Trong Chi đội 13 của Tổng công đoàn của anh Đặng Văn Thìn (Mười Thìn) đóng ở Gò Vấp, anh em binh sĩ có đến hai trăm người, phần đông là công nhân các hãng lớn như Ba Son, Caric, Faci... Chi đội có nhiều phân đội mà nổi bật là phân đội 10 do Hoàng Thọ chỉ huy. Hoàng Thọ là một thanh niên đẹp trai, to cao, râu quai nón rất oai. Họ Hoàng là dân Hải Phòng lưu lạc vô Nam rất sớm. Anh làm đủ thứ nghề để sống, hớt tóc, làm nón, mạch lô, thợ quấn dây điện v.v... Vốn tánh ngang tàng nên không làm ở đâu lâu. Như làm mạch-lô cho hãng xáng ở Mỹ Tho, Hoàng Thọ đã đạp thằng Tây chủ hãng xuống sông khi nó bạt tai anh. Bỏ Mỹ Tho anh lên Sài Gòn làm thợ quấn dây điện, Tây gọi là bobineur tại Hãng Gaz - Auto kế bên hãng Faci, Khánh Hội. Tại đây Hoàng Thọ kết bạn với anh thợ hàn gió khí đá Đỗ Văn Lai.
Họ Hoàng vô Hướng đạo cho tới khi Nhật qua Đông Dương, anh học tiếng Nhật làm cho Radio Domei.
Chừng Nhật mở trường đào tạo cán bộ quân sự, Hoàng Thọ ghi tên học, mãn khoá được đưa qua ngành Hải quân. Tháng 8-1945, Việt Minh cướp chánh quyền, Hoàng Thọ như cá gặp nước, gia nhập Chi đội 13. Đã được đào tạo thành thanh niên xốc vác trong thời gian theo Hướng đạo, lại được huấn luyện quân sự trong khoá vỡ lòng của quân đội Nhật, Hoàng Thọ là một chỉ huy năng nổ trong chi đội.
Khi Tây nống ra tiến chiếm ngoại thành Sài Gòn, các chi đội lần lượt rút lên miền Đông, cánh lên Thủ Đầu Một, cánh lên Biên Hoà. Ngày 12-10-1945, chi đội 13 rút lên miền Đông cùng với Uỷ ban kháng chiến miền Đông của nhóm Lương Văn Tương. Tại Tân Uyên, Chi đội cùng các đơn vị bạn đã chặn đánh toán quân Pontchardier núp bóng quân Anh tiến chiếm miền Đông Nam Bộ. Trận Tân Uyên rất ác liệt. Tây có các đơn vị nhảy dù SAS và thuỷ quân lục chiến (Fusiniers marins) quyết tâm chiếm Tân Uyên sau khi chiếm Biên Hoà. Các lực lượng cố thủ Tân Uyên đào công sự và áp dụng tiêu thổ kháng chiến, dân chúng tự tay đốt nhà mình để thi hành chủ trương “vườn không nhà trống” không cho địch có chỗ đóng quân. Nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân Pháp chiếm được Tân Uyên ngày 25-1-1946.
Chi đội 13 quay về Gò Vấp, lấy nơi đây làm bàn đạp tấn công Sài Gòn, nhân lúc địch tung chủ lực đánh chiếm các tỉnh, chỉ để lại đây một vài đơn vị nhỏ.
Gò Vấp với An Phú Đông là chiến khu nổi tiếng sát nách Sài Gòn. Tại Mặt trận tiền tuyến miền Đông này có nhiều đơn vị ngoài Chi đội 13, như Chi đội 6 với các nhóm Đào Sơn Tây, Hứa Văn Yên, Trần Thắng Minh, Chi đội 12, v. v... Trong các nhóm trên có bộ đội của anh Nguyễn Đình Thâu. Chi đội 13 có nhiều phụ nữ đẹp ở thành đầu quân. Đẹp nhất đơn vị là cô Thanh cũng gọi là Tuyết. Cô là nhân viên bán hàng tiệm giầy da Trần Văn Mỹ, đường Đết pan (Lê Thánh Tôn). Hoàng Thọ đã quen với cô khi còn là thợ quấn mô tơ hãng Gaz-Auto. Để có một đôi giày da loại thể thao, anh la cà hết dãy phố bán giày đường Đết pan. Và tới tiệm Trần Văn Mỹ anh huynh trưởng Hướng đạo bị sét đánh. Cô bán hàng giày quá xinh đã khiến chàng trai đa tình lui tới mãi... Đi kháng chiến họ gặp lại trong chi đội 13. Vậy là họ trở thành “cố nhân”. Trong phân đội 10 ai cũng biết và tán thành mối tình giữa đôi bạn trai tài gái sắc quê Hải Phòng này.
Tha hương ngộ cố tri, còn gì sung sướng hơn. Chẳng những là cố tri mà còn là đồng hương, đồng chí, đồng đội nữa.
Bộ chỉ huy, khu 7 cần được bảo vệ, phải có một đơn vị làm nhiệm vụ này. Khu trưởng Nguyễn Bình chọn Phân đội 10 của Hoàng Thọ. Trước nhất vì phân đội 10 đánh giặc khá hơn các phân đội khác. Khi chiến trường trở nên ác liệt, anh Ba quyết định nâng Phân đội 10 thành đại đội. Ngày 5-10-1946 anh Ba ký quyết định cho Hoàng Thọ lấy thêm binh sĩ trong Chi đội 13 lập đại đội lưu động Tây Ninh, nghi trang dưới cái tên Đại đội 52, hoặc Chi đội 57. Nhưng tên phổ biến nhất là bộ đội Hoàng Thọ. Vùng hoạt động của bộ đội Hoàng Thọ là Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng.
Mặt mạnh của Hoàng Thọ là đánh giặc gan lì. Ngay loạt kèn xung trận, họ Hoàng đã lao tới trước, lia tôm-xông vào bọn lính Pháp đang hoang mang vì địa lôi đã khoá đầu khoá đít đoàn xe của chúng.
Hoàng Thọ trở thành một hung thần của bọn lê-dương là binh chủng sừng sỏ nhất của đoàn quân viễn chinh Pháp.
Nguyễn Bình không chỉ xem phân đội 10 là đơn vị bảo vệ bộ chỉ huy Khu mà còn xem là đơn vị bảo vệ cá nhân Nguyễn Bình. Tất nhiên chỉ huy trưởng Hoàng Thọ được đặc biệt đối xử. Từ lâu Hoàng Thọ xem Nguyễn Bình là người đáng cho mình tôn thờ, nay lại được anh Ba xem như em út, họ Hoàng mừng rỡ vô cùng. Ngoài công cứu nguy, Hoàng Thọ được anh Ba sủng ái là nhờ tánh tình có vài điểm hợp nhau, như tánh khí hiên ngang, dám nghĩ dám làm, không để “bó rọ” trong nguyên tấc. Hai thầy trò gặp nhau ở quan niệm “ngựa chứng là ngựa hay”, chỉ lấy hiệu năng mà đánh giá cán bộ, chứ không căn cứ vào tác phong gương mẫu.