Bóng hoàng hôn của chiều hè đã bao phủ vùng ranh giới Pađu, nhưng Giăng và Ăngtoan, chiếc xe gọn nhẹ của họ giấu sau một bờ rào, đang đợi cho đêm xuống hẳn.
Giăng đã không để mất một phút nào và đoàn chở hàng của hãng Xavarinô trên đường đi La Mã sẽ đợi họ ở biên giới của Cộng hòa Vơnidơ. Giăng xin được quyền điều khiển đoàn, cha anh ngạc nhiên vô cùng vì con trai bỗng nhiên lại tỏ ra quan tâm đến công việc. Sau khi đã suy nghĩ, hai người bạn này quyết định rằng đối với Ăngtoan phương pháp tốt nhất để thoát khỏi cảnh sát đang truy tìm một kẻ theo tà giáo đang chạy trốn là khoác áo tu sĩ.
Từ chiều hôm trước Ăngtoan đã ở trong trạng thái đành chịu đựng, trong lúc này anh rất bình tĩnh, chỉ đợi trời tối hẳn để hoàn thành nhiệm vụ anh tự xác định cho mình. Nếu mọi việc hoàn thành như anh hy vọng, hai người có thể gặp đoàn vào lúc nửa đêm.
Giăng thì vô cùng bồn chồn, anh nói:
- Cậu nhắc lại nữa đi. Không nên để bị bất ngờ với bất cứ cái gì. Hành động hơi lầm lẫn một chút là hỏng tất cả.
Ăngtoan kiên nhẫn nhắc lại:
- Cậu và chiếc xe sẽ ở trong dãy phố chạy dọc theo phía sau tu viện trong khi mình vào trong để lấy lại bức tranh. Ở vườn có một chiếc cửa mở ra phố gần chỗ cậu đợi. Chuông sẽ điểm giờ cầu nguyện buổi tối và tất cả tu sĩ sẽ ở giáo đường. Cậu thấy đấy, sẽ không có điều gì xấu xảy ra đâu…
Giăng cau mặt:
- Đơn giản quá! Giá mình cùng đi với cậu được nhỉ…
- Chúng mình đã xem xét kĩ vấn đề ấy rồi. Đi hai người dễ bị chú ý trong khi một người có thể lọt qua dễ dàng. Hơn nữa, mình nói cậu đừng giận, cậu không thể giả làm tu sĩ giống như thực được, ông bạn ạ.
Chuông trên tháp nhà thờ Thánh Mác điểm giờ đầu tiên sau khi mặt trời lặn. Giăng cầm cương, tắc lưỡi giục ngựa, đã đến thời gian bắt đầu hành sự, anh thở dài:
- Đành vậy!
Con đường trước tu viện vắng tanh, một ngọn đèn thấp gần cửa chiếu sáng vừa đủ lối vào. Angtôniô nhảy xuống xe và nép vào bóng tối dọc tường đợi cho Giăng và xe đi khuất sang phía bên kia toà nhà. Rồi anh tiến ra chỗ sáng thấy cánh cửa chỉ gài móc như anh dự đoán và anh đi vào, chỉ có chiếc mũ trùm kéo sụp xuống mặt che chở cho mình.
Trước mặt anh, dãy hành lang quen thuộc, chạy dài với lối đi lát đá lõm ở giữa do biết bao bước chân tu hành đã bước qua. Ăngtoan cố đi thong thả, tự nhiên, trong nơi thanh tịnh này, nếu hấp tấp sẽ lộ vẻ bất thường ngay.
Thật ma quỷ! Có bước chân trong hành lang! Tôniô hoảng sợ, anh đưa mắt tìm chỗ trốn và nguyền rủa sự rủi ro đã làm cho một tu sĩ hay một người giúp việc nào đó của tu viện đến cầu kinh chậm tối hôm nay. Bước chân tiến lại gần, nguời ấy sắp sửa rẽ ở góc ngoặt và đến trước mặt Ăngtoan. Bỗng nảy ra một ý, Ăngtoan quay về hướng giáo đường tiếp tục đi, người còng xuống, chân lê bước, cố sức khập khiễng và cầu Chúa cho người đang đến tưởng anh là một tu sĩ già bị tê thấp. Anh cúi đầu đi sát vào tường dành một khoảng trống cho người kia đi. Mắt vẫn nhìn xuống, anh trông thấy đôi dép bằng loại da Coocdu tốt và gấu chiếc áo trắng sang trọng thoáng qua tầm mắt, anh giật mình: trong tu viện này, không ai mang giày và áo như thế, trừ bản thân tu viện trưởng – cha Phêlíp Xăngtôt.
