Việc Giăng làm đầu tiên sáng hôm ấy là đi chọn cho Ăngtoan mấy bộ quần áo để phù hợp với sinh hoạt của anh hiện tại dù là tạm thời hơn là chiếc áo cũ bạc màu lấm đầy bùn ở rãnh nước mà tiểu thư Luxia đã đánh anh ngã lăn xuống phía trước lâu đài Pêdarô.
- Nhưng mình phải đi gặp ông Girôlamô, – nhà cơ thể học phản đối.
- Với bộ quần áo bỏ đi này ư? Cậu không nói nghiêm trang đấy chứ? Cậu sẽ làm cho bất cứ một cô gái tế nhị nào cũng phải khó chịu đấy!
Ăngtoan chấp nhận ngay vì anh không bao giờ mong muốn đến gặp ông Belacmi khi anh không chỉnh tề: dù cháu gái ông là mụ lắm điều, vị thương gia xứ Phlôrăngxơ vẫn làm cho anh có thiện cảm.
- Thế có tốt không nào. Mình có nhờ Cơlarit đi cùng với chúng ta. Cậu phải quen giao thiệp với giới phụ nữ trẻ nếu cậu định ở Vơnidơ một thời gian.
- Nhưng mình…
- Mọi sự đã sắp xếp xong cả rồi, đừng phản đối nữa. Cách tốt nhất để tránh những điều rắc rối, hay một phần nào rắc rối ít ra cũng như thế khi tác phẩm của cậu được xuất bản, là kết bạn với những nhân vật có thế lực. Hãy cứ làm như mình nói, cậu sẽ có đôi chút may mắn để tự cứu mạng… ít ra cũng ở Vơnidơ!
Ăngtoan thở dài. Như thường lệ, Giăng nói đúng. Ăngtoan đã sẵn sáng và chỉ đợi lúc khởi hành thì Cơlarit Xtơrôdi xuất hiện, mặc rất giản dị, một chiếc khăn vàng rực quấn quanh bộ tóc đen. Không thể chối cãi được rằng lúc mặc áo cũng như lúc khoả thân, cô đều gợi ham muốn.
Cả ba người lên một chiếc gông đôn đang đợi khách ở bến và Ăngtoan nhận ra người lái thuyền hôm trước.
- Chào Matêi, – Giăng nói trong khi anh giúp Cơlarit ngồi xuống. – Chúng tôi đến hiệu may Acnônphô, ở phổ Gacmôni.
Người lái thuyền cúi chào:
- Thật là hân hạnh và vui thích khi được phục vụ ngài, – rồi sau khi gật chào về hướng Xécvê – … và ngài linh mục…
Ăngtoan ngồi gần Cơlarit, Giăng nằm dài trên nệm dưới chân hai người. Chiếc thuyền nhẹ chạy dọc theo sông đào và không bao lâu Ăngtoan thấy mình lạc giữa các ngã tư và các nhánh sông chảy cắt ngang, ồn ào đông đúc, đúng vào giờ giao dịch buôn bán trong thành phố phồn thịnh nhất trong buổi sáng. Họ rời thuyền ngay trước cửa hiệu của Acnônphô và Ăngtoan mở to mắt, chưa bao giờ anh ngờ tới rằng một chủ hiệu may có thể điều khiển một cửa hàng xa hoa đến như thế, đầy ắp gấm vóc đắt tiền và dạ các màu, ở giữa những đống vải ấy các thợ phụ đang đi lại mang những chiếc áo may dở và áo để thử.
Mặc quần áo toàn màu đen kín đáo nhưng cắt may rất khéo, Acnônphô mỉm cười với Giăng và chào đón niềm nở.
- Thưa ngài, – ông ta cúi đầu trước Giăng – chắc ngài đã nghe nói về thứ dạ vừa về cửa hàng tôi từ những xưởng dệt của nước Pháp?
- Ta chưa nói đến chuyện đó hôm nay vội, ông Acnônphô ạ. Bạn tôi, bác sĩ Xecvêtut đây, cần quần áo. Có lẽ ông có thứ gì đó may sẵn có thể hợp với ông ấy chăng?
