Ấp An Điền nằm trong làng Bình Quới quận Thủ Đức cách Sài Gòn có ba ngàn thước, nhờ tinh thần đánh Tây mà nổi tiếng như cồn. Đặc điểm của ấp này là dân đa số sống nghề đánh xe thổ mộ tuyến đường Thủ Đức - Sài Gòn và Thủ Đức- Giồng Ông Tố.
Đất nghèo nhưng thuộc địa linh nhơn kiệt, ấp An Điền cũng sản sanh một sinh viên ra Hà Nội học. Đó là anh Trần Văn Quới - dân trong vùng gọi thân mật là Bảy Quới - sanh năm 1916 ở xã Bình Quới. Có lẽ cha mẹ lấy tên đất đặt tên người cho đậm đà tình quê hương. Bảy Quới theo ngành quật, mới học có một vài năm thì Tây trở lại tái chiếm thuộc địa. Bảy Quới xếp bút nghiên lập bộ đội đánh Tây. Phất cờ tại ấp nhà nên bộ đội Bảy Quới lấy tên là bộ đội An Điền. Nhiều người tưởng An Điền là một xã trong quận Bến Cát, nhưng An Điền đây chỉ là một ấp nhỏ mà thôi.
Bảy Quới đang cần một người có khả năng để chia bớt gánh nặng thì có bạn cũ là Nguyễn Văn Hoài từng bôn ba ở Thái Lan về. Hoài đi lính Pháp, lên tới adjudant (ông ách) vốn là người xã Linh Đông, ngay thị trấn Thủ Đức, chỉ cách Bình Quới có ba ngàn thước. Lập tức Quới kéo Hoài về Bình Quới với mình.
Không bao lâu lại có thêm một chiến hữu nữa. Đó là Chấn, nguyên là “recevetư”(1) trên bến bắc Mỹ Thuận. Quới phân công Chấn tiếp tế bộ đội còn Hoài và anh lo về mặt chỉ huy tác chiến. Hoài là cựu quân nhân nên giữ chức chỉ huy còn Quới làm chánh trị viên.
Lúc đầu bộ đội An Điền chỉ có hai trung đội. Đa số là “xà ích” (đánh xe thổ mộ) và công nhân cao su. Nổi bật nhất có hai tay anh chị Năm Xê, Năm Ký. Khí thế bộ đội An Điền rất cao nhờ chiến công sốt dẻo: chụp đồn Thủ Đức trước ngày Sài Gòn cướp chánh quyền ngày 25-8-1945. Lập đầu công là do anh em đánh xe ngựa hàng ngày chạy qua chạy lại trước bót, biết rõ giờ giấc sinh hoạt trong đồn. Ta thừa lúc bất ngờ bắt sống tên Tây xếp bót, tịch thu súng. Thừa thắng xông lên, hôm sau ta họp mít-tinh tại chợ cá Thủ Đức. Anh Chấn là diễn giả kêu gọi đồng bào ủng hộ cuộc kháng chiến. Trong dịp này ta vây bắt tên cai tổng Định, nhưng lão nhanh chân chạy thoát.
Hai ngày sau, hai anh Bảy Trấn (Nguyễn Văn Trấn) và Huỳnh Tấn Phát về Thủ Đức phổ biến đường lối chánh sách Việt Minh. Cờ vàng sao đỏ của Thanh niên tiền phong biến thành cờ đỏ sao vàng của Việt Minh.
Kỷ niệm nhớ đời là trong cuộc biểu tình vĩ đại ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn, bộ đội An Điền đã lập thành tích: anh Hoài đã bắt một thằng Tây núp trong hãng Jean Comte bắn lén đoàn biểu tình nạp cho chủ tịch Lâm uỷ Hành Chánh Nam Bộ Trần Văn Giàu. Tới chiều tối anh em bộ đội An Điền mới về tới nhà.
Trước đó có tin bộ đội An Điền bị Tây bắn chết hết. Chừng các anh về, cha mẹ các anh vui mừng tới chảy nước mắt. Ngày bộ đội An Điền chánh thức ra mắt đồng bào là ngày 13-9-1945. Trận đầu tiên là trận ngã ba bến đò Bình Quới vào ba giờ chiều. Ta phục kích đánh ba xe GMC chở Chà Chớp. Đánh rất có bài bản: chặt mấy cấy dừa ngay cua(2) để buộc xe địch chạy chậm lại. Ta giết 15 địch, bên ta hy sinh ba chiến sỹ trong đó có con chị Năm Cò. Đó là ngày 20-9-1945. Ta đưa xác về trường Linh Đông làm lễ truy điệu rồi mai táng tại Gò Cầy.
