Giữa năm 1951 có tin Trung ương gọi trung tướng Nguyễn Bình ra Bắc. Bức điện rất vắn tắt. Những người ở ngay trong văn phòng anh Ba cũng không hiểu lý do triệu hồi một vị tướng mà Bác Hồ đã giao Nam Bộ trong những ngày “ngàn cân treo sợi tóc”.
Hai Giỏi là thơ ký kiêm bảo vệ của anh Ba cũng không nắm rõ nguồn cơn. Chỉ thấy anh Ba đăm chiêu nghĩ ngợi. Có lẽ anh Ba tính sổ những gì đã làm được và những gì chưa làm được cho Nam Bộ.
Dường như linh tính báo trước là chuyến về Bắc lần này là một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời của mình. Sau mấy ngày suy tư, anh Ba quyết định tuân lịnh thượng cấp. Nguyên tắc mà anh tuân thủ suốt đời chẳng phải là kỷ luật đó sao? Rất có thể mình về Bắc rồi lãnh một công tác khác ở đâu đó chứ không được trở vào Nam. Có lẽ Trung ương đã biết những va chạm mà mình đã gặp trong năm sáu năm hoạt động trong Nam. Đánh địch, mình đã lập nhiều chiến công, đặc biệt qua thành tích diệt ác trừ gian của mười đội công tác thành. Bọn bồi bút Hiển Sĩ, tên thực dân De la Chevrotière, tên gian Trần Tấn Phát, con cáo già Bazin lần lượt gục ngã dưới làn đạn của anh em Công tác thành và đội Công an Xung phong.
Rồi hàng chục sĩ quan hải quân, không quân của địch bỏ xác trong rạp chiếu bóng Majestic, các nhà hàng La Pagode, Impérial, Câu lạc bộ sĩ quan không quân... Rồi các trận đót kho đạn Thị Nghè, kho bom Phú Thọ... Tóm lại Mười Ban công tác Thành là một đội quân tinh nhuệ gieo kinh hoàng trong sào huyệt địch. Đúng là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Bình: đem chiến tranh du kích vào tận trung tâm Sài Gòn-Chợ Lớn. Nhưng bên cạnh những chiến công lại là những mất mát, những hy sinh lớn lao của nhiều đồng chí trung kiên ở cơ sở bí mật. Vấn đề thứ hai là việc thu phục giới giang hồ Bình Xuyên. Kéo được các bộ đội Ba Dương - Năm Hà, Tám Mạnh - Hai Vĩnh, Bảy Viễn, Mười Trí là cả một nghệ thuật, kết hợp bản lĩnh sáng tạo. Giang hồ là con dao hai lưỡi, không khéo sử dụng có thể đứt tay như chơi. Thế mà mình đã sử dụng được, Nhưng vấn đề Bình Xuyên chỉ hay có khúc đầu còn khúc đuôi thì thật đáng tiếc. Bảy Viễn đã đầu Tây. Việc này chắc phải có thời gian để đánh giá.
Còn gì nữa nào? À, còn vụ Hoàng Thọ. Mình đã quá nuông chiều cậu này. Nuông chiều vì một lẽ: Nó là thằng em út đồng hương có nhiều điểm giống mình: anh hùng hảo hớn, trung thực ăn nói ngay thẳng. Khi Hoàng Thọ bất mãn bỏ về tiểu đoàn 303 về tìm mình, mình đã khuyên nó về Bắc lập lại sự nghiệp. Mình đã ký giấy giới thiệu và cho tiền lộ phí.