- Đừng vội vàng, thầy ạ, một giọng nói trang trọng cất lên bên cạnh anh. Cứ thong thả, tối hôm nay sẽ cầu nguyện chậm hơn thường lệ.
Mấy giây sau, chiếc áo trắng biến vào trong đường hành lang dẫn đến giáo đường. Ăngtôniô dựa lưng vào tường, áp hai bàn tay run rẩy sát vách đá, bỗng nhiên anh thấy mệt rã rời, thế là nguy hiểm đã qua. Anh khó lòng tin được có sự may mắn có một không hai ấy, khi nghĩ rằng điều may mắn ấy không thể kéo dài cũng không thể lặp lại, anh phải đấu tranh mất một lúc với nỗi sợ hãi đang thôi thúc anh từ bỏ nhiệm vụ rất nguy hiểm kia, một khi tai biến đã qua. Cuối cùng, anh tự chủ được, đứng thẳng lên và nghĩ rằng mình chỉ còn độ hai mươi phút, trong thời gian ấy rất có thể có sự bất ngờ, cần phải kết thúc việc này trước khi buổi lễ cầu nguyện tối kết thúc.
Rất may là trong buổi gặp mặt lần cuối, cha Phêlíp đã lộ ra với anh là bức tranh để ở chỗ ở riêng của ông ta. Ăngtoan bước qua bậc cửa vào ngay chỗ ấy.
Bức tranh không để trong phòng tiếp kiến nhưng ở phòng ngủ liền ngay đấy. Tim anh đập mạnh khi thấy lại nó. Thần vệ nữ vẫn đang mỉm cười trong khung hình như sắp bước xuống thuyền đến với anh, anh có thể thề rằng nàng đang nhìn anh với cái nhìn chào đón dịu dàng.
Nhưng không đủ thời gian để ngắm nhìn vẻ đẹp trinh khiết ấy, phải nhanh chóng tháo bức tranh ra khỏi khung. Tôniô đặt nó xuống giường để gấp và buộc lại bằng dây mang theo sẵn, anh thở dài khoan khoái. Anh vừa nâng chiếc gói nặng lên vai thì có tiếng nói:
- Ra thế đấy, lúc nãy đúng là anh phải không?
Ăngtoan giật mình đáng rơi chiếc bọc lên giường và quay mặt ra cửa. Cha Phêlíp đang đứng bất động ở đấy.
- T… tại sao cha biết tôi ở đây? – Ăngtoan ấp úng nói.
- Đơn giản thôi. Tôi nghĩ rằng những tu sĩ bị bệnh thấp khớp ở đây ít người có hai vai rộng như thế, – tu viện trưởng nói và nhếch mép cười. – Ý nghĩ ấy đến với tôi trong khi đang cầu nguyện và tôi rời ngay giáo đường. Tại sao anh muốn lấy bức Bôtixeli của tôi?
Cách dùng bậy từ chỉ sở hữu ấy làm Tôniô phát cáu:
- Của ông ư? Ông rất biết rằng bức tranh này của ông Belacmi, ở Phlôrăngxơ.
- Vậy ra anh cũng biết à? Anh quỷ quyệt hơn tôi tưởng đấy, ngài bác sĩ ạ. Tôi đã đúng một nghìn lần khi thu xếp để ngăn cản anh làm trở ngại các dự định của tôi.
- Bằng cách bắt tôi sau khi buộc tội bậy chứ gì?
Một tia sáng quỷ quái đến lạnh lùng ánh lên trong mắt của cha Phêlíp:
- Tôi báo trước với anh rồi, – ông ta rít qua kẽ răng, – anh đã không tuân theo ý tôi. Bây giờ thì anh sẽ đền tội ấy trên giàn thiêu.
Ông ta đột ngột quay lại cái bàn có chiếc chuông nhỏ dùng để gọi người giúp việc. Angtôniô phản ứng cũng nhanh như thế vì anh biết cuộc sống của anh tuỳ thuộc vào cử chỉ này.
Anh đưa vai hất mạnh vào thân hình mảnh khảnh của người giáo sĩ đúng vào lúc tay ông ta sắp chạm vào tín hiệu. Sức va mạnh làm cho tu viện trưởng quay ngược lại và loạng choạng, ông ta bám vào bàn cho khỏi ngã.
Mặt không còn một hạt máu, ông ta quát:
- Anh dám xâm phạm vào người ta ư! Quân tà giáo và thật điên rồ kia!
