Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 126968 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật
Nguyên Hùng

Chương 52

        Ngày 3-10-1948 phái đoàn quân dân chánh Nam Bộ ra Trung ương báo cáo tình hình Nam Bộ với Hồ Chủ tịch, chánh phủ và bộ Tổng. Trưởng đoàn là Khu trưởng Khu 8 Trần Văn Trà. Trong đoàn có các ông Trần Bửu Kiếm, tổng thư ký Uỷ ban kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ, ông Nguyễn Đức Thuận, Lương Văn Trọng, thư ký riêng của trung tướng Nguyễn Bình, linh mục Nguyễn Bá Kính, Phạm Văn Khung, Kiều Công Quế Lâm, Trần Văn Nguyên.
        Nói riêng Hai Trọng. Nhiệm vụ của ông trong chuyến đi Trung ương này là báo cáo công việc thống nhất các lực lượng võ trang ở miền Đông Nam Bộ. Các lực lượng này rất đông. và thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Phần lớn là công nhân, lao động dân cạo mủ cao su quê miền Bắc vào Nam gọi là dân “contrat”. Nhưng cũng có một số dân anh chị đứng bến. Những tay này lanh lợi tháo vát nên nắm tiểu đội hoặc trung đội. Phức tạp là ở chỗ đó. Nhiều nhóm quen thói cướp bóc nên sẵn súng lâu lâu làm ăn một đám. Tình thế mới, cách đi “hát” cũng mới: thay vì đánh cướp thì “sung công” tiệm buôn hay ghe hàng. Cho nên công việc khép các nhóm này vô khuôn khổ kỷ luật không phải là dễ. Vụ trừng trị Ba Nhỏ ở chợ Phước Thiền, quận Long Thành của Nguyễn Bình là một điều cần thiết để răn dậy ba quân. Nhờ anh Ba Bình cương quyết mà quân đội nói chung và Bình Xuyên nói riêng có tiến bộ về quân phong, quân kỷ.
        Đã được anh Ba Bình gợi ý trước nên Hai Trọng đủ thì giờ thu thập tài liệu để làm báo cáo. Báo cáo cũng đã được anh Ba Bình duyệt rồi nên Hai Trọng rất vững vàng khi lên đường. Tuy nhiên về phương diện tình cảm thì có chút ít lấn cấn: số là Hai Trọng lập gia đình trẻ. Anh chỉ mới cưới vợ khi về lãnh công tác uỷ viên quân sự liên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vợ anh là cán bộ phụ nữ tương đối trẻ và đẹp. Hai vợ chồng son vừa quá tuần trăng mật thì Hai Trọng được đề bạt về làm thơ ký riêng cho Khu trưởng Nguyễn Bình. Lên khu bộ không bao lâu thì Hai Trọng lại được chọn đi Trung ương. Đây lả một vinh dự không phải ai cũng có được. Nhưng trong thời chinh chiến, ra đi khó hẹn ngày về.
        Mấy tháng leo đèo vượt suối băng rừng phái đoàn quân dân chánh Nam Bộ ra tới miền Bắc. Gian nan kể không xiết, có ngày đoàn phải vượt qua cả trăm con suối. Đoàn tới nơi mà không thiệt hại về người và tài liệu là một thắng lợi lớn. Riêng về tài liệu, phải một tiểu đội mang. Chuyến ra Bắc đó đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời Hai Trọng. Anh may mắn được sống bên Bác Hồ ba ngày. Phái đoàn lần lượt báo cáo về tình hình quân, dân, chính trong Nam cho Bác và các đồng chí Trung ương nghe.
        Riêng về tình hình quân sự ở Khu 7, nhất là về lực lượng Bình Xuyên, báo cáo của Hai Trọng thay mặt cho trung tướng Nguyễn Bình được đặc biệt chú ý.
        Hôm sau đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu Hai Trọng viết một luận án về vấn đề “cách mạng hoá bộ đội giang hồ”.
        Nghe qua Hai Trọng toát mồ hôi hột:
        - Thưa đại tướng, tôi không đủ trình độ để làm luận án đó.
