Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40929 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ
Hứa Hoành

Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Chu Trinh (4-4-1926)

Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Chu Trinh (4-4-1926)
Quá lao tâm, lao lực nên bịnh tình trầm trọng thêm, đến ngày 24-3-1926, Phan Chu Trinh trút hơi thở cuối cùng tại khách sạn số 54 đường Pellerin, Sài gòn. Tin buồn lan truyền nhanh chóng khắp nơi trong nước. Đồng bào các giới đều bày tỏ lòng tiếc thương một người ái quốc, suốt đời tận tuỵ hiến thân cho nước. Vì thế, một uỷ ban làm lễ quốc táng được lập ra, quy tụ những thành phần trí thức, thân hào nhân sĩ lúc bấy giờ, những nhà cách mạng lão thành, những thanh niên, học sinh tham dự. Tang lễ của Phan Chu Trinh chính là một cuộc biểu dương sức mạnh, biểu thị lòng ái quốc và là một sự thách thức đối với chính sách khủng bố, đàn áp của thực dân. Có thể nói rằng “Lễ quốc táng của Phan Chu Trinh” là một cuộc biểu tình vĩ đại, trầm lặng trên đường phố, phô trương ý chí quật khởi của dân tộc Việt nam. Thay mặt toàn dân, uỷ ban tổ chức tang lễ tuyên bố: “Nhà cách mạng Phan Chu Trinh suốt đời tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia, cho áp bức của dân tộc, nay người tạ thế, thì toàn dân Việt nam phải có bổn phận làm tang lễ linh đình để mọi người công dân tham dự, đền đáp một phần công ơn của người đối với quốc gia dân tộc”.
Thành phần uỷ ban tổ chức Lễ quốc táng gồm:
- Chủ tịch: ông Bùi Quang Chiêu, đảng Lập hiến, Hội đồng quản hạt Nam Kỳ.
- Các uỷ viên:
- Nguyễn Văn Thinh, bác sĩ Y Khoa tại Sài gòn.
- Trần Văn Đôn, Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, (thân phụ Tướng Đôn).
- Lê Quang Liêm, Đốc Phủ sứ.
- Nguyễn Phan Long, Hội đồng quản hại Nam Kỳ.
- Trương Văn Bền, Hội đồng quản hại Nam Kỳ
- Nguyễn Tấn Được, Hội đồng quản hại Nam Kỳ
- Võ Công Tôn, Hội đồng quản hại Nam Kỳ
- Nguyễn Tấn Văn, Hội đồng thành phố Sài gòn.
- Trương Văn Công, Hội đồng thành phố Chợ Lớn.
- Nguyễn Kim Đính, Chủ nhiệm Đông Pháp thời báo.
- Trần Huy Liệu, chủ bút Đông Pháp thời báo.
- Nguyễn Huỳnh Điểu, hội viên Hội đồng Canh Nông Trà Vinh.
- Nguyễn Dư Khánh, tự Khánh Ký, nhiếp ảnh gia Sài gòn.
- Huỳnh Đình Điển, nhân sĩ Sài gòn.
Phan Khôi viết lời hiệu triệu quốc dân về cái chết của nhà cách mạng Phan Chu Trinh. Hoạ sĩ Đặng Ký lo tìm đất chôn. Liền sau đó, uỷ ban phân phát tờ tuyên ngôn lấy ngày 4-4-1926 làm lễ quốc táng. Thi hài Phan Chu Trinh được quàn trong một tuần lễ tại số 54 Pellerin, năm 1975 là Pasteur, và sau này là Nguyễn Thị Minh Khai. Trong suất thời gian xác Phan Chu Trinh được quàn tại Bá Huê Lầu nói trên, hàng ngày, có trên một ngàn đồng bào tới dâng hương, kính điếu, đặt vòng hoa kỷ niệm. Đại diện các nhà cách mạng, các đảng phái, công chức, học sinh, thợ thuyền, các điền chủ đều có đến nghiêng mình trước linh cửu người quá cố. Tất cả các báo Sài gòn đều có đăng bài và hình ảnh về lễ quốc táng này, lời phân ưu của các cá nhân, đoàn thể đối với gia đình Phan Chu Trinh. Cũng trong thời gian này, có mặt đầy đủ hai con gái của Phan Chu Trinh: Phan Thị Châu Liên cùng chồng là Lê ấm, giáo sư trường Quốc Học Huế và Phan Thị Châu Lan, chồng Nguyễn Đồng Hợi (Tham tá công chánh, thân phụ bà Nguyễn Thị Bình).
