Vào cuối năm 49 trung tướng Nguyễn Bình có thư ký mới. Đó là một thanh niên hăm hai tuổi quê ở Long Điền Bà Rịa, tên là Dương Văn Giỏi. Hai Giỏi học tới năm thứ tư trường trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn thì đụng Cách mạng tháng Tám. Năm 1944 Giỏi đã gặp thầy giáo Dương Văn Xá viết báo ký tên Nam Dương là tay hoạt động cách mạng nổi tiếng trong tỉnh Bà Rịa. Tháng 7-1944, Nam Dương phổ biến chương trình Việt Minh cho Hai Giỏi. Hai Giỏi kéo nhóm học sinh Pétrus của anh ở Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ theo Việt Minh. Nhóm này gồm có hai anh em Trần Thượng Thu và Trần Thượng Thủ con của thầy giáo Trần Thượng Tứ, Hoàng Việt, Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Văn Tần, ở Vũng Tàu, Nguyễn Văn Tuấn ở Long Hương, Bà Rịa. Giữa 1946 Hai Giỏi gia nhập bộ đội lưu động Hoàng Thọ. Đầu 1949, trên đường từ Bến Cát về Phú Mỹ để rèn cán chỉnh quân, Hai Giỏi bị thương khi băng qua đường sắt cặp con lộ Đông Dương. Bộ đội lưu động Hoàng Thọ được bổ sung để trở thành Tiểu đoàn 303, đơn vị chủ lực của Khu 7. Lễ ra mắt của Tiểu đoàn là ngày 19-5-1949. Vài tuần sau, Hoàng Thọ tuy vẫn là chỉ huy trưởng bất mãn bỏ ra đi, kéo theo vài người thân tín như Tứ, Kính, Thảo, Giỏi. Kính là chính trị viên đại đội, Giỏi là trung đội trưởng, Tứ là thư ký đại đội, Thảo là trung đội trưởng. Riêng về Giỏi thì khi Hoàng Thọ rủ về Nam Bộ dự khoá đại đội, Giỏi vừa bình phục nên muốn xưống Khu 8 để an dưỡng. Anh thận trọng hỏi ý chính trị viên Tiểu đoàn là Trần Đình Cửu. Anh Chín Cửu khuyên Giỏi nên đi dự khoá đại đội ở Khu 8 đồng thời bồi dưỡng để mau phục sức. Việc ra đi bất ngờ của Hoàng Thọ và các cán bộ đại đội làm cả tiểu đoàn xôn xao. Đại đội trưởng Đoàn Duy Ngơi vội báo với anh Chính Cửu. Anh Cửu nói: “Chớ làm to chuyện. Hoàng Thọ không chạy ra thành đâu. Hoàng Thọ cũng chẳng lên Khu. Hoàng Thọ về Nam Bộ thôi”. Trần Đình Cửu biết rõ Hoàng Thọ hơn ai hết vì chính anh là người kết nạp Hoàng Thọ một tháng trước khi thành lập Tiểu đoàn 303 chủ lực của Thủ Biên. Anh em chọn cho Hoàng Thọ bí danh Hai Bằng với ngụ ý: Hai là anh Hai, là người anh cả của bộ đội bấy lâu mang tên Hoàng Thọ, còn Bằng là bằng lòng vô Đảng. Hoàng Thọ vô Đảng vì lý chứ không phải vì tình. Là một “tướng lĩnh” chuyên đánh đấm, Hoàng Thọ không khoái chính trị. Anh không ưa nói chuyện đảng. Anh cũng có lý do của anh: sự nghiệp đánh Tây cứu nước là của toàn dân. Bày ra đảng này đảng kia là làm suy yết lực lượng tác chiến. Sự vụng về của cán bộ chi viện Trần Văn Quán, lấy tên là Hoàng Trường, càng làm cho Hoàng Thọ tin rằng mình nghĩ đúng. Hoàng Thọ đi hội nghị một thời gian về thấy có chuyện lạ trong đơn vị mình. Chuyện lạ đó là một số đội viên sanh hoạt riêng lẻ, bí mật, khi Hoàng Thọ điểm danh thì vắng mặt. Hạch hỏi mới biết họ sinh hoạt Đảng. Hoàng Thọ càng tin chắc đơn vị có sự chia rẽ từ khi có Đảng. Tệ hại hơn nữa là Hoàng Thọ bắt gặp Hoàng Trường lục xét giấy tờ của mình. Thế là cơn giận bấy lâu dồn nén nổ tưng: “Hoàng Thọ này đi kháng chiến là vì dân vì nước, đâu có ngờ ngày nay lại có cái nạn đảng này phái nọ. Đem mà bắn cha nó hết ba cái đảng phái này cho nó rồi!”
Cơn thịnh nộ của Hoàng Thọ thấu tới tai tham mưu trưởng khu là Lê Đức Anh. Khi gặp Hoàng Thọ, ông Anh phê bình ngay: “Hoàng Thọ là công nhân mà phản lại công nhân”. Hoàng Thọ bực lắm, cạo đầu để biểu hiện cơn bực của mình. Nhưng hãy trở lại chuyện đi Nam Bộ của Hai Giỏi.