        Ông Giáp cười nói:
        - Sao lại không đủ trình độ? Đồng chí cứ viết về nhưng khó khăn mà đồng chí Nguyễn Bình gặp phải trong việc thuyết phục các chỉ huy Bình Xuyên bỏ con đường cũ để theo kháng chiến. Đồng chí đi sâu vào những trăn trở của anh em giang hồ khi từ bỏ những lề thói mưu đồ lợi ích cá nhân đẻ dấn thân vào đại nghĩa, đạt quyền lợi đất nước lên trên tất cả... Trước những đắn đo thắc mắc đó, đồng chí Nguyễn Bình đã có hành động nào để giúp anh em giang hồ yên tâm theo cách mạng. Chuyện chỉ có thế. Đồng chí cố nhớ lại những cá tánh các lãnh tụ Bình Xuyên mà đồng chí có dịp sống gần, như các ông Ba Dương, Năm Hà, Bảy Viễn, Mười Trí v.v. và những chuyển biến trong tâm tư tình cảm của họ trước những mưu mô của bọn Phòng Nhì cho gái đẹp, tiền bạc, xa xỉ phẩm từ Sài Gòn vô Rừng Sác để lung lạc, mua chuộc...
        Hai Trọng gật gù:
        - Nếu làm luận án như đại tướng nói thì tôi có thể làm được. Tôi sẽ cố gắng...
        Đại tướng cười:
        - Tôi đã nói là đồng chí đủ sức. Vì đây là chuyện người thật việc thật. Chỉ cần sắp xếp lại cho có mạch lạc để nổi bật chủ đề là nghệ thuật lãnh đạo anh em giang hồ đi theo cách mạng... Đây là việc rất quan trọng. Hiện nay các nước thuộc địa đang vùng lên võ trang khởi nghĩa chống bọn thực dân, giải phóng đất nước, giành độc lập tự do. Tất cả các nước này đều cần học hỏi kinh nghiệm những nước đi trước như Việt Nam ta. Kinh nghiệm “cách mạng hoá bộ đội giang hồ” mà đồng chí Nguyễn Bình đã làm được tại Nam Bộ rất quý. Bởi vì nước nào cũng có giang hồ...
        Đại tướng kết thúc cuộc họp:
        - Đồng chí hiện nay chỉ có một công tác duy nhất là làm bản luận án đó. Tôi đã cho chuẩn bị chỗ ăn ở và làm việc cho đồng chí. Cứ viết thong thả, chừng nào xong cũng được, miễn là viết cho đạt.
        Đúng như đại tướng nói Hai Trọng được chăm sóc chu đáo để viết bản tham luận “cách mạng hoá bộ đội giang hồ”. Càng viết anh càng sáng ra. Những năm tháng sống gần gũi với anh em Bình Xuyên như khúc phim quay chậm. Anh nhớ từng khuôn mặt, từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ của các tay anh chị. Tuy đã theo kháng chiến mà vẫn không bỏ được thói quen tật xấu. Nét chung nhất của các tay tổ là ăn trên ngồi trốc bất cứ chuyện gì cũng chơi trội thiên hạ. Mỗi lãnh chúa là một giang san, là một triều đình, có đủ trung nịnh đâu đâu cũng râm rắp phục tùng, “nhứt hô bá ứng”. Quen sóng phong lưu nên vô rừng vẫn thèm cà phê hủ tiếu, la ve xá xị. Lúc rảnh rỗi vẫn quen tay cắc-tê bài cào đậu chấn tứ sắc. Còn chuyện mèo chuột trai gái thì khỏi nói. Một đặc điểm của Bình Xuyên là đa thê. Ông nào cũng có năm ba bà, đúng như câu nói phổ biến ở miền Bắc “vợ cả vợ hai đều là vợ cả”. Có một điểm Hai Trọng đắc ý nhất: Anh tìm được mẫu số chung cho hai giới cách mạng và giang hồ. Đó là tinh thần yêu nước. Chỉ có dân Việt Nam ta mới có chuyện độc đáo này. Các nhóm anh chị nổi tiếng thế giới nhít đảng KKK (Ku Klux Klan) ở Mỹ, bọn Mafia ở Ý chỉ là bọn giết người vì tiền, không hề nghĩ chuyện nước non. Bình Xuyên là truyền thống nghĩa quân Trương Định, lòng yêu nước sục sôi đã được chứng minh trong lịch sử kháng Pháp ngay từ đầu.
        Suốt trăm năm, truyền thống dân lân dân ấp nối tiếp từ phong trào nấy sang phong trào khác, hết Cần vương đến Thiên Địa Hội rồi Hội kín Ngnyễn An Ninh, sau cùng là Bình Xuyên. Chính ngọn lửa yêu nước tiềm tàng trong lòng anh em Bình Xuyên đã đưa họ tới với anh em kháng chiến. Tuy cùng đi một con đường mà mỗi người một phách, không ai giống ai. Cách mạng thì muốn thống nhất một mối đề dễ lãnh đạo, còn giang hồ thì quen thói anh hùng nhứt khoảnh chịu làm đầu gà hơn đuôi phụng Cho nên lãnh đạo họ phải khéo, phải hết sức tâm lý, mềm dẻo, tế nhị. Chớ có thô bạo độc đoán mà mong họ tuân theo. Và nhất là phải dũng cảm, gan lì hơn họ, tỏ ra anh hùng hảo hán hơn họ, thì mới chinh phục được những tay hảo hớn.
