Kỹ sư Ngô Tấn Nhơn được Trung ương giao chức bộ trưởng Bộ Canh Nông thay ông Huỳnh Thiện Lộc lãnh nhiệm vụ khác. Ông Nhơn giữ kỹ sư Nguyễn Đăng làm phó đổng lý sự vụ Bộ Canh nông. Ông Nhơn tốt nghiệp khoá một còn ông Đăng tốt nghiệp khoá năm. Được đề bạt chức vụ khá cao nhưng ông Đăng không vui. Ông chỉ muốn đánh giặc ngoài mặt trận hơn. Nguyễn Đăng quê ở Suối Đá, một vùng rừng rậm trong tỉnh Tây Ninh, nằm giữa núi Bà và Núi Cậu. (Nay là huyện Dương Minh Châu). Gia đình đủ ăn, Nguyễn Đăng được học bổng nhờ đậu cao lên trung học và đại học. Đậu kỹ sư Nông nghiệp, Nguyễn Đăng được bổ về Cần Thơ làm việc. Đầu 1945 Nguyễn Đăng gặp Thanh Sơn Nguyễn Văn Tây và tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi còn là sinh viên ở Hà Nội, Nguyễn Đăng đã hoạt động trong Tổng hội sinh viên và sáng lập đảng Dân Chủ. Kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Đăng là một các chỉ huy quân sự trẻ. Khi mặt trận Cần Thơ vỡ sau ba tháng bao vây địch trong thành phố, Thanh Sơn được trung tướng gọi ra Bắc đảm trách việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc đó Nguyễn Đăng cũng đi ra Bắc để dự khoá họp đau tiên của Quốc Hội. Nguyễn Đăng đắc cử đại biểu tinh Cần Thơ. Cùng một chuyến đi, Thanh Sơn chọn Nguyễn Đăng làm trợ lý. Ra tới Hà Nội thì tách ra, ai lo việc nấy.
Muốn trở về bộ đội, Nguyễn Đăng điện cho Thanh Sơn bày tỏ nguyện vọng muốn đánh giặc hơn làm văn phòng. Thanh Sơn lúc đó là phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Miền Nam Việt Nam đóng ở Quảng Ngãi. Thanh Sơn liền can thiệp rút Nguyễn Đăng về giao nhiệm vụ đưa tiểu đoàn Ba Dương vào Nam Bộ.
Đúng ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Pháp đánh Phú Yên. Đầu tháng 1-1947 Bộ Quốc Phòng điện vào bổ nhiệm Nguyễn Đăng làm tham mưu trưởng khu 6 gồm các tỉnh Nam Trung Bộ từ Phú Yên Darlac trở vào. Nguyễn Đăng được giao nhiệm vụ phối hợp lực lượng của Khu 6 và tiểu đoàn Ba Dương chặn mũi tấn công của Pháp ra thị xã Tuy Hoà. Sau mấy trận chiến đấu ác liệt ngay trong những ngày Tết Đinh Hợi. Pháp bị thiệt hại đặng rút lui vào Núi Hiềm, gần Đèo Cả.
Tháng 4-1947, biết được một đoạn đường trong vùng núi từ Khánh Hoà vào Ninh Thuận còn bị tắc do địch khống chế, làm cho nhiều cán bộ lãnh đạo và nhiều tài liệu quý của Trung ương đưa vào Nam Bộ bị dồn đọng lại Phú Yên, Nguyễn Đăng đề nghị Uỷ ban kháng chiến Miền Nam giao cho mình nhiệm vụ mở thông đoạn đường này và sau đó cho được về luôn chiến trường Nam Bộ. Được chấp thuận, Nguyễn Đăng bàn giao ngay nhiệm vụ tham mưu trung Khu 6, nhận một trung đội đi mở đường. Sau hai tháng, đường thông. Đoàn cán bộ Trung ương do ông Thanh Sơn phụ trách hành quân vào Nam có Tiểu đoàn Ba Dương hộ tống. Nhưng vì đoàn đông, đến khu căn cứ tỉnh Khánh Hoà thì bị lộ. Pháp huy động lực lượng từ Nha Trang lên, từ Ban Mê Thuột xuống. Từ Đà Lạt ra bao vây chặn quân ta. Nguyễn Đăng đề xuất ý kiến chia đôi lực lượng vũ trang, một bộ phận lấy tên là bộ đội Ba Dương do Nguyễn Đăng và một số cán bộ trực tiếp chỉ huy, chủ động tấn công địch để thu hút địch vào mình, tạo điều kiện cho bộ phận còn lại lấy tên là bộ đội Hùng Phước mở đường đưa đoàn ông Thanh Sơn vào Nam an toàn. Trong hai tháng trời Nguyễn Đăng cùng đơn vị chiến đất liên tục, có ngày đụng địch ba trận. Sau cùng Tiểu đoàn Ba Dương về tới Bà Rịa, rồi Biên Hoà, Nguyễn Đăng lần lượt gặp các chỉ huy Miền Đông như Hứa Văn Yến, Nguyễn Thuận Thảo, Chi đội 16, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Văn Lung, Chi đội 10 và tư lệnh Khu 7 Nguyễn Bình.
