.
Ăngtoan nhìn cô, ngơ ngác vì những vấn đề mới:
- Cô nói đúng, nhưng tôi không quen ai ở Pháp cả.
- Không quan trọng. Chú tôi có quan hệ công việc với Ngân hàng Mêđixi ở Pari. Tôi có thể chuyển đến đấy cái gia sản nhỏ của anh.
Ăngtoan mỉm cười:
- Tôi mời cô là người quản lý tài sản cho tôi nhé?
- Tôi đã thấy trước sự việc sẽ như thế, – Luxia quả quyết nói. – Trong lĩnh vực công việc, anh chỉ là cậu bé mặc áo lót, Ăngtoan. Còn tôi, tôi là một cô Belacmi.
Nói đến đây cô ngẩng chiếc đầu nhỏ hoàn hảo lên một cách kiêu hãnh. Và Tôniô ghìm lại trên môi câu trêu đùa anh thường nói: “Một cô Belacmi, như ai nấy đều biết!”.
Như Hoàng hậu đã cho biết, Đôn Pêđrô nhất định thưởng lớn người cứu sống mình. Và Ăngtoan, với mười nghìn đu-ca thấy mình giàu như Crêduyt. Luxia giữ lời hứa quản lý tiền nong giúp anh. Cô để cho anh một số tiền nhỏ cho tiện chi dùng ở chi nhánh ngân hàng Mađơrit của gia đình cô và chuyển phần lớn còn lại đến Pari, nơi cô tin tưởng rằng sẽ được an toàn.
Không mấy ngày nữa vua sẽ trở về. Cuộc viễn chinh của Người ở Hà Lan để trừng trị những người Phlamăng phiến loạn đã chấm dứt. Đôn Pêđrô cần ra khỏi cung trước khi Hoàng đế về, như thế tốt hơn. Mọi việc được tiến hành để đưa ông về dưỡng bệnh ở nhà mình và Ăngtôniô sẽ săn sóc và bảo vệ cho ông. Chính ở đấy người thầy thuốc trẻ sẽ gặp cháu hầu tước là Đôn Raphaen Grigianva vào một buổi chiều. Cậu chủ tỏ vẻ lịch thiệp lạ lùng. Hắn ta nói:
- Đôn Anvarê kể với tôi rằng ông mổ cho chú tôi thành công đặc biệt. Xin có lời khen ông.
- Tôi khá vừa ý về kết quả của ca mổ ấy. – Ăngtoan trả lời.
Đôn Raphaen lấy chiếc bình trên tủ và rót rượu nho cho từng người:
- Chúc sức khoẻ và sự an toàn của chú tôi! – Hắn nói.
Ăngtôniô không giữ nổi mỉm cười khi thấy Đôn Raphaen cố làm cho quên đi những dự định độc ác của hắn đối với chú hắn. Anh không chống nổi ý muốn chọc thêm vào vết thương – tất nhiên là vết thương tinh thần của anh chàng thừa kế hụt:
- Đôn Pêđrô chịu ơn ngài không kém chịu ơn tôi. Không ai chối cãi được điều ấy.
- Thế à? – cậu cháu giật mình. – Tại sao ông lại nói như thế?
- Việc ngài cho phép tiến hành mổ là một quyết định gay go đối với ngài.
- Khó khăn lắm tôi mới dám quyết định đấy, – Đôn Raphaen thốt lên với giọng nhiệt thành của người đã vững tin như vậy. – Lạy Đức Mẹ Maria! Khó lắm, thực thế.
- Tuy vậy, ngài đã mạo hiểm để cho tôi hành động làm như thế ngài đã kéo dài thêm cuộc sống cho chú ngài. Đó là một hy sinh lớn về phía ngài.
- Hy sinh à? Hy sinh như thế nào nhỉ?
Ăngtoan tinh quái nói:
- Dù sao ngài cũng là người thừa kế của hầu tước. Nếu ngài bị những đắn đo ích kỷ chi phối, rõ ràng là ngài đã để cho hầu tước chết chứ không cho mổ.
