Cuộc sống trong vùng sâu đồng Tháp Mười, quanh năm trầm lặng như nước lớn nước ròng trên các con kinh hiền lành Nguyễn Văn Tiếp và Dương Văn Dương chạy song song xuyên cánh đồng bảy trăm ngàn mẫu đất. Bỗng một ngày đẹp trời, căn cứ kháng chiến Nam Bộ sôi nổi hẳn lên: có khách nước ngoài tới thăm đầu não kháng chiến. Lần này khách không phải là phóng viên nhà báo như năm trước mà là một nhân vật lớn trong chính giới Pháp từ Paris sang, có nhiệm vụ thăm dò “đối phương” trong vấn đề hoà hay chiến. Trước đây, đô đốc D Argenlieu Cao uỷ Đông Dương, rồi sau đó tướng Leclerc, tổng tư lệnh Đông Dương huênh hoang tuyên bố “bình định Việt Minh trong vòng ba tháng. Nhưng ba năm thấm thoát trôi qua, chiến cuộc đang trong thế ngang ngửa. Chánh phủ Pháp phái sứ giả sang nghiên cứu tình hình. Tên sứ giả là Alain Savary, nghị viên hội đồng Liên Hiệp Pháp, đại biểu đảng Xã hội Pháp SFIO (Section Francaise de l’ Internationale Ouvrière).
Savary tới Sài Gòn tiếp xúc với Tổng thư ký Đảng Xã hội Pháp, chi nhánh Sài Gòn, Hervochon. Anh này hỏi ý nhà báo Thiếu Sơn từng giao du với chi nhánh Pháp ở Sài Gòn. Thiếu Sơn tên là Lê Sỹ Quý, là viên chức Bưu điện nổi tiếng với nghề viết văn và làm báo. Anh quê miền Bắc đổi vô Nam Kỳ trước thập niên 40. Anh là kiện tướng trong làng báo “Thống nhất” tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến, nhiều lần ra bưng dự các lễ lớn mà gần đây nhất là lễ thụ phong trung tướng của anh Nguyễn Bình. Thiếu Sơn là một trong ba thượng khách trong làng báo Sài Gòn của anh Ba Bình. Hai người kia là nhà báo Tam Ích (XXX) và nhà văn Lý Văn Sâm.
Hervochon gõ cửa anh Thiến Sơn vì trước đó anh đã đưa hai nhà trí thức lớn Pháp vô khu gặp các lãnh đạo Nam Bộ. Đó là Giáo sư Tiến sĩ Chesneau, dạy môn xã hội trường đại học Sorbonne ở Paris và giáo sư Petelot. Về sau ông Chesneau là sứ giả nổi tiếng chuyên về Việt Nam và các nước Đông Dương.
Anh Thiếu Sơn bảo Hervochon: “Muốn có hoà bình, phải nói chuyện với kháng chiến. Tất nhiên phải vô Khu”. Savary đồng ý và nhờ Thiếu Sơn dẫn đường.
Thiếu Sơn đưa Savary xuống Tháp Mười và tới tận nơi anh Ba Bình đóng ở Kinh Bùi, xã Nhơn Ninh, nằm giữa hai con kinh lớn Nguyễn Văn Tiếp và Dương Văn Dương. Trong chuyến đi này, anh Thiếu Sơn có sáng kiến mời thêm hai trí thức ở thành cùng đi để Savary có bạn đồng hành. Đó là Luật sư Trịnh Đình Thảo và dược sỹ Nguyễn Văn Liễn.
Tới Thiên Hộ nam trên con kinh Nguyễn Văn Tiếp đoàn gặp bác sĩ Trấn Nam Hưng vừa vô khu kháng chiến không bao lâu. Anh Ba Hưng quê Vĩnh Kim- Chợ Giữa (Mỹ Tho) trước khi ra bưng bị động viên đóng lon “lieutenant – médecin” (trung uý quân y) làm việc tại Bịnh viện Chợ Rẫy. Lúc đó đơn vị quân y này mang tên HEM 415 (Hem là chữ tắt của Hopital d Évacuation Motorisé) từng tham chiến ở chiến trường Tây Âu sang. Anh Ba Hưng nói tiếng Tây giỏi như bẻ củi, khiến Savary thích thú. Té ra nơi bùn lầy nước đọng, dân kháng chiến không thiếu trí thức do Pháp đào tạo. Sau đó Savary được Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát giám đốc Sở Thông tin - tuyên truyền tiếp tại văn phòng là một nhà sàn bên bờ kinh Dương Văn Dương, xã Nhơn Hoà Lạp. Nhà sàn như một nhà sàn trong đồng sâu nhưng cách trang trí thẩm mỹ khiến văn phòng rực sáng, nhưng phong cách hào hoa của chủ nhà càng làm khách từ Kinh thành Ánh sáng đặc biệt chú ý.
