Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 123245 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật
Nguyên Hùng

Chương 13

 

        Tại Bưng Cầu, Nguyễn Bình gặp Cò Trương. Trương là một thanh niên hai mươi lăm tuổi, tên thật là Huỳnh Kim Trương, quê làng Kim Sơn, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Địa danh Kim Sơn nổi tiếng với trận thuỷ chiến Rạch Gầm, nơi Nguyễn Huệ đánh tan năm vạn quân Xiêm đánh thuê cho Gia Long. Ông thân của Trương là Huỳnh Kim Lâu, cơ sở mật của đồng chí Ngô Gia Tự. Do truyền thống cách mạng mà Trương sớm có ý thức chính trị. Đậu đíp-lôm với số điểm cao nhất tại trung tâm Mỹ Tho, Trương được học bổng lên học ban tú tài tại trường Pétrus Ký. Đậu tú tài, định ra Hà Nội học kiến trúc nhưng gia đình không đủ tiền, đành đi làm thư ký kiếm sống. Trương làm việc tại phòng quản thủ điền thổ Thủ Đầu Một mà trưởng phòng là ông Nguyễn Minh Chương, một trí thức có tinh thần quốc gia tiến bộ. Trương rất tích cực trong phong trào truyền bá quốc ngữ dưới sự lãnh đạo của các thầy cũ như Giáo sư Phạm Thiều, Nguyên Văn Chì, Lê Văn Chí, Đặng Minh Trứ, Hồ Văn Lái... Anh đi dạy thêm tại hai trường tư Thanh Trước và Tân Ánh Mai. Do hoạt động tích cực mà anh được cử đại diện sinh viên trong Nam, tuy chưa ra Hà Nội học ngày nào. Trong cương vị này, Trương giao du mật thiết với các trí thức như kỹ sư Trương Công Phòng, trưởng ngành canh nông Bến Cát, Nguyễn Khắc Cần, Phan Văn Phổ, Nguyễn Văn Liệp...
        Ngày Nhật đảo chinh Pháp, chúng cướp trụ sở Hội truyền bá quốc ngữ Thủ Đầu Một. Anh em rời vô xóm Mươn, tá túc trong chùa thầy Mười Trận. Ông thày chùa này đặc biệt ở chỗ đã từng hành hương qua xứ Phật là Ấn độ, nhưng có tinh thần chống thực dân triệt để.
        Lúc Việt Minh ra công khai ở Thủ Đầu Một vào tháng 5-1945, Trần Quốc Quân làm thủ lãnh Thanh niên tiền phong tỉnh. Ông Trần Văn Giàu giới thiệu Trương nắm lực lượng Thanh niên tiền phong. Lúc đó trong tỉnh còn có hai người hoạt động hăng hái trong giới thanh niên, đó là sinh viên Trịnh Kim Ảnh và Kiều Đắc Thắng. Trịnh Kim Ảnh quê Lái Thiêu, từng tham gia tích cực trong đoàn SÉT (Section d’ Excursion ét de Tourisme) - một tổ chức tập hợp thanh niên học sinh các trường mà nòng cốt là trường Pétrus Ký. Còn Kiều Đắc Thắng là một công nhân gốc miền Trung vào Sài Gòn hoạt động trước 1945. Họ Kiều có nhiều hành động quân phiệt nên Trần Văn Giàu giao Trương “kèm” Thắng. Lúc cướp chánh quyền tỉnh Thủ có ba đại đội dân quân, do bộ đội cảnh sát Cộng hoà vệ binh do Ách Lân ( Lê Văn Lân là adjudant trong quân đội Pháp) chỉ huy, thứ hai là bộ đội Dân quân Cách mạng ( cũng gọi là bộ đội xung phong Đề Thám) và thứ ba là bộ đội công chức đa số là thầy giáo do Quách Văn Trở chỉ huy. Khi cướp chánh quyền, bộ đội Cộng hoà vệ binh đóng gần khám, bộ đội Đề Thám đóng trên dốc Toà Tập tụng, bộ đội Công chức đóng ở Bưng Cải.
