Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Từ điển tiếng Việt

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 49765 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Từ điển tiếng Việt
Nhóm biên soạn

D (1)

da
- 1 d. 1 Lớp mô bọc ngoài cơ thể người và một số động vật. Màu da. Da mịn màng. Da bủng. 2 Da một số động vật đã thuộc. Cặp da. Thắt lưng da. 3 (kết hợp hạn chế). Mặt ngoài của một số vật, như quả, cây, v.v. Da cam sành sần sùi.
- 2 d. (ph.). (Cây) đa.
- deca-, viết tắt.
da cam
- dt. Màu vàng tựa như màu vỏ quả cam lúc chín: áo màu da cam.
da dẻ
- dt. Da người nói về mặt bề ngoài nhìn thấy: Dạo này ông cụ da dẻ hồng hào.
da diết
- t. (Tình cảm) thấm thía và day dứt không nguôi. Nỗi buồn da diết. Nhớ da diết.
da láng
- dt. Da thuộc, được mài và phết một hợp chất hữu cơ làm cho bóng láng ở mặt ngoàị
da liễu
- dt. Ngành y học chữa bệnh ngoài da và bệnh hoa liễu: Chủ nhiệm khoa Da liễu.
da mồi
- d. Da người già lốm đốm những chấm màu nâu nhạt như mai con đồi mồi. Tóc bạc da mồi (tả người già nua).
da thuộc
- dt. Da súc vật đã ngâm tẩm hóa chất, đã chế biến thành tấm nguyên liệu để làm các đồ dùng: thu mua da trâu bò để làm da thuộc.

- đgt. Làm cho mất hiệu quả, hết tác dụng: Dã rượu; Dã độc.
dã cầm
- dt. (dã: đồng nội; cầm: chim) Chim ở đồng nội; Chim rừng: Vịt trời là một loài đã cầm.
dã chiến
- I đg. (dùng phụ sau một số d.). Đánh nhau không có chiến tuyến nhất định, chủ yếu là đánh vận động trên địa bàn ngoài thành phố. Bộ đội dã chiến.
- II t. (dùng phụ sau một số d.). Chuyên phục vụ cho quân đội , không ở cố định một chỗ. Bệnh viện dã chiến. Công sự dã chiến.
dã dượi
- tt. Rã rượi: Toàn thân mỏi mệt dã dượị
dã man
- tt. (H. dã: không văn minh; man: chưa khai hoá) 1. ở trạng thái chưa được khai hoá: Còn chưa hết thói dã man, người còn là giống sài lang với người (Tú-mỡ) 2. Độc ác: Bọn quân xâm lược dã man.
dã tâm
- d. Lòng dạ hiểm độc mưu việc lợi mình hại người. Dã tâm xâm lược.
dã thú
- dt. Thú sống ở rừng: Họ sống chẳng khác gì dã thú.
dã tràng
- dt. Loài cáy nhỏ hay vê cát thành những viên tròn ở bãi biển: Dã tràng xe cát bể Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì (cd).
dạ
- 1 d. 1 (dùng hạn chế trong một số tổ hợp). Bụng con người, về mặt chức năng làm nơi chứa và làm tiêu hoá thức ăn, hoặc chứa thai. No dạ. Người yếu dạ. Bụng mang dạ chửa. 2 Bụng con người, coi là biểu tượng của khả năng nhận thức và ghi nhớ. Sáng dạ*. Ghi vào trong dạ. 3 Bụng con người, coi là biểu tượng của tình cảm, thái độ chủ đạo và kín đáo đối với người, với việc. Mặt người dạ thú. Thay lòng đổi dạ. Thuyền ơi, có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền (cd.).
- 2 d. Hàng dệt dày bằng lông cừu, có thể pha thêm loại sợi khác, trên mặt có tuyết. Quần áo dạ. Chăn dạ.
- 3 I c. 1 Tiếng dùng để đáp lại lời gọi hoặc để mở đầu câu nói một cách lễ phép. (- Nam ơi!) - Dạ! Dạ, thưa bác, mẹ cháu đi vắng. 2 (ph.). Vâng. (- Con ở nhà nhé!) - Dạ.
- II đg. Đáp lại lời gọi bằng tiếng "". Dạ một tiếng thật dài. Gọi dạ, bảo vâng.
dạ dày
- dt. Bộ phận của ống tiêu hóa ở động vật có xương sống, hình túi, dày, nằm giữa thực quản và tá tràng, nhận và chứa thức ăn trong thời gian nhất định, co bóp xáo trộn thức ăn.
dạ hội
- dt. (H. dạ: đêm; hội: họp) Cuộc liên hoan tổ chức vào ban đêm: Công đoàn tổ chức một cuộc dạ hội.
dạ quang
- t. (kết hợp hạn chế). Sáng xanh lên trong bóng tối. Đồng hồ dạ quang (có dát chất dạ quang vào kim và chữ số, để có thể xem giờ trong bóng tối).
dạ vũ
- dt. (H. dạ: đêm; vũ: mưa) Mưa đêm: Lầu đãi nguyệt, đứng ngồi, dạ vũ, gác thừa lương, thức ngủ, thu phong (CgO).
dạ yến
- d. (cũ; id.). Tiệc tổ chức vào ban đêm.
dai
- tt. 1. Bền và dẻo, khó làm cho đứt, cho rời ra từng mảnh: thịt trâu già dai quá. 2. Bền, lâu, mãi không thôi, không đứt ra được: dai sức nói daị
dai dẳng
- tt. Kéo dài mãi: Trận sốt dai dẳng mất gần một tuần lễ (NgĐThi). // trgt. Không dứt: Ôm dai dẳng mãi.
dài
- t. 1 Có khoảng cách bao nhiêu đó từ đầu này đến đầu kia, theo chiều có kích thước lớn nhất (gọi là chiều dài) của vật. Tấm vải dài 25 mét. Đo chiều dài. 2 Có chiều dài lớn hơn mức bình thường hoặc lớn hơn so với những vật khác. Đôi đũa dài. Áo may dài quá. Đường dài. Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn (tng.). 3 (id.). (Hiện tượng) chiếm khoảng thời gian bao nhiêu đó từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Một ngày đêm dài 24 tiếng đồng hồ. 4 (Hiện tượng, sự việc) chiếm nhiều thời gian hơn mức bình thường hoặc hơn những hiện tượng, sự việc khác. Đêm dài. Đợt rét kéo dài. Nói dài lời. Kế hoạch dài hạn. 5 (kng.; dùng sau đg., hạn chế trong một số tổ hợp). Một mực như thế, mãi không thôi. Nghỉ dài. Chơi dài.
dài dòng
- tt. (Nói, viết) lắm lời một cách rườm rà, vô ích: kể dài dòng Văn viết dài dòng.
dải
- 1 dt. Dây dài và dẹt thường bằng vải hay lụa: Hàng bóng cờ tang thắt dải đen (Tố-hữu).