Sau đó có tin một tên quan tư từ Đà Lạt về, có bốn xe lính hộ tống. Ta liền phục kích trên nóc nhà lồng chợ Thủ Đức. Đoàn xe chạy tới, ta nổ súng, tên quan tư bị thương. Bốn xe hộ tống dừng lại nổ súng như mưa. Ta chết ba, rút khỏi vòng vây an toàn bằng cách giả dạng thường dân.
Trận thứ ba nhằm mùng ba Tết. Ta đánh Chợ Nhỏ (Thủ Đức). Nắm quy luật Tây chở súng hàng tuần vào sáng thứ hai từ Thủ Đức tới Chợ Nhỏ, ta nổ hai loạt súng, địch bỏ chạy, ta cướp bốn súng đại liên, với thùng đạn 50 viên, 30 Mút Anh, 10 tôm-xông đem về Tăng Nhơn Phú. Chiến thắng này do anh Tư Mọi lập đầu công với cách đánh cực kỳ gan dạ. Anh giả là hương chức hội tề, mặc áo dài the, khăn đóng, cặp tôm-xông như xách dù, chờ xe Tây tới gần mới nổ cả hai băng. Một giờ trưa Tây trở lại tấn công ba mũi Dĩ An, Chợ Nhỏ, Thủ Đức. Ta chống cự tới bốn giờ, diệt thêm ba mươi tên nhưng anh Tứ Mọi tử thương. Sau trận này ta rút về Long Phước Thôn dưỡng quân.
Năm ngày sau Bảy Quới nhận được thư Nguyễn Bình “hoan hô các anh đánh trận Mít Nài và tặng một số tiền để khao quân”. Đó là bức thư đầu tiên bộ đội An Điền nhận được của khu trưởng Nguyễn Bình. Ai nấy đều phấn khởi, chỉ có một mình Bùi Hữu Phiệt thắc mắc. Hắn la lớn: “ Nguyễn Bình là thằng nào? Nó muốn tước vũ khí mình à?”. Mặc kệ hắn, anh em bộ đội An Điền phấn khởi, bất liên lạc với Nguyễn Bình. Đó là ngày mùng 4 Tết.
Nhưng hãy nói về tên Bùi Hữu Phiệt.
Sau trận đánh ở Ngã ba Bình Quới, bộ đội An Điền đóng trong nhà mát của thanh tra học chính Taboulet. Có một toán mười người miền Bắc tới xin gia nhập bộ đội An Điền. Chỉ huy là Btù Hữu Phiệt, tự xưng là chánh trị phạm từ Côn Đảo về. Quới và Hoài vui lòng nhận họ và phân công họ Bùi lo việc văn phòng. Nhưng qua hai trận đánh tiếp theo thì anh em thấy nhóm người Bắc mới đầu quân này không có tinh thần chiến đấu, lại tỏ ý “lánh nặng tìm nhẹ”. Hai anh Năm Xệ và Năm Ký vốn tánh lỗ mãn đòi “giết mấy thằng Bắc Kỳ này cho rảnh”. Nhưng hai anh Quới và Hoài khuyên anh em chớ nóng...
Về Long Phước Thôn, ta bị Tây tấn công ác liệt. Rồi lại đụng một trận chống càn tại Dốc 1947 gần Long Thành, nhóm Bùi Hữu Phiệt chạy dài. Anh em đánh xe thổ mộ gọi họ là “cá sọc dưa”; hay là “gà chạy rót”. Đã không có gan đánh đấm, Bùi Hữu Phiệt lại ngấm ngầm tuyên truyền trong số anh em công nhân cao su người Bắc chống Nguyễn Bình. Một số anh em này nghe Bùi Hữu Phiệt. Nhưng anh em đánh xe thổ mộ nhất định không thèm nghe “thằng Phiệt ọ ẹ”.
Phiệt rất mê cầu cơ. Đêm nào cũng xúm xít cầu cơ rồi bàn bạc về Thánh ngôn. Hắn giao du với Nguyễn Thành Long là tay dựa hơi Cao Đài, tìm cách liên lạc với nhóm Năm Hà đóng ở Phước An, Long Thành.
Lúc Tây đánh mạnh, hắn cứ một hai đòi rút đi, tìm nơi an toàn mà đóng quân. Không được tín hiệu gì về Liên Chi 2-3 của Năm Hà, Bùi Hữu Phiệt quay sang Mười Trí. Hắn đề nghị với hai anh Quới và Hoài:
- Nếu anh Bảy và anh Tám đồng ý, ta bắt liên lạc ngay với Chi đội 4 của anh Mười Trí.