Lễ quốc táng Phan Chu Trinh có nhiều chi tiết về nghi thức mô phỏng theo quốc táng nhà cách mạng Tôn Dật Tiên, Trung Hoa. Sinh viên, học sinh nghỉ học. Công chức nghỉ trọn một ngày đưa tang. Các tiệm buôn, hàng quán đều đóng cửa tạm nghỉ. Tuy tang lễ tổ chức rầm rộ, nhưng người ta tránh những việc chi tiêu lãng phí. Tất cả đều làm việc cật lực.
Sau đây là chi tiết từ lúc động quan cho đến khi hạ huyệt: Đúng 6 giờ sáng ngày 4-4-1926, có từ khoảng 60.000 đến 100 000 người (trong khi Sài gòn lúc ấy có độ 300.000 dân) tụ tập hai bên đường Pellerin, đi nối duỗi theo suốt đám tang. Trước khi làm lễ động quan, đám đông tự động sắp hàng bốn, mang băng đen hoặc trắng tuỳ theo họ, mặc áo dài hay đồ Tây. Đám tang diễn qua trung tâm thành phố, trước chợ Bến Thành, rồi tiến về nghĩa trang Hội tương tế Gò Công, gần phi trường Tân Son Nhứt. Dẫn đầu là mười toán mặc đồng phục chỉnh tề, mũ cái két trắng, im lặng bước đều. Tiếp theo sau là các thân hào nhân sĩ, học sinh, thợ thuyền, đảng Thanh Niên tiến bộ... Mọi người cầm biểu ngữ giương cao với những khẩu hiệu, câu đối ca ngợi, tỏ lòng tiếc thương nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Có sáu nhân sĩ được cử ra đi kèm theo xe tang do ngựa kéo. Tiếp theo đó, một làn sóng người nối đuôi nhau, lặng lẽ theo sau quan tài. Không ai hút thuốc hay nói chuyện lớn.
Suốt quãng đường xe tang đi qua, dàn nhạc của trường Taberd cử hành liên tục các bài nhạc bi ai, các bài thánh ca. Tại các ngã đường, nhiều phóng viên báo chí, nhiếp ảnh chụp hình đám tang vĩ đại này. Suốt lộ trình đám tang đi qua, từ chợ Bến Thành tới Tân Sơn Nhứt, hai bên đường có nhiều quán nước dựng lên do dân chúng tự động, bưng nước giải khát cho người đưa đám. Họ tặng không nước trà, nước dừa, nước đá, nước chanh. Tại khu vực nghĩa trang có khoảng 200 biểu ngữ, bích chương, viết bằng 3 thứ tiếng Hán, Nôm và Quốc ngữ treo la liệt, cũng như suốt lộ trình. Nội dung các biểu ngữ là của các chính khách, nhân sĩ và đoàn thể dân chúng ca ngợi nhà ái quốc vĩ đại Phan Chu Trinh, trong đó có câu đối của cụ Phan Bội Châu từ Huế gởi vào. Cùng đọc nội dung các câu đối, biểu ngữ, lời chia buồn, người ta thấy xuất hiện nhiều từ ngữ mới như “độc lập, tự do”, “đoàn kết, dũng cảm”, “tranh đấu, giải phóng”... như một thứ tuyên ngôn phát xuất từ đáy lòng của mỗi người dân.
Từ Bắc tới Nam, có ít nhứt 40 tỉnh và địa phương đã gởi những lời ai điếu, cầu nguyện cho nhà cách mạng lão thành quá vãng trong ngày quốc táng này. Trước khi hạ huyệt, nhiều bài điếu văn được tuyên đọc bằng những lời bi ai, xúc động, bày tỏ lòng thương tiếc Phan Chu Trinh. Người ta hứa hẹn kế tục sự nghiệp tranh đấu của cụ Phan cho đến khi thành công bằng nhiều đường lối khác nhau.