- 2 dt. Từ đặt trước những danh từ chỉ một vật dài: Dải núi; Một dải sông Ngân lệ mấy hàng (Tản-đà).
- 3 dt. Loài bò sát lớn, họ rùa, thường sống ở những đầm sâu: ở nước ta, không thấy nói nơi nào còn có con dải.
dãi
- 1 d. Nước dãi (nói tắt). Mồm miệng đầy dãi. Thèm nhỏ dãi (thèm quá).
- 2 đg. (kết hợp hạn chế). Phơi cả bề mặt ra ngoài trời để cho ánh nắng tác động vào. Dãi vải. Dãi nắng.
dái
- 1 dt. 1. Nh. Bìu dái. 2. Củ con mọc cạnh củ cái ở một số cây: dái khoa sọ. 3. (Gia súc đực đã lớn, chưa thiến: chó dái bò dáị
- 2 đgt. Kiêng sợ, kính nể: khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương (tng.).
dại
- 1 dt. Thứ phên đan bằng thanh tre thường dựng ở ngoài hiên để che nắng: Dại che nắng nhưng cũng làm cho trong nhà thêm tối.
- 2 dt. Bệnh của một vài động vật nhất là của chó, do vi khuẩn làm tổn thương hệ thần kinh và gây nên chết: Chó đã bị bệnh dại thì có thể truyền bệnh sang người, nếu người bị cắn. // tt. Mắc bệnh dại: Chó dại.
- 3 tt. 1. Chưa đủ trí khôn; Chưa biết suy xét phán đoán: Trẻ dại; Cháu còn dại lắm 2. Thiếu suy nghĩ chín chắn, làm những việc không khôn ngoan: Anh nghe nó là dại; Người khôn đón trước rào sau, để cho người dại biết đâu mà dò (cd), Lớn đầu mà dại (tng) 3. Tê, khó cử động: Ngồi lâu, chân dại đi 4. Vụng về: Nét vẽ còn dại 5. Không được linh hoạt: Mắt dại đi 6. Nói cây mọc hoang: Cây dại thì lấy về làm gì.
dại dột
- t. Tỏ ra dại, thiếu khôn ngoan. Việc làm dại dột. Ăn nói dại dột.
dám
- đgt. Không ngại, không sợ, tự tin để làm những việc khó khăn, nguy hiểm: dám nghĩ dám làm (Tự tin, có đủ bản lịnh trong suy nghĩ, hành động) chưa dám hứa trước.
dạm
- 1 đgt. 1. Viết đè lên những nét chữ đã viết sẵn: Thầy đồ bắt dạm những chữ son thầy đã viết cho 2. Sửa nét chữ cho nhẵn nhụi: Anh ấy có tài dạm những chữ kẻ trên tấm bảng thành những chữ in rất đẹp 3. Vẽ phác: Giang sơn dạm được đồ hai bức (NgTrãi).
- 2 đgt. 1. Ướm hỏi: Lang thang anh dạm bán thuyền (NgBính) 2. Tỏ ý muốn lấy một người làm vợ: Cô ấy đã có người dạm, nhưng bố mẹ cô ấy chưa bằng lòng.
dan díu
- đg. Có quan hệ yêu đương với nhau, thường là không chính đáng. Có vợ rồi, còn dan díu với người khác.
dàn
- 1 dt. Kết cấu chịu lực cấu tạo từ những thanh thẳng bằng gỗ, thép, bê tông cốt thép..., dùng làm hệ thống chịu lực chính trong xây dựng (mái nhà, nhịp cầụ..) và trong kết cấu máỵ
- 2 dt. Một nhóm nhạc cụ hay giọng hát được tập hợp theo cơ cấu và biên chế nhất định: dàn nhạc dàn hợp xướng.
- 3 đgt. Bày rộng ra trên một phạm vi nhất định: dàn quân dàn hàng ngang.
- 4 đgt. Thu xếp, trang trải, làm cho ổn thỏa: dàn nợ dàn việc.
dàn cảnh
- đgt. 1. Điều khiển việc trình bày một vở kịch: Nhà đạo diễn đã dàn cảnh rất chu đáo 2. Tìm cách trình bày một trò lừa bịp: Hắn dàn canh rất khéo, nên nhiều người mắc lừa.
dàn hòa
- dàn hoà đg. Dàn xếp cho được hoà thuận trở lại. Đứng ra dàn hoà. Nói dàn hoà.
dàn xếp
- đgt. Sắp xếp, bàn bạc, làm cho ổn thỏa: dàn xếp việc gia đình dàn xếp việc tranh chấp đất đai giữa hai làng.
dán
- đgt. 1. Làm cho hai vật dính với nhau bằng một chất dính như hồ, keo, sơn: Dán tem vào phong bì 2. Để sát vào: Dán mũi vào cửa kính.
dạn
- t. 1 (cũ, hoặc ph.). Bạo, không rụt rè, không e ngại. Nói năng rất dạn. Dạn gan. 2 Có khả năng tiếp xúc với hiện tượng nguy hiểm, đáng sợ hoặc chịu đựng hiện tượng nguy hại mà không dễ bị tác động, do đã quen đi. Dạn với mưa gió. Chim dạn người.
dạn mặt
- tt. Đã không còn biết xấu hổ vì đã quen làm bậy nhiều lần: Nó đã dạn mặt như thế còn dạy dỗ gì được.
dang
- 1 x. giang1.