Tháng 5-1946, bộ đội An Điền lên ấp 4 Vĩnh Lộc. Bị Chi đội 12 của Tô Ký theo dõi, Bùi Hữu Phiệt than với Quới và Hoài: “Tụi nó muốn giết tôi”. Quới cười bảo “Anh làm gì sai trái mà người ta giết?”. Anh Quới cương quyết tới ấp 4 Vĩnh Lộc đóng quân. Chi đội 12 chận lại tại Bà Quẹo, nhưng Quới tranh thủ Mười Trí để tiến về ấp 4. Mười Trí đồng ý và đưa quân lên ấp 8 đóng yểm trợ. Sáng hôm sau Tây vô, bộ đội An Điền rút xuống bưng. Chưa quen địa hình, anh em hoàn toàn bị động. Trận này bộ đội An Điền bị thiệt hại nặng: chết gần 70 đội viên. Thế là bộ đội An Điền với khoảng 300 kể như tan rã. Chuyện đáng đánh dấu hỏi là cả văn phòng của Bùi Hữu Phiệt biến mất. Tây rút đồng bào trong vùng giúp bộ đội tìm xác và mai táng anh em tử trận. Ngày ấy, về sau là ngày giỗ hội trong vùng Vĩnh Lộc. Không nhớ rõ ngày, chỉ biết là vào cuối tháng 5-1946. Trong số tử vong có một lính Nhật theo ta. Anh này tên Nô và là xạ thủ đại liên.
Hoạ vô đơn chí, sau trận này, Tám Hoài về Thủ Đức thăm nhà cha và vợ, tới cầu Bến Phân thì bị bắn chết. Về sau Quới mới biết Bùi Hữu Phiệt và Nguyễn Thành Long âm mưu thủ tiêu hai anh Hoài và Quới để cướp bộ đội An Điền, liên kết với bộ đội Cao Đài của Nguyễn Thành Long.
Sau biến cố ấp 4 Vĩnh Lộc, Bùi Hữu Phiệt và Nguyễn Thành Long tham gia Mặt trận Liên hiệp Quốc gia chống Việt Minh. Bảy Quới tự phê bình nghiêm khắc đã “nuôi ong tay áo”, chứa chấp tên phản động Bùi Hữu Phiệt. Anh thấy các tay giang hồ Năm Xệ và Năm Ký đòi giết Phiệt là có lý.
Phiệt và Long đưa bộ đội An Điền còn sống sót về tá túc với Chi đội 4 của Mười Trí. Vốn tánh mạnh thường quân, Mười Trí sẵn sàng giúp đỡ những người nhờ mình, vô tình phạm phải khuyết điểm của Bảy Quới là “nuôi ong tay áo”.
Tháng 10-1946, Bảy Quai bị cảm thương hàn sau trận Rau Râm. Anh được chở về Bình Hoà điều trị, khi mạnh rồi nhận quyết định của Nguyễn Bình, lập Chi đội 25 với bộ đội Sài Gòn - Chợ Lớn của Tư Tỵ và hai trung đội Cao Đài của Nguyễn Thành Long.
Cũng nói qua về Tự Tỵ. Đây là tay giang hổ xuất thân từ Cầu Bót ở Bình Đông. Mặt chữ điền, miệng giống mỏ chim sẻ, lực lượng chi có một tiểu đội nhường lại được đưa lên làm chỉ huy trưởng, còn Bảy Quới chỉ làm phó. Chánh trị viên là anh Nguyễn Văn Tốt, công nhân Ba Son.
Chi đội 25 là thối thân của bộ đội An Điền mà linh hồn là Bảy Quới. Sau khi thành lập, Chi đội kéo về Giồng Dinh để huấn luyện. Tại đây Chi đội có tham mưu trưởng là Bảy Cao vốn là thủ lãnh Thanh niên ái quốc Đoàn cùng với Nguyễn Văn Tư. Vừa củng cố đội nghũ xong, Chi đội 25 được thử lửa ngay.
Ngày 20-3-1947 Tây nhảy dù xuống Giồng Dinh. Đây là trận nhảy dù đầu tiên trên Đồng Tháp Mười. Lúc đó Chi đội 25 đóng ở Giồng Nhỏ, cách Giồng Dinh năm cây số Tư Tỵ được mời đi đón bộ đội Hải Ngoại ngày 19-3. Sáng sớm hôm sau Tây nhảy dù trắng đồng. Phía Bình Hoà có tàu lồng cu lên khoá mặt sông.
Tham mưu trưởng quận khu 7 Tạ Nhứt Tứ ra lịnh Chi đội 25 đánh giải vây Chi đội 6 của Hai Dung đang mở đường máu. Bộ tham mưu bàn kế hoạch, xạ thủ Nhật góp ý: hành quân trên đồng trống, máy bay bắn chết. Nên bám trụ chiến đấu. Thế nào chiều bọn Tây cũng rút qua ba xóm giữa đồng. Ta liền phục kích ở Giồng Dinh, Giồng Nhỏ và Hiệp Hoà.
