Ăngtoan ăn tối tại phòng ăn lớn của tu viện. Trên một chiếc bệ đặt bàn ăn dành cho tu viện trưởng và những chức sắc khác. Còn Ăngtoan, anh khiêm tốn ngồi ở bàn những người giúp việc của tu viện, ở đầu kia phòng ăn. Sau này, khi anh đã thụ giới, anh sẽ được ngồi ở chiếc bàn kê giữa phòng. Khi anh được lên chức giáo sư chính thức về giải phẫu học ở Pađu, nếu anh vẫn ở tu viện, anh sẽ được ngồi vào bàn ăn của những chức sắc, như thế mới xứng đáng với vị trí cao của một giáo sư đại học.
Chiều nay ghế của tu viện trưởng vẫn còn trống như một tuần nay. Cha Mariô Belacmi, người phụ trách cộng đồng này, có thể sẽ không bao giờ ngồi ở ghế ấy nữa. Bệnh phù thũng cộng với chứng suy tim – đã bị mỏi mệt sau nhiều năm thoả mãn thoải mái các đòi hỏi của một cơ thể to béo – đang âm mưu đưa vị tu viện trưởng ra khỏi cuộc sống thể chất, dù rằng thầy thuốc của người đã cố làm chậm cái kết thúc bất hạnh ấy.
Ăngtoan rầu rĩ nhìn bát xúp đậu đặc sánh. Thông thường, anh ăn ngấu nghiến, nhưng gần đây anh cảm thấy kém ngon. Anh dùng thìa vào món súp, nếm rồi đẩy bát ra. Chung quanh anh, các người giúp việc cho tu viện đáng lấy cùi bánh mì đen hăm hở quệt sạch nước súp dính thành bát. Sau đó người phục vụ mang ra các đĩa bằng gỗ đầy món thịt cừu quay mà người ăn sẽ dùng tay xé để ăn – vì dĩa và dao chỉ được dùng ở bàn ăn của người quý tộc. Họ chuyền tay nhau những hũ nhỏ rượu nho hơi chua và nhẹ. Ở bàn ăn của tu viện trưởng rượu nho chắc phải là loại Made thanh lịch nếu không là loại Poóc-tô hảo hạng. Các vị quyền cao chức trọng của giới tăng lữ cho rằng không có lí do gì buộc họ phải từ chối những thú vui của bàn ăn.
Sau bữa ăn, tu sĩ và thầy dòng giúp việc nhà thờ xếp thành hàng dài đi đến giáo đường cầu kinh buổi tối. Ăngtoan nối bước họ. Khi anh đi qua nhà ăn, cha Phêlíp Xăngtốt, hiện là trợ lý của tu viện trưởng cai quản tu viện cũng vừa bước xuống vừa lau cặp môi mỏng bằng chiếc khăn vải rất sang.
- Xin chào cha – Ăngtoan cúi chào.
- Cầu chúa ban phúc cho anh, Ăngtôniô, – Người mục sư nói – Ngón tay anh thế nào?
- Ơn chúa, đã gần khỏi.
- Nếu vậy thì anh có thể đến thăm bệnh cho Đức Cha tối hôm nay chứ?
- Thưa vâng. Tôi cũng định đến chỗ ngài ngay sau khi cầu kinh.
- Anh sẽ được miễn đọc kinh – cha Philíp nói. – Cha Mariô chiều nay cảm thấy rất khó thở.
Giọng nói tỏ vẻ quan tâm đúng mức, nhưng Ăngtoan không nhìn thấy trong ánh mắt lạnh lùng của vị phó tu viện một chút thương xót gì đối với cấp trên của ông ta.
- Có thể tình trạng ứ huyết lại tăng lên. – Ăngtoan nói.
Tuy đã được trích huyết thường xuyên, nhưng từ mấy tháng nay tu viện trưởng vẫn bị ứ huyết, đến nỗi thở khó khăn và gần như nằm liệt giường.
- Tôi cũng chắc như thế. – cha Philíp đồng ý.
- Tôi đi lấy dao mổ và xin gặp lại cha ở phòng của ngài.