Người thợ may đưa mắt khinh khỉnh nhìn cái áo bạc màu của Ăngtoan và búng ngón tay:
- Ở đằng kia tôi có một chiếc áo chẽn ngắn bằng nhung xanh với quần cộc và áo choàng đồng màu có lẽ phù hợp?… Tôi cắt may những thứ ấy cho một viên chức Tây Ban Nha nhưng ông ta rủi ro đã chết khi đấu kiếm.
Ăngtoan phản đối: các nhà cơ thể học và các nhà bào chế thường mặc áo dài theo nghề nghiệp của mình, nói về nguồn gốc thì áo ấy được chọn để phân biệt các công hội khác nhau nhưng ngày nay phần đông những người làm nghề tự do và nghề giảng dạy đều sử dụng. Tuy vậy, mới đây cũng có nhiều nhà cơ thể học đã tán thành loại áo ngắn hơn như loại mà các nhà buôn và chủ ngân hàng vẫn dùng, họ cho rằng như thế thích hợp hơn với địa vị ngày càng lớn của họ.
- Tôi thuộc giới những người áo dài.
Càng có vẻ khinh thị hơn, Acnônphô nhún vai:
- Rất tiếc, thưa bác sĩ. Chúng tôi không có loại ấy dự trữ.
Giọng nói khinh bỉ của ông ta đã chứng tỏ rằng những người thuộc giới áo dài không quen đến may mặc ở một hiệu như hiệu ông ta.
- Vậy thì, trong trường hợp này, cậu phải tán thành cách lựa chọn của người viên chức kia thôi, Tôniô. Rõ ràng, cậu không thể tiếp tục mặc bộ quần áo này nữa.
Cơlarit tham gia ý kiến, giọng dịu dàng:
- Có lẽ ông Acnônphô có bộ áo ngắn khác hợp với bác sĩ Xecvêtut hơn. Tôi thấy rất nhiều ở quầy hàng đằng kia.
Dù anh có phần nào tán thành với sự gợi ý khôn ngoan của Cơlarit, Giăng vẫn không thể ghìm lại không nhún vai để tỏ ý tiếc rẻ:
- Với bộ chân được tạo ra như chân anh ta, thật uổng biết chừng nào nếu không mặt áo chẽn ngắn và quần cộc! Thật hoài phí một tặng phẩm trời cho. Thôi cho qua. Ông có loại áo của thương nhân không Acnônphô?
Người thợ may bật ngón tay:
- Có chứ ạ. Cô đây vừa làm tôi nghĩ đến. Chúng tôi có nhận may cho một nhà buôn kim hoàn đúng thứ ấy đấy. Người ông ta cũng tương tự khổ người của bác sĩ. Xin mời đi ra đằng này.
Giăng và Cơlarit tự lựa chọn tất cả những thứ cần thiết cho Ăngtoan dù anh phản đối. Rốt cuộc là khi Ăngtoan rời khỏi buồng thử áo bước ra, đổi mới từ đầu đến chân, Cơlarit không hề ngượng ngùng vỗ tay khen ngợi:
- Hay lắm! Hay lắm! Anh có một người bạn thật là lịch sự kìa, anh Giăng!
Áo của Ăngtoan bằng nhung sẫm ánh ra những tia ấm áp, viền lông thú và có đai buộc ở lưng. Bộ quần áo chẽn màu đen bó sát hai bắp chân nở nang, đầy đặn và buộc dây sát người, Giăng đã nài nỉ và quàng vào cổ anh một chiếc dây chuyền ngắn bằng vàng và cắm trên chiếc mũ nồi dẹt của anh một chiếc lông xanh.
Ăngtoan hỏi:
- Giá bao nhiêu tất cả?
Giăng không để cho anh tự do hỏi giá, nhưng Ăngtoan cảm thấy không một thứ gì có thể rẻ trong một cửa hiệu như thế này.