Một giờ trưa, Tây từ Giồng Dinh kéo qua Hiệp Hoà. Chúng đụng bộ đội Hải ngoại, liên quân với Chi đội 25. Pháo dưới tàu lồng cu giã ác liệt dọn đường cho bộ binh rút. Ta mằm êm nhìn xe lội nước băng đồng. Lúc đó là mùa khô, từ xa thấy xe lội nước “nhảy cà còng” lên lau sậy, đựng năn, như bầy trâu động cỡn. Đến hai giờ ba mươi, ba xe lội nước đi đầu tới gần nơi ta phục kích. Nguyễn Bình và Tạ Nhứt Tứ leo lên ngọn cây quan sát. Lần đầu tiên ta dùng súng Piat của Hải ngoại đem về từ Thái Lan. Ngay những phát đầu, ba chiếc xe lội nước đã cháy tức khắc. Piat là chữ tắt của Protectile anti-tank - tức súng chống tăng. Loại đạn này có sức nóng chảy thép, đã đánh tan binh chủng thiết giáp cực kỳ lợi hại của tướng Đức Rommel, tư lệnh quân đoàn Afrika Korps ở Châu Phi. Địch hoảng kinh co cụm lại, cho pháo dưới tàu giã vào nơi ta phục kích, nhưng ta vẫn nằm im trong công sự. Chúng phản công ba lần đều thất bại. Anh xạ thủ đại liên Nhật bắn phát một hay từng loạt thật chính xác khiến bọn Dù thiện chiến cũng phải nằm lại Giồng Dinh. Còn bọn đầm cứu thương thì chạy bò càng tốc bùng-rền trông thật buồn cười. Đến sáu giờ chiều ta rút lên kinh Lý Văn Mạnh. Vừa tắm rửa xong thì được thư khen của Khu trưởng Nguyễn Bình kèm theo 10.000 và một cặp heo để khao binh sĩ Chi đội 25 đã chống trận càn một trận tuyệt vời. Bộ đội Hải ngoại cũng được khu trưởng khen thưởng như vậy. Cuộc đời binh nghiệp Bảy Quới không suôn sẻ. Tư Tỵ tìm mọi cách để đưa tay trí thức này ra khỏi Chi đội 25 để độc chiếm Chi đội 25 mặc dầu thực lực ban đầu của hắn chỉ có một tiểu đội. Một hôm Trưởng phòng quân Pháp khu 7 Lê Đình Chi mời Bảy Quới qua nhà ăn cơm. Trong bữa ăn, ông Chi cho biết Tư Tỵ gởi đơn tố cáo Bảy Quới theo Cao Đài. Biết Bảy Quới là sinh viên Luật Hà Nội, ông Chi nói tiếp:
- Trong nội bộ chú lộn xộn, nó định làm hại chú. Chú ở đây với tôi.
Vậy là Bảy Quới bị giữ tại Phòng Quân pháp. Đồng thời bộ đội An Điền bị đưa hết vô Hội đồng Sầm, nơi giam giữ tội nhân cũng như những người bị tình nghi. Năm Xê chịu không nổi nạn bị bắt một cách vô cớ, đánh cắp một chiếc ghe chạy trốn, không may bị bắt và bị giết.
Bảy Quới bị “kẹt” tại Phòng Quân pháp trên một năm, từ tháng 7-1947 tới tháng 8-1948. Trong cái rủi có cái may. Lê Đình Chi cùng học Luật ở Hà Nội với Quới và Dương Minh Châu. Hồi ấy Châu và Quới cùng ở chung một gác trọ. Nhờ vậy mà ông Chi đối xử với Quới rất đẹp, coi như bạn chứ không như kẻ bị quản thúc. Trong một năm này, Quới đọc lại bộ Luật “Code pénal modfié” (luật hình sự sửa đổi).
Vài tháng sau Nguyễn Bình hỏi ông Chi: “Anh Quới có vấn đề gì không?”. Ông Chi đáp:”Quới chỉ mê đánh giặc. Mấy tháng nay ở với tôi, ngày đêm nghiền ngẫm sách Luật với anh Tiến, chánh trị viên Chi đội 16”. Nguyễn Bình gật: “Vậy Phòng Quân pháp sẽ có thêm lai cán bộ có khả năng tăng cường, tiếp tay với anh”. Ông Chi cười nói: “Đọc sách luật chỉ là “để giết thời giờ”. Theo tôi biết thì Quới chỉ mong được cho tiếp tục đánh giặc”.
Nhờ ông Chi mà sau vài tháng bị quản chế, bộ đội An Điền được thả ra. Trong khi Bảy Quới còn kẹt ở phòng quân pháp, Nguyễn Bình chỉ định Thiết Sơn thay Quới chỉ huy chi đội 25 với cương vị chính trị viên...
Chú thích:
(1) Receveur: Công chức trung cấp ngành giao thông công chánh thời Pháp.
(2) cua: khúc quanh