Cha Mariô Belacmi tất nhiên là không ở trong các khu vực tồi tàn của cộng đồng này. Ăngtoan đi theo một người giúp việc có bộ mặt xấc xược và bước trên một tấm thảm lịch sự khi qua phòng họp đầy đồ đạc sang trọng, nơi tu viện trưởng thường giải quyết các công việc của nhà tu. Ăngtoan đến một phòng ngủ lớn kề ngay đấy. Cha Philíp Xăngtốt gầy gò trong bộ áo trắng muốt của dòng Đôminich, đứng ở phía cuối giường.
Chỉ cái giường đồ sộ của tu viện trưởng cũng to bằng cả căn phòng của Ăngtoan, vải trải giường đắt tiền có thêu các sự tích tôn giáo bằng chỉ lam và kim tuyến. Trên giường đầy gối dài, gối ngắn. Một chiếc bàn tròn chạm trổ bằng gỗ phương đông quý vô giá, đầy chai, lọ, hũ chứng minh rằng Đức Cha chỉ tin tưởng có giới hạn vào đơn của thầy thuốc của ngài, còn ngài dùng thuốc theo ý muốn, uống mọi thứ mà ngài hi vọng khỏi bệnh.
Cha Belacmi là một người to lớn, hai má xệ rung rung và vầng trán nặng nề làm cho Người giống như một khối thịt dày hiền hậu. Hai gò má húp híp với những tia máu đỏ sẫm tương phản với nước da ốm yếu xanh xạm. Đôi môi sưng phồng xám như chì. Mạch máu trên trán nổi hằn lên, tĩnh mạch ở bàn tay cũng vậy, hai cánh tay đầy lông hiện rõ dưới lần vải mịn và cửa tay áo ngủ đính đăng ten.
Trong gian phòng rộng chỉ nghe thấy tiếng thở khó khăn, khò khè, nặng nề của người bệnh. Ánh mắt của Người đầy lo lắng, rất xa cách với sự tiếp nhận tự nguyện và hoàn toàn ý muốn của Chúa mà Người thường thuyết giáo một cách hùng hồn trên bục giảng. Từ chiều sâu của lồng ngực vang ra một thứ tiếng lép bép xen với tiếng rít gió. Người ngồi trên giường, thân trên gần như thẳng vì được đệm bằng một đống gối.
Ăngtoan quỳ xuống cạnh giường, những ngón tay sưng vù của tu viện trưởng đặt nhẹ lên tóc anh, ban phúc một cách lơ đãng. Người thanh niên đứng lên và khẩn trương khám cho người bệnh. Bệnh phù thũng thể hiện rất rõ ràng: bụng phồng, chân to gấp đôi lúc bình thường làm cho da xanh xao căng bóng, những triệu chứng ấy chứng tỏ rằng việc chẩn đoán không nhầm. Khi Ăngtoan ấn vào mắt cá chân của bệnh nhân, đầu ngón tay anh lút qua thịt mềm chạm vào khớp xương, vết lõm còn trông thấy khá lâu sau khi ấn.
Mỗi ngày Đức Cha hô hấp càng nặng nề hơn, mỗi ngày thân thể người càng phù nề hơn.
- Bác sĩ thấy thế nào, bác sĩ Xecvêtut? – Cha Mariô hỏi.
- Bệnh phù thũng rất nghiêm trọng. – Ăngtoan nói một cách khéo léo – Nhưng tôi nghĩ rằng trích huyết sẽ làm cho Đức Cha nhẹ nhàng hơn đấy ạ.
- Trích huyết! – Cha Mariô nóng nảy kêu lên – Trích huyết ư? Anh không thể làm cách gì khác trích huyết hay sao?
Ăngtoan biết rõ rằng Đức Cha ác cảm với dao mổ. Anh kín đáo gợi ý:
- Nhưng kết quả là nó sẽ làm lui bệnh phần nào.
- Vậy thì làm đi, – tu viện trưởng rên rỉ – Làm đi, nhưng nhẹ tay thôi, anh bạn ạ, nhẹ tay thôi nhé.
- Tôi đã mài một lưỡi dao dành để dùng riêng cho Đức Cha: đau ít và nhẹ nhàng thôi ạ.