Trước khi ông Acnônphô kịp nói tổng số tiền, Giăng đã xen vào:
- Tính tất cả vào sổ của tôi. Cậu trả mình sau, Ăngtoan ạ. Lúc này phải đi đã.
Trong khi họ đi khỏi cửa hàng, anh nói thêm:
- Lúc này cậu đã ra dáng một nhà quý tộc rồi đấy, anh bạn ạ. Không còn là anh tu sĩ kiết xác nữa.
Cơlarit nhướng cao cặp lông mày có đường cong rất đẹp:
- Một người đẹp trai chứ! Bất cứ một người phụ nữ nào cũng lấy làm hãnh diện được đi bên cạnh anh.
Nói xong cô nắm cánh tay nhà giải phẫu trẻ rồi khoác chặt. Từ một gác chuông bên cạnh, tiếng chuông vắng xuống thành phố báo giờ buổi trưa và Xécvê hơi giật mình, hổ thẹn, anh biết rằng việc thử áo quần của anh đã mất đứt đi hai tiếng đồng hồ.
- Tôi phải đi gặp ông Belacmi ngay lập tức, – anh lo lắng nói.
Anh bị Giăng phản đối ngay:
- Ồ! Không đi bây giờ được đâu, anh bạn ơi! Trưa rồi, phải đi ăn đã chứ!
Rồi đưa tay nhấc thử chiếc túi lụa đeo ở dây lưng, anh nhăn mặt:
- Có lẽ thuận tiện hơn là tôi phải qua ngân hàng của ông bố danh tiếng của tôi trước đã. Nếu không chúng mình sẽ không có tiền trả tiền ăn. Này Matêi!
Người lái thuyền đang đợi, đưa tay bắt lấy đồng tiền bằng bạc.
- Matêi, anh biết cái hiệu ăn đối diện với ngân hàng của cha tôi chứ, ở phía bên kia hồ ấy mà?
- Có chứ ạ. Tôi vẫn đưa ngài đến đấy luôn.
- Vậy thì anh đưa bà và ông đây đến đấy, sau đó anh qua hồ và đợi tôi ở trước ngân hàng.
- Vâng, xin đi ngay lập tức, – người lái thuyền nói và đặt tay lên ngực.
Anh ta găm thuyền cho khách xuống và Giăng vui vẻ kêu:
- Cơlarit! Gọi các thứ giải khát nhé. Em biết anh thích món gì rồi đấy. Mình sẽ gặp lại các bạn sau mấy phút nữa thôi.
- Ở đây anh được thay đổi không khí trường đại học, có đúng thế không, anh Ăngtôniô? – Cơlarit mỉm cười hỏi.
- Đúng! Và cả không khí tu viện, nơi tôi ở.
- Tại sao anh lại ở tu viện? Các giáo sư đều ở đấy cả hay sao?
- Ồ, không phải thế! Tôi dự định sẽ quy giáo ở đấy, tôi có chỗ ở và chỗ ăn và tôi giữ thư viện để bù lại
- Vậy thì anh nghèo ư, thưa bác sĩ? – Cơlarit ngạc nhiên nói.
Ăngtoan nhún vai một cách ung dung:
- Chắc là thế, dù rằng đến nay, tôi vẫn không hề quan tâm đến vấn đề tiền bạc.
Và anh thầm nghĩ rằng mới chỉ một thời gian ngắn mà anh đã có cảm giác rất mới về của cải vật chất. Trời! Thay đổi biết chừng nào! Vả lại, làm thế nào có thể khác được trong không khí tưng bừng của Vơnidơ, đầy xa hoa, buôn bán, tráng lệ và khác xa không khí yên tĩnh của học đường ở Pađu.
- Vậy anh sẽ làm gì, khi anh đã rời trường đại học như hiện nay, bác sĩ?
- Nhưng tôi có rời bỏ nhà trường đâu! Tôi sẽ trở về đấy sau kỳ nghỉ hè.
- Như vậy thì anh hưởng thời gian nghỉ rất xứng đáng.
- Tôi hưởng một cách đầy đủ, nhưng đây không phải là thời gian nghỉ. Tôi đang viết một luận đề và Giăng chịu trách nhiệm đưa xuất bản.