Ánh mắt sắc sảo của Ăngtoan, thấy rõ bộ mặt yếu đuối nhu nhược lộ ra hàng loạt cảm xúc. Cuối cùng Đôn Raphaen cố mãi mới mỉm cười được một nụ cười thảm hại:
- Vậy thì ông đã biết rõ là không có sự suy tính ích kỷ nào chi phối tôi. Tôi chỉ để ý đến sức khoẻ của ông chú yêu quý của tôi.
- Tôi cũng nghĩ như thế. Ngài thật là tuyệt, – Ăngtôniô sốt sắng nói.
Thực ra, trong thâm tâm, anh hài lòng một cách thích thú. Đây là lần đầu tiên anh cao hứng hành hạ tên bạch đinh đáng ghét này và nhìn nó lặng lẽ quằn quại như con giun. Giăng nói đúng, trong đời thỉnh thoảng cũng có những lúc thú vị!
Sức khoẻ của Đôn Pêđrô ngày một khá lên. Một buổi tối ông đang đánh cờ với thầy thuốc của mình thì được báo là có khách, Tôniô rất ngạc nhiên thấy Đôn Raphaen đưa hai giáo sĩ vào phòng. Trong đó có một người Tôniô nhận ra ngay lập tức. Vì ai đã gặp cái nhìn của cặp mắt xanh nhạt lạnh lẽo ấy chỉ một lần cũng không bao giờ có thể quên được. Còn người kia là một người đồ sộ, mặt có vẻ đang tức giận. Về sau Ăngtoan mới biết đấy không phải ai khác – Đôn Điêgô Đơ Êxpinođa, giám mục thành Tôledơ và tổng trưởng quốc gia của triều đình.
Ăngtoan rất không bằng lòng và lo ngại thấy kẻ thù đến chỗ này, bằng giá nào anh cũng muốn ở bên cạnh người bệnh đáng thời kỳ hồi phục để bảo vệ ông khi cần thiết. Nhưng hầu tước đã lịch sự đề nghị anh chờ ở tầng dưới.
Khi anh sắp sửa làm theo lời ông, Đôn Điêgô ôn tồn nói:
- Tôi muốn trao đổi vài lời với ông trước khi rời khỏi đây, bác sĩ ạ.
- Xin vâng, – Ăngtoan ấp úng, – tôi sẽ đợi ở phòng đọc sách, thưa Đức cha.
Đôn Điêgô chỉ ở lại chỗ hầu tước rất ít thời gian. Khi linh mục đến gặp Ăngtoan trong thư viện, anh quỳ xuống và hôn chiếc nhẫn giám mục của người.
- Đôn Piêrô nói với tôi rằng ông đã cứu được tính mạng ông ấy, – giáo sĩ nói, – và tôi muốn nói chuyện với ông.
- Tôi chỉ chữa cho hầu tước theo những phương pháp tôi được biết, – Ăngtoan khẽ nói.
- Chắc ông muốn nói đến Galiêng?
Ăngtoan lắc đầu:
- Tôi muốn nói đến Ăngbroadơ Parê, một nhà ngoại khoa người Pháp.
- Parê à?
Giám mục cau mày lại:
- Tôi có nghe nói về người này. Ông ấy theo Tân giáo phải không?
- Thưa Đức cha, tôi không biết gì về tín ngưỡng tôn giáo của ông ấy.
- Đúng đấy. – Giám mục sầm mặt lại. – Ta chắc chắn rằng người ấy là vây cánh của Canvanh. Và… có thể là sự trùng hợp chăng? Canvanh đã chẳng cho thiêu một người cùng họ với ông cách đây mấy năm là gì?
Ăngtoan lại cảm thấy nỗi kinh hoàng thường day dứt tâm can anh. Bóng dáng tội tà giáo của người anh lại hiện lên, thực ra có thể không phải là tà giáo gì cả: lúc này anh đã chắc chắn như thế.
Anh sẽ chối quan hệ anh em của mình với Misen Xecvê chăng? Không ai xem xét lại lời anh nói vì chặng đường đi từ Pađu đến Sămpen và từ Sămpen đến Mađơrit khá xa, mà mối quan hệ giữa nước Tây Ban Nha theo Gia tô giáo vốn nghiêm ngặt và rất không bình thường đối với Tân giáo.
