Ăngtoan ra khỏi trường đại học bằng chiếc cửa thấp, khi đi qua hơi cúi xuống theo thói quen. Bộ áo giáo sư sẫm màu phấp phới quanh mắt cá chân, chiếc mũ nồi dẹp bằng nhung, dấu hiệu để phân biệt các nhà giáo, đặt trên mái tóc đen hơi quăn. Anh rảo bước, cuốn Fabrica quý báu cặp chặt ở cánh tay. Con sư tử thành Vơnidơ khắc trên vòm cửa đá hoa cương như thông báo với thiên hạ rằng học đường này chỉ thần phục nước Cộng Hoà, Đất Thánh, hòn đảo duy nhất có tự do về học đường cũng như về dân sự ở trong một nước Ý mà đâu đâu cũng đều dưới quyền tăng lữ và là một trong những thành phố giàu nhất địa cầu.
Hai chục nhân vật nổi danh đã lần lượt đi qua vòm cửa này trong những thế kỷ mà trường Đại học Pađu không ngừng phát triển. Chắc chắn có Vêdan và có thể cả Leona, người thanh niên xứ Phlorenxơ vì anh đã sống ở Vơnidơ, cách đây không quá hai mươi lăm dặm. Rồi Misen Xécvê, người thầy thuốc tương lai đầy hứa hẹn nhưng đã sớm kết thúc cuộc đời mình trên giàn lửa của Giăng Canvanh. Rồi Giôn Caiơ, người nước Anh cùng ở một toà nhà với Vêdan ở phố Vali, gần cầu qua sông Pôgơlia.
Đang thẫn thờ với những kỷ niệm rất gần gũi, sống động về những người bất tử đã đi trước mình ở nơi này, Ăngtoan nhìn thấy một người nổi danh khác của ngành y cũng đang đi ra: giáo sư Gabơrien Phalôpiô mà các sinh viên quen gọi một cách thân thiết theo chữ Latinh là “Phalôpiut”. Với danh nghĩa giáo sư giải phẫu ông là cấp trên của Ăngtoan, nhưng vì tuổi cao sức yếu, ông đã trao một phần lớn công việc giảng dạy cho người trợ giáo của mình và Ăngtoan rất vui mừng về việc ấy.
- Chào anh Ăngtôniô, – Phalôpiút nói và mỉm cười thân mật. – Đi đâu thế?
- Thưa giáo sư, tôi về tu viện ạ. Tôi bị thương ở ngón tay nên cụ Ghintêriut đã mổ thay tôi sáng nay.
- Ghintêriut là người thợ cạo khéo tay đấy, – Phalôpiút thừa nhận và gật gù bộ râu dài.
Ăngtoan thu ngắn bước chân lại đi theo bước người tiền bối của mình. Mặt trời mùa hè nóng bức lên cao. Một mùi rát hắc thốc vào mũi khi họ đi qua những dãy phố hẹp bao quanh các khu nhà của trường đại học, đó là mùi thối các lò luyện kim kết hợp mùi thối của giảng đường giải phẫu. Một nhà khoa học khác chắc chắn sẽ tìm công thức xác định tỉ lệ và điểm hoà tan chất độc trong không khí trong lành, nhưng ý nghĩ của Ăngtoan thì đang mông lung.
Phalôpiút đưa cặp mắt sắc nhìn anh bạn trẻ:
- Ngón tay đau làm anh khó chịu lắm sao?
- Thưa không. Chỉ vài hôm nữa là tôi sẽ lại tự tay mình làm phẫu thuật được – Ăngtoan vội trở về với thực tại.
- Tôi cảm thấy hình như trong thời gian gần đây anh không thực sự là anh nữa.
Ăngtoan mỉm cười hồn nhiên:
- Thưa giáo sư, ngài quá quan tâm đến sức khoẻ của tôi. Không có gì đâu ạ. Tôi chỉ khó chịu thôi ạ!
- Hay là, – Phalôpiút gợi ý – Lá lách bị đau nhẹ chăng?
- Rất có thể ạ. Bệnh này thường phát vào mùa xuân.
Bộ râu của giáo sư gật gù vẻ đắc ý về lời chẩn đoán.
- Đừng quên dùng hạt mẫu đơn mật ong nhé!
Ăngtoan hứa:
- Thưa giáo sư, tôi xin nhớ!
- Trích huyết thường có tác dụng tốt, dù ốm bệnh gì cũng vậy.
- Chiều hôm qua tôi đã trích chút ít.
- Thế ư? Trích cùng một bên chứ, phải không?
- Tất nhiên như thế ạ, đó là điều giáo sư thường căn dặn.