Vắn tắt, anh kể lại cho cô nghe sự phát hiện của mình và cô nói một cách tư lự:
- Anh nhất định thanh minh cho sự việc của anh ruột mình sao?
- Cô cho rằng tôi nên làm khác như thế ư?
Cô nhìn anh một lúc lâu, thẳng thắn, chăm chú, rồi cô mỉm cười:
- Không. Anh sẽ không còn là anh nữa nếu anh làm khác đi, và anh sẽ kém đáng mến hơn. Nhưng bởi tôi nghĩ rằng anh sẽ không bao giờ trở lại nhà tu nữa.
Ngạc nhiên, anh hỏi:
- Tại sao vậy?
- Tôi linh cảm được các sự việc sắp đến, đôi khi như vậy. Có lẽ là trực giác. Và tôi chắc chắn rằng việc dành cho anh sẽ là: thực hiện cái gì đó tốt hơn lần tràng hạt và cầu kinh.
Mấy tuần lễ trước đây, Ăngtoan sẽ tức giận đến ngạt thở trước giả thuyết này, vì còn vì đẹp hơn, lớn lao hơn là phụng sự Chúa qua sự trung gian của Thánh đường. Thế mà trong lúc này, từ trong lòng anh, anh không hề muốn chê trách Cơlarit vì anh biết rằng nàng nói với anh do lòng tốt của bạn bè. Anh buồn rầu nói:
- Thật kỳ lạ. Giăng cũng nói như thế. Nhưng tôi vẫn chưa làm sao quyết định được.
- Số phần sẽ chịu trách nhiệm với anh về việc ấy, – cô đặt bàn tay lên tay anh. – Số phận thay đổi dự định và ý nghĩ của chúng ta. Đây nhé, mới hôm qua thôi, anh đã chẳng coi như một con người vô giá trị là gì?
- Nhưng cô đâu có phải là người như thế, – anh cực lực phản đối.
Nhưng cô nhấn mạnh với một nụ cười buồn bã:
- Sẽ có những người nói như thế đấy, tuy nhiên…
- Họ sẽ lầm. Một cơ thể đẹp như cơ thể của cô… – Anh đừng lại, mặt đỏ bừng bừng.
Bàn tay Cơlarit xiết chặt bàn tay anh một cách biết ơn và cô nói:
- Tôi hiểu anh muốn nói gì, anh Tôniô ạ. Nhưng, – cô nhìn anh cười một cách đáng yêu, – anh hãy tự nhận xét xem có phải anh đã xa cách với nhà tu biết chừng nào rồi không?
Thuyền chạm nhẹ vào bến đá trước một hàng ăn rất đông đúc. Bàn kê gần sát mặt nước và rất đông người mặc quần áo lịch sự đang thưởng thức các món giải khát dưới ánh nắng mặt trời nóng bức của Vơnidơ. Khi Cơlarit và Ăngtoan đi vào, người quản lý cúi đầu chào người thiếu phụ, rồi đưa nhanh mắt quan sát Ăngtoan, thấy ao anh mặc bằng thứ vải đắt tiền, giày anh bằng da Coócđu mềm mại và chiếc dây chuyền vàng ngắn nhưng nặng, ông ta cúi đầu thấp hơn:
- Một bàn ăn cho ba người, gần sông, ông Bênêđetô ạ, – Cơlarit nói. –Ông Giăng Xavarinô sắp đến với chúng tôi.
Bênêđetô dẫn họ đến một bàn dưới bóng cây ô liu trồng trong chậu, và Cơlarit tránh cho Ăngtoan khỏi lộ ra là người không biết gì về thực đơn nên đã gọi một món phomát mềm với bánh kẹp, sà lách trộn các thứ quả và nêm gia vị theo cách nổi tiếng của ông Bênêđetô, hành củ nhỏ ngâm muối và giấm, bánh ngọt và rượu nho trắng ướp lạnh.
- Giăng thích những thứ ấy và chắc anh cũng đồng ý.