Ăngtoan mở hộ đồ. Mắt của tu viện trưởng sáng lên:
- Tốt lắm! Được đấy!
Ăngtoan trải dưới khuỷu tay người bệnh một chiếc khăn to, vén tay áo ngủ lên để trần cả cánh tay trái và đặt gần khuỷu tay một chiếc bát bằng đá mã não.
Anh chọn một lưỡi dao cong bằng thép Đama tốt nhất, bén như lưỡi dao cạo. Mũi dao hẹp và mỏng, hơi cong, không to hơn chiếc kim, chắc chắn sẽ không thô bạo như lưỡi dao thẳng mà nhiều thầy thuốc sử dụng. Bàn tay trái anh nắm lấy cánh tay của tu viện trưởng và xiết mạnh cho đến khi các tĩnh mạch nổi phồng lên gần như muốn vỡ. Tu viện trưởng nghiến răng, bắp thịt căng ra, rùng mình vì sợ đau.
Rất nhanh, Ăngtoan đâm mũi dao qua da và thành tĩnh mạch, ngay tức thì, một dòng máu đen vọt ra và chảy vào bát. Tu viện trưởng thở ra một hơi dài dễ chịu và nhìn thứ chất lỏng sẫm màu đang tăng dần trong bát.
- Ta là cái gì đây nhỉ? – Người lẩm bẩm nói – Một xưởng chế tạo máu ư?
- Với bệnh phù thũng thì đúng như thế ạ, – Người thầy thuốc giải thích. – Máu sản xuất ra nhiều đến nỗi không lưu thông kịp, sau khi rút ra một số lượng nào đó, tim bớt nặng nề ngay.
- Anh nói đúng, – tu viện trưởng thừa nhận – Ta cảm thấy khá hơn rồi đấy.
Thông thường, Ăngtoan dừng lại sau khi máu chảy được nửa bát, nhưng nhận thấy tu viện trưởng đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng nên anh cho chảy thêm cho đầy bát, như vậy là đến một panh(12) máu và còn hơn thế nữa.
Không còn nghi ngờ gì nữa: trích huyết đã làm cho tình hình khá hẳn lên: cha Mariô thở bớt khó nhọc, mạch máu trên mặt và cánh tay Người bớt căng phồng, tiếng lép bép từ phổi đưa ra giảm nhẹ gần như mất hẳn.
Cha Phêlíp Xăngtốt xác nhận điều đó và nói một cách nhẹ nhàng thành kính:
- Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Chúa đã vui lòng thực hiện một phép lạ qua bàn tay của người thầy thuốc trẻ tuổi của chúng ta.
Khi bắt đầu trích huyết, vị phó tu viện đã trám xuống phía cuối giường, ngoài tầm những vệt bắn bất thần có thể làm bẩn chiếc áo trắng tinh đang bận.
- Đúng thế! – Tu viện trưởng nói và làm dấu.
Ăngtoan có ý nghĩa riêng của anh về cách thức và thời gian kéo dài của phép lạ này. Anh cúi đầu nhận thêm sự ban phúc của bề trên và thu gọn dụng cụ trước khi rời căn phòng.
- Thưa Cha, tôi nghĩ rằng trích huyết sẽ giúp cho người ngủ được, – anh nói. – Nhưng để đảm bảo được chắc chắn hơn sự nghỉ ngơi cần thiết ấy, tôi xin khuyên người dùng ngay rượu nho nóng, có thể nóng bỏng cũng được.
Mắt cha Mariô hơi sáng lên: Người ưa rượu nho dưới mọi hình thức, nhưng có người đã khuyên không nên dùng trong tình hình hiện tại. Người nghĩ rằng anh thầy thuốc trẻ tuổi này thực sự là người hiểu biết và gọi người hầu sai sửa soạn thứ rượu ấy.
Cha Phêlíp tiễn Ăngtoan ra ngoài phòng.
- Một việc làm tốt như vậy xứng đáng được khen thưởng, – ông vui vẻ nói.
Ăngtoan đang vội trở về phòng với bức tranh của mình, nên từ chối.