- 2 x. giang2.
- 3 đg. 1 Mở rộng ra về cả hai phía (thường nói về cánh chim, cánh tay). Chim dang cánh bay. Dang rộng hai tay. 2 (ph.). Tránh xa ra một bên. Đứng dang ra.
- 4 đg. (kết hợp hạn chế). Phơi trần ngoài nắng. Suốt ngày dang nắng.
dang dở
- Nh. Dở dang.
dáng
- 1 dt. Vẻ; Bề ngoài: Ban nãy bác đã thấy cái dáng nó oai vệ là ngần nào (NgCgHoan).
- 2 trgt. 1. Hình như: Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai (Tố hữu) 2. Có lẽ: Kẻ trước như ta dáng cũng nghèo (NgCgTrứ).
dáng điệu
- d. Những nét đặc trưng của một người nhìn qua dáng đi, điệu bộ, cử chỉ (nói khái quát). Dáng điệu khoan thai. Dáng điệu ngượng ngập.
dạng
- 1. Hình thể, kích cỡ bên ngoài, dựa vào đó để phân biệt sự khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng: cùng một loại thuốc có các dạng khác nhau dạng thức biến dạng bộ dạng cải dạng dị dạng đa dạng đồng dạng hình dạng nguyên dạng thể dạng tự dạng. 2. Phạm trù ngữ pháp của động từ biểu thị những mối quan hệ khác nhau giữa chủ thể và khách thể của hành động: dạng bị động.
danh
- dt. 1. Từ dùng để chỉ một người nào khi gọi tên (cũ): Danh Chép, danh Mè, danh Măng, danh Trắm (Trê Cóc) 2. Tiếng tăm: Phải có danh gì với núi sông (NgCgTrứ).
danh dự
- d. 1 Sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp. Danh dự con người. Bảo vệ danh dự. Lời thề danh dự (được bảo đảm bằng danh dự). 2 (dùng phụ sau d., trong một số tổ hợp). Cái nhằm mang lại danh dự, nhằm tỏ rõ sự kính trọng của xã hội, của tập thể. Được tặng cờ danh dự. Ghế danh dự. Chủ tịch danh dự (trên danh nghĩa, không đảm nhiệm công việc thực tế).
danh hiệu
- dt. 1. Tên và hiệu nói chung: giới thiệu danh hiệu với nhau. 2. Tên gọi nêu lên phẩm chất cao quý, dành riêng cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc: được tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.
danh lam
- dt. (H. lam: chùa) Ngôi chùa nổi tiếng: Chùa Hương là một danh lam.
danh lợi
- d. Danh vị và lợi ích cá nhân (nói khái quát). Chạy theo danh lợi.
danh mục
- dt. Bảng ghi tên theo sự phân loại nào đó: danh mục sách tham khảo danh mục các loại báo chí.
danh nghĩa
- dt. (H. nghĩa: ý nghĩa) 1. Tư cách, cương vị: Tôi lấy danh nghĩa là người yêu chuộng văn nghệ, xin chúc mừng Đại hội văn nghệ thành công (HCM) 2. Tên gọi mà không có thực quyền: Danh nghĩa là chủ tịch, nhưng thực ra không đảm đương công việc gì.
danh ngôn
- d. Lời nói hay được người đời truyền tụng.
danh phận
- dt. Danh hiệu và chức phận:? làm nên danh phận.
danh sách
- dt. (H. sách: bản kê) 1. Bản kê tên người: Danh sách thí sinh 2. Bản ghi các thứ theo một thứ tự nhất định: Lên danh sách những thứ cần mua.
danh thiếp
- d. Thiếp nhỏ ghi họ tên, thường có kèm theo nghề nghiệp, chức vụ, địa chỉ, dùng để giao dịch.
danh từ
- dt. 1. Từ biểu thị ý nghĩa sự vật, đối tượng, thường làm chủ ngữ trong câụ 2. Từ dùng trong khẩu ngữ thay cho thuật ngữ: danh từ khoa học.
danh vọng
- dt. (H. vọng: trông ngóng) Địa vị cao được người ta tôn trọng: Cây cao thì gió càng lay, càng cao danh vọng, càng dày gian truân (cd).
dành
- 1 d. x. dành dành.
- 2 x. giành1.
- 3 đg. 1 Giữ lại để dùng về sau. Dành tiền mua xe. Dành thóc gạo phòng lúc giáp hạt. 2 Để riêng cho ai hoặc cho việc gì. Chỗ dành riêng. Dành nhiều thì giờ đọc sách.
dành dành
- dt. Cây mọc hoang ven bờ nước, rừng thưa, hoặc được trồng làm cảnh, thân nhỏ, cành mềm khía dọc, lá mọc đối hoặc mọc vòng, hình thuôn trái xoan, mặt trên nâu đen bóng, mặt dưới nhạt, hoa mọc đơn ở đầu cành, trắng, rất thơm, quả thuôn bầu dục, thịt màu vàng, dùng nhuộm bánh, mứt, kẹo hoặc làm thuốc chữa bệnh vàng da, sốt.
dao
- 1 dt. Đồ dùng bằng thép có lưỡi sắc, dùng để cắt, chém, chặt, băm, xén...: Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen (tng), Chơi dao có ngày đứt tay (tng).
- 2 dt. Một thứ ngọc quí: Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao (K).
dao cạo
- d. Dao dùng để cạo râu, lưỡi rất sắc.
dao động
- đgt. 1. Chuyển động có giới hạn trong không gian lặp đi lặp lại quanh một vị trí cân bằng: Con lắc đồng hồ dao động đều đặn. 2. Xê dịch trong một phạm vi nhất định: sai số dao động từ 0,1% đến 0,2%. 3. Dễ bị nao núng, thiếu tự chủ, dễ nghiêng ngả, làm theo ý người khác: dao động trước khó khăn.
dao găm
- dt. Dao sắc có mũi nhọn, để trong một cái vỏ: Lỗ miệng thì nói nam mô, trong lòng thì đựng ba bồ dao găm (cd).
dao mổ
- d. Dao dùng làm dụng cụ mổ xẻ.
dao xếp
- dt. Dao có lưỡi có thể gập gọn vào chuôị
dạo
- 1 dt. Khoảng thời gian nào đó: Dạo phải mổ dạ dày, ngửi hơi thuốc đâm sợ (NgKhải).