- Trời ơi! Tất cả những thứ này khác biết chừng nào với sinh hoạt thông thường của các tu sĩ giúp việc tu viện! – Ăngtoan nói.
- Nào, bây giờ anh hãy nói một chút về Bôtixeli, – Cơlarit hỏi, tựa cái đầu xinh đẹp và bàn tay.
Lúc đầu, ấp úng, vụng về, Ăngtoan tả lại bức tranh. Dần dần, hào hứng lên anh trở nên lưu loát. Anh dừng lại đột ngột. Cơlarit nói một cách ao ước.
- Anh yêu nàng biết chừng nào!
- Ai vậy?
- Nữ thần “vệ nữ”. Anh nói ý như nàng là một phụ nữ thực sự.
- Nàng là thực sự. Ít ra cũng với tôi. Tôi… tôi không thể giải thích rõ được… nhưng…
- Tôi cho rằng tôi đoán được. Và, vài ngày nữa, tôi hy vọng anh tìm được nàng trong đời sống thực. Anh xứng đáng được như thế.
- Không thể được đâu, thưa cô. Bức tranh được vẽ cũng vào khoảng sáu chục năm rồi, – Ăngtoan bối rối nói.
Cơlarit nói tiếp, hết sức nghiêm trang:
- Điều đó chẳng chứng tỏ được gì cả. Ai bảo rằng anh không thể tìm thấy người giống như thế. Nếu chú ý ta thường thấy mình gặp những người giống nhau đến nỗi tưởng họ là một người.
Cô cười, giọng thân ái và vui vẻ:
- Biết đâu đấy? Có thể một ngày nào đó, trong hành trình của anh, anh sẽ thấy một người phụ nữ làm cho anh nghĩ như sau: “Trời! Cơlarit Xtơrôdi kìa!” Nhưng nếu anh chạy theo cô ta, anh sẽ phát hiện rằng đó là một người khac, do có vài nét đặc biệt nào đó, đã làm cho anh nhớ đến tôi…
- Trong trường hợp đó, – Ăngtoan nói, – người phụ nữ ấy phải thực sự rất đẹp.
- Câu trả lời đẹp biết chừng nào, Tôniô! – Cô kêu lên một cách sung sướng.
Một lần nữa, anh đỏ mặt như một cô gái và đưa nhanh mắt nhìn chung quanh. Chắc chắn không ai nghe thấy anh nói.
Cách mấy bàn, anh thấy một người đàn ông đang nhìn hai người chằm chặp và anh cảm thấy người đó có vẻ thâm hiểm. Mặt người đó rất nâu, có thể do da vốn rám nắng, cũng có thể do ông ta đã sống nhiều thời gian ở ngoài trời. Nét mặt sắc, lông mày rậm, mắt sẫm và có một sức mạnh kỳ lạ. Dù mặc quần áo sẫm màu, kín đáo và chỉnh tể, vẫn có một cái gì lạ lùng phảng phất quanh ông ta, một vẻ gì không biết, làm cho ông ta khi vừa thoạt nhìn cũng đã thấy khác một cách không thể giải thích được với những người đang ngồi trong hiệu ăn.
Ăngtoan nhìn người lạ mặt rồi Cơlarit và hiểu rằng cô cũng chú ý người ấy, vì má cô tái xanh đi như có một bức màn bỗng phủ lên nguồn vui của cô, cô cắn môi mạnh đến nỗi nhợt đi. Rồi cô chào người ấy và mỉm cười với ông ta.
- Người quen của cô đấy à? – Ăngtoan hỏi.
- Lôđôvixi Anhôlô đấy, một nhà ảo thuật. Khi tôi không được thuê làm mẫu, tôi thường làm người phụ việc cho ông ta.
Ăngtoan định qua đầu nhìn lại nhưng anh giật mình kinh ngạc vì thấy tiếng chân bước lại gần. Anh muốn đứng lên để chào nhưng người kia, cao vượt hẳn anh, đã đặt lên vai anh một bàn tay nặng nề làm anh như bị đóng đinh vào ghế.