- Thôi, thôi! Đừng khiêm tốn nữa. Tôi biết anh thích Made và tôi có mấy điều muốn hỏi anh.
Ăngtoan đành theo cha Phêlíp đến nơi ông ta ở, bài trí tuy không sang trọng như phòng của tu viện trưởng, nhưng cũng rất lịch sự. Chiều nay, cha Phêlíp có vẻ vui tính. Ông rót hai cốc đầy thứ rượu nho đặc biệt danh để dùng riêng và đặt xuống bàn một chiếc đĩa bằng bạc đựng đầy bánh ngọt. Ăngtoan chua chát tự hỏi: phải chăng sự vui vẻ này xuất phát từ tình hình gần như chắc chắn là cái chết khó lòng tránh thoát của tu viện trưởng sẽ đưa ông ta, Xăngtốt lên đứng đầu tu viện?
Ăngtoan không có một chút thiện cảm riêng nào với người tu viện phó gầy gò này.
- Thật đáng buồn, tình trạng của Đức Cha ấy mà, – cha Phêlíp bình luận và ngồi thoải mái trong chiếc ghế dựa lót nệm. – Cách đây bốn tuần lễ tôi đã gửi một bức thư cho họ hàng của người ở Phlôrăngxơ. Anh phỏng đoán xem người có thể sống được bao lâu nữa.
- Không thể nói chắc chắn được ạ. Nhưng không lâu nữa, thật đáng tiếc!
- Anh có tin rằng trích huyết sẽ làm cho người thường xuyên khá lên không?
- Thường xuyên ư? Chắc chắn là không được, – Ăngtoan lắc đầu nói. – Tôi chưa bao giờ thấy chứng phù thũng như vậy bình phục cả!
- Tôi cũng vậy
Cha Phêlíp trầm ngâm nhấm nháp rượu nho.
- Tôi thấy anh trích huyết ở tay trái của người. Anh có thể cho tôi biết tại sao không?
- Tim ở về bên trái…
- Đồng ý. Nhưng điều thiết yếu của căn bệnh hình như ở phổi. Người thở khó khăn…
- Đây là một vấn đề chưa rõ ràng, – Ăngtoan thừa nhận.
Anh cũng đã ngạc nhiên về việc trích máu ở cánh tay hình như làm giảm nhẹ tình hình phù phổi và anh đang tìm hiểu vấn đề ấy. Men rượu đã kích thích suy nghĩ của anh. Anh trầm ngâm nói tiếp.
- Có lẽ có sự liên quan nào đó giữa phổi và tuần hoàn?
- Trong quá trình mổ xẻ, anh có phát hiện được điều gì làm anh suy nghĩ như thế không?
- Thưa không. Nhưng tôi nhận thấy rằng trong những trường hợp tương tự, tim to lên một cách khác thường và nhất là tâm thất trái.
- Một quan sát lí thú đấy, – cha Phêlíp nói. – Anh ngờ rằng có thể có sự giao lưu phải không?
Ăngtoan lật đi lật lại vấn đề trong đầu, bỗng nhiên ánh sáng bừng lên như một đám mây phủ vừa bay qua. Câu trả lời rất đơn giản, đơn giản một cách kỳ lạ, đến với anh như bật ra từ một sự va chạm bất thình lình, nên anh đã vô tình kêu lên:
- Vậy thì Misen có lẽ đúng rồi!
Trong khi hào hứng vì vấn đề được khám phá, anh đã quên rằng anh không ngồi một mình.
- Misen nào? – Cha Phêlíp vội vàng hỏi.
Ăngtoan ngay lập tức tỏ ra cảnh giác. Anh kêu lên do vô tình, nhưng đã phạm một sai lầm vì sự phát hiện chân lí.
- Tôi nói đến Misen Xécvê, – anh thận trọng giải thích – Trước đây anh ấy là nhà giải phẫu học ở Pađu. Và, – Ăngtoan nói thêm như vừa nghĩ đến, – anh ấy là người bà con họ xa của tôi.
- Tại sao anh nói có lẽ anh ta nói đúng?