- 2 đgt. Đánh trống hoặc gảy đàn trước khi vào bản đàn hay bài hát chính thức: Vặn đàn mấy tiếng dạo qua (TBH). // trgt. ý nói điều gì trước khi đi thẳng vào vấn đề: Ông ấy mới nói dạo là sẽ về hưu.
- 3 đgt. Đi chơi rong: Dạo phố, Thiếp dạo hài lầu cũ rêu in (Chp).
dát
- 1 đg. Làm mỏng kim loại bằng sức dập. Đồng là kim loại dễ dát mỏng.
- 2 đg. Gắn thêm từng mảnh trên bề mặt, thường để trang trí. Mũ dát vàng. Nền trời đầy sao, tựa như dát bạc.
- 3 t. (ph.). Nhát. Văn dốt vũ dát.
dạt
- 1 đgt. Bị xô đẩy về một phía, một nơi nào: Bè dạt vào bờ bèo dạt mây trôị
- 2 tt. Dãn thưa ra: tấm áo mặc lâu ngày, vải dạt hết.
day
- 1 đgt. Quay đi hướng khác: Day lưng lại; Day mặt vào phía trong.
- 2 đgt. Dùng ngón tay hay ngón chân ấn mạnh và đưa đi đưa lại: Day thái đương; Day con giun.
dày
- 1 x. giày2.
- 2 t. 1 (Vật hình khối) có khoảng cách bao nhiêu đó giữa hai mặt đối nhau, theo chiều có kích thước nhỏ nhất (gọi là bề dày) của vật. Tấm ván dài 2 mét, rộng 1 mét, dày 5 centimet. 2 Có bề dày lớn hơn mức bình thường hoặc lớn hơn so với những vật khác. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn (tng.). Chiếc áo bông dày cộm. Tường xây rất dày. 3 Có tương đối nhiều đơn vị hoặc nhiều thành tố sát vào nhau. Mái tóc dày. Cấy dày. Sương mù dày. 4 Nhiều, do được tích luỹ liên tục trong quá trình lâu dài (nói về yếu tố tinh thần). Dày kinh nghiệm. Dày công luyện tập. Ơn sâu, nghĩa dày.
dày đặc
- tt. Rất dày, sít vào nhau, như chồng chéo nhiều lớp lên nhau: Sương mù dày đặc Bầu trời dày đặc mây đen.
dãy
- dt. Tập hợp nhiều vật cùng loại nối tiếp nhau thành hàng: Dãy nhà; Dãy cây; Dãy núi.
dạy
- đg. 1 Truyền lại tri thức hoặc kĩ năng một cách ít nhiều có hệ thống, có phương pháp. Dạy học sinh. Dạy toán. Dạy nghề cho người học việc. Dạy hát. 2 Làm cho biết điều phải trái, biết cách tu dưỡng và đối xử với người, với việc. Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan. 3 Tập cho động vật có thói quen biết làm việc gì đó một cách thành thạo, tựa như người. Dạy khỉ làm xiếc. 4 (cũ; trtr.). Bảo người dưới. Cụ dạy gì ạ?
dạy bảo
- đgt. Bảo ban cho người khác biết điều hay lẽ phải: dạy bảo con cháu.
dạy tư
- đgt. Dạy học không phải trong một nhà trường: Để có thể tiếp tục học tập ở đại học, anh ấy phải dạy tư mấy em bé.
dăm
- 1 d. 1 Mảnh vật liệu thường là tre, gỗ, nhỏ và mỏng. Dăm tre. Dăm cối*. 2 (dùng phụ sau d., trong một số tổ hợp). Mảnh nhỏ vụn. Đá dăm*. Xương dăm. 3 Dăm kèn (nói tắt). Clarinet là loại kèn có dăm đơn.
- 2 d. Từ chỉ số ước lượng trên dưới năm. Cần dăm bữa là xong. Dăm ba*. Dăm bảy*.
dằm
- dt. Mảnh nhỏ bằng tre nứa, gỗ lạt đâm và gãy lại trong da thịt: nhổ dằm.
dặm
- dt. 1. Đơn vị cũ đo đường dài vào khoảng gần 500 mét: Sai một li đi một dặm (tng); Muôn dặm đường xa, biết đến đâu (Tố-hữu); Ngàn dặm chơi vơi (Ca nam bình) 2. Đường đi: Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa (K).
dặm trường
- d. (vch.). Đường đi dài và xa.
dằn
- đgt. 1. Đè, nén xuống, không cho trỗi dậy, nổi lên: dằn hòn đá trên nắp thùng dằn cà. 2. Nén chịu, kìm giữ, không cho bộc lộ tình cảm: dằn lòng dằn cơn giận. 3. Đặt mạnh xuống để tỏ thái độ tức giận, không bằng lòng: dằn bát xuống mâm dằn cốc xuống bàn. 4. Nhấn mạnh ở từ nào, tiếng nào khi nói: nói dằn từng tiếng một.
dằn lòng
- đgt. Nén sự bực mình: Nó bóp chẹt được mình thì mình phải dằn lòng chịu (Ng-hồng).
dặn
- đg. Bảo cho biết điều cần nhớ để làm. Dặn con trước khi ra đi. Dặn miệng. Viết thư dặn đi dặn lại.
dặn bảo
- đgt. Nói để người ta làm theo: Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt (Phan Thanh Giản).
dằng dặc
- t. (thường dùng sau dài). Kéo dài mãi như không dứt, không cùng. Con đường dài dằng dặc. Những giây phút đợi chờ dài dằng dặc. Nỗi buồn dằng dặc.
dắt
- đgt. Nắm dẫn đi, đưa đi cùng với mình: dắt em đi chơi dắt xe đạp dắt trâu ra đồng.
dắt díu
- đgt. 1. Kéo nhau đi: Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền (HXHương) 2. Rủ rê, lôi kéo: Chúng dắt díu nhau đi nhậu nhẹt.
dâm
- 1 x. giâm.