Phía sinh viên học sinh thì nhấn mạnh đến khía cạnh nâng cao dân trí của cụ Phan là trau giồi trí dục, đức dục. Còn các bậc tiền bối thì vạch rõ các đức tính cao quý của Người: một nhà cách mạng có cuộc đời mẫu mực, khắc kỷ, xa lánh các thú vui vật chất thấp hèn.
- Giới thương gia thì nhấn mạnh đến ý niệm cạnh tranh trên thương trường, giành lại độc quyền cho người bản xứ cũng như ý muốn ban đầu của Phan Chu Trinh là dấn thân vào nghề thương mại để mở mang kinh tế nước nhà.
- Còn giới tư sản, điền chủ thì hô hào ủng hộ thuyết “Pháp Việt đề huề”.
- Gần cuối cùng, có 2 bài điếu văn danh thép mà nội dung, ý tưởng gần như tương phản: Một bài của ông Bùi Quang Chiêu (1873-1945), lãnh tụ đảng Lập hiến, tuyên bố rằng: “Di sản lớn lao nhứt mà chúng ta thừa hưởng của cụ Phan Chu Trinh phát xuất từ ý niệm “tin cậy vào Pháp” và mưu tìm sự phát triển dân trí. Hai là bài điếu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), là một trong bốn người bạn thân, có thể coi như đồng chí suốt đời, từng vào sinh ra tử với Phan Chu Trinh, thì nhấn mạnh đến việc đòi hỏi một nước Việt nam độc lập và liên đới”. Ông Huỳnh Thúc Kháng còn ca ngợi cụ Phan Chu Trinh là một người cả đời tận tuỵ tranh đấu không mệt mỏi vì lý tưởng cao cả, nhằm giải phóng quốc gia, dân tộc.
Ngoài ra, còn các bài điếu văn khác của đại diện Trung Hoa Quốc Dân Đảng tại Nam Kỳ, đại diện của hơn 1000 thợ thuyền hãng Ba-son. Trong những bài điếu văn ấy, người ta thấy có sự báo hiệu trước về sự chia rẽ chính kiến, sớm muộn gì cũng làm cho họ chia phe phái, và cái hố sâu ngăn cách giữa họ không có thể hàn gắn được sau này. Khắp nơi trong nước, có 16 địa phương làm lễ tưởng niệm nhà ái quốc Phan Chu Trinh.
Tại Phnom Penh, các Việt kiều cũng đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan một cách trọng thể. Ngoài ra, học sinh các trường lớn ở Qui Nhơn, Mỹ Tho, Vinh, Hà Nội... đều có công khai hoặc lén lút tổ chức lễ tang vì nhà cầm quyền ngăn cấm. Cũng vì thế, một số học sinh, công chức, giáo viên liên hệ bị bắt, bị giam và đuổi khỏi trường, khỏi sở làm. Một số lớn trong đó đã theo hoạt động bí mật chống Pháp, từ sau lễ quốc táng này.
Hình thức chung của tang lễ khắp nơi là đóng cửa các tiệm buôn, mang băng tang, tập họp diễn hành im lặng qua các đường phố với cờ và biểu ngữ để đến một ngôi đình chùa, rạp hái, hoặc một miếng đất trống, nơi tổ chức hành lễ... Tại đây, người ta dựng một bàn thờ trang nghiêm, có hình Phan Chu Trinh phía trên, nhang đèn, khói hương nghi ngút. Đặc biệt không có dâng cúng lễ vật, thức ăn như các đám tang khác.
Tại các tỉnh lớn ở Nam Kỳ, nơi có chế độ cai trị rộng rãi, người ta cử đại diện, trí thức lên đọc hoặc kể tiểu sử cuộc đời nhà cách mạng Phan Chu Trinh, hứa hẹn đi theo con đường chính trị của cụ. Có nơi họ mở ngay cuộc lạc quyên góp tiền bạc gởi về ủng hộ uỷ ban tổ chức tang lễ ở Sài gòn, lo việc xây lăng mộ xứng đáng với công lao của một người suất đời hiến thân cho nước. Lần đầu liên, một đám tang biến thành một buổi lễ có màu sắc chính trị, tổ chức rất quy mô, có sự tham dự của thanh niên, phụ nữ và đông đảo quần chúng lao động trong các thành phố lớn. Còn ở Bắc Kỳ, đứng đầu Uỷ ban tổ chức tang lễ là các nhà trí thức mà nòng cốt hoạt động mạnh mẽ là những sinh viên các trường cao đẳng, các học sinh Lycée tại Hà Nội. Họ phân công đi rải truyền đơn kêu gọi đồng bào thức tỉnh. Họ đến các tiệm buôn yêu cầu đóng cửa vào lúc làm lễ, để bày tỏ thái độ lôn kính và thảo các tuyên ngôn đọc trong buổi lễ.