        Cũng trong lúc này, các anh Trương Văn Giàu chỉ huy trưởng Cộng hoà vệ binh Nam Bộ kiêm tư lệnh Bảo An Đoàn cùng hai phụ tá là hai adjudant Nguyễn Văn Quan và Nguyễn Văn Hoặc được quân Nhật giao trọng trách quản lý sở cao su Lộc Ninh là nơi chúng quản thúc toàn quyền Decoux, thống đốc Nam Kỳ Hoeffel, tướng Delsuc, tổng tư lệnh quân đội Đông Dương và tỉnh trưởng Biên Hoà Larivière.
        Nhật hăm chặt đầu ba anh Giàu, Quản và Hoặc nếu để mất bốn tên nguy hiểm này. Một đặc điểm của thời kỳ 1945: các tay quân nhân trong cơ lính Brigade Mobile (Lữ đoàn cơ động) và Garde Civile Locale (Bảo An Đoàn) lên tới cấp cao là công ách (adjudant) đều chạy theo cách mạng. Đứng đầu là Trương Văn Giàu, Nguyễn Văn Quan, Nguyễn Văn Hoặc, ách Theo (sau lấy tên là Nguyễn Sơn Xuyên), ách Lê Văn Lân, ách Năm Râu tức Nguyễn Hữu Nam. Cao cấp hơn có ông Một Thời, Trịnh Văn Thời là thân sinh anh Trịnh Kim Ảnh cũng theo cách mạng. Cũng như ông Một Khôi là thân phụ anh Bùi Khánh Ngươn (sau này lên cấp tướng). Treo chỉ thị của Trần Văn Giàu, các anh Trương, Lân, Quan, Hoặc, Nguyễn Văn Thi, Hồ Văn Nâu, Vạn Công Khai cướp chánh quyền tỉnh Thủ Đầu Một. Trừ Hồ Văn Nâu là dân Tân An lên, tất cả đều là người hoạt động ở tỉnh Thủ. Khí thế tỉnh trái cây trong những ngày tháng tám vô cùng sôi nổi. Trong cuộc biểu tình lớn ở Sài Gòn ngày 25-8 thanh niên Thủ Đầu Một đều kéo xuống tham gia.
        Chánh quyền đã về tay ta, Trần Văn Giàu điện phong bác sĩ Trần Công Vị làm chủ tịch tỉnh, phó là Văn Công Khai và Nguyễn Minh Chương. Huỳnh Kim Trương nắm Cảnh sát và Cộng hoà vệ binh, từ đó có cái tên Cò Trương.
        Đến khi quân Anh-Ấn của tướng Gracey từ Rangoun bay qua Sài Gòn giải giới quân Nhật, tình hình Nam Bộ bắt đầu gay cấn. Tướng Gracey công khai yểm trợ bọn thực dán Pháp trước đây bị Nhật bắt giam trong thành Ong-dèm (II ème RIC tức Trưởng đoàn 11 Bộ Binh thuộc địa). Chúng mở cửa thành này và Khám Lớn thả một số sĩ quan đầu não ra chuẩn bị thời cơ chiếm lại thuộc địa Nam Kỳ. Tất nhiên chúng cũng nghĩ tới bốn tay đầu sỏ đang bị quản thúc ở Lộc Ninh. Gracey hạ lịnh cho tổng tư lệnh Thái Bình Dương Nhật là thống chế Tra-Chi phải giải thoát toàn quyền Decoux, tướng Delsuc, thống đốc Hoeffel và tên Larivière đang nằm trong tay Việt Minh. Nếu không hoàn thành sứ mạng thì coi chừng đầu rơi xuống đất. Lúc đó ta phong toả kinh tế, bãi thị, cấm tiếp tế quân Nhật đóng trong tỉnh Thủ. Với sáng kiến của Cò Trương, ta tiến hành chủ trương trao đổi hai chiều: một trái dưa leo đổi một trái lựu đạn. Bọn Nhật chịu ngay. Chúng đang đói rau quả còn súng đạn có nghĩa gì một khi Thiên Hoàng đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Một mặt đổi hàng bông lấy lựu đạn, một mặt chặn đường giật súng. Kiện tướng trong nhóm giật súng là anh Tư Ốm. Kỹ thuật của anh là ném bột ớt vô mắt lính Nhật rồi nhảy tới chụp súng. Bị mất vũ khí kiểu đó nhiều lần, Nhật khoá súng vào cườm tay lính. Muốn cướp súng phải chặt tay mới lấy được. Dù địch lo xa vậy, du kích Thủ cũng giật được súng bằng cách không chặt tay mà chặt đứt cườm tay bọn Nhật.
