Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 126985 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NGUYỄN BÌNH, Huyền Thoại và Sự Thật
Nguyên Hùng

Chương 29

Anh Ba ẩn náu trong Chợ Lớn thấm thoát đã hai tuần, chị Thanh ít thấy khi nào anh Ba ở lâu một chỗ như thế. Chị khéo léo nhắc chiến khu để gợi ý:
        - Thành phố vừa có bài hát “Nhớ chiến khu” nghe hay quá. Bài hát vừa mới tung ra mà thiên hạ đã hát nghêu ngao ngoài đường “chiều nay xa chiến khu trong rừng chiều, êm đềm tiếng suối reo, ngàn thông reo...”
        Anh Ba Bình gật:
        - Tôi có nghe, không rõ tác giả là ai? Còn tác giả Hồn vọng phu là nghệ sĩ lớn. Nhạc hay mà lời còn hay hơn. Tiềm tàng dưới lớp văn chương trau chuốt là tấm lòng yêu nước thương nòi... Chúng ta rất cần những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá như Lê Thương.
        Chị Thanh bật cười. Chị nhắc tới bản nhạc “Nhớ chiến khu” Đâu phải để bình thơ văn hay ca nhạc. Chị chỉ muốn gợi ý là đã đến lúc nên rời thành phố Sài Gòn. Đành phải nói thẳng ra thôi:
        - Mình ở đây đã hai tuần rồi...
        Anh Ba chợt hiểu ý:
        - Đúng ra thì nên về bưng ngay, nhưng phải nán lài vài ngày để chờ xem trận đánh quan trọng nhất.
        Tây tính đưa tên bác sĩ Trần Tấn Phát lên ghế thủ tướng chánh phủ Nam Kỳ tự trị. Chính Heo đã bố trí anh em diệt tên này.
        Mười bảy ngày sau khi Lan Mê Linh trừng trị Hiền Sĩ thì bốn chiến sĩ Ban công tác số 1 là Đường, Khẩn, Bào và Ba Mủ thi hành bản án tên Việt gian Trần Tấn Phát. Đó là ngày đáng ghi nhớ: 29-3-1946.
        Chinh Heo cấp tốc báo tin vui với anh Ba:
        - Chuyến đột nhập sào huyệt Sài Gòn của anh Ba đã được đền bù: Ban công tác số 1 dã diệt gọn thằng Trần Tấn Phát.
        Anh Ba vui mừng bắt tay anh trưởng ban công tác:
        - Đầu đuôi thế nào, kể nghe.
        - Anh em trinh sát luồn sâu vô hàng ngũ địch sau đợt hồi cư cho biết là Tây ráo riết chọn người để lập chánh phủ bù nhìn gọi là Nam Kỳ tự trị. Những người được chọn là trí thức dân Tây, giàu có lớn như bác sĩ Trần Tấn Phát, Nguyễn Văn Thinh, Lê Văn Hoạch, hay công chức cao cấp như đại tá Nguyễn Văn Xuân, toà áo đỏ Trần Văn Tỷ, đốc phủ Nguyễn Văn Tâm... Trong danh sách này, Tây đưa Trần Tấn Phát lên hàng đầu. Vừa ký sơ ước Sít Mác ( 6 tháng 3) là chúng lật lọng lập chánh phủ Nam Kỳ tự trị. Trần Tấn Phát sẽ là thủ tướng. Nhưng ta đã kịp thời ra tay trước.
        - Sau những thất bại dồn dập, các đồng chí mình đã làm nên chuyện. Xin hoan hô. Bốn đồng chí vừa lập chiến công đó là những người thế nào?
        Chính Heo hân hoan nói:
        - Hai anh Đường, Khẩn là mãi nhọn, còn hai anh Bào và Ba Mủ là hỗ trợ. Hoàng Minh Đường là dân Bắc lưu lạc giang hồ vô Nam rất sớm cũng như hai anh em mình. Người nhỏ thó nhưng là lực sĩ điền kinh và quyền Anh. Anh sở trường chạy bộ và là võ sĩ hạng lông. Có một thời đóng đô tại hẻm Chùa Chà...
        Anh Ba gật:
        - Tôi có biết hẻm này. Nó nằm trên đường Pellerin (Pasteur), ngang sở Công Chánh. Đó là nơi quy tụ người Bắc buôn bán trong chợ Bến Thành. Có đúng không?
        Chính Heo cười:
        - Trí nhớ của anh Ba thật tuyệt vời. Đúng là hẻm Chùa Chà ngay góc Pellerin - Ohier (Pasteur -Tôn Thất Thiệp). Căn nhà số 102/3 là nhà trọ của anh em người Bắc. Đó là nhà cha mẹ chị Lộc, đã bị bắt khi ném lựu đạn toà soạn báo Phục Tùng. Hoàng Minh Đường xuất thân từ lò đó. Khẩn, Bào cũng trong nhóm đó. Còn anh Ba Mủ xuất thân là dân cạo mủ cao su nên có cái tên Ba Mủ.
        Anh Ba gật:
        - Tôi sẽ tuyên dương công trạng bốn đồng chí này. Tôi cũng viết thư động viên các chị Lan Mê Linh, Lộc và an ủi gia đình các liệt sĩ như anh Hoà...
        Anh Ba nói tiếp:
        - Tôi ra đây đã ba tuần rồi. Đã đến lúc ra bưng thôi. Cám ơn các đồng chí trong Ban công tác số 1 đã hết lòng bảo vệ tôi. Chiều mai, đồng chí cho liên lạc tới đây đưa tôi về. Đi đường dây nào thì do các đồng chí chọn.
        Chính Heo bắt tay anh Ba nói nửa đùa nửa thật:
        - Chúng nó mà đụng tới người anh Cả của Ban công tác số 1 thì trước tiên chúng phải giẫm lên xác của Chính Heo này...
        Chinh Heo đi rồi, anh Ba nói với chị Thanh:
        - Một thằng em dễ thương. Chính Heo đã từng là lính Marine (Hải quân), rồi làm lính thợ Ba Son. Đã có đầu óc dám nghĩ dám làm chuyện đại sự như tranh thủ đội Thăng đưa mìn xuống chiến hạm Suffren định đánh chìm chiếc tuần đương hạm này.
        Rất tiếc là chuyện lớn không thành. Sau đó Chính Heo đã cùng năm đồng đội đột nhập căn nhà số 218 Lagrandière (Lý Tử Trọng) diệt bằng dao găm tất cả sáu tên chỉ điểm mà đầu đảng là tên Nguyễn Trọng Hiền đã bỏ khu về làm tay sai cho thằng cò Bazin.
        Anh Ba tính trở vô khu vào chạng vạng nhưng bọn mật thám đã đánh hơi được. Chúng cho cả tiểu đội tới bao vây khu phố có Nguyễn Bình trú ẩn. Xe nhà binh vừa tới thì chủ nhà đã được báo động. Lập tức anh Ba bảo chị Thanh rút trước theo ngả sau, còn anh thì mặc vội bộ côm-lê thật sang. Cô gái con chủ nhà nhanh nhẩu cặp tay anh Ba bước ra khỏi nhà đúng lúc thằng Tây trên xe jeep bước xuống đường.
        Anh Ba vạch tay áo xem đồng hồ rồi bước ngay tới thằng Tây, lễ phép hỏi:
        - Excusez-moi Monsieur, quelle heure est-il? J ai oublié de remonter ma mon tre. (Mấy giờ rồi thưa ông? Tôi quên lên dây đồng hồ.)
        Thằng Tây phản ứng thật tự nhiên, cúi xuống nhìn đồng hồ của mình, trả lời theo phép lịch sự. Anh Ba móc túi đưa ra bao thuốc Ách chuồn mời thằng Tây một điếu. Cô gái cũng nhanh tay bật quẹt lửa cho thằng Tây đốt thuốc. Hắn chưa hít hết hơi đầu tiên, anh Ba đã cám ơn và tiếp tục đi, tay vẫn choàng qua chiếc lưng thon của cô gái. Thằng Tây ngó theo và nghĩ tới cảnh tối nay hắn sẽ vô vũ trường để có thể cặp tay một cô xẩm xinh đẹp như cặp tình nhân vừa hỏi giờ và mời thuốc hắn. Hắn không ngờ con người lịch thiệp hào hoa kia lại là con mồi thanh tra mật thám Bazin đang lùng sục từ mấy tháng nay.
        Vừa qua ngã tư, anh Ba kêu xích lô đi ngay. Anh thay xe nhiều lần để cắt đuôi mật thám, nếu có.