Phalôpiút nói, vẻ hoàn toàn vững vàng:
- Ai nấy đều biết rằng các thầy thuốc đã giết hoàng thân Prêmông cách đây mấy năm vì đã trích tĩnh mạch khuỷu tay đối lập với chỗ viêm.
Ăngtoan cười:
- Điều đó khó lòng xảy ra với tôi trong lúc này. Tôi chỉ có thể dùng tay trái để cầm dao.
- Anh cũng vẫn làm tốt đấy! Trong khi tranh luận về trích máu tĩnh mạch Vêdan cũng đã phát biểu ý kiến như thế.
Sự thiên vị của Ăngtoan đối với những điều giảng dạy của người thầy nổi tiếng này không phải là điều bí mật đối với Phalôpiút. Người thanh niên nén một nụ cười. Câu trả lời của Vêdan vẫn rất rõ trong tâm trí anh: “Phải chăng chúng đã cắn quần nhau như những con chó?”. Theo anh, cách miêu tả ngắn gọn những cuộc tranh cãi gay gắt giữa những người thầy thuốc như vậy thật khó có thể thích hợp hơn và xác đáng hơn. Nghĩ đến Vêdan, người môn đồ này hỏi:
- Thưa giáo sư, ở Tây Ban Nha người ta cấm trích huyết cùng bên với chỗ đau có phải không ạ?
Các thầy thuốc Tây Ban Nha nổi tiếng chống đối mạnh mẽ những điều mà Phalôpiút bảo vệ. Ông nhún vai:
- Phải đấy. Theo như chỗ tôi biết, họ học hỏi một cách chậm chạp. Pie Bơrixông đã bị trục xuất khỏi trường Đại học Y khoa ở Pari cũng vì đã kiên quyết bảo vệ nguyên lý ấy.
Ăngtoan nêu vấn đề một cách tinh quái:
- Tuy nhiên, khi một kiến giải đã liên kết được những người danh tiếng như vậy thì kiến giải ấy phải đúng.
Phalôpiút mỉm cười:
- Có lẽ anh đã nêu ra một nguyên lý mới, một hệ luận. Anh sẽ phải viết thành sách đấy.
- Điều rủi ro là tôi không được khá về môn luận văn viết.
- Anh thích thể hiện bằng minh hoạ hơn phải không? Theo tôi biết thì môn vẽ được anh ưa chuộng.
Ăngtoan đỏ mặt:
- Tôi cho rằng một nhà cơ thể học phải có chút ít khả năng về môn này. Thưa giáo sư, ngài có nghĩ như thế không?
- Tất nhiên là có chứ. Anh nói hoàn toàn đúng, tôi cũng rất mong có tài năng ấy như anh. Và cũng đúng đã đến lúc anh phải công bố một điều gì đó. Đã đến lúc rồi! Điều đó sẽ rất có ích đối với anh khi tôi phải chỉ định người kế tục mình.
- Tôi cầu Chúa cho thời gian ấy còn lâu mới đến. Thưa giáo sư, trường đại học rất cần đến ngài.
Phalôpiút lắc đầu:
- Không anh ạ, không phải như thế đâu. Y học là một nghề cần những trí thức trẻ. Còn biết bao nhiêu và bao nhiêu điều phải học trước khi đưa ra giảng dạy cho nên rất cần đến những người thông minh, trẻ tuổi, đầy nhiệt tình. Hãy bắt tay vào việc đi. Bắt đầu viết cuốn sách của anh ngay từ bây giờ đi. Hay ít ra cũng là một chuyên đề. Tôi có thể đề tựa cho anh. – Ông quả quyết hứa. – Lời tựa ấy sẽ nói đến tầm quan trọng của tuổi trẻ.
Trong khi vị giáo sư già diễn thuyết về đề tài quen thuộc ấy thì Ăngtoan nghĩ đến… điều khác. Anh nghĩ đến bức tranh treo trong phòng của mình ở tu viện, sắc đẹp ấy thuộc loại mà con mắt của nhà nghệ sĩ cũng như mắt chàng thanh niên đều chiêm ngưỡng. Phalôpiút ngắt quãng dòng mơ tưởng của anh:
- Anh có đồng ý rằng đấy là một đề tài tốt không?
- Tất nhiên ạ, – Ăngtoan ấp úng nói – Giáo sư nói rõ ràng là đúng.
- Thế ra anh không hề nghe tôi nói gì sao? – Phalôpiút phản đối và hơi bực mình.
Đỏ bừng mặt vì lúng túng. Ăngtoan thừa nhận rằng tâm trí anh đang vẩn vơ.
- Một tiểu thư xinh đẹp chăng? – Vị giáo sư già tinh quái hỏi.