Nhưng trong một ngày trước đây, ở trong vườn tu viện, Ăngtoan đã quyết định không bao giờ trốn tránh hồi ức về những điều xảy ra cho Misen. Con xúc xắc đã được gieo rồi. Anh đã chọn số phận của mình, anh sẽ không bao giờ làm ngược lại, dù có xảy ra sự việc gì đi nữa.
- Người bị thiêu là Misen Xécvê, anh của tôi, – anh trả lời minh bạch.
Những ngón tay như khúc dồi của giám mục nắm lấy chiếc thập ác bằng vàng đeo trên cổ, ông nói:
- Ồ! Rất lý thú đấy.
Mắt con người này nhỏ và quỷ quyệt chăm chú nhìn Ăngtoan:
- Chắc ngẫu nhiên mà cả hai người đều học ngành y.
- Cha mẹ tôi muốn tôi thành giáo sĩ. Tôi đã học luật đạo ở Pađu. Nhưng sự ham thích môn cơ thể học là nguyên nhân làm cho đời tôi đổi hướng và tôi đã học y khoa.
- Bác sĩ Vêdan có viết một cuốn sách về cơ thể học.
- Vâng. Cuốn Phabrica. Tôi đã nghiên cứu và sử dụng cuốn ấy cho bài giảng của tôi ở Pađu.
Đôn Điêgô hỏi:
- Điều gì đã làm ông rời trường đại học? Và ông rời trường đại học như thế nào?
Ăngtoan lưỡng lự giây lát. Nói ra sự thực sẽ có tai hoạ. Tuy vậy anh muốn cố gắng để ít xa sự thực. Anh đánh liều:
- Ông Girôlamô Belacmi đề nghị tôi đi với ông ấy theo danh nghĩa thầy thuốc riêng và điều kiện đặt ra rất hấp dẫn. Tôi cho rằng nhân dịp có mặt ở Mađơrit tôi có thể học tập được về ngành y và khoa ngoại theo các quy tắc thực hành ở đất nước Người.
- Quyết định đáng khen! – Giám mục tán thành. – Tham vọng rất đáng khen. Nhưng ta hy vọng ông không vì thế mà quên dự định trở thành giáo sĩ.
Người nặng nề quay đi để ra cửa.
- Cầu Chúa cho ông được bình yên.
- Xin chúa ban sự bình yên cho Cha, – Ăngtoan khẽ nói như máy.
Mắt giám mục bỗng sáng lên lúc người quay lưng lại phía Ăngtoan. Nếu Ăngtoan có thể nhìn thấy được nét vui mừng độc ác của Đôn Điêgô, nỗi sợ lại day dứt tâm can anh. Vì câu anh trả lời rất đơn giản, rất tự nhiên, trong tình hình hoà bình này, vừa cung cấp bằng chứng là anh đã có những ràng buộc mật thiết với đời sống Nhà thờ, Ăngtoan vừa đúc một mắt xích đầu tiên cho sợi dây sắp sửa trói chặt anh.
Khi anh trở lại phòng hầu tước, anh ngạc nhiên vì vẻ mặt bệnh nhân của mình. Mọi hào hứng đã biến mất và ông lo âu hỏi anh ngay:
- Bác sĩ, tôi có tò mò nếu hỏi ông rằng Đôn Điêgô muốn gì ở ông không?
- Không có gì hết. Chuyện rất bình thường. Người hỏi về cuộc sống của tôi trước khi tôi đến Mađơrit.
Đôn Pêđrô tựa người vào gối cho dễ chịu hơn:
- Đã từ lâu tôi muốn nói với ông một câu chuyện nghiêm trọng bác sĩ ạ. Có lẽ nói lúc này cũng chẳng có gì dở hơn lúc khác. Tôi chắc ông đã biết tại sao tôi bị thương?
- Thưa hầu tước, tôi không có quyền đặt câu hỏi.
- Trái lại. Ông hoàn toàn có quyền, vì chúng tôi đã vô tình lôi ông vào một câu chuyện có hại đến tính mạng của ông.