- 2 t. (hoặc d.). Có tính ham muốn thú nhục dục quá độ hoặc không chính đáng.
- 3 t. (id.). Râm. Bóng dâm.
dâm bụt
- dt. Cây trồng làm hàng rào và làm cảnh, lá hình bầu dục nhọn đầu, mép có răng to, nhẵn, hoa đỏ, tọ
dâm dật
- tt. (H. dật: phóng đãng) Say mê sắc dục một cách quá đáng: Lê Long Đĩnh chết non vì thói dâm dật.
dâm đãng
- t. Có tính bừa bãi trong những ham muốn thoả mãn nhục dục.
dâm loạn
- tt. Có quan hệ nam nữ bất chính bừa bãi, bậy bạ: một gã đàn ông dâm loạn.
dâm ô
- tt. (H. ô: dục, bẩn) Thuộc về thói dâm dục bẩn thỉu: Bạn nhi nữ xót đời trinh tiết, quân bạo tàn giở hết dâm ô (X-thuỷ).
dâm phụ
- d. (cũ). Đàn bà ngoại tình.
dâm thư
- dt., cũ Sách nói chuyện dâm dục, sách khiêu dâm: cấm đọc dâm thư.
dầm
- 1 tt. Nói đất ruộng có nước thấm vào: ải thâm không bằng dầm ngấu (tng).
- 2 tt. 1. ở lâu ngoài mưa: Cứ dầm mưa rồi lại bị cảm thôi 2. Ngâm lâu trong nước: Củ cải dầm nước mắm; Cà dầm tương.
- 3 tt. Nói đồ sành, đồ sứ đã bị rạn: Cái lọ độc bình này đã bị dầm.
dầm dề
- t. 1 Thấm nước nhiều và ướt khắp cả. Quần áo dầm dề nước. Nước mắt dầm dề. 2 (Mưa) kéo dài liên miên. Mưa dầm dề suốt cả tuần lễ.
dân
- dt. 1. Người sống trong một khu vực địa lí: thành phố đông dân dân biểu dân ca dân chủ dân công dân cư dân dụng dân quân dân tộc dân trí công dân dân cư di dân ngư dân nhân dân thi dân thổ dân thực dân thường dân. 2. Người thường, thuộc tầng lớp đông đảo nhất: quân với dân một lòng. 3. Người cùng hoàn cảnh, nghề nghiệp: dân buôn dân nghèo.
dân biểu
- dt. (H. biểu: bày ra ngoài) Người do dân bầu ra để thay mặt dân trong một hội đồng: Thực dân Pháp đặt ra hội đồng dân biểu để làm ra vẻ trọng dân chủ.
dân ca
- d. Bài hát lưu truyền trong dân gian, thường không rõ tác giả. Dân ca quan họ. Dân ca Nam Bộ. Sưu tầm dân ca.
dân chủ
- I. tt. Có quyền tham gia, bàn bạc vào công việc chung, được tôn trọng quyền lợi của từng thành viên trong xã hội: quyền tự do, dân chủ chế độ làm việc vừa tập trung, vừa dân chủ. II dt. Chế độ chính trị theo đó quyền làm chủ thuộc về nhân dân: mở rộng dân chủ.
dân chúng
- dt. (H. chúng: đông người) Đông đảo nhân dân: Không liên hệ chặt chẽ với dân chúng cũng như đứng lơ lửng giữa trời (HCM).
dân công
- d. Người công dân làm nghĩa vụ lao động chân tay trong thời gian quy định. Đoàn dân công đắp đê. Đi dân công phục vụ tiền tuyến.
dân cư
- dt. Toàn bộ những người đang cư trú trên một địa bàn lãnh thổ nhất định một cách tự nhiên qua lịch sử và phát triển không ngừng.
dân luật
- dt. (H. luật: luật pháp) Pháp luật qui định những mối quan hệ giữa nhân dân với nhau: Quốc hội thông qua bộ Dân luật.
dân quân
- d. Lực lượng vũ trang địa phương không thoát li sản xuất, được tổ chức ở nông thôn để bảo vệ xóm làng.
dân quê
- dt. Những người lao động trong nông thôn: Ngày nay những người dân quê cũ đã trở thành những cán bộ nòng cốt.
dân quyền
- d. Các quyền công dân (nói tổng quát).
dân sinh
- dt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung: cải thiện dân sinh.
dân sự
- dt. (H. sự: việc) Việc của công dân nói chung, khác với quân sự và tôn giáo: Trong thời bình, chính quyền phải lo đến dân sự. // tt. Liên quan đến tư nhân: Toà án dân sự.
dân tộc
- d. 1 Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hoá và tính cách. Dân tộc Việt. Dân tộc Nga. 2 Tên gọi chung những cộng đồng người cùng chung một ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hoá, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc. Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Đoàn kết các dân tộc để cứu nước. 3 (kng.). Dân tộc thiểu số (nói tắt). Cán bộ người dân tộc. 4 Cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hoá và truyền thống đấu tranh chung. Dân tộc Việt Nam.
dân vận
- đgt. Tuyên truyền vận động nhân dân: Cộng tác dân vận các tổ chức dân vận.
dần
- 1 dt. Kí hiệu thứ ba trong mười hai chi: Tí sửu dần mão Giờ dần: Thời gian từ ba giờ đến sớm mai (cd) Tuổi dần Tuổi một người sinh vào năm dần: Tuổi dần là tuổi cầm tinh con hổ.
- 2 đgt. 1. Đập nhiều lần để cho mềm ra: Dần miếng thịt bò 2. Đánh thật đau (thtục): Dần cho nó một trận; Năm canh khúc ruột như dần cả năm (cd) đau như dần 1. Tiếc quá: Mất cái đồng hồ, đau như dần 2. Đau khổ về tinh thần: Càng nghe mụ nói, càng đau như dần (K).