Trên phương diện báo chí, người ta đọc được những bài viết, những lời phân ưu, tin buồn về việc nhà ái quốc Phan Chu Trinh từ trần như:
Báo La Cloche Felée số ra ngày 25-3-1926 có đăng lời chia buồn:
“Ông Phan Chu Trình, người đồng hương cao quý của chúng ta, ngã bệnh từ khi ở Pháp về, đã từ trần hôm qua 24-3- 1926 hồi giờ 30 tối tại Sài gòn, số 54 đường Pellenn. Chúng tôi thành kính nghiêng mình trước di hài của con người thành tâm này đã đau khổ rất nhiều về đất nước”.
Báo “La Lutte” có đăng mấy câu đối viếng của ông Nguyễn An Ninh, người bạn thân cận nhứt của Phan Chu Trinh:
Nhớ khi nào, con thuyền địa hải lúc dạo chơi, lúc phòng khách, biết bao xiết cảm tình, cũng sắp xúm họp một nhà, vì hai mươi lăm triệu đồng bào, quyết ra tay nâng gánh nặng. Hán sau này, biến thành phong trào, này công lý, này cường quyền, rồi có một phe được, sao vội sa chân chai suối, đời đang ở thế kỷ 20, mà sao rẽ bước qua đường?”
Nắng gió, xương già phơi hải đảo,
Nhớ thương, con trẻ khóc Côn Lôn.
(Câu đối Côn Nôn)
Được tin cụ Phan Chu Trinh mất, ông Phạm Quỳnh trong báo Nam Phong số 103 năm 1926, có viết như sau:
“Nước Nam mới mất một bậc chí sĩ là cụ Phan Chu Trinh. Từ nay, tên cụ sẽ ghi vào sử sách, làm tiêu biểu cho một thời kỳ đau đớn trong lịch sử nước nhà. Thời kỳ ấy là cái thời kỳ mà lòng ái quốc bị coi là một tội vạ, người nào nhiệt thành yêu nước là người ấy khốn khó đến thân”. (Sách “Nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền” của Đặng Hữu Thụ trang 33).
Cũng theo sách đã dẫn, trang 37 thì “Khi cụ Phan Chu Trinh qua đời, cụ Phan Văn Trường hô hào trên báo “La Cloche Felée”, yêu cầu đồng bào làm đám tang thật linh đình, vĩ đại, để tỏ lòng tri ân nhà chí sĩ... Cũng do lời kêu gọi ấy, nên số tiền lạc quyên của đồng bào Nam, Trung, Bắc gởi cụ lên tới 10.000 đồng (300 lượng vàng lúc đó). Số tiền này đã trao cho một uỷ ban mua đất, xây lăng mộ gần phi trường Tân Sơn Nhứt.
Câu đối của ông Huỳnh Thúc Kháng như sau:
“Suối vàng thêm một ma chí sĩ, xã hội sẽ thiếu một người đạo sư mở mặt xem qua đó phong trào, thương phường hậu tử. Hán học cũ là nhà danh giá, Tây học mới là vai cự phách, cờ Tây đêm hiện thời nhân vật được mấy tiên sinh.