- Tôi là thầy thuốc, đơn giản thế thôi, – Ăngtoan biện luận.
- Điều ấy không làm thay đổi tình hình, đối với những kẻ muốn làm hại chúng tôi. Chúng tôi thuộc số những người Tây Ban Nha cho rằng nước Tây Ban Nha là của người Tây Ban Nha. Và cũng cho rằng trách nhiệm của chúng là giúp đỡ nhân dân của nước mình bảo vệ nước mình và càng can thiệp đến nền chính trị của các nước khác thì càng làm cho nền chính trị nước mình kém đi.
- Tôi hiểu điều ấy. – Tôniô nói.
- Khốn thay để giữ hoà bình ở Tây Ban Nha, chúng tôi bắt buộc phải giữ hoà bình ở các nước lân cận.
Ăngtoan gật đầu tán thành và hầu tước nói tiếp:
- Việc xảy ra là tình hình hiện có thể đưa chúng tôi đến chỗ phải giúp đỡ một đất nước mà tính chất tôn giáo có thể khác với chúng tôi ít nhiều.
Ông thở dài:
- Nhưng, những người đứng đầu Nhà thờ Tây Ban Nha không thừa nhận triết lý này. Họ muốn vua Tây Ban Nha can thiệp, theo nghĩa trừng phạt, đến tất cả những nơi mà các tín ngưỡng tôn giáo khác có vẻ chiếm ưu thế.
Ăngtoan tỏ vẻ vẫn theo dõi và anh không hề lộ vẻ ngạc nhiên. Dựa vào một nguyên lý ai nấy đều biết và thừa nhận, nên Nhà thờ đã có quyền dùng mọi biện pháp thuộc quyền hành mình để thủ tiêu tà giáo.
Đôn Pêđrô nói tiếp:
- Vua Tây Ban Nha ủng hộ phe hoà bình, dù hoà bình có tạo điều kiện cho các tôn giáo của thiểu số phát triển. Ở những xứ sở khác Tây Ban Nha càng không đáng kể. Nhưng nhiều sức ép đã tác động đến Người.
- Tôi cũng nhận định như thế, – Người thầy thuốc nói một cách cay đắng.
- Tôi mời Đôn Điêgô đến đây tôi hôm nay vì hình như đã đến lúc kết thúc sự mâu thuẫn này. Tôi nghĩ rằng ông ta hiểu rõ Quađra đã đi quá xa.
- Quađra? – Tôniô kêu lên.
- Ông biết người này? – Hầu tước vội hỏi.
- Tôi gặp hắn lần đầu tiên trong đời tôi ở quán ăn ngay đêm hôm ngài bị ám sát.
- Khi cô Luxia đến đấy để đưa kế hoạch của chúng tôi.
- Đúng thế, thưa hầu tước.
Ra thế đấy, Ăngtoan tự bảo mình, vì việc ấy mà cô mạo hiểm danh tiếng của mình! Còn anh, thật ngu hơn lừa, anh đã dám nghi ngờ cô!
- Ông và hắn bắt chuyện với nhau như thế nào?
- Hắn nghe tôi hỏi thăm ông Giăng Xavarinô, lúc ấy chưa về, và hắn mời tôi ở một phòng trong nhà riêng của hắn.
- Lúc cô Belacmi vào, hắn có ở đó không?
- Có. Nhưng hắn đi ngay lập tức.
- Thì ra chính lúc ấy hắn đến gõ cửa và đã gõ đúng tín hiệu, – hầu tước ảm đạm nói.
- Ngài cho rằng hắn đã đâm ngài hay sao?
- Hắn hay một tên sai nha nào mà hắn thuê tiền, không nghi ngờ gì nữa. Chúng đã theo dõi cô Belacmi và rình lúc cô ấy đến quán ăn, vì chúng biết rằng tôi ở sau cửa vườn đợi cô thiếu nữ trở về.
- Họ có dụng tâm xâm phạm đến cô ấy hay sao?