Câu hỏi trực tiếp vào vấn đề làm Ăngtoan bối rối. Anh biết rõ cha Phêlíp khi đã nắm được một ý nghĩ nào là y như chồn săn thỏ, như mèo săn chuột.
- Tôi nghĩ đến học thuyết của anh ấy về sinh hoạt tổ thâm nhập cơ thể, – anh nói.
- Ồ, sinh hoạt tổ à?
Mũi của ông tu viện phó hít không khí giống như mũi con chó đánh hơi tìm dấu vết. Đây là một vấn đề có thể có đôi chút liên quan đến thần học, điều ông hết sức say mê.
- Anh nói thêm nữa đi.
Ăngtoan nặn óc nghĩ nhưng không tìm được lời thích hợp để sửa lại sự vụng dại của mình. Trong lúc thất vọng, anh đâm liều:
- Có lẽ tôi nhớ lại được nguyên văn, như Xécvê đã viết. Điều đó có thể gần như thế này: sinh hoạt tổ được tạo ra do không khí hít vào phổi hoà lẫn với máu làm cho máu từ tâm thất phải đưa vào được tinh khiết lên rồi chảy qua tâm thất trái.
Người mục sư cau mày và xoa chiếc cằm nhọn:
- Xem nào, – ông ta thong thả nói, – theo Galiêng, các văn phẩm của ông đã được Đức Mẹ Thánh Đường của chúng ta tán thành, thì các tâm thất của tim là những căn buồng bằng cơ bắp vốn thường co bóp khi máu duy trì trong các mạch máu một hoạt động qua lại thường xuyên. Galiêng cũng tuyên bố rằng máu vào tim do các tĩnh mạch lớn và thoát ra bằng các lỗ thủng ở thứ vách gọi là vách ngăn, tách riêng bên trái và bên phải tim, rồi vào các động mạch. Sự việc đúng như thế có phải không?
Ông có vẻ say sưa nói với những kiến thức về y học của mình.
- Học thuyết của Galiêng đúng như thế. – Ăngtoan thừa nhận, – nhưng Xécvê không xác nhận sự tồn tại của các lỗ thủng ở giữa bên phải và bên trái tim.
- Anh muốn bác lại Galiêng à?
Để tỏ ý rằng như vậy có thể là tà giáo, tiếng của cha Phêlíp lạnh lùng hẳn đi.
Ăngtoan cố bắt trí nhớ của mình tìm ra các công thức chính xác.
- Đây là điều anh ấy nói về vấn đề máu tuần hoàn qua phổi và tôi nghĩ rằng điều ấy giải thích bệnh phù ta đã khám phá ra trong trường hợp của cha Mariô.
Trước khi Phêlíp kịp tỏ ý kiến phản đối, Ăngtoan đã đọc tiếp những câu rất quen thuộc với anh:
“Sự giao lưu giữa các tâm thất không thực hiện qua vách ngăn giữa tim, dòng máu được dẫn dắt một cách tuyệt vời bằng một đường vòng dài, từ tâm thất phải qua phổi, phổi tác động và máu tốt đến nỗi máu lấy lại màu đỏ và đi vào tĩnh mạch phổi. Ở đây, nhịp bóp của tim sẽ hút máu vào tâm thất trái”
- Tôi thấy hình như anh hiểu biết sâu về học thuyết này. Thật vậy, – cha Phêlíp nói giọng gắt gao, – dù rằng học thuyết ấy mâu thuẫn với bậc thầy của anh là Galiêng.
- Tôi là nhà giải phẫu học, – Ăngtoan đáp lại, – và vì vậy tôi nghiên cứu tất cả những gì liên quan đến cơ thể con người.
- Tuy nhiên, Nhà thờ không thừa nhận một học thuyết nào đối lập với Galiêng.
- Nhưng cha đã thấy rằng các tĩnh mạch của cơ thể và phổi đều bị sung huyết, điều đó chỉ có thể giải thích bằng việc máu chảy không được đẩy ra thích đáng.
- Có thể, – cha Phêlíp nói, vẻ ương ngạnh hiện lên nét mặt. – Nhưng rất có thể có một cách giải thích khác.