Tháng 6-1949 Giỏi cùng các bạn Thảo, Kính, Hổ dự khoá đại đội. Thời gian sau đó tin Hoàng Thọ được trung tướng Nguyễn Bình giới thiệu về Bắc nhưng Hoàng Thọ đi vài chặng thì đổi ý trở về Mỹ An, sang một quán lá kề bên trạm gác tại ngã tư kinh Nguyễn Văn Tiếp và kinh Tháp Mười. Với số tiền hai ngàn đồng Đông Dương ngân hàng, Hoàng Thọ sống như một Mạnh thường quân, cán bộ nào đi công tác ngang Mỹ An cũng được Hoàng Thọ mời vô quán ăn uống đãi đằng. Hai Giỏi biết Hoàng Thọ đã trở thành một tay bất mãn mà cả “đại huynh” Nguyễn Bình cũng bó tay uốn nắn được nữa. Anh lấy làm buồn cho một tay chỉ huy đã lập nhiều chiến công vang dội đang tự giết cuộc đời chính trị của mình bằng rượu và sự bất mãn.
Học xong khoá đại đội, Hai Giỏi được giới thiệu về văn phòng trung tướng Nguyễn Bình. Thấy Giỏi có trình độ văn hoá khá, anh Ba thu nhận ngay, giao nhiệm vụ thư ký ghi chép. nghe đài phát thanh tiếng Pháp để báo mỗi đêm. Đồng thời đảm trách luôn việc bảo vệ văn phòng trung tướng.
Không bao lâu văn phòng trung tướng dời về Khu 9 vào năm 1950. Thoạt tiên ở Cá Lốc, trong quận Long Mỹ, sau về sông ông Dẻo, gần Cầu Đúc, quận Gò Quào. Trong thời gian này anh Ba Bình giải phẫu con mắt trái đã hư từ năm 1935 lúc ở tù Côn Đảo - năm đó còn mang tên Nguyễn Phương Thảo, bị Quốc Dân Đảng thanh trừng về tội phản Đảng.
Bác sĩ Thân, một bác sĩ già theo kháng chiến, đã giải phẫu cho anh Ba. Có một chuyện vui: chị Thanh kề cận săn sóc anh Ba đã phải đút thức ăn tận miệng vì cả hai mắt đều bị quấn băng. Không rõ chị Thanh nghĩ ngợi điều gì mà đút muỗng vô mũi anh Ba làm anh Ba kêu lên: “Mồm ở đây này, sao cứ đút vào mũi người ta!”.
Tiếp theo đó là một chuyện bực: Khi vết mổ lành, anh Ba tiếp tục nếp sinh hoạt như thường lệ tức mỗi sáng tập thể dục rồi bơi lội dưới sông. Hai Giỏi có nhiệm vụ ở trên bờ nghe ngóng máy bay. Một hôm có tiếng phi cơ rất gần. Hai Giỏi báo động: “Máy bay nghe anh Ba”. Thay vì lên bờ mặc quần áo, anh Ba lại rầy: “Nó ở tận đâu đâu! Cạu nhát quá!”. Dân đánh giặc mà bị chê “nhát”, Hai Giỏi tự ái:
- Tôi có trách nhiệm bảo vệ anh Ba. Có hơi máy bay thì tôi phải cho anh Ba hay. Vậy thôi! Đâu phải nhát!
Đó chỉ là chuyện nhỏ, nhưng lại là giọt nước làm tràn tách nước. Từ lâu Hai Giỏi không khoái tác phong huynh trưởng của anh Ba. Chung quanh anh rất nhiều em út, mà phần đông là nữ. Có tin đồn là gián điệp trẻ đẹp trà trộn trong số em út ở thành.
Thực hư thế nào chưa biết, nhưng rõ ràng là không khí đó không hợp với Hai Giỏi. Đêm đó anh bỏ ra sóc Miên sau khi viết thư xin trở về đơn vị cũ. Nửa đêm có người của anh Ba đi tìm mời Hai Giỏi về. Anh Ba bắt tay Giỏi cười nói “Hồi sáng mình nóng nẩy làm chạm tự ái cậu. Mình xin lỗi cậu”. Hai Giỏi vuốt giận ở lại với anh Ba.
Không lâu sau, văn phòng trung tướng Nguyễn Bình lại lên miền Đông. Đi lòn khu vực Hoà Hảo thật gian nan, lại phải vượt hai con sông Hậu và Tiền. Hai Giỏi chịu trách nhiệm bảo vệ cả đại đội. Không thể nào quên được những đêm vượt trường giang, trong bóng đêm, bờ bên kia tăm tăm mù mù trong màn sương hơi nước. Hai Giỏi không quên hai anh Thới và Danh là trưởng và phó huyện đội Ô Môn đã bố trí những chiếc ghe đặc biệt bốn chèo, tám giầm để đưa văn phòng Trung ương qua sông. Những chiếc ghe này lướt sóng như ca-nô. Lúc đó Hai Giỏi có một ý nghĩ ngộ nghĩnh: nếu sau này mình còn sống, mình phải phục chế một chiếc ghe như thế để chưng trong viện bảo tàng kháng chiến cho con cháu mình xem cho biết kháng chiến ra làm sao.
Tới Đất Cuốc, Hai Giỏi tính xin trở về đơn vị cũ thì dịp may xảy đến: Có tin Trung ương gọi Nguyễn Bình ra Bắc. Đúng lúc đó Hai Giỏi gặp thiếu tướng Dương Quốc Chính. Anh nói:
- Anh Ba Bình đề nghị tôi cùng đi ra Bắc với anh. Nhưng tôi kém sức khỏe, sợ đi không nổi. Tôi tính xin trở về đơn vị cũ.
Ông Chính nói: “Vậy thì cậu cứ ở đây với tôi”.
Thế là nhưng ngày sống kề cận anh Ba Bình của Hai Giỏi chấm dứt vào lúc đó.