Ăngtoan cực lực phản đối ngay:
- Ồ không phải như thế ạ! Tôi đã có ý định thụ giới…
- Nhưng theo như tôi biết thì anh chưa làm như thế. – Phalôpiút vội ngắt lời anh khi hai người rẽ vào góc phố, trường đại học lùi lại phía sau họ – Tôi không có ý thuyết phục anh từ bỏ dự định ấy, nhưng tôi cho rằng một thầy thuốc không cần phải tuyệt đối không biết đến những cám dỗ của da thịt, nếu anh muốn chữa được tốt các bệnh nảy sinh ra từ da thịt.
- Thưa giáo sư, tôi đã nghiên cứu về sự cám dỗ đối với các thánh.
- Cái đó không đúng như điều tôi đang suy nghĩ, – Phalôpiút lạnh lùng trả lời.
- Có phải đấy là một quan niệm mới không ạ?
- Đúng thế. Và có thể đem lại cho tôi những điều phiền phức từ phía Nhà thờ, dù ở ngay trong Cộng hoà Vơnidơ tự do và sáng suốt này. – Phalôpiút thừa nhận với một nụ cười mệt mỏi. – Thôi, đừng quan tâm đến lời nói dông dài của một lão già Ăngtoan ạ, hãy yên tâm đi theo con đường anh đã chọn, nếu đúng là sự lựa chọn ấy phù hợp với ý muốn của anh.
Đường đi của họ phải qua một trong những chiếc cầu cũ kĩ bằng gỗ bắc ngang qua dòng sông hẹp Bakigơliôn, một con sông nhỏ chảy ngoằn ngoèo xuyên qua thành phố. Lên đến giữa dốc cầu, Phalôpiút dừng lại để nhìn xuống phía dưới, dòng nước chậm chạp, đen ngòm, loáng dầu, đó đây nổi bồng bềnh một thứ rác rưởi gì đó, một nắm bọt xám xịt, vì con sông này đồng thời là một thứ mương thoát nước, nói cho đúng thì nó là một thứ cống. Về phía dưới một chút, một dòng nước chảy mỏng mảnh bắt nguồn từ con suối nhỏ ở sau những ngôi nhà trên cao đang rì rào, sủi bọt vượt qua cát, đá để nhập vào sông Bakigơliôn, nước của dòng nhỏ này trong suốt và long lanh ánh mặt trời.
- Nhìn xem kìa, – Phalôpiút kêu lên và giơ ngón tay chỉ – Hãy nhìn chỗ dòng nước nhỏ nhập vào dòng lớn.
Một vùng bán nguyệt nhỏ nước trong đã tìm được lối tiến vào chỗ nước đen bẩn của sông Bakigơliôn, hình như dòng nước trẻ trung, tươi mát đang cố đẩy dòng nước thối tha, bẩn thỉu, hôi hám đi để chiếm lấy dòng sông. Nhưng ý đồ ấy không có kết quả, sức cố gắng ấy bị thất bại vì vùng bán nguyệt nước trong chỉ loang ra được một thước, theo bán kính, trước khi chất tươi mát của nước suối bị môi trường nước thải tham lam vô độ kia hút hết, nuốt chửng đi. Nếu người khách nhỏ tươi vui ấy đã thêm cho sông Bakigơliôn một cái gì đó thì cũng chẳng còn gì nữa sau chỗ hai dòng nước tiếp xúc nhau mười bước.
- Thấy không anh – Phalôpiút buồn rầu nói. – Dòng nước lớn, đó là tổng số kiến thức của chúng ta hiện nay, đang cáu bẩn bởi các sai lầm, bị nhiễm độc vì hoài nghi và dốt nát, kể cả sự cố chấp của những người không nhìn vào sự thực, dù sự thực ấy nổi bật lên trước mắt họ.
- Và dòng nước nhỏ, – Ăngtoan tiếp lời, – đó là tổng số những phát hiện mới của chúng ta, như phát hiện của ông Côlông chẳng hạn, phải không, thưa giáo sư?
- Tôi không hề nghĩ đến sự phát hiện ra Tân thế giới, – Phalôpiút lạnh lùng nói, – nhưng tôi nói đến những phát hiện của chính anh và của một vài trí tuệ năng động khác đã rót vào dòng sông kiến thức của loài người. Ăngtoan ạ, dòng nước trong sáng của tài năng con người thường không được tự do toả rộng, dòng chảy của nó bị những con đê chặn đứng làm cho kiệt sức. Vì thế dù cho nó có nhập được với dòng chính của kiến thức chung thì tác dụng của nó đã bị xoá bỏ trước rồi.