- 3 trgt. Từng ít một; Từng bước một: Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh (tng).
dần dần
- trgt. 1. Từ từ, từng ít một: Họa dần dần bớt chút nào được không (K) 2. Từ bước này sang bước khác: Cuộc thảo luận dần dần cũng náo nhiệt.
dẫn
- đg. 1 Cùng đi để đưa đến nơi nào đó. Dẫn con đến trường. Dẫn đường. 2 Làm cho đi theo một đường, một hướng nào đó. Cầu thủ dẫn bóng. Ống dẫn dầu. Nhận thức đúng dẫn đến hành động đúng. 3 (kết hợp hạn chế). Đưa lễ vật đi đến nơi nào đó theo nghi thức nhất định, trong các cuộc tế lễ, cưới xin. Nhà trai đang dẫn đồ cưới đến. 4 Đưa ra lời nào đó kèm theo sau lời của bản thân mình để làm bằng, để chứng minh. Dẫn một câu làm thí dụ. Dẫn một tác giả. Dẫn sách. 5 (kng.). Dẫn điểm (nói tắt). Đội A đang dẫn với tỉ số 2 - 1.
dẫn chứng
- I. đgt. Dẫn thí dụ, bằng cớ để chứng minh cho điều nói ra, viết ra là đúng, là có cơ sở: dẫn chứng ra nhiều cứ liệu xác thực. II. dt. Cái được đưa ra để chứng minh làm cơ sở cho điều nói ra, viết ra: tìm được nhiều dẫn chứng sinh động, cụ thể.
dẫn điện
- đgt. Để cho dòng điện đi qua: Đồng là chất dẫn điện tốt.
dẫn nhiệt
- đg. Để cho nhiệt truyền qua.
dẫn thủy nhập điền
- Làm công trình thủy lợi để đưa nước vào ruộng.
dấn
- 1 đgt. 1. Dìm xuống nước cho ngập: Dấn áo trong chậu nước 2. Đè mạnh xuống: Ai lại dấn đầu thằng bé xuống mà đánh.
- 2 đgt, trgt. Cố lên: Phải dấn lên nữa; Làm dấn một lúc nữa.
dâng
- đg. 1 (Mực nước) tăng lên cao. Nước sông dâng to. Căm thù dâng lên trong lòng (b.). 2 Đưa lên một cách cung kính để trao cho. Dâng hoa. Dâng lễ vật.
dấp
- 1 đgt. Làm cho thấm vừa đủ ướt: dấp chiếc khăn đắp lên cho đỡ nóng.
- 2 Dáng, vẻ: dáng dấp làm dáng làm dấp.
dập
- đgt. 1. Làm cho tắt: Đám cháy đã được dập tắt (Sơn-tùng) 2. Không nhắc đến nữa: Dập chuyện ấy đi 3. Làm cho hết, cho không còn nữa: Dập bệnh truyền nhiễm 4. Xoá đi: Dập tên trong danh sách 5. Đè lên trên: Sóng dập cát vùi (tng) 6. Vùi đi: Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời (K).
dập dềnh
- đg. Chuyển động lên xuống nhịp nhàng (thường nói về mặt nước hoặc vật nổi trên mặt nước gợn sóng). Sóng nước dập dềnh. Chiếc thuyền dập dềnh trên sông.
dập dìu
- tt. 1. (Người) qua lại, nối đuôi nhau nhộn nhịp và đông vui: Người dập dìu đi lại khắp các ngả phố Dập dìu tài tử giai nhân (Truyện Kiều). 2. (âm thanh) trầm bổng, quyện vào nhau: Tiếng đàn, tiếng sáo dập dìu ngân nga.
dật sĩ
- dt. (H. sĩ: người có học) Nhà nho đi ở ẩn ở một nơi: La-sơn phu tử là một dật sĩ được vua Quang-trung vời ra giúp nước.
dật sử
- d. Sách ghi chép những sự việc trong chính sử bỏ sót hoặc vì lí do nào đó mà không nói đến.
dâu
- 1 dt. 1. Cây có lá hình tim, chia làm nhiều thùy dùng để nuôi tằm: trồng dâu nuôi tằm. 2. Quả dâu và các sản phẩm làm từ loại quả này: mua vài cân dâu ngâm đường.
- 2 dt. Người phụ nữ lấy chồng là người của gia đình, họ hàng quê mình: rước dâu rể thảo dâu hiền mẹ chồng nàng dâu Nó là con dâu của làng này.
dâu gia
- dt. Nói hai gia đình có con lấy nhau làm vợ chồng: Hai bên dâu gia rất quí mến nhau.
dầu
- 1 d. Cây gỗ to ở rừng, gỗ cho chất dầu dùng để pha sơn hay xảm thuyền.
- 2 d. Chất lỏng nhờn, không hoà tan trong nước, nhẹ hơn nước, lấy từ các nguồn thực vật, động vật hay khoáng vật, dùng để ăn, chữa bệnh, thắp đèn, chạy máy, v.v. Dầu lạc. Dầu khuynh diệp. Dầu cá*. Mỏ dầu.
- 3 x. dàu.
- 4 x. dù2.
dầu cá
- dt. Dầu được chiết từ gan cá hay từ cơ thể một số loài cá, thú biển và các dữ liệu trong sản xuất cá hộp, dùng trong chăn nuôi, công nghiệp mĩ phẩm và chữa các bệnh còi xương, quáng gà, suy nhược cơ thể...
dầu hắc
- d. (ph.). Hắc ín.
dầu hỏa
- dt. Chất lỏng cất từ dầu mỏ, dùng để thắp sáng, chạy máy: mua mấy lít dầu hỏa.
dầu mỏ
- dt. Dầu lấy ở dưới mỏ lên, chưng cất để có dầu xăng: Phải xây dựng nhà máy lọc dầu mỏ.
dầu thơm
- dt., đphg, cũ Nước hoa: Quần áo xức dầu thơm.
dấu
- 1 dt. 1. Cái vết, cái hình còn lại: Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh (K) 2. Hình hay vật để làm hiệu, để ghi nhớ: Đánh dấu một đoạn văn hay; Đặt một cái mốc làm dấu 3. Vật nhỏ bằng gỗ, bằng đồng, bằng ngà có khắc chữ để in ra làm tin: Con dấu; Đóng dấu; Dấu của chủ tịch; Dấu của cơ quan; Xin dấu; Dấu bưu điện 4. Kí hiệu đặt trên một số nguyên âm để chỉ biến âm của những âm đó: Dấu mũ 5. Kí hiệu của chữ quốc ngữ để chỉ các thanh khác nhau: Dấu huyền 6. Kí hiệu để chấm câu: Dấu nặng 7. Kí hiệu để chỉ các phép tính: Dấu cộng 8. Kí hiệu đặt trước một con số để phân biệt dương hay âm: -8 là tám âm.
