Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 126974 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật
Nguyên Hùng

Chương 30

Giáo sư Phạm Thiều đang gậm củ khoai mì nướng trong gò mối thì được một anh bộ đội mang tới cho bình tong nước rễ tranh. Họ Phạm nhận bình-toong mời luật gia Lê Đình Chi:
        - Ăn bánh mì “ba ghết” rồi uống trà ô Long Kỳ Chưởng là tiên trên đời rồi!
        Ông Chi rót một chén, vừa thổi vừa uống:
        - Nước rễ tranh nấu với hà thủ ô nước vàng, vị ngọt, mà thơm lại bổ nữa. Theo tôi nó không thua Ô Long đâu!
        Hai nhà trí thức vẫn vui vẻ với cuộc sống gian lao; Tây phong toả chiến khu, không có gạo phải ăn củ mì thay cơm từ mấy tuần nay. Khoai mì ăn hoài cũng ngán, anh em có sáng kiến đục lỗ gò mối làm lò nướng khoai mì đã nấu chín. Dân thành thị từng ăn bánh mì “ba ghết” thời Nhật nên gọi đó là bánh mì ba ghết. Chuyện vui là dân trí thức theo kháng chiến ở miền Đông coi thường gian khổ. Họ cho đây là sự thử thách: lửa thử vàng, gian nan thử sức và họ thề quyết khó mấy cũng vượt qua. Trong chiến khu Lạc An năm 1946 có ba nhà trí thức thuộc ba lĩnh vực khác nhau: Phạm Thiều chuyên dạy văn, Việt văn và Hán văn ở trường trung học Pétrus Ký. Lê Đình Chi là cử nhân Luật, Huỳnh Tấn Phát là kiến trúc sư đã nổi tiếng trước cách mạng tháng Tám. Ông Phát đã thiết kế Hội chợ triển lãm Sài Gòn năm 1942 tại vườn Ông Thượng. Tây gọi là Foire ét Exposition de Sai gon. Hội chợ triển lãm các mặt kinh tế. quân sự, công nghiệp văn hoá... Đặc biệt là tất cả gian hàng đều xây dựng bằng tre, mây, lá, tức vật liệu xây cất toàn là cây nhà lá vườn. Ăn khoai uống lá rừng nhưng các cuộc thảo luận vẫn rôm rả đủ ngành nghề: trong nước và thế giới.
        Câu chuyện đang sôi nổi về chuyến phó hội Fontainebleau của Bác Hổ thì có lính văn phòng tới:
        - Khu trưởng mời giáo sư.
        Phạm Thiều chỉ vô ngực mình:
        - Mời tôi hả?
        - Thưa phải!
        Phạm Thiều nhìn hai bạn lẩm bẩm: “Có việc gì”
        Theo anh lính, họ Phạm vô văn phòng khu trưởng:
        - Khu trưởng cho mời tôi?
        Nguyễn Bình gật:
        - Vâng. Mời giáo sư ngồi. Tôi lo ngại về sức khỏe của giáo sư Trong lúc địch phong toả kinh tế, mấy tuần nay ăn ròng khoai với củ... Không thấy mặt hột cơm ra làm sao.
        Phạm Thiều cười nói:
        - Cám ơn khu trưởng đã lo cho anh em chúng tôi. Nhưng việc thử thách ở mức này không đáng kể. Anh em trí thức chúng tôi còn thừa sức để theo kháng chiến tới cùng.
        Nguyễn Bình cười:
        - Giáo sư nói thật chứ. Hay là giáo sư nói cho tôi an tâm?
        - Tôi nói thật. Phải thanh thản làm người ta mới làm thơ. Chuyện ăn khoai củ coi gian khổ vậy mà anh em vần lẩy ra thơ. Chẳng hạn như: No với đủ cũng nhờ củ với khoai. Kháng chiến hoài cũng nhờ khoai với củ...
        Nguyễn Bình thích thú:
        - Mấy ông nhà báo phải ghi mấy câu này.
        Họ Phạm nói thêm:
        - Còn bài thơ này nữa:
        Đói ăn rau, đau uống thuốc
        Rau trồng bằng cuốc
        Thuốc mua bằng tiền
        Không tiền mua thuốc
        Sẵn cuốc trồng rau
        Thuốc đắng hơn rau
        Rau ngon hơn thuốc
        Hô cuốc.
        Đúng là văn nghệ kháng chiến. Vừa bình dân vừa hay. Tới đây Nguyễn Bình nghiêm giọng lại:
        - Vậy mà có người báo cáo là các ông trí thức ăn khoai hoài chịu không nổi, tính nhảy về thành.
        Phạm Thiều cau mày:
        - Ai báo cáo vậy? Nói láo? Xin thưa với khu trưởng, Phạm Thiều này là ông đồ xứ Nghệ mấy đời thù Tây. Tôi đang là giáo sư trường lớn nhất nhì Sài Gòn, có cuộc sống ổn định, có địa vị xã hội. Vậy mà bỏ hết tất cả để đi kháng chiến. Ra bưng, lên rừng, làm đủ mọi việc, kể cả làm liên lạc của đội quân Nam Tiến của đồng chí Nam Long...
        Nguyễn Bình đưa hai tay ra vẫy vẫy:
        - Giáo sư chớ nóng? Đó là báo cáo láo, tôi có tin đâu? Tôi rất tin anh em trí thức trong Nam, nhất là anh em trí thức theo kháng chiến. Họ quen sống trong nhung lụa, nhà cao cửa rộng, bồi bếp đầy đủ, vậy mà bỏ hết để ăn bờ ngủ bụi... Hôm nay tôi mời giáo sư để hỏi thăm sức khỏe và công việc. Chỉ có thế thôi. Lúc này giáo sư đang làm gì?
        - Chưa có công tác cụ thể nào...
        - Giáo sư có viết báo được không?
        - Được chứ!
        Nguyễn Bình gật gù:
        - Tôi muốn Khu mình có một tờ báo. Giao cho giáo sư có được không?
        Họ Phạm cười:
        - Viết bài thì dễ thôi, nhưng giấy đâu mực đâu? Và nhất là máy in. Đâu phải chuyện dễ!
        Nguyễn Bình xua tay:
        - Miễn là giáo sư nhận lãnh chức chủ bút. Còn máy in, mực in, giấy má để tôi lo.
        - Khu trưởng định đặt tên gì cho tờ báo?
        - Vệ Quốc. Được không?
        - Được. Báo Vệ quốc, Cơ quan ngôn luận của Vệ Quốc Đoàn Chiến Khu 7.
        - Vậy thì ngay từ hôm nay, giáo sư chuẩn bị bài vở cho số ra mắt.
        Một tuần sau, bài vở lo xong thì máy in, giấy mực đã về tới Lạc An. Đây là thành tích của mấy Ban công tác Thành với sự giúp đỡ của các chủ nhà in và mấy anh em ấn công yêu nước trong thành.
        Số ra mắt của tờ Vệ Quốc có bài thơ vui của giáo sư Phạm Thiều:
        Thuở giặc Pháp gây cơn gió bụi
        Bọn Việt gian nhiều nỗi truân chuyên,
        Xanh kia thăm thẳm từng trên
        Thực dân liều mạng mới nên nỗi này
        Súng Sài thành lung bóng nguyệt
        Khói Tân Uyên mờ mịt thức mây
        Chín lần lựu đạn trao tay
        Toàn dân nổi dậy định ngày lật Thinh.
        Bài thơ này phỏng theo Chính Phụ Ngâm nhưng khác xa bài Quốc ca Nam Kỳ tự trị của tên giáo sư Võ Văn Lúa. Tên này thay vì đi dạy Pháp văn trường Chasseloup lại tình nguyện làm thông dịch viên cho phái đoàn thương thuyết Pháp ở Đà Lạt. Không biết do con gì chích mà hắn nhảy ra làm bài quốc ca bù nhìn bắt đầu bằng câu “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi“.
        Trở lại tờ báo Vệ Quốc. Trên manchette có hai câu đối cũng do họ Phạm làm:
        Vệ Quốc tinh thần cao vạn trượng
        Chí Linh đại đức chiếu ngàn năm.
        Tờ Vệ Quốc ra đời như thế đó. Bối cảnh lịch sử là Lạc An trong những ngày đen tối, giống như nghĩa quân Lam Sơn bị quân Minh bao vây trên núi. Ăn củ mì thay cơm mà văn thơ vẫn hừng hực khí thế của kẻ nắm chắc cái thắng trong ta. Ông chủ nhiệm báo Vệ Quốc sau đó tâm tình với anh em biên tập: Không có một tư lệnh biết trọng trí thức như khu trưởng Nguyễn Bình, chưa chắc đâu có Vệ Quốc.

 

<< Chương 29 | Chương 31 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 909

Return to top