        Càng đi sâu vào bản luận án, Hai Trọng càng mến phục anh Ba Bình. Một mình từ Bắc vô Nam, anh Ba đã tập hợp được các bộ đội rải rác khắp miền Đông, trên hai ba chục nhóm lớn nhỏ đang rình rập nhau “cá lớn nuốt cá bé”. Đâu phải chuyện dễ! Giấy chứng nhận phái viên Trung ương do bộ Tổng ký đâu phải lá bùa hộ mạng. Các tay giang hồ là chúa làm giấy giả giống như thật. Giấy tờ đóng mộc đỏ to bằng khu chén cũng không uy hiếp được họ. Huống chi trong một lần bị quân Nhật bắt, anh Ba đã bị chúng tịch thu tất cả giấy tờ kể cả giấy của Bộ Tổng. Anh tới các bộ đội giang hồ chỉ tự giới thiệu miệng thôi.
        Như vậy cái gì đã khiến các lãnh chúa lục lâm tin anh và chịu sự chỉ huy của anh? Chính hai tay tả hữu thừa tướng Lai Hữu Tài, Lai Văn Sang đã “xàm tấu” với Bảy Viễn: “Nguyễn Bình là thằng trôi sông lạc chợ, từ Bắc vô Nam, đã đánh đấm gì mà toan lãnh đạo anh Bảy?”. Nhưng Bảy Viễn đã không nghe lời hai tay Phòng Nhì này mà xem Nguyễn Bình đúng là một phái viên Trung ương được cử vô Nam để thống nhất các bộ đội địa phương.
        Đó là về phía giang hồ. Còn về phía cách mạng thì chính anh Ba Trà về sau tâm sự: “Lần đầu tiên tôi gặp khu trưởng Nguyễn Bình là ở Mỹ Hạnh. Nguyễn Bình chỉ tự giới thiệu chứ không đưa giấy tờ. Tuy vậy tôi tin vì anh Ba Bình có tác phong anh hùng hảo hớn. Lúc đó tôi có nhiệm vụ tập hợp các cán bộ Đảng. tập hợp các bộ đội do Đảng nắm và thống nhất các lực lượng võ trang. Nguyễn Bình cũng đang làm nhiệm vụ đó. Tôi phải ủng hộ anh Ba”.
        Anh Ba Tô Ký chỉ huy trưởng Giải phóng quân Liên Quận Hốc Môn Bà Điểm Đức Hoà cũng chịu sự chỉ huy của Nguyễn Bình ngay ngày đầu vì mối quan tâm lớn nhất của anh là thống nhất các bộ đội miền Đông để đánh Tây. Anh Ba Bình làm được điều đó cho nên mình phải ủng hộ.
        Đại đội trưởng Hứa Văn Yến, chỉ huy mặt trận An Phú Đông trong những giờ phút nghiêm trọng sau ngày 23 tháng 9 đã gặp Nguyễn Bình vào tháng 10-1945, giữa tiếng đại bác nổ ầm dọn đường cho Tây lên chiếm. Anh Ba Bình chỉ đi có một mình với một anh liên lạc. Anh Ba trình giấy phái viên Bộ Tổng và yêu cầu đồng chí Hai Yến cho liên lạc đưa anh qua An Phú xã. Tây đang tiến vô nên Hai Yến không có thì giờ, chỉ làm theo yêu cẩu của anh Ba Bình, nhưng cảm giác đầu tiên về cuộc gặp gỡ này vẫn còn đậm nét mãi mãi sau này: Một con người to cao mặc đồ xá xẩu, mang kính râm, đeo sắc-cốt. Giữa tình thế nước sôi lửa bỏng, anh vẫn bình tĩnh, ung dung. Đúng là một tay hảo hớn...
        Đại tướng đọc bản luận án gật gù khen Hai Trọng:
        - Đồng chí viết rất đạt. Hãy nghỉ ngơi vài bữa cho khỏe.
        Thời gian ở Bộ Tổng, Hai Trọng được Bác và đại tướng đặc biệt chăm sóc. Anh hiểu đây không phải dành cho cá nhân anh mà dành cho cả đồng bào Nam Bộ mà người có trọng trách bảo vệ là trung tướng Nguyễn Bình.