Ăngtoan trông thấy bàn tay phía sau ông ta lần mò trên bàn. Ngay giây phút ấy, con dao nhọn sắc bén để rọc thư đã sáng loáng trong tay ông ta. Vậy mà Ăngtoan đã đến đây không vũ khí dù Giăng đã khuyên anh cẩn thận.
Cái nhìn giá lạnh của tu viện trưởng bừng lên ánh giết chóc điên cuồng. Ông ta giơ dao tiến đến gần Ăngtoan. Anh lùi dần, thất vọng đưa mắt tìm một thứ khí giới nào đó có thể dùng để chống đỡ. Anh đã nhìn thấy án tử hình của mình trên bộ mặt hằn học của giáo sĩ Phêlíp. Từ lúc này trở đi, không có gì làm cho hắn vừa lòng ngoài cái chết của người thanh niên này, cái chết do bàn tay của chính hắn. Trượt chân khi đang lùi sát tường, Ăngtoan va đầu phải cây đèn nến bằng bạc gắn trên một gờ tường. Phương tiện tự vệ đối với dao găm như vậy thật là tồi nhưng anh không được lựa chọn. Xoay nhanh người, anh nắm lấy gờ tường ra sức kéo. Tiếng đổ vỡ ầm ầm nhưng cây đèn nặng nề đã ở trong tay anh.
Trong khi nhổ cây đèn ra khỏi tường, Ăngtoan đã giơ người ra cho địch thủ tấn công và giáo sĩ Phêlíp đã chồm lên anh. Gắng sức một cách tuyệt vọng, anh cố tránh dao nhưng không tránh được; anh cảm thấy lưỡi dao rạch áo anh và thấy đau nhói gần như không chịu đựng được khi lưỡi dao cắt vào da và bắp thịt rồi chạm vào một xương sườn.
Chính cái xương sườn đã cứu anh: chỉ chệch về bên phải hay bên trái vài phân là Ăngtoan Xecvê đã chết. Gầm lên một tiếng điên dại, tu viện trưởng rút dao ra, và dao lại rạch vào áo, da, bắp thịt anh cho đến tận dưới thắt lưng.
Nhưng cử động của Ăngtoan cũng đã làm cho kẻ đang đâm mình mất thăng bằng. Nghiến răng lại quên cái đau ghê gớm, Ăngtoan giơ cây đèn nến lên như người hiệp sĩ giơ chiếc gậy, và, một lần, hai lần, ba lần, anh nện nó vào sọ tu viện trưởng. Cái thân hình mảnh khảnh bỗng mềm nhũn ngã xuống sàn nhà và bất tỉnh, bàn tay buông rời con dao nhọn.
Thở hổn hển, người choáng váng, đẫm máu, run lẩy bẩy vì mệt, đau và thiếu sức, Ăngtoan dựa vào tường để cho phổi dễ dàng tiếp nhận không khí. Những làn máu ấm chảy xuống cạnh sườn và cảm giác đuối sức càng rõ rệt một cách nguy hiểm làm cho anh biết mình đã mất máu khá nhiều. Anh xé một mảnh áo và với sự nhanh nhẹn, dũng cảm của người lâm vào cảnh tuyệt vọng, anh buộc chặt mảnh vải quanh ngực: bằng bất cứ giá nào anh phải dùng sức ép cầm lại cho được luồng máu đang đưa cuộc sống của anh chảy ra theo. Anh xé thêm một mảnh vải nữa buộc thật chặt ra ngoài miếng vải trước. Nhưng tình hình vẫn bi đát vì cứ rách rưới như thế này hoặc mặc quần áo lót thì anh cũng không thể trốn được.
Giáo sĩ Phêlíp nằm sóng soài dưới chân anh, anh cúi xuống tìm mạch ông ta và khó khăn lắm mới nhận ra được tiếng đập yếu ớt và thanh thoát nghĩ rằng mình không phải là kẻ giết người nhưng nếu tu viện trưởng không sống nổi sau những cú đánh như thế thì rất là may mắn. Anh cố mãi mới cởi được chiếc áo trắng của giáo sĩ Phêlíp và chui vào được chiếc áo ấy không phải không vất vả, bề ngang vai của hai người không giống nhau, anh bỏ mặc tu viện trưởng với số phận của ông ta.
Mặc chiếc áo trắng của một tu sĩ cao cấp dòng Đôminich, vai mang bức tranh, kiệt sức, nhưng ý muốn và hy vọng đã giúp anh đến được cửa vườn vào lúc ở phía đằng kia, trong giáo đường vang lên lời ca mừng sau lễ cầu kinh buổi tối: anh ra khỏi tu viện không sớm hơn một phút!