Ông chỉ tay về phía con sông Bakigơliôn nhơ bẩn đang chảy dưới cầu:
- Đừng cho phép sự việc như vậy đến với mình, anh ạ. Dù phải trả bằng giá nào cũng không cho phép như thế. Đừng để cho đà tiến của mình bị kìm hãm, đừng để cho nguồn nước của mình bị cạn khô.
Ông chia tay anh, qua sông là mỗi người rẽ một ngả.
- Chào anh.
- Xin chào giáo sư. – Ăngtoan lặp lại như máy và nhìn theo ông già đang cẩn thận bước xuống dốc cầu.
Phải chăng người thầy đã có ngụ ý khuyên anh phải dè chừng khi quyết định khoác áo tu sĩ? Ằngtoan tự hỏi mình khi anh rời cầu đi về phía tu viện. Đã bao nhiêu năm nay, từ lâu rồi, cha mẹ anh mong muốn để anh có thể theo đuổi việc học hành và tốt nghiệp về giáo luật ở Pađu, nhưng các cụ không hề phản đối khi anh hướng về ngành y. Vì rằng đa số các thầy thuốc nổi danh cũng là giáo sĩ, như các bậc thầy được ai nấy đều tôn kính là Girôlamô Cácđanô(7) và Têôphơrát Bôngbaxơtút vôn Hôhơnhaimơ, người đã chọn bí danh là Paraxen, vì ông không thừa nhận sự ngang hàng với bất cứ ai, ngoài nhà văn Xendut(8).
Ở Pađu, không có gì ngăn cản các giáo sĩ học tập, dù sự việc Vêdan nhất thiết cho rằng con người có mười hai cặp xương sườn – chứ không phải là mười ba cặp như Galiêng đã khẳng định và được Nhà thờ ủng hộ – đã làm cho Nhà thờ không hài lòng về ông. Ở những nơi khác của nước Ý và ở khắp Châu Âu, Ăngtoan biết rõ rằng không ở đâu tự do tư tưởng như ở Vơnidơ và khi không được giới tôn giáo tán thành là một điều đe doạ đáng sợ đối với những người không đồng tình với những đạo luật của Rôma. Cũng đã có lúc ở ngay Pađu, những người Giêduýt(9) cố làm cho sứt mẻ vấn đề tự do ngôn luận trong trường đại học bằng nhà trường riêng và hình thức giáo lý riêng của họ. Ý đồ của họ đã bị thất bại do sự chống đối dũng cảm của trường Đại học Y khoa và sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trường nhân danh Hội đồng mười vị rất quyền thế ở Vơnidơ.
Khi còn là sinh viên, Ăngtoan đã nhiều lần choảng nhau với sinh viên trường Giêduýt. Anh vẫn chưa quên những cuộc đánh lộn hăng hái ấy, chưa quên nắm đấm chắc nịch của mình nện vào da thịt mềm nhẽo của họ, nỗi lo lắng của chiếc mũi đẫm máu và niềm hân hoan khi thoát khỏi tay bọn gác đang cố gắng nện văng mạng vào một anh chàng giơ đầu chịu báng nào đó.
Nhưng hành vi ấy không còn phù hợp với phẩm chất của anh hiện nay, cũng như với ý đồ khoác áo tu hành của anh, cho nên đã một thời gian anh chỉ qua lại trên con đường từ tu viện đến các lớp học của mình và chỉ rẽ ngang khi có người trong trường đại học bị ốm cần anh chăm sóc.
Ngoài Pađu và Vơnidơ, việc đi thăm bệnh nhân của thầy thuốc cũng như phương pháp điều trị của họ đều phải theo quy tắc rất chặt chẽ do Toà thánh lập ra coi như giáo lý, nếu không sẽ bị coi như theo tà giáo.
Toà án tôn giáo xuất hiện ở Tây Ban Nha đã thâm nhập vào nước Ý làm cho bất cứ ai không tuân theo quy cách cư xử đã đề ra lâm vào cảnh vô cùng nguy khốn. Người ta đã nói đến việc đưa Vêdan ra trước pháp luật và chỉ nhờ chuyến ra đi vội vã của ông mới cứu ông thoát khỏi giàn thiêu. Còn Misen Xécvê, tốt nghiệp ở Pađu và là một trong những thầy thuốc xuất sắc nhất của thời đại, thì đã bị hoả thiêu theo lệnh của tên tà giáo Canvanh đúng vào lúc Rôma cũng kết án anh. Anh đã chẳng xem xét một cách phê phán quan niệm thần học về Thần thánh hay sao?
Hơn nữa, anh đã đi tới mức dám tuyên bố rằng không có lỗ ở các vách ngăn của trái tim, khi Galiêng còn khẳng định như thế, – và máu chỉ chảy từ bên phải qua bên trái tim bằng một đường vòng qua phổi.