- Xin đừng đứng dậy, bác sĩ Xecvêtut.
Tiếng của nhà ảo thuật oang oang, vang lên một cách đáng sợ.
- Ông biết tên tôi sao? – Xécvê ấp úng.
Anhôlô mỉm cười để lộ răng to, đều và khỏe, to đến nỗi làm cho Ăngtoan nhớ đến những chiếc răng nanh của con lợn rừng anh đã mổ để thử lại thuyết tuần hoàn qua phổi của anh.
- Chắc rồi! – Tiếng nói oang oang trả lời. – Tôi đã dự ở Pađu nhiều buổi thuyết minh về giải phẫu của ông. Một ngày gần đây chúng ta sẽ phải nói chuyện lâu với nhau, bác sĩ ạ, tôi rất quan tâm đến y học.
- Ông không phải là nhà lý học sao?
Anhôlô cười cùng cục một cách khoái trá, như đã nghe một câu nói đù lý thú mà chỉ mình ông ta hiểu.
- Không, không hẳn là nhà lý học. Dù rằng cuộc sống… và cái chết rất quan tâm đến tôi. Nghề của bản thân tôi ấy mà, đó là nghiên cứu các ngôi sao. Những ngôi sao ấy cho chúng ta biết nhiều sự việc và nhiều vấn đề. Ông có biết điều ấy không?
Ăngtoan lịch sự trả lời:
- Tôi nghĩ rằng có thể có điều đó. Nhưng tôi là nhà giải phẫu học, do tôi tự lựa chọn, tôi không phải là nhà lý học. Và tôi cũng không hiểu biết gì về chiêm tinh học.
- Có lẽ, – Anhôlô gợi ý, – chúng ta có thể có ích cho nhau đấy.
Ông ta quay lại phía Cơlarit và Ăngtoan thấy cô nhìn nhà ảo thuật bằng một cái nhìn chăm chú lạ lùng cũng như anh thấy ông ta đã nhìn lúc nãy.
Cúi xuống gần cô, người kia nói nhỏ:
- Tối hôm nay ta có việc làm đấy, thưa cô.
Cô gật đầu như máy, Ăngtoan ngạc nhiên về các cử động không điều hoà, kỳ lạ của cô, giống như cử động của con rối.
- Được, – cô nói tiếng cô chỉ còn là tiếng thì thầm, – được, tôi hiểu…
- Tạm biệt, bác sĩ, – Anhôlô nói to. – Được gặp ông là vinh dự.
Xécvê chào nhưng không rời mắt khỏi cặp mắt của Cơlarit Xtơrôdi, bị huyễn hoặc bởi cái nhìn kỳ lạ của cô khi cô đưa mắt theo Anhôlô đang đi qua các bàn ăn. Bỗng cô như trở về với thực tại, cô chớp mắt mỉm cười và hỏi:
- Hình như anh đã nói gì với tôi thì phải?
- Không đâu. Công việc tối nay mà ông Anhôlô nói là việc gì thế?
- Tôi đã nói với anh rằng thỉnh thoảng tôi làm phụ cho ông ta. Tối nay ông ta biểu diễn một trò ảo thuật cần tôi giúp đỡ.
- Những buổi biểu diễn ấy như thế nào nhỉ? – Ăngtoan nói, tính tò mò khoa học của anh đột ngột thức tỉnh.
- Ồ, tôi biết giải thích cho anh như thế nào đây. Nhưng chắc không có gì đáng cho anh quan tâm đâu.
Cô cúi đầu gần anh hơn nữa và nhắc lại bằng một giọng nói lạ lùng:
- Hãy tin tôi. Không có gì đáng làm anh quan tâm đâu, thật đấy, anh Ăngtôniô ạ.
Có một cái gì khó chịu phảng phất nhưng tiếng nói vui vẻ của Giăng Xavarinoo làm tan đi. Vừa vỗ cái túi đựng tiền đã căng tròn buộc ở dây lưng, anh vừa nhìn vào bàn một cách hài lòng:
- Đây rồi! Mấy món ăn mình thích đây!