Đã được thông báo trước anh Sáu Pháp đưa khách tới thăm trung tướng uỷ viên quân sự Nam Bộ kiêm phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ. Văn phòng anh Ba Bình cũng được sửa sang như nền đất, được trải một lớp tre đập giập để ngăn hơi ầm của đất. Các vách cũng được treo bản đồ quân sự và các lá quân kỳ: rất ra vẻ tổng hành dinh vị tướng tư lệnh.
Khi khách tới, một trung đội bảo vệ mặc ka ki vàng bồng súng dàn chào đúng quân cách. Savary quan sát kỹ từng chi tiết. Ông ta bật cười khi thấy trung đội đi chân đất. Nhưng không đợi giải thích, ông hiểu ngay chiến trường sông rạch, lính tráng không cần giày. Anh Sáu Phát giới thiệu chủ khách. Phía chủ có anh Ba Bình, trưởng phòng quân giới Nam Bộ, kỹ sư Lê Tâm, chánh văn phòng của trung tướng, anh Võ Bá Nhạc.
Tiệc sơ giao do bà Lê Đình Chi nấu nướng được dọn ra. Ông Lê Đình Chi là trưởng phòng quân pháp Nam Bộ đã hy sinh trên đường công tác trước đó một nam.
Sâm banh nổ ròn. Savary đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Trong bưng biền cũng có thứ rượu sang trọng này sao? Anh Ba nâng ly mời khách và nói bằng tiếng Việt. Anh Lê Tâm dịch thật lưu loát.
Về sau Savary mới biết tên Lê Tâm là kỹ sư cầu đường ở Paris về nước kháng chiến sau hội nghị Fontainebleau và được đưa vô đồng Tháp làm cố vấn phá hoại cho trung tướng Nguyễn Bình.
Anh Ba Bình nói ngắn gọn. Savary đứng lên nói và nhờ hai anh Sáu Phát và Lê Tâm dịch nhưng anh Phát nói “khỏi phải dịch. Trung tướng nghe được hết”. Savary nói thật trang trọng, gọi anh Ba bằng “mon général” thật là ngọt ngào. Ai nấy đều hân hoan phấn khởi. Nhà chính trị có khác. Không xấc láo như tên Cao uỷ kiêm Tổng tư lệnh Đông Dương D’ Argenlieu từng gọi anh Ba Bình là tướng giặc về sau, Savary tiết lộ “trăm nghe không bằng một thấy. Tôi đã thấy và đã cụng ly với trung tướng Nguyễn Bình mà các tướng lãnh Pháp gọi là “le borgne” (thằng chột).
Savary lần lượt gặp các ông Phạm Văn Bạch và Phạm Ngọc Thuần, chủ tịch và phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Nam bộ. Ông cũng đi thăm các chợ, trường học, binh công xưởng, nhà in, toà soạn báo Tổ Quốc, phòng triển lãm hội hoạ sĩ Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Cao Thương v.v... Ông cũng có dịp chạy xuống hầm khi máy bay Spỉtfire lên bỏ bom và bán đại liên xuống xóm nhà hai bên bờ kinh.
Rất may là chuyến đi đó, khách quý không bị bắt như giáo sư Chesneau năm trước vì đụng một cuộc hành quân càn quét của quân đội Pháp.
Khi trở về Paris, nghị viên Alain Savary viết nhiều bài báo ca ngợi kháng chiến và tiên đoán võ lực không thể giải quyết chiến tranh Việt Nam. Chuyến vô Đồng Tháp Mười năm ấy là một kỷ niệm khó phai trong đời ông đại biểu Đảng Xã Hội Pháp Alain Savary.