- Trời ơi! – Giăng sợ hãi thì thầm trong bóng tối khi trông thấy bóng áo trắng xuất hiện ở ngoài phố ở vị trí của Tôniô. Họ định bẫy anh chăng? Hay Tôniô đã bị cản trở?
Người mặc áo trắng loạng choạng buông rơi chiếc bọc nặng đang mang và yếu ớt gọi:
- Giăng! Giăng!
Nhanh như chớp, nghệ sĩ đã từ bóng tối vọt ra và đỡ lấy bạn:
- Tôniô của tôi! Cậu bị thương ư?
Anh thở hổn hển:
- Bị thương vào thịt thôi… Mang bức tranh vào xe đi… đừng để mất thời giờ dù chỉ là một giây.
Ăngtoan tiều tuỵ quá, nói khó khăn, bước cũng khó khăn. Không cần phải thôi thúc Giăng cũng vội vã.
Trong khi chiếc xe nhỏ chạy qua các phố nhỏ hẻo lánh tiến ra đường chính về phía nam thành phố, Ăngtoan vắn tắt kể lại cuộc mạo hiểm của anh; Giăng lẩm bẩm:
- Mình rất mong cậu đã giết chết hắn! Sẽ tha hồ mà ầm ĩ lên!
Vào lúc rạng sáng họ gặp đoàn Xavarinô đang đợi họ ở bên kia biên giới của Công hòa Vơnidơ. Sắp bình minh rồi và không bao lâu nữa mặt trời sẽ mọc từ sau các ngọn đồi, nhưng họ phải xa Pađu càng nhiều càng tốt trước khi có báo động hoặc tiến hành truy tìm. Họ không thể dừng lại mà cũng không hãm bớt tốc độ được.
Ăngtoan cảm thấy nhức đầu, chóng mặt; ngực và mạng sườn nhói lên những cơn đau nhức dữ dội, kiến thức về y học báo rằng đó là những dấu hiệu trầm trọng của vết thương bị biến chứng. Anh dựa tạm vào các nệm xe và ngồi co người lại cho viết thương đỡ đau nhưng mỗi khi xe xóc là một cực hình đối với anh và anh gần như ngất đi không phải chỉ một lần. Cần phải băng ngay vết thương khi hoàn cảnh cho phép. Nếu anh ngất hay mê đi, anh sẽ không thể hướng dẫn cho Giăng cách làm nên cần phải nói ngay khi anh còn có thể…
Xe dừng lại một lát để cho ngựa uống nước.
- Giăng, – Angtôniô khẽ nói, – cậu phải đốt vết thương.
Nghệ sĩ tái mặt phản đối:
- Mình không thể làm được. Tôniô ơi! Mình không thể làm được. Mình không phải là thầy thuốc.
- Giăng của mình ơi, cần phải làm như thế nếu cậu muốn mình sống vì mình không thể tự làm lấy được. Hãy chú ý nghe mình nói, mình sẽ không còn sức để nhắc lại đâu.
Anh nghiến răng, người co giật vì đau đớn, rồi tiếp tục:
- Nấu sôi dầu ăn… hay nhựa thông, nếu cậu có thể kiếm được… đổ vào vết thương… Rồi băng lại…
Mồ hôi lấm tấm trên trán Giăng. Tuy nhiên, anh hứa:
- Rõ rồi. Mình sẽ làm như thế.
- Nếu mình bất tỉnh, hãy đắp băng nóng. Không rượu nho… không thịt…. Trích máu ở cánh tay trái… đừng quên, bên trái!...
Tiếng anh nói yêu dần. Rồi anh nhắm mắt.
Một giờ sau, anh lại nói, nói không ngừng. Giọng anh lúng túng, nặng nề vì anh mê sảng.
Chú thích phần 2:(1) Ibn Sina Avicenne (980-1037) thầy thuốc Ấn Độ nổi danh (T.G).
(2) Cardenax hay Cacdan: nhà vật lý, toán học, triết gia Ý (1501-1576) (T.G).
(3) Mađơrit: thủ đô Tây Ban Nha.
(4) De Atna: thơ tiếng La Tinh nói về nguyên thân thực sự của núi lửa.
(5) Pietrô Bembô (1479-1547), giáo chủ và nhà bác học.
(6) Tuần hoàn máu qua phổi.
(7) Bologne (ở nước Đức).
(8) Ảo thuật đen: Chỉ loại ảo thuật có tính huyền hoặc, ma quỷ, hoặc cầu gọi ma quỷ.
(9) Clara, Clarixia: cách gọi thân mật Cơlarit.