Nhớ về “anh Bình”
Bác sĩ Ngô Văn Quỹ
(Thay lời bạt)
Trong những ngày đầu kháng chiến chống đội quân viễn chinh Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, tình hình ở miền Nam lúc đó thật sức rối ren phức tạp, đến mức nhiều người đã phải gọi đó là một “thời kỳ thập nhị sứ quân”. Tuy mẫu số chung của tất cả là một lòng yêu nước nồng nàn, một ý chí cương quyết vùng lên “đánh Tây, đuổi Nhật” để giành lại độc lập chủ quyền, nhưng có nhiều xu hướng khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều điều kiện khác nhau làm cho các lực lượng bị phân tán, chia mỏng, đơn độc, thậm chí có nơi, có lúc còn đối lập với nhau nữa. Tình thế này là hết sức bất lợi trước một kẻ thù đã thiện chiến lại được trang bị vũ khí đầy đủ, nên nguy cơ các lực lượng kháng chiến còn trong trứng nước có thể bị kẻ thù xé nhỏ, tiêu diệt dần dần, là điều khó tránh khỏi.
Giữa lúc hiểm nghèo nghìn cân treo sợi tóc đó, thì Trung ương cử một đặc phái viên vào: Đó là ông Nguyễn Bình, tên thật là Nguyễn Phương Thảo, lúc đó đang là tư lệnh Đệ Tứ chiến khu ở ngoài Bắc và sau này là Trung tướng đầu tiên ở nước ta. Vừa đặt chân đến chiến trường Miền Nam, với nhãn quan của một vị tướng, đồng thời là một nhà chính trị, ông Bình đã có ngay một chủ định: Đó là trước tiên phải tìm mọi cách tập hợp các lực lượng kháng chiến dưới một sự chỉ huy chung và nhanh chóng tổ chức cuộc kháng chiến toàn lực, toàn diện của toàn dân. Đây là một công việc cực kỳ phục tạp, khó khăn và gian khổ.
Nhưng biết dựa vào Đảng, vào quần chúng, lấy chính nghĩa thu phục lòng người, ông đã thành công trong sứ mạng lịch sử này, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến, kìm hãm, đẩy lùi bước chân xâm lược của kẻ thù, phá vỡ ảo tưởng của chúng “có thể chiến thắng một cuộc hành quán như đi diễu binh nhanh chóng bình định được bọn phiến loạn”. Sau này, nhận định về việc Bác Hồ và Trung ương phái ông Nguyễn Bình vào Nam lúc đó, nhiều người đã cho rằng chủ trương này là hết sức sáng suốt và kịp thời, “đúng người, đúng lúc và đúng chỗ” nên đã góp phần thay đổi được cục diện chiến trường có lợi cho ta.
Ông Bình là một người quả cảm, dám nghĩ dám làm, không lùi bước trước gian nguy. Ông đã mấy lần mạo hiểm cải trang vào Sài Gòn lúc đó đang chiếm đóng bởi quân Anh, Pháp, Nhật và đầy nhóc những mật vụ, chỉ điểm. Chủ định của ông là muốn trực tiếp thị sát hang ổ địch và đặt kế hoạch đánh thẳng vào đầu não kẻ thù. Đánh giá sự kiện ấy, sau này có nhiều người cho đó là nhưng hành động liều lĩnh, mang nhiều tính chất anh hùng cá nhân, mà một vị chỉ huy không nên và không được phép làm. Nhưng nếu đặt sự kiện vào trong tình hình và bối cảnh lịch sử lúc đó, thì lại có thể thấy đấy là một việc làm cần thiết, tuy kết quả cụ thể rất hạn chế, nhưng mang nhiều ý nghĩa và có nhiều tác dụng về các mặt khác.
Sự kiện ông Binh bị kẻ địch bắt, rồi trong lúc bị chúng giải đi, đã mưu trí dũng cảm, ngay trước mũi súng của quân thù, tự giải thoát được và giải thoát cho người cùng đi, đã gây nhiều xúc động và cảm phục, lay động lòng người.
Trung tướng Nguyễn Bình là một người có vóc dáng vạm vỡ khỏe mạnh, có khuôn mặt cương nghị, cử chỉ chính xác, thái độ điềm đạm, ít nói, nghe nhiều. Từ ông toát ra một sự tự tin, một sức mạnh nội tâm được kiềm chế, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đối thoại.
Những ngày được sống và làm việc bên ông, tôi cảm thấy kính trọng và quý mến ông như một người anh cả trong gia đình. Trong đời thường, cách cư xử của ông hết sức bình dị và chân tình, dễ thu phục được nhân tâm.
Ngày nay, sau nhiều năm tháng, với tầm lùi của thời gian, lần theo những nẻo đường kháng chiến, để lọng lắng vào ký ức, tôi vẫn nhớ về “Anh Bình”, một người, trong khói lửa chiến tranh, đã dạy tôi những bài học khó quên về lòng yêu nước, về ý trí quyết thắng, về lạc quan cách mạng, về sự yêu đời và yêu con người. Anh mất đi quá sớm, trong khi mới đi được một quãng đường ngắn trong cuộc trường chinh vĩ đại - lớn nhất của thế kỷ này - mà dân tộc ta đã trải qua. Công lao của Anh, tên tuổi của Anh, cũng như hằng hà sa số công lao và tên tuổi vinh quang khác của dân tộc, sẽ vẫn sáng ngời trên đài Tổ quốc ghi công.
Thành phố Hồ Chí Mình - Ngày 23 tháng 9 năm 1994
Bác sĩ Ngô Văn Quỹ oOoTác giả: Nguyên Hùng Nhà xuất bản Văn Học, Hà nội, 1995 Người gõ: Mõ Hà Nội Chịu trách nhiệm xuất bản Lữ Huy Nguyên Biên tập: Hoàng Lại Giang Trình bày sách: Trần Khoát Bìa: Hoài Văn Sửa bản in: Hằng Minh