        Để con mồi xổng, mật thám tức điên lên. Chúng điện các bót nút chân ven đô cấp tốc tổ chức tuần tiễu để tóm bắt khu trưởng Nguyễn Bình trên đường trở ra chiến khu.
        ***
        Tại ấp 4 xã Vĩnh Lộc trung đội của Ly đang đóng trong nhà đồng bào sát đường số 1. Như thường lệ Ly giăng võng ngoài vườn lim dim nghe tiếng chim kêu trên cành. Ly là con đầu lòng của anh Mười Trí; chi đội trưởng Chi đội 4. Mới 17 mà Ly đã to cao gần bằng cha. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh, Ly khoái đánh giặc nên làm quen với súng đạn ngay từ lúc vừa đủ sức “vọc” súng. Lúc đó anh Mười giao cho Ly một trung đội mạnh, ngoài mấy cây tiểu liêu tôm-xông còn có một cây Brenu gọi là FM đầu bạc. Trời nhấp nhem tối, trong nhà đã lên đèn. Dưới bương ếch nhái đã hoà tấu bản nhạc muôn thuở của đồng quê. Một ngày sắp chấm dứt như mọi ngày. Bỗng một loạt súng vang lên ngoài đường số 1. Ly nhảy xuống võng nhanh như sóc. Cậu chạy ra mé vườn. Trong bóng chiều nhập nhoạng một người to cao đang chạy băng vô đồng. Phía sau là một toán lính Pháp đang đuổi theo. Quãng cách chừng hai bờ ruộng, độ năm chục thước. Người đang bị săn đuổi vai đeo sác cốt, đúng là một cán bộ cao cấp. Phải giải vây ngay cho ông ta. Ly chụp cây FM trong tay xạ thủ, cặp nách nổ một loạt về phía toán lính Tây.
        Tiếng súng xuyên hông bất ngờ làm bọn Tây nằm rạp xuống. Nhờ tích tắc đó người đeo sắc cốt chạy thoát, hoà nhập vào đêm tối. Bọn Tây hướng hoả lực về phía trung đội của Ly trước khi rút. Chạm súng với Tây là “chuyện cơm bữa”. Ly và các bạn không nhắc tới chuyện giải vây cho người cán bộ đêm ấy. Nhưng hai ngày sau Ly được tin vui: Anh Mười Trí nhận được thư cám ơn của khu trưởng Nguyễn Bình.
        Không có loạt đạn FM giải vây đầu hôm ngày đó ở ấp 4 Vĩnh Lộc thì khu trưởng khó thoát khỏi cuộc phục kích của địch. Khu trưởng gởi hai trăm tặng đơn vị của trung đội trưởng Ly đã lập chiến công lớn mà không biết.
        Chừng nhận thư khen và tiền thưởng Ly mới biết người cán bộ vai đeo sắc cốt đêm ấy không ai khác hơn khu trưởng Nguyễn Bình. Ông vừa đi thị sát chiến trường nội thành về thì bị phục kích. Cả trung đội đều vui mừng trước tin vui mà không ai nghĩ tới: giải vây cho khu trưởng. Lập tức số tiền thưởng được mua gà vịt tổ chức liên hoan. Rượu vào lời ra, nhưng trong tiếng cười nói ồn ào đó đọng lại một điều đáng suy nghĩ: Tại sao khu trưởng đi một mình trong khi có thể đem theo vài tiểu đội hộ tống? Nội chi tiết nhỏ đó cũng đủ nói lên cái dũng của người tướng.
        Chuyến về thành đó mãi mãi sống trong ký ức chị liên lạc thành Hoàng Thị Thanh. Gặp lại anh Ba trong bưng, chị Thanh không chế ngự được cơn mừng. Chị ôm choàng lấy anh Ba như một đồng đội vừa thoát khỏi một cuộc bao vây chữ O của địch. Thêm một kỷ niệm chung để hai thầy trò gắn bó với nhau trong tình đồng hương, đồng chí và đồng đội.

 

<< Chương 28 | Chương 30 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 918

Return to top