Tưởng đã giúp được thằng em khỏi nghịch cảnh, nào ngờ đi vài chặng, gặp bạn bè xúi bậy, nó lại đổi ý, trở lại Mỹ An mở quán làm đủ thứ chuyẹn “ba-gai” trên đời. Đến khi nhận yêu cầu phải ký giấy bắt Hoàng Thọ, mình hết sức khổ tâm. Nó đã nhiều lần cứu mình thoát hiểm, vụ Sáu Section mưu sát mình ở Lò Đường, rồi vụ Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt, không có Hoàng Thọ thì Nguyễn Bình đã xanh cỏ từ lâu. Mình suy nghĩ mấy ngày trước khi hạ bút ký bắt Hoàng Thọ. Mình dư biết đó là hạ sách, vì với Hoàng Thọ, chỉ dùng tình cảm mới thu phục được nó. Cho nên ký giấy bắt Hoàng Thọ cũng đồng nghĩa với ký bản án tử hình Hoàng Thọ. Đau xót quá! Nỡ lòng nào đẩy một thằng em út như Hoàng Thọ vào chỗ chết!
Nhưng biết làm sao đây? Không ký thì càng mang tiếng Nguyễn Bình bao che đàn em, thậm chí xúi đàn em khinh thường và coi rẻ thượng cấp.
Chuẩn bị lên đường. anh Ba viết thư tạm biệt các bạn từng sống chết với nhau trên chiến trường miền Đông gian lao mà anh dũng. Anh nhớ ngay tới luật sư Nguyễn Thành Vĩnh và luật gia Lê Đình Chi. Ông Chi không may bị máy bay bắn chết, còn ông Vinh là người trí thức Sài Gòn đã tạo điều kiện cho anh Ba đột nhập Sài Gòn lần đấu tiên vào đầu năm 1946. Ông Vĩnh đã khiến anh Ba khâm phục khi nhà trí thức tư sản này đã yêu cầu anh cho một tiểu đội hộ tống ông về ngôi nhà tổ phụ ở Trung Lương đào hai trăm lượng vàng để làm công quỹ lúc Nam Bộ cạn tiền nuôi quân. Nhờ số vàng đó ta mở được các chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh... Anh Ba soạn một số ảnh có anh và ông Vĩnh - chụp trong các hội nghị lễ tấn phong trung tướng bên bờ kinh Dương Văn Dương, dán vào album nhỏ gọi là có quà mọn lúc chia tay. Trong thư anh Ba cũng nhắc vụ về thành ba ngày ở ngay trong nhà ông Vĩnh, 35 đường Pierre Đakao và không quên chúc sức khỏe bạn để tiến mạnh trên đường giải phóng dân tộc và nhân loại khỏi tham tàn bóc lột của tư bản đế quốc.
Người thứ hai được anh viết thư là ông Lâm Thái Hoà, phụ trách pháo binh. Anh Ba viết đến năm sáu trang, bày tỏ nỗi lòng của người đi xa mà không biết có hy vọng còn gặp lại những người thân.
Tất nhiên anh Ba không thể quên Tám Nghệ là vị “tướng trời” theo lối nói của người dân Tân Hoà, Mỹ Lộc, còn anh thì gọi Tám Nghệ là thi tướng vì Tám Nghệ có biệt tài vừa đánh giặc vừa làm thơ. Làm sao quên được bài thơ “Bờ sông xanh chiều hôm buộc ngựa, kiếm gối đầu theo gió thả hồn cao”. Khi quyết định về Bắc, anh Ba đã yêu cầu Trung ương cho Khu trưởng Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ cùng đi. Nhưng không rõ vì lý do gì đề nghị đó không được Trung ương chấp nhận. Người được chọn để cùng đi với anh là chánh văn phòng Bộ tư lệnh Nam Bộ Võ Bá Nhạc.
Với anh Ba thì ông Nhạc là người phụ tá thân thiết, làm việc với anh ngay từ đầu, lúc anh Ba tới Bến Vịnh là vàm Sông Bé đổ ra sông Đống Nai. Ông Nhạc bấy giờ là quản đốc sở cao su Bến Vịnh. Ông đã hiến sở cao su cho anh Ba làm văn phòng chỉ huy, còn ông thì phụ trách văn phòng đó luôn. Cũng được? Trên đường thiên lý có bạn tâm đồng thì đường dài cũng hoá ngắn...
Thấm thoát đã đến ngày lên đường. Bài thơ nhớ Bắc của Tám Nghệ lại vang vọng bên tai:
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.