- 2 đgt. Yêu: Con vua, vua dấu, con chúa, chúa yêu (tng). Chúa dấu, vua yêu một cái này (HXHương).
dấu chấm
- Nh. Chấm.
dấu chấm phẩy
- dt. Một thứ dấu chấm câu gồm một chấm và một phẩy: Người ta đặt dấu chấm phẩy sau một đoạn câu chưa hoàn toàn lọn nghĩa.
dấu chấm than
- Nh. Dấu cảm.
dấu cộng
- dt. Dấu đặt giữa các con số cần cộng lại: Dấu cộng là một chữ thập có hai gạch bằng nhau, thí dụ: 8+3 = 11.
dấu hiệu
- d. 1 Dấu dùng để làm hiệu cho biết điều gì. Dấu hiệu liên lạc. Giơ tay làm dấu hiệu. 2 Hiện tượng tỏ rõ điều gì. Dấu hiệu khả nghi. Có dấu hiệu tiến bộ.
dấu nặng
- dt. Dấu (.) dùng trong chữ viết để ghi thanh nặng của tiếng Việt.
dấu ngã
- dt. Một trong bốn dấu chỉ thanh sắc của âm tiếng Việt: Dấu ngã nằm ngang, ấy thế mà nhiều người viết như dấu hỏi.
dấu phẩy
- dt. 1. Dấu câu (,) chỉ một quãng ngắt tương đối ngắn, phân ranh giới giữa một số thành phần trong nội bộ câu; còn gọi là phẩy. 2. Dấu đặt trước số lẻ trong số thập phân hoặc đặt ở trên và bên phải một chữ dùng làm kí hiệu toán học để phân biệt nó với kí hiệu không có dấu: 4,25 B phân biệt với B.
dấu sắc
- dt. Một trong năm dấu giọng chỉ các thanh của âm trong tiếng Việt: Cùng với ba dấu hỏi, ngã, nặng dấu sắc chỉ thanh trắc.
dấu thánh giá
- dt. Dấu người theo đạo Ki-tô đặt bàn tay lên trán và hai vai: Tay làm dấu thánh giá, miệng lẩm bẩm: Nhân danh cha và con, và thánh thần, a-men!.
dấu vết
- d. Cái còn để lại do kết quả tác động của hiện tượng đã qua, dựa vào có thể nhận biết được về hiện tượng ấy. Dấu vết tàn phá của trận bão.
dây
- 1 1. Vật hình sợi, dùng để buộc, nối, truyền dẫn: dây rút dây đàn dây điện. 2. Thân cây hình sợi, bò leo trên mặt đất hay các vật tựa: dây bầu dây khoai rút dây động rừng (tng.). 3. Tập hợp các vật đồng loại thành hàng, thành hình dài: xếp hàng thành dây pháo dây. 4. Từng đơn vị bát đĩa, ứng với mười chiếc một: mua mấy dây bát. 5. Mối liên hệ gắn bó về mặt tinh thần: dây thân ái.
- 2 đgt. 1. Dính bẩn: quần áo dây mực. 2. Dính líu, liên lụy vào việc rắc rối: dây vào chuyện gia đình người ta làm gì:
- 3 đgt. (Gà) lây bệnh: gà dây.
dây cáp
- dt. (Pháp: câble) Dây gồm nhiều sợi kim loại xoắn vào nhau, chịu được sức kéo rất lớn: Dẫn điện cao thế bằng dây cáp có chất cách điện bọc.
dây chuyền
- d. 1 Dây gồm nhiều vòng nhỏ bằng kim loại móc nối vào nhau, thường dùng làm đồ trang sức. Cổ đeo dây chuyền vàng. 2 Hình thức tổ chức sản xuất gồm những bộ phận chuyên môn hoá thực hiện các khâu kế tiếp nhau theo một trình tự nhất định. Tổ chức lại dây chuyền sản xuất.
dây cương
- dt. Dây thường bằng da buộc vào hàm thiếc ngựa để điều khiển ngựa: Đường về vó ngựa thẳng dây cương (Tố-Hữu).
dây dưa
- đg. 1 Kéo dài lằng nhằng hết ngày này sang ngày khác. Dây dưa mãi không chịu trả nợ. Không để công việc dây dưa về sau. 2 Dính líu vào việc gây rắc rối, phiền phức. Không muốn dây dưa vào việc ấy.
dây giày
- dt. Dây để buộc giày: Đương chạy bị đứt dây giày.
dây kẽm gai
- d. (ph.). Dây thép gai.
dây leo
- Nh. Cây leo.
dây lưng
- dt. Từ một số địa phương dùng thay thắt lưng: Dây lưng bằng da cá sấu.
dây xích
- d. x. xích1 (ng. I).
dấy
- đgt. Nổi dậy, làm cho nổi dậy: dấy binh khởi nghĩa Làn sóng đấu tranh dấy lên khắp nơi.
dấy binh
- đgt. Tổ chức lực lượng vũ trang đứng lên chống lại ách thống trị: Những người hào kiệt áo vải đã dấy binh ở đất Tây-sơn (NgHTưởng).
dấy loạn
- đgt. Nổi lên chống kẻ thống trị tàn ác: Trong thời thuộc Pháp, nhiều lần nhân dân đã dấy loạn.