- Không. Tôi chắc rằng không. Trường hợp này không như thế. Tôi nói thêm: hiện nay thì chưa như thế. Nhưng đến lần hành động thứ hai của họ, chúng ta có thể bỏ mạng cả bốn người. Chính vì thế, tôi đã quyết định ngừng mọi hoạt động.
- Không nên, hầu tước ạ. – Ăngtoan sôi nổi. – Đừng làm như thế nếu chỉ vì chúng tôi. Tôi rất chắc chắn rằng Luxia và Giăng, nếu được hỏi ý kiến, sẽ hết lòng giúp đỡ.
Đôn Pêđrô lắc đầu;
- Tây Ban Nha là đất nước của chúng tôi, bác sĩ ạ, và tôi sẵn sàng hiến cuộc đời tôi để phụng sự đất nước. Nhưng đây không phải nhiệm vụ của ông, cũng không phải nhiệm vụ của cô Luxia hay của ông Giăng Xavarinô. Tôi không thể lôi cuốn các người vào cuộc chiến đấu của chúng tôi vì có thể làm nguy hiểm đến tính mệnh của các người. Tối hôm nay tôi đã hỏi Đôn Điêgô và linh mục Inhaxiô xem có thể cùng thoả thuận về một hoà hoãn không?
- Họ nhận lời chứ?
- Theo bề ngoài và bằng lời nói thì họ đồng ý. Nhưng chúng ta phải đợi xem có thể tin được họ không.
Ông mỉm cười buồn bã rồi tiếp:
- Có lẽ ông chưa biết thế nào là Toà án tôn giáo, bác sĩ ạ. Họ coi lời dối trá và mọi hình thức lừa đảo như những biện pháp để đạt mục đích của họ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ bắt tôi trong tuần này vì tin vào một sự buộc tội giả tạo nào đó.
Ăngtôniô lại một lần nữa cảm thấy rùng mình ớn lạnh suốt sống lưng. Anh chẳng biết luật lệ của Toà giáo ư? Ôi! Lạy Chúa! Chứng cớ còn ghi ở vết sẹo đỏ chạy ngang những xương sườn dưới của anh.
- Ngay ngày mai tôi sẽ trả lại tự do cho ông với tư cách là thầy thuốc riêng của tôi, – Đôn Pêđrô nói tiếp. – Càng ít liên quan với tôi càng tốt hơn cho ông.
- Nhưng không ai có thể tỏ lời phản đối việc một thầy thuốc chữa cho bệnh nhân, – Ăngtoan nhận xét.
- Ông chưa biết Toà án tôn giáo đâu, ông bạn ạ.
Đôn Pêđrô lại mỉm một nụ cười buồn bã.
- Cầu chúa cho ông không bao giờ biết đến nó.
Như thế là hôm sau anh đem túi hành lý đơn giản của anh đến ngôi nhà ông Belacmi đã mua. Người chủ ngân hàng lúc này mạnh khoẻ và nhiệm vụ thầy thuốc của anh cũng nhẹ đi nên anh có rất nhiều giờ nhàn rỗi. Anh dùng nó để suy ngẫm về những việc Đôn Pêđrô đã cho anh biết.
Sau khi ấy, tâm trạng anh u uất. Trên thế giới này không còn danh dự nữa hay sao? Không còn lòng tốt của con người nữa hay sao? Không còn lòng tốt của con người nữa hay sao? Tại sao lại như thế được? – đạo đức làm người hỏi như vậy. – Một khi mà những người phụng sự Nhà thờ hạ thấp mình để đe doạ, để gây ra sự bại hoại, để giết người nữa?
Tinh thần Ăngtôniô càng sa sút khi anh biết rõ đúng như anh đã lo sợ – là Đôn Pêđrô đã bị bắt do lệnh của Toà án tôn giáo.
Anh tự hỏi kể từ lúc này còn bao nhiêu thời gian, bao nhiêu ngày, có thể là bao nhiêu giờ trước khi anh cùng chung số phận ấy.
Chú thích phần 3: (1) Ván bài kiên nhẫn: Một thứ bài để chơi giải trí.
(2) Vì bố Philip là người Tây Ban Nha, mẹ là người Pháp.
(3) Huguenot: người theo phái Tân giáo của Canvanh.