Anh kéo một chiếc ghế và ngồi xuống.
- Nhưng chưa ai ăn gì đây mà, cả hai người?
- Chúng tôi mải nói chuyện và không biết rằng bữa ăn đã dọn!
Mắt Giăng sáng ngời lên:
- Cậu đã trở thành một người bạn lịch sự đối với phụ nữ rồi đấy, Tôniô ạ!
Ăngtoan đỏ mặt:
- Ông Anhôlô cũng vừa lại nói chuyện một lúc.
- Lôđôvixi ấy à? Mẹ kiếp!
Giăng văng ra tiếng chửi thề rồi cau mày nhìn Cơlarit:
- Hắn nói gì thế?
Ăngtoan đã trả lời trước:
-Chúng tôi nói về chiêm tinh học. Ông ta cũng rất quan tâm đến môn giải phẫu học.
- Trời ơi!
Cơlarit lắc đầu và Giăng chuyển sang vấn đề khác.
- Chà! Mình đã rút quỹ của gia đình đầy căng túi đây. Chiều nay chúng ta sẽ chén tốt, Tôniô ạ!
Tuy nhiên, dù Giăng vui nhưng có cái gì đó làm Cơlarit không vui. Cô không còn là người bạn tươi cười, duyên dáng lúc trước nữa. Giăng hình như không nhận thấy gì cả, như thường lệ, anh nói như khướu, và Ăngtoan bắt đầu ăn ngấu nghiến. Đĩa thức ăn ngốn hết, anh ngả người trên ghế và thích thú ngắm cảnh tượng màu sắc đang diễn ra trước mắt mình.
Giữa những gông đôn lịch sự đang vạch những vệt dài trên làn nước xanh lcụ, một chiếc thuyền rộng chở nặng những hành lý và hàng hoá đang lướt qua. Ăngtoan cố kìm để không kêu lên vì những người khách ngồi trên ghế nệm kia không phải ai khác Luxia Belacmi và ông chú cô. Giăng nhìn theo mắt bạn và anh sửng sốt.
- Trời ơi! Một kỳ quan nhỏ tuyệt diệu!
- Đâu? – Cơlarit hỏi, tò mò như tất cả những người con gái của nữ thần Eva.
- Kia kìa, trong chiếc thuyền kia, gần ông già ấy.
Tiếng nói oang oang của Giăng vẳng tới thuyền. Luxia quay đầu lại và không nghi ngờ gì nữa, cô nhận ra người thầy thuốc trẻ, vì cái miệng xinh đẹp của cô đanh lại, hai má đỏ bừng kêu hãnh, cô quay đầu đi. Còn ông Girôlamô, trong khi ấy, lại mỉm cười lịch sự.
- Cô ta nhìn một người trong chúng ta, – Giăng khích động nói. – Có thể là ai đây?
Anh đưa mắt quanh mình và nhìn đến Ăngtoan, anh kêu lên:
- Cậu! Đúng là cậu! Cậu quen cô ta à, Tôniô?
- Ôi! – Ăngtoan nói nhỏ như với riêng mình và đưa tay sờ vào chỗ bướu.
- Ai thế? Trong đời mình, mình chưa từng trông thấy một bộ tóc lộng lẫy như thế bao giờ.
- Đấy là tiểu thư Luxia Belacmi và chú cô ta.
Quai hàm Giăng giật giật. Mãi sau anh mới lắp bắp được:
- Như… ưng… c… cậu… cậu bảo rằng cô ta không đẹp kia mà, Ăngtôniô?
- Không, mình chỉ nói một cách đơn giản là mình không biết cô ta có đẹp hay không?
- Cậu không thể ngu ngốc hay là mù đến như thế! – Giăng hét to và quay lại Cơlarit, anh yêu cầu cô phán đoán:
- Em trông thấy cô ta chứ Cơlarit? Có phải rằng không thể tưởng tượng được có người nào mê hồn hơn thế không?
- Cô ấy đẹp lắm, – Cơlarit thừa nhận và mỉm cười, – Nhưng anh Ăngtoan hình như chưa đặt cô trong trái tim mình.