dậy
- đg. 1 Chuyển từ trạng thái không hoạt động (thường là khi ngủ) sang trạng thái hoạt động (thường là sau khi thức giấc). Thức khuya, dậy sớm. Canh một chưa nằm, canh năm đã dậy. Ngủ dậy. Đánh thức dậy. 2 Chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi, hay từ tư thế nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng. Ngồi dậy. Lóp ngóp bò dậy. Còn ốm nhưng cố gượng dậy đi làm. 3 Chuyển từ trạng thái không có những biểu hiện rõ rệt của sự tồn tại sang trạng thái có những biểu hiện rõ rệt (nói về cái gì nổi lên, rực lên, bốc lên, v.v.). Khúc sông dậy sóng. Tiếng reo hò như sấm dậy. Tô cho dậy màu. Trong lòng dậy lên những tình cảm đẹp đẽ (b.).
dậy thì
- tt. ở độ tuổi có thể phát triển mạnh bắt đầu có khả năng sinh dục: tuổi dậy thì.

- 1 đgt, trgt. Dùng ít một: Dè tiền để đi nghỉ mát; Ăn dè; Tiêu dè.
- 2 đgt. Kiêng nể, Không chạm đến: Dè người có tuổi; Chém tre chẳng dè đầu mặt (tng).
- 3 đgt. Ngờ đâu: Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng (cd).
- 4 đgt. Đề phòng: Lúc no phải dè lúc đói.
dè dặt
- t. (hay đg.). Tỏ ra tự hạn chế ở mức độ thấp trong hành động, do có nhiều sự cân nhắc. Nói năng dè dặt. Thái độ dè dặt.
dẻ
- 1 dt. Vải, mụn vải rách, không dùng may vá được, thường dùng vào việc lau chùi: tìm dẻ để lau bảng lấy dẻ lau xe đạp.
- 2 dt. Cây thân gỗ, gồm nhiều loại, mọc ở rừng, lá có khía răng, một vài loại có quả (thường gọi là hạt) ăn được.
dẻo
- 1 dt. Dải đất nhỏ: Ngồi câu cá ở dẻo đất bên sông.
- 2 tt. 1 Mềm và dễ biến dạng: Tay cầm một cục đất dẻo nặn thành hình người 2. Không cứng: Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi (cd) 3. Có chân tay cử động dễ dàng: Tuổi già vừa dẻo vừa dai. // trgt. Uyển chuyển, mềm mại: Múa dẻo.
dẻo dai
- t. Có khả năng hoạt động với mức độ không giảm trong thời gian dài. Những cánh tay dẻo dai. Sức làm việc dẻo dai.
dép
- dt. Đồ dùng để mang ở bàn chân, thường bằng cao su, nhựa, gồm đế mỏng và quai: đi dép giày thừa dép thiếu (tng.).
dẹp
- đgt. 1. Xếp gọn lại, xếp dồn vào một bên, một góc: Dẹp bàn ghế trong phòng để rộng lối đi 2. Bỏ đi; không thực hiện nữa: Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong (K).
dẹp loạn
- đgt. Làm tan những cuộc nổi dậy chống chính quyền: Dưới triều Nguyễn, Nguyễn Công Trứ có công nhiều phen dẹp loạn.

- 1 I d. Động vật nhai lại, sừng rỗng, cong quặp về phía sau, cằm có túm lông làm thành râu, nuôi để lấy sữa, ăn thịt. Chăn dê. Sữa dê.
- II t. (thgt.). (Đàn ông) đa dâm. Anh chàng rất . Có máu dê.
- 2 đg. (ph.). Rê. Dê thóc.
dê cụ
- dt. Người già mà có tính ham mê sắc dục: Lão địa chủ ấy là một dê cụ.
dể ngươi
- đg. (cũ, hoặc ph.). Coi thường, không nể, không sợ. Phải dè chừng, đừng có dể ngươi.
dễ
- tt. 1. Nhẹ nhàng, đơn giản, không phải vất vả, khó khăn khi làm, khi giải quyết: Bài toán dễ bài thi quá dễ dễ làm khó bỏ. 2. Có tính tình thoải mái, không đòi hỏi cao, không nghiêm khắc: dễ tính dễ ăn dễ ở. 3. Có khả năng như thế nào đó: Năm nay lúa rất tốt, một sào dễ đến ba tạ thóc dễ gì người ta đồng ý.
dễ bảo
- tt. Ngoan ngoãn: Em bé dễ bảo.
dễ chịu
- t. Có cảm giác hoặc làm cho có cảm giác về một tác động tương đối êm dịu hoặc có thể chịu đựng được tương đối dễ dàng. Ngủ dậy, trong người thấy dễ chịu. Mùi thơm dễ chịu. Đời sống ngày càng dễ chịu hơn.
dễ coi
- tt. Có vẻ dáng khá, ưa nhìn, gây được thiện cảm: Gương mặt dễ coi.
dễ dãi
- tt. 1. Không đòi hỏi điều kiện khó khăn: Việc xin chữ kí cũng dễ dãi 2. Không khó tính: Tính tình dễ dãi.
dễ dàng
- t. Tỏ ra dễ, có vẻ dễ, không đòi hỏi nhiều điều kiện, nhiều công phu để xảy ra, để đạt kết quả. Hiểu được một cách dễ dàng. Làm dễ dàng cho công việc.
dễ ghét
- tt. Có ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ khiến người ta khinh: Nó hay lên mặt, có dáng điệu thực dễ ghét.
dễ thương
- t. Dễ gây được tình cảm mến thương ở người khác. Giọng nói dễ thương. Đứa bé trông rất dễ thương.
dế
- dt. Bọ cánh thẳng, có râu dài, cặp chân sau to, khỏe, đào hang sống dưới đất, chuyên ăn hại rễ câỵ
dệt
- đgt. Bằng thủ công hay bằng máy kết các sợi vào với nhau để làm thành tấm: Dệt vải; Dệt chiếu; Thêu hoa dệt gấm (tng).

<< C (6) | D (2) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 741

Return to top