        Làm xong bản luận án, Hai Trọng nghĩ là công tác ra Bắc của mình đã xong, anh xin được trở về Nam chiến đấu. Nhưng đại tướng nói:
        - Tôi hiểu tình cảm của đồng chí, nhưng nhân dịp ra đây đồng chí nên tranh thủ học tập thêm. Trung Quốc đang mở lớp chỉnh huấn ở Vân Nam. Đồng chí nên sang đó dự rồi về sẽ trở vào Nam phổ biến luôn.
        Hai Trọng lại khăn gói sang Vân Nam cùng một số học viên. Nơi chỉnh huấn là một căn cứ cũ của Mỹ. Nơi đây đồi núi tuyệt đẹp, nhưng lòng dạ Hai Trọng đang nhớ Nam Bộ với anh Ba Bình và vợ trẻ nên không hưởng được cái thú thanh tao của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Khoá học ở Vân Nam ấy có chuyện khác thường là tiết mục “tự phong”. Mỗi học viên phải làm bản tổng kết các loại hoạt động của mình, nêu lên khuyết điểm rồi tự phong. Hai Trọng phát biểu trong tổ:
        - Tôi từ Nam Bộ ra Bắc, đại diện trung tướng Nguyễn Bình báo cáo tình hình quân sự miền Đông Nam Bộ. Các đồng chí Trung ương chiếu cố Nam Bộ cho tôi đi học. Tại khoá này, không có ai cùng chiến đấu với tôi, không có ai hiểu tôi, giúp tôi tự đánh giá nên tôi không thể tự phong được. Tôi sẽ cố gắng học tập để trở vô miền Nam chiến đấu rồi sẽ tự phong sau. Hiện nay tôi chỉ là khách của Bộ Tổng.
        Nhưng nhà trường không chấp nhận quan điểm của Hai Trọng. Ngày thứ hai họ lại yêu cầu anh tự phong như mọi người trong khoá. Một câu cứ ám ảnh anh cả ngày lẫn đêm: Nhà trường yêu càn ta tự phong sao ta không tự phong?”. Nhiều đêm thao thức nhìn ra ngoài. Vùng Dương Đông Hải nổi tiếng danh lam thắng cảnh. Bấy giờ vào mùa cận Tết, hoa đào Vân Nam lộng lẫy dưới ánh đèn đẹp khó tả.
        Nhưng Hai Trọng không thưởng thức được vì nỗi nhớ miền Nam và việc tự phong. Tự phong trung đoàn trưởng sẽ bị phê bình là thiếu khiêm tốn. Đành phải sụt xuống một cấp: tiểu đoàn trưởng. Để được yên thân trở về Nam chiến đấu. Hai Trọng tự phong như sau: “Tôi là đại biểu Bình Xuyên với chức vụ chánh uỷ, đặc phái viên của Bộ Tư lệnh Nam Bộ có nhiệm vụ nghiên cứu đường liên lạc Bắc Nam, được dự khoá huấn luyện này, xin tự phong Tiểu đoàn trưởng. Tổ trưởng nhận xét: “chân thật”. Tức thì cả tổ vỗ tay.
        Mãn khoá anh trở về cám ơn anh Hoàng Văn Thái đã cấp cho anh con ngựa đua rất hiền và khẩu tôm-xông, cho thêm một cần vụ từ Cao Bằng qua Vân Nam. Thời gian đi học và trở về kéo dài hơn một năm thay vì sáu tháng như dự định.
        Hai Trọng lại xin trở vào Nam chiến đấu, nhưng một lần nữa lại được giữ lại. Trọng phản đối mạnh:
        - Sao giữ tôi lại đây? Miền Nam đang thiếu cán bộ.
        - Còn ở đây đâu có thiếu cán bộ. Phải cho tôi về với trung tướng Nguyễn Bình. Ngày ra đi, tôi được anh Ba Bình căn dặn: “Báo cáo xong đồng chí trở về ngay. Tôi đang cấn đồng chí”.
        Đại tướng Giáp chuẩn bị đi chiến dịch, tướng Hoàng Văn Thái giải quyết yêu cầu của Hai Trọng:
        - Bộ Tổng quyết định giữ đồng chí lại vì đồng chí có trình độ, lại từng hoạt động trong Nam. Đồng chí sẽ làm tham mưu cho Bộ Tổng.

<< Chương 51 | Chương 53 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 936

Return to top