Báo “Việt nam hồn “ do ông Nguyễn Thế Truyền chủ trương (Tờ “Việt nam hồn” do Nguyễn Ái Quốc chủ trương ban đầu đã chết) số 5, tháng 5-1926 có đăng bài báo bằng tiếng Pháp (trích từ báo “La Cloche Felée” ngày 4-4-1926), thuật lại đám tang vĩ đại của cụ Phan Chu Trinh, nói đến các bài diễn văn của ông Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng đọc lúc hạ huyệt, nói đến các nhà báo Pháp và Việt tiễn đưa cụ Phan đến nơi an nghỉ cuối cùng: ông Ardin, chủ báo “ Sài gòn Republicain”, ông Mouribout, chủ bút báo “Opinion”, ông Devilar chủ bút báo “Temps d Asie”, ông Fonlaine Laporte, chủ búi báo “La Libre Cochinchine, cụ Phan Văn Trường và Nguyễn Phan Long... có nhiều hình ảnh về lễ tang cụ Phan...”.
Giỗ đầu cụ Phan Chu Trinh tổ chức rầm rộ tại Pháp
Như phần trên đã nói, đám tang cụ Phan Chu Trinh là một biến cố lớn về chinh trị, cho nên người Pháp muốn ngăn cấm. Họ hạn chế nhiều biện pháp. Tại Trung Kỳ, triều đình Huế, dưới áp lực của khâm sứ Pháp ra thông tư cấm dân chúng làm lễ giỗ Phan Chu Trinh. Trong khi đó, năm 1927, sinh viên, trí thức và đông đảo Việt kiều tại Pháp tự do làm lễ giỗ, nhớ ơn cụ Phan Chu Trinh. Hai ông luật sư Dương Văn Giáo và Phan văn Trường đứng ra kêu gọi đồng hương hưởng ứng lễ tưởng niệm này.
“Đêm 10-5-1927 tại hội trường hội bác học Paris, ông Nguyễn Thế Truyền, chủ tịch đảng “Việt nam độc lập” và ông Dương Văn Giáo, một lãnh tụ đảng Lập hiến, tổ chức lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh nhân ngày giỗ đầu của cụ. Có khoảng 300 người dự lễ, quá nửa là Việt nam, còn lại là người Pháp, người da đen và người Trung Hoa. Lễ tưởng niệm bắt đầu lúc 21 giờ và được đặt dưới quyền chủ toạ của Thiếu tá Jules Roux khi đó làm nghề luật sư tại Tours. Luật sư Dương Văn Giáo nói về tiểu sử cụ Phan và chủ trương Pháp Việt đề huề của cụ, phải coi người Việt bình đẳng với người Pháp”.
Diễn giả thuật lại cuộc đời tranh đấu không ngừng nghỉ của cụ Phan Chu Trinh. Nhiều trí thức Pháp Việt bày tỏ lòng ngưỡng mộ, ca tụng nhân phẩm cao quý và lòng can đảm của cụ Phan. Charles Bellan, cựu công sứ Pháp ở Đông Dương, bày tỏ lòng kính phục nhà ái quốc Phan Chu Trinh và nói rằng các người Pháp có tâm huyết đều kính phục và thương tiếc Phan Chu Trinh. Trong khi tại Pháp dân chúng được tự do làm lễ tưởng niệm nhà cách mạng Phan Chu Trinh, thì tại Việt nam, chính quyền ngăn cấm. Năm sau, 1929, nhà cầm quyền tại Đông Dương cũng ra chỉ thị ngăn cấm dân nữa. Cũng vì thế, trên báo “Tiếng Dân” xuất bản tại Huế, số ra ngày 28-2-1928, cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ bút đã viết những lời mỉa mai như sau:
“Người ta hay nói: “chết là hết chuyện”... Thế mà cụ Tây Hồ chết đã 2 năm mà chuyện còn, chưa hết. Năm ngoái, (1927) một tờ thông tư cấm giỗ cụ Tây Hồ, năm nay lại một tờ thông tư cấm giỗ cụ Tây Hồ. Mỗi năm một lần giỗ cụ Tây Hồ, chắc còn mỗi năm một tờ như thế. Thế mới biệt cụ Tây Hồ mất mà tinh thần cụ không bao giờ mất. Người nước Nam ta mà có cụ Tây Hồ thật là có một không hai vậy. Dân ta một ngày nào dừng chân trên mảnh đất này, thì để tâm tang cho cụ Tây Hồ chắc không có cái gì cản được”.

<< Phan Chu Trinh và Nguyễn Tất Thành | Phụ Lục >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 783

Return to top