Lúc đó anh Ba đóng ở Giồng Lức. Nguyễn Đăng báo cáo:
- Sứ mạng tôi đã hoàn thành. Tôi đã đưa Tiểu đoàn Ba Dương về với Đồng Tháp Mười.
Nguyễn Bình gật đầu:
- Tôi đã được điện của anh Tám Nghệ báo trước là ông kỹ sư đã cầm chân địch cho đoàn ông Thanh Sơn vào Nam Bộ an toàn. Về Tiểu đoàn Ba Dương, tôi thấy nên bố trí ở Khu 7 là đúng vị trí, vì Khu 7 là muc tiêu số một của thằng Tây. Ông kỹ sư nghĩ thế nào?
Nguyễn Đăng bảo:
- Vấn đề đó xin đề nghị Khu trưởng bàn với ông Thanh Sơn. Tôi chỉ làm nhiệm vụ đưa Tiểu đoàn về tới Đồng Tháp Mười như đã được định.
Nguyễn Bình gật gù:
- Tôi sẽ bàn với đồng chí Thanh Sơn.
Vài ngày sau Nguyễn Đăng được Nguyễn Bình cho biết:
- Tôi đã thống nhất với đồng chí Thanh Sơn là để
- Tiểu đoàn ở đây. Ta nên xúc tiến việc bàn giao.
Trong những ngày ở Nam Bộ, Nguyễn Đăng thấy vài việc không ổn như cùng một lúc có hai chức trưởng ban quân sự Nam Bộ tuy danh xưng khác nhau: Thanh Sơn là trưởng ban quân sự Nam Bộ còn Nguyễn Bình là uỷ viên quân sự Nam bộ. Làm sao hai vị này chẳng giẫm chân nhau?
Lúc đó còn có nạn dòm ngó nhau giữa Cộng sản và Dân chủ. Nguyễn Đăng theo Dân chủ. Năm 1944, Nguyễn Đăng là một trong những sinh viên sáng lập ra đảng Dân chủ Việt Nam, trong mặt trận Việt Minh. Năm 1946, tại đại hội Đảng Dân chủ lần đầu tại Hà Nội, Nguyễn Đăng cùng các bạn Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm, Vương Văn Lê, Nguyễn Việt Nam được bầu vô Ban chấp hành Trung ương. Để giải quyết các xung đột giữa hai nhóm, một ban hoà giải được lập ra gồm có các ông Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Đăng, Vương Văn Lễ bên dân chủ, Ung Văn Khiêm, Thượng Vũ, Nguyễn Văn Kỉnh và Hà Huy Giáp bên Cộng sản.
Nguyễn Bình đã được Vũ Huy Xứng, Phòng chính trị khu 7 kết nạp vào năm 1947 nhưng nhiều người vẫn đinh ninh ông Bình là Nguyễn Phương Thảo, đảng viên Quốc Dân Đảng.
Có chuyện đáng kể là Nguyễn Bình thích Nguyễn Đăng. Trong các cuộc họp, luôn luôn ông Ba Bình đề cử “ông kỹ sư” làm thư ký. Nhiệm vụ của thư ký hội nghị là làm biên bản ngay tại chỗ, tóm tắt các ý kiến phát biểu và kết luận của chủ toạ, xong rồi đọc cho cử toạ nghe để thông qua, sau cùng đưa cho chủ toạ ký.
Với trình độ đại học thì làm thư ký hội nghị thì công việc đó không có gì là khó khăn, nhiều người cười, cho việc trung tướng đề cử Nguyễn Đăng làm thư ký hội nghị là “giết gà mà dùng dao mổ trâu”. Dù vậy không bao giờ Nguyễn Đăng từ chối đề cử của anh Ba. Do vậy mà trong một thời gian một số biên bản hội nghị đều mang chữ ký của chủ toạ Nguyễn Bình và thư ký Nguyễn Đăng. Thế là thiên hạ đồn Nguyễn Đăng đã được “mắt xanh” trung tướng Nguyễn Bình chấm.