Ăngtoan tiếp:
- Và nếu đúng như thế thì không thể có lỗ thủng ở trong tim và sự lưu thông giữa các ngăn, vì nếu có như vậy thì máu thừa sẽ tự động thoát vào tĩnh mạch. Còn như cách diễn biến của sự việc hiện nay, máu thừa trong cơ thể cha Mariô bị đẩy vào phổi, và từ đấy không lưu thông đi, cho nên đã tạo ra bệnh phù ở nơi này. Vâng. Điều đó giải thích được tất cả, hợp luân lí và đầy đủ.
- Galiêng phán đoán theo cách khác, – cha Phêlíp phản đối vẻ cố chấp.
- Hãy để mặc kệ Galiêng! Ăngtoan kêu lên, bực bội vì có sự ngu xuẩn đến như vậy. – Vêdan đã nhiều lần nêu rõ sai lầm của ông ta rồi.
Cha Phêlíp đỏ mặt lên vì giận dữ. Ông gay gắt nói:
- Anh hãy giữ gìn lời nói của anh, bác sĩ ạ. Đức Mẹ Thánh Đường của chúng ta ủng hộ Galiêng. Điều đó đủ cho anh hiểu rồi đấy.
- Nhưng Xécvê…
- Xécvê à? Ma qu…
Người mục sư ngừng lại không thốt hết lời chửi thề. Trong đôi mắt xanh và lạnh lùng của ông bỗng loé lên một ánh sáng quỷ quyệt.
- Xécvê à? Anh muốn nói Misen, hay Misaen, hay Mighen Xecvêtut(13)?
- Vâng.
- Anh có nói với tôi rằng anh ta là bà con với anh, phải không?
- Bà con họ xa. Anh em họ, đại loại như thế.
Ăngtoan ấp úng vì anh không quen nói khác sự thật.
- Phải chăng đó chính là cái anh Misen Xécvê, Misaen Xecvêtut, người đã bị hoả thiêu như một tên tà giáo?
Lúc này Ăngtoan tái mặt.
- Vâng. Nhưng do Giăng Canvanh, thưa cha.
Cha Phêlíp ngoan cố lắc đầu.
- Nếu tôi có trí nhớ tốt thì anh ta đã bị cả Đức Mẹ Thánh Đường của chúng ta kết tội là tà giáo?
- Đó là toà án tôn giáo.
Cha Phêlíp nhún vai:
- Thì cũng như vậy. Anh đã biết tất cả sự việc ấy, và các phát hiện trong lĩnh vực y học?
Mắt của cha Phêlíp rực cháy một ánh lửa cuồng tín, ông xỉa ngón tay xương xẩu gần tận mặt Ăngtoan:
- Chỉ nhắc lại những lời nói của một tên bị kết tội tà giáo cũng đã bị cấm rồi. Cấm cả đọc bất cứ một văn phẩm nào của hắn.
Ông cố bình tĩnh lại và uống một hớp rượu nho.
- Tôi tin rằng anh mắc lỗi do sơ suất, – Một lúc sau ông nói như vậy. – Đã có biết bao nhiêu người trẻ tuổi mắc phải sự việc tương tự như thế. Nhưng bây giờ anh đã được báo trước rồi đấy. Vậy thì đừng có đọc hay là nghĩ đến những lời nói của tên Xecvêtut, tên tà giáo ấy! Đừng bao giờ cả!
Ăngtoan định phản đối, nhưng cha Phêlíp giơ tay lên, báo cho anh biết là đừng nói thêm nữa.
- Anh hãy đến giáo đường ngay. Cầu xin Đức Chúa của chúng ta tha thứ cho anh. Cầu chúa xoá bỏ trong ký ức và tâm hồn anh những lời nói bị ngăn cấm và hãy nhớ rằng văn phẩm của tà giáo không thể có chỗ đứng trong khoa học về con người...
- Nhưng thưa cha...
- Đừng lạm dụng lòng nhẫn nại của tôi, ông Ăngtôniô ạ. Tôi thực đã rất rộng lượng, vì rằng nhiều người đã bị kết án do những tội còn nhẹ hơn tội của ông. Ông hãy đi đi. Và phải sám hối ngay lập tức đi.