Giăng giơ hai tay lên trời nói kiểu cách:
- Thật là những người cùng quê kệch và đần độn như nhau!
Bỗng nhiên mắt anh sáng lên:
- Nhưng cậu phải đi gặp ông Belacmi hôm nay kia mà, Tôniô?
- Có chứ. Để nói với ông ấy về bức tranh trước khi ông ấy đi… Nhưng họ đã chẳng xuống thuyền rồi còn gì?
- Đúng rồi. Họ đang trên đường đến chỗ đi xe trạm.
Cùng một lúc, cả hai người kia đứng dậy:
- Chúng mình phải đuổi kịp họ… Để tôi có thể báo cho ông Belacmi biết, ngay lập tức, – Ăngtoan nói. Giăng đã ném tiền lên bàn:
- Em đi chứ, Cơlarit?
- Không… Lôđôvixi muốn em đến chỗ ông ta chiều nay. Em sẽ về nhà và nghỉ ngơi. Họ nhảy lên nhưng thuyền của ông Belacmi đã biến mất.
- Ta đến lâu đài Pêdarô, – Giăng gợi ý.
Chuyến đi của họ uổng công. Ở lâu đài, người ta chỉ có thể báo cho họ biết rằng ông Belacmi và người cháu gái đã đi Phlôrăngxơ bằng thuyền và bằng xe trạm.
- Thôi được! Mình vẫn có thể viết thư đến Phlôrăngxơ cho ông ta và báo cho ông ta biết rằng bức tranh của ông ta hiện có mặt ở Pađu, – Ăngtoan tự an ủi khi họ về tới phòng vẽ.
- Chà! Nhưng mình, mình mất dịp làm quen với một cô gái đẹp! – Giăng than thở.
- Hãy tạ ơn trời đi. Cô ta đánh đau đấy, – Ăngtoan nói một cách hằn học.
- Cậu chẳng biết gì về phụ nữ cả, Tôniô ạ! Trong cánh tay mình, họ sẽ hiền như con cừu non.
Ăngtoan lắc đầu nghi ngờ rồi hỏi:
- À này, cậu có biết gì về thực chất mối quan hệ giữa Cơlarit Xtơrôdi và Anhôlô không, Giăng?
- Cô ấy giúp việc hắn. Chính cô ấy đã nói với cậu như thế.
- Nhưng còn gì nữa?
Giăng nhún vai, vẻ bàng quan:
- Ồ! Chắc cô ta là tình nhân của hắn nữa, có thể như thế. Mình chắc rằng…
Điều kỳ lạ, Ăngtoan không cảm thấy có một ý nghĩa chê trách nào về phía Cơlarit. Anh có trực giác rằng phải có một mối liên hệ sâu sắc gắn bó cô ta với Anhôlô, nhưng dù không có một chút kinh nghiệm gì về tình yêu cảu anh, anh cũng cảm thấy mối liên hệ ấy không chỉ hạn chế sự chiếm hữu xác thịt.
- Chỉ có thế thôi à?
Giăng nhìn anh, sửng sốt:
- Đôi lúc cậu làm mình ngạc nhiên thực sự đấy, Tôniô ạ! Vậy cậu cũng có cái gì khác ư? Một cái gì không giải thích nổi phải không?
- Đúng thế. Nhưng cái gì mới được chứ?
- Mình vẫn thường tự hỏi điều đó nhưng mình vẫn chưa biết nó. Anhôlô hình như có một uy quyền gì rất lạ đối với cô ta. Khi mình hỏi, cô ta lặng thinh. Cô ấy nói với mình một cách đơn giản rằng cô là tình nhân của hắn đã nhiều năm. Nhưng rõ ràng là…
Anh dừng lại và nghiêm nghị nhìn Ăngtoan:
- Tôniô, phải chăng cậu đang sắp say mê cô ta?
- Không, – Ăngtoan tư lự nói, – Mình yêu cô ta lắm, thực sự là yêu lắm. Tuy nhiên, đó không phải là cái mà người ta gọi là ái tình.