Tin này tới tai đồng chí Lê Duẩn lúc bấy giờ là bí thư xứ uỷ. Anh Ba Duẩn, trước đây đã chú ý tới “ông kỹ sư” trong giới chỉ huy quân sự ở Nam Bộ, Nguyễn Đăng là người trí thức say mê đánh giặc sau luật sư Thái Văn Lung hy sinh quá sớm. Anh Ba Duẩn chọn Nguyễn Đăng làm mô hình để nghiên cứu về người trí thức miền Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Nhận thấy Nguyễn Đăng có đủ điều kiện để trở thành đảng viên cộng sản, anh Ba Duẩn đặc biệt quan tâm tới người cán bộ quân sự trí thức hiếm có này. Nhân đồng chí Dương Minh Châu hy sinh, anh Ba Duẩn tính đưa Nguyễn Đăng về làm chủ tịch Tây Ninh. Việc đề bạt này cũng hợp lý vì tâm lý cử người của địa phương, Nguyễn Đăng là dân Tây Ninh. Nhưng Nguyễn Đăng lại không khoái chức vụ ấy, anh chỉ thích đánh giặc thôi. Khi anh Ba Duẩn gợi ý, Nguyễn Đăng nói rõ ý định của mình. Anh Ba Duẩn bỏ ý định đưa Nguyễn Đăng làm chủ tịch Tây Ninh. Trong việc bố trí lại Bộ Tư lệnh Nam Bộ (bỏ tên cũ là Ban Quân Sự Nam Bộ do Thanh Sơn đảm trách) Nguyễn Bình là tư lệnh, Dương Quốc Chính là chánh uỷ, Nguyễn Đăng làm tham mưu trưởng.
Nguyễn Đăng nói riêng với anh Ba Duẩn: “Tôi thấy không được. Tôi không hợp với trung tướng Nguyễn Bình”. Anh Ba Duẩn lộ vẻ ngạc nhiên: sao tôi nghe nói hai người ăn ý lắm? Nguyễn Đăng cười kể chuyện ông Bình thích đề cử anh làm thư ký hội nghị. Chỉ có thế thôi. Còn về sinh hoạt thì anh không chịu được tác phong huynh trưởng của ông Bình và nhất là chung quanh đám em út của anh Ba Bình có cả người trong thành ra. Là chỉ huy quân sự, Nguyễn Đăng giữ gìn bí mật như giữ gìn con ngươi của mình. Biết bao chiến dịch chuẩn bị chu đáo mà thất bại vì bí mật bị lộ trước giờ nổ súng. Dù Nguyễn Đăng thoái thác vẫn có quyết định bổ nhiệm Nguyễn Đăng tham mưu trưởng Nam Bộ. Anh Ba Duẩn bảo Nguyễn Đăng: “Cố gắng làm thử đi. Có gì báo cáo với tôi!”.
Hai tháng sống ở Bộ tư lệnh Nam Bộ đóng ở Kinh Bùi, Kinh Dương Văn Dương, sát Nguyễn Bình, Nguyễn Đăng tự thấy không thể hoà đồng với không khí còn nhiều mặt chưa hợp nhau nên xin bố trí lại.
Anh Ba Duẩn đề nghị Bộ Quốc Phòng cử Nguyễn Đăng giữ chức Tư lệnh phó Khu 8. Lúc đó Bộ Tư lệnh Khu gồm có các ông Trần Văn Trà, tư lệnh, Nguyễn Văn Quạn, phó tư lệnh, Nguyễn Văn Vịnh chánh uỷ.
Kỷ niệm khó quên trong đời Nguyễn Đăng là được anh Ba Duẩn kết nạp vô Đảng Cộng sản vì theo nguyên tắc kết nạp một uỷ viên trong Ban Chấp hành Trung ương một đảng khác, phải là cấp Trung ương. Cuối năm 1949, anh Ba Duẩn nói:
- Từ lâu tôi đã chú ỷ tới đồng chí. Đồng chí là một trí thức mà tinh thần yêu nước đã nảy nở trong thời kỳ tiền cách mạng... Đồng chí vào Đảng Dân Chủ là phải. Nhưng để tiện việc đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng, đồng chí nên đứng vào Đảng của Bác.
Năm 1950, khi chi bộ Đảng họp làm lễ kết nạp Nguyễn Đăng, anh Ba Duẩn dự. Anh Ba đã phát biểu ý kiến, chỉ thị về các mặt phấn đấu để làm tròn nhiệm vụ một đảng viên Cộng sản, hướng dẫn, giáo dục, việc rèn luyện đạo đức, tác phong, gắn chặt với giai cấp công nhâu, nhất là mình thuộc giới trí thức Những lời của anh Ba Duẩn đã đi vào lòng Nguyễn Đăng từ ngày ấy.