Vàm Bến Vịnh là nơi con sông Bé đổ ra sông Đồng Nai. Nơi đây là xã Lạc An. Sở cao su Bến Vịnh là nơi khỉ ho cò gáy dân cạo mủ cao su ở đây ném về hạng nghèo nhất miền Đông Nam Bộ. Quanh năm chỉ có bộ đồ dính da. Tối ngủ không mùng mền, trước khi ngủ phải móc bùn non thoa đều khắp mình để muỗi chê không thèm cắn. Quản đốc Sở cao su này là Võ Bá Nhạc. Lúc thiếu thời, Nhạc là một thanh niên hiếu học. Không tiền ăn học, Nhạc tình nguyện sang Pháp trong đội lính không nghề, Tây gọi là ONS (Ouvriers Non Specialisés) vào thời thế chiến 2 (1940 - 1945), Tây đầu hàng quá nhanh, Nhạc không phải ra trận làm bia đỡ đạn cho Nước Mẹ (Mẫu quốc), có thì giờ nhàn rỗi chăm chú học hành. Đêm đêm anh thắp đèn dầu - khi trại lính đã tắt đèn, để tự học.
Chừng Tây cho lính thợ về nước sau chiến tranh, Nhạc đã có một mớ hành lý văn hoá, nhất là Pháp văn. Nhưng hay không bằng hên: một trong số đồng đội của anh là con một chủ sở cao su ở Nam Kỳ. Do người con giới thiệu, Nhạc được người cha nhận làm qủan đốc sở cao su Bến Vịnh. Chỉ là quản đốc thôi, những ông Nhạc được dân trong vùng “tôn” lên hàng ông chủ. Dòng đời cứ lặng lẽ trôi như dòng sông Bé đổ ra Đồng Nai qua vàm Bến Vịnh. Thế rồi xảy ra một biến thiên dữ dội: đám phát xít lùn đảo chánh thực dân Pháp. Đó là ngày Nớp Mạc (9-3-1945). Nhưng nơi bùn lầy nước đọng này, chỉ có quản đốc Nhạc hay tin đảo chánh nhờ báo chí Sài Gòn lên trễ cả tuần, còn anh em cạo mủ thì không hề hay biết.
Ngày kia có chiếc tàu nhà binh mang tên Tây Tourane (Đà nẵng) chạy lên, phóng ngược dòng sông Bé. Đây là một hiện tượng lạ vì khúc sông này rất nhiều đá hàn. Chuyện phải đến đã đến: tàu rấn lên đá ngầm, mắc kẹt. Tây thả ca nô lên gặp quản đốc Nhạc xin cho thuyền đưa lính trên tàu vào bờ, đồng thời cho xin một bữa ăn, sẽ đền ơn xứng đáng. Ông Nhạc ra lịnh cho em vợ là xếp “săn-chê” Hoà lo ghe đưa lính lên bờ và lo cơm nước. Số lính trên tàu độ 400 người Việt, chỉ huy Tây chừng một chục. Thằng Tây xếp tự giới thiệu là “chen de bataillon” (tiểu đoàn trưởng) còn chiếc Tourane là “canonnière” (pháo hạm) có bố trí đại bác trước mũi và sau lái. Chúng lên rừng là có ý không cho Nhật tước súng và bắt làm tù binh.
Tất cả tiểu đoàn ăn uống thoả thích: lâu ngày mới được bữa cơm thịnh soạn, có thịt heo tươi, có rượu chát đỏ. Rượu chát lấy ở dưới tàu lên. Vừa ăn tên xếp Tây nói:
- Cám ơn các ông đã tiếp đón niềm nở chúng tôi. Tôi sẽ trả tiền sòng phẳng buổi tiệc hôm nay. Ngoài ra tôi còn tặng các ông tất cả đồ đạc trên tàu. Chúng tôi chỉ mang súng lên rừng mà thôi. Cái gì quý nhất đối với người lính bằng khẩu súng? Đồ đạc trên tàu trị giá bạc triệu: đó là quần áo binh sĩ cả kho. Chúng tôi thân ái tặng các anh với điều kiện các anh cho người địa phương đưa chúng tôi theo đường rừng lên Ban Mê Thuộc. Được không?
Ông Nhạc bắt tay tên Tây nói:
- Xin các ông yên chí. Chúng tôi sẽ giúp các ông: dù có thù lao hay không. Tôi lấy một câu cách ngôn của người Pháp các ông làm phương châm xử thế: “Một việc làm phải không bao giờ mất”.
Anh bảo anh Hoà chọn ba người thông thạo đường rừng đưa tiểu đoàn lính trên pháo hạm Tourane vượt rừng đi về phái Tây nguyên Trung Bộ.
Đám lính Pháp và Việt đi rồi, ta cho người lên tàu thu chiến lợi phẩm: Kho quân phục được đưa hết lên bờ. Còn thức ăn trong các tủ lạnh như xúc xích, anh em chưa hề thấy, cứ đưa lên cắn. Không ngờ thịt lạnh để lâu trong tủ lạnh đã đông lại, cũng như củi. Anh em suýt gãy răng vì những cây xúc xích oái oăm đó, ném xuống sông như ném củi. Số quần áo quá nhiều, anh em đang rách rưới mỗi người quơ hai bộ. Một bộ mặc liền tại trận, một bộ cất để dành. Ai nấy đều vui tươi cho đây là của trên trời rớt xuống giúp vận con nhà nghèo. Nhưng niềm vui của họ không được lâu vì Võ Bá Nhạc thấy công nhân mặc đồ nhà binh Pháp trắng rừng lấy làm lo sợ, ra lịnh cho Hoà phải thu hồi tức khắc các bộ đồ ka ki đó đem cất giấu cũng như số súng Tây để lại làm quà:
- Nội trong ngày nay, thế nào tụi Nhựt cũng lên tới đây truy bắt tiểu đoàn Tây chạy vô rừng, nếu chúng thấy mình đã tiếp tế cho Tây để lấy quần áo, súng ống thì nó tàn sát hết cả đám.
Quyết định của ông Nhạc làm anh em công nhân không vui. Qua ngày sau, bọn Nhật lên Bến Vịnh.
Chúng thấy chiếc Tourane mắc cạn, đổ lên sở cao su của quản đốc Nhạc. Nhưng Nhạc đã nhanh chân về Sài Gòn hôm trước. Chỉ có Hoà ở lại. Nhật lên bắt năm người buộc dẫn chúng băng rừng tìm bắt bọn Tây đã trốn. Đi quần nát mà không gặp bọn Tây, bọn Nhật nổi khùng chôn sống năm anh em công nhân xấu số này.
Giới thiệu lịch sử Bến Vịnh với sở cao su Bô-mua xong, Võ Bá Nhạc cùng hai em vợ là Hoà và Thanh đưa anh Ba tới tận nơi. Các cơ sở văn phòng, nhà kho đều còn nguyên, có thể làm nơi đặt bộ chỉ huy rất thuận tiện. Nguyễn Bình rất hài lòng có được một nơi đóng quân giữa chốn rừng xanh hiểm trở.