        Trở lại chuyện Nhật giải thoát bốn tay đầu sỏ Pháp bị giam lỏng ở Lộc Ninh. Trước nhất, phải bắt Cò Trương để vô hiệu hoá các bộ đội có nhiệm vụ canh giữ nhóm Decoux. Tình báo Nhật biết Cò Trương đóng quân ở một nhà gần mé sông, nửa đêm chúng cho lính vây bắt. Tên quan ba Nhật đưa Cò Trương vô dinh tỉnh trưởng quản thúc, cho phép vợ con anh đưa mọi thứ cần thiết. Cũng trong lúc đó quân Nhật bắt cả đại đội xưng phong Đề Thám giam trong thành săn-đá mang tên Tây là caserne Vassoigne ( Dân Thủ gọi là Hầm Đá). Cò Trương liền tuyệt thực phản đối Nhật xen vô nội tình Việt Nam, đồng thời kêu gọi thả 400 binh sĩ thuộc đại đội Đề Thám. Đến ngày thứ ba, Đồng Minh lên chiếm thị xã Thủ Đầu Một. Lúc đó Nhật đã làm xong nhiệm vụ giải thoát bốn tên đầu sỏ ở Lộc Ninh nên đại tay Nhật chịu thả Cò Trương ra. Tuyệt thực đến ngày thứ ba, Cò Trương kiệt sức, anh em binh sĩ phải khiêng ra đưa về cho y sĩ Gắt chăm sóc. Để an toàn, anh xuống xuồng qua sông qua Mỹ Bình. Tại đây Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hoà giao cho Trương bốn xã An Phú, Mỹ Bình, Bình Tân, Tân Mỹ thuộc quận Hoè Môn để làm đất hoạt động. Từ nơi đóng quân, Cò Trương cho lính bắn qua Chợ Thủ uy hiếp tinh thần bọn Pháp. Du kích có sáng kiến cắm cọc treo mũ sắt đổi bằng dưa leo trước đây. Bọn Tây tưởng bộ đội Cò Trương trang bị đầy đủ - có cả mũ sắt - nên có phần lo ngại mỗi khi hành quân nống ra ngoại vi thị xã.
        Cuối tháng 10-1945 Kiều Đắc Thắng nắm trọn quyền hành, tự xưng là chỉ huy trưởng Trung Đoàn kháng chiến miền Đông đóng quân ở Bttng Cầu. Họ Kiều xưng bá đồ vương đúng lúc Cò Trương bị Nhật bắt. Trong thời gian ngắn này, hắn đã giết nhiều người. Một trong những người chứng kiến tận mắt là anh Ngô Văn Quỹ, một sinh viên ngành y người Bắc đã tranh đấu chống tên viện trưởng Pháp có đầu óc khinh thường sinh viên Việt Nam. Bị đuổi và truy lùng, anh Quỹ chạy vô Sài Gòn. Cách mạng tháng Tám như chấp cánh cho anh, Ngô Văn Quỹ xếp bút nghiên lên đường kháng chiến. Kiều Đắc Thắng chọn anh sinh viên biết cả hai thứ tiếng Pháp và Anh làm thư ký riêng. Một hôm anh cùng Thắng đi công tác. Họp liên miên và đi nhiều nơi, người tài xế mệt mỏi tựa đầu lên tay lái ngủ ngon lành. Chừng Thắng ra xe, thấy tài xế ngủ quên, nổi quạu văng tục đồng thời rút súng nổ vào đầu anh tài xế xấu số. Chứng kiến hành động dã man này, Ngô Văn Quỹ không thích làm việc với họ Kiều nữa. Chừng Nguyễn Bình tới Thủ, Ngô Văn Quỹ tìm về đầu quân dưới trướng ông phái viên Trung ương.
        Cò Trương gặp Nguyễn Bình như cá gặp nước.
        Nguyễn Bình chỉ tự giới thiệu là phái viên Trung ương chứ không xuất trình giấy giới thiệu. Nguyễn Bình không có giấy tờ gì, nhưng Cò Trương nhắm tướng thấy rõ ràng là một tay hảo hớn, vóc dáng vạm vỡ, phong thái chững chạc, ăn nói uy nghiêm, đúng là con nhà tướng.
        Sau khi nghe Cò Trương trình bày tình hình trong tỉnh, Nguyễn Bình giao cho anh trọng trách chuẩn bị địa điểm cho cuộc hội nghị quân sự đầu tiên ở miền Đông quy tụ các chỉ huy quân sự. Cò Trương đề nghị lấy An Phú Xã làm địa điểm hội nghị lịch sử này.

<< Chương 12 | Chương 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 237

Return to top